Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010

Tại sao bài báo khoa học bị từ chối?

Năm 2009, các nhà khoa học VN chỉ công bố được khoảng 960 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này cực kì khiêm tốn khi so với các nước trong vùng. Đằng sau con số này là hàng trăm bài báo bị các tập san từ chối không công bố. Bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng có ít nhất một lần ngậm ngùi thấy bài báo hay công trình nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố. Đứng trước một quyết định như thế của tập san, phản ứng đầu tiên mà nhà khoa học có là câu hỏi “tại sao”: tại sao họ từ chối công trình tuyệt vời này của tôi? Ngạc nhiên thay, rất ít nghiên cứu về lí do từ chối bài báo khoa học! Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có vài phân tích về vấn đề này, và bài viết này có mục tiêu cung cấp cho bạn đọc một vài nguyên nhân từ chối bài báo khoa học.

Ở các nước tiên tiến và phần lớn các đang phát triển (có lẽ ngoại trừ Việt Nam), bài báo khoa học là một viên gạch lót đường cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp của một nhà khoa học, là một đơn vị tiền tệ cực kì quan trọng cho việc xin được tài trợ cho nghiên cứu, và là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường năng suất khoa học của một quốc gia. Do đó, có những nước, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc, chi ra hàng tỉ đôla để nâng cao sự có mặt của họ trên trường quốc tế qua hoạt động công bố ấn phẩm khoa học.

Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học. Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu, và trong vài trường hợp cần thiết, bằng sáng chế được đăng kí ở đâu. Xin nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta không có kiểu “nghiệm thu” như ở Việt Nam để đánh giá sự thành bại của một công trình nghiên cứu khoa học.

Qui trình xuất bản

Qui trình để xuất bản một bài báo khoa học cũng khá đơn giản. Đầu tiên là tác giả (hay thường là nhóm tác giả) soạn bài báo khoa học, sau đó họ chọn một tập san để gửi gấm “đứa con tinh thần” của mình. Ban biên tập tập san khi nhận được sẽ xem qua một cách nhanh chóng, và nếu thấy chưa đạt yêu cầu sẽ gửi trả lại cho tác giả trong vòng 1 tuần; nếu thấy đạt yêu cầu và có tiềm năng, họ sẽ gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt (reviewers hay referees). Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho tổng biên tập của tập san, với những đề nghị như (a) cho công bố không cần sửa; (b) cho công bố những cần sửa chút ít; (c) cho công bố nhưng sửa nhiều hay viết lại; (d) từ chối. Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì bài báo sẽ bị từ chối. Nếu 2 chuyên gia đề nghị chấp nhận cho công bố và 1 người không chấp nhận, thì ban biên tập sẽ gửi cho một chuyên gia khác bình duyệt tiếp. Điều cần nói là các chuyên gia này biết tác giả là ai (qua bản thảo bài báo), nhưng tác giả không biết 3 chuyên gia này là ai. Thời gian bình duyệt của các chuyên gia có thể kéo dài từ 2 tuần đến 6 tháng, hoặc có thể lâu hơn (tùy theo bộ môn khoa học).

Nếu các chuyên gia đề nghị phải sửa lại thì tổng biên tập gửi lại cho tác giả với toàn bộ báo cáo của các chuyên gia. Tác giả có trách nhiệm phải sửa từng điểm một trong bài báo, hay làm thêm thí nghiệm, thêm phân tích, v.v… để đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia bình duyệt. Bản thảo thứ hai lại được gửi cho ban biên tập, và qui trình bình duyệt lần thứ 2 lại được khởi động. Nếu các chuyên gia thấy tác giả chưa đáp ứng yêu cầu, bài báo có thể bị từ chối. Nếu các chuyên gia thấy tác giả đã đáp ứng tất cả những đề nghị thì họ có thể sẽ đồng ý cho công bố bài báo. Nếu được chấp nhận, bài báo sẽ được gửi cho biên tập viên của nhà xuất bản, và họ sẽ có người chuyên lo phần ngôn ngữ để biên tập bài báo. Thật ra, phần lớn bài báo chẳng có gì phải sửa về tiếng Anh, nhưng vì các nhà xuất bản muốn tiết kiệm giấy, nên nhiệm vụ của biên tập viên là tìm mọi cách, mọi nơi để giảm số chữ. Chẳng hạn như những danh xưng, bằng cấp, chức danh, v.v… của tác giả có tập san có chính sách cắt bỏ hết vì họ cho rằng tốn giấy. Họ sẽ xem xét đến biểu đồ và bảng số liệu xem có gì trùng hợp không để cắt bỏ khỏi bài báo. Những biên tập viên này cực kì giỏi về viết lách và rất kinh nghiệm trong việc trình bày một bài báo khoa học sao cho gọn nhẹ mà nội dung vẫn đầy đủ.

Như là một qui luật, phần lớn các bài những khoa học nộp cho tập san khoa học bị từ chối không cho công bố ngay từ giai đoạn bình duyệt, thậm chí ngay từ giai đoạn trước khi gửi bài báo ra ngoài bình duyệt. Tỉ lệ từ chối dao động lớn giữa các tập san. Tập san càng uy tín chừng nào, tỉ lệ từ chối càng cao chừng ấy. Uy tín ở đây được đo lường bằng hệ số impact factor (IF). Tập san có ảnh hưởng lớn thường có hệ số cao. Những tập san lâu đời và có ảnh hưởng lớn trong khoa học như Science (IF 30), Nature (IF 31), Cell (31.3), hay trong y khoa như New England Journal of Medicine (52.6), Lancet (28.6), JAMA (25.6), mỗi năm nhận được khoảng 6000 đến 8000 bài báo khoa học, nhưng tỉ lệ từ chối lên đến 90% hoặc 95%. Ngược lại, những tập san nhỏ và chuyên ngành thường có hệ số impact factor thấp, và tỉ lệ từ chối chỉ khoảng 50% đến 60%. Những tập san địa phương có vẻ dễ dải hơn, với tỉ lệ từ chối chỉ 20 hay 30%.

Lí do từ chối ?

Nhưng tại sao các tập san có “thói quen” từ chối công bố các công trình nghiên cứu của đồng nghiệp? Đây là một câu hỏi chính đáng, nhưng rất khó có câu trả lời, vì trong quá khứ rất ít nghiên cứu tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến từ chối một bài báo khoa học. Tuy nhiên, một cuộc điều tra gần đây cung cấp cho chúng ta một vài dữ liệu thú vị và quan trọng. Trong cuộc điều tra này, tác giả gửi 83 câu hỏi đến đến 25 nhà khoa học từng chiếm giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học. Nhưng chỉ có khoảng 25% trong số này trả lời tất cả những câu hỏi, và kết quả phân tích cho thấy như sau.

Khi được hỏi khuyết điểm nào phổ biến nhất để từ chối ngay một bài báo khoa học, thì có 3 lí do chính sau đây: 71% là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề, 14% do diễn giải kết quả nghiên cứu sai, và 14% là do đề tài nghiên cứu không quan trọng.

Một bài báo thường được viết theo cấu trúc IMRAD (tức là có phần dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và bàn luận). Khi được hỏi phần nào thường phạm phải sai lầm nhiều nhất thì câu trả lời là 55% ở phần phương pháp, 24% phần bàn luận, và 21% phần kết quả. Trong 4 phần của một bài báo, phần nào là nguyên nhân dẫn đến từ chối bài báo? Phân tích kết quả cho thấy khoảng phân nủa là phần phương pháp (52%), kế đến là phần kết quả (28%), và phần bàn luận (21%).

Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp. Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai. Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi). Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.

Trong phần phân tích chi tiết về các lí do từ chối, tác giả còn cung cấp một số dữ liệu quan trọng trong phần diễn giải kết quả, tầm quan trọng của nghiên cứu, khiếm khuyết trong cách trình bày kết quả nghiên cứu, và viết văn. Về diễn giải kết quả nghiên cứu, có đến 61% các tác giả diễn giải hay kết luận không nhất quán với dữ liệu, và phần còn lại là dữ liệu không có tính thuyết phục cao (25%) hay còn quá sơ khởi (7%).

Về nội dung, thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối vì lí do này). Thiếu tứng ứng dụng (13%) cũng là một lí do để từ chối, nhưng không quan trọng bằng thiếu cái mới, tuy quan trọng hơn lí do vì chủ đề nghiên cứu quá hẹp (8%). Về trình bày dữ liệu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiếtt về phương pháp nghiên cứu (25%). Về cách viết, các tổng biên tập và chuyên gia bình duyệt có vẻ không ưa cách viết lách quá nhiều chữ nhưng ít ý tưởng và đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bài báo bị từ chối (43%). Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiếc (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.

Địa phương chủ nghĩa ?

Phần lớn các tập san khoa học -- dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu -- mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.

Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine, JAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ. Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%. Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%. Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ. Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.

Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ. Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, impact factor ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật). Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%). Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập san Circulation Research bị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.

Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2). Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%). Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước. Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%. Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố. Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%. Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.

Các nhà nghiên cứu phân chia các nguyên nhân từ chối thành 6 nhóm: nhóm: I liên quan đến thiếu cái mới hay dữ liệu không có ích; nhóm II liên quan đến những khuyết điểm về phương pháp và logic; nhóm III, khuyết điểm về phân tích dữ liệu; nhóm IV, vấn đề ngôn ngữ; nhóm V, chuyên gia bình duyệt không thích; và nhóm VI, không thích hợp cho tập san.

Khi phân tích lí do từ chối theo từng nhóm và nước (Bảng 3) chúng ta thấy phần lớn (60%) bài báo bị từ chối là thuộc vào nhóm I, tiếp đến là nhóm II (17%), nhóm III (7%), nhóm IV (3.5%), nhóm V (8%), và nhóm VI (4.4%).

Phân tích lí do từ chối, chúng ta thấy rõ ràng có sự khác biệt giữa các nước. Đối với những nước như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Thụy Sĩ, Đài Loan, Ý, Ấn Độ, và Do Thái, lí do từ chối lớn nhất ở các nước là nhóm I, tức thiếu cái mới trong nghiên cứu. Nói cách khác, các nước này có xu hướng làm những công trình nghiên cứu –nói theo tiếng Anh là – “me too” (tức chỉ lặp lại những gì các nước khác đã làm mà phương pháp, kết quả và cách diễn giải hoàn toàn không có gì mới.

Điều đáng ngạc nhiên là trong số những bài báo từ Đức và Áo bị từ chối, có đến 33-40% là do những sai sót về phương pháp và lí luận! Riêng những nghiên cứu từ Trung Quốc thì trong số bài báo bị từ chối, 52% là do thiếu cái mới, 17% do vấn đề tiếng Anh, 14% là do khuyết điểm trong phương pháp nghiên cứu là logic, và 6% do phân tích dữ liệu sai.

Vài nhận xét

Những dữ liệu trên đây cung cấp cho chúng ta một bức tranh tương đối toàn diện về tình hình công bố quốc tế đối với các nhà khoa học trong ngành y sinh học. Có thể tóm tắt các dữ liệu trên đây qua 3 điểm chính như sau:

• trong tất cả các nguyên nhân từ chối công bố quốc tế, gần 2/3 là do khuyết điểm trong khâu thiết kế nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu;

• những khuyết điểm này thường tập trung vào 2 khía cạnh chính: thiếu cái mới và lí luận logic;

• bài bào từ Mĩ và các nước nói tiếng Anh có tỉ lệ từ chối thấp hơn bài báo từ các nước không nói tiếng Anh;

Tuy nhiên, những phân tích trên đây cũng có vài hạn chế. Thứ nhất là các dữ liệu được thu thập từ các tổng biên tập, nhà khoa học và tập san trong lĩnh vực y sinh học; do đó có thể chưa phản ảnh đúng tình trạng thực tế trong các lĩnh vực khoa học khác như kĩ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Thứ hai là dữ liệu từ một tập san nhỏ (hay chỉ có 25% nhà nghiên cứu trả lời) nên chắc chắn ngay cả trong lĩnh vực y sinh học cũng chưa phản ảnh đúng thực trạng, dù bức tranh chung thì chắc cũng khá đầy đủ.

Nếu những dữ liệu và phân tích trên đây cung cấp cho giới khoa học, nhất là trong lĩnh vực y sinh học, vài kinh nghiệm, tôi nghĩ đến những khía cạnh sau đây. Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới. Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu. Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z. Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.

Thứ hai là cần chú trọng đến khâu thiết kế nghiên cứu và phương pháp phân tích. Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng. Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao. Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình “nghiên cứu cắt ngang” (cross-sectional study). Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao. Chẳng hạn như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao. Một nghiên cứu với thiết kế và phương pháp chưa đạt thì xác suất bị từ chối rất cao.

Thứ ba là cần thạo tiếng Anh. Phần lớn các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh. Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học. Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh. Ngay cả những người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, họ cũng rất khó viết nổi một bài báo khoa học. Ngay cả những người viết được thì xác suất sai sót về cú pháp, cách diễn đạt rất cao. Có thể nói không ngoa rằng không một bài báo y khoa nào được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh! Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh. Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc trao dồi tiếng Anh trong giới khoa học, và tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.

Đối với giới làm nghiên cứu khoa học, chuyện vui buồn trong công bố công trình nghiên cứu xảy ra thường xuyên. Có nhiều khi bài báo sau khi qua nhiều sửa đổi được chấp nhận cho công bố, và dĩ nhiên đó là một tin mừng. Nếu tập san có hệ số impact factor cao thì tác giả có khi tổ chức tiệc ăn mừng. Mừng vì công trình của mình được công bố trên một tập san lớn, và có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp quốc tế. Nhưng hầu như bất cứ ai làm việc trong nghiên cứu khoa học đều phải trải qua nhiều lần khi mà bài báo nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố. Đối với những nghiên cứu sinh lần đầu nhận được lá thư của tổng biên tập thông báo cho biết bài báo không được chấp nhận cho công bố là một bản tin sốc. Có khi sốc đến cao độ. Có khi buồn chán. Trong bối cảnh buồn chán đó, nhà khoa học có kinh nghiệm thường phải tỏ ra bình tĩnh để xem xét lại nguyên nhân bài báo bị từ chối. Cần phải biến sự việc tiêu cực (bị từ chối) thành một cơ hội lí tưởng để tự vấn. Trong quá trình tự vấn này, một số câu hỏi thông thường cần đặt ra:

• Tựa đề bài báo có phù hợp với dữ liệu nghiên cứu?
• Kết quả nghiên cứu có nhất quán với những lí giải trong phần bàn luận?
• Có phải lí giải trong bài báo là lí giải duy nhất, hay còn một lí giải, một cách diễn giải nào khác?
• Có cần thu thập thêm dữ liệu?
• Có cần một phương pháp phân tích khác tốt hơn?
• Kết quả có ý nghĩa thống kê và ý nghĩa thực tiễn?
• Kết quả nghiên cứu đã được trình bày một cách logic, mạch lạc, và rõ ràng?
• Tiếng Anh đã trao chuốt chưa?

Trả lời được những câu hỏi tự vấn trên chắc chắn sẽ có hiệu quả cải tiến bài báo một cách đáng kể. Cố nhiên, khi bài báo bị từ chối thì điều đó không có nghĩa là công trình chấm dứt ở đó, mà chúng ta vẫn có quyền khiếu nại, hay trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể chỉnh sửa và nộp cho một tập san khác. Tuy nhiên, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, những lí do từ chối được mô tả trong bài viết này là những kinh nghiệm quí báu để chúng ta tự đánh giá và chuẩn bị cho nhiều nghiên cứu sau tốt hơn.

NVT

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

Lỗi kĩ thuật

Những ai quan tâm đến nền giáo dục rất ngỡ ngàng trước bản tin cho biết các đại học tư không có quyền đào tạo ngành sự phạm, luật, và báo chí. Nhưng hôm nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đính chính rồi: Bộ không có chủ trương đó, chỉ vì lỗi … kĩ thuật thôi.

Đó là do lỗi kỹ thuật, chứ đây không phải là chủ trương của Bộ. Do khi đưa lên trang web của Bộ, người đưa đã không để ý, đưa bản soạn thảo chứ không đưa bản chính thức nên có sự nhầm lẫn đáng tiếc trên”.

Lỗi kĩ thuật? Déjà vu. Nghe quen quen. À, nhớ rồi. Tháng 9 năm ngoái, khi website báo điện tử Đảng CSVN đưa tin hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông, ông tổng biên tập biện minh rằng do lỗi đánh máy, vì bỏ thiếu hai chữ “ngang ngược”. Sau đó vài tuần (tháng 10) lại đến vụ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế vinh danh công ti Vedan với "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009", mà công ti này vốn nổi danh với “thành tích” đầu độc sông Thị Vải. Lỗi lầm này vì lỗi đánh máy của người thư kí, và nghe nói người thư kí bị buộc thôi việc. Lần này, không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có buộc ai thôi việc hay không?

Công bằng mà nói những lỗi lầm kĩ thuật xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Nhưng điều đáng nói ở đây là tần số sai sót kĩ thuật trong thời gian qua xem ra hơi “bị” nhiều, mà đó chỉ là những trường hợp nổi trên báo chí, còn biết bao trường hợp sai sót kĩ thuật mà người dân chưa hề biết đến. Lỗi kĩ thuật, tuy nói là kĩ thuật, nhưng nó có tầm ảnh hưởng không nhỏ. Chẳng hạn như bài báo trên báo điện tử Đảng CSVN làm xấu quốc thể và danh dự quốc gia, hay như vụ Vedan nó gây ấn tượng rằng đồng tiền có thể mua tất cả, kể cả mua sự vinh danh. Còn lỗi lầm kĩ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho người dân phải thắc mắc rằng chuyện nhỏ như vậy mà còn sai thì chuyện chính sách có sai lầm nào không? Đây không phải là chuyện bình thường hay chuyện khôi hài trên bàn cà phê. Thử tưởng tượng khi chúng ta đọc một báo cáo khoa học và thấy một lỗi lầm, thì câu hỏi lập tức đặt ra là còn lỗi lầm nào khác không, và chúng ta có thể tin tưởng vào tác giả hay không? Do đó, tuy là lỗi kĩ thuật, nhưng ảnh hưởng thì không “kĩ thuật”, mà là danh dự quốc gia, là sự sứt mẻ niềm tin vào các quan chức.

Lỗi lầm kĩ thuật liên quan đến sự “competence” hay trình độ và kĩ năng chuyên môn. Những lỗi lầm trong thời gian qua chẳng những nhiều mà điều đáng quan tâm là nó xảy ra ở những nơi quyền lực cao nhất của nước. Điều này làm cho người dân phải đặt câu hỏi về trình độ và kĩ năng chuyên môn của các quan chức cao cấp ở nước ta.

NVT

====

http://vietnamnet.vn/giaoduc/201002/Hieu-truong-truong-Y-lo-sinh-vien-thieu-nhan-hau-895978/

Bộ GD-ĐT rút lại quy định trường tư không đào tạo Sư phạm, Luật, Báo chí

(Dân trí) - Trước những ý kiến cho rằng, việc cấm trường ĐH ngoài công lập mở các ngành sư phạm, luật và báo chí là không đúng, thể hiện sự phân biệt đối xử giữa trường công - tư, Bộ GD-ĐT đã rút lại quy định này.

Ngày 23/2, Bộ GD-ĐT đưa lên mạng Dự thảo Thông tư quy định cụ thể một số điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, có quy định các trường ngoài công lập không mở các ngành sư phạm, luật và báo chí.

Ngay sau dự thảo đưa lên trang web của Bộ GD-ĐT để lấy ý kiến và đã có nhiều ý kiến cho rằng, cấm trường đại học ngoài công lập mở những ngành này là không đúng, thể hiện sự phân biệt đối xử giữa trường công - tư và đi ngược lại với quy định của Luật Giáo dục.

Ngày sau đó, trên mạng của Bộ GD-ĐT đã đưa lại văn bản Dự thảo Thông tư mới lần 2, trong đó Bộ đã rút lại nội dung “các trường ngoài công lập không mở các ngành sư phạm, luật và báo chí”.
Giải thích về lý lo “rút lại” nội dung này với báo chí, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Đó là do lỗi kỹ thuật, chứ đây không phải là chủ trương của Bộ. Do khi đưa lên trang web của Bộ, người đưa đã không để ý, đưa bản soạn thảo chứ không đưa bản chính thức nên có sự nhầm lẫn đáng tiếc trên”.

Như vậy, trong việc mở ngành đào tạo, các trường ngoài công lập vẫn được đào tạo các ngành sư phạm, luật và báo chí.

Hồng Hạnh

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Tiếng Anh bài 15: cách viết một đoạn văn

Một bài báo khoa học thường được viết theo cấu trúc IMRAD (introduction, methods, results, and discussion). Mỗi phần bao gồm một số đoạn văn (paragraphs). Mỗi đoạn văn bao gồm nhiều câu văn (sentence). Một trong những khó khăn mà tôi thấy sinh viên thường gặp lúc viết bài báo khoa học là cách cấu trúc một đoạn văn sao cho dễ đọc và “trôi chảy”. Thật ra, chẳng riêng gì sinh viên, tôi thấy ngay cả những thầy cô vẫn viết văn khoa học rất tồi. Do đó, tưởng là việc dễ làm, nhưng trong thực tế thì không dễ chút nào. Trong bài này tôi sẽ mách một vài kinh nghiệm trong việc cấu trúc một đoạn văn một cách logic và trôi chảy.

Một đoạn văn là một “đơn vị” văn chương của một bài báo khoa học. Điều mà người đọc kì vọng khi đọc một đoạn văn là ý tưởng của người viết và thông tin làm nền tảng cho ý tưởng đó. Nếu người viết không đáp ứng được kì vọng này – như đoạn văn có nhiều ý tưởng, hay không có bằng chứng – thì người đọc sẽ cảm thấy lẫn lộn hay khó chịu, và sẽ không muốn tiếp tục đọc.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là: một đoạn văn phải có chức năng gì? Nói một cách ví von, điều mà người đọc muốn tìm trong một đoạn văn khoa học cũng chẳng khác gì chúng ta kì vọng ở một người bạn đời: đó là tinh thần ủng hộ, kiên định, và chu đáo. Một đoạn văn cũng cần có những đặc điểm như thế: có bằng chứng yểm trợ cho ý tưởng, có lập trường kiên định, và phải khúc chiết.

Bằng chứng. Một đoạn văn tốt là một đoạn văn hàm chứa thông tin, và thông tin đó phải có liên quan hay mang tính yểm trợ cho luận án của người viết. Đoạn văn đó cần phải có liên hệ với luận án một cách rõ ràng, sao cho cả thế giới đuều biết được đoạn văn đó có ý định nói lên điều gì.

Kiên định. Một đoạn văn tốt phải mạnh mẽ và có khi trần trụi. Một đoạn văn mạnh mẽ rất cần thiết để phát triển một ý tưởng chính bằng cách dùng đầy đủ bằng chứng. Một đoạn văn tốt không nên có những câu văn thừa thải, những câu văn “gầy gò”, với bằng chứng chẳng có liên quan gì với nhau.

Khúc chiết ở đây có nghĩa là đoạn văn đó phải “hòa hợp” với những đoạn văn khác trong bài báo. Một đoạn văn tốt không bao giờ làm gián đoạn các đoạn văn khác, mà lúc nào cũng có ý tưởng liên quan với một đoạn văn trước đó.

Một đoạn văn bao gồm nhiều câu văn (sentence). Một đoạn văn đơn giản nhất phải có một câu văn chủ đề, và một số câu văn phụ đề. Câu văn chủ đề có mục tiêu “tuyên bố” một ý tưởng hay một quan điểm, còn những câu văn phụ đề có chức năng cung cấp chi tiết và thông tin để làm cơ sở cho câu văn chủ đề. Do đó, một đoạn văn tốt phải hàm chứa những thông tin mang tính khúc chiết và liên kết. Ở đây, tôi không bàn chi tiết về kĩ thuật viết một đoạn văn (vì đã có nhiều sách chỉ dẫn), tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm với bạn đọc một vài điểm chính sau đây:

1. Mỗi đoạn văn chỉ nên nói lên một ý tưởng hay một điểm mà thôi. Khi mới bắt tay vào viết bài báo khoa học, nên tránh kiểu viết một đoạn văn chứa nhiều ý tưởng hay điểm nhỏ. Hãy đọc đoạn văn sau đây:

Muscle length and changes in contractility have been reported to have overlapping effects on the components of excitation-contraction coupling. Muscle length is believed to affect the action potential, the amount of calcium released, and the rise of intracellular calcium …; finally, muscle length affects the interaction between actin and myosin and hence shortening and force development. Changes in contractility are believed to affect the action potential and the level and rise of intracellular calcium.

Trong đoạn văn trên, muscle length và contractility được bàn riêng lẻ thể hiện qua nhiều câu văn nhưng tác giả không nói đến những đặc điểm tương đồng giữa hai khía cạnh này. Những câu văn cũng không trực tiếp minh họa cái mà tác giả gọi là overlapping effect tuyên bố trong câu văn đầu tiên. Ngoài ra, chúng ta cũng không thấy mối liên hệ giữa các câu văn trong đoạn văn trên. Đoạn văn trên có thể biên tập lại cho rõ ràng hơn như sau:

Muscle length and changes in contractility have been reported to have overlapping effects on the components of excitation-contraction coupling. Both affect [Muscle length is believed to affect] the action potential, the amount of calcium released, and the rise of intracellular calcium. In addition [finally], muscle length affects the interaction between actin and myosin and hence affects muscle shortening and force development. [Changes in contractility are believed to affect the action potential and the level and rise of intracellular calcium].

(những chỗ màu xanh là bỏ, cắt đi).

2. Giải thích. Đôi khi, một câu văn cần phải giải thích tại sao có hành động. Mặc dù người viết có thể kì vọng người đọc phải hiểu đề tài, nhưng đôi khi chính người viết phải giúp đỡ người đọc hiểu đề tài bằng cách giải thích rõ ràng hơn.

All of the patient data were kept in paper files. The absence of even one clerk caused delays in the monthly reporting. Finally, management decided to interview some system analysts.

Trong đoạn văn trên, sự nối kết của 3 câu văn không rõ ràng mấy. Dù biết rằng người đọc có thể suy luận được ý nghĩa của đoạn văn, nhưng tại sao chúng ta không viết rõ ràng hơn để người đọc khỏi mất thì giờ? Đoạn văn trên có thể biên tập lại như sau:

All of the patient data were kept in paper files, which took much staff time to maintain. The absence of even one clerk caused delays in the monthly patient reports [reporting]. Management wanted computerized record keeping, which would take less time and be more reliable, and finally, [mnagement] decided to interview some system analysts to develop the new system.

3. Cấu trúc song song. Cần phải cấu trúc đoạn văn song song để dễ đọc. Đọc thử đoạn văn sau đây:

A 10 mg dose produced no affect, a 20 mg dose produced a small effect, but patients demonstrated a noticeable effect from a 30 mg dose.

Chúng ta thấy tác giả cố gắng thay đổi cấu trúc khi nói về ảnh hưởng của liều lượng 30 mg, nhưng cách viết này làm cho câu văn khó hiểu. Có thể viết lại như sau:

A 10 mg dose produced no affect, a 20 mg dose produced a small effect, but a 30 mg dose produced [patients demonstrated] a noticeable effect in patients. [fom a 30 mg dose].

4. Nhất quán trong cách viết. Cần phải duy trì cách viết một cách nhất quán. Nếu dùng thì thụ động trong câu đầu thì phải cố gắng theo cách dùng đó. Chẳng hạn như:

Topical applications of the drug did not improve the condition. The condition improved after small doses were delivered intravenously.

Câu đầu theo thể thụ động (passive voice), nhưng câu thứ hai thì chuyển sang chủ động (active voice). Nên duy trì nhất quán cách viết như sau:

Topical applications of the drug did not improve the condition. Intravenous delivery of small doses improved the condition. [Fhe condition improved after small doses were delivered intravenously].

Để tạm kết thúc bài này, tôi mời các bạn thử đọc một đoạn văn của Gs Samuel Huntington, một tác giả thuộc vào hàng “favorite” của tôi. (Tôi chỉ thích và ngưỡng mộ cách viết của ông ấy thôi, chứ không hẳn thích quan điểm chính trị của ông ấy). Đoạn này tôi trích trong bài “The Hispanic Challenge” đăng trên tập san Foreign Affairs số ra ngày 1/3/2004:

Most Americans see the creed as the crucial element of their national identity. The creed, however, was the product of the distinct Anglo-Protestant culture of the founding settlers. Key elements of that culture include the English language; Christianity; religious commitment; English concepts of the rule of law, including the responsibility of rulers and the rights of individuals; and dissenting Protestant values of individualism, the work ethic, and the belief that humans have the ability and the duty to try to create a heaven on earth, a "city on a hill." Historically, millions of immigrants were attracted to the United States because of this culture and the economic opportunities and political liberties it made possible.

Như có thể thấy, câu đầu tuyên bố chủ đề của đoạn văn về căn cước quốc gia. Câu thứ hai nối kết với câu 1 một cách tuyệt vời về mặt chữ nghĩa. Những câu kế tiếp cung cấp thêm thông tin và dữ liệu yểm trợ cho câu văn đầu tiên. Và, câu cuối cùng quay lại câu chủ đề như là một nhấn mạnh. Một đoạn văn được viết một cách chắc nịch! Đúng là cách viết của một bậc thầy.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bậc thầy khác, không phải trong khoa học, mà là trong văn học: Nhà biên khảo Sơn Nam. Trong một cuốn sách mà tôi đọc lâu lắm rồi, trong đó tác giả kể lại rằng có lần Sơn Nam khuyên tác giả về cách viết văn như sau: “Mày viết câu văn phải có bắp thịt. Nghĩa là nó không phẳng lỳ làng nhàng, đọc lên không gây xúc cảm. […] Nói nôm na ra là như cái bắp thịt con chuột của anh nông dân. Văn là phải như thế đó, chớ không phải suông đuột như bắp tay con gái. […] ta phải dùng chữ nào chính xác nhất, đắt giá nhất, độc đáo nhất để diễn đạt cái ý ta muốn diễn đạt. Nghĩa là khi ta dùng chữ đó rồi, không chữ nào thay vào mà hay hơn được. […] Mày hiểu không? Cũng như mày lựa vợ vậy, khi mày đã chấm cô A thì cô B dù có đẹp hơn giàu hơn cũng không làm mày hạnh phúc bằng cô A! Hì hì …”

Tôi nghĩ một lời khuyên như thế trong viết văn khoa học cũng rất thích hợp.

NVT

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Tự kiểm duyệt (hay 2 phiên bản của bài báo của Tống Văn Công)

Thời đại internet thật là tuyệt vời. Nhờ internet mà hàng triệu người xa quê như tôi có thể đọc nhiều báo trong nước. Nhưng báo chí trong nước cũng như những nơi khác cũng có những bài “thượng vàng hạ cám”, cũng có những bài viết mang tính nói theo tiếng Anh “sex sells”. Cho nên, bây giờ có vài website chuyên chọn những bài “đọc được” cho độc giả. Cái khổ là những website này không khách quan, họ chỉ chọn những bài theo quan điểm chính trị của họ, theo cái gu thẩm mĩ và văn hóa của họ, cho nên người đọc vẫn phải bỏ thì giờ chọn bài để đọc theo cái gu và quan điểm của mình. Hoan hô cá nhân chủ nghĩa!

Nhưng website chọn lọc bài thường chỉ dẫn đường link đến bài báo, nhưng trong thời kì tế nhị như hiện nay, tôi thấy cách làm này có khi chưa đạt. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, dẫn đường link nhiều khi không chính xác, vì có khi tòa soạn, vì lí do nào đó, sửa đổi nội dung bài báo. Nhất là những bài viết mà nói theo ngôn ngữ thời nay là “nhạy cảm” thường bị/được thay đổi nội dung sau khi xuất bản trực tuyến. Điển hình cho tình trạng này là bài viết của tác giả Tống Văn Công (cựu tổng biên tập báo Lao Động) trên Tuần Việt Nam ngày hôm qua. Câu chuyện chung quanh bài này cũng theo tôi nói lên một phần vấn đề kiểm duyệt báo chí ở VN.

Bài viết đăng ngày hôm qua có tựa đề là "Học hay không học Trung Quốc" (do bauxitevn đăng lại), nhưng đến chiều thì được đổi thành "Học và không học những gì từ Trung Quốc".

Thay đổi tựa đề thực ra chỉ là thay đổi kiểu “window dressing”, quan trọng hơn là thay đổi nội dung bài báo. Tôi làm thử một so sánh nội dung hai phiên bản của bài viết thì thấy như sau. Bản gốc có 5488 chữ, còn bản mới có 5384 chữ, giảm 104 chữ. Vậy những chữ hay đoạn nào bị đục bỏ? Qua Microsoft Word, không đầy 5 phút, tôi đã dễ dàng nhận ra những đoạn đó:

1. Dưới tiêu đề “Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc”, bản gốc viết:

Đó là tựa đề bài viết của giáo sư Ngô Vĩnh Long. Bài viết nhắc lai nhiều cuộc đàn áp của Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện Thiên An Môn đè bẹp cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ bằng xe tăng khiến cho cả thế giới kinh hoàng. Bài viết nhận định “Mô hình phát triển của Trung Quốc là dùng tăng trưởng kinh tế để đè bẹp tự do và dân chủ“.

Đoạn này bị cắt hoàn toàn.

2. Đoạn viết về những người bất đồng chính kiến. Bản cũ viết:

Từ năm 2002, Trung Quốc thẳng tay đàn áp người dùng công nghệ truyền thông mới, lập trang web để thảo luận về tự do, dân chủ, bắt giam nhiều nhà bất đồng chính kiến, không cho các giáo sư có quan điểm tiến bộ được giảng dạy.

Bản mới:
Từ năm 2002, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ người dùng công nghệ truyền thông mới, lập trang web để thảo luận về tự do, dân chủ, không cho các giáo sư có quan điểm tiến bộ được giảng dạy ...

Cắt bỏ những chữ như bắt giam, bất đồng chính kiến.

3. Đoạn trích dẫn Verna Yu trên Asia Times, bản cũ viết:


Bài báo “Bắc Kinh đối mặt với cuộc sát hạch mới về tính hợp pháp” của Verna Yu trên Asia Times viết: “Những điều mà Đảng hứa hẹn cách đây 60 năm vẫn chưa thành hiện thực“; “Chính phủ đã thi hành các sách lược nặng tay hơn nhằm vào những người mà Chính phủ cho rằng đó là sự đe dọa, chẳng hạn trừng trị thẳng tay các tổ chức phi chính phủ, khai trừ khỏi luật sư đoàn nhiều luật sư bảo vệ nhân quyền, cũng như bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi nổi tiếng“. Bài viết nêu ý kiến của một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu: “Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thúc đẩy cải cách chính trị và thực thi dân chủ đích thực thì chẳng bao lâu nữa vốn liếng chính trị sẽ hết“.

Bản mới bỏ mấy chữ màu đỏ:

Bài báo "Bắc Kinh đối mặt với cuộc sát hạch mới về tính hợp pháp" của Verna Yu trên Asia Times viết: "Những điều mà Đảng hứa hẹn cách đây 60 năm vẫn chưa thành hiện thực", "Chính phủ đã thi hành các sách lược nặng tay hơn nhằm vào những người mà Chính phủ cho rằng đó là sự đe dọa". Bài viết nêu ý kiến của một nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu: "Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thúc đẩy cải cách chính trị và thực thi dân chủ đích thực thì chẳng bao lâu nữa vốn liếng chính trị sẽ hết" .

Nhìn thấy gì qua những đoạn cắt bỏ đó? Toàn là những đoạn liên quan đến sự đàn áp của Trung Quốc đối với giới khoa bảng, trí thức, và bất đồng chính kiến, đến sự tàn bạo gần như mất nhân tính của nhà cầm quyền và quân đội Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn.

Tôi thắc mắc là tại sao những đoạn viết về Trung Quốc do báo chí quốc tế đăng mà báo Việt Nam phải tự kiểm duyệt? Có phải người Trung Quốc đang nằm trong các tòa soạn báo chí của ta?

Thời đại internet tuyệt vời. Nhờ internet mà tôi hiểu thêm về cách làm báo và thông cảm cho những khó khăn của giới báo chí trong nước.

NVT

Tiếng Anh bài 14. Vài lỗi tiếng Anh rất đặc thù Á châu

Trong những sắc dân học tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ 2, tôi đoán người Á châu chúng ta thường gặp khó khăn hơn so với người Âu châu. Có lẽ do người Âu châu và Anh có cùng văn hóa phương Tây, nhưng lí do gần nhất là tiếng Anh và những tiếng gốc Latin và Hi Lạp có cùng cách nói và cách viết, nên họ ít phạm phải những lỗi người Á châu chúng ta hay vấp phải. Tôi sẽ cố gắng sưu tầm những sai sót trong cách viết của người Á châu để các bạn trước là thưởng thức, và sau là … học.

Sau đây là một vài lỗi phổ biến về cách viết câu văn trong tiếng Anh hay thấy ở người Á châu:

1. One of his family members is dead.
2. My brother's all the books have been stolen.
3. For what you are here ?
4. Tell me why did you go there ?
5. I, you and he will go together.
6. Exercise is good both for work as well as health
7. He did not abstain to smoke but persisted to purchase valuable cigars
8, To him I did a request which he did not comply.
9. I cannot bear your separation.
10. Open the last but one page of the book
11. I solicit your favor to grant me leave
12. Those who are absent, I shall punish them
13. After doing the work, his face brightened.
14. We shall be glad to get your good news.
15. I feel myself feverish.
16. You have no excuse to be forgetful.
17. He rose equal to the occasion
18. Are your work busy ?
19. I am going to a picnic
20. I am a bit in a hurry
21. If one day I am good in English, I would definitely admit it.
22. How do you think to learn the English ?

Các bạn thử sửa lại những câu văn trên cho chuẩn hơn.

NVT

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Y học "thực thị"

Nhiều công trình nghiên cứu y học ngày nay thường do các công ti dược tài trợ hay bảo trợ, và chính vì mối liên hệ này đã và đang làm nảy sinh một số mâu thuẫn trầm trọng giữa người thầy thuốc và kĩ nghệ dược. Những mâu thuẫn này thường xuất phát từ việc kĩ nghệ dược kiểm soát nguồn thông tin, và chỉ muốn công bố những thông tin có lợi cho chiến lược tiếp thị của họ. Hệ quả là thông tin y học bị bóp méo theo chiều hướng phục vụ cho kinh doanh, thay vì phục vụ cho lợi ích của bệnh nhân. Tình trạng này được gọi là Marketing-based Medicine (MBM), một "thuật ngữ" mới, mà tôi tạm dịch là Y học thực thị.

Y học thực thị như trình bày trên có thể hiểu (hay định nghĩa) là khoa học bị bắt cóc nhân danh đồng tiền, nhân danh lãi suất. Nếu y học thực chứng kêu gọi người thầy thuốc thực hành y khoa dựa vào bằng chứng khoa học, thì y học thực thị ảnh hưởng đến kiến thức và thực hành y khoa, kể cả dấu diếm thông tin, lấp liếm các dữ liệu "tiêu cực", hiện tượng “tác giả ma”, y khoa hóa đời sống thường nhật, và làm tha hóa y khoa.

Trong thời đại y học thực chứng, thông tin khoa học đóng vai trò chủ đạo. Thông tin khoa học đúc kết từ những công trình nghiên cứu lâm sàng có ý nghĩa rất lớn với một loại thuốc và có khi ảnh hưởng đến số mệnh thương mại của một công ti. Một công trình nghiên cứu lâm sàng do kĩ nghệ dược tài trợ thường tốn khoảng 10 đến 20 triệu USD và kéo dài 3 năm. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có hiệu quả lâm sàng, thì đó là một tin vui cho công ti, vì nhà chức trách sẽ cho phép thuốc được lưu hành trên thị trường. Nhưng nếu kết quả cho thấy thuốc kém hay không có hiệu quả lâm sàng, thì khả năng thuốc đó xuất hiện trên thị trường rất thấp, và bao nhiêu tiền bạc bỏ ra cho nghiên cứu (thường 5-10 năm) xem như mất. Chính vì lí do này mà kĩ nghệ dược muốn kiểm soát dữ liệu nghiên cứu. Hai chữ "kiểm soát" ở đây bao gồm cả việc quyết định công bố hay không công bố kết quả nghiên cứu. Đứng trên quan điểm của khoa học, dù kết quả công trình nghiên cứu là "tích cực" hay "tiêu cực" đều cần phải được công bố. Nhưng đứng trên quan điểm kinh doanh và tiếp thị, chẳng ai muốn "vạch áo cho người xem lưng" để công bố những dữ liệu không có lợi cho công ti vốn đã bỏ ra hàng chục triệu USD cho nghiên cứu. Mâu thuẫn giữa khoa học và kinh doanh xuất phát từ việc kiểm soát và xử lí thông tin khoa học.

Một số tài liệu của kĩ nghệ dược tiết lộ trong tòa án Mĩ gần đây cho thấy y học thực chứng đang chịu sự chi phối của tiếp thị. Một tài liệu của công ti Pfizer viết rõ: Pfizer bảo trợ cho các nghiên cứu thuộc về công ti, chứ không thuộc về một cá nhân nào (ý nói dữ liệu là của công ti chứ không phải của nhà nghiên cứu), mục đích của dữ liệu là yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp co việc tiếp thị sản phẩm.

Các sản phẩm dược, nhất là các thuốc điều trị lâm sàng, thường được cấp bằng sáng chế (patent) và công ti có quyền khai thác sản phẩm một thời gian (trước khi sản phẩm trở thành generic). Trong thời gian sản phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền cũng chính là thời gian các công ti "ăn nên làm ra". Thông tin khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng cho ra những kết quả dương tính; trong thực tế có nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc không có hiệu quả lâm sàng. Bởi vì kĩ nghệ dược là chủ nhân của thông tin, nên họ có quyền không công bố những kết quả âm tính. Hệ quả là bệnh nhân có thể bị thiệt thòi vì sự lệch lạc thông tin.

Trường hợp thuốc Seroquel là một ví dụ tiêu biểu cho tình trạng dấu diếm thông tin. Seroquel là thuốc anti-psychotic thế hệ thứ 2. Năm 2000, AstraZeneca thực hiện một số nghiên cứu so sánh hiệu quả của Seroquel với một đối thủ khác là haloperidol (một loại thuốc có cùng chức năng nhưng thế hệ cũ). Kết quả nghiên cứu được trình bày trong Đại hội của Hiệp hội tâm thần Mĩ, tác giả tuyên bố "Tôi hi vọng rằng những kết quả phân tích này sẽ giúp bác sĩ hiểu tốt hơn về lợi ích của Seroquel, và giúp cho bệnh nhân sớm có thuốc mới". Thế nhưng tài liệu trình bày trước tòa án cho chúng ta thấy một "câu chuyện" rất khác. Tài liệu nghiên cứu của chính công ti AstraZeneca cho thấy Seroquel có hiệu quả lâm sàng kém hơn haloperidol. Một giám đốc của AstraZeneca viết email như sau: "Những dữ liệu này xem ra chẳng tốt chút nào. Thật ra, tôi không biết làm sao chúng ta có thể công bố kết quả này". Khi bị chất vấn trước thông tin này, tác giả thú nhận rằng quả thật có sự thổi phồng, nhưng khăng khăng nói rằng ông đã phân tích đúng phương pháp!

Câu chuyện Seroquel không phải là cá biệt. Trong thực tế, hàng loạt thuốc của các công”đại gia” trong kĩ nghệ dược như Lily, GlaxoSmithKline, Merck, Proter Gamble, v.v.. đều có vấn đề trong việc kiểm soát thông tin. Nhiều khi hiệu quả của thuốc đổi đen thành trắng. Tài liệu của chính kĩ nghệ dược thú nhận rằng những ém nhẹm thông tin hay cung cấp thông tin có chọn lọc là một bí mật nhỏ mang tính bẩn thiểu (“dirty little secret”). Y học thực thị đã và đang trở thành một thực tế trong thế kỉ 21.

Nói tóm lại, qua tài liệu mật của kĩ nghệ dược được tiết lột trước tòa án Mĩ, công chúng có dịp biết đến cả một kĩ nghệ đằng sau những sản phẩm của kĩ nghệ dược. Kĩ nghệ này bao gồm viết thuê, mua hay hối lộ các nhà nghiên cứu, tuyên truyền nhằm y khoa hóa đời sống thường ngày để bán thuốc, v.v… Điều đáng quan tâm là các thông tin khoa học bị “vận dụng” để phục vụ cho mục tiêu tiếp thị thay vì chăm sóc bệnh nhân. Tiếp thị tự nó không có gì sai hay đáng trách; tiếp thị chỉ có vấn đề khi thông tin khoa học bị vặn vẹo và có tiềm năng gây tác hại đến người bệnh. Y học thực chứng dựa vào và đòi hỏi thông tin khoa học phải chính xác, nhưng trong tình huống y học chịu sự chi phối của kĩ nghệ tiếp thị thì mục tiêu của y học thực chứng có thể bị lệch.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Bác sĩ ăn tiền bệnh nhân

Đọc bản tin sau đây với lời phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi thật chẳng biết nói gì cho “phải đạo”. Nói theo tiếng Anh là “I am speechless”. Thử đọc lại câu trả lời của ông Bộ trưởng cho câu hỏi của một nhà ngoại giao Thụy Điển:

Đất nước chúng tôi từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang thị trường thì tất cả nền kinh tế hai giá đều ít nhiều có lót tay và chi phí phụ!”. Đổ thừa cho sự chuyển tiếp từ chế độ bao cấp sang thị trường! Vậy tại sao các nước Đông Âu họ cũng chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường mà không có những trò móc túi bệnh nhân như ở nước ta?

Vào bệnh viện tư thì không phải lót tay, phong bì bác sĩ. Nhưng vào bệnh viện tư thì anh trả một trăm ngàn đồng một lần khám chữa bệnh. Còn ở bệnh viện Nhà nước chỉ phải trả 3.000 đồng, thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10.000 đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế vẫn còn rẻ hơn khám tư”. Có thể suy luận rằng qua câu trả lời này, ông Bộ trưởng bật đèn xanh ủng hộ việc hối lộ cho bác sĩ? Tôi dám chắc ông Bộ trưởng không có ý đó, nhưng khó mà hiểu cách khác được.

Tôi đọc mấy nghiên cứu về nạn bác sĩ làm tiền bệnh nhân ở Phi châu, thì thấy họ nói vấn đề không phải là thu nhập bác sĩ (vì phần lớn bác sĩ ở bên đó có thu nhập ổn định, thậm chí rất cao); vấn đề là giáo dục, và thiếu giáo dục đạo đức. Thời trước 1975, ngay từ bậc trung học đã có giờ “công dân giáo dục”. Sau 1975, môn học này biến mất khỏi chương trình học, và thay vào đó là những môn học và đề tài mà bây giờ có người nói là nhầm lẫn giữa tuyên truyền chính trị và giáo dục. Có lẽ phải làm theo lời khuyên của Thầy Nhất Hạnh là “Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục”.

Nói đến Thầy Nhất Hạnh, tôi chợt nhớ là mới đây báo Công An gọi Thầy là “Ông Thích Nhất Hạnh” và kèm theo những câu chữ nhằm triệt hạ uy tín của Thầy. Trong khi đó, báo chí không ngớt gọi các chính khách nước ngoài là “Ngài”! Có chuẩn mực đạo đức nào của người Việt gọi người tu hành với pháp danh “Thích” là “Ông” không? Chẳng lẽ đó là chuẩn mực đạo đức của người Việt bây giờ? Tại sao không là “Thiền sư”, “Hoà thượng” hay “Thượng tọa”? Có thể đó là loại chuẩn mực đạo đức báo chí ngày nay.

Nếu đó là chuẩn mực đạo đức của báo chí thì còn gì hi vọng cho chuẩn mực y đức.

NVT


http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201002/%E2%80%99Noi-dau-vi-dai-cua-bac-sy-la-an-tien-benh-nhan%E2%80%99-895449/

Bác sĩ ăn tiền bệnh nhân: Bóng ma trắng trong bệnh viện

Cập nhật lúc 16:18, Thứ Hai, 22/02/2010 (GMT+7)

Cán bộ y tế không chủ động “vòi vĩnh” nhưng có một “luật bất thành văn” là người bệnh sẽ tự động đưa tiền dưới nhiều hình thức. Sau nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tiêu cực của Bộ Y tế, nhiều người bệnh cho rằng “nạn ăn tiền” bệnh nhân của cán bộ y tế không biến mất mà chỉ “chuyển hóa” từ dạng này sang dạng khác!

Tự nguyện đưa, nhưng đưa không khéo là ăn mắng!

Anh Nguyễn Văn Thắng, có con trai 7 tuổi bị bệnh viêm nội nhãn. Trong suốt quá trình đưa con đi khám chữa bệnh từ các bệnh viện của tỉnh Yên Bái xuống bệnh viện dưới Hà Nội, anh Thắng cho biết tiền “rải” trong bệnh viện của anh được dành một phần không nhỏ cho cán bộ y tế.

“Bệnh con tôi nặng, nếu không mổ nhanh là hỏng một mắt. Tiền khám chữa bệnh, chi phí thuốc thang không nhiều vì cháu đã có thẻ bảo hiểm. Nhưng tiền “biếu”, “cảm ơn” bác sỹ thì tốn ngang tiền ăn uống, sinh hoạt của cả 2 bố con”, anh Thắng hài hước so sánh.

Anh Thắng kể: Lần đầu khám, anh đưa cho bác sỹ 500 ngàn. Bác sỹ cầm. Lần sau khám lại, anh cũng đưa ngần đó. Bác sỹ không từ chối. Nhất là ở thời điểm trước khi mổ thì tiền “đệm” cho bác sỹ anh đưa gấp đôi.

“Đây là bệnh xã hội rồi, thành quy luật rồi, ở đâu cũng vậy. Mình không theo cái này thì mình thiệt cái khác”, anh Thắng nói.

Anh Thắng vui vì con được chữa khỏi bệnh, đưa tiền bác sỹ không từ chối. Nhưng chị Duyên (quê Hải Dương) thì không “gặp may” khi bác sỹ nhất quyết không cầm tiền và mắng chị giữa đám đông.

Tuy vậy, chị rất “ngạc nhiên” vì người vào sau chị vài lượt lại đưa “trót lọt” được cho bác sỹ khám. Hỏi “bí quyết”, chị Duyên mới “ngã ngửa” vì mình vụng về quá!

Chị Duyên cho biết: Kể từ khi có con, đây là lần đầu chị đến bệnh viện. Cứ tưởng ai vào viện cũng đều làm như mình nên chị cứ “thật thà” đưa cho bác sỹ. Nào ngờ bác sỹ rút trả phong bì và mắng chị sa sả giữa phòng khám đông người.

“Vị bác sỹ đó cứ chỉ thẳng vào mặt tôi và nói: “Đây là tiền hối lộ. Chị là người hối lộ” khiến tôi sững sờ, bối rối và xấu hổ, không biết phải làm sao. Có lẽ vì thế mà sau đó vị bác sỹ đó vẫn khám cho con tôi nhưng lại nói phải sau Tết mới mổ, gần Tết rồi không mổ được làm tôi lo quá”, chị Duyên kể lại.

Nhờ “bài học” này chị Duyên đã đúc rút được kinh nghiệm không phải ai cũng biết: Tự nguyện đưa tiền nhưng nếu đưa không khéo sẽ ăn mắng như thường!

Việc âm thầm, tự nguyện đút tiền cho bác sỹ xảy ra ở hầu hết các công đoạn. Theo lời anh Thắng, trong thời gian con anh nằm viện 1 tháng sau khi mổ mắt anh đã phải chuẩn bị sẵn 2 triệu đồng. Số tiền này anh chuẩn bị chỉ để “bồi dưỡng” cán bộ y tế sau mỗi lần thay bông băng, gạc, tiêm, …

Từ chối lúc đầu, “gợi ý” lúc sau

Trước mổ là thời điểm người nhà bệnh nhân đưa “phong bì” cho bác sỹ nhiều nhất. Gia đình anh Lưu Văn Tài, trú tại thôn Tân Lập, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là hộ nghèo nhưng không “thoát” khỏi việc “đút lót” cho bác sỹ trước khi con gái anh lên bàn mổ.

Vợ anh Tài kể: “Trước ngày mổ, bệnh nhân đã biết ai là người mổ cho mình. Tôi đã lần mò hỏi han để biết mặt bác sỹ mổ cho con tôi từ ngày hôm trước. Đến ngày mổ, cách giờ mổ khoảng 15 phút, tôi phải tìm mọi cách “kéo” bác sỹ đó ra chỗ thật ít người rồi dúi vào túi áo bác sỹ phong bì, trong đó có 300 ngàn đồng”.

Theo chị này thì người nào nghèo cũng cố chắt bóp dúi từ 200 đến 300 ngàn. Còn giàu thì không có giới hạn nào cả, ít nhất cũng phải 500 trở lên. Chị khẳng định trong ca mổ hôm đó, có rất nhiều người có con mổ cùng con chị cũng đều thực hiện “thao tác trước mổ” y như chị!

Khi được hỏi nếu không đưa phong bì cho bác sỹ thì chuyện gì sẽ xảy ra, anh Tài nói một cách ẩn ý: “Tôi đoán là bác sỹ vẫn phải mổ đúng trách nhiệm thôi. Nhưng những cái không thuộc về chuyên môn như thái độ, cách cư xử thì không tài nào mà đoán được …”.

Theo anh Tài, bệnh nhân bây giờ vào viện nếu không đưa tiền “bồi dưỡng” bác sỹ thì cảm thấy “không bình thường” hoặc có tâm lý sợ sệt!

Nhưng không phải tất cả mọi cán bộ y tế đều gật đầu nhận phong bì của người bệnh trước khi hoàn tất việc khám chữa bệnh. Bởi ngành y tế cho rằng việc nhận phong bì sau khi khám chữa bệnh xong không phải là “đút lót”, “hối lộ” mà đơn giản chỉ là hành động “cảm ơn”!

Vì thế, đã có những bác sỹ “từ chối” nhận lúc chưa mổ, nhưng đồng thời lại “gợi ý” là nếu mổ xong xuôi thì người nhà “đưa bao nhiêu cũng nhận hết”.

“Khi con dâu tôi lên bàn mổ đẻ, tôi đút vào túi bác sỹ đỡ đẻ một phong bì có 1,5 triệu nhưng vị bác sỹ nhất định không cầm. Trong khi hai bên đang giằng co thì vị bác sỹ này nói với tôi rằng “làm chuyện này giữa chốn đông người sẽ mất hay” và “gợi ý” tôi rằng nếu “mẹ tròn con vuông” thì đưa bao nhiêu cũng nhận”, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình khi đưa con dâu vào sinh con tại một bệnh viện ở HN.

Nhận tiền từ bệnh nhân là “nỗi đau vĩ đại”

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng ngành y tế đang hoạt động trong trạng thái “bất cân bằng”.

Theo ông Khuê, các sản phẩm được mua bán trên thị trường được tính toán bộ chi phí (bao gồm cả chi phí marketing, chi phí quảng cáo, vận chuyển,…) nhưng sản phẩm sức khỏe chỉ được tính là một phần viện phí (không có tiền công trong đó, không có khấu hao, không tính giá trị của trình độ bác sỹ cũng như thương hiệu của bệnh biện, không có chi phí rác thải, nước…).

Ông Khuê thuật lại một câu chuyện do chính mình trải nghiệm: “Khi tôi đưa con vào khám tại Bệnh viện Nhi, tôi có thấy mấy cô y tá dỡ thẻ của mình ra để lấy ra một ít tiền lẻ. Khi nhìn thấy tôi, mấy cô y tá chỉ cười”…

Rồi ông Khuê lấy một ví dụ vừa để so sánh, vừa để lý giải việc “phải nhận tiền” từ bệnh nhân của cán bộ y tế: “Ngoài các nhà hàng, khi chúng ta ăn uống xong thì nhà hàng tự động tính thêm 10% chi phí phục vụ. Đó là điều đương nhiên và khách hàng cứ tự động trả. Những người phục vụ cũng “ngẩng cao đầu” để nhận khoản tiền này. Nhưng với cán bộ y tế thì khác. Họ khám chữa bệnh cho người bệnh nhưng không có tiền dịch vụ, không có tiền phục vụ (trong khi giá một lần khám chỉ là 3 ngàn đồng)! Vì thế, “tiền cọp”, tiền “bồi dưỡng” bệnh nhân đưa có khi chỉ 5 ngàn, 10 ngàn nhưng bác sỹ vẫn cứ phải “cúi đầu” nhận hoặc nhận dấm nhận dúi”.

Vì thế, ông Khuê khẳng định: “Việc nhận” tiền cọp” từ bệnh nhân là nỗi đau khổ vĩ đại của mỗi cán bộ y tế”!

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "Ít nhiều vẫn có lót tay và chi phí phụ"

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn VietNamNet vào cuối năm 2009, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu từng đề cập đến vấn đề tăng thu nhập cho cán bộ y tế để kiểm soát tiêu cực. Theo đó, Bộ trưởng lấy ví dụ một ca phẫu thuật phải được tăng lên gấp 5 đến 7 lần thì mới xứng đáng. Giá một ca phẫu thuật loại 1 của bác sỹ ra trường đã hai đến ba chục năm là 75 ngàn. Bộ trưởng đề xuất phải tăng lên 400 đến 500 ngàn mới xứng.

Tại Hội nghị Đối thoại về chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/11/2009, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết cũng khẳng định: “Nếu lương y tá được nâng lên mức 6 đến 7 triệu thì sẽ chẳng còn ai tiêu cực”.

Nhưng cũng ngay tại Hội nghị này, khi Tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul (tư vấn viên, chủ trì một nghiên cứu của ĐSQ Thụy Điển) đặt ra câu hỏi: “Viện phí thấp nên dẫn đến các khoản chi không chính thức, nhưng nếu điều chỉnh viện phí thì có hạn chế được tham nhũng không? Có loại bỏ được các khoản chi không chính thức không?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: “Đất nước chúng tôi từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang thị trường thì tất cả nền kinh tế hai giá đều ít nhiều có lót tay và chi phí phụ!”.

Bộ trưởng nhấn thêm: “Vào bệnh viện tư thì không phải lót tay, phong bì bác sĩ. Nhưng vào bệnh viện tư thì anh trả một trăm ngàn đồng một lần khám chữa bệnh. Còn ở bệnh viện Nhà nước chỉ phải trả 3.000 đồng, thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10.000 đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế vẫn còn rẻ hơn khám tư”.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Phân tích diễn văn ông Obama và ông TBT

Hôm trước, tôi đã thử so sánh tần số từ sử dụng trong bài diễn văn nhậm chức của ông Obama và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nhưng đó chỉ là đếm chữ, chứ chưa mô tả bằng biểu đồ. Hôm nay, một thân hữu gửi biểu đồ phân tích 2 bài diễn văn của bác Mạnh. Còn biểu đồ phân tích bài diễn văn của ông Obama thì tôi lấy từ website này.


Cách "đọc" các biểu đồ này là chữ có kích thước càng lớn có nghĩa là tần số xuất hiện càng nhiều trong bài diễn văn. Chẳng hạn như trong bài diễn văn kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng (Biểu đồ 3), chữ Đảng xuất hiện 83 lần, Nhân dân 27 lần, Nhà nước 3 lần ... Do đó, chữ Đảng có kích thước lớn nhất. Một điều thú vị là ông Tổng bí thư có xu hướng dùng những chữ như là, và, của ... hơi nhiều.


Biểu đồ 1: Phân tích từ dùng trong bài diễn văn ngày Quốc khánh 2/9 vừa qua

Biểu đồ 2: Phân tích từ dùng trong bài diễn văn kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam



Biểu đồ 3: Phân tích từ trong bài diễn văn nhậm chức của TT Barack Obama

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Tiếng Anh bài 13: đạo văn, diễn giải, tóm lược và trích dẫn

Hôm trước tôi có đưa tin về một trường hợp đạo văn của một giáo sư người Nam Dương. Đọc kĩ bài báo của ông giáo sư này và bài báo gốc (dài hơn nhiều) của tác giả người Úc, tôi thấy hình như lỗi chính của ông giáo sư là thiếu ghi nguồn và cách diễn giải chưa đạt chuẩn làm cho phạm lỗi đạo văn. Thật ra, đối với nhiều người Việt Nam (và Á châu nói chung), kể cả học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và thậm chí giáo sư, tôi thấy người ta khó phân biệt giữa đạo văn (plagiarism), diễn giải (paraphrase), tóm lược (summary), và có khi cả trích dẫn (quotation). Do đó, cần phải xác định lại 4 hình thức này:

1. Trích dẫn, như chúng ta biết, có nghĩa đơn giản là lấy nguyên văn của tác giả khác nhưng phải để trong ngoặc “ “ và phải ghi nhận nguồn. Một ví dụ trích dẫn là:

A WHO Expert Consultation states that “[…] overweight (≥ 25 kg/m2) corresponded to 31-39% (mean 35%) body fat in females and 18-27% (mean 22%) body fat in males. If these criteria for the percentage body fat for overweight and obesity are applied to the Asian populations, the corresponding BMIs can be calculcated with countru-specific equations” (WHO Expert Consutation, 2004).

Ở đây, chúng ta thấy tác giả để nguyên câu văn của WHO trong ngoặc kép, và khi đóng ngoặc kép thì ghi nguồn của đoạn văn.

Trong những bài báo khoa học, ít khi nào người ta trích dẫn, vì nó gây một cảm giác không mấy thoải mái. Trích dẫn nguyên văn có khi được xem là một hành động lười biếng, hay là một cách tỏ thái độ khiêu khích, mỉa mai. Nhưng tôi thấy trong các bài báo khoa học xã hội và nhân văn, các tác giả có xu hướng trích dẫn rất nhiều, có lẽ do “văn hóa” làm việc của họ. Mặc dù không có qui ước nào vế lượng trích dẫn bao nhiêu là thích hợp, nhưng hình như ai cũng đồng ý rằng một bài báo mà lượng trích dẫn hơn 10% được xem là quá mức.

2. Tóm lược là hình thức diễn tả lại ý tưởng chính của đoạn văn gốc bằng một đoạn văn rất cô đọng và rất chung chung, mà không hẳn dùng lại những chữ của tác giả gốc. Thông thường một đoạn văn tóm lược chỉ có 3 đến 7 câu văn.

Tóm lược cũng là một nghệ thuật, và có khi đòi hỏi người viết phải có một nội lực khá về ngữ vựng. Sau đây là vài chỉ dẫn để làm một tóm lược tốt. Trước hết là đọc bài báo. Kế đến là đọc lại bài báo, đánh dấu (gạch dòng) những ý tưởng quan trọng, dùng dấu hình tròn để đánh dầu những từ ngữ hay thuật ngữ quan trọng, và tìm điểm chính của bài báo. Chia bài báo làm nhiều đoạn về ý tưởng và viết một câu văn tóm lược cho từng đoạn. Kế tiếp là viết một đoạn văn tóm lược. Nên nhớ rằng trong đoạn văn tóm lược, tác giả có thể

Ví dụ như đoạn văn sau đây:

Students frequently overuse direct quotation in taking notes, and as a result they overuse quotations in the final [research] paper. Probably only about 10% of your final manuscript should appear as directly quoted matter. Therefore, you should strive to limit the amount of exact transcribing of source materials while taking notes. Lester, James D. Writing Research Papers. 2nd ed. (1976): 46-47.

có thể tóm lược như đoạn dưới đây:

Students should take just a few notes in direct quotation from sources to help minimize the amount of quoted material in a research paper (Lester 46-47).

Ở đây, tác giả vẫn giữ ý chính của đoạn văn gốc và có ghi nguồn, nhưng câu chữ đã được lám ngắn gọn lại, bỏ bớt những chi tiết như 10%. Đây là cách tóm lược hợp lí, không phải đạo văn.

3. Đạo văn: Hội giáo sư đại học Mĩ (American Association of University Professors) định nghĩa đạo văn (plagiarism) là lấy ý tưởng, phương pháp, hay chữ của người khác làm của mình, mà không ghi nhận nguồn gốc và tác giả (nguyên văn: "taking over the ideas, methods, or written words of another, without acknowledgment and with the intention that they be taken as the work of the deceiver.") Đạo văn là một “tội phạm” trong khoa học, một lỗi không thể chấp nhận được. Đã có rất nhiều trường hợp mà những nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh, v.v… bị tiêu tan sự nghiệp chỉ vì đạo văn.

Đạo văn thường xuất hiện dưới nhiều hình thức, chứ không phải chỉ trong bài báo khoa học hay sách vở. Chẳng hạn như một bác sĩ trình bày báo cáo hay bài giảng bằng powerpoint ở một hội nghị, seminar, symposium, v.v… có sử dụng ý tưởng, số liệu, hình ảnh, câu văn của người khác mà không ghi rõ nguồn thì vẫn có thể xem là một hình thức đạo văn.

Đây là một đoạn văn trong cuốn Lizzie Borden: A Case Book of Family and Crime in the 1890s của Joyce Williams và đồng tác giả (trang 1):

The rise of industry, the growth of cities, and the expansion of the population were the three great developments of late nineteenth century American history. As new, larger, steam-powered factories became a feature of the American landscape in the East, they transformed farm hands into industrial laborers, and provided jobs for a rising tide of immigrants. With industry came urbanization the growth of large cities (like Fall River, Massachusetts, where the Bordens lived) which became the centers of production as well as of commerce and trade.

và thử đọc đoạn văn sau đây:

The increase of industry, the growth of cities, and the explosion of the population were three large factors of nineteenth century America. As steam-driven companies became more visible in the eastern part of the country, they changed farm hands into factory workers and provided jobs for the large wave of immigrants. With industry came the growth of large cities like Fall River where the Bordens lived which turned into centers of commerce and trade as well as production.

Đoạn văn này được xem là đạo văn. Tại sao? Lí do thứ nhất là tác giả chỉ thay đổi vài chữ và vài câu, thay đổi thứ tự của đoạn văn gốc. Lí do thứ hai là tác giả không ghi nguồn gốc của ý tưởng.

Để tránh đạo văn, cần phải đề rõ nguồn của ý tưởng, dữ liệu của người khác trong bài báo khoa học của mình. Một cách tránh đạo văn là học cách tóm lược (như trình bày trên) và diễn giải (paraphrase sẽ trình bày dưới đây).

4. Diễn giải: Theo cách hiểu chung thì diễn giải có nghĩa là một cách viết lại đoạn văn gốc của người khác với chữ của chính mình (nhưng ý tưởng thì vẫn mượn từ tác giả khác) và nhất định phải ghi nguồn.

Trong báo cáo khoa học, kĩ năng diễn giải rất quan trọng, vì nó tạo cơ hội cho các tác giả đang học tiếng Anh một cách học tiếng Anh thực tế nhất và hữu hiệu nhất. Kinh nghiệm của tôi cho thấy cách diễn giải tốt nhất là đọc đi đọc lại đoạn văn gốc cho đến khi hiểu đầy đủ ý nghĩa của đoạn văn, sau đó đặt đoạn văn gốc qua một bên, và viết lại đoạn văn với từ và cách trình bày của chính mình. Nếu cần, viết vài chữ ở phía dưới đoạn văn mới viết để tự nhắc nhở mình nên sử dụng hay thay đổi câu văn này như thế nào. Một vài điều quan trọng cần nhớ khi diễn giải câu văn của người khác như sau:

Thứ nhất là giữ đúng nghĩa của bản gốc. Nên nhớ rằng chúng ta chỉ diễn giải lại, nên không được thay đổi những mối quan hệ trong bản gốc và ý nghĩa mà tác giả muốn nói.

Thứ hai là dùng từ đồng nghĩa (synonym). Điều này đòi hỏi người viết phải có một vốn ngữ vựng khá để có thể thay đổi chữ của người khác mà vẫn không thay đổi ý nghĩa gốc. Đối với những thuật ngữ thì cách an toàn nhất là không nên thay đổi, vì làm như thế rất ư là ngô nghê!

Thứ ba là thay đổi văn phạm. Cách tốt nhất là cắt câu văn dài thành một vài câu văn ngắn, hoặc gép vài câu văn quá ngắn thành một câu văn cô đọng hơn. Cách thứ hai là thay đổi thì active thành thì passive cũng là một hình thức rất hữu hiệu.

Thứ tư là (nếu được) thay đổi thứ tự của thông tin. Đôi khi các tác giả viết văn cũng rất khó hiểu vì họ trình bày nhiều thông tin làm loãng ý chính, và đây chính là cơ hội lí tưởng để mình diễn giải thì ý của mình bẳng cách sắp xếp lại ý tưởng và thông tin một cách logic hơn.

Thứ năm là để ý đến thái độ của tác giả đến đề tài. Đôi khi tác giả để lộ thái độ và cảm tính với đề tài (qua những từ như certain, uncertain, critical, striking, remarkable, wonderful, v.v…) và viết lại theo hình thức trung hòa hơn. Trong khoa học văn chương cần phải … lạnh lùng, tránh từ ngữ cảm tính.

Quay lại câu văn gốc trên,

The rise of industry, the growth of cities, and the expansion of the population were the three great developments of late nineteenth century American history. As new, larger, steam-powered factories became a feature of the American landscape in the East, they transformed farm hands into industrial laborers, and provided jobs for a rising tide of immigrants. With industry came urbanization the growth of large cities (like Fall River, Massachusetts, where the Bordens lived) which became the centers of production as well as of commerce and trade.

nếu tác giả viết:

Fall River, where the Borden family lived, was typical of northeastern industrial cities of the nineteenth century. Steam-powered production had shifted labor from agriculture to manufacturing, and as immigrants arrived in the US, they found work in these new factories. As a result, populations grew, and large urban areas arose. Fall River was one of these manufacturing and commercial centers (Williams 1).

thì sẽ không xem là đạo văn mà là diễn tả lại ý chính của tác giả gốc. Đây là một cách diễn giải hợp lí, chấp nhận được, bởi vì tác giả giữ thông tin gốc qua cách dùng chữ, và cho biết nguồn gốc của ý tưởng.

Như tôi nói ở trên, diễn giải một đoạn văn ngoài kĩ năng văn phạm, cú pháp, còn đòi hỏi một vốn ngữ vựng dồi dào. Ngữ vựng cho phép chúng ta dùng từ khác với từ gốc. Một số từ có thể thay thế mà có thể không làm thay đổi ý nghĩa gốc như sau:

Từ chỉ không gian: above, below, here, there, v.v...

Từ chỉ thời gian: after, before, currently, at present, during, earlier, later, v.v...

Từ chỉ ví dụ: for example, for instance, v.v...

Từ chỉ thêm nữa: additionally, in addition, also, moreover, furthermore, equally important, v.v...

Từ chỉ tương đương: also, likewise, in the same way, similarly, v.v...

Từ chỉ ngoại lệ: but, yet, however, nonetheless, on the other hand, on the contrary, v.v...

Từ chỉ loạt: first, second, third, next, then, v.v...

Từ nhấn mạnh: indeed, in fact, of course, v.v...

Từ chỉ nguyên nhân và hệ quả: accordingly, consequently, as a result, as a consequence, therefore, thus, v.v...

Từ kết luận: finally, in conclusion, in summary, on the whole, in the end, v.v...

Đạo văn trong khoa học được nhắc đến rất nhiều lần, và một phần không nhỏ có liên quan đến sinh viên mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ. Đã có nhiều trường hợp luận án bị thu hồi vì vấn đề đạo văn. Khi người ta làm nghiên cứu ở sinh viên Mã Lai đang học tại Úc thì phát hiện rằng họ không cố ý đạo văn, nhưng chỉ vì họ không phân biệt được khác biệt giữa đạo văn, diễn giải, và tóm lược. Tôi hi vọng bài này sẽ giúp một phần cho “phe ta” phân biệt được 3 hình thức trên và tránh phạm phải lỗi lầm đáng tiếc.

Viết bài báo khoa học không đơn giản như nhiều người tưởng. Không biết các ngành khác thì sao, nhưng trong lĩnh vực y khoa thì viết một bài báo khoa học 10 trang thường kéo dài khoảng 3 tháng. Nói như vậy để các bạn mới vào “nghề” không nên đánh giá thấp quá trình và kĩ năng viết một bài báo khoa học.

NVT

TB: M. Roig có một bài rất đầy đủ về đạo văn ở đây:
http://facpub.stjohns.edu/~roigm/plagiarism/Index.html

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Thơ lục bát là của người Chăm

Từ lâu, tôi vẫn nghĩ thơ lục bát là thể thơ thuần Việt, nhưng đọc bài sau đây của Inrasara mới biết rằng suy nghĩ (hay niềm tin) của mình có thể sai. Có lẽ người Chăm sáng tạo ra thơ lục bát, và người Việt (Kinh) chỉ bắt chước và phát triển thêm mà thôi. Theo Inrasara thì chưa biết thơ lục bát của Chăm ra đời lúc nào, nhưng thể thơ này đã xuất hiện trong thời gian cuối thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 17. Có giả thuyết (Vũ Quang Việt) cho rằng thơ lục bát của VN “có thể phát triển sau khi Việt Nam bắt nhiều ca nhân Chăm đem về khu vực Sơn Tây. Chùa Thày cũng có tượng chim Garuda, là hình tượng của văn hóa Chăm và Ấn Độ.”

Ít ai đặt câu hỏi thơ lục bát xuất phát từ đâu. Nhưng ở miền Nam trước đây, Nhạc sĩ Phạm Duy trong một cuốn sách viết về dân ca có nói đến một bài hát Chăm soạn theo thể thơ kiểu lục bát.
Theo Nguyễn Đức Hiệp (Diễn Đàn) thì “Thể thơ Ariya tương tự như thơ lục bát Việt và Inrasara cho ta thấy qua đối chiếu và phân tích sơ bộ, lục bát Việt và ariya Chăm có rất nhiều điểm giống nhau. Trong đó cái giống nhất là nhịp điệu của chúng. Thể thơ ariya đã được mang vào các tác phẩm về thơ ca trữ tình, tương tự như thể thơ lục bát trong những tác phẩm văn học Việt Nam như Bích câu Kỳ ngộ, Lục Vân Tiên hay Truyện Kiều. Tuy nhiên có điều khác biệt là ngoài Ariya Ppo Thien và Ariya Kei Oy của Ppo Thien (Thiên Sanh Tây), Ariya Rideh Apwei của Phú Bô, tất cả các tác phẩm văn học trước thế kỷ 20 kể cả ariya thơ ca trữ tình, sử thi Akayet đều là khuyết danh, không xác định được tác giả.”

Thể thơ lục bát gieo vấn theo công thức chuẩn bb tt bb / bb tt bb tb (b = thanh bằng, t = thanh trắc), nhưng trong thực tế tôi thấy có đến 20 biến thể khác. Trong bài này, Inrasara cho biết người Chăm ngoài cách gieo vần thanh bằng và hiệp vần ở chữ thứ 4 dòng câu 8, và cả vần thanh trắc nữa (còn nười Việt thì tuyệt đại đa số ở chữ thứ 6 dòng bát mà Chăm hầu như không có). Thú vị!

Nói tóm lại, những “phát hiện mới” này cho thấy thơ lục bát không phải do người Việt sáng tạo ra; chủ nhân của thể thơ này chính là người Chăm.

NVT

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=186315&ChannelID=7

Lục bát có phải là thơ thuần Việt?

TP - Mãi đến hôm nay, đa số người vẫn còn nghĩ lục bát là thuần Việt, “bản sắc độc đáo riêng của người Việt”.

Có riêng một cõi đâu mô! Lối gieo vần kiểu lục bát, song thất lục bát là truyền thống chung Đông Nam Á chứ đâu riêng gì Việt. Ngôn ngữ mỗi dân tộc có cấu trúc mỗi khác (đa âm/ đơn âm tiết là một trong những) từ đó cô nàng lục bát có lối đi yểu điệu thục nữ mỗi lúc mỗi nơi mỗi khác, thế thôi! Lục bát Chăm với tên gọi ariya cũng vậy, so với Việt đã có sự sai lệch nhất định.

Cho dù đến nay chưa có tài liệu nào xác minh thời điểm ra đời của lục bát Chăm. Thế nhưng ngay từ cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Chăm đã có mặt.

Và trước đó nữa, trong ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng, đủ thấy lục bát Chăm đã có mặt sớm như thế nào rồi. Tiếng Chăm đa âm tiết nên lục bát khi thì gieo vần theo lối đếm âm tiết, khi thì theo dạng nuốt âm - là điều lục bát Việt không có.

Còn việc lục bát Chăm gieo vần lưng, chữ thứ sáu dòng lục hiệp với chữ thứ tư dòng bát, thì ta đã thấy xuất hiện trong lối gieo vần xưa trong ca dao Việt:

Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kơu lo yaum sa urang

Kiểu như:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn hái nụ tầm xuân

Chăm còn gieo cả vần bằng lẫn vần trắc nữa, rất linh hoạt. Hiện tượng này dù hiếm nhưng không phải không từng xuất hiện trong thơ ca dân gian Việt:

Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi
(Ca dao)

Ngoài các kiểu lục bát kể trên, Chăm còn có thể pauh catwai (biến thể từ ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất qua giọng điệu.

Lục bát Chăm và Việt, dù chưa thể khẳng định được ai có trước ai có sau, nhưng điều chắc chắn là có sự ảnh hưởng và tác động qua lại. Học tập lẫn nhau. Như giới làm thơ Chăm và chục năm qua đã học làm thơ theo thể lục bát thuần Việt: chỉ gieo vần bằng và hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát. Không hay sao?

Inrasara

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Một giáo sư Nam Dương đạo văn

Một giáo sư có tiếng và đang lên của Nam Dương từ chức vì ông đã phạm tôi đạo văn. Ông là giáo sư Anak Agung Banyu Perwita, một chuyên gia về quan hệ quốc tế (international relations) tại đại học công giáo Parahyangan Catholic University ở bang Bandung, Nam Dương. Tuần vừa qua, ông đệ đơn từ chức sau khi thú nhận đã sử dụng ý tưởng và văn của Tiến sĩ Carl Ungerer trong một bài báo có tựa đề “RI as a new middle power” (có lẽ dịch là “Nam Dương như là một cường quốc trung bình”. Chú ý RI là viết tắt của chữ Republic of Indonesia) đăng trên số báo ngày 12/11/2009 của tờ Jakarta Post, một tờ báo tiếng Anh của Nam Dương. Bài báo này lấy ý tưởng và từ ngữ từ bài báo của Tiến sĩ Ungerer có tựa đề là "The ‘Middle Power' Concept in Australian Foreign Policy" đăng trên tập san Australian Journal of Politics and History, số 4, năm 2007, trang 538-551. Tiến sĩ Ungerer là một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế thuộc Đại học Queensland và Viện Chính sách chiến lược, Úc (Australian Strategic Policy Institute). Theo tờ The Australian của Úc, ông Perwita có thể sẽ bị Chính phủ Nam Dương tước chức danh giáo sư nay mai vì tội đạo văn.

Gs Anak Agung Banyu Perwita
Nguồn ở đây

Đây là một sự việc đáng tiếc xảy ra cho một giáo sư “đang lên”. Theo tờ The Australian, ông Perwita là một giáo sư (full professor) trẻ nhất ở Nam Dương (trong lĩnh vực ngoại giao), một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và từng nhận được nhiều giải thưởng. Với chức danh giáo sư trẻ, ông đứng chung hàng ngũ với những nhân vật quan trọng của Nam Dương như phó tổng thống Boediono và đại gia báo chí James Riady. Sự nghiệp ông bắt đầu khởi sắc từ năm 2003 khi ông hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại học Flinders (Nam Úc) và sau này xuất bản thành sách. (Cần nói thêm rằng ông không có đạo văn trong luận án tiến sĩ, lúc đó ông là một học giả nghiêm chỉnh). Năm 2008 ông được Đại học Flinders trao giải thưởng “Distinguished Alumni Award” vì những đóng góp cho nền giáo dục đại học ở Nam Dương. Nhưng chỉ vì một hành động mà ông tự thú nhận là “stupid mistakes” (sai lầm ngớ ngẩn) mà sự nghiệp coi như tiên tan. Tuy đơn xin từ chức của ông chưa được đại học phê chuẩn chính thức, nhưng hội đồng khoa bảng của đại học cho biết họ sẽ chuẩn y đơn từ chức của ông với sự tiếc nuối.

Đạo văn là một vấn đề khá phổ biến trong khoa học và văn học. Theo tập san Nature, tình trạng đạo văn có thể lên đến 20% trong một số ngành khoa học thực nghiệm. Hai tác giả Schein và Paladugu truy tìm 660 bài báo đã công bố trên 3 tập san hàng đầu trong ngành phẫu thuật và phát hiện khoảng 12% bài báo có cấu trúc giống nhau, 3% sử dụng từ ngữ hoàn toàn giống nhau, và khoảng 8% sử dụng từ ngữ rất giống nhau. Hai tác giả còn phát hiện khoảng 14% các công trình nghiên cứu này thuộc vào loại “tự đạo văn” hay “tự đạo số liệu”. Ở Đông Âu, có nghiên cứu cho biết khoảng 70% sinh viên biết ít nhất là một trường hợp đạo văn. Vì áp lực công bố nghiên cứu và vì danh vọng, một số (có lẽ ít) nhà khoa học đã phạm phải “tội” đạo văn, nhưng chỉ có những trường hợp lớn mới thu hút sự chú ý của báo chí, còn đa số thì được xử lí nội bộ, hay thậm chí lờ đi. Chẳng hạn như mới đây báo chí nêu vấn đề đương kim bộ trưởng khoa học Iran đạo văn, nhưng chính phủ Iran có vẻ lờ đi và không có hành động kỉ luật gì đến ông bộ trưởng.

Ở nước ta, nạn đạo văn cũng được nhắc đến nhiều lần như ở đây hay ở đâyở đây, nhưng hình như chưa ai biết phải xử lí ra sao. Trong khoa học, đã có vài trường hợp những bài báo từ Việt Nam sử dụng gần như 100% từ ngữ và số liệu của người khác (chẳng hạn như sự việc nêu trong bài này), và khi sự việc được phản ảnh trên báo chí, cũng chẳng có xử lí gì. Lại có những vụ đạo văn mà thủ phạm bị tố cáo mang hàm giáo sư, phó giáo sư, nhà văn, v.v… nhưng chuyện “đâu vẫn vào đấy”, không có hình thức kỉ luật nào và đương sự vẫn tại chức. Còn ở Nam Dương, như chúng ta thấy, ông giáo sư Perwita có can đảm và tự trọng nhận lỗi lầm và tự từ chức. Ngoài ra, tôi thấy Nam Dương, cũng là một “developing country” như ta, nhưng đại học của họ (dù là đại học tư thục) có qui trình xử lí nạn đạo văn đúng với chuẩn mực quốc tế. Ngay cả tờ báo Jakarta Post cũng can đảm đăng ý kiến và rút bài của Perwita. Tôi nghĩ trường hợp Perwita cung cấp một ca để các đại học VN tham khảo và đề ra qui trình xử lí những trường hợp đạo văn, hay tốt hơn nữa là huấn luyện để học sinh trung học, sinh viên đại học, và ngay cả nhà nghiên cứu hiểu được đạo văn và tránh phạm phải loại lỗi lầm đáng tiếc này.

NVT

===
http://www.thejakartapost.com/news/2010/02/04/plagiarism.html

Plagiarism

Thu, 02/04/2010 1:11 PM | Opinion

The article "RI as a new middle power?" by Prof. Anak Agung Banyu Perwita, published on this page on Nov. 12, 2009, is very similar to a piece written by Carl Ungerer titled "The *Middle Power' Concept in Australian Foreign Policy", which was published in the Australian Journal of Politics and History: Volume 53, Number 4, 2007, pp.538-551.

Both in terms of ideas and in the phrases used, it is very evident this is not the original work of the writer.

The Jakarta Post takes claims of plagiarism and the infringement of ideas very seriously.
We hereby withdraw the offending article by Anak Agung Banyu Perwita and apologize to our readers, most especially to Mr. Carl Ungerer, for this editorial oversight.

- The Editor

Bài báo trên JP:

http://m.thejakartapost.com/news/2009/11/12/ri-a-new-middle-power.html-0

RI as a new middle power?

Feb, 5th 2010 03:34 PM

It is quite interesting to read in Santo's article on Indonesia "A new *middle' power" (The Jakarta Post, Oct. 31, 2009) that Indonesia has been acknowledged as a new middle power in these bewildering global politics.

However, this acknowledgement has been perceived as a challenge for Indonesia; whether it can rise as a new middle power or become, on the contrary, a new semi-failed state.

In this context, it is crucial to understand what we mean by middle power. It is important because the label of middle power is pertinent to the ability of a nation-state to make projections of its diplomatic and security activities in both the domestic and international environment.
We should bear in mind that there is no clear agreed definition of a middle power and middle-power diplomacy.

The term has been used variously to describe geographic, material, normative and behavioral attributes among a diverse group of middle-ranking states on the global stage.
Such ranking exercises based on selective criteria, however, are fraught with difficulty because, as other scholars have shown, there is little or no correlation between a country's size or position in the international system and the conduct of its diplomacy.

In short, being a middle-sized country does not necessarily determine foreign policy behavior. But having middle-ranking economic, military and diplomatic capabilities and actively pursuing a middle-power approach to international affairs does offer some insight into what certain states can do to their international environment.

Clearly, when foreign policy practitioners make declaratory statements about exercising a country's "middle power" role in the international system, they are employing a type of shorthand for a pre-defined and generally agreed set of foreign policy behaviors.

That set of behaviors includes a preference for working through multilateral institutions and processes, a commitment to promoting international legal norms and a pro-active use of diplomatic, military and economic measures to achieve selected economic and political outcomes.
Despite obvious definitional difficulties with the concept, middle-power diplomacy continues to resonate with politicians, practitioners and scholars alike as a simple way of characterizing the foreign policy activities of certain countries which are neither great powers nor small.

As the Canadian scholar Dennis Stairs has argued, "The impression that there really are certain powers of secondary rank with similar capabilities and similar minds, and with a similar approach to the maintenance of the international system, seems somehow to survive the *real-world' observation that things are in fact a jumble".

Ultimately, engaging in middle-power diplomacy is no less self-interested than the behavior of any other state in the international system. That self-interest, however, is filtered through the practical consideration of when and where middle-ranking states can achieve successful diplomatic outcomes in pursuit of their national interests.

Therefore, it is also very important to set our national interests clearly as the basis of our foreign policy and diplomatic activities. Without having explicit, manageable and realistic national interests will only put us as a nation-state without a clear road map in the global arena.

To put it another way, the so-called "middle powers", then, must look for specific, niche opportunities to exercise their power and influence. If great powers are defined by having global interests and reach, then the middle power category defines a group of states with a more limited regional set of core national interests and force projection capabilities.

The questions are now: are we willing to do that? And if yes, what kind of foreign policy mechanism can we utilize in defining and promoting our regional interests and force projection capabilities?

The writer is professor of international relations, Parahyangan Catholic University, Bandung.

Còn bài của Ungerer dài hơn ở dây:

http://findarticles.com/p/articles/mi_go1877/is_4_53/ai_n29399685/

Những biểu ngữ vui mắt

Du khách phương Tây chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khẩu hiệu. Hầu như bất cứ con đường chính nào cũng đầy khẩu hiệu tuyên truyền chính trị - xã hội bên cạnh những quảng cáo thương mại. Nào là khẩu hiệu kêu gọi đóng thuế, khẩu hiệu về an toàn giao thông, khẩu hiệu về mừng Đảng, hay chào mừng khách VIP. Phần lớn những khẩu hiệu này mang tính dạy đời, lên lớp (như “An toàn là bạn, tai nạn là thù”) hay có khi ra lệnh (như “Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ”). Nói chung, đọc qua những khẩu hiệu này, người đọc có cảm tưởng như có ai đang ngồi đâu đó ở trên cao nói xuống cho người dân nghe, do đó nó mang tính trịch thượng.


Biểu ngữ kêu gọi đóng thuế để xây dựng đất nước


Một biểu ngữ với văn chương buồn cười hay thấy trên các lộ chính ở miền Tây
(Đây là biểu ngữ trên Quốc lộ 1A, đường đá, cát bụi mù mịt, và ổ gà rất nhiều)

Một biểu ngữ khác với lời lẽ thừa thải và ... vô duyên (chú ý đường đầy ổ gà)


Biểu ngữ ra lệnh


Một biểu ngữ cảnh báo, nhưng hình như người lái xe phớt lờ


Đường xá như thế này mà nói đến an toàn !