Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Ghi chép cuối năm 10: Một thoáng Hà Nội 2


http://enews.agu.edu.vn/uploads/imgposts/u10834_t1284187561_nyvk5.jpgĐây là entry cuối cùng trong loạt bài ghi chép cuối năm. Chuyến về quê vừa qua, tôi có dịp ở Hà Nội được hơn 1 tuần.  Đi và về Hà Nội nhiều lần. Nhưng không bao giờ dám nhận là mình biết Hà Nội.  Mỗi lần ghé qua là mỗi lần học hỏi.  Do đó, chỉ dám nói là một thoáng Hà Nội mà thôi ...



Không biết có ngoa ngôn chăng nếu nói  rằng một trong những thành quả lớn nhất trong lịch sử cận đại là đất nước được thống nhất.  Sau 25 năm chia cách, cuối cùng thì Việt Nam cũng thống nhất.  Không còn VNCH và VNDCCH nữa; chỉ đơn giản là Việt Nam.  Sau 25 năm đánh nhau chí chết và ngăn cách bởi hàng rào chủ nghĩa (ngoại lai), những người Việt hai miền lại gần nhau hơn, biết nhau hơn, và thân nhau hơn.  Dù còn vài bất đồng ý kiến, nhưng tôi vẫn nghĩ cái công thống nhất đất nước của các vị cách mạng thì chắc nhiều người đồng ý.

Tôi cũng nằm trong cơn lóc xoáy của lịch sử mà có cơ duyên biết đến Hà Nội từ những năm sau 1975.  Tôi đến Hà Nội lần đầu vào năm 1977 hay 1978 (không còn nhớ chính xác nữa).  Thuở đó tôi cùng với 3 đồng nghiệp khác đi công tác (thật ra là đi dự lớp tập huấn chuyên môn) ở Hà Nội.  Chúng tôi đi bằng chiếc xe Ford Falcon cũ kĩ do “Mĩ Ngụy” để lại, nhưng dưới bàn tay tuyệt vời của người thợ Việt Nam, chiếc xe cũng chở chúng tôi từ Nam ra Bắc.  Chuyến đi ngang qua cầu Hiền Lương, ghé qua Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, để các bạn ghé thăm nhà, rồi sau cùng là Hà Nội.  Ấn tượng còn đọng trong tôi là thời đó, miền Bắc còn nghèo lắm.  Tôi còn nhớ bưu điện Vinh (?) chỉ là một mái nhà lá.  Thành phố buồn thiu, trống trơn, chẳng khác gì Bắc Hàn ngày nay.  Đến nhà anh bạn ở Thanh Hóa.  Đó là một căn nhà nhỏ, chật hẹp, trong nhà chẳng có gì đáng kể cả (theo cái nhìn của tôi lúc đó).  Vì thấy tôi là người Nam ra, nên gia đình anh bạn quyết định thiết đãi tôi.  Nhưng khổ nỗi nhà nghèo quá, gạo thì không đủ, thậm chí cái nồi nấu cơm cũng chẳng “chỉnh chu” chút nào cả.  (Sau này tôi biết được rằng người nhà phải đi mượn cái nồi nấu cơm ở hàng xóm về nấu cho chúng tôi ăn).  Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn xúc động mạnh.  Đến Thái Bình, xe vào một thị tứ, mấy em bé đen đúa chạy theo xe, vì hình như chúng chưa bao giờ (hay ít) thấy xe hơi trong đời.  Có vài em thậm chí còn nhảy lên mui xe làm tài xế méo mặt.  Lại có vài em lăn xăn ngửi xăng!  Tôi hết sức ngạc nhiên.  Không ngờ miền Bắc nghèo khó đến như thế!


Đường phố Hà Nội thời bao cấp

Nhưng cường độ ngạc nhiên của tôi tăng đến điểm đỉnh khi đến Hà Nội.  Trước khi đi, tôi háo hức lắm, vì nghĩ mình sẽ ghé thăm một nơi gọi là ngàn năm văn hiến.  Tôi sẽ ghé qua Chùa Cầu Đông để xem ngày xưa chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều gặp nhau ở đâu.  Trong tâm tưởng của tôi thời đó, qua Thạch Lam, Hà Nội là nơi thanh lịch, là vùng đất văn hiến, là những tà áo dài thước tha để thi sĩ Quang Dũng phải Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (và nghe nói sau này phải khốn đốn vì mấy câu thơ kiểu này!)  Nói chung là ước vọng và ý nguyện thì nhiều lắm, vì các nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ đã gieo cho tôi cái dấn ấn tưởng tượng tuyệt vời về Hà Nội, đã đưa tôi phiêu bồng một nơi chốn huyễn tưởng.  Kì vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu.  Lần đầu “đối diện” Hà Nội tôi thất vọng hoàn toàn.  Đó là một thành phố (hay thị trấn?) thiếu sinh khí.  Đó là  một Hà Nội cổ kính, loang lỗ, nhếch nhác, và ảm đạm.


Phố xá Hà Nội thời bao cấp, cảnh xếp hàng mua đồ phân phối

Hoàn toàn khác với Sài Gòn.  Sài Gòn nhộn nhịp và vui tươi bao nhiêu, thì Hà Nội im lặng và ảm đạm bấy nhiêu.  Đường phố Hà Nội dạo đó rất ít xe ôtô, mà có thì toàn là xe khối XHCN rất xấu xí, cục mịch.  Xe gắn máy cũng rất ít, và thay vào đó là xe đạp nhiều.  Người đi đường có vẻ lầm lủi, không vui.  Hiếm thấy những khuôn mặt rạng rỡ.  Chẳng thấy “dáng kiều thơm” nào cả; tất cả phụ nữ hình như chỉ có một kiểu mặc duy nhất: quần đen lên mắc cá, áo sơ-mi trắng dài tay, tóc dài, trông rất Tàu và ... rất buồn cười.  Nam thì quần fatigue, đội nón cối, dù họ chẳng phải là lính tráng gì cả.  Hình như người Bắc thích nón cối.  Nói tóm lại, chẳng có cái gì gây ấn tượng đẹp cho tôi cả, ngoại trừ hồ Hoàn Kiếm làm tôi thấy có cảm tình với Hà Nội một chút. Suốt hai tuần ở Hà Nội, tôi chẳng đi đâu, chán ơi là chán, chỉ chờ ngày về Sài Gòn.  Lúc đó tôi mới thấm và hiểu cho mấy bác đi tập kết nhất quyết đòi về Nam.  Ấn tượng của tôi về Hà Nội thời đó phải nói là rất negative, và tôi bắt đầu nghi ngờ những gì mình đọc trong Tự lực văn đoàn, hay nghe những bài nhạc của các vị nhạc sĩ, tôi cảm thấy như là họ -- nói theo tiếng Anh là – đã take me for a ride (hay nói lịch sự là lường gạt).

 
Mốt nón cối
 
Bẵng đi gần 25 năm sau, tôi mới có dịp quay lại Hà Nội.  Thành phố bấy giờ khang trang hơn, có nhiều xe auto và xe gắn máy hơn.  Đường phố có vẻ sạch sẽ hơn, và con người cũng có vẻ tươi tắn hơn.  Sau đó, tôi có dịp ghé Hà Nội nhiều lần, và lần nào cũng thấy cái mới.  Nhưng lần nào cũng chỉ ở đó 2 hay 3 ngày, không có dịp đi đây đó để trải nghiệm.  Thuở đó tôi có ghi lại cảm nhận của mình qua bài bút kí Một thoáng Hà Nội. Cuối năm ngoái (2010) tôi có dịp ra Hà Nội và ở đó hơn 1 tuần, tuy chưa đủ để hiểu về thành phố này, nhưng cũng đủ có lí do để ghi lại vài cảm nhận cá nhân cho entry Một thoáng Hà Nội 2 này.


http://quangnam.dangkiem.com/wp-content/uploads/2009/12/VHGT25.jpg

Một góc của Hà Nội bây giờ
Hà Nội dễ thương

Nói ra câu trên chắc có nhiều người cười và cho rằng tôi nói … thừa.  Hà Nội của Thạch Lam 36 phố phường dĩ nhiên là dễ thương rồi, ai lại nói khác đi.  Nhưng quả thật, đi một vòng quận Hoàn Kiếm và ra ngoài một chút tôi thấy Hà Nội có duyên và dễ thương.  Hồi năm 2008 tôi ở Intercontinental (hình như khu đó gọi là Nghi Tàm), buồn, chẳng đi đâu được cả (ngoài mấy quán thịt chó).  Lần này, tôi ở Melia, tức là trung tâm thành phố, nên có dịp cuốc bộ vào mỗi sáng và chiều.  Hà Nội vào tháng 12 người ta mặc áo lạnh, nhưng tôi thì áo ngắn tay vì đối với tôi đó là thời tiết mát, dễ chịu.  Phụ nữ Hà Nội duyên dáng, mảnh khảnh, trắng trẻo (chắc thiếu vitamin D J), ăn nói nhỏ nhẹ, và ân cần giúp khách.  Tôi gặp vài trường hợp bị đàn ông Hà Nội “chém” tiền taxi và ăn uống, nhưng bù vào đó là toàn gặp những người nữ Hà Nội rất lịch thiệp.  Nhìn mấy cô Hà thành mặc áo lạnh đi xe vespa hay xe đạp trên những đường phố đầy bóng cây thì quả là quá dễ thương.  Dạo một vòng Hồ Hoàn Kiếm thấy những cặp tình nhân tay trong tay ngồi ngắm nước hồ trầm tư cũng có cái đẹp đấy.

http://media.docbao.vn//assets/Nam2008/image_20100210/nong1.jpg

 Phụ nữ Hà Nội

Một người bạn Úc của tôi cũng nói Hà Nội “surprisingly nice”.  Anh ấy là người gốc Melbourne, một giáo sư rất nổi tiếng trên thế giới và đình đám trong bộ môn loãng xương, và cũng chính là người duyệt luận án của tôi thời xa xưa.  Anh ấy đi Hà Nội nói chuyện cho một công ti dược và ở đó chỉ 3 ngày, nhưng khi về Úc, anh khen Hà Nội nức nở, đến nổi tôi nghĩ “hay là tay này … xạo”.  Anh khen món ăn Hà Nội ngon, đường phố mát mẻ, và câu kết là surprisingly nice – dễ thương một cách ngạc nhiên. Tôi đoán trong tâm tưởng của anh trước khi đến Hà Nội thì đó là một nơi lạc hậu, chiến tranh, bom đạn tàn phá nát bét.  Nhưng khi đối diện thực tế thì hoàn toàn vượt xa những gì anh nghĩ trong tâm tưởng nên khen quá cỡ.  Có một vụ việc rất cá nhân làm anh ta mến Hà Nội.  Số là anh ta đi may 2 cái áo chemise ở khu phố cổ.  Nhưng vì ra sân bay gấp quá nên anh ta … quên lấy áo.  Đến khi về Úc, anh ta điện cho tôi hỏi có cách nào lấy 2 cái áo mà anh ấy rất thích không.  Tôi than trời, làm sao tao có thể giúp mày, khi mày chẳng biết tên cái nhà may là gì, ở đâu, số điện thoại … Nói thế thôi, nhưng qua liên lạc với khách sạn, và mô tả tiệm may, sau cùng khách sạn cũng tìm ra được 2 cái áo và gửi về Úc cho anh.  Anh ta thán phục vô cùng.  Anh ta khen người thợ may đó là ”Number 1 in the World” (số 1 trên thế giới), vì chỉ có người thợ may đó may cái áo anh ta ưng ý.  Kiểu nào anh ta vẽ ra anh thợ may đều hoàn tất theo ý muốn của thân chủ.  Trong chuyến đi vừa qua, anh ta còn nhờ tôi may cho anh ta 5 cái áo chemise do chính anh ta thiết kế ngay tại nhà may đó!

Hà Nội là thủ đô của văn học, nên ra đường rất dễ gặp văn sĩ.  Một hôm, tôi cuốc bộ đi quanh bờ hồ, lang thang sang khu Tràng Tiền chuyên bán sách.  Đang chọn sách thì tôi chú ý đến anh chủ tiệm sách đang đàm đạo chuyện văn chương với một anh Việt kiều.  Hóa ra, anh Việt kiều là một nhà thơ ở Melbourne, mới về VN và ra Hà Nội lần đầu.  Cũng như tôi, anh nhà thơ đi tìm sách, và chẳng hiểu sao ngồi lại đàm đạo văn chương với ông chủ tiệm sách bên li bia hơi.  Thấy tôi tìm sách của Bùi Ngọc Tấn, hai anh cũng chú ý, và thế là chúng tôi quen nhau.  Tôi cũng ngồi xuống bên vỉa hè, nhâm nhi cùng các anh ấy vài li bia hơi và nói chuyện thời sự.  Sau này, tôi còn ghé đó thêm một lần để tìm sách và nói chuyện văn nghệ văn gừng với anh chủ tiệm sách.  Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy người Hà Nội cũng thân thiện lắm chứ.  Đâu có thấy họ kì thị Bắc Nam gì đâu (hình như cái khoản này thì dân Nam kì thị dân Bắc hơn). Thật tình cờ khi anh chủ tiệm sách chỉ tay lên gác và nói cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng ở và làm việc trên cái gác ấy. Có thể nói không ngoa rằng mỗi tất đất ở Hà Nội đúng là một điểm lịch sử.


http://thanglong.chinhphu.vn/Uploaded_VGP/nguyenthuyduong/20090819/PHOSACH.JPG

Khu Tràng Tiền chuyên bán sách

Hà Nội xa hoa

Một tuần ở Melia tôi chứng kiến và kinh ngạc sự xa hoa của dân Hà Nội.  Đó là nơi người ta đón tiếp các VIP, kể cả nguyên thủ quốc gia.  Sáng nào đi ăn sáng tôi cũng gặp các quan lớn nước ngoài, có những người mà tôi đoán chắc là sĩ quan Mĩ đeo lon tá tướng đang bàn chuyện gì đó có vẻ vui lắm.  Cũng có khi ngồi gần bàn của vài giáo sư Mĩ đang bàn về lớp học ở Đại học Quốc gia, mà tôi loáng thoáng nghe là họ khen sinh viên Việt Nam giỏi, nhưng họ chê thầy cô lười biếng!  Cứ vài ngày khách sạn đón VIP, và các quan chức Việt Nam lăn xăn chuẩn bị thảm để đón khách.  Nhìn thấy cách họ làm tôi vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên.  Buồn cười vì cách họ làm cứ như là việc gì quan trọng trong đời lắm vậy.  Ngạc nhiên là vì ở Úc tôi thấy người ta đón Thủ tướng cũng đơn giản lắm, chẳng có thảm đỏ, cũng chẳng có ai đứng thành hàng để bắt tay hay chào đón cả.  Kể ra thì kiểu hiếu khách của Việt Nam cũng khác người.

Melia cũng là nơi các đám cưới sang trọng được tổ chức.  Chỉ một thời gian ngắn mà tôi có dịp chứng kiến 4 đám cưới tại đây.  Nam thanh nữ tú xuất hiện đầy ở đại sảnh khách sạn.  Cái gì cũng có vẻ đắt tiền trong những đám cưới này.  Quần áo, vật trang sức, kể cả nước hoa cũng đều thuộc loại thượng đẳng.  Tôi thấy một khách mời đám cưới đi cùng bạn trai cô ta vào tiệm bán điện thoại trong khách sạn, và họ thản nhiên tiêu ra 8000 USD cho một cái điện thoại hiệu Vertu (hay gì đó)!  Có một đám cưới mà khách mời đi bằng 3 chiếc xe hơi hiệu Lamborghini và Ferrari!

Tuy nhiên, cái xa hoa của những người khách vẫn không dấu được cái chất quê ở họ.  Dù với những bộ quần áo, vật trang sức và xe hơi đắt tiền, nhưng cốt cách của họ vẫn là người quê.  Từ những thái độ kẻ cả, cách ăn nói hống hách, cái nhìn khinh bỉ người thấp hèn, đến dáng đi cho thấy họ xuất phát từ một cái phông nền văn hóa và đạo đức thấp.  Tất cả những cái đắt tiền được trang bị phía ngoài hình như chỉ để phô trương, để học làm trưởng giả, chứ không đủ che kín được bản chất nhà quê.  Tôi từng chứng kiến một chị mặc đồ đầm rất sang trọng với cái ví Louis Vuitton mà ... ngồi chồm hổm để buộc đôi giày đang bị sứt!  Tôi cũng từng thấy một anh chàng lái xe Ferrari mà nói với người phục vụ khách sạn bằng ngôn ngữ mày tao y như phong cách của kẻ giang hồ.

Khách sạn sang trọng cũng là nơi người ta tung tiền mua rượu đắt tiền.  Mấy hôm ở Melia tôi làm quen với người quản lí nhà hàng, và nghe người ta tiêu tiền mà kinh.  Anh kể rằng tuần nào anh cũng bán được những chai rượu giá tối thiểu 4000 USD.  Một hôm tôi đi ăn tối với các anh trong Viện dinh dưỡng ở một khách sạn 4 sao và anh quản lí ở đó cũng nói rằng chuyện các đại gia hàng chục ngàn USD cho một chai rượu là chuyện bình thường.

Nói như thế tôi không có ý chê trách gì.  Mỗi người có lựa chọn riêng của mình trong cách tiêu tiền, và những người có khả năng để phô trương thì cũng chẳng có gì phải nói.  Chỉ hi vọng rằng đó không phải là những đồng tiền tham ô hối lộ hay ăn cắp của dân.  Một trong những mục tiêu của cách mạng là san bằng bất công và xóa bỏ giai cấp, nhưng trớ trêu thay, sau vài chục năm cách mạng thành công thì bất công chẳng những không giảm mà còn tăng.  Trong thực tế, chính những người làm cách mạng cho ra đời những qui chế bất công và sản sinh ra bất bình đẳng.  Còn nhớ thời bao cấp, trong khi người dân thường chỉ có tiêu chuẩn 150 g thịt, thì cán bộ cao cấp được 6 kg, tức 40 lần tiêu chuẩn người dân!  Chưa thấy qui định nào vô lí và dã man như thế!  Đó là chưa kể những qui định kiểu quan chức cỡ này thì được điều trị nơi này, còn người dân thì xếp hàng chờ đến chết.  Bất công kéo dài cho đến ngày chết!  Phải bao nhiêu tuổi Đảng thì được chôn cất ở Mai Dịch.  Đúng là nói một đường làm một nẻo.  Vậy thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy bất công ở VN sau thời cách mạng ngày càng tăng.  Đành rằng xã hội thì có bất công và bất bình đẳng (chỉ có ai điên mới cho rằng xã hội không có bất công), nhưng sự bất bình đẳng ở Việt Nam quá lớn làm cho chúng ta phải chạnh lòng. Một li cà phê trong khách sạn 5 sao là 87,000 đồng, so với một li cà phê vỉa hè là 5,000 hay 10,000 đồng.  Nếu là một đất nước có thu nhập trung bình vài chục ngàn USD thì tôi chẳng có gì phải suy nghĩ, nhưng đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà đại đa số người dân sống bằng thu nhập 50 ngàn đồng một ngày.  Khoảng cách giữa người có và người không có quá lớn.  Có lẽ tôi hơi lẩn thẩn suy nghĩ mấy chuyện này, những chuyện mà nhiều người ngày nay xem là chuyện nhỏ.

Và những người bạn 

Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều có dịp gặp bạn bè.  Bạn bè có khi chưa biết mặt (vì chỉ trao đổi qua email), nhưng cũng có bạn bè đã quen nhau từ trước.  Tôi quen 2 anh bạn tôi quen từ năm 2008.  Anh Th là dân học ở Nga về có vợ là bác sĩ, nay đã nghỉ hưu; còn anh M cũng là người đi học ờ ngoài về và cũng đã nghỉ hưu.  Hai anh là nhiệt kế thời sự mà tôi chỉ biết ngồi nghe và suy nghĩ.  Lần trước anh dẫn tôi đi vòng Hà Nội và chỉ căn nhà của Nhà văn Vũ Thư Hiên, nay là một quán cà phê; lần này anh dẫn tôi đi uống cà phê và nhậu bia hơi.  Ngồi hàng quán mà bàn chuyện nhân tình thế thái kể ra cũng rất thú vị.  Lần nào hai anh cũng làm tôi rất ngạc nhiên về những quan điểm ”cấp tiến” của hai anh.  Có thể nói rằng hai anh suy nghĩ hoàn toàn "ngoài cái hộp" mà giới tuyên truyền đã và đang ra rã nói.  Tôi chợt nghĩ nếu như mọi người ngoài Bắc đều suy nghĩ như hai anh thì chắc Nam Bắc đã không có một cuộc chiến tương tàn đến 25 năm.

Lần này, hai anh làm tôi ngạc nhiên về những mối quan hệ chằng chịt trong giới cầm quyền, và hai anh kết luận rằng việc cha truyền con nối đã và đang xảy ra ở nước ta có khác gì bên Bắc Hàn hay thời phong kiến đâu!  Hai anh giỏi sử, và đưa ra nhiều bình luận ... ngược đời.  Anh M đưa ra nhiều dữ liệu (tôi không chắc mấy, vì không thuộc sử) để chứng minh rằng vua Lý Thái Tổ là một người tàn ác, chứ chẳng phải thánh thiện gì.  Còn các vua đời Nhà Trần (ngoại trừ Trần Nhân Tông) cũng ác ôn không kém.  Từ đó, anh cho rằng việc các chính quyền hiện đại dùng bạo lực và đàn áp để cai trị dân ở nước ta là có ... truyền thống.  Hệ quả của kết luận là phải nhìn lại và kiến trúc lại con người Việt Nam sao cho họ sống tử tế với nhau hơn.

Anh M nói đùa rằng người ta muốn dời đô ra Ba Vì vì Hà Nội có nhiều âm khí quá.  Anh M chứng minh rằng ngay dưới tại Tháp Rùa ở Hồ Gươm là mộ của bà mẹ của một đại gia Hà Nội thời Pháp.  Anh lưu ý tôi rằng Tháp Rùa được xây theo kiến trúc nửa Tây phương (phần dưới) và nửa Đông phương (phần trên).  Anh còn chứng minh thêm rằng lăng cụ Hồ cũng là âm khí.  Rồi anh vui vẻ kết luận rằng cần phải dời đô ra khỏi Hà Nội để giảm âm khí!  Câu chuyện thật vui, đúng là chuyện trên bàn nhậu, nhưng cũng đủ làm cho tôi suy nghĩ về những gì mình chưa biết về Tháp Rùa (còn chuyện lăng thì tôi ... không bàn).

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/hientk/5.11_ruanoi_400.jpg

Tháp Rùa: phía dưới là mộ của một người giàu có ngày xưa ở Hà Nội 

Lần ra Hà Nội kì này tôi gặp được vài anh bạn rất thú vị.  Chúng tôi gồm một nhóm người quan tâm đến việc nâng cao sự hiện diện của VN trên trường khoa học quốc tế, và thường trao đổi nhau qua email chứ ít gặp nhau ở ngoài đời.  Nghe tôi đến Hà Nội các bạn ấy tổ chức một buổi ăn tối để gặp nhau và hàn huyên.  Qua đó mà tôi biết mặt mũi của những bạn mình từng bàn việc chung.  Trong số các bạn đó, có anh PĐC, một người đã lên tiếng rất nhiều lần về việc cải cách trong quản lí khoa học, và lấy tiêu chuẩn công bố quốc tế làm thước đo đánh giá nhà khoa học.  Những bài anh viết rất trực tiếp, và có thể nói là không nhân nhượng.  Tôi hỏi anh rằng với những bài như thế anh có gặp khó khăn gì không, thì anh cười nói có thì có chứ, nhưng anh chẳng có gì phải ân hận về quan điểm của mình.  Tôi còn gặp một đồng nghiệp của anh PĐC là anh ĐHC.  Anh ĐHC là dân Trung kì, nhưng đã định cư ngoài Hà Nội lâu và tự xem mình là dân Hà Nội.  Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thú vị cùng một người quan chức cao cấp của Bộ KHCN hôm đó.

Một trong những người bạn tôi lúc nào cũng ghé thăm và hỏi chuyện là anh VT đang công tác tại một tờ báo của Bộ KHCN.  Anh VT và tôi quen biết nhau cũng trên 10 năm, ấy thế mà lần nào gặp anh tôi chẳng thấy anh già đi chút nào cả!  Tuy là người gốc Huế, nhưng anh nói giọng Hà Nội sang sảng.  Là sĩ quan cấp tá trong thời chiến xa xưa, và từng bỏ quân hàm vì lẽ phải, nên anh xem nhiều quan chức cao cấp hiện nay chỉ là ... đàn em.  Cũng đúng thôi.  Anh cũng thuộc vào týp người sĩ phu Bắc Hà, cũng ao ước cải cách khoa học và giáo dục, cũng đau đáu về tương lai đất nước, cũng nổi giận về vấn nạn mua quan bán tước hiện nay.  Anh có một nhận xét rất hay là bấy lâu nay, chúng ta nói nhiều về vấn nạn tiến sĩ (tiến sĩ tràn lan) mà không ai đề cập đến vấn nạn quân hàm.  Anh cho rằng ngày nay quân đội và công an có quá nhiều người mang hàm tướng và tá.  Anh chỉ ra bằng câu hỏi rằng có thời đại nào ở Việt Nam mà trung tá đi phạt vi phạm giao thông không?  Rồi anh liên tưởng đến chuyện phong tướng bừa bãi dưới thời Quang Trung và xem đó như là một tín hiệu không lành mạnh.

Chuyện vấn nạn tiến sĩ làm tôi nhớ đến một kinh nghiệm vui vui.  Hôm đó tôi đi nói chuyện trong một hội nghị chuyên đề ở một khách sạn sang trọng tại Hà Nội.  Xong hội nghị, tôi ra ngoài đón taxi về khách sạn, mới lên xe anh tài xế taxi vẻ mặt không mấy thân thiện buông câu hỏi "Thế anh cũng là tiến sĩ à?"  Thấy nét mặt hằm hằm của anh và câu hỏi vui vui, nên tôi đưa 2 tay lên nói "Ô, không phải, tôi chỉ đi dự hội thảo chứ có phải tiến sĩ tiến siếc gì đâu".  Anh ta thay đổi thái độ và cười, rồi nói rằng nãy giờ anh toàn đưa đón mấy người trong hội nghị và tay nào cũng là tiến sĩ, thanh toán tiền rắc rối quá, nên anh ... có ác cảm với tiến sĩ. :-)  Trên đường về khách sạn, anh không tiếc lời nguyền rủa cái hệ thống đào tạo ra những tiến sĩ dỏm, tiến sĩ giấy.  Anh nói rằng mỗi lần nghe đài, đọc báo, hay xem tivi mà thấy tiến sĩ là anh tắt.  Câu chuyện này tôi kể cho nhiều người nghe, và ai cũng ôm bụng cười.  Đúng là nước ta có vấn nạn tiến sĩ.

***
Đó là những ấn tượng và cảm nhận của tôi về Hà Nội trong một chuyến đi ngắn.  Thật ra, có nhiều điều tôi cũng muốn viết ra, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thôi J, vì ngại đụng chạm ở đây.  Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất nghìn năm văn hiến, là trái tim của Việt Nam.  Nhưng tôi không chắc điều đó.  Những huyễn tưởng của tôi về Hà Nội không còn nữa.  Tôi đã ”thực tế” hơn nhiều.  Không còn mơ mộng ”tóc thề thả gió lê thê” nữa, và cũng đã tĩnh giấc mộng dáng kiều thơm từ lâu rồi.

Hà Nội ngày nay không phải là Hà Nội thời cuối thập niên 1970s.  Xe cộ càng ngày càng nhiều, và nạn kẹt xe là chuyện thường ngày.  Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe ở Hà Nội vẫn chưa nghiêm trọng bằng ở Sài Gòn.  Đường phố Hà Nội nói chung vẫn ít xe hơn so với Sài Gòn.  Cũng như Sài Gòn, giới chức Hà Nội vẫn chưa tìm ra biện pháp để giải quyết nạn kẹt xe.  Trong khi họ chưa (hay không) tìm giải pháp khả thi, thì người dân lãnh đủ.  Tình trạng kẹt xe không chỉ làm mất thì giờ, mà còn làm hao tổn tâm trí của người dân.  Sống trong môi trường chật chội và nguy cơ tai nạn rình rập như thế, không ngạc nhiên khi biết số người có triệu chứng tâm thần ở Hà Nội lên đến 50%!  Nói cho công bằng, trong cái không gian hỗn độn trên đường phố, vẫn còn có những trật tự trong người Hà Nội.  Dù có những người Hà Nội mới sẵn sàng chặt chém du khách, vẫn còn nhiều người Hà Nội tử tế.  Bên cạnh cái thế giới của những trưởng giả học làm sang một cách lố lăng, vẫn còn nhiều người Tràng An tinh tế và có văn hóa.

Thành thật cám ơn các bạn đã chịu khó theo dõi loạt bài ghi chép cuối năm.  Tôi xem đó như là vài chứng từ của một thời để mai sau đọc lại thấy mình đã đi đến đâu và so sánh.  Hi vọng rằng những tản mạn, kí sự trong loạt bài đã cho các bạn vài cái nhìn của cá nhân tôi, và có lẽ quan trọng hơn là mua vui cũng được một vài trống canh.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét