Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm 1: Những người bạn

Hơn 3 tuần ở Việt Nam, tôi có dịp quan sát và lắng nghe những chuyển động trên quê hương. Trong những entry sau đây, tôi cố gắng ghi lại những gì mình thấy và cảm nhận được ...


6/12. Tôi lên đường đi Hà Nội. Những ngày tháng cuối năm và đầu năm luôn là những thời điểm bận rộn đối với tôi. Chẳng hiểu vì lí do gì mà ở Việt Nam có rất nhiều hội nghị, hội thảo, seminar, workshop, v.v… thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Tôi được vinh hạnh đóng góp một phần nhỏ của mình cho vài hội thảo, tập huấn và seminar từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên là 2 workshop về “getting papers published in academic journals” (cách thức công bố bài báo khoa học trên các tập san học thuật) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Hà Nội (14/12) và TPHCM (16/12). Kế đến là một tập huấn 5 ngày cho một nhóm y tế phi chính phủ ở Hà Nội. Sau đó là hội thảo về “physical activity and non-communicable diseases” (vận động thể lực và các bệnh không lây nhiễm) do WHO tổ chức ở Hà Nội (21/12). Tiếp theo và xen kẽ là một workshop 10 ngày về ứng dụng thống kê học trong nghiên cứu khoa học (nằm trong chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Ngân hàng Thế giới) của Đại học Quốc gia TPHCM. Ngoài ra, còn có những buổi seminar tại Đại học Tôn Đức Thắng, Viện Phát triển bền vững (một cái tên khá nực cười, mà thực chất là Viện khoa học xã hội ở phía Nam), vài bệnh viện, và một buổi trao đổi với vài anh chị trong Đại học Quốc gia TPHCM. Chỉ có 4 ngày về thăm nhà dưới quê. Nói chung là một chuyến đi bận rộn, bận từ ngày đặt chân xuống Việt Nam cho đến ngày lên máy bay về Sydney.

Điều may mắn là tôi “sống sót” qua những ngày làm việc bận rộn như thế. Mấy năm trước, tôi thường đi chung với một cộng sự của tôi để tiếp giảng bài, nhưng lần này chỉ có một mình tôi … lãnh đủ. Với hơn 50 bài giảng, và 4 bài lecture, tôi lo lắng không biết mình còn sống sót được bao lâu, bởi vì kinh nghiệm trước đây cho thấy chỉ nói đến ngày thứ 4 hay cao lắm là ngày thứ 5 thì giọng tôi bắt đầu có vấn đề. Có khi các học viên thương tình cho uống nước giá (vì họ nói các ca sĩ uống nước giá mà hát được lâu!) Lần này thì chẳng có cộng sự viên và cũng chẳng có nước giá, nhưng nhờ trời [sanh voi sanh cỏ] nên tôi chẳng hề hấn gì cho đến ngày cuối cùng rời Việt Nam. Như vậy là một sự sống sót rất đáng kể!

Trong chuyến đi này tôi đã có dịp làm quen với nhiều bạn Việt Nam và Úc. Một trong những người tôi từng nghe qua và thỉnh thoảng có đọc bài là anh LQT, từng là vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ GDĐT, người đã có nhã ý mời tôi về giảng trong workshop về “getting papers published in academic journals”. Tôi cũng có dịp quen với 3 giáo sư người Úc nhưng nặng lòng với giáo dục Việt Nam. Chúng tôi bàn luận về nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, những câu chuyện mà hình như không có hồi kết. Ai cũng muốn làm gì đó để gây tác động tích cực đến giáo dục, một lĩnh vực có thể đưa Việt Nam lên một tầm cao hơn nữa trên trường quốc tế, nhưng hình như ai cũng cảm thấy … bó tay. Thôi thì mỗi người đồng ý với nhau là làm hết mình trong khả năng có thể để góp một tay vào việc chung.

Những ngày ở Hà Nội cũng là những ngày kỉ niệm, vì tôi có dịp gặp các bạn mà xưa nay chỉ biết qua các bài viết. Đó là các anh PĐC, ĐHC, TQB (và bà xã là BTN), và một vài bạn bên Đại học Bách khoa mà tôi rất tiếc không nhớ hết tên. Chúng tôi đã có một buổi trao đổi vui vẻ, ý hợp tâm đầu về những vấn đề khoa học, những vấn đề mà Tia Sáng đã và đang nêu từ những 10 năm qua. Hôm đó còn có một người khách đặc biệt của Bộ Khoa học và Công nghệ là anh PHS. Tôi nói “đặc biệt” vì vai trò của anh trong Quĩ Nafosted, một chương trình đang gây tác động tích cực đến nghiên cứu khoa học trong nước. Có một bạn trẻ ở TPHCM nói với tôi là từ ngày đi du học về nước đến giờ, lần đầu tiên anh xin được tiền tài trợ cho nghiên cứu một cách công minh và không có “bôi trơn” gì cả, nhờ vào Quĩ Nafosted. Cách đây vài tháng tôi có viết một bài trên Tuổi Trẻ, phân tích nêu lên sự mất cân đối trong việc phân phối tài trợ của Quĩ Nafosted mà tôi đoán là anh PHS đã phải rất vất vả với giới báo chí. Tôi nghĩ gặp tôi chắc anh ấy sẽ hầm hầm nhắc đến chuyện “ân oán” đó (như một quan chức y tế từng làm như thế với tôi). Nhưng hoàn toàn không, anh PHS vui vẻ chuyện trò với tôi, và nói về những khó khăn và bất cập trong việc tài trợ cho nghiên cứu một cách rất cởi mở. Anh ấy nói rằng đã đi từ Bắc chí Nam để quảng bá cho Quĩ Nafosted, cũng từng có người ủng hộ nhưng cũng gặp vài chống đối. Trong một buổi nói chuyện ở Viện phát triển bền vững (TPHCM), anh viện trưởng cũng có nói rằng anh PHS từng vào Sài Gòn để nói về Nafosted, nhưng chẳng hiểu tại sao rất ít nhóm nghiên cứu ở phía Nam xin tài trợ. Điều làm tôi thấy “ấm lòng” từ anh PHS là một “quan chức” trong Bộ có tầm nhìn tốt, tư cách trong sáng, và cách ứng xử văn minh khoa học. Có thể người của Bộ Khoa học và Công nghệ có khoa học tính hơn các Bộ khác chăng?

Lần đầu tiên tôi có dịp làm quen với các bạn trong nhóm CHIP ở Hà Nội do Bs THM lãnh đạo. Đây là một nhóm y tế phi chính phủ, chuyên thực hiện những dự án nghiên cứu do nước ngoài “đặt hàng” hoặc tài trợ. Đó là một nhóm bạn trẻ, có học thức cao, có kinh nghiệm thực tế dồi dào, và rất năng động. Lần đầu tiên gặp các bạn ấy tôi có cảm tình ngay, vì phong cách làm việc rất Tây và hữu hiệu (tức là không có những màn “hành là chính”). Tôi đã có suốt 5 ngày làm việc với nhóm về các vấn đề phương pháp nghiên cứu rất hào hứng và thú vị.

Tôi cũng đã có dịp gặp nhiều bạn từ Bắc chí Nam, một số bạn mà trước đây chỉ biết tôi qua website cá nhân. Ngày đầu tiên đến Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là tìm đường đi từ khách sạn Melia đến khu bán sách Tràng Tiền. Đây là khu phố có nhiều tiệm sách, nhưng tôi thất vọng về hàm lượng sách vở trong các tiệm này. Vào nhà sách nào cũng “hoành tráng”, nhưng sách thì chẳng có bao nhiêu. Những cuốn sách mình cần thì họ không có; ngược lại, những cuốn sách họ có thì mình chẳng cần, thậm chí chẳng thèm nhìn đến. Tôi lang thang hết nhà sách này sang nhà sách khác mà không thể nào tìm được cuốn “Một thởi để mất” của Bùi Ngọc Tấn và “Văn hóa Việt Nam - tự ngấm mình” của Nguyễn Hoàng Đức. Thất vọng ê chề.

Hết các tiệm sách lớn của Nhà nước, tôi lang thang vĩa hè với nhiều tiệm sách nhỏ tư nhân. Trong số này tôi ấn tượng một tiệm sách của một anh tên là Đức. Anh chắc ở độ tuổi đầu 60, tóc hoa răm kiểu nghệ sĩ, và phong cách bán sách cũng rất … văn nghệ. Nếu cần và tùy vào khách hàng (chẳng hạn như tôi), anh ấy tặng sách mà không lấy tiền. Thấy anh ấy đang ngồi uống bia hơi và bàn chuyện văn học với một anh (mà sau này tôi biết là một nhà thơ tên là Sơn ở Melbourne), tôi chú ý đến người chủ tiệm sách. Anh ấy cũng chú ý đến tôi, có lẽ vì tôi nấn ná tìm sách cũ và quyết chí hỏi đến nơi đến chốn những gì tôi muốn biết. Anh mời tôi uống bia hơi, và thế là chủ và khách trò chuyện rơm rả. Một lúc sau thì có một người khách khác đáp xe Honda đến: đó là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Việt kiều Đức, nhưng hình như đã hồi hương hay lưu lại ở Việt Nam một thời gian dài). Chuyện trò một hồi câu chuyện lan sang Nam Phong tạp chí, Tự Lực Văn Đoàn, và cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Anh Đức chỉ tay lên căn gác của tiệm sách và cho biết cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng làm việc ở trên đó. Hà Nội đúng là nơi có nhiều dấu vết lịch sử.

Từ tiệm sách của anh Đức tôi dạo phố Tràng Tiến và gặp một bạn đọc. Trong khi chờ đèn giao thông để băng qua đường, thì một anh nhìn tôi và nói gì đó tôi nghe không rõ vì xe cộ quá ồn ào. Tôi xin lỗi anh và hỏi lại anh nói gì. Hóa ra, anh ấy hỏi “Anh có phải là thầy Tuấn không?” Một chút ngỡ ngàng! Tôi nói vâng, và hỏi làm sao anh biết tôi tên Tuấn. Anh ấy nói anh là là một độc giả trang web của tôi. Anh còn cho biết rằng đã download tất cả những bài về kĩ năng mềm trong trang web. Tối hôm đó, anh sẽ bay đi Nhật để theo học PhD về chất độc da cam. Tôi bán tín bán nghi, và hai chúng tôi qua đường thì gặp 2 phụ nữ Nhật, một người là người cô hướng dẫn tương lai của anh và một người khác có lẽ là chuyên gia gì đó. Anh giới thiệu tôi với chị người Nhật, và thêm rằng tôi quan tâm đến vấn đề dioxin. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa: anh ta là một nghiên cứu sinh chứ không phải […:-)]. Thế là chúng tôi đứng ngay góc đường đó, bên cạnh siêu thị Tràng Tiền, nói chuyện sôi nổi về đề tài này. Tôi đề nghị một số mô hình nghiên cứu cho hai người. Chúng tôi tiêu ra gần 20 phút, đến nỗi chị người Nhật kinh ngạc nói “không bao giờ nghĩ rằng chúng ta bàn chuyện khoa học ở cái nơi trớ trêu này”. Chia tay hai người mà tôi quên hỏi tên, nhưng anh bạn hứa sẽ liên lạc qua email. Thế giới này thật đúng là là một vòng tròn!

Trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội ngày 6/12 tôi lại có thêm một tình cờ. Trong khi loay hoay tìm chỗ ngồi, thì một nam tiếp viên tươi cười nói với tôi từ phía sau lưng “Anh Tuấn có thể ngồi bất cứ đâu, vì hôm nay chỉ có 5 khách trong khoan này thôi”. Tôi kinh ngạc vì tưởng những đề nghị “personalized greeting” của mình đã được ghi nhận, nhưng thật ra thì không phải. Tôi hỏi làm sao anh biết tên tôi, thì anh nói rằng anh nhận ra tôi vì đã thường xuyên đọc trang web của tôi. Tôi đoán thầm chắc là đọc những bài tôi viết về các hãng hàng không và VNA. Anh còn nhận xét dạo cuối năm tôi có vẻ viết ít đi, và tôi chỉ cười nói vì phải lo chuyện cơm áo gạo tiền ... Rất tiếc là tôi quên tên anh, nhưng tôi chỉ nhớ đó là chuyến bay VN782 từ Sài Gòn đi Hà Nội, 6PM ngày 6/12/2010.

Hôm ở Sài Gòn, tôi cũng gặp một anh bạn trong tình huống khá đặc biệt. Hôm đó, tôi đang ăn ở quán bún bò Huế trên đường Cao Thắng, thì có một nhóm người gồm 2 Việt Nam và 2 Tây đi ngang. Hai anh người Việt nhìn tôi một hồi và hỏi tên tôi. Nhận ra ngay vì biết qua ... trang web cá nhân. Đó là anh HBH và hai giáo sư người Hà Lan trong nhóm EYECare Foundation. Anh H cho biết đã đăng kí lớp học, nhưng chắc không tham dự được vì phải đi công tác xa. Còn hai người Hà Lan thì sẽ bay về nước hôm đó. Thế là chúng tôi chụp chung một bức hình lưu niệm.

Tương tự, hôm đi Bến Tre, mới ghé qua quán hủ tíu Mỹ Tho, đã có hai người đang uống cà phê vỉa hè nhận ra tôi. Hai anh bạn này hỏi tài xế lái xe có phải là tôi vừa ghé quán, và anh tài xế hỏi tôi. Rồi khi ghé qua nhà của Má của M ở Tiền Giang cũng thế, hai anh bạn bên cạnh nhà cũng nhận ra tôi, nhưng chúng tôi không có dịp trò chuyện vì phải đi Bến Tre ngay. Những người bạn dọc đường như thế đôi khi làm cho tôi thấy mình ấm lòng ...

Hội thảo và seminar cũng là dịp tôi biết được những người bạn mới, nhưng là những bạn đọc của trang web. Hai buổi hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là dịp tôi gặp những người bạn đã biết tôi qua những bài viết trên trang web cá nhân và báo chí. Có người nói (và làm tôi cảm động) rằng phải lái xe cả trăm cây số đến đây để trước là tham dự hội thảo, và sau là gặp mặt tôi cho biết. Chẳng hạn như trong hội thảo về “physical activity and non-communicable diseases” ở Khách sạn Fortuna hôm 21/12, có một chị bác sĩ trẻ đến tự giới thiệu là người đã liên lạc tôi qua email và quyết đến tham dự vào buổi hội thảo, và chị ấy nhận xét rằng tôi nói cũng như viết. Chị ấy còn cho biết cách đây vài tuần Bộ Khoa học và Công nghệ có tổ chức một buổi tập huấn về cách viết bài báo khoa học và sử dụng nhiều tài liệu cũng như những bài viết của tôi trên trang web cá nhân. Chị ấy còn kể hôm đó, thầy giảng hỏi học viên có ai từng ghé qua trang web thì khoảng 2/3 dơ tay là từng ghé thăm. Ngoài các bạn trên, tôi còn có dịp gặp nhiều bạn khác ở các đại học và trung tâm nghiên cứu. Điều làm tôi cảm động là các bạn ấy nói đã từng biết tôi qua trang web cá nhân, và có nhiều lời khuyên rất thiết thực.
Mười ngày tập huấn ở Đại học Bách khoa TPHCM cũng là dịp tôi gặp lại nhiều bạn cũ và mới. Gặp gỡ và trao đổi với các bạn ấy (rất nhiều là giảng viên đại học hay chuyên viên trong các công ti lớn) tôi thấy nhu cầu về khoa học thống kê ở VN cực kì lớn, nhưng không có một đại học nào có bộ môn này. Thật ra, có đại học trên danh nghĩa là có bộ môn xác suất thống kê, nhưng chương trình dạy thì quá cổ điển, chẳng ăn nhập gì với thực tế. Nếu có thể lấy một bộ môn để làm ví dụ tiêu biểu về sự kém thích ứng của giáo dục đại học Việt Nam thì bộ môn thống kê là một ví dụ tuyệt vời. Những gì nhà trường dạy không đáp ứng được nhu cầu thực tế; ngược lại, những gì cần được dạy thì trường không có giảng viên để đảm trách. Hi vọng rằng trong tương lai gần một đại học sẽ đứng ra đảm nhiệm và lấp vào khoảng trống này. Tôi đã có dịp quen biết (hay “phát hiện”) vài bạn mà theo tôi là giỏi và có tiềm năng rất tốt cho nghiên cứu thống kê học, nếu gặp đúng thầy cô định hướng đúng cho họ.

Buổi nói chuyện ở ĐH Tôn Đức Thắng cũng là một vinh hạnh cho tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nên tôi không ngờ ĐH TDT có qui mô khá lớn (trên 25 ngàn sinh viên) và có một khuôn viên đẹp như hiện nay ở Quận 7. Mới vào đại học, tôi thấy ngay lối kiến trúc “khoa bảng”, khác hẳn lối kiến trúc của ĐHQG TPHCM (rất u ám, đe dọa kiểu Liên Xô, và bên trong thì giống như một siêu thị hơn là một đại học). Hôm đó, tôi cũng nói về các vấn đề liên quan đến khoa học và công bố kết quả nghiên cứu (mà Thanh Niên đã có phỏng vấn), và có một trao đổi thú vị với các giảng viên trẻ từ nước ngoài về. Một số giảng viên là cựu nghiên cứu sinh của anh Nguyễn Đăng Hưng hay trong chương trình du học Bỉ của anh ấy. Tôi phải ghi thêm rằng các bạn ở đó đã rất chuyên nghiệp trong việc thể hiện lòng “hiếu khách”, một điều tôi rất hiếm thấy ở các đại học VN.

Những ngày ở Việt Nam luôn là những ngày bận rộn nhưng ấm lòng. Xin mượn entry này để nói lời cám ơn chân thành đến các bạn đã dành cho tôi lòng "hospitality" trong thời gian qua. Hi vọng lần sau sẽ gặp lại một số bạn mà lần này chưa gặp được do thời gian eo hẹp (và tôi phải xin lỗi).

(còn tiếp …)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét