Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Làm theo công thức

Việc đặt tựa đề đề cương nghiên cứu ở Việt Nam là một đề tài cần bàn đến. Hôm nọ khi còn ở dưới quê, nằm võng đọc bài báo “Viết văn theo công thức” trên Thanh Niên (28/12/2010) thấy có vài điều liên quan đến chuyện đặt tựa đề đề cương khoa học, nên tôi có cảm hứng viết entry này …


Bài báo trên Thanh Niên có đoạn viết “Với đầu đề Tả ngôi trường thân yêu của em, một học sinh lớp 6 đã viết, đại để: Trường xem xinh tươi lắm, không khí trong lành, sân trường có nhiều cây xanh, bóng mát, ghế đá, trông đẹp như công viên … Nhưng sau đó em học sinh này bất ngờ … đổi hướng: ‘Nhưng nói vậy mà không phải vậy.’ Và, em viết như sau: ‘Một số thầy cô trường em dữ lắm, chúng em hở một tí là bị quát mắng, bạt tai. Chuyện học trò đánh nhau thường xảy ra. Vậy mà gọi là trường học thân thiện’.”

Bài văn này được giáo viên bộ môn cho điểm 0 vì lí do “lạc đề, xúc phạm thầy cô giáo”. Nhưng giáo viên chủ nhiệm thì công nhận em học sinh đã phản ảnh đúng thực trạng của trường.

Nhìn qua vài kịch phim trên đài truyền hình gần đây tôi cũng có cảm nhận rằng tình trạng học trò đánh nhau ở trường học chắc xảy ra khá thường xuyên. Ở dưới quê tôi, những câu chuyện về học sinh đeo gươm, mả tấu, lưỡi hái, dao, búa … đi đánh lộn và hành hung thầy cô được người dân nhắc đến nhiều lần. Chẳng nói đâu xa, ngay hôm Noel vừa qua, vị linh mục nhà thờ ở quê tôi cũng không dám làm lễ rình rang như trước đây vì nghe tin hai nhóm học sinh có kế hoạch thanh toán nhau trong đêm Noel. Học sinh ngày nay quả là đáng sợ! Trong tình hình như thế thì làm sao có thể gọi là nhà trường thân thiện được. Đó là một phần của cuộc sống đa chiều. Theo tôi, mô tả hiện thực theo cái nhìn và cảm nhận cá nhân của học sinh là điều nên khuyến khích.

Tại sao không ghi nhận phản ảnh của em học sinh, mà lại phạt em bằng điểm 0? Thật là khó hiểu. Một thực tế hiện nay là học sinh cũng như giáo viên đã quá quen với những câu văn mẫu. Đó là những câu văn sáo ngữ, như khi nói đến quê hương thì lúc nào cũng kèm theo cái nghèo, đất nước thì “rừng vàng biển bạc”, ông bà thì lúc nào cũng “lưng còng”, dòng sông thì lúc nào cũng thơ mộng, v.v…. Đó là những mĩ từ rỗng tếch, mà có khi chính học sinh cũng chẳng hiểu hay không tin vào những gì mình viết ra. Có lẽ giáo viên đã quá quen thuộc với những câu văn như thế, nên khi gặp một bài văn thuộc vào dạng “deviant” hay “outlier” liền cho điểm 0. Nhưng gò ép học sinh vào công thức là vô tình bóp chết tính sáng tạo của học sinh, và có thể nói là một hành động phản giáo dục và phản khoa học.

Chuyện nọ xọ chuyện kia. Trong hội thảo về “Getting papers published in academic journals” ở Hà Nội (14/12/2010) có một bạn hỏi tôi rằng ở nước ngoài người ta có qui định tựa đề đề cương nghiên cứu khoa học hay không. Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi này, nhưng chợt nhớ ra trước đây cũng có lần nói đến chuyện này. Tôi trả lời một cách không ngần ngại là “không”. Lặp lại để nhấn mạnh: không có qui định nào về cách đặt tựa đề cho đề cương nghiên cứu cả. Nếu có thì tôi chắc chắn rằng giới khoa học sẽ ôm bụng cười chết đi được!

Hôm qua, nhân dịp trò chuyện với một đồng nghiệp, anh cho biết thêm rằng ở Việt Nam quả thật có văn bản qui định cụ thể về đặt tựa đề nghiên cứu. Theo qui định này, tựa đề phải có động từ, phải có địa điểm nghiên cứu, phải có thời gian, thậm chí đối tượng nghiên cứu (như độ tuổi nào). Chẳng hạn như có những tựa đề dài lòng thòng như “Bước đầu nghiên cứu về yếu tố nguy cơ bệnh ABC hạng nhẹ trên phụ nữ tuổi từ 20 đến 45 tại huyện KL tỉnh XY vào năm 2007”. Rất rất nhiều đề cương nghiên cứu có tựa đề theo công thức trên. Đây đúng là một cách làm theo công thức. Đây cũng chính là lí do tại sao rất nhiều đề tài nghiên cứu có tựa đề giống nhau, giống nhau đến nhàm chán.

Không hiểu vì lí do gì mà người ta sáng tạo ra công thức này. Tại sao phải có động từ? Tại sao phải cần đến địa điểm nghiên cứu và thời gian nghiên cứu? Cũng chẳng hiểu tại sao người ta có nhiều thì giờ suy nghĩ ra một qui định có thể nói là lạ lùng và quái gở như thế! Lạ lùng là vì nó không theo bất cứ một qui ước khoa học nào trên thế giới. Quái gở là vì qui định đó hoàn toàn không có bất cứ một lí do khoa học nào, nếu không muốn nói là phản khoa học. Làm khoa học là phải sáng tạo. Ép buộc nhà khoa học đặt tựa đề vào công thức cũng chẳng khác gì ngăn chận sự sáng tạo của nhà khoa học. Thật ra, qui định trên là một cách hạn chế khoa học Việt Nam. Nếu tôi phụ trách biên tập một tập san quốc tế và nhận bản thảo công trình khoa học mà tựa đề nói đến nghiên cứu ở một xã nào đó và thời điểm nào đó ở Việt Nam, tôi có thể từ chối ngay, bởi vì điều tôi suy nghĩ đầu tiên là kết quả nghiên cứu này chẳng có tính khái quát hóa cao. Và, suy nghĩ của tôi có thể sai; sai vì tựa đề bài báo làm cho tôi có suy nghĩ đó!

Trước đây, tôi đã có một bài chỉ dẫn về cách đặt tựa đề bài báo khoa học. Tựa đề bài báo là cái đập vào mắt người đọc đầu tiên. Vì thế, cần phải cân nhắc cẩn thận khi đặt tựa đề để thu hút sự chú ý của người đọc. Có vài qui ước tốt để thu hút người đọc, và ở đây tôi xin nhắc lại vài qui ước chính:

  • Không bao giờ dùng những chữ viết tắt;
  • Không nên đặt tựa đề theo kiểu nghịch lí hay tựa đề mơ hồ;
  • Không nên đặt tựa đề dài;
  • Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới;
  • Không nên đặt tựa đề như là một phát biểu.
Tựa đề bài báo được sử dụng trong các cơ sở dữ liệu của ISI. Chính vì lí do này mà khi đặt tựa đề, tác giả cần phải để ý đến những từ khóa (keywords). Chẳng hạn như nếu tác giả muốn nhấn mạnh đến một gene cụ thể, thì có thể dùng “Effect of VDR gene polymorphism on …” (hay tương tự). Không nhất thiết phải có động từ. Không cần phải đề đối tượng nghiên cứu là nam hay nữ, không cần cung cấp độ tuổi, hay địa điểm nghiên cứu trong tựa đề, vì đây là những chi tiết mà người đọc có thể tìm thấy trong phần phương pháp. Thật ra, cung cấp những thông tin về đối tượng, thời gian và thời điểm như thế thường thường làm cho bài báo có xác suất được chấp nhận giảm thấp hơn.

Tựa đề cần cụ thể, nhưng phải có một điểm gì đó để “bán” được thông điệp. Thử xem qua 3 tựa đề sau đây:

1. Zinc supplementation for growth
2. Zinc supplementation for growth in preterm infants
3. Zinc supplementation for growth in preterm infants: a randomized controlled trial

Tựa đề 1 quá chung chung, khó có thể thu hút người đọc. Tựa đề 2 tốt hơn vì có đối tượng nghiên cứu. Tựa đề 3 nhấn mạnh “randomized controlled trial” là một tiêu chuẩn vàng để đánh giá một thuật can thiệp, nên dễ gây chú ý hơn tựa đề 1 và 2.

Có thể nói rằng tựa đề bài báo khoa học hay đề cương khoa học là một tuyên ngôn ngắn về công trình nghiên cứu. Tuyên ngôn đó phải đúc kết từ hàng ngàn câu chữ, và đòi hỏi phải là có tính sáng tạo để viết, chứ không phải viết theo một công thức nào. Tôi đề nghị nên xóa bỏ qui định đặt tựa đề đề cương nghiên cứu phải theo công thức, vì một qui định như thế chẳng những rất phản khoa học, mà còn khôi hài và thể hiện sự thiếu trưởng thành của khoa học Việt Nam. Nên xóa bỏ qui định phản khoa học đó.

PS. Hôm nọ, tôi còn biết được một qui định lạ lùng khác nữa: đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ phải làm nghiên cứu can thiệp, như randomized controlled trial (RCT)! Tôi chưa thấy trên thế giới có qui định nào mà kì lạ như thế. Nghiên cứu sinh thì làm gì có đủ thì giờ để làm một RCT cho đúng nghĩa? Thật ra, ngay cả ở các nước tiên tiến ngoài này, chỉ có một số ít giáo sư có tư cách làm nghiên cứu RCT mà thôi, chứ đâu phải ai cũng làm được. Cố nhiên, ở đây tôi không nói đến những người làm “foot soldier”. Hôm nào rảnh tôi sẽ quay lại “chuyện” này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét