Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Sao lại không thể sống cao thượng?

Tôi nghĩ trong thời đại này chúng ta cần nhiều nghiên cứu như trích dẫn dưới đây. Theo kết quả nghiên cứu này thì có đến 41% sinh viên cho rằng “không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng”, và 36% thì nghĩ rằng “làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt”.

Tôi không bàn về phương pháp ở đây (vì chưa thấy bản báo cáo và chi tiết nghiên cứu), nhưng hai chữ “cao thượng” và cụm từ “làm việc theo lương tâm” tuy hiểu chung chung thì có lẽ ok, nhưng cho nghiên cứu thì có vẻ hơi khó hiểu, nhất là đối với sinh viên. Dựa vào kết quả trên có thể suy luận rằng 1 phần 3 sinh viên nghĩ rằng làm việc không theo lương tâm là thắng lợi ? Hay trên 40% không cần sống cao thượng. Có thể xem đây là những suy đồi đạo đức, mất lí tưởng không? Nên nhớ đây là sinh viên, những người chủ nhân của đất nước, những người sẽ lãnh trách nhiệm điều hành đất nước sau này. Cũng may con số chưa đến 90%. Nhưng cũng là những con số đáng báo động, bởi vì một quần thể lớn có những suy nghĩ có thể nói là mầm mống của tham nhũng và hối lộ.

Kết quả này làm tôi liên tưởng đến một đồng nghiệp trong nước than rằng ngày nay đi đâu cũng phải “phong bì” thì mới chạy việc. Có những người quyền cao chức trọng cỡ như giáo sư, phó giáo sư không ngần ngại hay xấu hổ gì khi đặt vấn đề tiền bạc, hay thậm chí chuyện sex! Không biết nên gọi mấy người này là giáo sư hay giáo gian? Có lẽ mấy người này thuộc vào loại không muốn sống cao thượng và sẵn sàng vứt bỏ lương tâm để sống theo bản năng thấp của động vật.

Chắc chắn sẽ có người nhìn kết quả trên như là một tín hiệu về suy đồi đạo đức xã hội, và các giá trị đạo đức truyền thống đang bị lung lay. Nhìn theo cách đó thì chuyện tồn vong của đất nước cũng đáng quan tâm. Một thế hệ không có bản lĩnh văn hóa, thiếu lí tưởng quốc gia mà cầm quyền điều hàng đất nước thì đúng là nguy hiểm quá.

Nhưng tôi ngờ rằng kết quả trên phản ảnh một hiện tượng giao thời của xã hội ta. Những năm bao cấp, đạo đức là những tuyên truyền, những lí thuyết mơ hồ được gò ép liên tục. Sau thời bao cấp, các giá trị đạo đức đó bị phá sản, và nảy sinh ra thói thực dụng. Thói thực dụng vừa trở nên phổ biến, vừa trở nên phức tạp hơn. Nó không còn là phản kháng lại sự tuyên truyền các qui phạm đạo đức trước kia, mà đã nhiễm sâu vào lối sống hàng ngày. Cái tính thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và theo vật chất mới chính là mầm móng của tình trạng trong lúc giao thời này, chứ chưa chắc là suy đồi đạo đức.

NVT

===

http://tacpham.googlepages.com/maucoanhme332222232

Sao lại không thể sống cao thượng?

Nguyễn Quang Thân

Một nghiên cứu cấp bộ về diện mạo đạo đức của sinh viên trong một số trường Đại Học TP HCM do TS Huỳnh Ngọc Sơn và cộng sự vừa công bố, cho biết ” có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt”. Chắc chắn lối sống đó không chỉ trong sinh viên các trường ĐH của TP HCM. Một sự thật khó nuốt nhưng lại là sự thật.

Phải chăng chủ nghĩa lãng mạn đã chết? Phải chăng, sau nhiều thế hệ được dạy dỗ phải khắt khe lên án lối sống thực dụng, lớp trẻ chúng ta đang trả lại bài cho thầy, bước theo vết xe đổ vì không muốn thua thiệt trong cuộc sống?

Khái niệm “sống cao thượng” không chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn mà còn là bản chất của con người, hình thành khi con người trở thành người và được nuôi dưỡng cùng với tiến bộ của nền văn minh hiện đại. Vì từ rất sớm, con người đã hiểu ra rằng, muốn tồn tại trước những đe dọa ghê gớm của thiên nhiên và sự tha hóa thường trực trong xã hội loài người, con người phải tự vệ bằng cách xiết chặt lại với nhau. Chất kết dính cơ bản nhất không phải là quyền lợi mà là đạo đức (thời đức trị) và pháp luật (thời pháp quyền). Một xã hội nghèo, lạc hậu có thể bảo nhau “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, ràng buộc lỏng lẻo và thiếu cơ chế dân chủ nên làm người ta dễ dàng qua mặt đạo đức để thực thi đạo đức giả, nói không làm, trăm voi không bát xáo. Nhưng một xã hội dân chủ, văn minh thì những tiêu chí đạo đức cơ bản ấy được biến thành luật. Đạo đức không có bộ mặt Phật mà là mặt sắt đen sì của Bao Công, xem ra có thể hiệu quả hơn. Xã hội pháp quyền làm con người biết sống cao thượng, cái cao thượng bền vững hơn nhiều lần một xã hội đạo đức giả.

Ở nước ta người ta vẫn lên án là vô đạo đức những kẻ bỏ mặc người gặp nạn mà không cứu, dửng dưng với người nghèo, bạo hành với trẻ em, phụ nữ, gian lận trong thi cử, làm ăn, đối xử tàn tệ với người làm hay vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Nhưng trong một xã hội pháp quyền thì những hành động thiếu cao thượng ấy sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật. Ví như để san bớt cái hố giàu nghèo, mọi người dân nghiêm chỉnh đóng thuế, hệ thống bảo hiểm hoạt động hoàn hảo v.v. Singapor phạt đến ngàn đô la một người đái bậy. Và nếp sống cao thượng đã trở thành văn hóa, không chỉ theo thói quen mà còn bắt buộc với tất cả mọi người.

Gần một nửa số sinh viên nghĩ “không nhất thiết phải sống cao thượng” làm ta sửng sốt nhưng hãy bình tĩnh trước khi kêu to về suy thoái đạo đức trong lớp trẻ. Hãy tìm nguyên nhân ở nếp sống giả dối, pháp luật thiếu nghiêm minh, nhất là phương pháp chọn “người hiền tài”, ở nền giáo dục còn quá nhiều vấn nạn.

Dù vậy, khi chờ đợi một xã hội pháp quyền hoàn chỉnh, con người cũng như lớp trẻ cũng không thể lơ là với những tiêu chí đạo đức cổ truyền gắn liền với bản sắc nhân bản của một dân tộc có truyền thống hy sinh và cao thượng như dân tộc ta. Còn gì cao thượng cao cả hơn truyền thống xả thân vì dân vì nước, vì độc lập tự do, vì sự trường tồn của dân tộc?

Xin trích dẫn một câu nói của Montesquieu, một triết gia của thế kỷ Ánh Sáng: “ Nếu có điều gì đó có ích cho tôi nhưng có hại cho gia đình tôi, tôi sẽ đuổi nó ra khỏi ý nghĩ. Nếu tôi biết có điều gì đó có ích cho gia đình tôi và không có ích cho tổ quốc tôi, tôi sẽ tìm cách quên nó đi. Nếu tôi biết có điều gì đó có ích cho tổ quốc tôi nhưng có lại cho loài người, tôi sẽ coi đó là một tội ác”. Sống cao thượng có thể thua thiệt, nhưng không thể sống mà không cao thượng là vậy đó!

Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền

Tối nay đọc trên Tuổi Trẻ một tin làm tôi … dao động. Đó là tin đạo diễn Huỳnh Phúc Điền qua đời. Tôi không quen biết anh, nhưng có chú ý đến tên tuổi anh từ lúc tôi xem DVD Thương hoài ngàn năm của Đàm Vĩnh Hưng do anh dàn dựng và đạo diễn. Trong một bài viết trên blog của tôi trước đây, tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến show nhạc và sự dàn dựng mang tính nghệ thuật. Xem qua show nhạc Thương hoài ngàn năm như là một “làn gió mới” về cách dựng cảnh trong ca nhạc, nó hoàn toàn khác với những show nhạc hát nhép với những màn nhảy nhót khoe cơ thể của các công ti hải ngoại. Nhưng nay thì người dàn dựng đó đã ra đi. Như vậy có thể nói không ngoa rằng âm nhạc Việt đã mất đi một người đạo diễn có tài.

Điều làm tôi ngạc nhiên là anh ra đi ở độ tuổi 39! Ở các nước phương Tây, độ tuổi ung thư gan trung bình là 65 (nếu tôi nhớ không lầm), chứ rất hiếm thấy ở những người dưới tuổi 40. Nhưng đọc lại y văn thì thấy đúng là ở Á châu, bệnh nhân ung thư gan thường ở độ tuổi 40 và 50. Ung thư gan có lẽ bệnh đáng sợ nhất vì chỉ khoảng 5-6% bệnh nhân chẩn đoán sống được trong vòng 5 năm. Do đó, có thể nói rằng thời gian sống của anh (2 năm sau chẩn đoán) cũng nằm trong tiên lượng của y văn.

Mỗi người đến dương thế rồi từ giã dương thế chỉ một lần. Nhưng quan trọng là anh đã để lại cho đời một số tác phẩm, trong đó có tác phẩm tôi ưa thích. Vì vậy, vài hàng này để trước là cám ơn sau là chia buồn cùng người thân.

NVT

===

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=324169&ChannelID=10

Thứ Ba, 30/06/2009, 09:32 (GMT+7)

Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền qua đời

Huỳnh Phúc Điền sinh năm 1970 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu trường SKĐA TP.HCM, là một trong những đạo diễn ca nhạc tên tuổi của Việt Nam. Anh mắc bệnh ung thư gan cách đây 2 năm và đã có một thời gian điều trị ở Singapore.
Một số chương trình anh tham gia và gây được ấn tượng như: Làn sóng xanh, Duyên dáng Việt Nam, những liveshow của Tuấn Ngọc, Quang Dũng, Mỹ Tâm, Phương Thanh... Anh đã giành được nhiều giải Mai Vàng trong những năm qua.

Sau 2 năm kiên cường chống lại căn bệnh ung thư, anh đã ra đi khi tuổi còn quá trẻ với nhiều dự định chưa kịp thực hiện. Như những lời tâm sự của anh trên blog: "Tôi nghĩ chẳng bao giờ tôi mơ đến ngày sống cùng những ca từ trong một ca khúc. Ấy vậy mà rồi cũng có lúc “Vội vã trở về. Vội vã ra đi”. Cái vội vã của tôi không phải bởi chiến tranh, không phải bởi chia cắt, không phải vì hối hả với công việc trong cuộc sống hiện đại này. Tôi vội vã như mình chẳng muốn. Chạy đua cùng thời gian. Chạy đua cùng năm tháng..."

Lễ viếng đạo diễn bắt đầu từ 14g ngày 30-6 tại tư gia (17/22 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Lễ động quan diễn ra vào 6g ngày 4-7, an táng tại Nghĩa trang công viên Bình Dương.

N.X.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Quốc nạn loạn chức danh, học vị

Mấy năm đầu khi mới về Việt Nam, tôi để ý thấy trên tivi người ta rất trịnh trọng khi giới thiệu một chuyên gia nào đó, người ta thường “đi trước” với một loạt danh xưng, chức danh như GS TS, PGS TS, BS CKI, BS CKII, NSUT, NSND, v.v… Mới đây, có người còn ghi trước tên họ là “Dr. Dr. ABC”, ý nói là TS BS ABC. Thử hỏi nếu một đồng nghiệp nước ngoài đọc được cái danh hiệu Dr Dr đó họ sẽ nghĩ gì? Họ sẽ mỉm cười.

Những danh xưng như “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân”, “nhà giáo ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, v.v… thoạt đầu mới nghe qua thì hơi lạ lùng. Tìm hiểu một hồi thì tôi biết là đây là mấy danh hiệu của Trung Quốc thời bao cấp. Hóa ra, Việt Nam mình bắt chước Trung Quốc từ cách đặt tên các cơ quan công quyền (như “Ủy ban nhân dân”), đến đồng phục cảnh sát (cũng y chang TQ) và những danh hiệu nghệ sĩ. Một dân tộc mà chỉ biết bắt chước y chang người khác, thì chỉ có thể nói dân tộc đó lười biếng suy nghĩ và thiếu sáng tạo, và đừng trách tại sao sao người ta không khinh mình. Đến đồng phục mà còn bắt chước thì quả là hết ý!

Tác giả bài sau đây viết câu này: "Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc." Tôi hoàn toàn đồng ý.

Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên, vì thấy mấy tước danh này chẳng cần thiết mấy, thế nhưng một thời gian sau quen dần tôi mới nhận ra là ở nước mình người ta sống vì danh xưng và chức danh nhiều hơn là thực lực.

Tôi có rất nhiều danh thiếp từ đồng nghiệp trong nước. Một vài đặc điểm chính của các danh thiếp này là: (1) Ngoài chức danh ra, họ còn đề cả những chức vụ trong các hiệp hội chuyên môn, có người ghi chi chít đến kín cả danh thiếp; (2) Người thì đề “tu nghiệp” bên Tây, bên Singapore ngắn hạn, nhưng chẳng biết ghi như vậy để làm gì; (3) Người thì liệt kê một đống bằng cấp này nọ từ thời … trung học. Đọc nhiều danh thiếp tôi có cảm tưởng như là đọc một bản lí lịch khoa học trích ngang. Cũng vui vui. Tôi dám chắc rằng nếu đồng nghiệp Tây phương đọc mấy danh thiếp này họ sẽ ôm bụng cười, vì họ cảm thấy tội nghiệp cho người viết. Đó là chưa kể những cách dịch sang tiếng Anh rất ngô nghê!

Nhưng không phải ai cũng thích trình bày mấy chức danh đó đâu. Năm ngoái trong chuyến về công tác bên VN tôi gặp một anh bạn mà tôi đã nghe từ lâu là một giáo sư (thiệt) ở Đại học Bách Khoa TPHCM. Điều gây ấn tượng cho tôi là sau buổi gặp ở quán cà phê, anh đưa cho tôi một danh thiếp rất đặc biệt. Tấm danh thiếp màu trắng chữ xanh lá cây với những dòng chữ:

Không tên
Không bằng cấp, không chức danh
Không có việc làm
Không địa chỉ

Mặt sau của danh thiếp là phần tiếng Anh:

NO NAME
No degree, No position
Unemployed
No address

Có lẽ anh muốn làm một phát biểu trước tình trạng mua quan bán tước như hiện nay. Đọc bài “Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị” dưới đây làm tôi nhớ đến một người rất đặc biệt: đó là giáo sư CR Rao. Hồi đó là đầu thập niên 1990s, khi ông sang Úc thuyết giảng ở ĐH Sydney, đến giờ giải lao, nhiều người lại bu quanh hỏi han, trò chuyện. Tôi nhớ có người hỏi sao ông chỉ kí “C R Rao” mà không có kèm theo học vị hay chức danh gì cả, ông ấy có vẻ lúng túng một hồi rồi nói: Tôi nghĩ C R Rao là đủ, vì đó là tên mà cũng là qualification của tôi; vả lại viết nhiều quá chỉ tốn giấy mực.

Chuyện nọ xọ chuyện kia. Nói đến chức danh làm tôi liên tưởng đến viết cho báo Việt Nam. Mình đâu có bao giờ đề mấy cái học vị này nọ phía trước tên, nhưng khi đọc bài báo thì thỉnh thoảng thấy nó sờ sờ đó. Bực mình. Gửi email phàn nàn: sao đặt cho tôi mấy cái chức danh đó ? Ban biên tập lúc nào cũng lịch sự trả lời là họ cần phải “nâng trọng lượng” nên phải đề mấy cái danh xưng linh tinh đó phía trước tên. Ba tôi mà sống lại ông rất giận chuyện này, vì lúc sinh tiền, Ba tôi vẫn ghét mấy chức danh trước tên mà ông cho là đe dọa người đọc. Ý kiến của người phát biểu quan trọng hơn là cá nhân người phát biểu.

NVT

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7317/index.aspx

Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị

"Bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền... đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm?"

Tôi chỉ là Ashkenazy

Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.

Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.

Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.

Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!

Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ

Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:

1/Về tác giả : Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.
2/Về biểu diễn: Piano : V.Ashkenazy

Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:

1/ Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên tác giả

2/ Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên người + biểu diễn

Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz vv… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Bản thân nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.

Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.

Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ :
Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.

Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng… hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.

Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?

Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sỹ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sỹ, tiến sỹ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sỹ, tiến sỹ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sỹ, tiến sỹ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.

Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sỹ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.

Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt: Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật ( ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…).

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.

Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa ưu tú và nhân dân.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.

Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!

Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!

6. Kết

Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng? Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.

Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: diặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)

Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà - nhất là âm nhạc - ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.

Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy - dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng - tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này) :

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường

Đặng Hữu Phúc

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Phở và cúm A/H1N1

Mấy hôm nay, có vài thông tin trên net về phở nấu với lá tai hồi có thể chửa bệnh cúm H1N1. Mới đọc qua thì cũng thú vị, bởi vì đúng là thuốc tamiflu được bào chế với shikimic acid. Mà, shikimic acid thì tìm thấy trong lá tai hồi (loại lá có 8 sao) có tên khoa học là Illicium anisatum (hay tiếng Anh là star anise). Do đó, có ngưòi lí giải đơn giản rằng cứ ăn phở có nước lèo với tai hồi là chống được cúm H1N1.


Lá tai hồi (star anise)
Nguồn: wikipedia

Tôi cũng muốn tin như vậy lắm. Còn gì tuyệt vời hơn là biến món phở thành một loại “thực phẩm chức năng” (functional food) vừa no bụng, vừa ngon miệng, lại vừa phòng chống bệnh cúm H1N1! Nhưng tôi e rằng lí giải trên quá đơn giản. Đúng là shikimic acid là chất nền để bào chế tamiflu, nhưng acid này phải qua một qui trình chuyển hóa để thành thuốc, chứ không phải đơn giản chỉ bơm acid vào và thành thuốc tamiflu.

Tại sao phải qua một qui trình chuyển hóa và bào chế? Tại vì mục tiêu cơ bản của việc điều trị cúm H1N1 là ức chế enzyme có tên là neuraminidase. Enzyme này được tìm thấy trên bề mặt của virút. Do đó, ức chế hoạt động của nó, chúng ta có thể giảm triệu chứng liên quan đến cúm H1N1. Shikimic acid đơn thuần không có khả năng ức chế enzyme neuraminidase; nó phải qua một qui trình synthesis với các chất hóa học khác để hoàn tất được chức năng vừa kể.

Tôi không biết khi lá tai hồi hay shikimic acid khi được nấu với các gia vị khác có ảnh hưởng gì đến việc ức chế enzyme neuraminidase. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ý tôi nói, cũng có thể phở có hiệu quả giảm triệu chứng cúm H1N1, nhưng chúng ta cần bằng chứng. Y học thực chứng bây giờ dạy cho chúng ta không nên tin vào những gì mình nghĩ là đáng tin (vì như thế thì chẳng khác gì một vài tôn giáo tin có “thượng đế”), mà cần phải có bằng chứng. Hiện nay, chúng ta chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy ăn phở giảm triệu chứng cúm H1N1, nhưng chúng ta có bằng chứng cho thấy tamiflu giảm triệu chứng cúm H1N1. Dù thuốc tamiflu không phải là thần dược hay giảm tử vong như nhiều người lầm tưởng, nhưng giữa phở và tamiflu thì có lẽ chúng ta nên chọn cái nào có bằng chứng khoa học làm ưu tiên.

Thật ra, vấn đề này đặt ra cơ hội, hơn là thách thức. Cơ hội là cần thực hiện một nghiên cứu lâm sàng để xem xét phở có hiệu quả điều trị cúm H1N1 hay không? Tôi nghĩ đến 3 nhóm bệnh: một nhóm điều trị bằng tamiflu và “phở dỏm” (tức cũng như phở nhưng không có lá tai hồi); một nhóm bằng tamiflu và phở thật (có lá tai hồi); và một nhóm chỉ ăn phở thật. Nhưng vấn đề đặt ra là liều lượng lá tai hồi trong phở là bao nhiêu, công thức nấu phở phải chuẩn như thế nào, làm sao để đánh giá khách quan hiệu quả (tức không để cả bác sĩ và bệnh nhân không biết họ thuộc nhóm nào), v.v… Đây là những vấn đề rắc rối, nhưng nếu có ý chí thì cũng làm được. Biết đâu kết quả sẽ tốt, và toàn thế giới sẽ ăn phở Việt Nam để điều trị cúm H1N1! Nghĩ đến ngày đó tôi thấy mình hạnh phúc lắm. Nhưng bây giờ thì tôi chưa có lí do và bằng chứng để nói phở có thể điều trị cúm H1N1.

NVT

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

Thuốc bơm ngực?

Đọc bản tin dưới đây mà không khỏi mỉm cười một mình vì cái tính khôi hài của vấn đề. Dù biết rằng rất nhiều phụ nữ không hài lòng với cơ thể và sắc diện của mình, và những người này đã tự biến mình thành khách hàng của các cơ sở giải phẫu thẩm mĩ. Nhưng nay lại có người quảng cáo rằng có thuốc làm tăng ngực! Trời ạ, thuốc nào mà thần diệu như thế?

Tôi không rõ “liệu pháp tăng hormon” ở đây chính xác là gì? Chắc không phải là hormone replacement therapy (HRT) vốn đã gây tác hại cho một số phụ nữ trong vòng 20 năm qua. Tìm trên mạng thì thấy có nơi quảng cáo thuốc nâng ngực trong trang web ngucdep.com, nhưng chẳng thấy cơ chế làm việc của thuốc này ra sao. Đọc qua với những chiêu thức “Đặt mua ngay từ bây giờ” được tấn công người xem liên tục thì đủ biết người ta tuyệt vọng để bán sản phẩm như thế nào.

Điều đáng chú ý là phần lớn “dược phẩm”, hóa chất nguy hiểm và thực phẩm độc hại hiện nay được bày bán ở VN đều có nguồn gốc từ … Trung Quốc. Như cái “sản phẩm” làm nở ngực dưới đây cũng là của Trung Quốc. Chẳng hiểu đây là âm mưu lâu dài (tôi lại đa nghi) của người Tàu muốn tiêu diệt dân tộc Việt, hay là có người Việt tiếp tay cho họ làm chuyện hủy diệt dân tộc này. Dù sao đi nữa, chúng ta cần phải vạch ra những trò bịp bợm của giới con buôn từ Tàu muốn làm hại người Việt và thế giới.

Khen cho ai đặt tựa đề bài báo “Viên uống to ngực: bốc phét”! Chính xác là như thế: bốc phét. Nhưng tôi thích cách nói của người miền Nam hơn: xạo!

NVT

===


http://www.sgtt.com.vn/Detail31.aspx?ColumnId=31&newsid=53385&fld=HTMG/2009/0625/53385

Viên uống to ngực: bốc phét!

SGTT - Bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia y tế về hậu quả nguy hiểm khi sử dụng các liệu pháp tăng hormon, nhiều chị em phụ nữ vẫn tìm đến những liệu pháp này như một cứu cánh cho mặc cảm “vòng một” nhỏ bé của mình

Ngực to bằng ba cái… chén

Nếu đang sẵn có nhu cầu nâng cấp “vòng một”, chắc chắn chị em phụ nữ nào cũng sẽ dễ bị “dụ” bởi những quảng cáo hấp dẫn như thế này, đang được rao ra rả trên mạng: “Các bạn gái muốn có bộ ngực cao, có rãnh tự nhiên, căng tròn, hấp dẫn xin đến với thuốc nở ngực C. Đây là một sản phẩm mới và sẽ là cơn ác mộng cho giới bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ ngực”; “Tại sao phải tốn 85 triệu đồng để giải phẫu ngực trong khi bạn có thể có bộ ngực lớn ra 1 – 2 cup size, mà chỉ tốn có 4 triệu đồng? Hãy để viên nở ngực L. giúp bạn”; “Những phụ nữ sử dụng P. đều nhận thấy sự phát triển ngạc nhiên cả về độ đầy đặn lẫn sự săn chắc của ngực với kích thước tương đương một, hai thậm chí ba lần kích cỡ của một chiếc chén”…

Chọn ngẫu nhiên một công ty chuyên bán các sản phẩm làm đẹp cho phái nữ ở quận 1, trưa ngày 23.6 chúng tôi đến hỏi mua viên uống nở ngực C. Không một chút dè dặt vì “vòng một” của khách vốn đã “đồ sộ” sẵn, cô nhân viên đứng quầy vồn vã: “Chị uống một tuần, sẽ thấy ngực căng to lên liền. Uống một tháng, tụi em bảo đảm ngực chị sẽ to thêm 2 – 3cm. Công ty em đang có khuyến mãi mua bốn chai tặng hai chai nên nếu chị lấy, em để giá 1,4 triệu đồng/chai”. Trả lời chúng tôi vì sao thuốc Pháp mà nhãn hiệu lại ghi tiếng... Tàu, cô nhân viên này cho biết vì dòng sản phẩm này sản xuất để bán riêng cho người châu Á nên để chữ Tàu cho mọi người… dễ hiểu (!?) Đi tiếp qua một thẩm mỹ viện ở quận 3 có quảng cáo bán “viên uống nở ngực tức thì”, chúng tôi được người quản lý ở đây cho xem một hộp thuốc của một công ty sản xuất ở Mỹ, giá 4 triệu đồng “thuốc này tụi chị xách tay về, không nơi nào ở Việt Nam có đâu”. Cũng theo người này, viên uống nở ngực vốn là thực phẩm nên không chỉ giúp cải thiện “vòng một” mà còn cải thiện cho làn da toàn thân và tạo vóc dáng săn chắc.

To mau, xẹp nhanh, bệnh ở lại

Trao đổi ngày 24.6, PGS.TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Xanh Pôn cho biết viên uống nở ngực thực chất là thuốc bổ sung hormon. Thông thường đây là những loại thuốc kích thích tuyến vú phát triển, nó sẽ tích nước, nên ban đầu người uống thuốc sẽ thấy ngực to lên nhưng sau khi không dùng thuốc, nước sẽ rút đi, ngực “xẹp” như ban đầu. Cũng theo TS Sơn, tuyến vú phát triển do nhiều yếu tố khác nhau: do thức ăn, môi trường sống, yếu tố di truyền... nên nếu lạm dụng thuốc nở ngực có thể dẫn đến tác dụng ngược lại. “Liệu pháp tăng hormon như thế rất nguy hiểm. Nó dễ dẫn đến ung thư dạ con và rối loạn các chức năng về nội tiết. Đối với phụ nữ mang thai nếu dùng có thể xảy ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Y học cũng đã ghi nhận tỷ lệ gây nguy cơ ung thư bộ phận sinh dục nữ lên tới 5% nếu sử dụng hormon không đúng chỉ định”, TS Sơn lưu ý. Theo khuyến cáo của TS Sơn, để cải thiện “vòng một”, chị em phụ nữ có thể dùng nhiều biện pháp an toàn hơn như tập thể dục, cải thiện môi trường sống... Nếu cần can thiệp của y học thì nên đến cơ sở y tế tin cậy để phẫu thuật bơm mỡ nhân tạo, mỡ tự thân hoặc độn bằng Elastome (Polyurethrane).

Theo TS Tạ Văn Bình, giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, sử dụng thuốc nội tiết tố là con dao hai lưỡi, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chóng mặt, sạm da, đầu ngón chân, ngón tay phình to, ung thư, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, tăng nguy cơ mất trí nhớ. “Chúng tôi đã từng tiếp nhận điều trị cho khá nhiều người bị ung thư vú do sử dụng liệu pháp hormon thay thế. Hiện chưa có loại thuốc đặc trị nào để chữa trị cho các bệnh nhân bị biến chứng do lạm dụng liệu pháp hormon thay thế, cho nên chị em phụ nữ cần tỉnh táo trong lựa chọn sản phẩm làm đẹp, tránh tiền mất tật mang”.

Nam Phương – Hà Bình

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Bệnh tiểu đường ở Việt Nam

Bệnh tiểu đường (diabetes), ở Việt Nam người ta gọi hơi dân dã là “đái tháo đường”. Lần đầu tiên nghe cái bệnh danh này, tôi rất ngạc nhiên, nhưng người đồng nghiệp giải thích rằng “tiểu đường” có thể hiểu lầm là đái đường (vấn nạn công cộng của Việt Nam hiện nay), nên các chuyên gia phe ta bèn tạo ra “đái tháo đường”. Tôi không thấy thuyết phục chút nào qua cách giải thích này. Tôi nghĩ chúng ta cần một cụ Hoàng Xuân Hãn thứ hai!

Theo như bài báo này thì ở VN “tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường Việt Nam là 5% dân số (khoảng 4,5 triệu người) và 7,2% tại các thành phố lớn. TP. Hồ Chí Minh có hơn 800.000 người mắc bệnh.” Nói tóm lại đây là một vấn đề y tế lớn. Nhưng tôi không nghĩ lớn đến 4,5 triệu người.

Tôi có cộng tác với một đồng nghiệp ở TPHCM để nghiên cứu về tiểu đường. Theo nghiên cứu này (trên 2100 người từ cộng đồng), ở những người trên 30 tuổi 11% nam và 13% nữ mắc bệnh tiểu đường. Cách chẩn đoán tiểu đường của nghiên cứu này rất chuẩn và cẩn thận, và chọn mẫu cũng tốt, nên tôi nghĩ có lẽ đây là tỉ lệ thật ở TPHCM. Khi tôi đem kết quả này hỏi một đồng nghiệp Úc rất nổi tiếng về tiểu đường trên thế giới thì bà ấy nói tỉ lệ đó chắc đúng, vì ở Úc này nếu làm kĩ như vậy thì tỉ lệ cũng cỡ 10% (bây giờ người ta ghi nhận là 5-7%). Như vậy tiểu đường ở VN cũng bằng với các sắc dân Âu Mĩ.

Tất nhiên, đây là tỉ lệ ở TPHCM, chắc chắn cao hơn ở nông thôn. Nhưng hãy cứ cho là tỉ lệ trên là tỉ lệ của cả nước, vậy thì có bao nhiêu người mắc bệnh tiểu đường? Dân số VN mình bây giờ là 87 triệu người; trong số này có khoảng 41% trên 30 tuổi (tức khoảng 36 triệu). Do đó, nếu tỉ lệ trên (11% ở nam và 13% ở nữ) thì Việt Nam mình có khoảng 3,7 triệu người tiểu đường. Nhưng như tôi nói trên, đây là con số cao hơn thực tế vì phần đông dân số VN ở nông thôn. Tôi nghĩ con số thật có thể dao động ở độ 1-2 triệu, chứ không thể 4,5 triệu được. Nhưng nói gì thì nói, đây vẫn là vấn đề lớn.

Tuy nhiên có một nghịch lí đáng chú ý là Ở VN bệnh tiểu đường thường hay thấy ở người giàu có, còn ở các nước Tây phương thì bệnh này hay thấy ở người nghèo, thuộc thành phần lao động (working class), vì họ không có điều kiện tài chính để ăn thực phẩm tốt mà phải "chịu trận" với những gà chiên Kentucky, bánh mì McDonald, hay nói chung là thức ăn nấu sẵn. Ngược lại ở VN ta, người giàu lại có xu hướng ăn uống theo kiểu người nghèo ở Tây phương! Chẳng biết đây có phải là do thrifty gene hay không, nhưng tôi thấy thuyết này cũng có lí.

NVT

===

http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/2009/06/854955/

Khoảng 4,5 triệu người Việt Nam bị bệnh đái tháo đường

Theo thống kê năm 2008, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường Việt Nam là 5% dân số(khoảng 4,5 triệu người) và 7,2% tại các thành phố lớn. TP. Hồ Chí Minh có hơn 800.000 người mắc bệnh.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố chiến lược xã hội hoá thực hiện mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường, ngày 25/6, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan tới đái tháo đường như rối loạn dung nạp glucose, béo phì, rối loạn lipid, mỡ máu, cao huyết áp… cũng gia tăng nhanh chóng và chiếm tỷ lệ cao như: Rối loạn dung nạp glucose là 14.3% dân số toàn quốc (13 triệu người) năm 2008, béo phì 32.5% dân số thành thị.

Đồng thời, bệnh đái tháo đường cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng mãn tính nghiêm trọng như: 21-39% có biến chứng mắt ngay khi phát hiện bệnh, là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa ở người trưởng thành, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận giai đoạn cuối, cứ 30 giây có người bị cắt cụt chi do đái tháo đường, chiếm 40-70% nguyên nhân, người bệnh đái tháo đường nguy cơ bị tim mạch cao gấp 4-10 lần người bình thường...

PGS.TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Hội Đái tháo đường VN tỏ ý quan ngại: "Thực trạng nguồn nhân lực chuyên ngành nội tiết chỉ 4,5% tổng số bác sĩ nội có bằng sau đại học, trung bình có 1 bác sĩ nội tiết/100.000 dân. Kiến thức chung của đối tượng tham gia nghiên cứu chuyên ngành nội tiết - rối loạn chuyển hoá còn nhiều bất cập, 64% có kiến thức trung bình".

PGS. Bình nói, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm.
PGS. Tạ Văn Bình cho biết thêm, hiện nay chưa có thuốc chữa trị được bệnh đái tháo đường, những "ông lang" tuyên bố chữa được bệnh đều sử dụng những phương pháp không có cơ sở khoa học. Điều này cực kì nguy hiểm.

Các chuyên gia tham gia buổi họp cho rằng, cần có một chiến lược xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội để kết nối và gia tăng sức mạnh hướng tới các chương trình hỗ trợ hiệu quả cho người bệnh và nhóm người nguy cơ cao. Nhằm thực hiện mục tiêu chung quốc gia: đạt chỉ tiêu 50% người dân trong cộng đồng hiểu biết về bệnh đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe do bệnh đái tháo đường gây ra; giảm tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện trong cộng đồng xuống dưới 60%...

Chương trình do Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa quốc gia, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Công ty Truyền thông cộng đồng Việt Nam và các bệnh viện, trung tâm y tế... trên cả nước triển khai.
Các chương trình hành động tập trung vào: Tổ chức chương trình khám bệnh, phát hiện và tư vấn miễn phí với chủ đề "Chủ nhật sống khỏe". Năm 2009 tổ chức khám bệnh và tư vấn miễn phí cho hàng nghìn người ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ....

"Chủ nhật sống khoẻ" đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28/06/2009 tại 1A Lý Thường Kiệt, P.7, Q. Tân Bình. Ngoài ra, chương trình còn tặng quà hàng tháng bao gồm: thuốc, thực phẩm, thiết bị y tế cho người bệnh.

====

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Tiềm năng của gen trong việc tiên lượng bệnh: đường còn xa

Khi mắc bệnh, câu hỏi mà người bệnh thường đặt ra với bác sĩ là “tại sao tôi mắc bệnh này”. Câu trả lời gần thường là rối loạn cơ chế sinh học. Câu trả lời xa hơn là do ảnh hưởng của môi trường sinh sống và thói quen như ăn uống, vận động, thuốc lá, rượu bia, v.v… Nhưng nếu bệnh nhân thắc mắc tại sao ông A cũng có cùng lối sống mà không mắc bệnh, còn bệnh nhân lại mắc bệnh, thì câu trả lời xa hơn nữa: do gen.

Viễn ảnh cá nhân hóa y khoa

Một mục tiêu quan trọng của di truyền học là tìm cho được những gen có liên quan đến bệnh, và qua đó sử dụng thông tin của những gen liên quan để tiên đoán khả năng mắc bệnh cho từng cá nhân. Chẳng những tiên đoán khả năng mắc bệnh, mục tiêu của nghiên cứu gen còn là tiên lượng hiệu quả của thuốc cũng như các phản ứng phụ của thuốc cho từng bệnh nhân một.

Do đó, một mục tiêu tối hậu của nghiên cứu di truyền học là giúp cho y học hiện đại tiến đến một tương lai “cá nhân hóa y khoa” (personalized medicine). Theo viễn cảnh cá nhân hóa y khoa này, mỗi người có một thẻ căn cước sinh học (như thẻ tín dụng cá nhân hiện nay) với một con chip hàm chứa tất cả các gen của người đó. Khi đi khám bệnh, người ta chỉ cần đưa căn cước sinh học vào một máy vi tính, máy sẽ cho biết bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh gì trong quãng đời còn lại; bệnh nhân nên sử dụng thuốc gì, bao lâu, với liều lượng bao nhiêu để có hiệu quả cao nhất và giảm phản ứng phụ thấp nhất.

Đó là một viễn ảnh tuyệt vời. Tuy nhiên, như chúng ta thường nói, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, cho đến nay, dù các nước tiên tiến trên thế giới đã bỏ ra nhiều tỉ USD để giải mã bộ gen của con người, để tìm những gen có liên quan đến bệnh tật, nhưng một viễn cảnh cá nhân hóa y khoa vẫn có vẻ càng ngày càng xa vời. Càng ngày giới khoa học càng nhận ra rằng, cơ chế vận hành của gen phức tạp hơn là họ tưởng, và việc ứng dụng gen trong việc điều trị và tiên lượng các bệnh mãn tính phức tạp (như các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, loãng xương, v.v…) vẫn còn là một thách thức lớn.

Mò kim đáy biển

Năm 2003, sau gần 10 năm làm việc, các nhà nghiên cứu Mĩ và Âu châu đã thành công xây dựng toàn bộ bản đồ gen của con người. Tuy với thành công ngoạn mục này, chúng ta vẫn chưa biết chính xác con người có bao nhiêu gen. Nhưng con số mà giới chuyên môn tiên đoán là khoảng 25.000 gen được “sắp xếp” trong 23 nhiễm sắc thể (chromosome).

Nhưng cấu trúc của gen phức tạp. Có thể tưởng tượng như sau: trên một con đường rất dài có nhiều tỉnh (tương đương với khái niệm nhiễm sắc thể); mỗi tỉnh có nhiều huyện (tức là gen); và trong mỗi huyện có nhiều nhà (marker); mỗi nhà được xây bằng nhiều viên gạch (gọi là base-pair). Cơ thể chúng ta có khoảng 3 tỉ base-pair. Nhưng phần lớn (trên 90%) các base-pair này rất giống nhau giữa hai cá nhân. Thật vậy, khác biệt giữa tôi và bạn đọc và 4 tỉ người trên hành tinh này chỉ được quyết định bởi khoảng 10 triệu marker! Vấn đề là tìm những marker nào có liên quan đến bệnh tật.

Đối với các bệnh chỉ do một gen gây ra như bệnh thần kinh Huntington, bệnh xơ nang (cystic fibrosis), bệnh thiếu máu (sickle-cell disease), ung thư nội tiết loại 2 (multiple endocrine neoplasia type II), v.v… giời khoa học đã tìm ra gen. Và ở những bệnh nhân này, việc xét nghiệm gen hay marker có thể giúp ích cho họ. Nhưng những bệnh này thường hiếm thấy trong cộng đồng.

Những bệnh là thủ phạm giết nhiều người nhất hiện nay là các bệnh mãn tính liên quan đển tim mạch, tai biến, ung thư, tiểu đường, thậm chí nhiễm trùng. Những bệnh mãn tính và nhiểm trùng thương do nhiều gen gây ra, chứ không phải chỉ đơn thuần 1 gen như các bệnh vừa kể trên. Cái khó khăn lớn là không ai biết có bao nhiêu gen hay marker thủ phạm cho một bệnh như ung thư chẳng hạn, nhưng con số chắc chắn không dưới 50, thậm chí 100 gen. Tìm 50 hay 100 marker thủ phạm gây bệnh trong một biển 10 triệu marker không phải là điều đơn giản, vì việc làm này chẳng khác gì “mò kim đáy biển”.

Hạn chế của gen trong tiên lượng bệnh

Vả lại, nhưng với trình độ công nghệ sinh học hiện nay, giới khoa học chưa có khả năng và tài chính để phân tích toàn bộ 10 triệu marker, mà chỉ có thể phân tích trên khoảng nửa triệu hay 1 triệu marker.

Trong 2 năm trở lại đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu, mà trong đó các nhà khoa học phân tích khoảng 500.000 marker trên một nhóm bệnh nhân và một nhóm không bệnh để tìm gen. Cho đến nay, chúng ta đã biết được một số marker có liên quan đến các bệnh như béo phì, tiểu đường, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, loãng xương, v.v… Đầu năm nay, chúng tôi hợp tác với các đồng nghiệp Âu châu phân tích khoảng 310.000 marker và phát hiện 17 marker có thể có liên quan đến gãy xương, nhưng chúng tôi không biết cơ chế sinh học của 17 marker này.

Tuần vừa qua, lại có thêm một công trình nghiên cứu tìm gen có liên quan đến bệnh tai biến mạch máu não [1], một trong những bệnh đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất hiện nay. Trong công trình này, các nhà nghiên cứu tìm thấy 2 marker trong gen NINJ2 có liên quan đến tai biến mạch máu não. Hai marker này là thủ phạm của khoảng 12% ca tai biến. Tuy nhiên, chưa ai biết cơ chế sinh học mà 2 marker này ảnh hưởng đến nguy cơ tai biến ra sao. Phát hiện này đặt ra nhiều vấn đề về ứng dụng gen trong lâm sàng.

Câu hỏi thiết thực nhất mà công chúng muốn biết là: có thể sử dụng các thông tin từ các phát hiện vừa kể để có thể tiên đoán chính xác ai sẽ mắc bệnh ngay từ lúc mới sinh ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi và một số đồng nghiệp khác đã từng phân tích, và kết quả cho thấy cho dù chúng ta biết được 100 hay thậm chí 200 markers có liên quan đến các bệnh mãn tính, thì khả năng mà các marker này tiên đoán bệnh tật còn rất hạn chế. Thật ra, đối với các bệnh như ung thư, loãng xương, và tiểu đường, chỉ cần biết một số thông tin cá nhân, tiền sử gia đình, và một vài xét nghiệm đơn giản và rẻ tiền, chúng ta có thể tiên lượng bệnh tốt hơn là phân tích 200 gen.

Thế thì câu hỏi đặt ra là nếu kết hợp phân tích gen và các yếu tố lâm sàng căn bản có thể cải tiến giá trị tiên lượng bệnh hay không? Câu trả lời là khi thông tin gen sử dụng cùng với các yếu tố lâm sàng, độ chính xác của tiên lượng bệnh có thể tăng khoảng … 2%. Nói cách khác, chi phí bỏ ra để phân tích gen không xứng đáng với lượng thông tin mà bệnh nhân thu thập được.

Mặc cho những giới hạn của gen như vừa trình bày, có người nhanh chân tận dụng thời cơ để thương mại hóa gen. Có hàng trăm công ti sinh học ở Mĩ và Âu châu được thành lập, với mục tiêu chính là sản xuất những xét nghiệm gen nhằm tiên lượng bệnh. Các công ti này thừa biết sự hạn chết của gen trong tiên lượng bệnh, nhưng họ muốn nhìn (hay vi vọng) về tương lai khi tiến bộ khoa học cho phép việc tiên lượng bệnh bằng gen có thể thực hiện, và lúc đó họ có thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, họ vẫn nói rằng xét nghiệm gen có thể tiên lượng bệnh!

Một số nhà khoa học phê phán những công ti này là “bán hi vọng” cho công chúng, và việc làm như thế là thiếu đạo đức, thiếu thành thật. Tiến sĩ David Goldstein thuộc Đại học Duke cho rằng: “Những gì mà các công ti sinh học di truyền làm hiện nay là làm giải trí, vì những thông tin mà họ bán chẳng có giá trị lâm sàng gì cả. Họ nói rằng gen có thể tiên lượng bất cứ bệnh gì, nhưng nay thì chúng ta biết rằng gen chẳng tiên lượng được bệnh nào cả.”


Đường còn dài …

Có thể nói rằng những nỗ lực tìm gen trong thời gian qua dựa vào một mô hình khoa học khá … ngây thơ. Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng gen có ảnh hưởng đến bệnh một cách độc lập với môi trường. Nhưng trong thực tế, gen có tương tác với môi trường sống. Với môi trường A (như ở vùng nhiệt đới), gen có thể có lợi cho bệnh nhân; nhưng với môi trường B (vùng ôn đới), gen có thể có hại cho bệnh nhân. Trong bối cảnh tương tác giữa gen và môi trường như thế, nếu chỉ phân tích gen mà không xem xét đến môi trường là một sai lầm lớn.

Ngày nay, chúng ta biết rằng ảnh hưởng của gen chẳng những tùy thuộc vào môi trường, mà còn tùy thuộc vào sắc tộc. Chẳng những gen tương tác với môi trường và tùy thuộc vào sắc tộc, mà gen còn tương tác với gen trong quá trình gây bệnh. Nhưng làm sao biết gen tương tác với môi trường nào, hay với gen nào, thì vẫn còn là một bí mật của thiên nhiên mà chúng ta chưa có câu trả lời. Chúng ta thử tưởng tượng một trường hợp đơn giản, với 50 marker, chúng ta sẽ có tất cả 1.125.899.906.842.620 (1,125 triệu tỉ) mối tương tác. Với 100 marker, mối tương tác còn nhiều hơn gần triệu lần. Với kĩ thuật hiện tại, chúng ta chưa có khả năng để hiểu những mối tương tác này. Do đó, việc tiên lượng các bệnh mãn tính bằng gen vẫn còn là một mơ ước, chứ chưa thành thực tế.

Cũng như gen chưa tiên lượng bệnh, chúng ta cũng chưa thể tiên đoán trước một tương lai của gen. Xét nghiệm gen cho chẩn đoán bệnh tật chỉ có thể áp dụng cho một vài bệnh hiếm, bẩm sinh do một gen duy nhất gây ra mà thôi. Đối với các bệnh mãn tính và phổ biến mà chúng ta hay thấy ngày nay, xét nghiệm gen vẫn chưa đóng một vai trò tích cực trong việc chẩn đoán và điều trị.

Nhưng những vấn đề đặt ra trên đây là một cơ hội lí tưởng, một thử thách của khoa học. Khoa học có thể chưa giải thích tất cả những phức tạp của con người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với “ý đồ của Thượng đế” như một số người suy nghĩ. Xã hội có được những khám phá khoa học quan trọng, kể cả những phát triển trong y học, xuất phát từ lòng khao khát tri thức mới của con người, và sự sẵn sàng ứng dụng những tri thức này vào thực tế, dù lợi hại không thể đoán trước được. Phương pháp phân tích gen thể hiện sự mạo hiểm mới của con người trong hành trình chinh phục bệnh tật và đem lại hạnh phúc cho con người.

NVT

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Phẩm cách của người trí thức

Thấy có bài phỏng vấn này cũng có vài ý hay hay. Tôi nghĩ những gì anh Nguyễn Huệ Chi nói có lẽ thích hợp cho những người mà ở các nước Tây phương người ta gọi là “Public intellectual”, tức là những người trí thức công chúng. Public intellectual là những người phản biện các vấn đề xã hội (chứ không hẳn chỉ là những vấn đề chuyên môn) trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Public intellectual có thể là nhà khoa bảng, nhưng nhà khoa bảng có thể không phải là public intellectual. Do đó, đúng như anh Huệ Chi nói, có bằng cấp hay mấy cái danh xưng giáo sư chưa hẳn là public intellectual.

NVT

===

http://www.svvn.vn/vn/news/nhanvat/1895.svvn

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ với SVVN về tư cách của trí thức, và sứ mệnh của trí thức trong sự nghiệp đưa đất nước ngày một cường thịnh.

GỌI TÊN TRÍ THỨC

Thưa GS, trong hình dung của GS, thế nào là một trí thức?

GS Nguyễn Huệ Chi: Theo tôi nghĩ, trí thức được hiểu theo hai phương diện: Một là học vấn tổng quát để hiểu về mọi phương diện của cuộc sống, chứ không chỉ bó hẹp trong chuyên môn thuần tuý. Nếu như chỉ là nhà chuyên môn sâu thuần tuý, suốt đời chỉ nhìn vào cái “khe hẹp” ấy thì không được coi là trí thức.

Mà anh có học vấn chung để nhìn cuộc đời trên tư thế của một người độc lập. Thứ hai, anh phải có một nhân cách làm chỗ tựa cho học vấn ấy phát huy, để giúp ích cho đời. Đó chính là hai phương diện quan trọng để nhận diện một trí thức.

Nhưng chưa phải ai cũng biết được rành rọt những đóng góp và vai trò của anh trí thức trong một xã hội?

GS Nguyễn Huệ Chi: Vốn trong thiên bẩm – người được gọi là trí thức đã có chức năng là phản biện xã hội. Cho nên ở cơ chế của một xã hội dân chủ, giới trí thức có thể làm được nhiều việc. Nguyên lý của xã hội là tạo cho người dân được quyền phát ngôn, được tự do suy nghĩ, góp phần làm cho xã hội năng động...

Anh trí thức phải là người đầu đàn để làm những việc đó một cách tốt nhất. Nhưng trong những xã hội độc tài xưa kia, thì người trí thức đứng ở một cự ly nhất định với trung tâm quyền lực. Khoảng cách ấy đủ để cho anh có được cái nhìn tương đối tỉnh táo, nhìn vào thế giới quyền lực, dõi mắt theo thế giới ấy, và lên tiếng khi nó “có vấn đề” ảnh hưởng đến xã hội, đến sự dân chủ.

Và với sự hiểu biết sau khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, GS thấy tiếng nói của giới trí thức trong những xã hội xưa thế nào?

GS Nguyễn Huệ Chi: Ở xã hội phong kiến ngày xưa, giới trí thức Nho học được răn dạy rằng: Khi mình không làm được những thứ theo ý mình với mục đích làm xã hội tốt đẹp hơn, thì mình phải làm một việc để thể hiện khí phách và phẩm tiết của người trí thức là rút lui.

Mặc dù vẫn được trọng dụng, nhưng đề xuất chém lộng thần không được nghe, thì Chu Văn An cáo quan, treo mũ, từ biệt kinh thành về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) ở ẩn.

Xin nhắc lại, đấy là người trí thức trong những cơ chế xã hội xưa kia. Đó là một xã hội độc tài, độc tôn, lấy ông vua làm trung tâm. Hễ ông vua tốt thì xã hội thịnh, ông vua xấu thì xã hội suy. Còn trí thức ngày nay, khi xã hội chúng ta đã phát triển theo mô hình mới rồi, không phải là xã hội cũ nữa, thì rõ ràng vai trò của giới trí thức hiện nay phải tích cực hơn so với những trí thức trong xã hội cũ.

KHÔNG "MŨ NI CHE TAI"

Hiểu thế nào về sự “tích cực hơn”, thưa GS?

GS Nguyễn Huệ Chi: Tích cực hơn có nghĩa là anh không được làm những điều nhũng thoái. Anh đóng vai trò phản biện xã hội, lên tiếng khi có những vấn đề khẩn bách ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả dân tộc, của cả đất nước, hoặc là của cả một bộ phận nào đấy ở trong dân tộc này.
Hoặc có nguy cơ làm cho con đường đi của đất nước có thể rơi vào một khó khăn nào đấy. Người trí thức phải biết hy sinh lợi ích của bản thân mình, kiên trì với những chính kiến của mình để đóng góp những điều có ích cho đất nước, cho dân tộc.

Người trí thức chân chính phải vì lợi ích lớn của dân tộc, của đất nước, hay của một bộ phận dân chúng nào đấy. Trong một thời đại được gọi là dân chủ, một bộ phận dân chúng nào đấy mà đang có nguy cơ mất sự sống an ổn thì người trí thức cũng không được thờ ơ.

Là một nhà nghiên cứu, theo GS, trí thức ngày xưa và trí thức ngày nay, có gì khác nhau?

GS Nguyễn Huệ Chi: Trí thức ngày xưa có thể lui về vườn để trở thành một người sống ẩn dật, hái củi, làm thơ. Nhưng người trí thức ngày nay, với trách nhiệm xã hội giao phó, không cho phép như thế. Vấn đề yếu kém của nền giáo dục hiện nay chẳng hạn, đó là một vấn đề, theo tôi, đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc với dân tộc ta.

Nếu người trí thức không lên tiếng thì đã vô tình trùm “mũ ni che tai”, và đó là thái độ không phải của một trí thức. Anh phải biết kiên trì theo đuổi chính kiến hy sinh lợi ích cá nhân. Đó là điểm khác biệt giữa trí thức ngày xưa và trí thức ngày nay.

Trí thức là tầng lớp tinh hoa của một dân tộc, vậy đóng góp của họ phải thể hiện như thê nào?

GS Nguyễn Huệ Chi: Đương nhiên, anh giỏi về chuyên môn, cắm cúi trong chuyên môn thì đó là một đóng góp rất tốt về mặt tri thức trong một ngành nào đấy. Nhưng những người đó không được hiểu theo kiểu những trí thức có trách nhiệm dẫn đạo xã hội, hay là bộ phận tinh hoa của xã hội.
Nhóm tinh hoa ấy bao giờ cũng tạo ra những định hướng có tầm để xã hội phát triển. Xã hội mà thiếu những định hướng tầm xa như thế thì sẽ khó có hướng để phát triển. Xã hội chỉ được tạo nên bởi những nhóm quyền lực, hoặc nhóm lợi ích thì luôn luôn bị chi phối bởi những lợi ích và quyền lợi khác nhau.

Phải là người đứng ở cự ly phía ngoài để nhìn vào quyền lực, nhìn vào các nhóm lợi ích và tìm ra hướng đi cho xã hội, thì lúc đó xã hội mới phát triển đúng hướng được. Vai trò, sự đóng góp của người trí thức thể hiện ở chỗ đó.

PHẨM CÁCH QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

Trong các phẩm cách của người trí thức, theo GS, phẩm cách nào là quan trọng nhất?

GS Nguyễn Huệ Chi: Người trí thức bao giờ cũng có mấy phẩm cách sau:
Thứ nhất , phải có sự tự do trong tư tưởng – đó là một phẩm cách hàng đầu. Bởi vì nếu anh để tư tưởng bị khuất phục bởi một thứ giáo điều nào đấy, thì không bao giờ anh có sự sáng tạo được, và cách nghĩ của anh sẽ méo mó, thiên lệch, thậm chí là thấp hèn.

Thứ hai, là sự độc lập đối với quyền lực. Quyền lực đương nhiên là chúng ta phải tôn trọng, vì quyền lực là đại diện cho chỗ đứng cao nhất của một bộ phận đang điều khiển đất nước. Nhưng phải luôn luôn có một sự độc lập để tỉnh táo nhận biết đâu là chỗ đúng, chỗ sai, để nhận thấy những khiếm khuyết, chỗ nào không khiếm khuyết của xã hội.

Một xã hội không bao giờ có những con người tuyệt đối tốt, tuyệt đối hoàn hảo, mà họ dù ở cương vị nào cũng chỉ là những con người thôi. Mà đã là người thì bao giờ cũng có những mặt được, mặt hạn chế, nhất là trong xã hội hôm nay người ta luôn bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, sau mỗi con người là những nhóm lợi ích khác nhau.

Do vậy, con người thường không hoàn hảo, do đó càng đòi hỏi người trí thức phải có sự độc lập suy nghĩ để tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu... Và việc tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu... này để phục vụ lợi ích tối thượng của đất nước, chứ không phải là của những nhóm quyền lực khác. Tóm lại, người trí thức phải đứng ở chỗ đứng khách quan nhất.

Như tinh thần trao đổi trên đây của GS, thì chưa hẳn người có học hàm học vị đã được gọi là Trí Thức?

GS Nguyễn Huệ Chi: (Cười lớn) Theo tôi, xã hội ngày nay nhất thiết phải có những chức danh, học vị cho người trí thức. Chẳng biết có phải vì lý do đó mà có nhiều GS, TS, thậm chí có cả những ông đi mua bằng ở nước ngoài về để trở thành Viện sĩ, mà thực chất đó cái bằng Viện sĩ đó chỉ có mấy trăm USD thôi (Cười buồn).

Nhưng không phải cứ gắn vào một cái mác là GS, TS, hay Viện sĩ thì đã được gọi là trí thức, mà trí thức là phải xét ở phương diện anh có thực hiện được chức năng và phẩm cách của một trí thức hay không. Và trong những bước ngoặt, bước gấp khúc của đất nước thì anh đứng ở chỗ nào, anh bỏ quên lợi ích của cá nhân anh vì đất nước hay chỉ là vì “vinh thân phì gia” của bản thân.

Tôi không bao giờ xét trí thức ở mấy chữ phía ngoài. Tôi thấy những người không gắn học vị gì cả nhưng tư cách trí thức hết sức đàng hoàng, như nhà văn Nguyên Ngọc chẳng hạn, anh ấy không có học vị học hàm nào cả, nhưng anh ấy là trí thức 100%, xứng đáng là trí thức ưu tú; hay như nhà văn Phạm Toàn có học vấn cực kỳ cao, nhưng anh ấy không gắn với bất cứ cái danh vị nào cả.

GS thấy thế nào khi mà hiện nay, có những người có chức danh GS, học vị tiến sĩ... nhưng lại mang danh đó để đi quảng bá các sản phẩm như đồ uống, dược phẩm..., và xem đó như là một việc mưu sinh? Như thế họ đã thể hiện đúng vai trò của một trí thức chưa?

GS Nguyễn Huệ Chi: Xã hội hiện nay đang theo hướng kinh tế thị trường, phải bán sản phẩm, phải kinh doanh để sống... Do vậy, anh trí thức cố nhiên cũng phải bị chi phối bởi quy luật ấy. Cho nên có những người mang danh là GS, TS nhưng đi quảng cáo cho những món hàng nào đó.
Tôi nghĩ, chúng ta nên thông cảm cho họ, vì thực chất họ cũng đang đi mưu sinh, việc này cũng chẳng khác là mấy so với mấy cô gái xinh đẹp đứng ra làm PG(promotion girl) vậy thôi. Những người ấy đáng thông cảm hơn là đáng chê bai, nhưng tuy nhiên, đấy không phải là hành vi của người thuộc tầng lớp trí thức, mà đó chỉ là hành vi của người đang mưu sinh mà thôi.
Xin cảm ơn GS!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

“Có những người rất trẻ nhưng đã có tư cách vững vàng của một trí thức, nhờ được đào tạo, dạy dỗ trong truyền thống của gia đình, có học vấn rất cao. Còn những người đã già, nhưng đầu óc vẫn sáng láng, vẫn giữ được phẩm cách và phát huy được học vấn của mình thì vẫn xứng đáng là một trí thức sáng láng. Trí thức không phụ thuộc vào tuổi tác. Chỉ khi nào người ta đánh mất các phẩm cách của người trí thức thì lúc đấy mới không còn được gọi là trí thức nữa”.

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2009

Trước đây, tôi có vài hàng nhận xét về tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ 2005-2008. Đã “phóng lao giờ phải theo lao” nên năm nay tôi cũng cố gắng theo dõi xem tỉ lệ năm 2009 ra sao. Nhưng nhưng số liệu hình như chưa đầy đủ, bởi một số địa phương vì lí do nào đó chưa chịu công bố kết quả! Tuy nhiên, cũng đã có 50 tỉnh thành công bố kết quả thi, và tôi đã sử dụng số liệu này để so sánh qua các năm.

Tính chung cho cả nước tỉ lệ tốt nghiệp (TLTN) dao động khá cao giữa các năm. Năm 2005, 87% học sinh tốt nghiệp; đến năm 2006 tỉ lệ này tăng lên gần 92%. Đến khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức và khởi xướng phong trào “Ba không” thì năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp giảm xuống còn 78%, năm 2008 là 73%. Nhưng năm nay (2009), TLTN lại tăng lên khoảng 82%.

Xu hướng tăng - giảm – tăng trong thời gian 2005-2009 cũng được ghi nhận cho từng vùng như biểu đồ sau đây cho thấy:


Biểu đồ 1: Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian 2005 - 2009.
ĐB: Đông Bắc, TB = Tây Bắc, ĐBSH = Đồng bằng sông Hồng, BTB = Bắc Trung Bộ, NTB = Nam Trung Bộ, ĐNB = Đông Nam Bộ, TN = Tây Nguyên, ĐBSCL = Đồng bằng sông Cửu Long

Biểu đồ này còn cho thấy các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH, màu đỏ), kể cả Hà Nội, có TLTN cao nhất nước, nhưng các tỉnh vùng Tây Bắc (TB, màu xanh lá cây) có TLTN thấp nhất nước.

Một điểm đáng chú ý là trong khi hầu hết các vùng ghi nhận TLTN gia tăng trong thời gian 2008 và 2009, thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL, màu xanh) lại có TLTN giảm. Thật ra, TLTN vùng ĐBSCL giảm liên tục từ năm 2006.

Điều này dẫn đến một câu hỏi: vùng nào có độ dao động TLTN cao nhất? Tôi thử tính TLTN trung bình và độ lệch chuẩn cho từng tỉnh trong thời gian 2005-2009, sau đó tôi lấy độ lệch chuẩn chia cho số trung bình và kết quả là hệ số dao động (coefficient of variation, CV). Khi CV cao có nghĩa là TLTN của tỉnh đó biến đổi cao, và có thể tạm xem như là một thước đo về “bệnh thành tích”. Cố nhiên, vùng/tỉnh nào có CV thấp có nghĩa là bệnh thành tích thấp. Biểu đồ sau đây trình bày CV cho từng vùng.
Biểu đồ 2. Hệ số dao động (CV) về tỉ lệ tốt nghiệp trong thời gian 2005-2009
ĐB: Đông Bắc, TB = Tây Bắc, ĐBSH = Đồng bằng sông Hồng, BTB = Bắc Trung Bộ, NTB = Nam Trung Bộ, ĐNB = Đông Nam Bộ, TN = Tây Nguyên, ĐBSCL = Đồng bằng sông Cửu Long
Như có thể thấy qua kết quả trên, các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc có CV cao nhất (0.2), kế đến là Bắc Trung Bộ (0.14), Tây Nguyên (0.13). Ngay cả các tỉnh trong vùng ĐBSH cũng có CV cao đến 0.11. Tuy nhiên CV thấp được ghi nhận ở các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ (0.09) và vùng ĐBSCL (0.08). Như vậy, phân tích này, một lần nữa cho thấy các tỉnh thành thuộc các vùng phía Bắc có bệnh thành tích trầm trọng hơn là các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều đáng quan ngại là tỉ lệ tốt nghiệp năm 2009 có gia tăng đến gần 10% so với năm 2008. Con số này là một dấu hiệu cho thấy bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông ở nước ta vẫn chưa được điều trị khỏi. Phong trào “Ba không” của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hình như có “outcome” (kết quả) không như ông dự tính lúc ban đầu.

NVT

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Lương tâm cũng như chữ "trinh"

Hôm kia đọc báo thấy một số đại biểu bàn (hay nói đúng hơn là “nêu”) vấn đề y đức, và cũng như bao nhiêu vấn đề khác, hình như giải pháp thì vẫn không có hay chưa rõ ràng.

Một đại biểu quốc hội đề nghị là phải có luật pháp để chế tài hay phạt những nhân viên y tế phạm y đức. Nhưng tôi nghĩ đại biểu này nhầm lẫn giữa qui ước và luật pháp. Y đức là qui ước trong ngành y, là qui ước luân lí về hành vi của con người liên quan đến những gì được xem là tốt và đúng, so với những gì được xem là xấu và sai. Để xác định được một hành động hay quyết định là tốt hay xấu, người quyết định phải so sánh những lựa chọn của họ với những tiêu chuẩn mà xã hội chấp nhận. Còn luật pháp là những điều lệ nhằm để răn đe thành viên trong cộng đồng.

Luật pháp, do đó, chỉ là biện pháp bên ngoài; đạo đức mới là biện pháp bên trong mỗi con người. Khó mà đặt ra luật pháp để kiểm soát bên trong một con người. Do đó, tôi nghĩ vấn đề không phải là luật pháp mà là đạo đức xã hội. Nói đến đạo đức xã hội ý kiến sau đây của một bạn đọc Vietnamnet, theo tôi là đáng chú ý, và tôi đồng ý với hầu hết những gì bạn này viết. Đoạn cuối của ý kiến rất quan trọng, và tôi xin trích ra ở đây để suy nghiệm:

Cuộc sống đầy rẫy vật chất từ nước ngoài tràn vào, đôi khi làm con người ngày nay u mê, mù quáng chạy theo, chối bỏ những giá trị tinh thần vì cho rằng nó đã quá cũ kỹ. Giá trị của cuộc sống, chuẩn mực đạo đức ngày nay được tính bằng tiền thì vị trí những người nghèo gần như không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này thật vô cùng nguy hiểm cho xã hội vì đã mất đi tính nhân bản.

Mọi thể chế xã hội xưa nay do con người gây dựng nên xét cho cùng là để phục vụ cho con người bằng xương bằng thịt. Một xã hội mà không có khả năng bảo vệ được những công dân lương thiện của nó, xã hội đó khó tồn tại. Đồng tiền sẽ mua chuộc lật đổ nó, nếu không thì nó cũng tự sụp đổ vì các các thế lực nội bộ tranh giành, cấu xé lẫn nhau, mọi sự bắt đầu từ những phong bì “nhỏ bé” đó. Đừng khinh thường việc nhỏ, đốm lửa con có thể cháy nhà, lỗ thủng con có thể đắm thuyền.”

Đó là một cảnh báo, nhưng cũng là một nguy cơ có thật.

Mới sáng nay, nói chuyện với một người bạn trong nước về tình trạng "bồi dưỡng" mỗi khi cần làm một việc gì cho dù đó là việc nằm trong nhiệm vụ của người nhân viên hay chuyên gia được Nhà nước trả lương để làm. Chị nói rằng không "bồi dưỡng" thì họ sẽ tìm cách gây khó dễ và hệ quả là công việc không chạy. Có người chẳng dấu diếm gì, họ đòi thẳng thừng "bồi dưỡng" bao nhiêu thì họ mới chịu làm!

Vấn đề đặt ra là tại sao có những người đòi hỏi thẳng thừng như thế? Không hẳn là những người này không có lòng tự trọng (họ có đấy), nhưng vì bần cùng quá thì đành phải ... xin. Nhà nước trả lương quá thấp, trong khi cuộc sống càng ngày càng đắt đỏ và những bon chen trong xã hội do vật chất bên ngoài tác động, thì việc gì đến phải đến: nhắm mắt gạt bỏ luân lí và đạo đức qua một bên để xin bồi dưỡng. Tôi nghĩ cũng khó trách những người này. Nếu có trách thì phải trách cái cơ chế đã sản sinh ra tình trạng này.

NVT


http://vietnamnet.vn/bandocviet/2009/06/853342/

Lương tâm cũng như chữ "trinh"

Tệ nạn phong bì là một quốc nạn. Xin cho con đi học: phong bì. Cất nhà: phong bì. Xin phép kinh doanh: phong bì. Phạm luật: phong bì. Đi bệnh viện: phong bì. Đi thi: phong bì… Tràn ngập các nơi giao dịch toàn phong bì. Gần như toàn bộ giao dịch xã hội đều qua phong bì.

Tại sao con người giao dịch với nhau: anh tôi bình đẳng, tôi có nhu cầu, anh có nhiệm vụ thế thì sao tôi phải qụy lụy anh bằng cái phong bì trung gian quái gở kia. Chỉ khi nào mỗi người đều làm nhiệm vụ của mình một cách tự nguyện, tự giác thì cái phong bì kia sẽ đi vào dĩ vãng.

Một người bạn BS của chúng tôi nói rằng: khi người ta đưa phong bi,̀ anh rất giận vì xem như đã xúc phạm, ngược lại khi đem biếu một chục trái cây, một ký mắm, vài con khô anh rất vui vì nghĩ rằng người ta nhớ đến mình như một người bạn chân thành chứ không mua chuộc. Bán lương tâm, bán sự vô tư trong sạch của mình dù với giá nào cũng là quá rẻ!

Lương tâm cũng như chữ trinh, chỉ bán một lần rồi người bán sẽ trượt dài theo con đường trở thành xa lạ với bản chất thiện vốn có của con người. Khi nhận phong bì, vô hình trung người ta chia đối tượng phục vụ của mình ra làm hai nhóm: nhóm có tiền được phục vụ tối đa, nhóm không tiền bị chà đạp, đuổi xô, ruồng bỏ, không được đối xử như một con người bình đẳng.

Luật pháp có thể làm gì khi con người bị suy đồi đạo đức. Lấy lý do nghèo túng để biện hộ cho hành động hối lộ của mình xem ra không hợp lý lắm. Có phải ai nghèo cũng đi trộm cướp? So với thời chiến tranh, thời bao cấp, thời mà hiện tượng phong bì rất ít có thì con người ngày nay giàu hơn nhiều chứ, nhưng tình trạng tham nhũng hối lộ còn nhiều hơn gấp bội phần. Có phải con người càng "giàu" hơn thì càng xa rời bản chất người và đối xử với nhau càng ít tình thương hơn chăng?

Một vị BS đi xe hơi đời mới nhận phong bì từ một người tay lấm chân bùn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” có phải là vì nghèo hay không? Phong bì “nhỏ nhoi” đó là theo cái nhìn của vị BS nhưng đối với người lao động nghèo có thể là những đồng tiền cuối cùng từ căn nhà, mảnh đất đã cầm cố, là tiền bán máu, là học phí vào đại học, là tiền bán thân của đứa con hiếu thảo…Nhận những đồng tiền ấy thật những người thày thuốc có lương tâm sẽ không bao giờ nuốt trôi nổ̃i. Và những thày thuốc có lương tâm bao giờ cũng nghèo. Có phải trong cảnh nghèo con người mới có tình thương, mới biết cảm thông với những nỗi đau của đồng loại chăng?

Cuộc sống đầy rẫy vật chất từ nước ngoài tràn vào, đôi khi làm con người ngày nay u mê, mù quáng chạy theo, chối bỏ những giá trị tinh thần vì cho rằng nó đã quá cũ kỹ. Giá trị của cuộc sống, chuẩn mực đạo đức ngày nay được tính bằng tiền thì vị trí những người nghèo gần như không có chỗ đứng trong xã hội. Điều này thật vô cùng nguy hiểm cho xã hội vì đã mất đi tính nhân bản.

Mọi thể chế xã hội xưa nay do con người gây dựng nên xét cho cùng là để phục vụ cho con người bằng xương bằng thịt. Một xã hội mà không có khả năng bảo vệ được những công dân lương thiện của nó, xã hội đó khó tồn tại. Đồng tiền sẽ mua chuộc lật đổ nó, nếu không thì nó cũng tự sụp đổ vì các các thế lực nội bộ tranh giành, cấu xé lẫn nhau, mọi sự bắt đầu từ những phong bì “nhỏ bé” đó. Đừng khinh thường việc nhỏ, đốm lửa con có thể cháy nhà, lỗ thủng con có thể đắm thuyền.

Lê Ngọc Dũng,
An Long, Tam Nông, Đồng Tháp, lengocdungtn@..

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Trị liệu bằng tế bào gốc: triển vọng và quan tâm

Kể từ ngày nhậm chức, Tổng thống Barack Obama kí hàng loạt sắc lệnh và quyết định đảo ngược các chính sách trước đây của người tiền nhiệm. Giữ nguyên lời hứa lúc tranh cử, Tổng thống Obama phê chuẩn các nghị định về thay đổi khí hậu, giáo dục tính dục, ngừa thai, v.v… mà trước đây Tổng thống Bush không chấp nhận. Nhưng sắc lệnh mà Tổng thống phê chuẩn vào đầu tháng Ba có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến tương lai y học hiện đại.

Ngày ngày 9/3/2009, Tổng thống Barack Obama vừa kí sắc lệnh cho phép các nhà khoa học Mĩ được tiến hành nghiên cứu về tế bào gốc, kể cả nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc. Sắc lệnh này được ví von như là một sự cởi trói cho các nhà khoa học Mĩ vốn bị bó tay dưới thời Tổng thống George W. Bush. Trong thời chính phủ Bush, do áp lực của giới tôn giáo và quan điểm cá nhân, Tổng thống Bush kí sắc lệnh cấm một số nghiên cứu về tế bào gốc, và theo đó, các viện y tế chính phủ (NIH – National Institutes of Health) không được tài trợ cho các nghiên cứu về tế bào gốc.

Sắc lệnh của Tổng thống Obama được đánh giá là quyết định mang tính lịch sử và có ý nghĩa lớn đến nền y học hiện đại, vì nó đem lại một triển vọng cho việc ứng tế báo gốc trong việc điều trị các bệnh nan y. Cho đến hiện nay việc sử dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị đã được nghiên cứu rộng rãi, có thể tóm gọn trong các lĩnh vực sau: điều trị các chứng ung thư như não, võng mạc mắt, buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư hệ tạo máu; các chứng bệnh tự miễn (autoimmume diseases) như đa xơ hoá, bệnh lupus ban đỏ, thấp khớp; bệnh thiếu hụt miễn dịch, các bệnh tổn thương tim, bệnh ống thận bẩm sinh (hội chứng Fanconi) v.v.. Nghiên cứu và ứng dụng tế bào mầm bội năng trong điều trị bệnh đã đem lại hiệu quả thực tế. Hiệu quả tích cực và hiển nhiên nhất là trong việc dùng tế bào mầm của người trưởng thành để ghép cơ quan mà cũng có thể tránh được hiện tượng loại thải ghép.

Ở nước ta, gần đây, một số thông tin trên báo chí cho biết các nhà khoa học Việt Nam đang có dự án tiến hành các thử nghiệm điều trị bằng tế bào gốc trên người. Trong khi ở các nước tiên tiến, việc ứng dụng tế bào gốc trong trị liệu vẫn còn trong vòng nghiên cứu thì ở nước ta hình như đã bỏ qua khoảng cách đó để tiến đến ứng dụng trong lâm sàng. Đó là một điều cần thảo luận để xem xét những lợi và hại nhằm tránh những sai lầm có thể xảy ra.

Phần lớn những hi vọng chung quanh việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh (sẽ gọi tắt là “tế bào trị liệu”) dựa vào niềm tin cho rằng tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm có thể triển khai thành những liệu pháp trị liệu trong lâm sàng. Tuy nhiên, trước những áp lực chính trị và các nhóm bệnh nhân, một số triển vọng và hiệu quả về tế bào trị liệu có lẽ đã được chuyển tải đến công chúng một cách quá đáng, vượt qua khả năng thực mà khoa học hiện nay có thể cung ứng.

Còn nhớ vào thập niên 1980, với những thành công bước đầu trong việc tạo ra những “retrovirus” (những virus chứa RNA có thể chuyển các chất liệu di truyền thành DNA trong tế bào kí chủ), giới khoa học vội vã tiến đến thử nghiệm lâm sàng, và kết quả là những thất bại thê thảm, gây tác hại đến nhiều bệnh nhân. Ngay cả cho đến nay, sau hơn 30 năm nghiên cứu về gen, việc ứng gen vào trị liệu vẫn chưa thành công và còn rất nhiều trắc trở.

Thật ra, con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một hành trình khoa học dài. Trong kĩ nghệ dược, tính trung bình, từ phát hiện phân tử (molecule), đến tìm hiểu chức năng và cơ chế, đến thử nghiệm trên chuột, đến thử nghiệm trên người giai đoạn tiền lâm sàng, giai đoạn I, II, III, v.v… tốn khoảng 20 năm. Thời gian gần đây, do cải tiến trong công nghệ sinh học, nên rút ngắn khoảng 10 năm. Nhưng tính trung bình, trong số 10 ngàn phân tử phát hiện, chỉ 1 phân tử là thành công đến giai đoạn nghiên cứu lâm sàng giai đoạn II. Nói như thế để thấy con đường từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là con đường rất dài và chông gai.

Chúng ta có thể tiên đoán rằng con đường từ nghiên cứu tế bào gốc trong phòng thí nghiệm đến ứng dụng trị liệu trong lâm sàng cũng là một con đường dài. Nếu kinh nghiệm từ di truyền trong thập niên 1980s là một bài học, chúng ta có thể suy đoán rằng nghiên cứu tế bào gốc có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn là giải đáp một vấn đề lâm sàng. Thật vậy, sau hơn 20 năm tìm gen cho các bệnh phức tạp như ung thư, đái tháo đường, hen, tim mạch, loãng xương, v.v… cho đến nay giới y khoa vẫn chưa thể ứng dụng gen cho việc tiên lượng bệnh (chứ chưa nói đến việc điều trị bằng gen). Chúng tôi đã làm vài thử nghiệm thực tế và thấy rằng cho dù chúng ta biết được 100 gen, thì việc tiên lượng bệnh vẫn không tốt hơn các thông tin lâm sàng cơ bản!

Đối với tế bào gốc, trên thế giới đã có vài thành công tế bào trị liệu nhưng phần lớn là ở chuột, và rất khó nói các kết quả này có thể ứng dụng ở bệnh nhân. Ngay cả một vài ca có triển vọng ở bệnh nhân cũng chưa thể triển khai ở qui mô lớn hơn, vì nếu chưa qua nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên thì chưa thế ứng dụng gì trong lâm sàng. Thật vậy, cho đến nay, trên thế giới chưa có phác đồ nào về tế bào trị liệu.

Ở Việt Nam, rải rác đó đây chúng ta đọc hay nghe đến những “thành công bước đầu” trong việc ghép tế bào gốc vùng rìa giác mạc hoặc tế bào gốc cuống rốn cho bệnh nhân hỏng giác mạc. Tuy nhiên, rất khó mà đánh giá những thành công này như thế nào, vì không có chi tiết khoa học, và cũng chưa thấy kết quả nghiên cứu được công bố trên một tập san y khoa có uy tín trên thế giới. Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và quản lí lâm sàng những bệnh nhân đó. Đây là vấn đề y đức. Chúng ta vẫn chưa quên vào những năm trong thập niên 1980 đã có những “tai nạn” mà những bệnh nhân được ghép giác mạc mắt đầu tiên chịu hậu quả rất nặng nề nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Mới đây, có thông tin cho biết các bác sĩ Việt Nam đã tiến hành ghép tế bào gốc trong máu cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một bài báo khoa học nào của Việt Nam được công bố trên một tập san y khoa nào. Cần nói thêm rằng cho đến nay vấn đề này vẫn còn trong vòng nghiên cứu, chưa ứng dụng vào lâm sàng. Ấy thế mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định đấu thầu đề tài nhà nước cho lĩnh vực này. Điều đáng quan tâm chính là ở chỗ trong nội dung đấu thầu yêu cầu thử nghiệm trên bệnh nhân, trên con người. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về an toàn cho bệnh nhân, nếu nghiên cứu không thành công hoặc để lại di chứng cho bệnh nhân?

Ứng dụng nghiên cứu cơ bản trong lâm sàng là một trong những định hướng nghiên cứu mà các nước tiên tiến đang theo đuổi. Nhưng hành trình từ khám phá cơ bản đến ứng dụng lâm sàng là một hành trình rất dài và tốn kém. Ông bà ta có câu “dục tốc bất đạt”, và câu này rất phù hợp với hoạt động khoa học. Trong khoa học không có những con đường tắt, mà bất cứ vấn đề gì cũng phải tiến triển theo một qui trình chuẩn thường đòi hỏi một thời gian dài. Bỏ qua những qui trình chuẩn này có thể dẫn đến những tác hạu khó lường trước được cho bệnh nhân và tạo thêm tiền lệ không hay cho y học Việt Nam.

NVT

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Thuốc mới (Krystexxa) điều trị gout

Một tin vui cho những người bị bệnh gout: hôm nay (17/6/09), FDA phê chuẩn thuốc Krystexxa cho việc điều trị gout. Thuốc Krystexxa do công ti dược Savient bào chế.

Bệnh nhân gout nếu không đáp ứng với các thuốc khác (tức uric acid không trở về mức độ bình thường và triệu chứng không kiểm soát được) thì thuốc Krystexxa là một lựa chọn mới nhất. Theo vài nghiên cứu RCT giai đoạn 3 thì Krystexxa có hiệu quả rất tốt (có lẽ tốt hơn là mơ tưởng!) cho các bệnh nhân này. Nhưng cần phải xem lại dữ liệu cho chắc ăn.

Bệnh gout ở Việt Nam cũng khá nhiều. Bạn tôi có vài người bị gout. Do đó, đây là một tin vui cho các bạn tôi. Nhưng cho đến nay, chưa biết giá của Krystexxa là bao nhiêu. Đây chính là một điều quan trọng mà tôi chưa thấy báo nói đến.

NVT

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Mối quan hệ giữa giới y khoa và kĩ nghệ dược

Thời gian gần đây, báo chí nêu nhiều vấn đề về hoạt động tiếp thị của các công ti dược, với nhiềy ý tiêu cực. Bài này lí giải rằng mối liên hệ đó cần thiết, nhưng có thể nâng cao hơn và bình đẳng hơn. Bài đã đăng trên TTCT (13/6/09) với tựa đề “Các công ty dược toàn là “kẻ xấu?”

NVT

===

Kĩ nghệ dược và hoạt động kinh doanh của các công ti dược thường được giới báo chỉ mổ xẻ khá nhiều. Có quan điểm cho rằng các công ti dược là “bad guys” (kẻ xấu), làm tiền trên bệnh nhân, mua chuộc bác sĩ để kinh doanh, v.v… Nhưng cũng có người bình tĩnh hơn đánh giá cao những đóng góp của kĩ nghệ được trong việc phòng chống bệnh tật ở qui mô toàn cầu. Gần đây báo chí trong nước đặt vấn đề về mối quan hệ giữa kĩ nghệ dược phẩm và bác sĩ với nhiều lí lẽ tiêu cực. Bài này sẽ lí giải tại sao mối quan hệ đó cần thiết, và có thể cải tiến tốt hơn.

Kĩ nghệ dược là một kĩ nghệ lớn và hái ra tiền trên thế giới. Theo một phân tích vào năm 2006, kĩ nghệ dược toàn cầu trị giá 643 tỉ USD; trong số này chỉ 10 công ti chiếm trên 40% thị phần toàn cầu. Thị trường dược phẩm ở các nước đang phát triển là một thị trường phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây. Năm 2001, thị trường dược phẩm ở các nước đang phát triển chiếm 13% thị trường toàn cầu; chỉ 5 năm sau (năm 2006), tỉ lệ này tăng gấp 2 lần thành 27%. Do đó, các “đại gia” ngành dược nhìn các nước đang phát triển ở châu Á là một thị trường chiến lược về lâu về dài. Để xây dựng thị trường họ cần thiết lập các mối quan hệ với địa phương.

Trong trào lưu hợp tác và phát triển, mối quan hệ giữa y giới và kĩ nghệ dược là một điều cần thiết. Mối quan hệ giữa một bên là chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và một bên là sản xuất dược phẩm và công cụ phục vụ cho chăm sóc bệnh nhân ắt hẳn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho việc điều trị và quản lí bệnh. Có thể nói rằng đại đa số các thuốc có mặt trên thị trường ngày nay, nếu không có sự tương tác giữa các bác sĩ nghiên cứu và kĩ nghệ dược thì không thể nào ra đời được. Ở những nước kém phát triển kinh tế như nước ta, sự có mặt của các công ti dược quốc tế chẳng những là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế, mà còn đem lại nhiều lợi ích về thông tin khoa học cho giới bác sĩ vốn trong một thời gian dài không có cách tiếp cận được.

Hai mối quan hệ

Nhưng mối quan hệ giữa y giới và kĩ nghệ được cũng có nhiều tác động tiêu cực. Chẳng hạn như có bằng chứng cho thấy bác sĩ có mối quan hệ mật thiết với các công ti dược thường có xu hướng sử dụng thuốc của công ti, dù có thuốc khác có cùng hiệu quả và giá rẻ hơn. Nói cách khác, mối quan hệ đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến y đức. Một nguyên tắc y đức số 1 là: bác sĩ phải đặt quyền lợi của bệnh nhân lên hàng đầu. Nhưng trong thực tế, một số không ít bác sĩ đã vì đồng tiền làm cho lu mờ hay thậm chí quên nguyên tắc số một này. Chính vì vấn đề tế nhị này mà ở các nước tiên tiến như Mĩ, Quốc hội điều tra và thiết lập những luật để quản lí mối quan hệ giữa y giới và kĩ nghệ được.

Nhưng nói đến mối quan hệ giữa y giới và kĩ nghệ dược là nói đến cái gì cụ thể? Một cuộc nghiên cứu ở Mĩ do giáo sư Eric Campbell thực hiện cho chúng ta một bức tranh khá sinh động. Khi được hỏi trong thời gian 1 năm, các bác sĩ có mối tương tác nào với kĩ nghệ được, các bác sĩ Mĩ báo cáo như sau:

* 78% bác sĩ nhận hàng mẩu (thuốc mẩu) từ các công ti dược;
* 83% bác sĩ từng nhận quà từ các công ti dược (quà thường là bút, giấy, đồ chơi điện tử, v.v…);
* 35% nhận tiền trực tiếp từ các công ti dược;
* 18% nhận tiền tư vấn phí (consulting fee);
* 16% nhận tiền giảng bài và nói chuyện trong các hội nghị;
* 9% nhận tiền do được mời làm cố vấn trong các hội đồng khoa học của các công ti dược;
* 3% nhận tiền để tuyển bệnh nhân cho các công trình thử nghiệm lâm sàng;

Tính chung, 95% bác sĩ cho biết họ có ít nhất là một mối quan hệ như vừa mô tả trên. Chỉ có 5% là hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, ngay cả con số 5% này còn được xem là quá cao, vì trong thực tế có lẽ 100% bác sĩ đều có ít nhất là một mối tương tác với kĩ nghệ dược.

Đó là tình hình ở Mĩ. Còn tại các nước phát triển như nước ta thì sao? Một nghiên cứu thú vị khác của nhóm Comsumer Internation (CI) cho chúng ta thấy một bức tranh khác. Trong nghiên cứu này, một bác sĩ gia đình người Malaysia đồng ý ghi lại tất cả những liên hệ mà ông có với các công ti dược. Trong thời gian 5 tuần, ông ghi nhận 17 giờ tiếp xúc với đại diện của 25 công ti dược (trong số này có 16 công ti đa quốc gia hay còn gọi là “đại gia” trong ngành dược quốc tế). Mối liên hệ giữa bác sĩ Malaysia và các đại diện công ti dược có thể tóm lược như sau:

* 6 tài liệu khoa học cập nhật hóa về điều trị;
* 10 bút, 9 sách hay giấy nháp mang nhãn hiệu thuốc, 1 đồ chơi, 4 tập để tài liệu; 5 hộp giấy tissue; xà phồng; phụ kiện máy tính như chuột, USB;
* 2 sách cẩm nang lâm sàng;
* 24 tờ rơi;
* 3 bài báo khoa học;
* Dịch vụ sàng lọc bệnh nhân;
* 5 lời mời đi ăn tối, ăn trưa ở nhà hàng; và
* 3 lời mời đi dự hội thảo dưới sự bảo trợ của công ti.

Nhìn qua danh sách về các môi liên hệ giữa giới bác sĩ ở Mĩ và ở Malaysia chúng ta thấy một mẫu số chung là các công ti dược thường cho quà cáp và hàng mẫu cho bác sĩ. Tuy nhiên, về phương diện khoa học, mối liên hệ giữa kĩ nghệ dược và bác sĩ ở Mĩ ở một tầm vóc cao hơn mối liên hệ ở các nước phát triển. Ở Mĩ, một số bác sĩ cũng làm nghiên cứu khoa học, và do đó, các công ti dược cần đến cố vấn của họ và đối xử họ tốt hơn (hay ở một mối liên hệ bình đẳng hơn) so với các đồng nghiệp ở các nước đang phát triển. Ở các nước đang phát triển, đại đa số các bác sĩ không có điều kiện nghiên cứu khoa học, và họ ở một vị thế thấp hơn đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, nên mối liên hệ có màu sắc “chiếu trên chiếu dưới”.

Nhưng không thể cáo buộc các công ti dược có những hành vi có thể xem là thiếu thuyết phục (nếu không muốn nói là thiếu chính trực), bởi vì nếu không có sự tiếp tay của giới bác sĩ thì chiến lược tiếp thị của họ chưa chắc có hiệu quả. Trong thực tế có không ít bác sĩ lợi dụng các công ti dược để “chấm mút”, thậm chí có bác sĩ còn ra giá hoa hồng cho các công ti dược khi họ kê toa thuốc! Những hành vi tự hạ thấp nhân phẩm và vi phạm y đức của các bác sĩ này đã vô hình chung tạo nên một tiền lệ cho các công ti dược khai thác và biến không ít bác sĩ thành những người bán hàng cho họ.

Ảnh hưởng

Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tập san PLoS Medicine, mỗi năm các công ti dược cho ra trên 50 tỉ USD cho các hoạt động tiếp thị, và trong số này 70% nhắm vào các bác sĩ. Mỗi năm, các công ti dược chi ra khoảng 20 tỉ USD cho các “dịch vụ” liệt kê trong danh sách trên. Tại sao các công ti thích chi ra một số tiền lớn như thế? Câu trả lời đơn giản là vì chiến lược tiếp thị nhắm vào giới bác sĩ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vấn đề đặt ra là ai sẽ trả cho những chi phí này? Tất nhiên, các công ti dược không phải là những tổ chức từ thiện; nhiệm vụ của họ là kinh doanh lấy lời và chiếm thị trường. Chính bệnh nhân là những người phải chi trả khoảng chi tiêu khổng lồ này. Chính bệnh nhân là những người phải chi trả những quà tặng và những chuyến du lịch hải ngoại cho bác sĩ. Đó cũng là một giải thích tại sao giá thuốc càng ngày càng tăng cao.

Do đó, mối quan hệ giữa kĩ nghệ dược và y giới ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành đề tài tranh luận trong vài năm qua. Các công ti dược thường bị tố cáo là lợi dụng và khai thác tình trạng thiếu thông tin ở các nước đang phát triển để đưa vào thị trường những thuốc cũ, hay thuốc với chất lượng thấp. Đã có ước tính rằng gần 50% thuốc ở các nước đang phát triển hoặc được ra toa một cách không phù hợp, hoặc không cần thiết. Khoảng phân nửa bệnh nhân ở các nước này có thể được điều trị bằng những thuốc hoặc không phù hợp, hoặc không cần thiết.

Chẳng hạn như trên thế giới ngày nay, có ước tính cho rằng chỉ duy trì đủ một số thuốc phổ biến và căn bản và vắcxin có thể cứu sống 10 triệu người mỗi năm. Nhưng nhiều công ti dược không thích những thuốc căn bản đó, vì họ muốn bán những thuốc mới và đắt tiền hơn (đồng nghĩa với lợi nhuận nhiều hơn).

Các thuốc mới có thật sự là mới? Một phân tích trên 1000 thuốc mới được FDA phê chuẩn trong thời gian 1989 đến 2000, chỉ có 5% là thực sự đột phá, và hơn 3/4 không có lợi ích lâm sàng gì tốt hơn so với thuốc hiện hành. Nhưng các thuốc mới này thường đắt tiền hơn thuốc cũ! Do đó, nều các công ti dược quảng bá những loại thuốc mới mà đắt tiền có thể dẫn đến tình trạng sao lãng các biện pháp y tế công cộng vốn là một vấn nạn y tế ở các nước đang phát triển.

Tiến đến một mối quan hệ lành mạnh hơn

Trong thời gian gần đây, một số báo chí Việt Nam chất vấn mối quan hệ giữa bác sĩ vác các công ti dược với nhiều lí lẽ mang tính tiêu cực. Tuy trong thực tế có những hành vi không mấy hay ho của các công ti dược có thể ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng nhìn chung mối quan hệ giữa kĩ nghệ dược và y giới có thể cải tiến bằng cách nâng cao mối quan hệ lên tầm bình đẳng hơn và khoa học hơn.

Như trình bày trên, mối liên hệ giữa kĩ nghệ dược và y giới địa phương rất cần thiết cho sự phát triển của y học trong nước. Có thể nói không ngoa rằng các công ti dược có thể đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc tài trợ cho giới khoa học Việt Nam trong nghiên cứu y khoa. Các nghiên cứu do các công ti thuốc nước ngoài tài trợ thường có chất lượng cao hơn những công trình nội địa, bởi vì họ phải tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế. Do đó, mối tương tác khoa học giữa kĩ nghệ dược và y giới về lâu về dài sẽ đem nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, vì một số hoạt động của kĩ nghệ dược có khi mang hình thức quảng bá sản phẩm mang tính áp đặt và có khi thiếu minh bạch. Trong quá khứ, đã có tình trạng các công ti dược bán những thuốc hết (hay gần hết) thời hạn ở các nước đang phát triển. Lại có những công ti “mua” bác sĩ để kiếm bệnh nhân làm thử nghiệm. Đó là những hành vi có thể nói là vi phạm y đức và đạo đức kinh doanh. Do đó, có lẽ để cho mối quan hệ giữa kĩ nghệ dược và y giới tốt hơn, chúng ta cần một số qui ước (không phải luật) mà đôi bên có thể đồng ý với nhau.

Kĩ nghệ dược phẩm đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trọng trong công tác y tế và phòng chống bệnh tật không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở qui mô toàn cầu. Để làm tốt vai trò này, kĩ nghệ dược cần phải tương tác với y khoa trong việc cung cấp thông tin chuyên môn và nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ thương mại thuần túy.

Cách Download tài liệu từ Internet


Cách Download tài liệu từ Internet

Bạn là một sinh viên, một học sinh, giáo viên hay bất kỳ những ai có nhu cầu hiểu biết một vấn đề nào đó. Cách thông thường là bạn sẽ tham khảo những người có kinh nghiệm và hiểu biết hay tham khảo các loại sách vở. Vậy bạn đã bao giờ sử dụng Internet để giải quyết các vấn đề của bạn chưa? Trong bài viết này tôi sẽ giúp các bạn – những ai chưa sử dụng Internet để tìm tài tiệu hay chưa biết. ( Đây cũng là món quà tặng những người em của tôi đang học năm thứ nhất thứ hai chưa biết nhiều về cách download tài liệu)

Trước tiên bạn cần hiểu các tài liệu trên Internet là gì? Thực ra đó là các dữ liệu (tài liệu) được các Website chia sẽ. Các tài liệu đó có thể là các File định dạng như là Word(*.doc), hình(*.pdf)…Hoặc các tập tin…Vì vậy khi bạn Download tài liệu về máy tính bạn có thể mở các tài liệu này để nghiên cứu hay in ra thành sách tham khảo…
Vậy cách lấy tài liệu thế nào? Nói chung thì lấy một tài liệu trên mạng có hai giai đoạn: Tìm kiếm và tải về. Có các cách như sau:
1) Cách 1: Sử dụng các trang website chuyên về tìm kiếm như là http://google.com.vn .hay của http://yahoo.com hay http://timnhanh.com
Ví dụ: Bạn muốn tìm tài liệu là “Giáo trình Excel”. Bạn vào trang web http://google.com.vn gõ chữ “giáo trình Excel” hay gõ không có dấu “giao trinh excel” sau đó ấn nút tìm kiếm. Một loạt trang có lien quan tới giáo trình Excel sẽ xuất hiện, bạn thử vào và tìm cách tải về nếu có.


2) Cách 2: Sử dụng các trang web chuyên về tài liệu.
Các trang mà tôi thường dung:
- www.ebooks.edu.vn (đây là trang giáo trình có lẽ lớn nhất Việt nam, nếu bạn là sinh viên hay giáo viên mà không niết trang này thì hơi thiệt thòi đó). Ở trang này bạn phải có tài khoản mới Download được, nếu bạn chưa có thì có thể tạo tài khoản cho riêng mình hay có thể dùng tạm TK của tui: tuliem063 Password: hatinh
- www.download.com.vn
- Các Website của các trường đại học trong và ngoài nước.
- …
3) Cách 3: Sử dụng các diễn đàn:
Trong các diển đàn bạn có thể nhờ các bạn trong diễn đàn tìm tài liệu cho mình hay xin các tài liệu, đặc biệt hơn các thắc mắc của bạn sẽ có người gở rối cho.
4) ……….

Ngoài ra Internet còn giúp bạn lien lạc với các chuyên gia, thầy giáo, giáo sư để trao đổi hay chia sẽ tài liệu.
Qua bài này tôi muốn các bạn nắm được: Internet sẽ giúp được gì cho quá trình học tập hay nghiên cứu của bạn? Và cách tìm tài liệu như thế nào? Tuy nhiên vấn đề trên chỉ là một giọt nước trong đại dương Internet