Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Tiếng Anh trong phôi bằng: vài góp ý


Thật khó tưởng tượng nổi trong thời đại máy tính và internet như hiện nay mà lại xảy ra chuyện phôi bằng in sai! Đó là trường hợp của trường Đại học Tây Đô mà báo chí phản ảnh gần đây.  Những gì báo chí mô tả là sự cẩu thả của trường, nhưng tôi nghĩ vấn đề còn quan trọng hơn: đó là cách thiết kế phôi bằng. Trong entry này, tôi chỉ muốn có vài lời góp ý để phôi bằng của ĐH Tây Đô tốt hơn và để sinh viên tốt nghiệp cầm cái văn bằng ra ngoài cảm thấy có chút tự hào.


Nhìn qua phôi bằng của ĐH Tây Đô tôi có vài nhận xét như sau:

Thứ nhất là danh nghĩa pháp lí.  Trong phôi bằng viết là “hiệu trưởng cấp bằng …”, tức mang tính cá nhân.  Hiệu trưởng làm sao có quyền cấp bằng được; chỉ có hiệu trưởng thừa lệnh hay thừa hành của Hội đồng của trường cấp bằng mà thôi.  Ở nước ngoài, không ai đề hiệu trưởng cấp bằng cả, mà là TRƯỜNG theo ủy nhiệm của Hội đồng trường để cấp bằng.  Câu văn chuẩn thường là “THE UNIVERSITY OF ABC by authority of the Council”.

Thứ hai, không có huy hiệu (logo).  Một trường đại học chắc chắn phải có logo, cũng chẳng khác gì một doanh nghiệp có logo.  Logo rất cần thiết để công chúng nhận dạng ra đại học.  Có khi chỉ cần nhìn logo là người ta biết đó là trường nào.  Điều này càng cần thiết hơn nữa cho phôi bằng.  Nhìn sang các phôi bằng của các đại học nước ngoài thì thấy trường nào cũng in logo ngay trên dòng đầu của văn bằng tốt nghiệp.  Ấy thế mà một đại học như trường Tây Đô lại không có huy hiệu!

Thứ ba là tên trường đại học.  Chữ Tây Đô trong phôi bằng tiếng Anh viết liền.  Tại sao?  Tôi không nghĩ ra lí do để viết liền hai chữ này.  Tây Đô là tên chính thức của đại học, phải viết trang trọng, chứ sau lại viết theo kiểu thời trang như TayDo.  Nhìn chữ này ai biết đước Tây Đô hay Tây Dở?  (Nói đùa thôi, nhưng để minh họa vấn đề).

Thứ tư  là vấn đề in hạng trong văn bằng.  Không biết ở các nước khác thì sao, nhưng ở các nước tôi biết như Úc, Anh, Mĩ, v.v. thì người ta không in hạng tốt nghiệp trên văn bằng.  In như thế gây mặc cảm cho sinh viên.  Nếu người tuyển dụng muốn biết thêm chi tiết thì họ yêu cầu gửi hồ sơ điểm, chứ nhìn qua hạng “Trung bình” thì ai biết đó là hạng gì.

Thứ năm là hời hợt, thiếu sự trịnh trọng. Nhìn qua cái phôi bằng của Việt Nam (như qua ví dụ của ĐH Tây Đô), tôi thấy nó chẳng khác gì một cái mẩu đơn, mẩu giấy để người ta điền vào. Chẳng hạn như có dòng tên và kèm theo Mr, Ms trong ngoặc trông rất buồn cười. Hình như người thiết kế không nhận thức được rằng đây là một tài liệu rất quan trọng trong đời người của một cá nhân.  Nguyên lí của thiết kế phôi bằng là phải trịnh trọng (từ ngôn ngữ đến hình thức, kể cả kích thước văn bằng) và phải cá nhân hóa. Cách thiết kế hiện nay vi phạm hai nguyên lí đó và tầm thường hóa văn bằng đại học. (Cũng có thể người ta xem đại học bây giờ "bèo" quá, người ta còn mua được kia mà, nên cứ cấp cho có, làm cho qua quít).

Thứ sáu là vấn đề tiếng Anh.  Những chữ như Overaverage, Ranking, Mode of study, born on … hoặc là sai, hoặc là không chuẩn.  Chẳng hạn như chữ “Overaverage” là không đúng chuẩn cho chữ “Trung bình – Khá”.  Chữ Overaverage (thật ra là above average) là văn nói, văn viết một cách không trịnh trọng.  Trong văn bằng đâu có ai viết như thế, coi rất kì!  Thật ra, tôi không hiểu cái hạng “trung bình – khá” là gì, có lẽ là chính giữa hay đâu đó giữa trung bình và khá.  Rồi chữ “ranking” nữa, cũng là một kiểu văn không trịnh trọng.  Còn Mode of study thì cũng không đúng chuẩn tiếng Anh trong giáo dục. Lại còn "Degree of Bechelor", người ta phải hỏi bachelor về ngành học gì? Khoa học hay thương mại? Có ai viết như thế bao giờ!  Hoặc là Bachelor of Arts, Bachelor of Science, hay Bachelor of Engineering, hay gì đó, chứ dứt khoát không thể "Degree of Bachelor" được!  Cần phải phân biệt program (như science, arts, engineering, medicine, v.v.), major (biology, environmental studies, performing arts, v.v.), và specialization (chuyên ngành sau đại học). Phôi bằng chỉ cần program, chứ không cần major.

Vậy thì phôi bằng nên thiết kế như thế nào?  Theo tôi thì nên thiết kế lại toàn bộ.

1.  Nên có huy hiệu của trường gay từ dòng đầu;

2.  Viết lại toàn bộ phần tiếng Anh, và bỏ đi cái hạng tốt nghiệp.  Có thể viết theo hai mô hình sau đây:

Mô hình 1
Mô hình 2
TAY DO UNIVERSITY

By authority of the Council

NGUYEN VAN TEO

has this day been admitted to the degree of

BACHELOR OF SCIENCE

and to all the privileges attached thereto.

The Common Seal of the University has been hereto affixed

This twentyfifth day of April 2011

Rector
(Kí tên)

Registrar
(Kí tên)
TAY DO UNIVERSITY – VIETNAM

NGUYEN VAN TEO

having in the year 2011 satisfied the requirements of the By-law has been to the degree of

BACHELOR OF SCIENCE

and to all the privileges attached thereto.

The Common Seal of the University has been hereto affixed

This twentyfifth day of April 2011

Rector
(Kí tên)

Registrar
(Kí tên)
by the authority of the Council, the Seal of the University was affixed on the 20th day of April, 2011

Có thể xem qua một cái phôi bằng ở đây:
http://www.graduation.mq.edu.au/documents/ReplicaofTestamur.pdf

Thứ ba là kích thước phải lớn.  Ít nhất phải hơn một tờ giấy A4, và phải giấy loại tốt, dày, chống acid hóa, chứ không phải như "tờ giấy lộn lưng" được.

Văn bằng là niềm hãnh diện của sinh viên tốt nghiệp.  Đó cũng là một “chứng từ” thành công sau nhiều năm dùi mài kinh sử.  Văn bằng tốt nghiệp còn là một tài liệu mang tính pháp lí.  Trong quá trình hội nhập quốc tế, sinh viên cầm văn bằng xin học bổng nước ngoài và người ta căn cứ vào đó để xét duyệt.  Một văn bằng mà trong đó tiếng Anh viết không chuẩn, sai sót quá nhiều, là điều không thể chấp nhận được, vì người ngoài sẽ cười mình.  Do đó, văn bằng cần phải thiết kế theo chuẩn mực quốc tế.  Hi vọng rằng những góp ý trên sẽ giúp cho phôi bằng VN chuẩn mực hơn.

NVT

===
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110420/Toan-bo-bang-tot-nghiep-bi-in-sai.aspx
 
Toàn bộ bằng tốt nghiệp bị in sai

668 sinh viên tốt nghiệp khóa 1 trường ĐH Tây Đô (TP Cần Thơ) đều nhận bằng bị in sai so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Bằng bị in sai so với quy định
Trên số báo ngày 29.3, Thanh Niên có bài Bằng tốt nghiệp bị in sai, phản ánh việc ĐH Tây Đô cấp hơn 40 bằng tốt nghiệp đại học in thiếu 2 số 1 ở năm cấp bằng (năm 2011 nhưng trên bằng lại ghi năm 20...).

Sau đó, một số sinh viên khác tiếp tục phản ánh bằng tốt nghiệp do trường cấp còn nhiều sai sót khác. Cụ thể, so với Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH (ký ngày 12.8.2009), thì bằng do trường ĐH Tây Đô cấp thiếu danh hiệu: Kỹ sư, Cử nhân, Kiến trúc sư... Sai sót thứ hai là phần xếp loại tốt nghiệp bằng tiếng Anh không đúng với quy định. Ví dụ, nếu sinh viên tốt nghiệp loại Khá, Bộ quy định phải dùng từ “Credit” thì trường lại tự ý dùng từ “Fair”; loại Trung bình khá ghi “Strong - pass” thì lại ghi “Over-average”...

TS Nguyễn Văn Quang - quyền Hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô, thừa nhận những sai sót trên. Ông cho biết do khi tiến hành in bằng, các cán bộ của trường không nắm đầy đủ những văn bản hướng dẫn của Bộ nên mới để xảy ra sự việc đáng tiếc. Phần dịch sang tiếng Anh cũng do cán bộ của trường chủ động thực hiện. “Bằng tốt nghiệp mà không đúng với quy định của Bộ thì coi như sai”, TS Quang nhận định. Ông Quang cho biết hướng giải quyết của trường là sẽ mua phôi bằng mới để in và cấp lại cho sinh viên.
Chí Nhân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét