Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Tài năng toán học gốc Việt ở Đức


Qua email từ một anh bạn, tôi mới biết thêm một nhân tài toán học. Em tên là Trần Khải Văn, mới 15 tuổi, được xem là một trong 17 hạt giống toán học tài năng của ... Đức. Không thấy báo chí đại chúng đưa tin, nên tôi đưa lên trang nhà để các bạn biết thêm một nhân tài gốc Việt.


Thế là chính trường nước Đức có một lãnh đạo mới, nhưng đáng nói, vị này là người gốc Việt. Báo De Spiegel ghi rõ rằng "Germany's business-friendly Free Democrats have nominated Vietnamese-born Philipp Rösler to replace outgoing party leader Guido Westerwelle". Philipp Rösler có một cuộc đời và sự nghiệp phi thường. Sinh ra ở Sóc Trăng, được một gia đình người Đức xin làm con nuôi, đến Đức mới 9 tháng tuổi, học y khoa và tốt nghiệp bác sĩ phẫu thuật vào năm 2002; tham gia đảng Dân chủ Tự do từ năm 1992, nay trở thành lãnh tụ Đảng và phó thủ tướng ở tuổi 38 (trước đó là Bộ trưởng Bộ Y tế). Thật là đáng khâm phục! (Hơi lạc đề một chút: tôi đoán nếu ông còn ở Việt Nam thì chắc gì ông thành công như hiện nay, mà có thể là một anh nông dân đâu đó ở Sóc Trăng).
Nhưng Đức mới có thêm một tài năng khác, trẻ hơn. Đó là em Trần Khải Văn. Email của anh bạn viết như sau: "Em Trần Khải Văn 15 tuổi sống tại Berlin hiện là 1 trong 17 hạt giống toán học tài năng của nước đức". Văn là cháu ngoại của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh Độc Lập trước 1975, nay là Dinh Thống Nhất). Ảnh dưới đây cho thấy em Văn đang được tổng thống Đức chiêu đãi.




Báo chí Đức gần đây khen học sinh gốc Việt học giỏi. "Phát hiện" này thật ra chẳng có gì mới. Trước đây, khi làm việc bên Thụy Sĩ vào cuối thập niên 1980s, tôi cũng từng nghe đồng nghiệp Thụy Sĩ khen học sinh Việt Nam học giỏi và ngoan. Lúc đó tôi chỉ nghĩ họ khen để lấy lòng, nên chẳng bao giờ quan tâm. Thật ra, họ càng khen, tôi càng nghi ngờ! Nhưng quả thật, nhìn qua những thành tựu của học sinh và sinh viên gốc Việt bên Mĩ, ít ai có thể nói rằng những thành tích đó là ngẫu nhiên. Tài năng phải được vun trồng trong môi trường thích hợp thì mới phát huy được. Các em học sinh, sinh viên gốc Việt thành công ở nước ngoài là nhờ vào hệ thống giáo dục tốt, tự do học thuật, và độc lập của nước ngoài; chẳng liên quan gì đến Việt Nam. Có liên quan chăng là tố chất Việt (một cái gì đó trừu tượng, khó đo được).

Em Trần Khải Văn có lẽ là một trong những minh chứng cho thành tựu học vấn của người Việt ở xứ người. Những thành tựu này chỉ có được ở xứ người. Có khi tôi tự hỏi "ngông" nếu Việt Nam ta có hệ thống giáo dục cởi mở như ngoài này, có tự do học thuật như ngoài này, và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người từ thành thị đến nông thôn, thì Việt Nam ta sẽ có thêm hàng vạn Trần Khải Văn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét