Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Bloody – hiểu như thế nào?

http://homeschoolersavvy.typepad.com/photos/uncategorized/2008/04/03/img_9858.jpg
Đọc bài “Nữ nhân chứng vụ VietNam Airlines là ai?” không thể không có vài dòng bình luận; không phải về nội dung, mà về tiếng Anh. Và, cách dịch tiếng Anh của phóng viên có ảnh hưởng đến nội dung câu nói của nhân chứng trong vụ an ninh VNA hành hung ông Lê Minh Khương.


Trong vụ an ninh VNA hành hung hành khách, có một nhân chứng tên là Eileen Tan. Bà này là doanh nhân làm trong lĩnh vực du lịch, chắc có liên hệ với VNA.  Bà Eileen Tan nói rằng huấn luyện viên Lê Minh Khương to tiếng với tiếp viên VNA và có hành động gây rồi trên máy bay.  Nhưng những lời khai của bà không phù hợp với nhiều nhân chứng khác (kể cả ca sĩ Quang Hà) cho rằng ông Lê Minh Khương không hề gây rối, mà chính bà Eileen Tan mới là người có lời nói thô lỗ với ca sĩ Quang Hà.  Phóng viên trích lời nói của bà Tan (và dịch sang tiếng Việt) như sau:

Shut up you bloody Gay” (Câm miệng lại cái đồ lại cái man rợ)

Tôi e rằng anh phóng viên hiểu không đúng chữ bloody. Chữ này không có nghĩa là man rợ.  Và phóng viên dịch cũng chưa sát nghĩa câu nói của bà, bỏ qua chữ gay.  Điều này làm cho người đọc hiểu lầm bà Eileen Tan.

Chữ bloody dĩ nhiên là tính từ của blood (máu). Ý nghĩa thật của nó rất khó diễn giải, nhưng nói chung, chữ này hàm ý chửi rủa và có chút tục tĩu, mà tiếng Anh gọi là expletive word.  Khi chữ này đặt trước một tính từ, thì nó có hiệu ứng nhấn mạnh, gây chú ý.  Chẳng hạn như khi tôi nói you are so bloody wrong (chắc dịch nôm na là mày sai quá trời rồi), hay you bloody idiot hay you are a bloody idiot (mày đúng là thằng ngốc, thứ vô dụng) là tôi muốn nhấn mạnh, muốn … chửi.  Chửi nhẹ nhàng thôi, chứ không nặng nề lắm đâu.

Chữ bloody có khi dùng theo nghĩa thân mật.  Năm 2006 Úc có chiến dịch quảng cáo du lịch nhắm vào những du khách từ các nước tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, có dùng chữ bloody.  Trong quảng cáo có những màn phụ nữ mặc đồ bikini rất hấp dẫn, nói "... so where the bloody hell are you?"), tạm dịch là Mày đang ở đâu vậy?  Quảng cáo này gây ra một làn sóng tranh cãi trên báo chí, vì người ta nói không nên dùng chữ đó trên một quảng cáo mang tính quốc gia, dễ gây hiểu lầm là dân Úc sao mà thô lỗ thế!  Thoạt đầu, trung tâm quản lí về quảng cáo đề nghị bỏ chữ bloody, nhưng Cục tiêu chuẩn về quảng cáo của Úc (của chính phủ) cho rằng có thể dùng chữ đó trong quảng cáo.  Một nghệ sĩ người Úc còn lấy chữ bloody làm chữ lót trong nghệ danh của mình: Kevin Bloody Wilson.
http://www.usyd.edu.au/images/content/cws/news/newsevents/articles/2007/apr/Australian%20Arts%20logo_small.jpg

Một quảng cáo du lịch của Úc vào năm 2006

Chữ này (bloody) là một “thổ ngữ” rất phổ biến ở các nước như Anh, Úc, và Singapore.  Tôi không hay ít nghe người Mĩ dùng chữ bloody trong văn nói và văn viết.  Ngày nay, chữ bloody được dùng quá phổ biến trong văn nói hàng ngày, thậm chí văn viết trên báo chí, và công chúng nói chung không xem đó là một xúc phạm.  Cố nhiên, ở những nước như Mĩ, người ta ít dùng hay chưa quen với bloody thì việc dùng chữ này trong văn nói và văn viết có thể bị xem là xúc phạm.

Vậy thì câu nói của bà Eileen Tan, “Shut up you bloody Gay”, nên hiểu là gì.  Shut up thì dĩ nhiên có nghĩa là câm miệng.  Nên nhớ rằng gay có nghĩa là vui vẻ, nhưng chữ này cũng dùng để chỉ một người nam đồng tính luyến ái.  Theo tôi, câu của bà Tan nên hiểu là Câm miệng lại, thằng đồng bóng!  Câu nói đó có xúc phạm đến ca sĩ Quang Hà không?  Tôi nghĩ còn tùy theo thái độ và ngôn ngữ cơ thể (body language) của bà Tan, nhưng rõ ràng cách dùng chữ shut up và gay là cực kì mất lịch sự và xúc phạm đến một người mình chưa hể quen biết. Nếu là thương gia đàng hoàng đi máy bay hạng business thì không ai dùng hai từ đó.

NVT

===

http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/18202/nu-nhan-chung-vu-vietnam-airlines-la-ai-.html


Nữ nhân chứng vụ VietNam Airlines là ai?

Cập nhật lúc 25/04/2011 05:43:35 PM (GMT+7)

“Bà Eileen Tan đã quy chụp và “vu khống” khi khẳng định Quang Hà bênh vực cho HLV Lê Minh Khương là để đánh bóng tên tuổi. Tệ hại hơn bà đã công khai chửi thề Quang Hà trên báo chí”.


Vụ lùm xùm giữa HLV Lê Minh Khương và Vietnam Airlines (VNA) ngày càng rắc rối và mâu thuẫn khi lời khai của các nhân chứng “đá” nhau chan chát.

Thông tin mới nhất từ phía luật sư đại diện cho HLV Lê Minh Khương cho biết, đã thu thập được một số nhân chứng, trong đó có một đoạn clip dài gần 4 phút của một hành khách cùng chuyến bay VN1169, ghi lại khá đầy đủ toàn bộ sự việc.

Trong trường hợp VNA không đồng ý thỏa thuận và đưa ra lời xin lỗi, HLV Lê Minh Khương cho biết, sẽ khởi kiện đến cùng “không phải vì tiền mà vì danh dự cá nhân đã bị xúc phạm”.

Trong khi vụ việc vẫn chưa ngã ngũ thì một vụ lùm xùm khác lại tiếp tục phát sinh sau khi bà Eileen Tan – Giám đốc Điều hành của Công ty lữ hành Viking, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM lên tiếng bảo vệ VNA và chỉ trích những người bênh vực HLV Lê Minh Khương.

Ca sĩ Quang Hà (Ảnh: Zing)

Dân Việt dẫn lời bà Eileen Tan cho biết: “Cá nhân tôi cảm thấy, dường như ca sỹ Quang Hà chỉ đang cố đánh bóng tên tuổi của mình. Tại sao lại có thể bình luận như vậy, trong khi anh ta không ngồi ở khoang Thương gia và cũng chỉ có mặt ở đó vẻn vẹn vài phút? Chỉ có 5 nhân viên an ninh tới lôi ông HLV đi, chứ không phải là 20 người như lời anh ta nói. Còn về vị đạo diễn (đạo diễn Trần Lực - PV), tôi không biết ông ta là ai cả.

Với ca sỹ Quang Hà, tôi muốn nói: Đừng cố đánh bóng tên tuổi mình thêm nữa. Nếu đây là cách bạn chọn để trở nên nổi tiếng hơn, thì tôi cho rằng, bạn sẽ không đạt được mục đích, thậm chí còn tự chuốc lấy sự xấu hổ. Toàn bộ sự việc xảy ra ở khoang Thương gia, với ba hành khách có mặt. Vậy, làm thế nào mà bạn lại nhìn thấy hết được nhỉ? Hãy luyện tập chăm chỉ để hát tốt hơn”.

Trên phunutoday.vn, đại diện của ca sĩ Quang Hà đã xác nhận đây là bà Eileen Tan, người đã vu khống ca sĩ Quang Hà lợi dụng chuyện không hay trên máy bay để đánh bóng tên tuổi.

Sau lời chỉ trích trên, ca sĩ Quang Hà và anh trai, người đại diện Quang Cường đã vô cùng tức giận.

Trả lời trên Phunutoday, anh Cường gay gắt: “Chính bà Eileen Tan mới là người vu khống… Bà ấy lấy chứng cứ ở đâu mà nói chúng tôi dựa vào vụ việc này để đánh bóng tên tuổi? Đối với tôi mà nói, những gì bà Eileen Tan nói đều không có giá trị, không có bằng chứng”.
Giải thích điều này, anh Cường cho rằng bà Eileen Tan không biết Tiếng Việt, làm sao hiểu được mọi người đã nói những gì, thêm nữa bà đang là người đại diện của đại lý bán vé máy bay cho VNA nên độ chính xác của những bằng chứng bênh vực khiến người ta không thể nghi vấn.

Bức xúc không kém, ca sĩ Quang Hà thuật lại: Khi anh đang nói chuyện với một tiếp viên gần ghế mình ngồi thì bà Eileen Tan bước xuống, giơ máy định chụp. Thấy vậy anh đã vội vã nói “No…no” để ngăn lại. Dù nói với giọng rất nhẹ nhàng, nhưng bà Eileen đã có thái độ cáu gắt, bực mình và buông một câu tiếng Anh, ý rất nặng nề “ Shut up you bloody Gay” (Câm miệng lại cái đồ lại cái man rợ).

Đứng trên phương diện ngôn ngữ, những từ ngữ trên không được dùng trong văn phong viết, thậm chí là không được dùng trong ngôn ngữ nói thông thường. Nó thể hiện sự miệt thị, thiếu tôn trọng đối với người khác.

Phản ứng trước hành vi thiếu văn hóa của bà Eileen Tan, đại diện của ca sĩ Quang Hà cho biết, sẽ có công văn và luật sư riêng để làm rõ vấn đề này.
Minh Anh (tổng hợp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét