Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm 6: linh tinh chuyện

Lại kể chuyện Việt Nam.  Lần này, xin hầu chuyện hải quan Việt Nam và Sydney, và vài cảm nhận của tôi về chuyện tuyên truyền ở Việt Nam ... 



Hải quan

- Anh là Nguyễn Tuấn Văn, hay Nguyễn Văn Tuấn?

Anh nhân viên hải quan họ Nông (tôi quên tên) hỏi câu trên, sau khi đã scan tờ passport, đưa mắt nhìn tôi (để xem có phải là người trong hình).  Tôi nói đùa rằng từ ngày sống ở ngoài người ta đã đảo ngược cách viết tên của tôi, thay vì Nguyen Van Tuan, bây giờ thì Tuan Van Nguyen.  Anh ta cười, không nói gì.  Thấy máy computer có vẻ chạy hơi chậm, tôi bắt chuyện với câu hỏi: Anh có bà con gì với ông Nông Đức Mạnh không.  Anh ta cười lớn hơn và nói: Ối giời ơi, ông ấy ngồi tuốt trên cao kia, tôi với làm sao tới, mà bà và chả con; không phải đâu, tôi chẳng có quan hệ gì với ông ấy.  Tôi hỏi sao máy computer chạy chậm quá mà hải quan không thay để tiện cho khách và cho cả anh, thì anh nói hải quan còn nghèo lắm.  Hải quan mà nghèo thì thật là đáng ngạc nhiên!  Câu chuyện của tôi chấm dứt khi anh làm xong thủ tục và trên màn hình máy hiện dòng chữ cho khách vào.  Từ lúc đến xếp hàng, trình passport và xong thủ tục chỉ trong vòng 10 phút.  Đó là một tiến bộ rất đáng kể.

Thật vậy, hải quan Việt Nam bây giờ đã có tiến bộ. Tiến bộ hiển nhiên nhất là ở khâu thủ tục đơn giản hơn và nhanh hơn.  Hành khách vào Việt Nam bây giờ không còn điền vào tờ giấy trắng có logo của ASEAN và Việt Nam.  Đó là một tinh giản thủ tục hành chính rất đáng hoan nghênh.  Khách chỉ vào trình passport cho nhân viên hải quan (hay công an cửa khẩu?) và ra ngoài lấy hành lí.  Hành lí vẫn phải chạy qua cái máy scan, nhưng nói chung là rất nhanh (nếu không có mang theo những thứ quốc cấm).

Tôi thấy nhân viên hải quan ngày nay cũng bắt đầu có nụ cười với khách.  Tuy nhiên, tôi có cảm giác họ không thạo tiếng Anh, cho nên có những cử chỉ có thể xem là mất lịch sự.  Chẳng hạn như thay vì nói cho khách xếp hàng có trật tự, thì họ lại múa máy tay chỉ bảo như là ra lệnh hay như là xua đuổi.  Tôi đoán rằng họ không thạo tiếng Anh, nên đành phải sử dụng ngôn ngữ … tay.  Cũng có vài trường hợp họ tỏ ra rất cứng nhắc với khách, rất vô cảm với những khó khăn của khách. Vấn đề xuất phát từ sự thiếu qui định cụ thể, và do đó, mỗi người có thể diễn giải qui định theo ý và cách hiểu của mình.

Nói đến hải quan Việt Nam thì cũng nên so sánh với hải quan Úc cho công bằng.  Trước đây, tôi từng phàn nàn tình trạng kì thị người Việt Nam của giới hải quan Úc vì họ nghi rằng người Việt Nam có tiềm năng tội phạm ma túy.  Cho đến nay, tình trạng kì thị này hình như vẫn chưa suy giảm, mà ngược lại còn có xu hướng gia tăng!  Lần nào về Úc tôi cũng đem theo quà cáp của người thân và bạn bè Việt Nam tặng, như khô cá, hàng mĩ nghệ làm bằng gỗ, và những dịp gần Tết thì có cả mứt.  Nhưng lần này tôi không đem theo gì cả, như là một thử nghiệm xem cách hành xử của hải quan Úc ra sao.  Do đó, trong cái form hải quan, tôi hoàn toàn “trắng”, hoàn toàn không có đem theo bất cứ một loại hàng hóa nào mà hải quan cần phải xét.  Nếu tôi là người Úc da trắng mắt xanh mũi lõ, tôi phải ra phi trường nhanh hơn những lần trước.  Nhưng tôi lầm, tôi phải tốn gần 20 phút để qua khỏi cái cổng hải quan, trong đó có đến 15 phút xếp hàng rồng rắn và 5 phút “ăn thua đủ” với hải quan.

Đang đứng chờ hành lí, mấy chú chó chạy loanh quanh ngửi hành lí xem có mùi gì đáng nghi ngờ.  Trong khi chó đang ngửi, nhân viên hải quan điều khiển mấy chú chó yêu cầu khách, dĩ nhiên là kể cả tôi, xuất trình form hải quan và passport để họ xem.  Nhìn passport họ biết mình là công dân nước nào.  Nhìn cái form hải quan họ biết mình đáp máy bay từ đâu.  Tôi đoán rằng họ nhìn passport để đánh giá xem “có phải là phe ta” (tức là công dân Úc), và nhìn cái form để quyết định có nên xoi mói hành lí hay không.  Trường hợp của tôi, họ đánh dấu T, chẳng hiểu là kí hiệu có ý nghĩa gì (nhưng tôi biết dấu Q có nghĩa là quarantine tức phải xoi mói).  Đến khi lấy hành lí xong, đứng xếp hàng một hồi, họ lại chỉ tôi sang cái cổng có quarantine!  Tôi phản đối nói rằng tôi chẳng có gì phải khai báo, sao lại đi cổng này.  Nhưng có lẽ vì nhân viên hải quan quá bận và các cổng đều đầy người, nên họ nói kiểu an ủi rằng vì bên này quá tải nên tạm qua cổng kia, cũng nhanh thôi, đừng thắc mắc!  Đến nơi, gặp anh chàng hải quan tuổi độ 40, người Úc, với mặt không mấy thân thiện.  Anh ta nhìn vào cái form và hỏi bâng quơ rằng tôi đi Việt Nam có vui không (tôi cũng làm mặt lạnh trả lời là đi công việc chứ không phải đi chơi), rồi anh ta rất lịch sự xin phép mở hành lí để xem.  Anh ta nhìn một đống sách chẳng thấy gì đáng nói, nhưng đến hộp thuốc dùng cho bệnh gout, anh ta nhìn qua nhìn lại có vẻ phân vân, và thấy vậy tôi nói thuốc điều trị bệnh gout chứ chẳng có gì đâu.  Sao nhiều thế?  Vì thuốc này ở VN rẻ hơn.  Đáng lẽ ông phải biết rằng ông không nên đem nhiều như thế.  Chà, muốn lên lớp hả - tôi nghĩ thầm, nhưng tôi lí giải rằng tôi cũng chính là bệnh nhân, nên phải chuẩn bị đó thôi.  Anh ta để lại và nói ok.

Nhưng tôi thì không ok.  Chờ anh ta để vào hành lí xong, tôi hỏi: tôi có thể hỏi ông 1 câu không?  Sure, chắc chắn rồi.  Ông và đồng nghiệp ông có kì thị người Việt Nam không?  Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng tôi không nên quá nhạy cảm và bực mình vì chuyện xét hành lí.  Tôi nói ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi, và hỏi lại nữa đùa nữa thật: ông hãy trả lời cho tôi là yes hay no.  Và tôi nói một mạch về những nhũng nhiễu của hải quan Úc đến người Việt nói chung, chứ không phải cá nhân tôi (mà thật ra là chưa lần nào bị nhũng nhiễu), và tôi diễn giải cũng như hiểu rằng đó là thái độ kì thị, trịch thượng, và không thích hợp.  Anh nhân viên hải quan nhìn tôi một hồi rồi nói: đó là cách ông hiểu, nhưng tôi chỉ làm việc của tôi, ông không hài lòng thì ông có quyền phàn nàn đến cấp trên và đây là địa chỉ, còn cá nhân tôi thì khẳng định là không có kì thị.  Thôi, tôi còn làm việc với người khác, chúc ông một ngày đẹp nhé.  Ra khỏi phi trường, nhìn đồng hồ, mới biết là mình đã tốn 20 phút trong phi trường!  Còn ở VN, tôi chỉ tốn khoảng 10 phút, 5 phút xếp hàng hải quan, và 5 phút xếp hàng để ra ngoài.  Ở VN không ai soi mói hành lí tôi như ở Sydney.

Sự đơn giản của hải quan VN rõ ràng là hơn Úc, nơi mà tôi cho rằng hệ thống hải quan đứng vào hạng tồi tệ nhất, dã man nhất, kì thị Á châu nhất, mất lịch sự nhất trên thế giới.  Chưa có một nơi nào tôi đi qua mà hải quan mất lịch sự và kì thị như ở Úc. Đã vài lần tôi “trực diện” với cách làm kì thị của hải quan Úc, nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì. Viết thư phàn nàn thì họ cũng nhã nhặn trả lời, nhưng họ vẫn khẳng định đó là … qui định.  Qui định kì thị chăng?  Rất nhiều người Việt Nam ở Úc xem Úc là “thiên đàng” hay phàn nàn về sự nhũng nhiễu của hải quan VN, nhưng họ không dám phàn nàn về cách hành xử kì thị của hải quan Úc đối với người Việt.  Đúng là có hiện tượng “khôn nhà dại chợ” ở đây.


Khẩu hiệu và tuyên truyền

Có lẽ nói không ngoa rằng Việt Nam là một xứ sở của khẩu hiệu, của tuyên truyền (propaganda).  Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu treo đầy đường.  Ngay tại Hà Nội, người ta căng biểu ngữ giữa những cây đại thụ hai bên đường, hay giữa những cột đèn.  Dọc đường đi các tỉnh lẻ cũng thấy biểu ngữ chen lẫn những quảng cáo.  Giữa những giây điện rối như màng nhện mà cộng thêm những biểu ngữ như thế thì thật là khó coi, vì nó càng làm cho đường xá thêm rối rắm.

Về nội dung thì biểu ngữ hoàn toàn mang tính tuyên truyền.  Nào là phòng ngừa bệnh AIDS, là kế hoạch hóa gia đình (mỗi nhà chỉ có 2 con hay đại khái thế), là đừng có ác ôn giết thai nhi nữ (con gái cũng như con trai đều là con), là kêu gọi người dân đóng thuế, là an toàn giao thông, v.v… Có điều đáng chú ý là hoàn toàn không có biểu ngữ nào chống tham nhũng, chống việc mua quan bán chức, chống nạn quan liêu, v.v… Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề liên quan đến người dân, chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân không được biết (hay không có quyền biết?)

Có lẽ chính vì thiết kế để nói với người dân, nên những biểu ngữ này thường có lời lẽ trịch thượng.  Đọc qua tôi có cảm giác như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe, hay thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân.  Hàm ý trong cách nói đó là một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về đạo lí xã hội và sức khỏe.

Mặc dù nội dung và văn phong trịch thượng như vậy, nhưng tôi vẫn thấy những biểu ngữ này chúng cũng phản ảnh một phần nào tình hình xã hội hiện nay.  Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng con trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối giới tính và giết thai nhi.  Tôi có đọc đâu đó rằng ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu nữ vị thành niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới.  Đó là một con số chẳng ai lấy làm tự hào.  Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình, chúng ta có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.

Tôi đoán rằng những biểu ngữ này xuất hiện trên đường phố chắc là sản phẩm của một cuộc vận động hay một phong trào nào đó.  Nhưng có nhiều cách vận động, vậy tại sao người ta chỉ dùng biểu ngữ?  Tôi nghĩ đó là cách tuyên truyền đơn giản nhất và là một cách làm lười biếng nhất.  Cứ giăng biểu ngữ để đó, rồi sau khi phong trào chìm xuống thì cũng là lúc những tấm vải kia phai màu và đến lúc … nghỉ hưu.

http://img.tintuc.vietgiaitri.com/2010/8/2/VietGiaiTri.Com-570543e8.jpg

Biểu ngữ treo trên đường phố Hà Nội

Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế có hiệu quả không?  Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của những cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không.  Tôi nghĩ chắc không, vì chưa thấy một tài liệu hay nghiên cứu nào cả.  Tôi thì nghi ngờ hiệu quả của cách tuyên truyền như thế.  Lí do đơn giản là tôi thấy rất ít ai để ý đến những biểu ngữ đó.  Có lẽ tôi chỉ là một trong những người lẩm cẩm hay để ý chung quanh, chứ tôi thấy người dân địa phương đang phải mệt mỏi đương đầu với nạn kẹt xe hàng giờ thì hơi đâu mà để ý đến những biểu ngữ đó.  Mà, có lẽ đối với họ cũng chẳng có gì mới (nhưng với tôi thì có cái gì đó … mơi mới, và vui vui).

Chẳng có gì sai trong việc tuyên truyền và giáo dục công chúng.  Giới chức y tế phương Tây vẫn làm hàng ngày.  Nhưng nghệ thuật tuyên truyền trong thế kỉ 20 và 21 đã tiến bộ rất nhiều.  Cứ hỏi những ông tổ tuyên truyền của Mĩ thì biết cách thức họ làm như thế nào để những thông điệp chính trị - xã hội đi vào người dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn, và nhất là bình đẳng.  Điều đáng tiếc là ở VN ta thì hình như chưa biết đến những tiến bộ đó, và cách tuyên truyền hiện nay rất trịch thượng, phản cảm, vô duyên, và có khi vô nghĩa.  Do đó, tôi nghĩ đã đến lúc các chuyên gia (ủa quên, quan chức) tuyên truyền VN nên học kĩ thuật tiếp thị (marketing) của giới tư bản để làm tuyên truyền bình đẳng hơn, tốt hơn, và có hiệu quả.

Chính trị hóa

Ở Việt Nam có một nghịch lí: chính trị bàng bạc khắp nơi, nhưng rất ít người bàn chuyện chính trị.  Đi đường nhìn những biểu ngữ ca ngợi Đảng vinh quang, ở đại học có hàng chục môn học chính trị cho sinh viên, nơi làm việc đều có chi bộ của Đảng, nhà sách thì đầy những sách có hai chữ “chính trị”.  Nhưng trong thực tế thì trong cộng đồng chẳng có mấy người bàn chuyện chính trị, ngay cả báo chí cũng chỉ đi những bản tin mà hàm lượng chính trị chẳng là bao.  Đó là một nghịch lí rất khó giải thích.

Có lẽ VN là một trong vài nơi trên thế giới mà bất cứ sinh viên nào cũng phải học chính trị.  Nhìn qua các chương trình đào tạo cấp cử nhân và cao học, dễ dàng thấy những môn học như triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v… Tôi tò mò làm thử một con toán thì thấy năm đầu tiên, sinh viên (bất cứ ngành nào) phải tiêu ra gần 30% để học những môn học này.  Nếu là sinh viên ngành chính trị thì chẳng có chuyện gì để bàn, nhưng sinh viên y khoa hay kĩ thuật mà cũng học những môn này thì quả là chuyện lạ.  Chẳng có trường đại nào ở các nước phương Tây bắt sinh viên ngành y phải học những môn chính trị.  Ấy thế mà gần đây có người phàn nàn rằng hàm lượng chính trị trong chương trình đào tạo cử nhân vẫn còn thấp, và theo đó, cần phải tăng cường giảng dạy chính trị cho sinh viên!  Lí do người ta phàn nàn là vì tình trạng suy đồi đạo đức trong sinh viên ngày càng trầm trọng, và chẳng hiểu từ một phép suy luận thần thánh nào đó, người ta cho rằng nguyên nhân là do chương trình giảng dạy chính trị học chưa đủ.  Nói như thế có nghĩa là giả định rằng có một mối liên hệ giữa hàm lượng chính trị trong đào tạo đại học và đạo đức xã hội, nhưng hình như chưa thấy ai chứng minh có mối liên hệ như thế ở Việt Nam.  Do đó, thật là phi  khoa học nếu tăng thời lượng chính trị học trong chương trình đào tạo đại học.
Chẳng những trong học đường, mà ngay cả huấn luyện tài xế lái xe người ta cũng chen vào nội dung chính trị. Nhớ hôm đi xe Mai Linh, qua nói chuyện với anh tài xế, tôi mới biết rằng ngay cả tài xế cũng phải học chính trị trước khi lái xe.  Tôi tò mò hỏi anh học gì, thì được biết học về lịch sử Đảng, tư tưởng bác Hồ.  Nhưng khi hỏi anh còn nhớ những ý chính của mấy môn học đó, thì anh cười hề hà rất dễ thương nói: nhớ chết liền.

Không biết nội dung giảng dạy trong các môn học chính trị là gì, nhưng tôi có cảm giác những người học chỉ có thông tin một chiều hoặc thông tin phiến diện.  Hỏi họ về kiến thức triết học ngoài hệ thống Mác Lê, hay hỏi họ về sử Việt Nam, thậm chí về những thông tin liên quan đến sử đương đại (như chuyện Lê Văn Tám, Hoàng Sa, Trường Sa, hay xa hơn chút những chuyện thời trước 1975) thì họ tỏ ra mù tịt.  Thật ra, việc tiếp thu thông tin một chiều cũng chẳng gây ngạc nhiên cho những người theo dõi thời sự trong nước.  Nhưng nếu học mà chỉ được thu nhận thông tin một chiều thì đó không phải là học nữa, mà là tuyên truyền, là chính trị hóa giáo dục.

Tin tức mà không có tin ...

Báo chí Việt Nam trong những ngày trước đại hội Đảng thật là … nhạt. Mở tờ bào nào cũng toàn là những tin mình không quan tâm; ngược lại những tin mình quan tâm thì không có.  Thật khó tưởng tượng một tờ tầm cỡ như Thanh Niên mà chạy cái tít “Tỉ phú sắp hết tiền … “ ngay trên trang đầu!  Có buồn không, khi thấy một tờ báo số 1 (mà tôi hay cộng tác) là tờ Tuổi Trẻ mà chạy cái tít “TP HCM chú trọng chất lượng tăng trưởng”, “yêu cuồng”, “đốt lửa chống rét”, “nhất kinh tế, nhì công nghệ”, v.v…. Tôi gọi đây là những tờ báo “hết lửa”.  Và, tôi cũng nói suy nghĩ đó cho các bạn Tuổi Trẻ.  Trả lời tôi, các bạn ấy nói đều biết những khen chê của người đọc (và đều đúng) nhưng họ cần … giữ cái thẻ nhà báo để kiếm cơm.  Thông cảm.

Tin tức báo chí đã thế, còn tin tức truyền hình thì vẫn chưa thay đổi gì so với thời kì bao cấp, cả nội dung lẫn cách trình bày.  Tôi vẫn thấy cả 70% các bản tin tựu trung quanh các lãnh tụ đi thăm vùng này, địa phương kia, nhà máy nọ, v.v...  Các vị lãnh tụ vẫn thường phát biểu, tuyên bố những câu nói chung chung, vô thưởng, vô phạt, trừu tượng; vẫn tươi cười (có khi gượng gạo) cho các ống kính.  Hầu như các ông lớn này, bà lớn nọ ở các nước khác viếng thăm VN đều được tường trình một cách cặn kẽ.  Phần còn lại là các tin tức về sản lượng, buôn bán của các nhà máy quốc doanh, mà đáng lẽ phải dành cho một chương trình tin tức về kinh tế hay thương mại thì hợp lí hơn. Phóng viên VN đã trở thành ông bà công chức thống kê từ hồi nào; họ đọc những con số thống kê về sản lượng một cách vanh vách và chính xác đến 0.001!  Tất nhiên, đối với một người dân thường và kẻ viết bài này, những con số này không có một ý nghĩa gì cả.  Những tin tức có liên quan đến đời sống hàng ngày hay ngay tại địa phương người xem đang cư ngụ hầu như là không có.
Một đặc thù nữa của TV Việt Nam là họ loan toàn những tin tốt, tin "positive", chứ không có tin nào mà có thể gọi là xấu cả.  Rất là khó tin trong một thành phố cả 10 triệu dân mà lại không có tin tiêu cực.  Thật ra, báo chí vẫn loan tin hàng ngày, nhưng đài TV thì không.  Thành ra, tin tức có mà cũng như không.

Cách trình bày tin tức cũng là một điều khác với các đài truyền hình ở nước ngoài.  Ở các nước phương Tây, người đọc tin (newsreader) chỉ giới thiệu bản tin và sau đó chuyển qua cho chính phóng viên trình bày.  Nhưng ở VN, tôi ít thấy người phóng viên ở đâu, mà chỉ toàn thấy cái miệng nhép nhép của cô xướng ngôn viên trên đài.  Cô ta đọc tin một cách cứng nhắc như người máy, cô ta không hề có một nụ cười tươi chút nào (chỉ thỉnh thoảng có nụ cười huyền bí của Elisa).  Hình như ở VN, người ta thích người đọc tin có ngoại hình đẹp, chứ không quan tâm đến tri thức của người đó!?

Tin tức thế giới ở VN cực kì nghèo nàn.  Báo chí chỉ dành đúng 1 trang cuối cho phần tin thế giới.  Toàn những tin … chán phèo.  Còn truyền hình thì phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là tin tức chuyển qua "hệ thống vệ tinh."  Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nào chối được đối với người hay xem tin tức.

Internet ở Việt Nam có nhiều người sử dụng, nhưng không phong phú mấy.  Các website “lề trái” như BBC, RFI, VOA, v.v… đều bị chặn.  Một số website khác dành cho khoa học và chuyên môn thì vào được nhưng rất chậm.

Do đó, những ngày ở VN, tôi cảm thấy như mình đói thông tin.  Cứ mỗi một bản tin quốc tế hay quốc nội đăng trên báo chí hay đài truyền hình Việt Nam, tôi đều tự đặt câu hỏi “có thật vậy không?”  Chẳng hạn như câu chuyện “Một nhân viên sứ quán Mĩ gây rối trật tự” (Thanh Niên 7/1/2011 đăng ở trang 4), tôi đọc xong mà vẫn phân vân, tự hỏi chẳng lẽ một nhân viên ngoại giao Mĩ mà vụng về như thế sao.  Nhưng không cách gì kiểm chứng được, và cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ.  Đến khi về Sydney thì mới biết câu chuyện đằng sau của vụ việc, và thấy rằng báo chí Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa.  Nói thế nghe trịch thượng quá.  Trong thực tế, phóng viên Việt Nam chẳng thua kém đồng nghiệp nước ngoài, nếu họ có được một môi trường tác nghiệp tốt và được phép viết những gì họ thấy và nghe.

(còn tiếp ...)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét