Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

VÙNG MỎ SẮT THẠCH KHÊ: Sống trong sợ hãi!

 Theo Dân tộc và Phát triển (http://www.baodantoc.vn)
 

Sau 2 năm triển khai, dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà-Hà Tĩnh) đang hoàn thiện bóc đất tầng phủ bề mặt để tiến hành khai thác. Tiến độ thi công đang được chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê đẩy mạnh. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở đây, dư luận cho rằng nhà thầu chỉ chú trọng đến sắt mà cố tình lờ đi quyền lợi của hàng trăm hộ dân tại vùng mỏ (?!).

Bão cát và hạn hán

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có mặt tại xóm 1 xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà-Hà Tĩnh), một trong những xã phải di dời nằm trong vùng quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê vào những ngày nắng nóng nhất của miền Trung. Công trường khai thác mênh mông hiện ra trước mắt với không khí làm việc tất bật. Hàng trăm chiếc máy xúc, máy đào đang cố sức bóc sâu xuống lớp cát trắng, vốn là vùng bờ biển bãi Ngang yên bình. Dưới lòng hố sâu mênh mông, hàng đoàn xe tải chuyên dụng chở đất cát thải men theo những con đường nhỏ chênh vênh đổ cao thêm những ngọn núi cát khổng lồ ngay phía trên. Đường làng Thạch Đỉnh vốn đã nhỏ, nay bị băm nát bởi đội xe chuyên dụng 15 đến 20 tấn chở đất từ những ngọn đồi quanh vùng chạy tung bụi mù mịt.
Xóm 1, xã Thạch Đỉnh trở thành công trường rộng lớn. 56 hộ dân với 243 nhân khẩu, trong đó có nhiều người già và trẻ em đang phải sống cùng với bụi, bão cát và tiếng ồn. Từ đầu tháng 4/2010 đến nay, những người dân khốn khổ còn phải gánh chịu cảnh không có nước ăn và sinh hoạt. Phía Đông Nam, máy móc ngày đêm đào sâu bám sát làng, phía Bắc hình thành từng dãy núi cát thải cao 40-50m. Lòng mỏ sâu đến 30, 40m so với mặt đất đã hút cạn kiệt những mạch nước ngầm vốn ít ỏi của vùng đất bãi Ngang này. Ông Bùi Quang Chiến, xóm trưởng Xóm 1 xã Thạch Đỉnh tuyệt vọng: “Chỉ cần một trận gió là bụi cát đã trùm lấy cả làng. Nguy cơ núi cát sập lấp nhà cửa đe dọa, nguồn nước cạn kiệt, cây cối xơ xác. Người dân chúng tôi đang sống những ngày khổ cực nhất.”
Ông Chiến dẫn chúng tôi đi đến một số hộ dân. Gia đình ông Nguyễn Đình  Ân gồm 7 khẩu, trong đó có cháu bé mới được 6 tháng tuổi và bà mẹ già hơn 80 tuổi. Sát chân mảnh vườn khô xơ xác của ông, máy móc của khu mỏ đã ngoạm một lườn sâu khoảng 30 mét, đứng trong sân có thể nhìn thông thống ra khai trường đang tất bật máy móc thiết bị. Ông  Ân bức xúc: “Gia đình tôi hiện nay phải đi xách nước cách 2km để ăn uống, tắm rửa. Bụi cát bay vào nhà trộn với cơm, bụi làm mắt của cháu nhỏ và mẹ già bị choèn đau, chưa kể tiếng ồn của máy móc suốt ngày đêm ngay sát nhà”.
Bên cạnh nhà của ông Ân là vườn cam hàng chục cây bị cháy khô của gia đình ông Trung. Những năm trước, vườn cam này là nguồn sống của cả gia đình, nay đã trơ những cành khô tang thương lên nền trời nắng gắt. Cám cảnh hơn là gia đình ông Nguyễn Công Tân, bà Phạm Thị Phiệt đã gần 80 tuổi. Con cái đi làm ăn xa, ông bà nương tựa vào nhau sống nhờ mảnh vườn nhỏ trồng dây trầu. Đến nay, dàn trầu của ông bà đã bị hạn hán do công trường mỏ sắt tạo ra thiêu cháy hết. Ông Tân ngồi bệt xuống đất chua xót: “Khoảng 2 tháng rồi không còn lấy một giọt nước sinh hoạt, cây cối chết hết rồi. Không thể sống như ri được nữa!”.
Tình cảnh tương tự là gia đình anh Bùi Quang Đào một trong những hộ thuộc diện di dời đặc biệt vì nhà ở chỉ cách những núi đất thải khổng lồ khoảng 20m. Anh Đào bức xúc: “Nguy hiểm lắm. Chỉ sợ núi đất cát thải của Công ty lỡ đổ xuống vùi mất nhà cửa. Nước uống thì đã mất từ lâu. Muốn chuyển đi nhưng không thể đi được vì chưa được đền bù, sống dở chết dở!”.

Đâu là nguyên nhân?

Chưa di dân ra khỏi vùng nguy hiểm mà chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê vẫn cho máy móc thiết bị khai thác rầm rộ, đang tâm bỏ mặc cuộc sống bấp bênh của hàng trăm người dân là hành vi hết sức vô cảm.
Tính đến nay, trong số 56 hộ dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh chỉ mới có 6 hộ dân viết đơn di dân tự do nhận được tiền đền bù. 9 hộ dân khác được đánh giá vùng nguy hiểm cấp độ 1 vì nằm ngay sát chân những núi đất cát thải khổng lồ đã được các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND huyện Thạch Hà hứa hẹn mãi, đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Ngày 5/7/2010, Đoàn Công tác chi trả đền bù của huyện về xã làm việc với 9 hộ dân trên, nhưng người dân không nhận tiền với lý do: Giá cả đền bù thấp, sai với quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng xác nhận với chúng tôi: Dân không nhận tiền vì công tác kiểm đếm sai!
Cũng tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hương đã xác nhận những tồn tại đang xảy ra ở xã Thạch Đỉnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho rằng do công tác di dân chậm. “Chúng tôi chưa xây dựng được các điểm tái định cư cho dân. Hiện tại mới chỉ đáp ứng được cho 200 dân trên hơn 4000 dân phải di dời”, ông Hương cho biết. Điều này đồng nghĩa với việc, đa số những người dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh và sau này có thể là người dân các xã khác nằm trong vùng quy hoạch mỏ sẽ phải tiếp diễn cảnh chung sống lâu dài với ô nhiễm và nguy hiểm rình rập.
Trong khi đó, nguồn tin từ Ban Chỉ huy Xóm 1, xã Thạch Đỉnh thì từ khi dự án triển khai cho đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê không hề tiếp xúc với dân. Những bức xúc của dân chỉ được đưa lên UBND xã, chờ mãi vẫn không có phản hồi tích cực.
Ngày 28/6/2010, xe xúc của Công ty CP sắt Thạch Khê đã ngang nhiên xéo qua vùng cây cối chưa được kiểm đếm của một số hộ dân. Nghiêm trọng hơn, chiếc xe đã vô cảm san bằng ngôi mộ tổ tiên của một gia đình khác. Qúa bức xúc trước hành động đó, người dân Xóm 1, xã Thạch Đỉnh đã bao vây chiếc xe và đã xảy ra tình hình hỗn loạn, mất trật tự. Được biết, trước đó công nhân Công ty CP sắt Thạch Khê cũng đã từng bị người dân bao vây ngăn cản vì cho xe máy tiến sâu vào đất chưa được đền bù của dân.
Với trữ lượng lớn, nếu khai thác thành công, trong tương lai gần, mỏ sắt Thạch Khê sẽ mở ra một trang vàng cho nền công nghiệp sắt thép Việt Nam và làm thay đổi cơ cấu xã hội, kinh tế của tỉnh nghèo Hà Tĩnh. Tuy vậy, nếu chỉ chạy theo thành tích, theo tiến độ kế hoạch, lấy sắt lên khỏi mặt đất bằng mọi giá mà bỏ mặc cuộc sống của, hàng trăm người dân như đang xảy ra ở trên thì những khối sắt đưa lên khỏi mặt đất sẽ trở nên hết sức vô nghĩa. Việc làm cần nhất bây giờ là tạm đình chỉ ngay hoạt động khai thác và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, di dời hết những người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trên.
Bài toán này chúng tôi xin được gửi về UBND tỉnh Hà Tĩnh, hi vọng sẽ có câu trả lời sớm nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét