Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Nâng tầm cao người Việt: Mục tiêu quá tầm?


Thủ tướng mới phê duyệt chiến lược phát triển chiều cao người Việt đến năm 2020. Điểm qua y văn trong và ngoài nước, tôi thấy mục tiêu này khó khả thi, và giả định về tuổi thọ cũng có thể sai. Theo số liệu chính thức, tuổi thọ trung bình của người Việt đã là 75.5 tuổi, vậy tại sao đặt mục tiêu đến năm 2020 "nâng" tuổi thọ lên 75 tuổi? Sau đây là vài ý kiến và dữ liệu thực tế.


Theo chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam vừa được thủ tướng phê chuẩn, đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên sẽ từ 165 cm, tăng thêm 4 cm so với hiện nay.  Ngoài ra, chiến lược cũng đề ra mục tiêu tăng tuổi thọ trung bình dân số lên 75 tuổi (hiện nay là 73). Không rõ biện pháp để đạt được những mục tiêu này ra sao, nhưng tôi thấy hình như chúng ta đã đặt một mục tiêu quá tầm, và cơ sở khoa học cho những mục tiêu trên vẫn còn là một dấu hỏi, cần phải bàn thêm.

Tính khả thi: thấp

Chiều cao con người là một đặc điểm nhân trắc phức tạp. Tính phức tạp nằm ở chỗ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, kể cả gene và dinh dưỡng. Theo nghiên cứu di truyền của người viết bài này và nhiều nhóm khác trên thế giới, các yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến độ khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân từ 60% đến 80%. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy khoảng 20% đến 40% sự khác biệt về chiều cao là do yếu tố môi trường, chủ yếu là dinh dưỡng.

 

Đến năm 2020, phấn đấu chiều cao trung bình của thanh niên từ 1,65m. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy tăng chiều cao bằng can thiệp về dinh dưỡng là khả dĩ, nhưng ảnh hưởng của dinh dưỡng đến một quần thể, một cộng đồng có thể nói là khá khiêm tốn.

Nói chung, chiều cao con người tăng theo thời gian. Thế hệ sau gần như đều có chiều cao cao hơn thế hệ trước. Con trai thường có chiều cao cao hơn cha, và nữ thường có chiều cao cao hơn mẹ. Xu hướng tăng chiều cao gần như là một qui luật chung của tiến hóa, xảy ra ở bất cứ quần thể nào, và thời gian nào (ngoại trừ thời chiến tranh và đói khát). Một phân tích qui mô trên 364,538 người trong 45 quốc gia gần đây cho thấy mỗi năm, chiều cao tăng khoảng 0.13 cm mỗi năm [1].

Một số nghiên cứu khác có thể tóm lược như sau:

: Một nghiên cứu công phu có tên là Fels Study cho thấy sau 50 năm, chiều cao người Mĩ chỉ tăng 4.8 cm [2].

Hà Lan: Nghiên cứu trên nam và nữ 21 tuổi, chiều cao nam giới tăng từ 182 cm vào năm 1980 lên 184 cm vào năm 1997.  Ở nữ, trong cùng thời gian, chiều cao cũng tăng từ 168.3 cm lên 170.6 cm. Nói cách khác, trong vòng 17 năm, chiều cao tăng khoảng 2 cm ở nam và 2.3 cm ở nữ [3].


Trung Quốc: Một nghiên cứu ở Trung Quốc [4] cho thấy trong 3 thập niên, chiều cao thiếu niên Trung Quốc chỉ tăng 5.3 cm (thành thị) và 5 cm (nông thôn), tức khoảng 1.7 cm trên 10 năm.

Nhật: Mới đây, một tổng quan khác của Tiến sĩ Tim Cole, người chuyên nghiên cứu chiều cao và cũng là chỗ quen biết của tôi, cho biết trong vòng 40 năm (1950 - 1990), chiều cao thanh niên Nhật chỉ tăng 4 cm [5].

Việt Nam: Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng trên những người 16-60 tuổi cho thấy trong 30 năm 1976-2006, chiều cao ở nam tuổi từ 16-25 tăng 2.7 cm trên 10 năm [6].  Nói cách khác, cứ 10 năm thì chiều cao thanh niên Việt tăng 2.7 cm.  Một nghiên cứu chưa công bố ở Thành phố Hồ Chí Minh [7] cho biết trong thời gian 2004 - 2009, chiều cao nam 18 tuổi tăng 1.2 đến 2.4 cm, nhưng ở nữ thì không tăng!

Những kết quả trên có thể so sánh trong biểu đồ dưới đây. Như có thể thấy, so với các nước trên thế giới, chiều cao ở người Việt tăng thuộc vào hạng cao nhất thế giới. Rất khó có thể giải thích tại sao số liệu của Việt Nam lại quá khác biệt so với các nước trên thế giới, nhưng yếu tố chất lượng dữ liệu có thể là một vấn đề.



Từ nay đến năm 2020 chỉ 9 năm. Trong vòng 9 năm, chiến lược phát triển nhân lực đặt mục tiêu tăng chiều cao đến 4 cm. Nhưng có thể nhìn qua những kết quả trên, chưa có dân tộc nào có thể tăng chiều cao 4 cm trong vòng 10 năm. Chưa có một nước nào trên thế giới có tốc độ tăng trưởng cao như thế. Ngay cả báo cáo của Viện Dinh dưỡng và Trung tâm Dinh dưỡng cũng đã cao so với thế giới, nhưng cũng không cao như mục tiêu của chiến lược đặt ra.

Vấn đề giả định

Giả định của chiến lược phát triển nhân lực giả định rằng chiều cao thanh niên Việt Nam hiện nay là 161 cm. Nhưng tôi e rằng giả định này có vấn đề. Một số nghiên cứu của chúng tôi và đồng nghiệp trong nước trên khoảng 1000 nam và nữ tuổi từ 18 đến 30, chọn ngẫu nhiên từ các quận huyện, thì thấy như sau: Chiều cao trung bình ở nam giới là 169 cm (độ lệch chuẩn: 6.3 cm), và ở nữ giới là 156 cm (độ lệch chuẩn: 5.8 cm). Dân số Việt Nam trong độ tuổi trên có 49.5% là nam và 50.5% là nữ. Do đó, chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam hiện nay là khoảng 162 cm, tức cao hơn giả định khoảng 1 cm.

Chiến lược còn đề ra mục tiêu tăng tuổi thọ trung bình lên 75, và cho biết rằng hiện nay tuổi thọ trung bình là 73. Đây là một con số đáng nghi ngờ khác. Năm 2008, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tuổi thọ trung bình của người Việt là 72 (nữ cao hơn nam khoảng 4-5 tuổi). Nhưng năm 2009, tính toán của các chuyên gia UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt đã là 74.3 năm, đứng hàng 54 trên thế giới (xem nguồn ở đây).  Còn Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì cho rằng tuổi thọ trung bình năm 2009 là 74.6.  Nhưng năm 2010, một nguồn từ Việt Nam nói rằng tuổi thọ trung bình là 72.8. 

Nói tóm lại, số liệu về tuổi thọ trung bình của Việt Nam thấp hơn ước tính của các chuyên gia quốc tế. Số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê (xem biểu đồ dưới đây) cho biết tuổi thọ trung bình của người Việt đã là 75.5 vào năm 2010.  nguồn khác là Nếu tuổi thọ trung bình hiện nay là 74.6 thì chúng ta đã xấp xỉ tuổi 75 rồi! Đặt ra mục tiêu 75 tuổi cho 9 năm tới có phải thiếu thực tế?

Biểu đồ 2. Tuổi thọ trung bình của người Việt từ 1950 đến 2100. Đường màu tím là nữ, màu xanh là nam, và màu đỏ là trung bình cho nam và nữ. Theo số liệu chính thức này thì năm 2010 tuổi thọ trung bình của người Việt là 75.5 tuổi (nữ 77.4 và nam 73.4). Nguồn: Tổng cục Thống kê. Ấy thế mà chiến lược chính phủ đề ra là năm 2020 sẽ "nâng" (hay giảm?) tuổi thọ lên 75 tuổi!

Tóm lại, những dữ liệu trong y văn cho thấy chiều cao trung bình của một quần thể tăng theo hàm số tuyến tính. Xu hướng này hiện hữu từ thế kỉ 19. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự tăng trưởng chiều cao chính là phát triển kinh tế, và dinh dưỡng là một thành tố số 1. Những phân tích trên cho thấy mục tiêu tăng chiều cao trong 9 năm tới có lẽ rất khó khả thi (vì chưa có sắc dân nào có thể tăng chiều cao 4 cm trong vòng 10 năm).
Ngoài ra, giả định về chiều cao và tuổi thọ hiện tại có lẽ cũng cần xem xét lại cẩn thận để đề ra một mục tiêu thực tế và tính khả thi cao hơn.

Tham khảo:

[1] Subramanian SV, et al. PLoS 20/4/2011
[2] Roche AF. Growth, Maturation, and Body Composition: The Fels Longitudinal Study 1929-1991. DOI: 10.1017/CBO9780511661655
[3] Cole TJ. Proc Nutr Soc 2000; 59:317-324.
[4] Zong XN, et al. Am  J Hum  Biol 2011 (in press).
[5] Cole TJ. Economics & Human Biology 2003; 1: 161-168.
[6] Nguyen Cong Khan, et al. Asia Pac J Clin Nutr 2010;19:412-416.
[7] Nam sinh THPT TP.HCM 5 năm cao thêm 1,2-2,4 cm. http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/435420/Nam-sinh-THPT-TPHCM-5-nam-cao-them-12-24-cm.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét