Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Nhớ anh Võ Thành Phụng

VoThanhPhung.JPG
Tối hôm qua nghe một tin buồn: Giáo sư Võ Thành Phụng đã ra đi vào lúc 4 giờ chiều ngày 25/3/2011, thọ 70 tuổi.  Bạn bè hay gọi anh là người có bàn tay vàng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.  Sự ra đi của anh là một mất mát trong ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ở Việt Nam.


Bs Võ Thành Phụng là một người trầm lặng. Anh được đào tạo từ thời chiến tranh, và một trong những bác sĩ ở lại Việt Nam sau 1975.  Quen nhau cũng lâu, mà mãi đến sau này tôi mới biết anh là người miền Tây.  Anh nói anh sinh ra ở Bạc Liêu, sau này mới lên học trường Tây ở tỉnh và Sài Gòn (có lẽ vì thế mà anh nói tiếng Pháp giỏi).  Bạn bè ở nước ngoài kể rằng thời sinh viên, anh là người đẹp trai, học giỏi, đa tài, và đa tình, nên lúc nào cũng là một trong những ngôi sao trong đám đông.  Anh được xem là một trong những “bàn tay vàng” trong giới phẫu thuật Việt Nam, và cũng là người đã có công đào tạo nhiều bác sĩ phẫu thuật sau 1975.  Sau này, anh có thời gian làm giám đốc bệnh viện chấn thương chỉnh hình, và được phong chức danh phó giáo sư.  Nhưng không như đại đa số những người khác, anh chưa bao giờ tự xưng mình là “giáo sư”, chưa bao giờ đòi hỏi ai phải gọi mình là “giáo sư”.  Anh chỉ kí tên đơn giản là “Bác sĩ”.  Tôi kính phục anh ở điểm đó.  Đến ngày gần nghỉ hưu, anh trở thành phó chủ tịch Hội Y học TPHCM.  Theo nhiều người kể lại, anh cũng có nghiệp viết lách ngay từ thời sinh viên, và sau này là một thành viên của Ban biên tập Tạp chí Thời sự Y học (mà tôi cũng có vài đóng góp và làm việc chung với anh).  Tuy là người có trọng trách công như thế, anh rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, vì thế rất ít ai biết anh là ai.  Có thể nói không ngoa rằng anh là một người trầm lặng.

Tôi có nhiều kỉ niệm với anh Võ Thành Phụng.  Tôi gặp anh lần đầu tiên chắc cũng hơn 10 năm trước, và có dịp làm việc chung cùng anh trong những lần hội nghị chuyên ngành sau này.  Dạo đó, anh sang Sydney dự một hội nghị thường niên về loãng xương của Úc và châu Á Thái Bình Dương.  Tôi giảng xong một bài trong hội nghị, thì một đồng nghiệp tên là CM đến nói có một ông Việt Nam muốn gặp mày.  Tôi hơi ngạc nhiên và nói tao chẳng thấy có ông Việt Nam nào trong hội nghị này, chắc mày lầm rồi.  CM nhất quyết nói có, ông ấy tóc bạc, nhưng nói tiếng Anh giỏi lắm, ổng đòi gặp mày.  Hóa ra, “ông Việt Nam” ấy là Bác sĩ Võ Thành Phụng.  Chúng tôi gặp nhau, tay bắt mặt mừng, như đã là bạn từ thưở nào, dù tôi còn trẻ hơn và chỉ là đàn em của anh.

Lần gặp đó, anh để lại trong tôi một ấn tượng đẹp. Không giống như các bác sĩ Việt Nam khác, anh đi dự từng phiên họp, không bỏ sót một bài giảng nào. Anh đi nghe cả những bài giảng mang tính chuyên sâu về sinh học phân tử và di truyền.  Anh không ngớt suýt xoa nói “Hay quá! Không ngờ ngành xương tiến bộ nhanh đến như thế, tôi học quá nhiều điều”.  Anh đi bên tôi hầu như trong hội nghị, và tôi giới thiệu anh đến rất nhiều bạn bè khác.  Trước khi bay về Việt Nam, anh ra lệnh cho các bác sĩ đi dự hội nghị phải có mặt ở phòng anh để báo cáo đã học được những gì trong hội nghị.  Dĩ nhiên là nhiều người ... trốn, vì bận đi chợ nhiều hơn là đi họp. :-)  Nhưng anh cũng không to tiếng gì, mà chỉ nhắc nhở nhẹ là phải học. Nhớ trong một seminar, anh ngồi bên cạnh tôi phía hàng ghế dưới để nghe một bài giảng về histomorphometry xương, khi không hiểu mấy hình về bone remodeling, anh hỏi tôi, nhưng anh nói hơi lớn tiếng, và tôi trả lời … nhỏ tiếng (vì sợ làm phiền đồng nghiệp bên cạnh).  Nhưng anh nói không nghe gì cả, và nhất quyết đòi câu trả lời.  Tôi ghé sát vào tai anh và nói, anh gật đầu.  Tuy nhiên, anh biết mình nói to tiếng, nên anh hỏi Ủa tôi nói lớn tiếng lắm hả?  Tôi không nói gì.  Đến giờ giải lao, anh chỉ vào tai và nói một tai của anh có vấn đề thính giác, phải đeo ống nghe. Sau giờ giảng, anh hỏi tôi rằng có cách gì để ứng dụng các marker của bone remodeling trong lâm sàng, chứng tỏ anh rất ham học và rất rất muốn tìm hiểu cũng như ứng dụng phát triển mới trong lâm sàng.

Có vài lần tôi về Việt Nam thăm nhà hay công tác, anh cũng mời đến nói chuyện trong seminar của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.  Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề y học thực chứng, vì anh nói đi đâu cũng nghe người ta nói đến, nhưng chưa biết tường tận ra sao.  Thế là một lần về, anh nhờ tôi nói một bài về nguyên lí của evidence based medicine.  Không nhớ đó là năm nào, nhưng tôi vẫn còn giữ vài tấm hình lưu niệm.

Hình chụp ở Bv Chấn thương Chỉnh hình (năm ? không nhớ)

Đến năm 2007, tôi có ý định tổ chức một hội nghị Strong Bone Asia (SBA) ở Việt Nam, và một trong những người tôi làm việc trực tiếp là anh Võ Thành Phụng.  Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị quốc tế quan trọng này, tôi bay về Việt Nam và anh bay sang Sydney để bàn tính chương trình khoa học.  Anh là người nói ít nhưng ý nhiều.  Là dân Nam bộ, anh có cách nói đi thẳng vào vấn đề thực tế, chứ không mất thì giờ “vòng vo tam quốc”.  Làm việc với anh vừa có hiệu quả, vừa không phải mất thì giờ cho những vấn đề chẳng liên quan.  Hội nghị SBA diễn ra ở TPHCM vào năm 2008 với sự thán phục của đồng nghiệp Á châu, và sự đóng góp của anh Phụng phải được ghi nhận là to lớn.

Anh Võ Thành Phụng là một trong những bác sĩ hiếm hoi gây ấn tượng cho đồng nghiệp ngoại quốc.  Nhớ lần anh đến Queensland tham dự hội nghị loãng xương Á châu và Úc, tôi giới thiệu anh cho Giáo sư Pierre Delmas, lúc đó là chủ tịch Hội loãng xương quốc tế (nay thì đã qua đời), với ý muốn sẽ đem hội nghị loãng xương quốc tế về Việt Nam.  Ông Delmas là người Pháp nhưng nói tiếng Anh rất chuẩn, chẳng khác gì người Anh.  Mà, anh Phụng thì giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, nên tôi nghĩ anh là đầu mối để bàn chuyện lớn.  Thoạt đầu, anh Phụng và ông Delmas trao đổi nhau bằng tiếng Anh, nhưng hỏi qua hỏi lại một lúc thì hai người nói với nhau bằng tiếng Pháp, và tôi “biết chuyện” nên đi chỗ khác để cho hai người tự nhiên.  Loanh quanh trong buổi dạ tiệc một lúc thì ông Delamas níu vai tôi lại và nói (nguyên văn) Hey mày, cái tay Phung đó nói tiếng Pháp rất hay, mày ạ! Tôi “bồi” thêm một câu cho ấn tượng mày biết không, ông ấy là bậc thầy của tao đấy. Tôi chỉ kể câu chuyện này cho bạn bè nghe, chứ anh Phụng chưa hề nghe.

Đời người đúng là thân như điện ảnh hữu hoàn vô.  Mới gặp hôm nào, nay ra người thiên cổ.  Chỉ mới 2 tháng trước, anh kéo tôi ra ngoài hành lang Hội Y học và hỏi nhỏ (như có chuyện gì quan trọng lắm) rằng nghe nói cái iPad nó có chức năng email? Tôi cũng chẳng rành, nhưng nghe nói iPad chỉ để đọc báo, nghe nhạc, xem hình, chứ đâu biết chức năng email.  Tôi hơi ngạc nhiên vì đột nhiên thấy anh trở thành “hi-tech”, nên nói ra: thôi, anh không rành máy tính thì mua thứ đó làm gì cho nhức đầu. Nay thì có lẽ anh chưa đụng đến cái iPad, nhưng đã ra đi.

Vẫn biết rằng sống chết là lẽ tự nhiên, nhưng sự ra đi của một người bạn mình từng làm việc chung cũng gây xúc động và tiếc nuối trong tôi.  Khoảng 2 tuần trước khi nghe tin anh vào bệnh viện, tôi gọi điện thoại hỏi thăm, và vẫn nghe anh cười nói như chẳng có chuyện gì xảy ra.  Tưởng rằng mọi chuyện đã ổn, ai ngờ đến hôm qua thì nghe tin anh đã ra đi vĩnh viễn.  Sự ra đi của anh chắc chắn để lại nhiều tiếc thương trong lòng nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp.  Trong những người tiếc thương đó, có người đang viết những dòng chữ này như là một cách tưởng nhớ đến một người anh đáng kính.

NVT

===

Một vài dòng lai lịch ngắn về anh Võ Thành Phụng trên trang nhà Hội CTCH TP HCM

Nhân vật "CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH 2005" PGS BS VÕ THÀNH PHỤNG
 

PGS VÕ THÀNH PHỤNG sinh ngày 28/2/1941 tại Bạc Liêu, Cà Mau trong gia đình viên chức, có cha làm y tá, mẹ là nhân viên ngành ngân hàng. Từ nhỏ, ông nổi tiếng rất giỏi ngoại ngữ cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, lại thích hoạt động xã hội.


VoThanhPhung.JPGKhi còn là sinh viên y khoa Sài Gòn ông tham gia các phong trào đòi tự trị đại học. Ông là nội trú đầu tiên và thâm niên nhất của ngành chỉnh trực (nay là chấn thương chỉnh hình-CTCH) dưới sự hướng dẫn của Thầy Trần Ngọc Ninh và nổi tiếng là phẫu thuật viên trẻ có đôi tay tài hoa, mổ bằng cả 2 tay. Tốt nghiệp bác sĩ nội trú năm 1970, ông được giữ lại làm giảng viên Y khoa đại học đường Sài Gòn từ tháng 2/1971, làm việc tại 2 bệnh viện (BV) Bình Dân và Nhi đồng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, ông là bác sĩ nồng cốt trong mọi hoạt động và phong trào của Trường Đại Học Y Dược và của bệnh viện Bình Dân. Ông được phân công đảm nhiệm các chức vụ sau:

- 1975 - 1979: Chủ nhiệm Khoa CTCH BV Bình Dân, bác sĩ điều trị BV Nhi đồng I, giảng viên đại học y khoa.
- 1979 - 1985: Chủ nhiệm Khoa CTCH BV Bình Dân, Phó Chủ nhiệm Bộ môn CTCH, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Nhi Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).
- 1985 - 1994: Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.
- 1989 - 1992: Kiêm nhiệm chức Tổng Thư Ký Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế (TTĐTBDCBYT) TPHCM.
- 1990 - nay: Kiêm chức Chủ nhiệm Bộ môn CTCH, TTĐTBDCBYT
- 1992: được phong học hàm Phó Giáo Sư.
- 1994 - 1997: Giám đốc Trung tâm CTCH TPHCM.
- 1998 - nay: chuyên viên khoa học cho Trung tâm CTCH TPHCM.

Nghiên cứu, tham dự hội nghị:

-   3/1979: Hội nghị Hội Ngoại Khoa Việt Nam lần đầu tiên sau ngày thống nhất tổ quốc tại Hà Nội
- 12/1987 - 12/1988: Học chấn thương chỉnh hình ở Pháp
-   3/1991 -  4/1991: Hội nghị Chỉnh hình Nhi khoa Châu Âu
-   9/1992: Hội nghị lần 7 về Bệnh lý Khớp Vùng Châu Á - Thái Bình Dương tại Indonésia
-  5-7/1993: nghiên cứu Y học Chỉnh hình và Ngoại khoa tại South Carolina, New York, Hoa Kỳ
-   4/1994: Hội nghị Ngoại khoa Cấp cứu bụng và chấn thương, Hà Nội
- 10/1994: Hội nghị Chấn thương Chỉnh hình tại Chiangmai, Thái Lan
-   2/1995: Hội nghị thường niên về CTCH tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ
-   6/1996: Hội nghị về Bệnh nhiễm khuẩn tại Hongkong
-   6/1996: Hội nghị về Thuyên tắc máu ở Seoul, Hàn Quốc
-      1997: Hội nghị Thấp khớp học, TP HCM
-   4/1998: Hội nghị thành lập Hội Chỉnh hình Nhi toàn cầu tại Madrid, Tây Ban Nha
-   4/1999: Hội nghị CTCH thế giới nói tiếng Pháp tại Sydney, Úc Đại Lợi
- 10/1999: Hội nghị CTCH tại Pattaya, Thái Lan
-  9/2003: dự Hội nghị CTCH tại Texas, Hoa Kỳ
-  5/2004: dự Hội nghị "Các quan niệm hiện hành về Thay khớp xương tại Las Vegas, Nevada, Hoa Kỳ"

Khen thưởng và Danh hiệu:

- Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng Công Đoàn Việt Nam
- Bằng khen tham gia phục vụ tốt công tác điều tra tội phạm của Công An TPHCM
- Huy hiệu TPHCM
- Chiến sĩ thi đua cấp thành phố các năm 1979, 1980, 1981, 1983, 1984, 1985.
- Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm 1985, 1995, 1996, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004.
- Huân chương lao động hạng 3 (2000)
- Huy chương vì sự nghiệp giáo dục (2001)
- Thầy Thuốc Ưu tú (2001).

Đôi dòng về hoạt động chuyên môn:

PGS Võ Thành Phụng gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế và là người đam mê hoạt động phong trào.

Khi còn là sinh viên nội trú, ông là Chủ bút của tờ báo "Học san Y khoa", chuyên san nghiên cứu khoa học của các giảng viên trẻ và nội trú. Ông cũng đã đề xướng và thực hiện chương trình "Đêm Thứ Năm" nhằm bồi dưỡng kiến thức y khoa cho đồng nghiệp và sinh viên tại hội trường bệnh viện Bình Dân. Ông có cảm tình với Cách Mạng, tham gia các phong trào đấu tranh đòi "Tự trị Đại học", "Giảng dạy tiếng Việt trong trường đại học y khoa". Ông được bầu làm Chủ Tịch Hội đồng Nội trú, Đoàn Trưởng Đoàn Công tác Sinh viên Y khoa Sài Gòn nhiều năm liền, đã tổ chức các nhiều đợt công tác y tế và huấn luyện cứu thương.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông tham gia tích cực vào Hội Trí Thức Yêu Nước TPHCM. Dấu chân ông đã in đậm trên khắp mọi miền đất nước từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến mũi Cà Mau, Côn Đảo… cùng với các hoạt động chuyên môn và phong trào của Trường Đại học Y Dược (với GS Trương Công Trung), Hội Y Dược học thành phố Hồ Chí Minh (với TS Nguyễn Duy Cương, TS Dương Quang Trung), Hội Ngoại Khoa Việt Nam…. Ông tiếp tục duy trì chương trình "Đêm Thứ Năm" tại BV Bình Dân rồi "Đêm Thứ Tư" tại Trung tâm CTCH khi ông chuyển công tác về đây. Ông lại tiếp tục mở ra các chương trình "6giờ 30 sáng tại Khoa Chỉnh hình Nhi"  rồi "Diễn đàn Cơ-Xương-Khớp" và nay là "10 phút- 1 vấn đề vào lúc 6giờ 45". Tất cả đều nhằm một mục đích duy nhất là thúc đẩy mọi người cùng đọc, cùng học… học mãi không ngừng. Ông là người thầy mẫu mực trong công tác giảng dạy cho sinh viên y khoa, học viên sau đại học. Rất nhiều nghiên cứu sinh, học viên BS chuyên khoa II, Cao học nhờ Ông hướng dẫn và bảo trợ luận án, luận văn. Đối với đàn em, học trò ông luôn tôn trọng, động viên, tìm cách phát triển, bồi dưỡng mặt mạnh, ưu điểm của họ. Nhờ vậy, nhiều người trong số họ nay đã trưởng thành, tiếp bước và phát huy tư tưởng của Ông.

Với tư cách là Phó Chủ Tịch đồng thời là Phó Tổng Biên Tập "Thời sự Y Dược Học", ông có công lớn trong việc hình thành và phát triển Hội Y Dược Học TPHCM, các hội chuyên ngành, đặc biệt của ngành Cơ-Xương-Khớp. Khởi đầu từ Chi Hội rồi Liên Chi Hội CTCH đến Hội Chỉnh Hình Nhi, Hội Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM, Hội Thấp Khớp, Hội Phẫu Thuật Cột sống, Hội Phẫu Thuật Bàn Tay, Hội Phục Hồi Chức Năng…. Trung tâm CTCH trở nên là nơi tập trung nhiều hội chuyên ngành nhất, có nhiều thành viên là Chủ tịch Hội nhất và cũng là những hội hoạt động tích cực và đều tay nhất thuộc Hội Y Dược học TPHCM. Tất cả đều có dấu ấn của Ông. Dưới sự lãnh đạo của Ông, Trung tâm CTCH ngày càng phát triển về lượng và về chất. Uy tín bệnh viện không ngừng nâng cao, nổi tiếng toàn quốc và trên thế giới. Trung Tâm và nay là BV CTCH là địa điểm tin cậy của nhân dân, của bạn bè trong và ngoài nước.

Rất nhiều, và có thể nói hầu hết các giáo sư đầu ngành CTCH thế giới như GS Bouyala, GS VS Argenson, GS Bensahel, GS Diméglio, GS Comtet, GS Pigagnol, GS Bolini…(Pháp) đến GS Nagel, GS Staheli, GS Lotke, GS Mier, BS Hassel, BS Lapilusa… (Mỹ) và nhiều người khác nữa đều đã đến với TTCTCH. Đối với nhiều BS nước ngoài khi nói đến CTCH Việt Nam thì họ nghĩ ngay đến TTCTCH và nhắc đến PGS Võ Thành Phụng. Ông là cầu nối để các chuyên gia nước ngoài đến với VN và cũng chính ông là nhịp cầu để dẫn dắt anh em CTCH, lúc đầu của TTCTCH sau lan qua các BV bạn, đi học tập ở nước ngoài từ Pháp đến là Mỹ và các nước khác. Từ Vietnamitié với BS Louis Reymondon, Trưởng Khoa CTCH BV Bonnet, Fréjus-St Raphael, nơi ông có dịp thực tập 1 năm ở Pháp cho đến Hội Pháp-Việt Nội Ngoại Khoa với VS Lagrange, GS Butel, Bà Võ Hofferer hoặc Orthopaedic Overseas với BS Lewis Zirkle, GS Wilkins (Mỹ) ông đã là đầu cầu để hàng chục giáo sư, viện sĩ, chuyên gia hàng đầu của ngành CTCH Pháp và Mỹ đến VN cũng như đưa cả trăm BS CTCH VN sang các nước nầy tu nghiệp. Sự liên kết giữa Hội Chỉnh Hình Nhi với Hiệp Hội Hành Động Vì Trẻ Em (Children Action- Thụy sĩ), Hội Chỉnh hỉnh Nhi Châu Âu và Bắc Mỹ đã không ngừng nâng cao trình độ của ngành CTCH và Chỉnh Hình Nhi tại thành phố và các tỉnh miền Nam. Ông đã tham gia xây dựng "Mạng lưới Chấn Thương Chỉnh Hình" và "Mạng lưới Kỹ thuật Bột", tổ chức hội nghị hằng năm ở các tỉnh tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển của các Khoa CTCH ở các BV đa khoa tỉnh. Ngành CTCH Việt Nam và TPHCM có được diện mạo ngày hôm nay là nhờ sự góp phần không nhỏ của PGS Võ Thành Phụng.

Có thể nói trong ông là sự kết hợp nhuần nhị của công tác giảng dạy-đào tạo-điều trị-nghiên cứu-thông tin y học hay nói cách khác của 3 đơn vị Trường-Hội- Bệnh viện.

PGS BS VÕ THÀNH PHỤNG được tập thể Hội CTCH TPHCM tin yêu bầu chọn là NHÂN VẬT CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét