Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Dịch cúm heo và tác hại kinh tế

Bài này tôi viết cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ hôm đầu tuần, nhưng những thông tin vẫn còn mang tính thời sự.

Diễn biến của nạn dịch cúm heo ở Mexico càng ngày càng phức tạp. Tính từ ngày 13-4-2009 đến đầu tuần này, Mexico có hàng ngàn người mắc bệnh cúm heo do phơi nhiễm virút H1N1, và trong số này khoảng 6% (152 người) tử vong.

Điều đáng quan tâm là những người bị nhiễm và tử vong nằm trong độ tuổi thanh niên và trung niên, chứ không phải người cao tuổi hay trẻ em, vốn là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm. Chính phủ Mexico ra lệnh đóng cửa trường học, khuyến cáo tránh tập họp thành đám đông, và tăng cường các biện pháp y tế cộng đồng để đối phó với một nạn dịch có thể nói là nguy hiểm nhất cho nước này.

Có dấu hiệu cho thấy dịch cúm heo đã lan sang Mĩ và một số nước khác như New Zealand, Israel, Canada, Anh và Tây Ban Nha. Chỉ trong vòng một tuần từ ngày cúm gia cầm đột phát ở Mexico, các bang giáp biên giới Mexico như California, Texas, thậm chí xa hơn như Ohio và New York đã ghi nhận ít nhất 68 ca đã qua xét nghiệm và hàng trăm ca nghi ngờ.

Đặc biệt là ngày 17-4-2009, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mĩ (CDC) cho biết có hai trẻ em ở một ngoại ô thuộc thành phố San Diego, giáp biên giới Mexico, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H1N1. Phân tích thêm cho thấy virút được phát hiện có một mảng DNA không giống như các virút trước tìm thấy ở con người và heo.

Cả hai em bé đều không tiếp xúc với heo, và cho đến nay chưa ai biết nguồn nhiễm xuất phát từ đâu. Các nhà khoa học cho biết mặc dù đây là một chủng mới của virút H1N1 ở con người, họ rất quan tâm rằng có thể virus sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người, và các vắcxin hiện hành không có hiệu quả chống lại sự lan truyền đó.

Trước những diễn biến trên, ngày 25-4-2009, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn và nhận định rằng vấn đề có quy mô quốc tế. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, WHO phải ra một tuyên bố mang tính nghiêm trọng như hiện nay.

Ngay cả trước đây, khi dịch cúm H5N1 xảy ra ở vài nước châu Á, WHO cũng chưa ra những tuyên bố khẩn. Và, họ cũng có lý do để cẩn thận trong lần này, bởi vì dịch cúm H1N1 đã từng có “tiền sử” gây tác hại đến con người và kinh tế toàn cầu.

Virus H1N1

Virút H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng một năm.

Có người cho rằng con số tử vong thật sự lên đến hàng trăm triệu người; chỉ riêng Ấn Độ, có hơn 20 triệu người chết trong đại dịch 1918. Tuy thường được gọi là đại dịch Tây Ban Nha, nhưng thực ra có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy đại dịch đó xuất phát từ Mĩ. Tác hại của H1N1 đến dân số chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: kinh khủng. Tuổi thọ trung bình ở người Mĩ vào năm 1917 là 51, nhưng sau nạn đại dịch 1918, tuổi thọ trung bình giảm xuống chỉ còn 39 tuổi!

Tuy nhiên, virút H1N1 không phải là virút mới, vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới. Virút này cũng từng là thủ phạm gây ra nhiều bệnh đường hô hấp cho heo. Nghiên cứu ở Anh cho thấy hơn 50% heo ở Anh bị nhiễm virút ít nhất là một lần trong quãng đời sống của heo. Do đó, có thể nói heo là một vật chủ, một nguồn dự trữ lớn của các virút H1N1 (và H3N2).

Hiểu theo nghĩa này, cúm gia súc luôn luôn là một nguy cơ chực chờ. Thật vậy, năm 1994, virút H1N1 được tìm thấy trong heo ở Đức, Pháp, Hà Lan, và một số nước thuộc vùng bắc châu Âu. Ở Đài Loan và Thổ Nhĩ Kì, virút H1N1 còn tìm thấy ở heo và gà tây.

Có lẽ nói không ngoa rằng ở nước ta, virút H1N1 vẫn có tiềm năng tồn tại, nhưng chưa được phát hiện. Nếu có cơ hội và môi trường thuận tiện, một dịch cúm gia súc có thể bộc phát bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Có thể nói trong môi trường sống hiện đại, với mật độ dân số càng ngày càng gia tăng, việc di chuyển giữa các nước trên thế giới trong vòng vài giờ (thay vì vài tháng như trước đây), và phương thức chăn nuôi, sản xuất quy mô lớn là những điều kiện lí tưởng cho các virút có cơ hội lan truyền nhanh chóng.

Ảnh hưởng đến kinh tế

Đứng trên phương diện y tế công cộng, một virus có thể gây đại dịch nếu hội đủ ba điều kiện: đột biến, tiềm năng lây truyền từ người sang người, và gây tử vong. Các dữ liệu ban đầu cho thấy dịch cúm H1N1 hội đủ gần như cả ba điều kiện, và đó là một mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện y tế và y khoa hiện đại như hiện nay, tỉ lệ này có thể sẽ thấp hơn so với trước đây. Các bằng chứng này cho thấy H1N1 có thể tiến hóa thành một virus mới, có khả năng lây truyền từ người sang người, và gây tử vong cho con người. Do đó, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề toàn cầu, với tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với dịch cúm do H5N1 gây ra trong thời gian gần đây.

Nếu đại dịch xảy ra ở quy mô toàn cầu thì hệ quả như thế nào? Hệ quả của một nạn dịch không chỉ là sự tổn thất về nhân mạng mà còn kinh tế. Dịch bệnh làm cho sự đi lại và giao dịch thương mại bị hạn chế và gây tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kể cả du lịch, thực phẩm, đầu tư và thị trường chứng khoán.

Ngay hiện nay, Mexico là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất: một số nước ra lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Mexico, một số nước thì ra khuyến cáo công dân họ không nên đi du lịch ở Mexico, hay người về từ Mexico bị khám xét cẩn thận ...

Năm 2006, Vụ Ngân sách thuộc Quốc hội Mĩ phân tích về tác động của một đại dịch đến nền kinh tế nước Mĩ. Theo phân tích này, nếu xảy ra một đại dịch như đại dịch Tây Ban Nha 1918 có thể làm cho tổng sản lượng quốc dân giảm 4%, hay một đại dịch nhẹ hơn (như dịch cúm năm 1957 và 1968) cũng có thể làm giảm tổng sản lượng quốc dân khoảng 1%.

Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng nếu một đại dịch xảy ra trên quy mô toàn cầu sẽ có thể tốn 3.000 tỉ đô la và làm mất 5% tổng sản lượng thế giới, và khoảng 70 triệu người có thể tử vong. Một số ước tính khác cho rằng con số thiệt hại kinh tế có thể còn hơn 4.400 tỉ đô la.

Như để thấy những thiệt hại trên không phải là viễn vông, chúng ta có thể xem qua tác động của nạn dịch SARS năm 2003. Dịch SARS làm cho việc đi lại bị hạn chế, thương mại bị gián đoạn và làm cho 25 nước vùng châu Á - Thái Bình Dương mất gần 40 tỉ đô la, với 775 người tử vong và 8.000 người bị nhiễm.

Ngừa bệnh hơn chữa bệnh

Tuy diễn biến của dịch cúm rất khó tiên đoán, nhưng chúng ta có thể nghĩ đến ba tình huống trong tương lai: một là H1N1 sẽ đột biến và có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virus khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virus H1N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); và ba là H1N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người.

Trong ba tình huống, virút H1N1 đều có thể trở nên một tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Bản chất của cúm gia cầm là truyền nhiễm. Do đó, vaccin là một biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất ở mức độ cộng đồng.

Trong quá khứ, chính vì thiếu vắcxin, cho nên con số tử vong vì các nạn dịch lên đến hàng triệu. Chúng ta không để một tình trạng như thế xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là có tín hiệu cho thấy virút H1N1 phát hiện ở Mexico có thể kháng thuốc. Điều này đặt ra nhu cầu cho nghiên cứu khoa học tìm hiểu về cơ chế gây bệnh và kháng thuốc của virút.

NVT

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Bài thơ của Đỗ Trung Quân

Hôm nay là một ngày lịch sử. Lịch sử của 34 năm về trước. Bây giờ nhìn lại 34 năm về trước và những năm sau ngày đất nước thống nhất, có biết bao nhiêu chuyện khôi hài, bi hài, về những người mới vào tiếp quản miền Nam. Tôi còn nhớ một ông chính trị viên tên là VĐH (người Thanh) nói xùi bọt mép cho đám trẻ tôi nhận thức rằng Mĩ nó tàn ác và xấu lắm, để so sánh với sự ưu việt của “chế độ ta”. Ông nói bọn Mĩ nó có nhiều báo chí, đài truyền hình, biết để làm gì không? Chúng nó muốn làm cho các bạn mù toáng lên, lẫn lộn, không biết đâu là thật và đâu là giả. Chúng nó thâm lắm. Tụi tôi ngồi phía dưới ôm bụng cười gần chết. Đến giờ giải lao, ra uống cà phê, có thằng còn giả giọng Thanh Hóa lên lớp bọn tôi. Vui ơi là vui. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó các vị ngoài ấy mới vào, thấy choáng ngộp với miền Nam, nên muốn thị uy bằng cách đánh phủ đầu. Bây giờ thì tôi hiểu đó là một hội chứng tâm lí mặc cảm tự ti, một hội chứng inferiority complex.

Hôm nọ, đọc trên Tiền Phong, thấy bài “Vào Sài Gòn, lính trẻ ngày ấy …” của Ngô Minh. Trong đó anh mô tả một cách thành thật những khờ khạo của bộ đội thời đó. Xin trích một đoạn:

Là một cử nhân tốt nghiệp Trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội hẳn hoi, mà sáng 30/4, tôi mới lần đầu tiên biết thế nào là quảng cáo! Dọc đường từ Xuân Lộc vào Biên Hòa, trên xa lộ Sài Gòn có trưng rất nhiều tấm biển to tướng với đủ màu sắc lòe lọet. Lớn nhất và gây ấn tượng là tấm biển vẽ một gương mặt người da đen đang cười, khoe hàm răng trắng tinh, đều răm rắp với chữ Hynos to tổ bố.

Tấm biển rộng hàng chục mét vuông, được dựng bằng khung sắt bê tông cao lớn giữa cánh đồng, đi xa hàng chục cây số vẫn thấy! Tôi hỏi một chị du kích dẫn đường ở Biên Hòa là họ vẽ cái gì thế. Chị nhìn tôi như thể từ mặt trăng rơi xuống, rồi cười toáng lên: “Đó là quảng cáo hàng hóa. Họ quảng cáo loại thuốc đánh răng tên là Hynos! Cả miền Nam này dùng loại thuốc đánh răng này đấy!”. Về quảng cáo, tôi chưa bao giờ được học ở trường đại học ở Hà Nội!


Bộ đội giải phóng đa phần là thanh niên học cấp 2 cấp 3 làng quê miền Bắc, lớn lên ở nông thôn, vào chiến trường lại ở rừng núi , nên vào Sài Gòn rất bỡ ngỡ. Anh Diên người Tày, quê Lạng Sơn là anh nuôi đơn vị tôi. Ngay buổi sáng 1/5/1975 đi chợ mua chục con cá lóc. Anh về đếm mãi vẫn cứ 12 con, bèn lật đật ra chợ tìm cho được bà bán cá trả lại hai con vì “tội người ta”, “buôn bán kiểu này thì lời cái gì
”.

Khi anh tìm được bà bán cá, bà cười toáng lên: “Chú giải phóng ơi, “một chục” ở đây là 12 chứ không phải mười nghen!”. Anh về kho nấu bữa tối, còn hai con cá để lại ngày mai, anh cho vào chỗ bệ cầu vì thấy ở đó có nước! Sáng mai anh đi bắt cá để nấu cháo thì cá không còn nữa. Anh đi báo cáo thủ trưởng, tưởng có người làm mồi nhậu ban đêm. Đến nơi ai cũng ôm bụng cười vì cá thì mất, mà cầu thì tắc, phải nhờ ông thợ hàng xóm sang thông hộ.”

Còn nhiều chuyện như thế này lắm. Còn có chuyện bộ đội thấy tiệm đề “sửa xe honda”, bèn vào lấy ghế ra ngồi và gọi hai li sữa honda! Nghe cứ như là chuyện nói xấu, xuyên tạc, nhưng hoàn toàn thật, vì nó được chính bộ đội viết trên sách.

Hôm nay đọc bài thơ này của Đỗ Trung Quân làm tôi nhớ chuyện xưa. Những gì ĐTQ viết đều chính xác vào thời đó. Tôi có thể làm chứng. Ngay cả bài báo của bác NKViện tôi cũng có đọc. Ôi, một thời mông muội đã qua …

NVT

http://blog.360.yahoo.com/blog-Hg0onXE8eq893iD0JArCi88FNBLxbcqwuw--?cq=1

Một bài thơ chưa từng công bố

Đã 34 năm trôi qua. Hòa bình cũng dài ngang bằng cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử. Chưa có cuộc chiến nào ám ảnh một dân tộc cho bằng cuộc chiến tranh này, nó thay đổi hình thái xã hội, thay đổi số phận con người. Công bố bài thơ viết năm 27 tuổi, bảy năm sau hòa bình(1982). Nay nhìn lại ,tôi cũng không hiểu điều gì đã dẫn dắt cho những dòng chữ này. Khi làm xong nghĩa vụ một thanh niên thời hậu chiến, người có lý lịch may mắn không vướng phải chuyện lính tráng dù thế hệ tôi sau “mùa hè đỏ lửa 1972” hầu hết cũng đã “yên vị” khói hương trên bàn thờ gia đình.

Còn nhớ những năm của thập niên 80, giáo sư Nguyễn Khắc Viện viết một bài đanh thép trên báo Sài Gòn Giải Phóng “sen hay bùn” về danh xưng khi nào thì gọi là thành phố Hồ Chí Minh, khi nào thì gọi là Sài Gòn, và ông khẳng định cái tốt thì gọi tp HCM, cái tệ nạn, cái xấu, cái "tồn đọng" thì gọi là Sài Gòn. Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã đối thoại bằng một bài báo khác (tất nhiên ông không thể đăng bài phản biện ấy trên báo SGGP như trong một xã hội bình thường), ông nhắc rằng hiện tại sau 10 năm giải phóng, thành phố vẫn còn một tờ báo lớn tiếng nói chính thức của “Đảng bộ và nhân dân thành phố” tờ Sài Gòn Giải Phóng (nó vẫn còn đến tận hôm nay), còn một nhà máy thuốc lá Sài Gòn, còn một đội bóng danh tiếng mang tên Cảng Sài Gòn (nay đã không còn)…
Bài thơ này, có lẽ là cái nhìn đau đớn đầu tiên của một người trẻ tuổi vừa từ chiến trường K trở về với bao nhiêu hoài bão sau khi chứng kiến những hy sinh cao đẹp của một thế hệ thanh niên Sài Gòn,những con người thành phố tuổi chỉ mới đôi mươi …

Hai mươi bảy tuổi và một bài thơ dài nhất của đời mình...

Đỗ Trung Quân

TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN
(1982)

1.
Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Các anh từ Bắc vào Nam
Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc
Các anh đến
Và nhìn Sai Gon như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục,ăn chơi
“Hiện sinh-buồn nôn-phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sai Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sai Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
các anh bảo Sai Gòn là trang sách “hư vô”
văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
ngòi bút các anh thay súng
bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản
các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang” nổi loạn
là thiêu thân ủy mị, yếu hèn
các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương
mang tuổi trẻ Sai Gòn ra trước vành móng ngựa!!!

2.
Tội nghiệp Sài Gòn quá thể
Tội nghiệp chiếc cầu Công Lý
Có anh thợ điện ra đi không về
Tội nghiệp những “bà mẹ Bàn Cờ” của những ngày chống Mỹ
Lửa khói vỉa hè nám cả những hàng me
Tội nghiệp những người sài gòn đi xa
Đi từ tuổi hai mươi
Nhận hoang đảo tù đày để nói về lòng ái quốc
Có ai hỏi những hàng dương xanh
Xem đã bao nhiêu người Sài Gòn hóa thân vào sóng nước
Tội nghiệp nhưng đêm Sài Gòn đốt đuốc
Những “người cha bến tàu” xuống đường với bao tử trống không
Tội nghiệp nhưng ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
những vị giáo sư trên bục giảng đường
ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc
Sài Gòn của tôi-của chúng ta.
có tiếng cười
và tiếng khóc

3.
Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót
Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi
Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện
Những gã du đãng giang hồ cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển
Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình
Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát .hy sinh…

4.
Và khi ấy
Thì chính “các anh”
Những người nhân danh Hà Nội
Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới
Chửi đã đời .
Chửi hả hê
Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình
Các anh những người nhân danh Hà Nội sợ đến tái xanh
Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!
Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc
Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt
Những bà mẹ làm ra hạt lúa
Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin
Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm
để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch
Bây giờ
Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”
Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân
Các anh
đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân
đã bờm xờm râu tóc,cũng quần jean xắn gấu
Cũng phanh ngực áo,cũng xỏ dép sa bô
Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio…
Bia ôm và gái
Các anh ngông nghênh tuyên ngôn”khôn & dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ
Sài Gòn 1982 lẽ nào…
Lại bắt đầu ghẻ lở?

5.
Tội nghiệp em
Tội nghiệp anh
Tội nghiệp chúng ta những người thành phố
Những ai ngổn ngang quá khứ của mình
Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”
Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

6.
Xin ngả nón chào các ngài
“Quan toà trong sạch”
Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi
Bình thản đổi thay lốt cũ
Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn
Hồn nhiên xanh muôn thưở
để yên cho xương rồng,gai góc
Chân thật nở hoa
Này đây!
Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa
Nơi một góc (chỉ một góc thôi)
Sài Gòn bầy hầy ,ghẻ lở
Bây giờ…
Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào” thượng đế”
Khi sống hả hê giữa một thiên đường
Ai bây giờ
Sẽ
Tạ lỗi
Với Trường Sơn?
Đỗ trung quân (1982)

(*) năm 1995-nhà xuất bản Trình Bày có ý định in bài thơ này với cái tên tác giả "Chung Do Kwan" trong phần" thơ dịch". Bài thơ vẫn còn là "ý định" bởi sự cân nhắc cũng là nhã ý của nhà Trình Bày khi biết tác giả thật sự vẫn còn đang sống ở VN.

Tỉ lệ tử vong do cúm heo là bao nhiêu ?

Trong nạn dịch cúm heo hiện nay, có bao nhiêu người chết vì cúm heo? Câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng câu trả lời không dễ chút nào. Nếu chịu khó suy nghĩ về khoa học tính đằng sau cách tính thì khó ai có can đảm nói tỉ lệ tử vong vì cúm heo là beo nhiêu.

Phát biểu trên báo chí về ảnh hưởng của cúm heo, một quan chức của Bộ y tế (Cục trưởng Cục y tế dự phòng) cho biết: “Tỉ lệ tử vong do bệnh cúm heo cao hơn cả dịch Sars […]. Rà soát số người nhiễm cúm heo ở Mexico cho thấy tỉ lệ tử vong do nhiễm virus cúm heo khoảng 26,5%, cao gần gấp ba lần so với tỉ lệ tử vong do dịch SARS (khoảng 10%)”. Câu phát biểu này được báo chí Việt Nam, như Vnexpress trích lại, như là một lời cảnh báo về tầm quan trọng của dịch cúm heo đang hoành hành bên Mexico.

Nhưng “tỉ lệ tử vong do nhiễm virus cúm heo” ở đây có nghĩa là gì? Trong dịch tễ học, tỉ lệ tử vong cho một nạn dịch thường được gọi là case fatality rate (CFR). Như tên gọi, tỉ lệ hay CFR là một phân số. Mà, phân số thì phải có mẫu số và tử số. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là: mẫu số và tử số mà ông Cục trưởng đề cập đến là gì? Chẳng ai biết.

Nhưng theo một cách hiểu thông thường, bởi vì nói đến tử vong, cho nên tử số của công thức CFR chắc chắn phải là con số bệnh nhân bị chết do cúm heo. Còn mẫu số? Một cách logic, mẫu sổ phải phản ảnh số người phơi nhiễm cúm heo. Nhưng để biết một bệnh nhân có nhiễm cúm heo hay không, người ta phải làm xét nghiệm. Trên thế giới chỉ có 3 hay 4 trung tâm thí nghiệm có thể làm việc này (1 ở Mĩ, 1 ở Tân Tây Lan, 1 ở Pháp). Do khó khăn trong việc xác định ai bị cúm heo, người ta thường gộp chung những người có triệu chứng cúm vào nhóm phơi nhiễm, tức mẫu số.

Chẳng hạn như ở Mexico, tính đến ngày hôm nay (27/4/09), các cơ quan y tế ghi nhận 1640 trường hợp cúm, và trong số này 140 người chết. Tuy nhiên, trong số 140 người chết, chỉ có 20 ca được xét nghiệm là bị nhiễm cúm heo trước đó (do Mĩ xét nghiệm). Còn 1640 trường hợp cúm, không ai biết có bao nhiêu thật sự là cúm heo. Nhưng cho dù tính [một cách sai lầm] bằng cách lấy 140 ca tử vong chia cho 1640 ca nhiễm thì tỉ lệ tử vong là 8,5%

Nếu chúng ta tính luôn cả những người bị nhiễm ở Mĩ, Tân Tây Lan, Úc, Âu châu, v.v… thì con số bị nhiễm phải gần 2000 người, nhưng ở các nước vừa kể, chưa có ca tử vong nào. Do đó, trong thực tế, tỉ lệ tử vong còn thấp hơn con số 8,5%.

Con số tử vong trong nạn dịch SARS năm 2003 mà ông Cục trưởng trích dẫn cũng sai. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỉ lệ tử vong vì SARS dao động tùy theo độ tuổi và địa phương, nhưng tính chung trên toàn thế giới, thì tỉ lệ tử vong là 14% đến 15% tính trên số ca bị nhiễm. Vẫn theo tài liệu trên, ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong vì SARS là 8%. Như vậy con số 10% tử vong vì SARS của ông Cục trường không có cơ sở khoa học nào cả, nếu không muốn nói là sai.

Nói tóm lại, hiện nay chưa thể ước tính tỉ lệ tử vong vì cúm heo, nhưng những dữ liệu công bố trên các phương tiện truyền thông công cộng cho thấy tỉ lệ tử vong vì cúm heo dưới 10%, chứ không thể là 26,5% như ông Cục trưởng nói. Dịch cúm heo đang diễn biến theo chiều hướng khó tiên đoán, và trong tình hình đó, chúng ta cần phải bình tĩnh (chứ không hoảng loạn) đối phó. Và, để đối phó hữu hiệu, chúng ta cần những thông tin chính xác và có cơ sở khoa học, thay vì những thông tin cảm tính gây hoang mang một cách không cần thiết.

NVT

TB. Hôm qua, có bạn hỏi tài liệu tham khảo cho phát biểu của tôi về khả năng lây lan và đột biến của virút cúm heo. Tài liệu đó ở đây:

Gooskens J, et al. Morbidity and Mortality Associated With Nosocomial Transmission of Oseltamivir-Resistant Influenza A(H1N1) Virus. JAMA 2009;301(10):1042-1046.

Dharan NJ, et al. Infections With Oseltamivir-Resistant Influenza A(H1N1) Virus in the United States. JAMA 2009;301(10):1034-1041.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Đánh giá nguy cơ dịch cúm heo

Diễn biến dịch cúm heo càng ngày càng phức tạp. Bài này bàn về nguy cơ của một đại dịch dựa vào số liệu hiện hành và quan điểm dịch tễ học ...

Ít ai ngờ rằng con heo hiền lành lại làm cho cả thế giới hoang mang vì virút nó mang trong cơ thể. Đầu tháng 3/2009 các quan chức y tế Mexico phát hiện một số trường hợp bị nhiễm virút H1N1 và tử vong. Địa điểm là một lò mổ heo. Tính từ ngày 13/4/2009 đến nay, đã có hơn 1600 người bị nhiễm virút và 149 người chết. Những con số này liên tiếp gia tăng từng ngày. Ở Mĩ, có ít nhất là 20 người ở các bang miền Tây gần Mexico như California và Texas, kể cả Kansas, New York, và Ohio, cũng bị nhiễm virút H1N1. Báo cáo mới nhất cho thấy các nước như Canada, Úc, và một số nước Âu châu cũng có một số ca bị nhiễm H1N1.

Ngày 17/4/2009, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mĩ (CDC) cho biết có 2 trẻ em ở một ngoại ô thuộc thành phố San Diego, giáp biên giới Mexico, có kết quả xét nghiệm dương tính cho viru1t H1N1. Virút H1N1 có khả năng kháng thuốc amantadine và rimantadine. Phân tích thêm cho thấy virút được phát hiện có một mảng DNA không giống như các virút trước tìm thấy ở con người và heo. Cả hai em bé đều không có tiếp xúc với heo, và cho đến nay chưa ai biết nguồn nhiễm xuất phát từ đâu. Các nhà khoa học cho biết mặc dù đây là một chủng mới của virút H1N1 ở con người, họ rất quan tâm rằng có thể virút sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người, và các vắcxin hiện hành không có hiệu quả chống lại sự lan tuyền đó.

Virút H1N1 là một trong những virút trong gia đình virút cúm loại A. Mẫu tự "H" đề cập đến protein Hemagglutinin, và "N" là protein Neuraminidase. Virút H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng 1 năm. Do đó, phát hiện H1N1 ở người lập tức làm cho các giới chức y tế trên thế giới phải đặc biệt quan tâm. Thật vậy, trước tình hình nhiễm virút H1N1 ở Mexico, ngày 25/4/2009, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn và nhận định rằng vấn đề có qui mô quốc tế.

Lan truyền từ heo sang người

Virút thuộc chủng A như H1N1 và H3N2 không phải là những virút mới, vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới. Hai virút này cũng từng là thủ phạm gây ra nhiều bệnh đường hô hấp cho heo. Nghiên cứu ở Anh cho thấy hơn 50% heo ở Anh bị nhiễm virút ít nhất là một lần trong quãng đời sống của heo. Do đó, có thể nói heo là một vật chủ, một nguồn dự trữ lớn của các virút H1N1 và H3N2.

Virút từ heo có thể lây lan sang người hay không? Có nhiều giả thuyết cho rằng trận đại dịch năm 1918 là hệ quả của sự lây truyền virút từ heo sang người. Đến năm 1976, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy một sự lan truyền từ heo sang người là hoàn toàn có cơ sở sinh học. Heo cũng được xem chính là thủ phạm, là nguồn lây lan virút H1N1 đến nhiều người lính Mĩ trong nạn dịch xảy ra trong trại lính ở Mĩ vào năm 1976 và 1977.

Một đại dịch có thể xảy ra?

Trước những sự thật khoa học về virút H1N1 và tình hình khẩn ở Mexico, câu hỏi đặt ra là có thể xảy ra một đại dịch như năm 1918? Một số nhà khoa học (chuyên nghiệp và tài tử) lí giải rằng lịch sử cận đại cho thấy cứ trung bình 30 năm thì có một nạn cúm lớn trên thế giới (lần sau cùng một đại dịch xảy ra là vào năm 1968), và từ đó đến nay đã hơn 30 năm rồi mà một đại dịch vẫn chưa xảy ra. Có người, còn khẳng định rằng một đại dịch sẽ xảy ra nay mai, vấn đề là khi nào mà thôi. Nhưng cách lí giải này xem ra có vẻ... dị đoan. Một đại dịch có khả năng xảy ra phải có nguyên nhân và điều kiện, chứ không phải cứ theo một chu kì huyền bí nào đó.

Đứng trên mặt y tế công cộng mà phát biểu, có 3 điều kiện để một virút có thể gây ra một đại dịch toàn cầu: một là vi-rút đó phải có khả năng đột biến thành một virút mới; hai là virút đó phải có khả năng tái tạo hay đột biến một khi xâm nhập vào cơ thể con người; và ba là virút phải có khả năng truyền nhiễm giữa người và người.

Điều kiện thứ nhất: Một nghiên cứu mới công bố trên tập san y học JAMA (thuộc Hiệp hội y khoa Mĩ) vào đầu tháng 3 năm nay cho biết virút H1N1 đang trở nên kháng các thuốc như Tamiflu (oseltamivir), một thuốc hàng đầu trong việc phòng chống cúm gia cầm. Tỉ lệ kháng thuốc được ghi nhận là 12% ở Mĩ và 16% trên thế giới. Nhưng điều đáng quan ngại là xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh của Mĩ mới cho biết 321 trong số 325 (tức 98%) có dấu hiệu kháng thuốc. Điều này cho thấy virút H1N1 quả thật có khả năng đột biến thành một chủng mới, và đặt ra nhu cầu cho một thuốc chống cúm gia cầm mới.

Điều kiện thứ hai: Hiện nay chúng ta đã có bằng chứng sơ khởi cho thấy virút H1N1 gây tử vong cho con người. Như đề cập trong phần đầu của bài viết, tỉ lệ tử vong vì nhiễm H1N1 lên đến 6% (trong số những người bị nhiễm), và đây là một tỉ lệ khá cao. Tuy số liệu trên cho thấy nguy cơ tử vong từ virút H1N1 khá cao, nhưng trong thực tế nguy cơ có lẽ thấp hơn, bởi vì có thể có nhiều trường hợp tử vong vì vi khuẩn và thiếu thuốc kháng sinh, và cũng không thể loại trừ khả năng có nhiều trường hợp bị nhiễm nhẹ nhưng không được báo cáo.

Điều kiện thứ ba: Khác với virút H5N1 chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng có bằng chứng cho thấy virút H1N1 có khả năng lan truyền từ người sang người. Một nghiên cứu ở Hà Lan vào tháng 2/2008 cung cấp một bài học quí báu về khả năng lây lan của virút H1N1. Bốn bệnh nhân trong một bệnh viện ở Hà Lan mắc bệnh khi phơi nhiễm H1N1, và phân tích di truyền cho thấy các virút y chang nhau, và đây là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy virút H1N1 có thể lây từ người sang người.

Số liệu ở Mĩ thu thập vào ngày 22/4/2009 cho thấy chủng virút H1N1 lần này rất khác so với chủng thấy ở heo, và đó là một báo động. Điều thứ hai đáng chú ý nữa là cả 2 trường hợp bị nhiễm H1N1 cách nhau cả trăm cây số. Cả hai trường hợp đề cập trong phần đầu bài viết đều không có tiếp xúc với heo. Thêm vào đó, các thành viên trong gia đình của 2 bệnh nhân từng có những triệu chứng trước khi bệnh xảy ra. Những thông tin này cho thấy H1N1 có thể lan truyền từ người sang người một cách “hữu hiệu”.

Nói tóm lại, trong 3 điều kiện cho một đại dịch, virút H1N1 đã hội đủ cả 3 điều kiện. Do đó, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề toàn cầu, với tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với dịch cúm do H5N1 gây ra trong thời gian gần đây.

Ngừa bệnh hơn chữa bệnh

Tuy khả năng về một cơn đại dịch xảy ra, nhưng trong thực tế, không ai có thể tiên đoán chính xác được tương lai. Có thể nghĩ đến ba tình huống trong tương lai: một là H1N1 sẽ đột biến để có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virút khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virút H1N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); và ba là H1N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người. Trong ba tình huống, virút H1N1 đều có thể trở nên một tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.

Bản chất của cúm gia cầm là truyền nhiễm. Do đó, vắcxin là một biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất ở mức độ cộng đồng. Trong quá khứ, chính vì thiếu vắc-xin, cho nên con số tử vong vì các nạn dịch lên đến hàng triệu. Chúng ta không để một tình trạng như thể xảy ra trong tương lai.

Vì H1N1 có thể lan truyền từ người sang người, và trong thời đại di chuyển bằng máy bay ngày nay, khả năng H1N1 đi từ Mexico hay các nước gần Mexico như Mĩ và Canada đến Việt Nam không phải là ngày mà là giờ. Ở một số nước, các quan chức y tế đã thiết lập những trạm y tế để phát hiện hành khách phơi nhiễm H1N1 ngay từ các trạm hải quan biên giới và phi trường. Nếu phòng bệnh hơn chữa bệnh, có lẽ nước ta cũng cần một trạm như thế ở phi trường, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Mĩ và Tổ chức Y tế Thế giới.


Tìm hiểu về cúm gia cầm

Các virút cúm thành 3 nhóm: A, B và C. Các virút thuộc nhóm B và C thường tìm thấy trong con người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng các virút thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virút có khả năng kháng nguyên (antigenic), có nghĩa là chúng có thể tiến hóa thành những virút mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng).

Virút cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15. NA có 9 chi với mã danh N1 đến N9. Virút H1N1 và H5N1 là một trong những chi virút này. Virút thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lan truyền trong con người từ 100 năm qua. Nhưng virút H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.

Cúm gia cầm được phát hiện từ Italia khoảng 100 năm trước đây. Trong suốt 100 năm qua, không ai nghĩ virút có thể lan truyền sang con người. Nhưng đến năm 1976, các nhà khoa học làm thí nghiệm cho thấy H1N1 có thể lây truyền từ người sang người.

NVT

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Thế nào là "nghiên cứu khoa học"?

Trong vở kịch “Romeo và Juliet”, văn hào Shakespeare cho Juliet nói một câu về hoa hồng như sau: “Một đóa hoa hồng, dù được gọi bằng bất cứ tên gì, thì vẫn có hương vị ngọt ngào”. Câu hỏi đặt ra là trong khoa học, chúng ta có thể phân biệt các hoạt động nghiên cứu khoa học với các hoạt động khác trong xã hội mà nhìn và cảm nhận cũng giống như nghiên cứu?

Theo một giáo sư khả kính thì hai hoạt động sau đây là nghiên cứu khoa học: một bà nội trợ đi thăm dò giá cả ngoài chợ để mua thực phẩm với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất, hay đôi trai gái tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân.

Nhưng tôi ngờ rằng cách hiểu về nghiên cứu khoa học như là những hoạt động thường ngày của vị giáo sư có phần phiến diện, nếu không muốn nói là sai. Thế thì vấn đề đặt ra là: thế nào là một nghiên cứu khoa học (NCKH)?

Người viết bài này (và nhiều người khác) có thể lấy kinh nghiệm thực tế của mình để trả lời câu hỏi trên. Nói một cách ngắn gọn: nghiên cứu khoa học là một hoạt động của con người nhằm mở rộng tri thức qua các phương pháp khoa học. Theo cách hiểu phổ quát này, có hai điều kiện để một hoạt động có thể xem là nghiên cứu khoa học: mục tiêu và phương pháp.

Nghiên cứu khoa học phải nhằm mục tiêu phát triển tri thức mới, hay đóng góp thêm tri thức cho kho tàng tri thức của con người. Những tri thức này phải mang tính phổ quát hay có thể khái quát hóa. Một bà nội trợ có thể ra chợ khảo sát giá cả thực phẩm và có những so sánh thú vị, nhưng đó không phải là một NCKH, bởi vì tri thức đó không thể khái quát hóa. Người ta có thể tạo ra tri thức bằng cách kiểm tra nhiệt độ nước trong bồn tắm, nhưng tri thức này chỉ hợp lí tại một thời điểm và một bối cảnh cụ thể. Nhưng nếu người đó đổ nước nóng vào bồn tắm và đo lường sự thay đổi nhiệt độ nước, thì đó là một tri thức có thể khái quát hóa, và đáp ứng một điều kiện của NCKH.

Nghiên cứu khoa học là một cuộc điều tra hay khảo sát có hệ thống. Hai chữ “hệ thống” ở đây có nghĩa là công trình nghiên cứu được thực hiện theo những qui trình chuẩn. Qui trình chuẩn trong nghiên cứu khoa học gồm 8 bước: đặt câu hỏi; thu thập thông tin hiện hành; đặt giả thuyết; thử nghiệm và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu; diễn giải kết quả phân tích; công bố kết quả; và tái kiểm định giả thuyết. Trong qui trình này, phương pháp đóng vai trò quan trọng, vì chính phương pháp quyết định khoa học tính của một hoạt động, và phân định hoạt động đó là khoa học hay phi khoa học. Một phương pháp thu thập dữ liệu mang tính khoa học nếu phương pháp đó có cơ sở lí thuyết, có giả định, độ tin cậy cao, và độ chính xác cao.

Vì phương pháp khoa học có độ tin cậy và chính xác cao, cho nên kết quả của NCKH có tính lặp lại (repeatability). Nói một cách khác, nếu giả có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự. Điều này rất khác với các hoạt động phi khoa học, vì kết quả của các hoạt động phi khoa học không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Do đó, việc khảo giá của bà nội trợ hay việc đôi trai gái tìm hiểu nhau không thể xem là khoa học, bởi những kết quả đó không có khả năng lặp lại và khái quát hóa.

Bởi vì phương pháp khoa học dựa trên lí thuyết và giả định, cho nên kết quả khoa học phải được diễn giải bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, không đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu cho phép. Ngược lại, các hoạt động phi khoa học thường dựa vào niềm tin và sự trung thành. Những hoạt động phi khoa học thường mang tính tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục bằng bằng chứng thực nghiệm; nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin.

Bởi vì kết quả của nghiên cứu có giá trị phổ quát, cho nên kết quả nghiên cứu không hẳn tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh địa phương. Do đó, cho rằngChẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về ‘Mắm tôm và bệnh tả’ dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng” thể hiện một hiểu lầm và … sai. Có lẽ tác giả của phát biểu trên không biết rằng các tập san khoa học danh tiếng về bệnh nhiệt đới đều có trụ sở ở Mĩ và Anh, chứ không phải ở Á châu hay Phi châu. Bộ Y tế đã khẳng định rằng mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh tả; do đó, câu phát biểu trên chẳng những không cần thiết, mà còn không thích hợp.

Ngay cả nếu một nghiên cứu về mắm tôm và bệnh tả được thực hiện, thì kết quả của nghiên cứu vẫn có thể công bố trên các tập san khoa học có uy tín, nếu công trình nghiên cứu được tiến hành đúng theo các phương pháp khoa học. Thật là sai lầm khi suy nghĩ rằng mắm tôm là một đặc sản của Việt Nam, và do đó, kết quả nghiên cứu mắm tôm không được thế giới quan tâm. Vấn đề không phải là mắm tôm, mà mắm tôm là một trong những mô hình để nghiên cứu về nồng độ mặn và vi khuẩn tả, và đó là một vấn đề khoa học mang tính phổ quát. Tương tự, khi chúng tôi muốn phân định ảnh hưởng của đạm thực vật đến xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu các tu sĩ Phật giáo đại thừa, hay chúng tôi muốn tìm hiểu vận động cơ thể và chất lượng xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu ở những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (vì một số bệnh nhân không có khả năng đi đứng). Bệnh nhân tai biến, tu sĩ Phật giáo, và mắm tôm trong những nghiên cứu này là những mô hình khoa học để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học đặc thù, chứ không phải là những nghiên cứu chỉ áp dụng cho một địa phương hay cho một nhóm người.

Những người làm nghiên cứu khoa học dấn thân vì mục tiêu khám phá, truyền bá, và phổ biến sự thật. Một công trình nghiên cứu khoa học chỉ hoàn tất khi kết quả được công bố trên một tập san khoa học có đồng nghiệp bình duyệt và phản biện nghiêm chỉnh. Ở đây, tính minh bạch của NCKH rất quan trọng, vì nó chẳng những là một yêu cầu của khoa học mà còn là một khía cạnh để phân biệt khoa học với phi khoa học.

Các hoạt động thường ngày mới nhìn vào thì thấy cũng chẳng khác gì nghiên cứu khoa học, nhưng thật ra thì không phải nghiên cứu khoa học, do không đáp ứng hai điều kiện cần thiết: mục tiêu và phương pháp. Vì không phân biệt được hai điều kiện này nên nhiều người không hiểu thế nào là một nghiên cứu khoa học. Thật vậy, trong một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ vào năm 1999, chỉ có 21% người dân hiểu đúng về nghiên cứu khoa học. Ở một nước với trình độ khoa học tiên tiến như Mĩ mà có đến gần 80% người không hiểu về nghiên cứu khoa học, thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên nếu thấy ở nước ta cũng có nhiều người chưa am hiểu về nghiên cứu khoa học. Nhưng đó không phải là lỗi của người dân, mà là vấn đề của giới khoa học và giới truyền thông. Rất tiếc là một số nhà khoa học vẫn hiểu lầm thế nào là một nghiên cứu khoa học!

Khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu, trí thức, v.v... không phải là những phù hiệu mà ai muốn mang vào ngực thì mang, mà là những việc làm thực tiễn, những ý nghĩ hay sáng kiến mới. Muốn có những sáng kiến mới và làm nghiên cứu thực tế, nhà khoa học phải làm việc một cách gian khổ, bất vụ lợi, có khi rất lâu dài. Có thể ví khoa học như một cái đỉnh chót vót của sự chính trực, công bằng, và hợp lí. Nhưng cái đỉnh này nó trơn và dễ bị trượt. Người ta cần phải có một sự cố gắng tột bực mới đến gần hay đứng trên nó được, và càng phải cố gắng hơn để ở được cái vị trí đó.

Thói ích kỉ của người Việt ?

Hôm qua, có chuyện cần thiết, nên tôi phải đi đến khu thủ đô của người Việt ở đây (Sydney). Tôi muốn nói đến khu Cabramatta. Vì chứng kiến một cuộc ẩu đả ngay tại đây nên tôi có cảm hứng viết vài hàng coi như là nhật kí này.

Cabramatta có người nói cho vui là Vietnammatta, vì có nhiều đồng hương định cư ở đây. Gần 30 năm về trước, tôi cũng từng có lần ở đây khoảng 3 tháng trước khi ra ngoài định cư. Thời đó, Cabramatta là một ngoại ô buồn tẻ, không khác gì một vùng quê. Nhưng từ ngày có người Việt về đây, Cabramatta đã nổi tiếng trở thành khu buôn bán sầm uốt nhất của người Việt, với nhiều hàng quán ăn ngon, và nhiều tiệm bán vải và quần áo may sẵn (đại đa số là hàng nhái từ Trung Quốc) nghe nói là không đắt lắm. Vì thế, mỗi thứ Bảy và Chủ nhật, khu này thu hút một lượng khách hàng còn đông hơn cả cư dân của ngoại ô Cabramatta.

Điều này dẫn đến một vấn đề nan giải cho khu Cabramatta là thiếu chỗ đậu xe. Thật ra, những ai muốn đi Cabramatta, cho dù chỉ là một bữa ăn uống, mà nghe đến chỗ đậu xe thì chẳng khác gì một cơn ác mộng, một nightmare! Nếu không may mắn mà đến Cabramatta vào khoảng 11 giờ sáng thì có thể phải tiêu ra cả giờ để tìm một chỗ đậu xe. Đã nhiều lần, tôi không đủ kiên nhẫn nên đành bỏ về, chứ không láng cháng, “canh me” tìm chỗ đậu xe như nhiều người khác.

Vấn đề thật ra không phải thiếu chỗ đậu xe, mà còn là tính ích kỉ của người Á châu mình, cụ thể là người Việt và người Tàu. Nhưng vì tôi là người Việt, nên tôi chỉ nói đến người mình thôi. Những ai từng đi chợ ở những vùng có đông người Việt, bất kể là bên Mĩ hay bên Úc, đều thấy những cảnh tượng quen thuộc: xe cộ hỗn loạn, không có thứ tự như những bãi đậu xe của người Tây phương. Người lái xe gốc Việt thường “canh me” tìm chỗ đậu xe bằng cách đậu một chỗ, hút thuốc chờ cho xe khác ra để dành chỗ trước, mặc kệ cho những xe phía sau phải chờ. Có người “lịch sự” hơn thì đậu nép vào bên lề để xe sau có thể qua, nhưng số này không nhiều. Có người thì khi thấy có xe ra bèn lái ngược đường (bất hợp pháp) để dành chỗ. Không phải một người, mà nhiều người như thế. Hệ quả là hàng trăm xe phải chờ phía sau mà chẳng biết chuyện gì xảy ra đằng trước.

Có lần tôi chứng kiến một cảnh trái tai gai mắt như thế: một chị trung niên đậu xe một chỗ chờ xe ra để đậu, mà chẳng thấy tâm hơi xe nào muốn ra cả, và cả mấy chục xe sếp hàng phía sau phải chờ trong cái nắng oi bức. Vì đậu sau xe của chị, nên tôi bực mình, và phải có đôi lời với chị. Tôi mở cửa xe và đến bên xe chị để nói đôi đều phải quấy, tôi chỉ cho chị đằng sau một dòng xe dài dằng dặt, kể cả tôi, đang bị kẹt chỉ vì chị không chịu đi, không chịu nhường đường. Tôi năn nỉ chị lách qua một bên để các xe phía sau có thể đi qua và giải quyết lưu thông trong cái khu chật chội này. Tưởng chị ta làm theo ý mình, ngờ đâu chị phun một loạt câu chữ nữa tiếng Việt nữa tiếng Anh: chuyện của tui, tui hổng đi đâu hết, none of your business, ok. Nhìn thấy khuôn mặt phấn son lòe loẹt của chị và bộ lông mài có phần hung dữ, tôi đành nhường và chỉ biết lắc đầu. Nhưng phía sau xe nhấn còi inh ỏi, phải mất cả 5 phút chị mới chịu nhích bánh xe. Thiệt tình!

Hôm nay, tôi chứng kiến một cảnh còn xấu hơn nhiều. Một chiếc xe rời bến, và phía sau là một xe khác đang chờ vào. Vì xe của anh ngay đằng sau chiếc xe mới rời, nên chuyện anh vào đậu bến là hớp lí. Ấy thế mà một người khác lái chiếc Toyota Corolla cũng chờ đậu xe, nhưng đậu cách đó cả 5 thước, lùi xe lại … dành chỗ! Nhưng xe của anh chàng kia đã vào chỗ. Thế là có vấn đề. Thoạt đầu, hai người chỉ mới nói chuyện bằng miệng (và tôi chẳng biết họ nói gì vì bị kẹt xe nên phải ngồi trong xe), nhưng đột nhiên, anh tài xế chiếc Corolla đột nhiên dơ tay đánh anh kia. Thế là hai người quần nhau ngay tại bãi đậu xe. May thay, có nhân viên bảo vệ đến kịp thời để dàn xếp (dĩ nhiên là anh chàng Corolla sai), nhưng áo cũng rách vài chỗ rồi.

Thật là nhục! Chỉ vì một chỗ đậu xe mà ẩu đả nhau, làm trò cười cho mấy người Úc đằng sau. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh dành chỗ đậu xe mà thượng cẳng tay hạ cẳng chân, mà bạn bè thường nói trước đó.

Việt kiều khi về nước hay nói người trong nước ích kỉ, không chịu nhường đường khi lái xe, hay không tuân thủ theo đèn giao thông. Những nhận xét mang tính bề trên này cũng đúng phần nào, nhưng còn Việt kiều ngoài này thì sao? Tôi thấy cũng chẳng khác gì người Việt trong nước, tức là Việt kiều cũng ích kỉ, cũng làm bậy, và khi có dịp vẫn bất tuân thủ theo đèn giao thông như thường. Tất nhiên, không phải Việt kiều nào cũng ích kỉ như thế, nhưng sự thật là có không ít Việt kiều hành xử như thế. Bãi đậu xe là nơi lí tưởng để quan sát thói ích kỉ của người Việt. Nếu có một đặc tính văn hóa lây truyền như virút ở người Việt thì tôi nghĩ đó là văn hóa ích kỉ. Có lẽ nói “văn hóa” thì quá nặng, thôi tôi đổi thành “thói ích kỉ”. Thói ích kỉ đã thấm vào trong máu và tim của người Việt và nó theo người Việt đi khắp nơi trên thế giới.

Tất nhiên, tôi nghĩ thói ích kỉ hiện hữu ở bất cứ dân tộc nào, chứ chẳng riêng người Việt. Nhưng tôi e rằng biện minh theo kiểu “họ như vậy, tôi cũng làm như vậy” không thuyết phục chút nào, mà còn mang tính ngụy biện. Còn bây giờ, tôi chỉ nói người mình, chẳng cần quan tâm đến người khác. Thói ích kỉ của người mình đã được các nhà văn hóa đầu thế kỉ (như Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn) nói đến rất nhiều, nhưng cho đến nay nó vẫn còn đó cứ như là một virút không chịu đột biến.

NVT

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

"Chấm điểm" giáo sư: Tăng bài báo, giảm viết sách

Hôm nay thấy có tin này về qui định mới để phong chức danh giáo sư ở Việt Nam. Tưởng câu chuyện đã xong, không ngờ lại có qui định mới. Mà, tôi thấy hình như càng đưa ra qui định thì càng làm cho vấn đề rối rắm hơn. Không biết tại sao những người trong Hội đồng chức danh không tham khảo các qui định và tiêu chuẩn ở nước ngoài, hay đơn giản hỏi một giáo sư ở nước ngoài để hoàn thiện qui định và tiêu chuẩn cho Việt Nam?

Theo qui định mới thì “Điểm tối đa là 2 chỉ dành cho những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu của quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn. Hội đồng sẽ phân loại các tạp chí khoa học chuyên ngành này.”

Tôi nghĩ qui định cho điểm như thế là quá đơn giản, vì nó đánh đồng các công trình có chất lượng tốt với các công trình xoàng. Một bài báo trên Nature hay New England Journal of Medicine thì không thể có cùng điểm với một bài trên tập san chuyên ngành được, dù cả hai là tập san quốc tế có trong danh sách của ISI. Còn tập san ở Việt Nam thì khỏi bàn. Tôi có cảm tưởng những người ra qui định này không hiểu hết về hoạt động khoa học. Có lẽ cuối tuần này (chỉ hi vọng thôi) tôi sẽ viết một bài bình luận về chuyện này.

Chuyện bên lề: Điều đáng nói trong bài báo sau đây là tác giả sử dụng số liệu của tôi (bảng số 1) nhưng lại không đề nguồn! Tác giả còn thậm chí không “turn off” mấy cái dấu đỏ trong Word nữa! Điều này làm tôi buồn 1 phút, và đặt câu hỏi về đạo đức báo chí.

NVT


===


http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/04/843683/

"Chấm điểm" giáo sư: Tăng bài báo, giảm viết sách

Mỗi bài báo khoa học sẽ được tính điểm cao nhất là 2 thay vì 1 như trước. Điểm chấm cho một số loại sách sẽ giảm từ 0,5 - 1. Đây là những sửa đổi để "chấm điểm" các ứng viên khi xét công nhận GS, PGS mà Hội đồng chức danh GS Nhà nước vừa thông báo ngày 23/4.

Các ứng viên sẽ được công nhận chức danh GS, PGS nếu đạt "điểm sàn" được tổng hợp từ các điểm thành phần: bài báo khoa học, sách phục vụ đào tạo đại học, đề tài nghiên cứu khoa học và hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh.


Cụ thể, "điểm sàn" với ứng viên chức danh GS là giảng viên 12 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 20 điểm; với ứng viên chức danh PGS là giảng viên 6 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 10 điểm.

Tăng điểm bài báo, giảm điểm viết sách

Theo ông Trần Văn Nhung, Chủ tịch Hội đồng, cách tính điểm cho mỗi bài báo khoa học chủ yếu dựa vào chất lượng khoa học của chính bài báo, có tham khảo đến uy tín khoa học của tạp chí đăng tải bài báo đó.

Điểm tối đa là 2 chỉ dành cho những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu của quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn. Hội đồng sẽ phân loại các tạp chí khoa học chuyên ngành này.

Mức điểm tối đa đối với sách chuyên khảo là 3, sách giáo trình là 2 (giảm 1 điểm), sách tham khảo là 1,5 (giảm 0,5 điểm) và giữ nguyên mức điểm đối với sách hướng dẫn (1 điểm).

GS Hoàng Tuỵ cho rằng điểm viết sách là tiêu chuẩn thừa. Lý do là vì nhiều sách sử dụng trong đào tạo ĐH hoặc chỉ là sách dịch, hay copy, nhất là giáo trình cơ sở, không đặt nặng yêu cầu về chất lượng khoa học. Mặt khác, có nhiều nhà nghiên cứu thừa điểm khoa học nhưng chưa viết sách cho đào tạo ĐH sẽ thuộc diện bị loại bởi tiêu chí này.

Tuy nhiên, GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký HĐCDGSNN lý giải, thực tế là ở Việt Nam chưa có GS nghiên cứu. Còn, tham gia giảng dạy ở ĐH, thì phải viết được sách. Bởi viết sách là một biểu hiện khả năng sư phạm.

2 tiêu chuẩn "nợ"

Ngoài ra, để được công nhận, ứng viên chức danh GS phải hướng dẫn chính 2 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; PGS phải hướng dẫn ít nhất 2 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) 1 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Tiêu chuẩn này đến năm 2011 mới áp dụng.

Tại phiên họp thứ nhất của HĐCDGSNN diễn ra ngày 21/4, một số ý kiến cho rằng tiêu chuẩn hướng dẫn thành công này sẽ hạn chế các trường hợp ứng viên trẻ.

Lý do là đội ngũ này có năng lực khoa học tốt đã được thể hiện qua các bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài nhưng chưa đủ thời gian để hướng dẫn NCS, nhất là "đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ".

Ngoài ra, ở tiêu chuẩn đề tài nghiên cứu khoa học, ứng viên chức danh PGS phải chủ trì ít nhất 2 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên. Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở được tính từ 0 đến 0,25 điểm, nếu đề tài có giá trị khoa học cao và có ý nghĩa thực tiễn.

Tiêu chuẩn này cũng được lùi đến 2011.

Có thể mời giáo sư nước ngoài thẩm định hồ sơ

Theo GS Trần Văn Nhung, hồ sơ của mỗi ứng viên được 3 người thẩm định thay vì 2 như trước. Hội đồng giáo sư các cấp có thể mời các GS, PGS người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài để thẩm định.

Ngoài ra, yêu cầu về tỷ lệ phiếu bầu cũng thay đổi: Đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSCS, đạt từ 3/4 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSN và đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSNN.

3 năm 1 lần, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học sẽ rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp.

GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, so sánh với nước ngoài, việc công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam phức tạp hơn, nên thay đổi theo hướng chính xác, đơn giản hoá.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là giai đoạn quá độ thực hiện đưa quyền tự chủ về các trường ĐH. Việc thay đổi sẽ tính tới theo thực tế làm việc hàng năm của Hội đồng.

Hạ Anh


Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Tuổi thọ của người dân giảm 10 năm ?

Chẳng hiểu đây có phải là chiêu quảng cáo bài báo hay không, nhưng ít ra là nó đã gây chú ý của tôi. Thấy tiêu đề tuổi thọ giảm 10 năm là tôi không thể nào bỏ qua được. Thật ra, dù có giảm 1 năm tôi cũng phải đọc, phải tìm hiểu, phải suy xét cho kĩ, bởi vì tuổi thọ ở nước ta chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm cả. Sau khi đọc kĩ bài này, tôi mới biết là họ nói về tuổi thọ của cư dân ở các làng nghề đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đoạn này có lẽ liên quan: “Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc; và so với làng không làm nghề, tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm”.

Tuổi thọ trung bình của người Việt là bao nhiêu? Câu hỏi cực kì đơn giản, cực kì cơ bản, nhưng tìm số liệu này không dễ chút nào. Hầu hết các website của các cơ quan chính phủ trong nước (như Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế) không có thông tin này! Các website này cung cấp nhiều thông tin hành chính mà chúng ta không cần/muốn biết, nhưng những thông tin chúng ta cần thì họ không cung cấp!

Một điều khá thú vị (hay khôi hài?) là trong khi các website của Nhà nước không có thông tin cơ bản này thì các website nước ngoài hay cơ quan nước ngoài ở VN thì có đầy đủ. Thậm chí giới truyền thông còn có thông tin có ích hơn là các website chính thức của Nhà nước!

Theo website của CIA thì tuổi thọ trung bình cho nam là 68.8 và nữ là 74.6 tuổi. Không hiểu tại sao lại có sự khác biệt khá lớn giữa nam và nữ như thế này? Cũng không hiểu nguồn gốc số liệu ở đâu. Tôi nghĩ số liệu này chắc cũng xưa rồi, vì thấy họ đề dân số Việt Nam là 71.6 triệu.

Số liệu của Việt Nam (năm 2005) thì nói rằng tuổi thọ trung bình của dân số (nam và nữ tính chung) là 71.3, và còn nói rõ là tăng 6 tuổi kể từ năm 1998. Số liệu của UN ở Việt Nam cho biết: “Tuổi thọ trung bình là 71,7 đối với nam giới và 75 đối với nữ giới.” Những người trong UN làm việc cẩn thận và có phương pháp, tôi nghĩ họ trích dẫn số liệu này từ các cơ quan chức năng của VN, và vì thế tôi thấy số liệu này đáng tin cậy hơn.

Quay lại bản tin trên, phản ứng đầu tiên của tôi là: khó tin. Nếu giảm 10 năm thì tuổi thọ trung bình của các làng nghề này chỉ 61,7 tuổi ở nam giới và 65 tuổi ở nữ giới, tức là còn thấp hơn cả 15 năm trước! Làm sao có thể tin được?

Có thể Bộ Tài nguyên và Môi trường có vấn đề trong tính toán. Muốn tính tuổi thọ, cần phải có số liệu về tỉ suất sinh và tử vong cho từng nhóm tuổi của các làng nghề này, rồi sau đó mới xây dựng một bản tuổi thọ (thuật ngữ dịch tễ học tiếng Anh gọi là life-table) thì mới ước tính được. Nếu họ có số liệu này thì chúng tôi sẵn sàng giúp cho họ một tay để phân tích lại cho chính xác hơn.

NVT

http://www.laodong.com.vn/Home/Tuoi-tho-cua-nguoi-dan-giam-10-nam/20094/135380.laodong

Tuổi thọ của người dân giảm 10 năm

Lao Động số 88 Ngày 22/04/2009 Cập nhật: 7:33 AM, 22/04/2009

Đó là công bố báo cáo môi trường quốc gia 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình môi trường làng nghề Việt Nam. Với các số liệu được công bố, tình hình môi trường ở các làng nghề đang suy giảm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.

"Kinh hoàng" môi trường làng nghềKết quả khảo sát các làng nghề điển hình trong cả nước đã cho thấy: 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng và 27% bị ô nhiễm ở mức vừa. Cũng theo báo cáo của Bộ TNMT, các kết quả quan trắc trong thời gian gần đây đang cho thấy, mức độ ô nhiễm của các làng nghề chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Tại các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, môi trường xung quanh khu vực sản xuất có hàm lượng bụi đều vượt TCVN từ 3-8 lần, hàm lượng SO2 có nơi vượt đến 6,5 lần. Ở các làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, không khí ô nhiễm do các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn phân huỷ tạo nên các chất khí SO2, NO2, H2S, CH2 cùng các mùi hôi thối khó chịu...

Hầu hết các loại nước thải từ những làng nghề đều không qua xử lý mà xả thải thẳng ra môi trường. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước thải sản xuất của các làng nghề đều rất cao. Đặc biệt, các loại CDO, BOD5, SS... vượt TCVN hàng chục lần. Riêng nước thải từ khâu lọc tách bã và bột đen của quá trình sản xuất tinh bột từ sắn và dong riềng có độ PH thấp, còn độ ô nhiễm về BOD5, COD vượt TCVN mức B tới 200 lần...

Ô nhiễm môi trường làng nghề đã làm cho thời gian gần đây, tỉ lệ người ở trong các vùng làng nghề mắc bệnh có xu hướng tăng cao. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, hiện đã thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc; và so với làng không làm nghề, tuổi thọ này cũng thấp hơn từ 5 - 10 năm...

Ở làng nghề tái chế kim loại, người dân phổ biến mắc các bệnh về đường hô hấp, bụi phổi và bệnh về thần kinh. Làng nghề tái chế giấy, tỉ lệ người mắc chứng bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, đường ruột có xu hướng tăng cao...

Chưa có giải pháp khắc phục

Theo Bộ TNMT, dù đã có nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng môi trường tại các làng nghề vẫn tiếp tục suy thoái. Để xảy ra tình trạng này, Bộ TNMT đã chỉ ra hàng loạt điểm yếu mà thời gian qua chưa thực hiện được, cụ thể: Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường làng nghề còn chưa rõ ràng, thiếu các quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề.

Việc quy hoạch không gian gắn với bảo vệ môi trường làng nghề còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng. Các loại phí bảo vệ môi trường đối với chất thải còn chưa thu được đối với các cơ sở sản xuất làng nghề; xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn chưa được thực hiện nghiêm. Công tác thanh tra, giám sát, quan trắc môi trường còn yếu kém...

Bộ TNMT đã kiến nghị sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường cấp cơ sở để thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường từ cơ sở; tăng cường tổ chức thực thi pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường áp dụng các công nghệ xử lý chất thải làng nghề; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn, các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý các chất thải làng nghề...

Tuy nhiên, những ý kiến nêu trên mới chỉ là những lời đề nghị khẩn thiết từ phía cơ quan bảo vệ môi trường. Còn để những ý kiến này trở thành hiện thực, cần phải được sự ủng hộ từ các cấp chính quyền địa phương.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Thịt đỏ và nguy cơ tử vong

Thịt động vật là một nguồn thực phẩm quan trọng cho con người từ thời tiền sử. Những công cụ làm bằng đá để cắt thịt, xương cùng với những dấu vết cắt trên động vật được tìm thấy và định tuổi khoảng 2,5 triệu năm trước. Khi con người chuyển sang ăn thịt, một loạt thay đổi về gien xảy ra để xử lí chất béo trong cơ thể tốt hơn. So với khỉ, cơ thể con người có khả năng điều tiết những thức ăn có nhiều cholesterol và chất béo tốt hơn. Ngoài ra, cũng vì ăn thịt nên hàm của con người trở nên nhỏ hơn để xử lí thực phẩm động vật hữu hiệu hơn.

Đứng trên quan điểm đạo đức, việc sử dụng động vật như là một nguồn dinh dưỡng đã từng gây ra nhiều tranh luận gay gắt. Những người bảo vệ động vật lí giải rằng không có lí do gì để cướp đi sự sống của một sinh vật khác làm thức ăn cho con người. Nhưng những người ăn thịt động vật lại lí giải rằng động vật tồn tại để phục vụ cho nhu cầu con người, và việc giết động vật để lấy thịt làm thức ăn là điều có thể chấp nhận được.

Những lí giải của hai phe thường mang màu sắc triết lí. Nhưng đứng trên quan điểm thực tế của y khoa, thịt động vật nói chung vẫn được xem là một nguồn dinh dưỡng quan trọng, nhất là nguồn cung cấp các chất khoáng như sắt, kẽm, retinol và sinh tố B12, rất quan trọng cho sự phát triển cơ thể của trẻ em.

Nhưng ở người trưởng thành và cao tuổi, các chuyên gia dinh dưỡng và y tế rất quan tâm đến mối liên hệ giữa thịt động vật, nhất là thịt đỏ, và bệnh tật. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy những nước hay cộng đồng tiêu thụ nhiều thịt động vật có tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, béo phì, loãng xương, v.v… cao hơn những nước có mức độ tiêu thụ thịt động vật thấp. Tuần vừa qua, một nghiên cứu mới nhất và có lẽ qui mô nhất về ảnh hưởng của thịt động vật đến nguy cơ tử vong của con người càng khẳng định tác hại của chế độ ăn uống với nhiều thịt động vật.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu ung thư Mĩ đặt một câu hỏi đơn giản: người ăn nhiều thịt có nguy cơ tử vong cao hay thấp hơn người ít ăn thịt động vật? Để trả lời câu hỏi này, họ phân tích thành phần thức ăn của gần nửa triệu người Mĩ tuổi từ 50 đến 71, và theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong vòng 10 năm. Họ chia thịt động vật thành 3 nhóm: thịt đỏ (như thịt bò, thịt trâu, thịt vịt); thịt trắng (như thịt gà, thịt heo, cá); và thịt chế biến (như nem, giò, chả). Kết quả nghiên cứu có thể tóm lược như sau:

(a) Tỉ lệ tử vong tăng dần theo lượng thịt đỏ. So với những người tiêu thụ khoảng 10 g/1000 kcal thịt đỏ, những người tiêu thụ 40 g/1000 kcal trở lên có nguy cơ tử vong tăng 30 đến 50%. Tỉ lệ tử vong vì các bệnh như ung thư, tim mạch cũng tăng từ 20% đên 45%.

(b) Những người tiêu thụ thịt trắng cao cũng có tỉ lệ tử vong cao hơn những người có lượng tiêu thụ thấp, nhưng ảnh hưởng không nghiêm trọng như thịt đỏ. So với những người có lượng tiêu thụ thịt trắng 31 g/1000 kcal, những người với lượng tiêu thụ 37 g/1000 kcal có tỉ lệ tử vong tăng 35%.

(c) Những người tiêu thụ nhiều thịt chế biến sẵn (13 g/1000 kcal) có tỉ lệ tử vong tăng 20% đến 30% so với những người có lượng tiêu thụ ít (5 g/1000 kcal).

Có nhiều lí do sinh học tại sao tăng hàm lượng thịt trong chế độ ăn uống có thể gây tác hại cho sức khỏe. Đối với ung thư, thịt động vật hàm chứa nhiều chất có thể gây ung thư như heterocyclic amines và polycyclic aromatic hydrocarbon. Hai chất này hình thành khi thịt được nấu ở nhiệt độ cao. Chất sắt trong thịt đỏ dù là một nguồn dinh dưỡng quan trọng, nhưng nếu nhiều chất sắt có thể làm gia tăng cường độ hình thành chất N-nitroso, cũng có khả năng gây ung thư. Đối với hệ thống tim mạch, chúng ta biết rằng hàm lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan đến cao huyết áp, tăng cholesterol và trigyceride trong máu. Giảm lượng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn bằng cá và rau quả có hiệu quả cải tiến huyết áp, và giảm cholesterol và trigyceride.

Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng, bữa ăn của người Việt đã thay đổi đáng kể trong 10 năm qua, với mức tiêu thụ các thức ăn chế biến sẵn tăng lên 4 lần so với 10 năm trước. Vẫn theo số liệu của Viện dinh dưỡng, trong cùng thời gian, các thức ăn động vật đã tăng từ 55 g/ngày (năm 1985) lên 113 g/người/ngày (năm 2000) và 180 g/người/ngày (năm 2005), chủ yếu do tăng tiêu thụ thịt gấp 5 lần. Ngoài ra, lượng mỡ, dầu trong khẩu phần ăn tăng từ 1,7g /người/ngày (1985) lên ~7 g/người/ngày (2000). Trong khi đó, lượng rau xanh hầu như không thay đổi trong 20 năm qua, với mức tiêu thụ trung bình 200 g/người/ngày (Tổ chức Y tế thế giới để nghị mức tiêu thụ rau trung bình là 400 g/người/ngày). Nói tóm lại, trong vòng 10 năm qua, lượng thịt động vật, thịt chế biến sẵn và chất béo đã tăng rất nhanh trong cổ phần ăn của người Việt Nam, và đó là một điều đáng quan tâm.

Trong tình hình như trên, kết quả nghiên cứu vừa trình bày rất có ý nghĩa đến tình hình dinh dưỡng ở nước ta trong thời kì phát triển kinh tế như hiện nay. Thật vậy, tần số các bệnh như ung thư, tim mạch, tai biến, và béo phì ở nước ta đang càng ngày càng tăng ở mức độ báo động. Theo nghiên cứu của đồng nghiệp Việt Nam và chúng tôi, ở những người trên 40 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ béo phì lên đến 25%. Ngoài ra, một xu hướng đáng ngại hơn là ở độ tuổi này, có khoảng 10-13% mắc bệnh tiểu đường, tức còn cao hơn tần số ở các nước Âu Mĩ (khoảng 4-7%).

Thực phẩm đóng một vai trò cực kì quan trọng đến sức khỏe. Chính vì thế mà có người nói chính xác rằng bệnh tật một phần lón xuất phát từ miệng chúng ta. Như đề cập trên, động vật là một nguồn dinh dưỡng quan trọng, nhất là trong giai đoạn trưởng thành, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy thay thế động vật bằng thực vật vẫn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của cơ thể mà không gây tác hại. Đối với những người không ăn thực vật, vấn đề là đi tìm một chế độ ăn uống tối ưu với đạm động vật vừa phải và cân bằng với đạm thực vật. Các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng một chế độ ăn uống giảm lượng đạm động vật, nhất là thịt đỏ, và tăng lượng rau quả là một chế độ ăn uống lành mạnh.

Con người khó có thể tiếp tục chế độ ăn uống mà trong đó hàm lượng thịt động vật nhiều như hiện nay, bởi vì dân số toàn cầu càng ngày càng tăng nhanh. Số liệu thống kê quốc tế năm 2005 cho thấy Trung Quốc, Ấn Độ, và Ba Tây (Brazil) là ba nước “thống trị” thế giới về mức độ tiêu thụ thị động vật. Chỉ riêng Trung Quốc tiêu thụ 49% lượng thịt động vật trên thế giới, và chỉ riêng Ấn Độ tiêu thụ 34% lượng sữa toàn cầu! So với năm 2000, lượng thịt tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2005 tăng gấp 2,4 lần, lượng sữa tăng 3 lần, và cá tăng 1,2 lần. Các chuyên gia kinh tế -- y tế tiên đoán rằng trong vòng 50 năm tới, thế giới sẽ đối đầu với vấn đề thiếu thực phẩm, và chiến tranh có thể xảy ra chỉ vì miếng ăn! Thật ra, viễn cảnh đó đang xảy ra ở một số nước nghèo hiện nay.

Trong tình hình như thế, câu hỏi đặt ra là mỗi chúng ta có thể làm gì để tránh tình trạng thiếu thực phẩm và … chiến tranh. Cách mà mỗi cá nhân có thể làm được là hạn chế lượng tiêu thụ thịt động vật đến mức an toàn và gia tăng lượng thực vật. Làm như thế chẳng những bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần giúp thế giới giảm nguy cơ thiếu ăn và làm cho môi trường sống lành mạnh hơn.

Tham khảo:

Sinha R, et al. Meat intake and mortality. A prospective study of over half a million people. Arch Int Med 169(6):562-571.

He FJ, et al. Fruit and vegetable consumption and stroke: meta-analysis of cohort studies. Lancet 2006; 367:320-326.

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 20/4/09 với tựa đề “Thịt đỏ và nguy cơ tử vong

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Thư kiến nghị về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên

Tôi vừa mới kí vào bản kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tôi chưa bao giờ kí bất cứ một thư thỉnh nguyện hay kiến nghị hay gì gì đó trước đây (vì tôi rất kị với mấy loại thư kiểu này, tôi không bao giờ đọc khi thấy tựa đề kiểu như “thư ngõ”). Thế nhưng vấn đề bauxite ở Tây Nguyên làm tôi phá lệ đó, vì tôi nghĩ dự án này nguy hiểm chẳng những đến môi trường, mà còn đến xã hội và an ninh quốc gia.

Lá thư kiến nghị gồm có 135 người trong và ngoài nước kí. Những người khởi xướng là Gs Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn học), Gs Nguyễn Thế Hùng (ĐH Đà Nẵng), và Nhà văn Phạm Toàn (Hà Nội).

Ngày hôm kia, ba vị trên mang lá thư đến Văn phòng Chính phủ và Quốc hội, nhưng chỉ có Quốc hội đón tiếp, còn Văn phòng Chính phủ họ nói “chưa hề có tiền lệ nhận kiến nghị”. Trời đất ơi, mang tiếng là Nhà nước do dân, của dân, và vì dân mà họ không thèm nhận thư của dân. Ngay cả 3 vị giáo sư kia cũng bật ngữa, vì không hề biết họ có cái lệ này!

Tuy nhiên, điều an ủi là bên Quốc hội thì họ rất ok. Theo tường thuật của Gs Huệ Chi: “Còn khi đến Văn phòng Quốc hội ở 35 Ngô Quyền thì chúng tôi được tiếp đón ân cần, trọng thị, tại phòng làm việc của ông Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Minh Thuyết và phòng ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Sĩ Dũng, qua đó chúng tôi không chỉ gửi được bản Kiến nghị cho ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, mà còn gửi thêm ba bản đến ba vị Phó Chủ tịch, một bản đến toàn thể Ban thường vụ Quốc hội, một bản nữa đến toàn thể các thành viên Quốc hội, và một số bản đến các vị Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Quốc phòng An ninh, Kinh tế và Chủ tịch hội đồng dân tộc, cùng một số cá nhân đại biểu thường có nhiều ý kiến phản biện trong các kỳ họp trước đây. Cả hai người nhận thư đều hứa chắc : nội trong ngày 17 tháng Tư thư sẽ đến tận tay người nhận.”

Hôm nay, có bài sau đây của Phạm Toàn viết về buổi đưa thư kiến nghị. Đọc mà vừa buồn vừa bực!

NVT

===

Thong thả sáng chủ nhật

Phạm Toàn

Một tháng qua là những ngày cực kỳ mouvementé đối với Toàn. Ba tài liệu dịch song song, gồm một tập truyện ngắn cho nhà Nhã Nam, một cụm bốn tập truyện trẻ em cho nhà Đông A, và một cuốn tiểu luận của nhà văn Ba Lan Milosz được NN cho, một cuốn sách nói về sự cầm tù của tư tưởng, La pensée captive, đã nghĩ thầm trong đầu về việc dịch cái tên – Ngục trung tinh thần – định đọc xong rồi sẽ làm một bài điểm sách công phu, công việc cũng gần mất công như dịch cả cuốn sách. Bên cạnh đó? Bên cạnh đó, còn ơi ới đòi những bài báo về giáo dục, và còn quan trọng hơn nữa bên cạnh đó là công việc Toàn vừa mới khởi động và đang điều hành ba nhóm soạn sách giáo khoa tiểu học (bí mật nhé!). Công việc cuối cùng này mới cần, vì Toàn đã cảm nhận được sự xúc động của các cộng sự: họ nghèo nhưng đều đồng tình làm không công, không có dự án, không có tài trợ, và chưa chắc đã được "nghiệm thu", nhưng vẫn phải làm nhanh, làm đẹp, làm tử tế cho ba tập đầu của cả ba bộ sách được ra kịp trước năm học mới; đối với trẻ em, mất một ngày có khi là mất một năm học, và có khi là mất cả đời người… Nào đã hết! Nhà thơ tám mươi tuổi TVP lại giục sớm sớm in một tập thơ nữa mới chết người ta chứ!

Thế rồi đùng một cái ông Huệ Chi gọi điện tới "anh phải thảo ngay bản kiến nghị thôi". Thì thảo. Mấy giờ sau, lại là điện của Huệ Chi, "đọc rồi, viết thế không được, viết thế thì đi tù cả nút à?" Thì khổ quá, chơi với nhau mà không biết tính nhau! Toàn không làm gì thì thôi, hễ làm là phải triệt để. Không làm triệt để, có nhiều lúc thế vẫn thời phải thế, nhưng cứ có cảm giác mình đã thành một người không tử tế, mình đánh lừa bạn bè, mình mời bạn uống nước đun chưa sôi, gây cho bạn chứng khó chịu vùng thận. Thế là bẵng đi không nghĩ đến chuyện kiến nghị bauxite được mấy tuần và được "tập trung làm công việc chuyên môn". Rồi lại điện thoại. Vẫn lại Huệ Chi. "Anh phải thảo ngay bản kiến nghị thôi, cấp bách lắm rồi, nhịp tim tôi lên 97 rồi…" và không quên dặn dò "anh phải viết cho ôn tồn, coi như các ông ấy cũng như mình, đều lo cho đất nước, nhưng lúng túng về giải pháp… thế thôi … có khi chính các ông ấy cũng ký vào kiến nghị đấy". Hình như Huệ Chi đùa như vậy. Ông Cổ Cận Trung đại mà đã đùa là cách mệnh lắm!

Và thế là hai giờ sau, bản kiến nghị lại ra đời, chín chín phần trăm như bản anh em đặt bút ký, một phần trăm là mấy chữ phải sửa, thí dụ vì Toàn nghĩ mình không là trí thức nên không chịu viết "anh em trí thức …", chỉ viết "người Việt Nam …", nhưng phải sửa lại thành "anh em trí thức chúng tôi", vì quả thật sau đó đúng là bao nhiêu chữ ký đều của anh em trí thức thật!

Đến ngày đi gửi kiến nghị. Trời mát, sớm tháng tư se se lạnh, nước Hồ Tây bảng lảng và Vườn Bách thảo buổi sớm lá cây như thẫm hơn, cứ như là vẫn còn đang lưu luyến mùa thu – Hà Nội đẹp vậy đó, đẹp đến phát khóc, mấy anh chị ôi! Mấy anh em lên xe tu-vin riêng của tiến sĩ ĐTH do cô con gái của ĐTH lái – áo xanh, móng tay đỏ, nói tiếng Đức, tay lái lụa – thế hệ mới chở hai ông già thế hệ cũ và một giáo sư trẻ từ Đà Nẵng bay ra, để đi đến địa chỉ đầu tiên: Phủ thủ tướng và Phủ chủ tịch. (Dương Tường nhà gần Quốc Hội, đi bộ sang chờ ở cổng trụ sở, chứ không lên địa chỉ một).

Ô tô đánh sát đường vào cổng số 1 Hoàng Hoa Thám. Một chiến sĩ đeo lon Trung sĩ bước ra. Nói mấy lời. Huệ Chi :"Chúng tôi thay mặt các nhà trí thức tiêu biểu… ” Anh chiến sĩ lúng túng, cười ngượng nghịu, chắc là thấy cái chuyện này lạ quá! May sao, có một anh mặc áo sơ mi xanh nhạt bước nhanh đến. Huệ Chi lại "mở băng" nói những lời mở đầu. Tôi đứng bên có sáng kiến: "Hùng đưa cho đồng chí ấy một bản để đồng chí ấy đọc". Thế mà lại hay! Anh ấy đọc lướt nhanh tiêu đề, rồi chuyển ngay xuống phần tên tuổi, và thế là anh ấy bảo "các bác chờ đây tôi vào báo cáo".

Chỉ một thoáng, anh ấy trở ra. "Mời một bác đi theo tôi". Huệ Chi: "Chúng tôi cả ba người là đại diện, nên để cả ba người vào". "Vâng, mời cả ba cùng vào". Anh này thật dễ tính. Đi qua cổng, dọc theo một hành lang lớn, qua các cửa đề "phòng khách số 1"… cho đến "phòng khách số 5", nhưng đều đóng chặt. Anh áo xanh dẫn chúng tôi vào gõ mấy cửa đều không thấy ai. Chính anh ấy cũng có vẻ thất vọng chẳng hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng có một anh cao lớn, da đen, người rất lực sĩ, từ sâu bên trong nữa đi ra, không bắt tay chúng tôi, đưa chúng tôi trở lại cái phòng trước "phòng khách số 1", đề là "phòng nhận công văn", có bốn cái ghế và một thùng rút tiền của Agribank, nhưng anh không mời chúng tôi ngồi, Huệ Chi tự động kéo ghế ngồi, anh kia vẫn đứng nhưng cũng chỉ tay mời chúng tôi ngồi, nhưng tôi không ngồi, vẫn cứ đứng như khi mới bước vào… Và bắt đầu cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề "ở đây không trực tiếp nhận thư từ công văn", phải gửi qua Bưu điện. Tiến sĩ Hùng giơ máy ảnh định chụp (tôi không tin là người hồn nhiên như anh lại định chụp chữ "phòng nhận công văn"), nhưng người đứng bên trong lớp kính xua tay "không được chụp", thế là thôi. Cuối cùng, cả "phái đoàn" đành lủi thủi đem kiến nghị về, để gửi qua đường Bưu điện vậy.

Người vẫn khuyên nhủ tôi biết vì nghĩa lớn mà nhẫn nhịn bỗng nổi cáu. Người bắt đầu lẩm bẩm mấy tiếng tôi nghe lỏm được: của dân do dân vì dân. Và tôi đây cái con người hay cáu bỗng thấy cần xua tan nỗi ức chế. Tôi bắt tay anh mặc áo màu xanh nhạt, nói mấy lời cảm ơn nồng nàn. Huệ Chi quay sang "… hôm nay chỉ có đồng chí là thông cảm với công việc của chúng tôi, còn họ là công chức hết, xin thay mặt hơn một trăm ba mươi chữ ký… xin cảm ơn đồng chí…" Hay thiệt là hay! Đến phút này mà vẫn cứ còn là "đồng chí"!

Ra cửa Phủ thủ tướng, cũng là Phủ chủ tịch, chờ mãi xe ô-tô không thấy đến. Hóa ra xe không được phép đậu ở đó, cứ phải chạy lòng vòng, chờ nhận được tuýt túyt thì tới đón. Nào ngờ, hai mẹ con tiến sĩ ĐTH chờ lâu quá đã tranh thủ đi mua bánh. Ba anh em lên xe tắc-xi về trụ sở Quốc Hội. Dương Tường chờ muộn mất mười phút, nhưng ngần ấy thời gian với ông nhà thơ đó có là cái gì quan trọng. Ông đang lơ vơ thì chúng tôi đến. Bốn anh em vào trụ sở. Tên tuổi đã được ông Phó chủ nhiệm Nguyễn Minh Thuyết báo cho Bảo vệ. Chúng tôi vào phòng 206, "Ủy ban văn hóa, giáo dục", ông Thuyết ra tận cửa đón. Phòng mát rượi. Ông Thuyết rót nước. Ông còn mời thuốc lá thơm, nhưng anh em không ai hút (kể cả Dương Tường, ông này nhất định không dám hút trước mặt tôi, vì tôi được vợ anh và người yêu của anh giao nhiệm vụ theo dõi anh bỏ thói xấu mang tính toàn cầu là hút thuốc lá nơi công cộng). Chúng tôi ngồi, ở đây Huệ Chi được nói chân tình và thoải mái về nhiệm vụ được anh em ký kiến nghị giao, giáo sư Thế Hùng thoải mái nói về ý nghĩa toàn diện của bản kiến nghị, nhà thơ Dương Tường thỉnh thoảng được giao chụp ảnh, và tôi thì ngồi im. Chỉ sau khi giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói về âm mưu đi những nước cờ tính toán xa của những người phương Bắc thì tôi mới bổ sung một chút: "cả tiểu nhân và quân tử ta đều khó đoán được các nước cờ".

Sau đó, chúng tôi sang phòng tiếp của Phó văn phòng Quốc Hội, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Qua bên này, gặp chỗ quen biết, tôi mở đầu bằng câu đùa: "Anh Dũng à, trên bản đồ anh treo kia, anh đã đánh dấu vị trí Bauxite rồi chứ?" Anh Dũng chỉ cười không đáp lại. Tôi tranh thủ nói với anh em cùng đi, thực chất là để giới thiệu anh Dũng: "Năm 2004, cả tôi và anh Dũng đều được giải thưởng của báo "Người đại biểu nhân dân"… anh Dũng đây viết khỏe lắm đấy!" Và "trưởng đoàn đại biểu" lại vào việc. … Một trăm ba mưoi chữ ký … trí thức … sứ mệnh … trách nhiệm … tương lai dân tộc … Và chụp ảnh. Đang chụp ảnh, thì Huệ Chi có sáng kiến nhờ anh Dũng chuyển bản kiến nghị cho những đại biểu nào "có nhiều hy vọng" hơn cả… Anh Dũng khuyên nên gửi tới các chủ nhiệm và phó chủ nhiệm các ủy ban… Thấy anh Dũng mở ra cả một cuốn sách in tên và địa chỉ các đại biểu, Huệ Chi gạ luôn "cho chúng mình xin một bản đi"… Nhưng nào có dễ như thế được! Thế là Huệ Chi lấy bút để viết phong bì, còn Nguyễn Thế Hùng mở cạc-táp đem ra cả mớ kiến nghị chụp sẵn. Tôi viết nhanh, cũng xung phong viết được bốn năm phong bì. Sau đó, thấy trên bàn anh Dũng có số báo Tuổi Trẻ chủ nhật mới, tôi muốn coi xem bài của mình, nói về cách tháo gỡ cái "ngòi nổ" đua nhau dạy cho trẻ em biết chữ trước khi vào lớp 1, liệu đã biên tập họ rồi có đăng kỳ này không… Hình như tôi nghe không rõ, nhưng rõ là có nghe thấy anh Dũng nói "chắc là không đăng đâu…".

Trước khi ra về, tôi ngắm nhìn hai bức tranh sơn dầu treo trong phòng anh Nguyễn Sĩ Dũng. Trong hai bức tranh, có một bức đẹp, đều do hoạ sĩ Phạm Lực vẽ. Tôi nhìn tranh, bắt tay anh Dũng, và nói :"Làm thì làm thôi, nhưng không tin là có tác động, nhưng không làm thì không yên lòng …". Hình như tôi nghe anh Dũng có đáp lại, và có nói đến một ý nào đó như thế này: "… mình sẽ phải trả lời con cháu…" Hay thật đấy! Ai ai ít nhiều gì cũng đều thấy trách nhiệm, mà chẳng ai có quyền gì, và nói năng với nhau cũng cứ úp úp mở mở, vậy là thế nào?

Chúng tôi ra về lúc gần trưa.

Sau này, nghĩa là ngay cả bây giờ, nếu có ai hỏi tôi về kỷ niệm trong buổi đi nộp bản kiến nghị có ý nghĩa tầy trời này, tôi sẽ kể lại như thế nào?

Bạn có nhớ miêu tả các chiến sĩ người thiểu số của Trần Đăng một lần tới thủ đô chứ? Những con người lý tưởng chủ nghĩa, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe …

Lần này, đi gửi kiến nghị về, còn thêm được một điều, đọng lại trong hình ảnh cái ông chiến sĩ hồn nhiên, đại hồn nhiên, mang tên Nguyễn Huệ Chi. Cả hai lần đến hai quan chức Quốc Hội, một lần trước khi và một lần sau khi gửi kiến nghị, Huệ Chi đều nhoẻn cười hỏi khẽ "đi … chỗ nào ấy nhỉ?" Tội thân đời ông già! Mà ấy là buổi sáng trước khi rời khỏi nhà đã "dự trữ" sẵn một bận "đi" rồi đó! Xông pha mũi tên hòn đạn, dù chỉ là hòn đạn bắn từ … màn ảnh nhỏ xuống, dẫu sao cũng bức xức cái bụng lắm!

Của yêu, gọi một chút này làm ghi…

Hà Nội, 19-4-2009
Phạm Toàn

====

Kiến nghị về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên

Kính gửi:
· Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
· Ông Nguyễn Phú Trọng cùng toàn thể Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam;
· Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, lo lắng trước vận mệnh nước nhà về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xin kính gửi quý cơ quan bản kiến nghị này.

Thưa quý cơ quan,

Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh giành độc lập và thống nhất, ngày nay đang huy động tổng lực sức người sức của và sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng đổi mới toàn diện.

Trong công cuộc xây dựng mới đất nước ta, trên nguyên tắc, không có sự đối lập về quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân – nhân dân ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người giữ cương vị lãnh đạo cũng như người dân bình thường, ai ai cũng muốn đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng văn minh, cả dân tộc sẽ là một gia đình lớn, vui tươi, ấm no, hạnh phúc.

Tiếc rằng, trong vụ bauxite đang diễn ra, những con người trung thực của đất nước bắt đầu thấy hẫng hụt, lý tưởng chung tay xây dựng đất nước gần như đang ít nhiều suy giảm vì cách làm việc của cơ quan điều hành đất nước, một tình trạng cần được phân tích ngắn gọn như dưới đây.

Thưa quý cơ quan,

Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá!

Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của Giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, và ở ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp... là những bổ sung toàn diện mang tính chất "kỹ thuật" cho hai lá thư tâm huyết của Đại tướng.

Tất cả các kiến nghị đó đã chỉ ra những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite này, mà chỉ ba điều sau cũng đủ để tất cả những ai có lương tri phải suy nghĩ:

- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội;

- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;

- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).

Thưa quý cơ quan,

Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.

Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.

Chúng tôi kiến nghị:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;

2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;

3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Thưa quý cơ quan,

Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.

Xin quý cơ quan nhận ở đây lòng kính trọng của chúng tôi và rất mong được thông hiểu cho nỗi trăn trở của chúng tôi cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng kêu gọi người Trung Hoa nhất là giới trí thức hãy ủng hộ dân tộc Việt Nam, giúp cho môi trường sống của nước láng giềng phía Nam được trong lành, giúp cho nhiều vấn đề còn dở dang giữa hai quốc gia được giải quyết trong hòa bình và hữu nghị.

Việt Nam, ngày 12 tháng 4 năm 2009
Ký tên:

01. GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội .

02. GS TS Nguyễn Thế Hùng, Trường Đại học Bách khoa, Đà Nẵng, Phó Tổng thư ký Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, TP Đà Nẵng.

03. Phạm Toàn, Dạy học, viết văn, dịch sách. Hà Nội.

04. GS TS Hoàng Tụy, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hà Nội.

05. GS TS Trần Văn Khê, Nguyên giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS (Centre National de la Recherche Scientifique), Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn chương, nghệ thuật châu Âu, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc đối chiếu của CHLB Đức. TP HCM.

06. GS Phan Đình Diệu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hà Nội.

07. TS Vũ Quang Việt, Nguyên chuyên viên cấp cao về thống kê kinh tế của Liên Hiệp Quốc, New York City, Mỹ.

08. GS TS Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội Khóa 12, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Hà Nội.

09. GS TSKH Nguyễn Đăng Hưng, GS thực thụ danh dự Trường Đại học Liège, Bỉ. TP HCM.

10. GS TS Nguyễn Văn Tuấn, Trường Y, Đại học New South Wales, Sydney, Australia.

(và hơn 100 người khác).

Mắm

Hôm nay làm xong một việc, tôi tự thưởng cho mình món mắm cá sặc với cơm nguội. Ngon ơi là ngon! Chỉ vài con mắm cá sặc, cộng với rau răm, rau quế, rau húng nhủi, và đậu xương rồng, là tôi có một món ăn ngon, nhớ nhà, nhờ người xưa. Nếu có thêm chuối sống nữa thì chắc bữa ăn còn đậm đà biết bao!

Có lẽ vì lớn lên ở miền Tây và từng sống trong quê, nên tôi rất mê các món ăn Nam bộ. Cho dù tôi đã sống ở các nước phương Tây cả 30 năm, nhưng tôi vẫn thích các món ăn dân dã đó. Mắm và khô là một trong những món tôi ưa thích. Tôi thích ăn các món nào mặn, cay, chua, đắng, nhưng ghét món ngọt. Không phải vì cuộc đời mình toàn những chua cay đắng mà như thế, chỉ vì thói quen mà thôi.



Mắm cá sặc bày bán ở chợ Rạch Giá

Những năm sau này, về quê (tức là Việt Nam), tôi thất vọng với những món mắm ở bên nhà. Mắm gì mà ngọt cứ như là pha đường. Mà, chẳng cứ gì mắm, ngay cả nước mắm chế biến trong nhà hàng cũng pha đường rất ngọt, ngọt đến độ tôi nghĩ nên gọi đó là nước đường chứ không phải là nước mắm. Do đó, cứ mỗi lần vào nhà hàng, kêu mấy món này, tôi nói trước rằng nếu tôi thấy ngọt tôi trả lại, dứt khoát không dùng; chịu thì đem ra, không chịu thì tôi đi chỗ khác. Sòng phẳng. Mếch lòng trước, đặng lòng sau. Có nhiều lần tôi rời nhà hàng vì cái điều kiện đó. Ngày xưa, dân mình đâu có ăn ngọt như thế. Tôi nghĩ hay là do thời gian đói khát và thiếu ăn (trong thời bao cấp của ông Ba Duẫn) mà cả một thế hệ bây giờ thèm ngọt. Thrifty gene mà!

Lần về Việt Nam tháng 12 vừa qua, tôi may mắn được một người bạn dẫn đi làng ẩm thực Nam bộ ở Bình Quới. Hôm đó, tôi thử cả 15 loại mắm! Cứ đến một quầy, tôi thử một thứ. Có loại ăn được (tức là mặn vừa phải), nhưng cũng có loại phải trả lại vì ngọt quá. Thế rồi, một cơ may đến, khi có người bạn sang Úc dự hội nghị đem sang một vài hủ mắm cá sặc, mắm cá lóc, mắm thái (tức có đu đủ), và được đảm bảo là ngon, chứ không ngọt. Đến hôm nay, có dịp đem ra thử thì đúng như thế. Quả là ngon. Mắm cá sặc được chế biến rất vừa ăn, không quá mặn và đặc biệt là không ngọt. Chưa biết món mắm thái ra sao vì chưa thấy hình thù nó, nên chưa dám bình luận.

Ở trên, tôi có nói ăn mắm để nhớ người xưa, tôi có ý nói nhớ đến thời Nam bộ được khẩn hoang. Mắm là món ăn rất đặc trưng của văn minh sông nước, văn minh nông nghiệp. Tôi nghĩ khoảng 15 ngàn năm về trước, khi người Đông Nam Á định cư ở đây, họ phải phải thuần dưỡng thú rừng, phải săn bắt cá, thú rừng, và trồng cây lấy rau quả để sống. Trong môi trường làm nghề nông, thời tiết theo mùa vụ, lúc có cá, lúc không bắt được cá, họ phải dự trữ món ăn bằng cách làm mắm. Tôi thấy ở nhà tôi và hàng xóm tôi vẫn làm thế. Và, họ phải làm mắm cho mặn, làm khô cho mặn.

Cái mặn có lợi ích thực tế. Lợi ích thứ nhất là nó làm cho người ăn phải … tiết kiệm, không ăn nhiều được. Lợi ích thứ hai là mắm mặn khi ăn với cơm nguội, nó lại thành ngọt! Hồi thời tôi còn đi đồng làm ruộng, tôi thấy người ta còn chan cơm nguội với nước để ăn với mắm. Tôi cũng ăn như thế và thấy cũng ngon lắm. Sau vài giờ làm việc, đến trưa nắng gắt, lên bờ mẩu trải vài tấm lá chuối ra ngồi, đem cơm nguội ra (thời đó thì làm gì có microwave!), chan nước lấy từ cái đìa gần đó (thời đó nước còn trong lắm chứ đâu có ô nhiễm bây giờ), lấy hủ mắm ra, một trái ớt hiểm, chuối, rau dừa, rau răm, rau húng nhủi, và thế là có một bữa ăn thịnh soạn. Người lớn thì còn kèm theo một li rượu đế nữa. Ăn xong kiếm chỗ nào mát, thường là dưới bóng cây hay bên cạnh mộ ai đó, nằm lăn ra ngủ. Ngủ xong, lại làm tiếp cho đến chiều về nhà.

Do đó, hôm nay, khi ăn mắm, tôi nhớ đến tiền nhân mấy ngàn năm về trước, nhớ đến kỉ niệm xưa đó. Mà, kỉ niệm xưa thì lúc nào cũng đẹp. Thú thật, nếu bây giờ cho tôi một dịp ăn uống như thế, tôi vẫn vui lòng.

Tôi nghĩ món ăn của người mình lành mạnh, vì có nhiều rau và ít thịt. Có lẽ vì thế mà hồi đó ít có những bệnh ngặt nghèo như bây giờ. Hồi đó, rất ít ai bị tai biến như bây giờ. Tôi dám chắc như thế. Tôi biết rằng thời xưa chắc cũng có những ca tai biến mà không biết, nên người nhà đè ra cạo gió! Nhưng bây giờ có khá nhiều người còn trẻ mà bị tai biến, và đó là điều làm tôi suy nghĩ về chế độ ăn uống bây giờ. Theo một cuộc điều tra dinh dưỡng gần đây, người Việt mình càng ngày càng ăn nhiều thực phẩm từ nguồn động vật. Chỉ trong thời gian 2000 đến 2005 mà nguồn thực phẩm động vật trong bữa ăn người Việt tăng gấp 5 lần! Tuy chưa có bằng chứng trực tiếp, nhưng tôi nghĩ có thể đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như hiện nay. Nên chăng chúng ta nên nói cho công chúng quay về các món ăn truyền thống? Có lẽ nên bắt đầu bằng món mắm. Mắm có thể chế biến thành hàng chục món ăn ngon khác: bún mắm, mắm đu đủ, dưa mắm, mắm chưng, v.v… Làm như thế chúng ta chẳng những giúp cho nông dân, mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tật.

Nói xa không qua nói gần: tôi nghĩ ở một nơi xa quê như thế này mà có một bữa ăn với mắm cá sặc đậm đà như hôm nay thì quả là tuyệt. Cám ơn người bạn đã có công vận chuyển mấy hủ mắm sang đây. Mắm bây giờ cũng bay cả 4, 5 ngàn cây số đó chứ. Tôi chỉ ước mơ một ngày nào đó mắm sẽ đến khắp nơi trên thế giới, như món phở hiện nay.


NVT

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Huyền thoại TTKH

Hôm nay thấy trên mạng có hai bài này viết về huyền thoại TTKh. Chắc những người cỡ tuổi tôi và những người trẻ hơn nhưng yêu thơ đều biết những bài thơ tình ủy mị kí tên “T T Kh”. Thậm chí, Hoài Thanh và Hoài Chân còn đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam!

TTKh là ai? Đã từ lâu tôi đọc đâu đó và nghe nói người kí tên TTKh là người yêu của thi sĩ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình). Nhưng chuyện này xem ra là một huyền thoại. Theo như bài viết dưới đây (tôi chỉ trích những chỗ quan trọng) thì TTKh tên thật là Trần Thị Khánh. Cô này yêu chàng thi sĩ Thâm Tâm, hơn mình 2 tuổi. Mà, vào cái thời xưa đó, tình yêu chỉ thuộc loại “ú ớ” thôi, chứ tay chân còn chưa nắm nữa mà, ú ớ làm thơ đấy mà (và phải viết bằng mực tím mới … mặn nồng). Vì loại tình yêu ú ớ này, nên một hôm cô Khánh đi lấy chồng là thương gia Hà Nội. Nàng Khánh sống hạnh phúc bên chồng, chứ chẳng có buồn rầu gì cả. Nàng Khánh không biết làm thơ.

Nghe tin người yêu lấy chồng, Thâm Tâm buồn quá mới, làm thơ để ghi lại mối tình ú ớ đó. Thâm Tâm tưởng tượng mình là nàng Khánh sống bên chồng không hạnh phúc, mà nhớ đển người yêu cũ. Anh ta kí tên là TTKh. Thế là huyền thoại có nàng thi sĩ tên TTKh, chứ trong thực tế thì chẳng có nàng thi sĩ TTKh nào cả, mà chỉ là chàng thi sĩ mà thôi. Thôi, cứ xem như huyền thoại đã được giải mã.

NVT

===

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3178.asp
Huyền thoại TTKH và Hai sắc hoa ty gôn

Thụy Khuê

Sự xác định của Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ là một trong những nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ Mới. Năm 1970, khi Nguyễn Vỹ xuất bản cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến tại Sàigòn, thì ông đã đưa sự thực về Thâm Tâm và TTKh ra ánh sáng.

Như chúng ta đã biết, sau Phan Khôi, Nguyễn Vỹ cùng với Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Manh Manh, Thế Lữ là những người đã phát triển phong trào Thơ Mới. Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn lập trường phái Bạch Nga, chủ trương cách tân thơ, chú trọng đến khía cạnh âm nhạc và hình thức xếp chữ trong thơ. Trường phái Bạch Nga bị Thế Lữ và Hoài Thanh đả kích kịch liệt, thơ Nguyễn Vỹ không được tiếp nhận đúng mức. Đánh giá thơ Nguyễn Vỹ là một vấn đề khác mà chúng tôi không đề cập đến trong bài này. Nguyễn Vỹ là bạn thân của Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Trương Tửu và trong cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến ông đã vẽ lại chân dung 35 nhà văn, nhà thơ sinh hoạt trong không khí văn học từ đầu thế kỷ đến 1945. Một tư liệu quý cho những người nghiên cứu văn học.

Sau hơn 30 năm im lặng, 1970, một năm trước khi mất, Nguyễn Vỹ đã công bố những lời tâm sự của Thâm Tâm 22 năm sau khi Thâm Tâm qua đời trong bài viết Thâm Tâm và sự thât về TTKh. mà chúng tôi xin lược trình sau đây :

Năm 1936, 37 có xuất hiện ở phố Chợ Hôm, ngoại ô Hà Nội, một nhóm văn sĩ trẻ với bút hiệu là Trần Huyền Trân, Thâm Tâm và một vài người nữa. Ít ai để ý đến họ. Huyền Trân và Thâm Tâm đều mới 18, 19 tuổi. Họ có một tờ tuần báo nhỏ, tên là Bắc Hà ở phố Chợ Hôm. Chủ động trên tờ báo là Trần Huyền Trân. Báo Bắc Hà bán không chạy lắm, tuy có vài mục hài hước, vui, nhờ mấy bức vẽ của Tuấn Trình. Thâm Tâm là bút hiệu của Tuấn Trình. Tuấn Trình vẽ nhiều hơn viết, thỉnh thoảng đăng một bài thơ, vài mẩu truyện ngắn. Đôi khi thấy xuất hiện trên mặt báo vài ba bài thơ có tính cách ca dao, ái tình của Nguyễn Bính học sinh lớp nhất trường tiểu học Hà Đông. Nguyễn Bính thi rớt, nghỉ học luôn.

Tôi - tức là Nguyễn Vỹ - tuy không chơi thân, nhưng quen biết Trần Huyền Trân khá nhiều vì anh ta ở trọ một căn nhà trong ngõ Khâm Thiên, phía sau chợ. Tôi ở một gác trọ của đường Khâm Thiên, gần Ô Chợ Dừa. Đôi khi Trần Huyền Trân nhờ tôi viết bài cho tuần báo Bắc Hà "cho vui" vì không có tiền nhuận bút. Để tỏ tình thông của văn nghệ, tôi có viết một truyện ngắn khôi hài, và chỉ có một lần.

Trong một số báo đặc biệt Mùa Hè, Tuấn Trình có vẽ một cặp Bạch Nga bơi trên Hồ Hoàn Kiếm và ghi ở dưới "Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn".

Tôi quen biết Tuấn Trình là do Trần Huyền Trân giới thiệu. Nhà anh ở Chợ Hôm, cách chợ độ ba, bốn trăm thước. Anh đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, người có phong độ hào hoa, lịch thiệp. Tôi thấy ở Sàigòn có anh Hoàng Trúc Ly, nhà văn, na ná giống Tuấn Trình về dáng điệu cũng như tính tình, tư cách. Nhiều khi gặp Hoàng Trúc Ly trên đường Bonnard Sàigòn, tôi quên lững, cứ tưởng như gặp Tuấn Trình trên phố Chợ Hôm Hà Nội.

Một buổi chiều gần tối, Tuấn Trình đi lang thang gần chợ Khâm Thiên. Tôi từ Hà Nội về nhà, tôi tưởng anh đến Trần Huyền Trân, nhưng anh bảo: Thằng Huyền Trân nó đi đâu, không có nhà. Tôi rủ anh về gác trọ của tôi ở cuối phố. Hôm ấy, tôi có vài chục bạc trong túi, có thể làm một tiệc bánh giò chả lụa với Tuấn Trình. Tôi bảo anh ở lại ngủ với tôi cho vui. Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say rượu Văn Điển, kể chuyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe.

Câu chuyện tình

Trần Thị Khánh là một cô học trò lớp nhất trường tiểu học Sinh Từ. Thi hỏng, cô ở nhà giúp mẹ làm việc nội trợ. Nhà cô cũng ở đường Sinh Từ, ngay cạnh Thanh Giám, nơi đền thờ Khổng Tử.

Thanh Giám là một thắng cảnh Hà Nội, đã liệt vào cổ tích Việt Nam, xây cất từ đời nhà Lý, tu bổ cho tới đời nhà Lê, hình chữ nhật, xung quanh xây tường đá ong, cao độ hai thước Đền thì ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, hai bên hồ có những tấm bia ghi tên các tiến sĩ đời nhà Lê. Vào Thanh Giám có cổng tam quan lớn, trước cổng có tấm bia đề hai chữ Hán "Hạ mã" và hai trụ cao. Trong vườn trồng rất nhiều cây cổ thụ và các cây kiểng, nơi đây rất yên tĩnh và mát mẻ, cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò tâm sự. Trước kia có một bầy quạ chiều tối bay về đây ngủ, cho nên người Pháp cũng gọi là Pagode des corbeaux. Chùa Quạ, ngoài danh từ lịch sử Temple de Confucius, Đền Khổng Tử.

Cô nữ sinh Trần Thị Khánh là một thiếu nữ đẹp. Tuấn Trình có một người cô, nhà ở phố Chợ Cửa Nam, gần Sinh Từ. Anh thường đến đây thăm cô và trông thấy cô Khánh đi chợ mỗi buổi sáng. Lúc ấy vào khoảng tháng 2 năm 1936, họa sĩ Tuấn Trình -tên gọi hồi đó- mới 19 tuổi, và cô Khánh 17 tuổi. Tuấn Trình mới bắt đầu vẽ và viết chút ít trong tờ tuần báo Bắc Hà của Trần Huyền Trân vừa xuất hiện.

Sau một vài tháng theo dõi, Tuấn Trình làm quen được với cô Khánh và gởi báo Bắc Hà tặng cô. Cô gái 17 tuổi, cảm mến người nghệ sĩ tài hoa, tình yêu chớm nở như cành hoa antigone trắng cũng vừa chớm nở trong tháng đầu hè trước sân nhà cô.

Antigone là loại hoa của người Pháp đem qua hồi đầu thế kỷ, không thơm nhưng đẹp. Nó là loại hoa dây, lá giống như lá nho, cho nên ở miền Nam nhiều người gọi là hoa nho. Có hai loại : hoa trắng và hoa hồng. Hoa nở vào đầu mùa hè thành những chùm rất dễ thương, nụ hoa giống hình trái tim nho nhỏ. Ở Hà Nội người ta trồng rất nhiều và bán cũng rất nhiều ở chợ Đồng Xuân, cũng như ở Chợ Hoa, bờ hồ Hoàn Kiếm. Cắm nó vào lọ để phòng khách, nó buông ra một vẻ lãng mạn, khả ái lắm. Người Bắc gọi tắt là hoa ty gôn. Ở phố Sinh Từ, antigone mọc rất nhiều, như trước sân nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Nhược Pháp. Nhà trọ của Lưu Trọng Lư và Lê Tràng Kiều ở phố Hàm Long có cả một giàn hoa trắng và hồng. Nhưng mùa đông lá rụng, hoa tàn thì không cảnh nào tiêu sơ quạnh quẽ bằng.

Tình yêu của Tuấn Trình và Trần Thị Khánh chớm nở ngay lúc những chùm hoa antigone vừa hé nụ, và chết giữa mùa đông năm đó, trong lúc giàn hoa ty gôn úa tàn, rụng ngập đầy sân. Thời kỳ mơ mộng ngắn ngủi trong mấy tháng hè, sang hết mùa thu, không đem lại chút thỏa mãn nào cho tâm hồn khao khát của Tuấn Trình.

Chính lúc này Tuấn Trình lấy bút hiệu là Thâm Tâm. Một vài bài thơ tình thức đêm làm tặng cô Khánh. Những bài thơ đầu tiên đăng trên tuần báo Bắc Hà đều ký là Thâm Tâm, nhưng các tranh vẽ trong báo vẫn ký Tuấn Trình. Nhưng cô gái 17 tuổi, dè dặt, theo lễ giáo của gia đình, chưa thật bao giờ đáp ứng đúng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình Thâm Tâm.

Trong lúc những cặp tình nhân trẻ trung dắt nhau đi du ngoạn khắp nơi thơ mộng ở Hà Nội và ngoại ô, thì Trần Thị Khánh cứ phải từ chối những lời mời của Thâm Tâm. Cô thường nói: "Thầy mẹ em nghiêm lắm, gia đình em nghiêm lắm." Lần nào cô Khánh cũng lặp lại chữ nghiêm gia giáo ấy để trả lời kỳ vọng khát khao của người yêu.

Chỉ được hai lần Khánh đến nơi hẹn, nhưng không được lâu. Lần thứ nhất, một đêm trăng, Khánh lẻn băng qua đường vào vườn Thanh Giám. Tuấn Trình đã chờ người yêu nơi đây, dưới bóng cổ thụ. Nhưng cả hai cũng không nói được gì, Khánh run sợ. Tuấn Trình bối rối, tất cả những lời lẽ bay bướm đã sắp sẵn, bây giờ quên hết. Cuối cùng lại trách móc nhau vì những chữ "Thầy mẹ em nghiêm lắm" và rồi Khánh cũng vội vã chạy về nhà.

Lần thứ hai, vườn Thanh Giám đêm ấy cũng ngập ánh trăng thu. Nhiều người nói Thanh là Thanh Hóa, là hoàn toàn sai sự thật. Nhưng thái độ của Khánh lạ lùng, khó hiểu. Hình như Khánh muốn nói với Tuấn Trình một điều gì, nhưng ngại ngùng không nói. Rồi nàng buồn bã hỏi: "Anh định bao giờ đến xin thầy mẹ cho chúng mình ?" Chàng họa sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Chàng lơ đễnh bảo: "Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì..." Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây cho đến khi từ giã.

Hai người vẫn thư từ với nhau cho đến một hôm... Tuấn Trình nhận được bức thư của người yêu, không, của người đã hết yêu, báo tin nàng sắp lấy chồng. Thư viết bằng mực tím, trên bốn trang giấy học trò, xé trong một quyển vở Nam Phương Hoàng hậu (loại vở học trò rất thông dụng lúc bấy giờ).

Đại khái trong thư Khánh nhắc lại tình yêu "thơ mộng" của cô với "người nghệ sĩ tài hoa son trẻ", đó là những chữ cô dùng trong thư. Tình yêu rất đẹp, nhưng vì thầy mẹ của cô rất "nghiêm" theo lễ giáo, nên dù vị hôn phu của cô là một người chỉ mới biết sơ thôi nhưng cô vẫn có "bổn phận phải giữ tròn chữ hiếu", cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc suốt đêm, v.v... Cuối thư ký tắt Kh.

Tuy Khánh không viết gì về vị hôn phu và ngày cưới, nhưng sau dọ hỏi, Tuấn Trình được biết chồng Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, đẹp trai, góa vợ và không có con. (Trong câu thơ bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi là chỉ sự cách biệt tương đối giữa tuổi 39 của người chồng và tuổi vị thành niên của Khánh). Tiệc cưới rất linh đình, rước dâu bằng 10 chiếc Citroën mới. Cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi cạnh người chồng mặc áo gấm xanh.

Đêm trước hôm cô Khánh lên xe hoa, Thâm Tâm tổ chức tại tòa báo Bắc Hà một tiệc thịt chó, uống Mai quế lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can tham dự. Họ say sưa ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến khuya rồi lăn ra ngủ trên đất.

Trái với mọi dự đoán, Khánh rất hạnh phúc với chồng. Người đau khổ là Tuấn Trình Thâm Tâm. Vừa nhớ thương đơn phận, vừa bị mặc cảm của người nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thằng bạn chế nhạo, đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can.

Vì một chút tự ái văn nghệ, Tuấn Trình đã thức suốt đêm, theo lời anh thuật lại, để làm bài thơ Hai sắc hoa ty gôn, ký tên TTKh, với thâm ý cho Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm ra để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình nhờ cô em họ chép lại bài thơ trên, dán kín bao thơ và nhờ cô này mang thư đến tòa báo.

Tất nhiên là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình hoàn toàn khác với lời tâm sự trong bức thư cuối cùng của Khánh báo tin sắp lấy chồng. Cô Khánh không biết làm thơ. Và theo lời Tuấn Trình, cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm. Sau khi nhận được bức thư cuối cùng của Khánh, trong thư Khánh tỏ ý không bằng lòng Tuấn Trình đã mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ trên báo, có thể làm hại đến cuộc đời của cô. Trong lá thư phản đối đó, Khánh xưng tôi chứ không xưng em nữa.

Thâm Tâm lấy lại những lời, những chữ trách móc giận dữ của Khánh trong thư để làm Bài thơ cuối cùng ký tên TTKh, với những câu :

Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy
Mà viết tình em được ích gì ?

Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.
Là giết đời nhau đấy biết không ?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng.
Từ nay anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình

Rồi để đáp lại Bài thơ cuối cùng, Thâm Tâm làm bài Dang dở tặng TTKh, cũng là bài thơ kết thúc niềm đau của mối tình dang dở :

Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn càng muốn kết thành thơ,
Mộng đang xanh, mộng hóa bơ phờ,
Đây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.

Huyền thoại Hai sắc hoa ti gôn, sở dĩ được những tên tuổi nổi tiếng của thi ca đương thời phụ hoạ và đứng vững lâu dài trong lòng người đọc, bởi nó chở những đớn đau chân thực của một người tình, dù viết dưới bàn tay trá hình Thâm Tâm. Và cũng nhờ tài năng của Thâm Tâm mà chúng ta có được hai hình tượng mới: người ấy và hoa ty gôn. Tính mơ hồ bóng gió của người ấy và cái chết thảm khốc của Antigone ẩn trong một chùm hoa nhỏ, xinh như mộng, càng làm tăng thêm chất bi đát thầm lặng của tình yêu, liệm thêm sự bí mật của những chữ TTKH.


http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/show.dml/2904372

Văn hóa- Huyền thoại về nàng thơ T.T.KH

Vào những ngày đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp năm 1947, tình cờ tôi được điều về đơn vị có nhà thơ Thâm Tâm hiện diện.

Gốc miền Trung, từng làm nghề dạy học, không màng tới chính trị, thế mà khi ra Hà Nội làm việc, cũng lại do ở sự tình cờ, tôi đã quay cuồng trong guồng máy đặc sệt chính trị lúc nào không hề hay, biết.

Trước ngày 19 tháng 12 năm ấy, ngay khi quân đội Pháp gây hấn, nổ súng ở phố Hàng Bún, cơ quan của chúng tôi được lệnh phải dời ngay vào Hà Đông. Và rồi mấy ngày sau, mấy ngày sau nữa… không biết cơ man nào là người, tay xách nách mang, gồng gánh đổ về mạn chùa Trầm…và lên Sơn Tây…miễn sao chạy cho xa, thật xa nơi lửa đạn thù ập tới.

Xa miền Trung nơi quê hương, tôi đã buồn. Lần này xa thủ đô Hà Nội để “chạy giặc”, tôi càng buồn - lo ghê gớm.

Vốn có văn hoá Pháp, lại được theo học mấy khóa chính trị căn bản, tôi được kết nạp vào Đảng. Trong kháng chiến, tôi được bổ xung làm chính trị viên cho một đơn vị chiến đấu. Do đấy tôi đã ở chung với Thâm Tâm trong một thời gian và gạn hỏi chính Thâm Tâm về huyền thoại nàng T.T.Kh. với bài thơ Hai Sắc hoa Ty-gôn kia …

…. Bữa ấy, ở xa trận địa, nằm bên nhau trong lán giữa núi rừng, Thâm Tâm đã tâm sự hết sự thực cho tôi nghe. Và dưới đây là lời Thâm Tâm kể:

- Anh là nhà giáo, ưa bộ môn Văn Nghệ, lại muốn khảo cứu về sử thi với huyền thoại nàng T.T.Kh. Được lắm. Và cũng là một cơ hội thuận tiện để tôi rốc cạn nỗi niềm bấy lâu chất chứa trong lòng. Này nhé, khi còn theo học, tôi có quen một cô gái. Rồi yêu nàng. Say mê nữa. Đúng khi mối tình nở hoa hương ngào ngạt, nàng biến mất. Lấy chồng? Có lẽ thế. Tôi hoàn toàn thất vọng, kiếm tìm nàng giữa Hà-Nội băm sáu phố phường. Nhà văn Thanh Châu, có lẽ rõ tâm sự của tôi, đã viết và đăng truyện ngắn Hoa Ty-Gôn, hàm ý an ủi và tỏ lộ cho biết ở đời chẳng có gì là bền vững cả. Truyện ấy còn đượm một chân lý, một triết lý sống. Rất thanh cao, đạo đức. Rất mới. Vẫn bảo tồn đúng văn hóa cổ truyền Việt-Nam. Dung hòa giữa cái cũ và cái mới đang lên của thời đại, khác hẳn với lập trường của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lúc bấy giờ.

Nhờ ở bài viết của Thanh Châu, và cũng do những gợi ý của ông Vũ Đình Long, tôi đã nẩy ra ý tưởng ngộ nghĩnh là viết một loạt bài về những vấn đề “đang ăn khách” hiện nay: cảnh ép duyên con cái với những nét chấm phá bi thương giữa hạng giầu kẻ nghèo trong xã hội; tục tảo hôn nơi xóm làng: gái 15 phải lấy ông già 60 hoặc cô gái 17 phải lấy một cậu bé 4, 5 tuổi con nhà giầu… Cái éo le, mất hạnh phúc sau đó, chằng chéo nhau làm cho con người phát sinh rất nhiều hệ lụy chua xót.

… Người tôi yêu tên là Kh. Khi viết, tôi định ký rõ ở dưới bài là Thanh Tâm, giản dị vậy thôi, như những bài tôi vẫn thường ký khi đăng báo. Tuy nhiên, cảm về chuyện Hoa Ty-Gôn, một tối, tôi lại làm bài Hai sắc hoa Ty-gôn cực tả mối tình của ai kia, và… liều chọn một bí danh ký dưới bài thơ bằng ba chữ viết tắt T.T.Kh.

Ba chữ viết tắt ấy chỉ có nàng và tôi hiểu. Còn gợi lên được những ý nghĩa khác giữa tên của cả hai đứa. Và bài thơ được đăng báo. Được phổ biến. Được truyền tụng khắp nơi. Độc giả xôn xao. Trong làng văn, làng báo Bắc Hà xôn xao không ngớt. Ai cũng tưởng cũng nghĩ chính mình là… người tình của nàng thơ T.T.Kh., riêng chỉ có tôi là cười thầm. Nàng, chắc cũng vậy.

Nhà văn Thanh Châu thực sự không rõ cái bí ẩn do chính tôi đạo diễn. Thiếu phụ đem bài thơ lại toà soạn chỉ là một cô gái tôi nhờ. Còn ông Vũ Đình Long thì chỉ biết vui vì lượng báo bỗng tăng vọt do bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn đem lại…

… Anh muốn rõ tâm trạng T.T.Kh lúc bấy giờ? thực sự, với thời gian, người ta dễ quên đi những cuộc tình bồng bột lúc ban đầu nếu người ta có được niềm hạnh phúc tương đối về cả vật chất lẫn tinh thần. T.T.Kh. cũng ở trong trường hợp ấy. Nàng yêu thơ, thích thơ nhưng đâu có biết làm thơ. Nàng không dám nhận, không dám ra mặt là lý do ấy.

Thấy T.T.Kh. là đề tài bán được báo, nhiều nhà thơ cũng nhẩy vào vòng chiến. Có người mạo cả tên tôi để ký dưới bài thơ. J. Leiba và Nguyễn Bính thì đàng hoàng thấy rõ. Các anh ấy chỉ cảm xúc xót thương thôi chứ không hề có ác ý hoặc bôi bác. Bài thơ Dòng dư lệ của Nguyễn Bính là một thí dụ. Bài này mới đầu nhan đề là Cô gái vườn Thanh. Khi in trong tập Lỡ bước sang ngang mới đổi lại đề.

Suốt từ 1937 đến 1939, chỉ có ba bài thơ chính thức của T.T.Kh. do chính tôi sáng tác mà thôi.

1.Hai sắc hoa Ty-gôn.
2.Bài thơ thứ nhất.
3.Bài thơ cuối cùng.

Ngoài ra những bài như “Đan áo cho chồng” ký T.T.Kh., bài “Các anh hãy uống cho say” ký Thâm Tâm… đều do các bạn tôi tự biên tự soạn ra cả. Nếu kể hết thì nhiều lắm.Anh biết đấy, ở thời gian ấy anh đâu có mặt ở Hà-Nội, anh biết đấy, căn gác nhỏ ở ngõ Sầm Công - Quảng Lạc vốn là nơi quy tụ giới văn nghệ sĩ ở Thủ đô phục vụ nàng tiên nâu. Thôi thì đủ mọi đề tài anh em đem ra thi đua thảo luận. Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can, Trần Huyền Trân, Tân Hiến, Lê Văn Trương, Đặng Đình Hồng…rồi sau có thêm Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…và những bạn khác nữa như Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng v.v…

Đề tài thảo luận gồm đủ mặt, để làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, truyện phiếm mỗi ngày hay mỗi tuần và linh tinh các vấn đề của xã hội.

Vướng mắc vào nghiệp dĩ, đa số người sáng tác theo cách ăn xổi, đáp ứng nhu cầu cho xong phần việc nên tác phẩm cứ èo uột không khá được.

Trở lại với T.T.Kh: những bài thơ mà các bạn của tôi làm, duyệt xét lại một lượt, tôi đã phải lắc đầu. Nó có nhiều mâu thuẫn. Không đúng, không đồng nhất mạch lạc như ba bài thơ chính. Và nếu có ai đó, sau này khi biên khảo về thi ca, căn cứ vào mỗi lời thơ, mỗi câu thơ, họ sẽ không khỏi có những ngộ nhận đáng tiếc. Tỷ như bài “Các anh hãy uống cho say”, đọc, họ sẽ cho là tôi bê tha, trụy lạc, nghiện thuốc phiện, nghiện rượu và vô tư cách với những câu thơ:

...“Miệng chồng, Khánh gắn trên môi” …

hoặc:

“K. ơi! người yêu của tôi ơi!”

Nghe mà vừa tức vừa giận. Nhưng biết làm thế nào được? Chính mấy câu:

“Từ nay anh hãy bán thơ anh
Còn để riêng tôi với một mình
Những cánh hoa lòng … hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh…”

Cái chữ “hừ” trong thơ, đọc lại, nhiều lần tôi thấy dễ ghét. Phụ nữ thật không dùng cái từ ấy, nếu ta chịu phân tách kỹ bản tánh nữ giới! Và dạo ấy, tôi vẫn còn lo…nhỡ bị phát giác…

… Anh biết đấy, tôi đâu có hút sách, nghiện ngập. Chẳng qua đến đó là chỉ để vui với anh em theo một thói quen. Tôi chẳng nghiện gì cả. Và yêu một cô bé, phải bé Kh., tôi đã… nói thế nào cho đúng nhỉ, tôi đã sùng kính, nâng lên cao, cao hơn nữa, như mối tình thần thánh. Rất thiêng liêng và trong sạch. Cho tới ngày nàng lấy chồng.

Ông chồng của Kh. Là một trung niên, khoảng 38, 39 tuổi, đâu có già, có luống tuổi và đâu có quyền quý cao sang gì. Vì ông ta chỉ giản dị là một thương gia tạm gọi là có của ăn của để, một tiểu tư sản thành thị sống quẩn quanh trong năm cửa ô Hà Nội mà thôi. Tuy nhiên tôi cũng mừng cho cô bé. Ít gì Kh. cũng có nơi chốn nương tựa, bảo đảm cho đời sống…

… Thoắt cái đã mười năm trôi qua. Chẳng hiểu bây giờ gia đình cô bé phiêu bạt nơi nào, trong chiến tranh thảm khốc này?

… À anh muốn hiểu rõ những day dứt, băn khoăn của tác giả mấy bài thơ, ba bài, sau khi đã gây xôn xao trong quần chúng?

Thú thực chính cá nhân tôi rất xấu hổ. Vô tình tôi đã tạo nên “sì-căng-đan” ấy. Trong tình yêu, người ta thường “trẻ con” thế đấy. Sau khi đóng trọn vở tuồng “một mình mình biết, một mình mình hay”, tôi ngỡ ngàng “khi soi gương ngắm lại mình”. Tôi nhận ra chính tôi đã lừa dối mình, phỉnh gạt độc giả quần chúng.

Tôi rất hối hận, nhưng sự thể đã rồi. Không thể cứu gỡ được nữa. Đành để cho trôi xuôi. Với thời gian, nó đã trở thành huyền thoại. Sự thực “huyền thoại nàng thơ T.T.Kh. là thế!”

Đêm nay, trong lán giữa núi rừng này, anh em đều đã ngủ cả. Chỉ có anh và tôi ôn lại chuyện cũ, cùng tâm sự. Anh hãy hứa với tôi một điều… chỉ một điều thôi, “là anh không nên hở ra cho bất cứ ai hay biết, ngoại trừ sau khi tôi không còn nữa ở cõi đời này”.

Tôi đã cân nhắc kỹ. Huyền thoại vốn đã đẹp, rất đẹp. Mấy bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn, Bài thơ thứ nhất và bài thơ cuối cùng với huyền thoại T.T.Kh. đã được liệt kê trong văn học sử cận đại, vậy người ta không nên bôi bác nó. Méo mó nghề nghiệp vẫn là sở trường của một thiểu số người. Cần lắm, nói cách khác, chỉ khi nào thấy rất cần phải lên tiếng, anh hãy nói hãy viết ra. Còn không thì chỉ nên im lặng dùm tôi, như các bạn khác bấy lâu vẫn hằng im lặng vậy.

Nghe Thâm Tâm kể nỗi niềm mà mủi lòng. Tôi vội nắm chặt lấy tay anh, long trọng:- Tôi xin hứa sẽ làm đúng như lời Thâm Tâm dặn. Mong anh yên tâm.

Người thơ cười buồn:

- Thoắt đã mười năm trời. Tâm sự kia, nỗi niềm ấy đã trở nên huyền thoại sử thi. Và “sự thật huyền thoại Thơ T.T.Kh.” chỉ có hai người được rõ: Nàng và tôi. Nàng thì chưa bao giờ làm thơ, biết sáng tác thi ca. Nàng lẩn tránh tôi vì nghe theo lời bà mẹ. Sau khi thi đậu bằng “Sơ học yếu lược”, nàng còn theo Primaire Sup. tại trường Sinh-Từ. Tôi đã đến trường xưa tôi theo học mong được gặp lại nàng, nhưng lần nào cũng chỉ gặp ông thày dạy học cũ: Thầy Vũ Văn Nhượng! Gặp lại tôi, Thầy hỏi: “Anh Trình khỏe không, dạo này còn theo học hay đã đi làm?” Tôi ấp úng nói “Con đến nhìn lại trường cũ và thăm Thầy, tìm bạn… xem có còn bạn cũ nào không?” Thầy Nhượng vốn nhân hậu, vỗ vai tôi, không chút nghi ngờ; “Tốt, thế là tốt lắm. Con người, cần phải có tình có nghĩa. Anh theo tôi vào đây!”

Hôm ấy mắt tôi như hoa lên, mặt nóng bừng. Thầy đưa tôi vào văn phòng Hiệu trưởng…Sau đấy, chẳng bao giờ tôi đến trường tìm gặp lại T.T.Kh. nữa.Yêu một cô bé, đau khổ vì tình là chuyện không nên. Do đấy… cái lãng mạn, cái tưởng tượng của người nghệ sĩ đều dồn vào thơ, văn. Và tôi đã, trẻ con thế, đã làm nổi một vở kịch… Khiến trở thành huyền thoại lúc nào với ba bài thơ đã kể./.