Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Cụ rùa Hồ Gươm và làm khoa học theo kiểu … phổ thông

http://www.camnanggiadinh.com.vn/Data/Imgs/News/imagesupload/savefiles/46151rua2.jpg
Cách làm khoa học ở Việt Nam có khi rất khác với thông lệ khoa học thế giới.  Người ta xem những bài báo trên các tạp chí chuyên ngành chưa qua bình duyệt, thậm chí những bài báo trên báo chí phổ thông, là “công trình khoa học”.  Một công trình nghiên cứu xong thì có “nghiệm thu” và mọi chuyện rồi đâu vào đó, chẳng có gì xảy ra tiếp.  Đó là cách làm khoa học mà báo Phụ nữ today đề cập đến trong một bài viết rất đáng chú ý dưới đây.


Cuối cùng thì cụ rùa Hồ Gươm cũng được “tạm giam” đề điều trị.  Sự việc chỉ xảy ra sau nhiều cuộc họp qua … nhiều tuần lễ.  Cũng may là cụ còn sống sót.  Nhưng qua diễn tiến của sự việc, chúng ta thấy rõ một khoảng trống khoa học, hay nói đúng hơn là khoảng trống về cách làm khoa học ở Việt Nam.  Mặc dù rùa Hồ Gươm thuộc loại hiếm và có ý nghĩa tâm linh, nhưng cho đến nay chúng ta biết rằng Việt Nam không có những chuyên gia “rùa học” đúng nghĩa.  Như bài báo phản ảnh, vị giáo sư khả kính về rùa thật ra ít có công trình nghiên cứu về rùa.  Hai mươi năm nghiên cứu về rùa, nhưng vị giáo sư này chỉ có 2 công trình khoa học về rùa.  Hai công trình này dù được hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc, nhưng công chúng chẳng mấy ai tiếp cận được.  Thật vậy, không có một bài báo khoa học trên một tập san khoa học quốc tế nào về rùa từ Việt Nam cả!

Chúng ta không có những thông số sinh học về cụ rùa Hồ Gươm. Thật vậy, ngay cả bao nhiêu cụ rùa trong Hồ Gươm mà cũng chẳng ai biết; tất cả chỉ là võ đoán! Ngay cả giới tính của rùa cũng chẳng ai khẳng định. Thật là khó tưởng tượng nổi một báu vật trong tay mà chúng ta không có thông tin gì về báu vật đó. Đó là do cách làm khoa học theo kiểu phổ thông, tức là làm khoa học tài tử. Sản phẩm của khoa học tài tử là những bài báo trên báo chí phổ thông, những trao đổi ngắn trên tivi hay hệ thống truyền thanh. Nhưng đó không phải là khoa học nghiêm chỉnh. Một nền khoa học phổ thông không thể nào làm cho đất nước tiến bộ được.

Cách làm khoa học phổ thông của nhiều người làm tôi nhớ đến cách làm khoa học của người phương Tây. Đó là cách làm khoa học "đến nơi đến chốn", tìm hiểu từ các vấn đề cơ bản, đến thực nghiệm, và ứng dụng vào thực tế. Đành rằng quá trình từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng vào thực tế là một thời gian dài, nhưng đó là con đường không thể khác được. Trong khoa học, không có cái gọi là "đi tắt đón đầu". Một phát hiện về mối liên hệ giữa DNA và bệnh tật phải được nghiên cứu từ cơ bản để biết cơ chế của mối liên hệ, đến ứng dụng vào lâm sàng. Cố nhiên, trước khi đưa vào ứng dụng, người ta phải làm nhiều nghiên cứu độc lập để loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên hay yếu tố nhiễu. Chưa có những nghiên cứu độc lập mà đã tuyên bố trên báo chí phổ thông là không đúng qui trình làm khoa học.

Làm khoa học thật đòi hỏi sự dấn thân. Dấn thân thực tế, chứ không phải chỉ ... đọc báo phổ thông. Còn nhớ cách đây vài tháng khi nghe tin Việt Nam có một loài thằn lằn mới, hai cha con nhà khoa học Mĩ đã bỏ tiền túi mua vé máy bay sang Việt Nam, mướn xe ôm lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu. Họ còn lấy mẫu đem về Mĩ phân tích DNA, và trong tương lai sẽ công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san khoa học quốc tế. Lại nhớ đến chuyện khám phá gene LRP5, chỉ vì một ca tai nạn xe ôtô, các nhà nghiên cứu Mĩ đã bỏ công và thời gian cá nhân ra "truy tìm" cho được gia đình có "xương đặc", họ còn bỏ tiền và mang thiết bị sang tận Thổ Nhĩ Kì chỉ để xét nghiệm thành viên trong đại gia đình, và để nối kết câu chuyện. Gene LRP5 được khám phá từ sự dấn thân đó. Cách làm khoa học như thế không phải là cá biệt, mà đã từng xảy ra ở nước ta trước đây. Vào thập niên 1960, khi có báo cáo một người lính Mĩ bị dịch hạch ở Tây Nguyên, thế là trung tâm quân y Walter Reed gửi một đoàn chuyên gia sang Tây Nguyên để nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu là một loạt 6 bài báo khoa học công bố trên các tập san y khoa danh giá thời ấy, mô tả từ lịch sử dịch hạch ở VN đến từ đâu (Hồng Kông), vào Việt Nam qua tỉnh thành nào, lan truyền sang các tỉnh lân cận ra sao, và mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và tần số dịch hạch. Những số liệu đã thu thập trên 50 năm mà tôi thấy vẫn còn nguyên giá trị khoa học. Ngày nay, khi làm nghiên cứu về dịch hạch, tôi vẫn thấy phải nghiêng mình cám ơn các bác sĩ Mĩ đã để lại một di sản rất quí báu.

Di sản họ để lại có giá trị lâu dàu vì họ làm khoa học nghiêm chỉnh.  Thử hỏi nếu chỉ nhìn vấn đề một cách hời hợt thì làm sao có khoa học nghiêm chỉnh.Tiếc thay, ở nước ta, nhiều người nhìn vấn đề chẳng những hời hợt mà còn quá đơn giản. Người ta chỉ làm cho có cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ và dừng ở đó, chứ chẳng có sự dấn thân, theo đuổi. Lại có tâm lí "Tụi Tây nó làm hay hơn, mình làm chi để tốn công". Đó là tâm lí đầu hàng ngay từ lúc chưa làm! Buồn thay, cái tâm lí đó hiện hữu không ít trong giới khoa học và sinh viên ở Việt Nam.

Đó là bên y học, còn bên văn hóa và nhân chủng học, tôi thấy nhiều kiến thức và dữ liệu về người Việt và đất nước Việt Nam lại được giới khoa học nước ngoài lí giải hay hơn và đầy đủ hơn giới khoa học VN. Thử đọc Kinh Dịch chúng ta sẽ thấy người phương Tây viết dễ hiểu hơn, đầy đủ hơn và uyên bác hơn là người Việt (hay người Tàu) viết.

Tôi cứ tưởng một người bỏ ra cả 20 năm theo đuổi về rùa ắt phải am hiểu tường tận về rùa, nhưng thực tế hình như không phải như vậy.  Tác giả Lão Phạm cho biết “20 năm nghiên cứu của PGS Đức mang đến cho ông một tấm giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho người có nhiều bài viết về Rùa Hồ Gươm nhất nước. Song, những bài viết ấy không mang lại cho cộng đồng bất cứ thông tin khoa học nào đáng kể về con rùa Hồ Gươm. Thậm chí, con rùa mà theo ông là cá thể duy nhất ở Hồ Gươm mà ông đặt tên là rùa Lê Lợi, là đực hay cái thì ông cũng không biết”.  Điều này nói lên một điều hiển nhiên mà nhiều người, kể cả người viết bài này, từng lên tiếng: chúng ta cần một chuẩn mực khách quan để đánh giá một công trình khoa học (và thành tựu của một nhà khoa học).

Theo thông lệ quốc tế, một công trình khoa học chỉ có thể xem là hoàn tất nếu kết quả công trình đó được công bố trên những tập san khoa học có bình duyệt (peer review).  Chỉ qua bình duyệt và qua công bố quốc tế thì người ta mới có thể đánh giá công trình khoa học đó ra sao.  Một công trình nghiên cứu tiêu nhiều triệu đồng (của dân) mà không được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt thì không thể xem là hoàn tất được, và tác giả vẫn còn nợ người dân.  Những bài viết trên báo chí phổ thông không thể và không bao giờ xem là bài báo khoa học.  Những abstracts trong hội nghị cũng không phải là những bài báo khoa học.
Liên quan đến bệnh cụ rùa, có một thông tin làm tôi thắc mắc hoài.  Đó là tin trên Tuổi Trẻ cho biết “Kết quả phân tích ADN ở những phòng thí nghiệm cho thấy, bên trong cơ thể cụ rùa không có trọng bệnh. ADN cho thấy 90% những phán đoán ban đầu của chúng tôi về tình hình sức khỏe cụ rùa là đúng.”  Tôi không biết phân tích DNA như thế nào mà có thể biết bệnh trong cơ thể cụ rùa.  Bệnh gì?  Phán đoán ban đầu là phán đoán bệnh gì?  Ở người, giới khoa học tốn nhiều tỉ USD mà vẫn chưa dùng (hay chưa dám dùng) DNA để chẩn đoán bệnh.  Ấy thế mà ở nước ta, có người có thể dùng DNA để chẩn đoán bệnh của rùa.  Phát triển này cần phải công bố cho cộng đồng quốc tế biết, chứ không nên chỉ tuyên bố trên báo chí phổ thông trong nước.

Với cách làm khoa học phổ thông như thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năng suất khoa học quốc gia rất thấp so với quốc tế.  Cả nước có gần 9000 giáo sư và phó giáo sư (chứ không phải 7000 như tác giả viết) và nhiều vạn tiến sĩ (không biết con số chính xác là bao nhiêu) mà mỗi năm công bố không đến 1000 bài báo khoa học quốc tế thì quả là một điều bất bình thường.  Vấn đề là vì cộng đồng khoa học VN chưa tạo ra những chuẩn mực khách quan để đánh giá thành tựu một nhà khoa học.  Vì thiếu một chuẩn mực khách quan, nên có sự lẫn lộn giữa bài báo phổ thông hay abstract trong hội nghị và một bài báo khoa học nghiêm chỉnh.  Từ sự lẫn lộn này dẫn đến những sai lầm trong đánh giá và đề bạt các chức danh khoa học.  Tình trạng vàng thau lẫn lộn cũng xuất phát từ sự thiếu chuẩn mực khách quan cho một công trình nghiên cứu khoa học.  Và, từ đó chúng ta có rất nhiều nhà khoa học phổ thông, nhưng rất ít những nhà khoa học thứ thiệt.

Có lẽ dịp chữa bệnh cho cụ rùa là dịp lí tưởng để thiết lập các tiêu chuẩn để đánh giá một công trình khoa học.  Cần phải thay thế “nghiệm thu” bằng những bài báo khoa học quốc tế mà Quĩ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ đang áp dụng.  Một công trình mang tiếng là nghiên cứu khoa học mà không công bố được kết quả trên các diễn đàn quốc tế thì không thể xem là khoa học được.

NVT

Tb. Bài kế tiếp tôi sẽ bàn cách đánh giá một công trình nghiên cứu khoa học.

====

http://phunutoday.vn/quanbatam/201104/Chuyen-rua-Ho-Guom-va-nen-khoa-hoc-bo-ngua-1987062/

Chuyện rùa Hồ Gươm và nền khoa học bò ngửa

20 năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, PGS Đức đã có 2 công trình khoa học và đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc. Chỉ có điều, nó không mang lại cho cộng đồng bất cứ thông tin khoa học nào đáng kể.

Câu chuyện về rùa hồ Hoàn Kiếm mấy bữa nay ồn ào trở lại trên trang nhất nhiều tờ báo khi có thông tin không phải chỉ có một “cụ” rùa. Vậy, cuối cùng thì trong hồ Gươm còn bao nhiêu “cụ” rùa? Phó Giáo sư Hà Đình Đức vẫn khăng khăng chỉ 1, ông Trưởng Ban chỉ đạo bắt rùa của thành phố bảo ít nhất còn 2, ông thợ ảnh tên Ngò bảo phải còn 5, 6…

Có lẽ trên thế giới hiếm quốc gia nào may mắn như nước ta khi truyền thuyết lịch sử được tự nhiên ban cho một linh vật sống để lưu truyền như con rùa Hồ Gươm và ông vua Lê Lợi. Lẽ ra, một huyền tích lung linh như vậy sẽ phải được trân trọng nghiên cứu và bảo tồn. Song, thay vì thế, những con rùa Hồ Gươm, dù là một cá thể sống, nhưng luôn bị coi là vật thờ và hầu như chỉ tồn tại trong niềm sùng kính dân gian. Ngay cả người được coi là “nhà rùa học”, chuyên gia số 1 về rùa Hồ Gươm là PGS Hà Đình Đức, một nhà khoa học có học hàm, học vị, thì sự quan tâm nghiên cứu con rùa Hồ Gươm cũng chỉ bằng yếu tố tình cảm.

Nói rằng PGS Đức chỉ quan tâm đến rùa Hồ Gươm bằng tình cảm của một người Thanh Hóa kính ngưỡng Lê Lợi, hẳn sẽ làm ông buồn, thậm chí là giận. Bởi lẽ, ít nhất cũng đã 20 năm rồi ông nghiên cứu rùa, chụp tới 300 bức ảnh, hàng ngàn giờ quay phim và quan sát, viết hàng trăm bài báo, thậm chí bảo vệ hẳn 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố về rùa Hồ Gươm. Với bề dày nghiên cứu như vậy mà chỉ thừa nhận tình cảm và ngày công của ông đối với rùa mà không nhắc đến thành quả nghiên cứu khoa học của ông thì quả là quá đáng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, công sức lao động của ông quả đáng được ghi nhận, nhưng thành quả khoa học thì…

20 năm nghiên cứu của PGS Đức mang đến cho ông một tấm giấy chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho người có nhiều bài viết về Rùa Hồ Gươm nhất nước. Song, những bài viết ấy không mang lại cho cộng đồng bất cứ thông tin khoa học nào đáng kể về con rùa Hồ Gươm. Thậm chí, con rùa mà theo ông là cá thể duy nhất ở Hồ Gươm mà ông đặt tên là rùa Lê Lợi, là đực hay cái thì ông cũng không biết.

Nói rằng PGS Đức chỉ là một người yêu rùa chứ không phải nhà nghiên cứu rùa học, hẳn sẽ bị phản đối. Ít ra ông cũng đã có tới 2 công trình khoa học về rùa Hồ Gươm. Công trình thứ nhất có tên: Nghiên cứu sơ bộ hiện trạng Hệ sinh thái Hồ Gươm, nhằm bảo tồn và phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường được nghiệm thu năm 1993. Công trình thứ hai có tên: Nghiên cứu hình thái, sinh thái loài Rùa Hồ Gươm, tình trạng chất lượng nước, hệ vi tảo Hồ Gươm,nhằm bảo tồn, phát triển đàn rùa quý và cải thiện cảnh quan môi trường, được nghiệm thu một năm sau đó.

Cả 2 công trình đều được hội đồng nghiệm thu đánh giá là xuất sắc. Có điều, từ khi được bảo vệ, những đề tài khoa học này chẳng giúp được gì cho rùa Hồ Gươm.

20 năm qua, kể từ khi PGS Hà Đình Đức nghiên cứu rùa thì đời sống của nó mỗi ngày một tệ hơn. Và, điều khiến “cụ” rùa được quan tâm, cứu chữa như bây giờ không phải là những nỗ lực của những nhà khoa học như PGS Đức, mà là những con rùa tai đỏ, giống sinh vật ngoại lai đang bị truy nã trên phạm vi toàn quốc. Chính sự xuất hiện của những con rùa tai đỏ chứ không phải các công trình khoa học được công bố khiến dư luận quan tâm đến “cụ” Rùa. Đó là một sự trớ trêu với số phận rùa thiêng. Và không chỉ với con rùa, đó còn là một sự thật trớ trêu đối với nền khoa học Việt Nam.

Trở lại với 2 công trình nghiên cứu khoa học của PGS Hà Đình Đức. Vì sao nó không được ứng dụng để cải thiện đời sống và bảo vệ “cụ” rùa? Phải chăng là bởi nó không có giá trị khoa học để ứng dụng? Nếu vậy, sao những công trình đó lại được nghiệm thu, thậm chí được đánh giá là xuất sắc? Lẽ ra, đây là một câu hỏi đáng để quan tâm và suy nghĩ. Song, thực tế, việc những công trình khoa học được nghiên cứu, bảo vệ rồi lãng quên vốn đã là bình thường.

Mỗi năm trung bình ngân sách nhà nước chi ra xấp xỉ 2%GDP cho khoa học công nghệ, nước ta cũng là quốc gia có mật độ nhà khoa học cao so với các quốc gia trong khu vực với khoảng gần 20.000 tiến sĩ và gần 7.000 giáo sư, mỗi năm có tới hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Song, trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi giáo sư của chúng ta chỉ công bố được 0,58 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, và các nghiên cứu đó hầu như không bao giờ được giới khoa học thế giới trích dẫn.

Như vậy, không có gì là khó hiểu khi 2 công trình khoa học xuất sắc của “nhà rùa học” Hà Đình Đức chẳng hề có giá trị trong việc cứu rỗi và bảo tồn con rùa già ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, ngược lại, có thể sự hy sinh của con rùa già Hồ Gươm sẽ cứu vớt được nền khoa học của nước nhà. Nếu chẳng may “cụ” rùa thăng khi mà các nhà khoa học chưa kịp tìm được cách bảo tồn, rất có thể đó sẽ là một sự kiện để các nhà khoa học của chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại những đóng góp của mình đối với đất nước./.

Lão Phạm (Vovnews)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/432752/Cu-rua-chi-bi-viem-ngoai-da.html

Cụ rùa chỉ bị viêm ngoài da

TTO - Sáng 9-4, các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm cho biết theo kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trong các phòng thí nghiệm, rùa Hồ Gươm chỉ bị viêm loét ngoài da.

Những vết thương của rùa hồ Gươm không nghiêm trọng như nhiều người lo lắng - Ảnh: Anh Tuấn Nguyễn

Qua phân tích mẫu từ việc thăm khám rùa Hồ Gươm, các chuyên gia chỉ thấy có bốn loài vi khuẩn và một loài nấm, những loài có nhiều trong lớp bùn đáy hoặc trong nước.

Theo các thành viên trong hội đồng chữa trị vết thương rùa Hồ Gươm, sau 5 ngày điều trị những vết thương ở mai và chi trước, rùa đã có dấu hiệu bình phục.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, cho biết:  “Kết quả phân tích ADN ở những phòng thí nghiệm cho thấy, bên trong cơ thể cụ rùa không có trọng bệnh. ADN cho thấy 90% những phán đoán ban đầu của chúng tôi về tình hình sức khỏe cụ rùa là đúng. Từ mẫu AND, các nhà phân loại học cũng cho biết đây là loài mới ở Việt Nam, khác hẳn với loại rùa mai mềm ở Thượng Hải, Trung Quốc như nhiều người nghĩ”.

Các chuyên gia thấy có bốn loài vi khuẩn và một loài nấm ở rùa - Ảnh: Anh Tuấn Nguyễn

Theo ông Tề, điều những người trong hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm lo lắng nhất hiện nay không phải là sức khỏe của cụ rùa mà là môi trường nước trong hồ Gươm. Vì nước trong hồ hiện nay có nhiều loại tảo và nấm độc có thể gây hại cho cơ thể Rùa sau khi thả về môi trường tự nhiên. Lượng bùn dưới đáy hồ cũng rất lớn, khó có thể nạo vét xong trong thời gian ngắn.

Rùa hồ Gươm trong khu vực chữa trị - Ảnh: Anh Tuấn Nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét