Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Bệnh họp và bệnh hình thức làm khổ cụ rùa

http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/moi-truong-va-cuoc-song/can-xu-ly-hanh-vi-lam-bi-thuong-rua-ho-guom/image
Tin tức dồn dập trên mặt báo cho thấy sức khỏe của cụ rùa Hồ Gươm đang ở tình trạng khá nghiêm trọng. Có người cho rằng cụ đang “lâm nguy”.  Nhưng nhìn kiểu cách các quan chức và nhà khoa học “đầu ngành” nước ta hành xử, tôi phải nói là ngao ngán và chán ngán.


Để hiểu tại sao tôi cảm thấy ngao ngán, xin nhắc lại một chuyện xảy ra cũng mới đây.  Năm ngoái, khi mấy cụ cá voi lâm nạn (bị thương), trôi dạt vào bãi biển Úc.  Lập tức, một nhóm tình nguyện cùng với một nhóm chuyên gia của Sở môi trường đã có mặt ngay tại bãi biển trong vòng vài giờ đồng hồ, và họ ra tay cứu nguy và chữa trị ngay tại hiện trường.  Sau đó, họ đưa mấy cụ cá voi ra ngoài biển an toàn.  Không có sự chỉ đạo nào của chính phủ.  Không có hội họp.  Không có ngồi một chỗ mà bàn chuyện vớ vẩn ai cũng đã biết.

Đối chiếu cách làm trên với cách làm của các quan chức Hà Nội khi đương đầu với tình trạng cụ rùa Hồ Gươm tôi thấy thật là khác, có cái gì đó rất Việt Nam ngày nay.  Không nói ra, ai cũng biết cụ Rùa Hồ Gươm có một giá trị tâm linh đặc biệt.  Rùa là một trong 4 linh vật (long, lân, qui, phụng) trong văn hóa ta.  Nếu truyền thuyết Lê Lợi trao trả thần kiếm đúng, thì cụ rùa có tuổi cả ngàn năm!  Nghe nói trước đây, Hồ Gươm có 4 cụ rùa, nhưng 2 cụ đã chết (một cụ chết vì bệnh vào năm 1967, một cụ chết vì dân Hà Nội [ngàn năm văn hiến?] bắt làm thịt vào năm 1962 hay 1963).  Ngày nay Hồ Gươm chỉ còn 2 cụ rùa, và được xếp vào loại động vật quí hiến. Nói tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào thì cụ rùa Hồ Gươm hiện nay có giá trị đặc biệt, và cần phải quan tâm. 

Ảnh:
Vết thương mới ở cổ và mai được ghi nhận vào cuối tháng 12/2010 khiến các nhà khoa học vô cùng lo ngại về sức khỏe của cụ rùa hồ Gươm. Ảnh: Vũ Long.


Đã gần 2 tuần qua tin tức và hình ảnh cho thấy một trong 2 cụ rùa Hồ Gươm đang mắc bệnh.  Mặc bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của cụ.  Ấy thế mà nhà chức trách chẳng có động thái nào thiết thực để chữa trị hay cứu cụ. Thay vì làm một cái gì thiết thực, họ hành xử một cách quan liêu, hình thức hóa vấn đề, theo vết xe cũ, tư duy thụ động.  Cũng có thể nói đó là một cách làm để lãng tránh trách nhiệm (hay không dám lãnh trách nhiệm). 


Trước tình trạng nghiêm trọng của cụ rùa, các quan chức tổ chức hội nghị khoa học!  Cả mấy chục chuyên gia “đầu ngành”, nào là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ cao cấp, tụ tập về Hà Nội để bàn chuyện cứu cụ rùa.  Như có thể kì vọng được, hễ có 9 người thì chắc chắn có ít nhất là 10 ý.  Chẳng ngạc nhiên khi người ta đề xuất lấy mẫu DNA, gắn chíp điện tử, tắm thuốc, giải phẫu, v.v… để chữa trị cho cụ rùa. Lại còn có những tham luận giảng cho chúng ta biết rùa Hồ Gươm quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao, v.v… Trời! Chẳng lẽ ở thời điểm này mà chúng ta cần những thông tin nền như thế hay sao?  Học sinh tiểu học lên mạng cũng có những thông tin đó, chứ ai cần đến giáo sư tiến sĩ nói. 

Nhiều phương án di chuyển và chữa bệnh cho cụ Rùa được các nhà khoa học đưa ra. (Ảnh TT)

Điều đáng chú ý là họ chỉ ngồi trong phòng máy lạnh mà nói, chứ chẳng đi thực tế.  Họ chỉ dựa vào hình ảnh trên báo chí để phán nào là viêm phổi, lây lan, do rùa tai đỏ, ô nhiễm (thừa!), v.v… Họ (nếu là nhà khoa học) quên rằng “if you want to assess something, measure it”.  Không có xét nghiệm và đo lường mà chỉ phán như thế thì có khác gì người mù sờ voi? Báo TT&VN có một bài rất chí lí khi đặt tựa đề là “Ngồi trên bờ chẩn bệnh cụ rùa”!  Quan liêu hết biết! 


Trong tất cả ý kiến, tôi chỉ thấy ý kiến của bác sĩ Ferando là thực tế nhất.  Theo ông Ferando, cần khoanh một vùng hồ để điều trị cho cụ rùa, và trong thời gian điều trị thì phải làm sạch Hồ Gươm.  Để xem các nhà chức trách sẽ làm gì.  Nhưng hội nghị đã xong mà đến nay vẫn chưa thấy tin tức cho thấy họ làm gì!  Hôm nay thấy tin trên báo chí cho biết phải chờ đến tháng 3 (ngày nào?) thì Sở môi trường mới bắt tay vào cứu cụ rùa. 


Mới đêm qua, đọc tin thấy họ đã chuyển sự việc sang Sở Khoa học và Công nghệ.  Đây là một kiểu đùn đẩy trách nhiệm.  Không loại bỏ khả năng Sở KHCN sẽ đưa vấn đề lên Bộ KHCN, và Bộ sẽ chuyển qua Bộ Nông nghiệp hay Bộ gì đó, và cuối cùng thì chẳng có “outcome” nào cả.  Còn nhớ trước đây một nhà nông học bị chết chỉ vì đùn đẩy từ bệnh viện nay sang bệnh việc khác – nhân danh tiêu chuẩn!  Thật là dã man. 


Tôi thấy ở nước ta có một cái bệnh: đó là bệnh hình thức.  Hình thức họp.  Cái gì cũng họp.  Người ta nghĩ họp là hình thức lấy ý kiến của tập thể, của chuyên gia.  Người ta giả định rằng tập thể thì hơn cá nhân (nhưng tôi nghi ngờ điều này, nhất là trong trường hợp khẩn cấp).  Tập thể cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm.  Ấy, tôi đã tổ chức họp rồi đấy nhé, có tất cả chuyên gia “đầu ngành” (chẳng biết thế nào là “đầu ngành”), tất cả ban bộ ngành rồi đó nhé, nếu chẳng may có chuyện gì bất trắc xảy ra, tôi không có trách nhiệm; tất cả phải chịu trách nhiệm. 


Chỉ việc đơn giản cứu cụ rùa mà cũng họp.  Mà lại họp quốc tế!  Tại sao những người có trách nhiệm không điện thoại tham vấn các chuyên gia thứ thiệt (không phải chuyên gia chỉ có danh hiệu mà thực chất là dỏm) trong và ngoài nước để hành động.  Chỉ cần điện thoại, chỉ cần đến tận nơi tham vấn, chứ cần gì đến hội nghị quốc tế? Họp hành thì phải tốn tiền.  Có thể tốn nhiều nữa là đằng khác, vì phải bao thư, phong bì cho các diễn giả, vé máy bay cho chuyên gia ngoại quốc.  Chẳng biết có ai nghĩ đến “cost-benefit” về cái hội nghị đó chưa?  Cost là tốn tiền, benefit là đem lại lợi ích gì cho cụ rùa?  Khi nào chưa có phân tích này thì cái hội nghị đó vẫn là một câu hỏi lớn. 


Nói đến bệnh họp và hình thức tôi nhớ đến vài kinh nghiệm cá nhân. Mấy chục năm trước, tôi được cấp một bằng khen, người ta có hẳn một quyết định, rồi có một buổi họp để trao bằng. Trong buổi họp, người ta đọc nguyên văn quyết định (như “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – tự do – hạnh phúc, căn cứ vào …., quyết định … điều 1 … điều 2 … thay mặt kí tên”)  Nghe rất trịnh trọng.  Nhưng nghĩ kĩ thì có cái gì đó quá buồn cười.  Tại sao không đơn giản bằng một lá thư và trao bằng?  Cần gì đến quyết định này nọ? 


Cái bệnh hình thức ở nước ta đã trở thành bệnh truyền nhiễm và lây lan sang bệnh thanh tra.  Ngành nào cũng họp và lập hội đồng khi gặp phải một tình huống tế nhị.  Còn nhớ trước đây, hai anh nông dân ở Đồng Nai chế máy bay trực thăng, một hobby rất bình thường.  Ấy vậy mà người ta phải tổ chức cả đoàn chuyên gia đến thanh tra.  Thành viên của đoàn thì nào là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kĩ sư, tướng, tá, v.v… Đọc bản tin đó tôi không thể nào tin được đó là sự thật.  Tại sao người ta phí phạm nhân lực đến như thế?  Nên nhớ rằng các vị trong đoàn thanh tra chưa ai chế tạo được máy bay, nên chưa chắc họ có tư cách để thanh tra hai anh chàng nông dân. Ngay cả trong khoa học cũng mắc bệnh hình thức.  Chỉ có một đề cương đơn giản mà cần đến 8 người để “phản biện”, dù phần lớn những người phản biện không am hiểu lĩnh vực nghiên cứu!  Thật là phí phạm thời gian và nhân lực!


Tôi nghĩ cần phải có một biện pháp lâu dài.  Trước hết, việc làm tổng vệ sinh Hồ Gươm là rất cần thiết.  Tôi từng dạo quanh Hồ và thấy rất dơ bẩn.  Nam thanh nữ tú ngồi quanh hồ hóng gió, hun hít nhau, ăn uống rồi vứt rác xuống hồ.  Họ làm như thế hết sức … vô tư.  Tôi chưa thấy người ta câu cá, nhưng nghe nói là có người câu cá dưới Hồ.  Nhưng nói chung là Hồ Gươm dơ bẩn, chứ không phải như thấy trong các bưu thiếp quảng cáo.  Tôi vẫn thấy khó tin là một cái hồ mang tính biểu tượng như thế mà hình như các giới chức chẳng mấy ai quan tâm.  Thật là xấu hổ khi bị một người nước ngoài đề xuất cái ý hiển nhiên là làm vệ sinh Hồ Gươm.  Theo tôi, việc làm tổng vệ sinh đáng lẽ phải là việc hàng năm.  Tại sao không phát động “Ngày vệ sinh Hồ Gươm” hàng năm?  (Ở Úc, người ta có ngày Clean Up hàng năm với sự tham gia của hàng chục ngàn người). Một ngày vệ sinh như thế chẳng những làm sạch Hồ mà còn nhắc nhở người dân về biểu tượng và giá trị tâm linh của cụ rùa Hồ Gươm.  Thứ hai là phải liên kết với các chuyên gia về rùa ở nước ngoài để tham vấn họ.  Tôi chỉ cần google một vài giây là ra ngay một danh sách chuyên gia trong cuốn sách này. Mình không rành chuyện thì hỏi người khác (và cũng chẳng cần phải có văn bản hay quyết định gì để hỏi họ đâu). 



Cách làm của giới chức trách Hà Nội rất khác với Sydney.  Ở Sydney, họ đâu có cái xa xỉ thời gian và nhân lực để tổ chức hội nghị như ở ta.  Có lẽ Hà Nội là thành phố giàu có hơn Sydney nên có nhiều tiền để tổ chức hội nghị quốc tế trong lúc cụ rùa lâm nguy. Kiểu làm việc quan liệu, hình thức, đùn đẩy trách nhiệm chẳng những sẽ còn làm cho cụ rùa khổ dài dài, và sẽ làm cho VN chậm hội nhập với quốc tế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét