Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Có nên bỏ kì thi đại học, cao đẳng? Nhu cầu cho giáo dục thực chứng

http://www.cartoonstock.com/lowres/sha0103l.jpg
Có nên bỏ kì thi đại học, cao đẳng? Thật khó có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này. Vấn đề là do thiếu dữ liệu, nên xảy ra chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”. Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, nên làm nghiên cứu trước rồi hãy quyết định sau.Thời đại ngày nay là giáo dục thực chứng, tức chính sách phải dựa vào bằng chứng. Để có bằng chứng, cần phải làm nghiên cứu khoa học (và lĩnh vực này thì chúng ta thiếu trầm trọng).


Trước hết, hãy xem qua kinh nghiệm nước ngoài xem sao. Ở Úc, học sinh thi tốt nghiệp trung học, và người ta dựa vào kết quả thi để quyết định nhập học đại học. Thật ra, thí sinh tự biết mình có thể lựa chọn ngành học dựa vào điểm của mình.  Chẳng hạn như nếu họ có điểm 70 (tối đa là 100), thì họ biết mình có thể học kĩ sư, toán, xã hội học, v.v. và họ có thể xin ghi danh nhiều trường (lên đến 5 trường), và dựa vào nhu cầu, trường ra thông báo tuyển chọn thí sinh hay không.  Trường nổi tiếng thì điểm có thể cao hơn chút sao với trường kém nổi tiếng.  Riêng một số ngành như ngành y, ngoài điểm thi trung học ra (phải 98 trở lên), thí sinh còn phải được phỏng vấn để hội đồng trường quyết định tuyển nhân hay không.  Sở dĩ Úc làm được vì điểm thi tốt nghiệp trung học của họ rất nghiêm chỉnh, phản ảnh gần đúng trình độ của học sinh, nên họ không cần kì thi tuyển vào đại học.

Trên nguyên tắc, tôi nghĩ chỉ bỏ kì thi tuyển đại học khi nào điểm kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông phản ảnh khả năng thực của học sinh. Nói cách khác, chỉ bỏ kì thi tuyển đại học khi nào có một mối tương quan chặt chẽ giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm thi đại học.

Bằng chứng

Dựa vào điều kiện đó và vài dữ liệu thực tế, tôi nghĩ không thể bỏ kì thi tuyển vào đại học ngay lúc này, hay ít ra là vài năm nữa. Lí do đơn giản là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa phản ảnh đúng năng lực của học sinh. Tôi sẽ viện dẫn vài bằng chứng cho phát biểu đó như sau:

Trong bài phân tích về tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông 2005-2008 (Vài nhận xét từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2005-2008) tôi chỉ ra rằng mối tương quan về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các năm rất thấp, dù hai năm sau (2007-2008) có cải tiến chút ít. Ngoài ra, tôi cũng phân tích kết quả thi tốt nghiệp những năm sau và kết quả cho thấy kì thi trung học diễn biến theo chiều hướng ... tiêu cực. Có thể xem 3 bài phân tích đó trên Tuần Việt Nam ở đây:

Nhận diện các địa phương "siêu thành tích" (I)

Giáo dục tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng...tiêu cực (II)

Những dữ liệu trên cho thấy điểm thi dao động quá lớn giữa các năm và địa phương, và có lẽ điểm thi trung học không thể phản ảnh khả năng thật của học sinh.

Trong cuốn “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại” (Nhà xuất bản Trẻ, 2003), thầy Dương Thiệu Tống phân tích cho thấy điểm trung bình của học sinh thi tuyển vào đại học còn rất thấp, chỉ khoảng 8,3 đến 8,4 (trên số điểm tối đa 30). Đáng quan tâm hơn, khoảng 87% thí sinh có điểm thi dưới 15. Nói cách khác, chỉ có 13% học sinh có điểm trên trung bình! Chẳng những thế, điểm thi tốt nghiệp trung học và thi tuyển đại học cũng không tương quan với khả năng học của học sinh.  Chỉ riêng môn toán, số liệu của Thầy Tống phân tích trên 1280 học sinh cho thấy:
  • hệ số tương quan giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0,17;
  • giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,09; và
  • giữa điểm thi tuyển sinh đại học và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,19.
Đó là những con số hết sức ý nghĩa! Diễn giải một cách đơn giản, điểm thi tốt nghiệp trung học không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi tuyển đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi tốt nghiệp trung học khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học vẫn có điểm cao; ngược lại phần đông các học sinh có điểm cao trong kì thi tốt nghiệp trung học không phải là những sinh viên có điểm cao khi học đại học.

Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê trên, nhưng trong những diễn dịch đó, có thể (a) điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học đại học; hoặc (b) đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc đại học; hoặc (c) hoặc số phần của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận.” Tôi không tin ở số phần, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tốt nghiệp trung học (và thi tuyển vào đại học) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên.

Vấn đề

Tại sao kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông không phản ảnh khả năng thực của học sinh? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở cách ra đề thi. Tôi thật sự tin như thế, vì kinh nghiệm cá nhân từ mấy chục năm trước và xem qua đề thi trong mấy năm sau 1975. Tôi thấy cách ra đề thi hiện nay ở Việt Nam là một cách thách đố học sinh, chứ không phải kiểm tra khả năng học sinh. Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình trung học có thể tóm gọn trong vài câu hỏi ! Có nhiều câu hỏi rất hóc búa, chẳng có liên quan gì đến thực tế (và điều này đã có người chỉ ra trước đây). Chẳng hạn như đề thi môn toán chỉ bao gồm vỏn vẹn 10 câu hỏi (nếu tính các câu hỏi phụ), và nội dung không phản ảnh toàn bộ chương trình trung học.

Ngoài ra, đề thi chỉ chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Thật là sai lầm khi ra đề thi chỉ tập trung vào năm cuối trung học, bởi vì điều này gây tình trạng học tủ và học sinh không cần kiểm tra kiến thức mấy năm trước. Ở Úc và nhiều nước khác, người ta ra đề thi cho toàn bộ chương trình trung học, có tất cả khoảng 45 câu hỏi từ dễ đến khó (có thể tham khảo ở trang web của Bộ giáo dục bang NSW ). "Dễ" và "khó" ở đây hiểu theo nghĩa kiểm tra toàn bộ kiến thức của học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Chẳng hạn như đề thi môn toán năm 2007 cho các học sinh theo học môn toán khối I (tức trung bình), bao gồm cả những câu hỏi ở trình độ lớp 9, nhưng lần lược dẫn dắt học sinh đến các chủ đề "cao" hơn ở lớp 11 và 12 như ứng dạng đạo hàm và tích phân. Với một đề thi như thế, kì thi tốt nghiệp trung học ở Úc phản ảnh khá chính xác trình độ của học sinh, bởi vì một học sinh có điểm tốt, người học sinh đó ắt phải có điểm tốt toàn diện của môn học, chứ không chỉ vài câu hỏi mang tính ngẫu nhiên và thách đố.

Ai cũng biết trong thực tế học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có học sinh giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có học sinh khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn toán chẳng hạn, có học sinh khá về lí thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có có học sinh giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lí thuyết, và cũng có người giỏi cả hai mặt lí thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của các học sinh, dù lí thuyết hay ứng dụng, cần phải được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lí tưởng cần phải phản ảnh những thực tế này.

Giáo dục thực chứng 

Nói tóm lại, tôi thấy nếu điểm thi tốt nghiệp trung học sao phản ảnh khả năng của học sinh một cách chính xác, thì kì thi tuyển sinh đại học sẽ không cần thiết. Nhưng vấn đề chính hiện nay là chúng ta không có dữ liệu đầy đủ về mối tương quan giữa hai kì thi tốt nghiệp trung học và thi tuyển đại học. Tuy nhiên, số liệu của thầy Tống cho thấy điểm thi tốt nghiệp trung học, thậm chí điểm thi tuyển sinh đại học, không phản ảnh đúng khả năng của học sinh và cũng chẳng có tương quan gì đến khả năng học đại học. Do đó, cần phải dành ưu tiên cho việc cải cách và chấn chỉnh lại nội dung chương trình trung học và nội dung đề thi sao cho phản ảnh trung thực hơn khả năng và tiềm năng của học sinh. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng những tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn giảm những căng thẳng [không cần thiết] cho học sinh.

Thời đại ngày nay là thời đại chính sách dựa vào chứng cứ. Tôi gọi là giáo dục thực chứng, evidence based education policies. Ra chính sách giáo dục phải dựa vào bằng chứng nghiên cứu khoa học. Ở nước ta, rất ít nghiên cứu khoa học về giáo dục, và hệ quả là chúng ta chẳng có nhiều số liệu hay bằng chứng để phát biểu. Số liệu của Thầy Tống rất quí, nhưng vẫn chưa đủ và đã quá cũ. Chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu để có số liệu đầy đủ hơn. Chỉ khi nào có số liệu và bằng chứng khoa học, rồi mới nói chuyện có nên bỏ hay giữ kì thi tuyền sinh đại học.

NVT

http://nld.com.vn/20110506084136714p1017c1018/can-bo-thi-dai-hoc-cao-dang-cap-quoc-gia.htm
Cần bỏ thi đại học, cao đẳng cấp quốc gia
Thứ Sáu, 06/05/2011 09:42

Việc nhiều trường ĐH đồng loạt đòi “tự chủ” trong thời gian qua không có gì khó hiểu trong bối cảnh hiện nay, khi mà “chiếc áo” ĐH đã quá chật để phát triển.

Đứng trước vấn đề này, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết: Việc cấp phép, thành lập trường có hai vấn đề, nếu mình muốn tạo ra sự tự chủ nhiều hơn thì khi đó hành lang pháp lý của mình phải chặt chẽ. Các trường được quyền tự chủ trong khuôn khổ là một chuyện nhưng hiện nay ta đang thực hiện cấp phép, thành lập trường theo hình thức “xin - cho”, không những thế đã xin nhưng không đáp ứng đầy đủ vẫn cho.

Mở ngành cũng vậy, nếu mở ngành có một số yêu cầu đáp ứng nhu cầu xã hội, đội ngũ giáo viên đủ rồi thì mở, đó là một cách. Cách thứ hai, tôi cứ xin, anh cho, tôi mở, căn cứ vào tiêu chuẩn, nếu không đủ tiêu chuẩn thì chiếu cố. Nhưng có khi tôi đủ tiêu chuẩn rồi thì lại bị làm khó.

Vậy cách làm để đảm bảo cho các trường tự chủ là phải có quy định hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý cao nhất là luật và luật đã quy định rồi thì không có quy định pháp lý nào khác đè lên luật. Còn nếu là nghị định, thông tư của bộ ban hành sẽ vướng vào các luật khác, như thế không có giá trị. Đây là cơ hội rất tốt để đưa vấn đề trên vào luật, tạo ra hành lang pháp lý, tạo quyền chủ động cho các trường.

Nên trao quyền tuyển sinh cho các trường

PV: Lãnh đạo của nhiều trường đại học đều có kiến nghị là bỏ thi ĐH. Theo giáo sư, có nên bỏ thi ĐH để thay thế bằng giải pháp khác như xét tuyển hồ sơ THPT?

- Tôi cho rằng, chúng ta phải tiến nhanh tới việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thi tuyển để các trường tuyển được học sinh có năng lực nhất, đáp ứng với yêu cầu cụ thể của từng ngành học rất đa dạng hiện nay giữa các trường. Tổ chức thi tuyển theo “3 chung” hiện cũng có điểm tốt, tiết kiệm được một số hoạt động của các trường nhưng cái mất nhiều hơn. Khi chúng ta tuyển chung, không có đặc trưng gì của ĐH, trong khi các trường lại rất đa dạng về ngành nghề, về nhu cầu, về yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay chưa nên bỏ thi ĐH. Cách tổ chức như thế nào để đỡ căng thẳng và thêm hiệu quả thôi chứ bỏ hẳn không được với lý do sau:

Hiện nay nhu cầu học tập của thanh niên là rất lớn, trong khi chỗ ngồi ở trường ĐH lại ít. Ví dụ, có trường tỷ lệ chọi 1/10, thậm chí có trường 1/20. Để thực hiện xem xét hồ sơ của thí sinh, mỗi trường có yêu cầu khác nhau, đánh giá khác nhau, có khi chỗ này giỏi, chỗ kia kém... Trong khi đó, tìm giải pháp đơn giản là xét tuyển để thay thế cho sự chọn lọc là không công bằng, có thể sẽ tiêu cực nhiều. Ở các nước khác, họ làm được là chỉ có 1,5 thí sinh chọn lấy 1, lại có nhiều trường ĐH để học sinh chọn.

Như vậy, vẫn tổ chức thi tuyển sinh nhưng nó chỉ ở mức độ trường chứ không phải cấp quốc gia nữa và Bộ GD-ĐT cũng không phải tham gia vào. Thi tuyển như hiện nay, tự nhiên mình quan trọng hóa vấn đề, làm to chuyện, tạo cho xã hội không khí nặng nề, càng làm ra lộn xộn, càng gây ra tiêu cực, sức ép... Trong khi đó, để cho các trường tự tổ chức tuyển sinh thì vấn đề này chỉ ở một trường tuyển học sinh.

Như vậy, theo giáo sư, Bộ GD-ĐT nên giao cho từng trường tự tổ chức tuyển sinh?

- Nên giao cho từng trường tự tổ chức tuyển sinh. Có những trường không ra được đề thi thì họ dùng đề thi của trường khác mà họ cảm thấy phù hợp. Vấn đề này, để cho trường đó quyết định, tự chọn đề thi chứ không phải bộ quyết định nhưng phải hiểu, các trường tự quyết định việc chứ không phải các trường tự làm, đó là hai vấn đề khác nhau.

Bây giờ việc soạn giáo trình cũng vậy, bộ giao cho các trường quyết định lựa chọn giáo trình chứ bộ không giao cho các trường tự làm giáo trình vì có trường không có giáo sư, giảng viên giỏi thì làm sao soạn được giáo trình? Các trường có quyền quyết định lựa chọn, sử dụng giáo trình nào phù hợp với mình chứ không phải Bộ GD-ĐT yêu cầu trường này dùng giáo trình này, trường kia dùng giáo trình kia nữa. Như vậy, chúng ta tôn trọng quyền tự quyết của các trường, đó là vấn đề tự chủ của các trường nhưng điều này không phải các trường tự lực làm được tất cả mọi việc, hai vấn đề khác hẳn nhau.

Trở lại mô hình trước “3 chung”

Thực tế hiện nay, những trường có tỷ lệ đăng ký dự thi và chỉ tiêu cao, tính áp lực cạnh tranh cao thì họ có thể tổ chức thi tuyển nhưng đối với những trường mà chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký thi vào không quá chênh lệch, thậm chí ngang bằng thì người ta có thể áp dụng hình thức ghi danh và lựa chọn hồ sơ?

- Trước mắt thì chưa nên, nếu như vậy thì lại rơi vào tình trạng các trường tuyển lung tung. Có trường khi tổ chức thi, chỉ 2-3 điểm đỗ, cũng tự bảo mình tổ chức tuyển vì hiện nay có trường số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn mức nhận tuyển. Nếu mình chấp nhận như vậy thì lại quá dễ dãi và ảnh hưởng đến chất lượng. Như vậy là thiệt cho nhân dân, thiệt cho người học.

Vậy phải chăng chúng ta nên quay lại mô hình mỗi trường tự tổ chức tuyển sinh như trước đây thực hiện?

- Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại hình thức các trường tự làm, tự quyết định tuyển sinh. Bên cạnh đó, những gì tốt đẹp của “3 chung” thì nên sử dụng lại. Ví dụ: Các trường có thể dùng đề thi chung của nhóm trường chứ không dùng đề chung cấp quốc gia nữa. Chung ở đây có nghĩa là tự nguyện.

Còn thời gian tuyển sinh của các trường như thế nào thưa giáo sư?

- Tôi nghĩ, không nên bắt các trường thi vào một đợt, một ngày. Nên để các trường được lựa chọn thời gian tuyển sinh. Các trường thực hiện tuyển sinh cũng phải có thời điểm như thời điểm sau khi học sinh thi tốt nghiệp phổ thông, có thời gian nhất định chuẩn bị hồ sơ, các trường có thời gian chuẩn bị tổ chức, chấm thi... tuyển sinh và khai giảng vào thời gian quy định. Như vậy sự xê dịch ở đây không lớn nhưng các trường có thể chọn ngày.

Giáo sư có thể nói rõ hơn về giao quyền tự chủ cho các trường?

- Tự chủ và tự chịu trách nhiệm, chủ trương này nói từ lâu nhưng nếu thực hiện không thể áp dụng tự chủ cho các trường như nhau mà căn cứ vào vị trí, năng lực của trường đó. Giữa trường công lập và tư thục hoạt động khác nhau nên tự chủ cũng phải khác nhau. Tự chủ chia làm hai việc: Thứ nhất, tự chủ chuyên môn áp dụng giống nhau như nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo, liên kết đào tạo. Thứ hai, tự chủ tài chính và nhân lực giữa các trường khác nhau vì một bên Nhà nước làm chủ, tiền ngân sách, một bên tư nhân làm chủ.
Do vậy, muốn có quy định cụ thể về tự chủ, phải phân loại cụ thể từng trường theo vị trí khác nhau. Ví dụ: Trường ĐH vùng khác với ĐH ngoài công lập, khác với ĐH công lập...

Xin cảm ơn giáo sư!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét