Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Chúc mừng nghiên cứu sinh!

Lâu lâu mới có dịp viết vài dòng để chúc mừng nghiên cứu sinh. Hôm nay là một dịp lí tưởng để viết vài dòng chúc mừng một nghiên cứu sinh của tôi mới được chấp nhận học vị tiến sĩ.



Nghiên cứu sinh được vinh dự đó là Trần Hoàng Ngọc Bích, đã theo học trong nhóm của tôi cũng khoảng 4 năm qua. Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, Bích đã hoàn tất luận án về di truyền trong loãng xương, với đặc biệt nghiên cứu gien FTO, COLIA1 và LRP5. Bốn công trình đã công bố trên các tập san hàng đầu trong ngành, 3 công trình đang hay sắp nộp. Luận án >300 trang bao gồm 10 chương (1 chương tổng quan, 1 chương phương pháp, 7 chương kết quả và 1 chương kết luận) được examiners đánh giá là “impressive”. Sau 3 tháng bình duyệt, 3 examiners đưa ra một loạt nhận xét và phê bình. Examiner 1 là một giáo sư về di truyền học ở Queensland quá hài lòng với luận án và chẳng bắt bẽ gì, ngoài trừ một loạt lỗi … chính tả. Examiner 2 là một giáo sư Thụy Sĩ rất “đình đám” trong ngành di truyền về xương cũng rất ấn tượng với luận án, toàn khen, chỉ chê hai chỗ chưa rõ ràng. Examiner 3 là một giáo sư di truyền loãng xương rất nổi tiếng ở Anh thì khó khăn hơn, trong 3 trang bình luận và nhận xét ông ấy than phiền có vài chỗ ông ấy không hiểu (về gene-gene interactions), bắt phải giải thích thêm và thậm chí phân tích thêm cho ông ấy thấy mới tin. Nhưng tất cả examiner đều đồng ý rằng luận án “impressive”. Thế là thêm 2 tuần trả lời những phê bình và nhận xét đó. Và, hội đồng khoa bảng của UNSW mới họp xong, và sau cùng đã thông qua và chấp nhận. Sáng nay, Khoa trưởng Khoa sau đại học của UNSW gửi lá thư thông bào đến Bích và cho tôi. Lá thư viết vỏn vẹn như sau:

Dear student,

Congratulations! The University has approved your admission to the degree of Ph.D..

A letter confirming this will be sent to you soon. You will also be sent details of your graduation ceremony when the date has been scheduled. Please ensure that you have submitted the bound library copy and the electronic copy of your thesis have been submitted two weeks before your ceremony date. The University requires that both of these are lodged before your testamur can be presented to you.

Please note that this email has been copied to your Supervisor and an administrator within your School for their information.

Yours sincerely

Dean of Graduate Research

Hồi xưa, họ không có lá thư này, mà chỉ có lá thư chính thức. Nay thì họ có qui trình mới mà tôi nghĩ là tốt hơn trước. Theo qui trình này, nghiên cứu sinh phải nộp luận án bản draft (tức chưa đóng bìa) để gửi đi cho các examiner nhận xét, rồi sau đó phải sửa theo nhận xét (vì không có luận án nào được chấp nhận mà không sửa!) mới đóng thành tập và nộp cho trường làm hồ sơ.

Bích là một trong những nghiên cứu thành công nhất của nhóm tôi. Trong thời gian theo học và nghiên cứu, Bích chẳng những công bố nhiều công trình nghiên cứu, mà còn đoạt 2 giải thưởng quan trọng là Young Investigator Award của Hội nghiên cứu loãng xương Hoa Kì (ASBMR), và giải thưởng Christine and T J Martin Award của Hội Loãng xương Úc và Hội loãng xương Quốc tế (IBMS). Hai giải này rất danh giá. Giải của ASBMR chỉ có 500 USD nhưng có giá trị còn cao hơn giải của IBMS có giá trị 15,000 USD. Ngoài ra, chị ta còn chiếm một loạt gần 10 giải thưởng cho đi dự hội nghị và làm việc trong các lab từ Âu châu, Úc châu đến Mĩ. Có thể nói Bích là một trong những niềm tự hào của nhóm tôi và cá nhân tôi (người khác là Bs Nguyễn Đình Nguyên, chiếm một loạt 3 giải thưởng quốc tế).

Tôi không nhớ rõ bối cảnh Bích xin vào học, nhưng chỉ nhớ nói chuyện qua điện thoại và tôi hơi ngại. Ngại một phần là không biết chị này “làm ăn” ra sao vì tiếng Anh cũng còn hạn chế lắm (lúc đó Bích sang Úc được vài năm gì đó và mới học xong masters từ UNSW) mà tiền thì chẳng có một xu nào. Tôi bàn với HDC của Garvan, thì họ nói “Phải nói thẳng cho cô ấy biết là nếu không có scholarship thì Garvan không có cho đồng nào đâu”. Họ còn nói học masters đơn thuần thì chưa thể chấp nhận cho học PhD được. (Thật vậy, Bích phải tiêu ra gần 1 năm trời để chứng minh khả năng có thể theo đuổi học PhD rồi sau đó mới chính thức trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ). Tôi hỏi đi hỏi lại là có ok không, học PhD là cực lắm chứ chẳng chơi, và không có chuyện đi làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập (vì không bao giờ có thì giờ làm chuyện đó). Điều tôi nhớ là khi tôi nói gì chị ta cứ “dạ” mà chẳng có bàn gì cả, càng làm tôi hồi hộp, không biết mai mốt sẽ làm ăn như thế nào để sống sót trong môi trường cạnh tranh khoa học như thế này. Nhưng thấy Bích có quyết tâm, nên tôi bàn với co-supervisor là “nhắm mắt” nhận đi. Hóa ra cái quyết định nhắm mắt đó lại là một quyết định sáng suốt! Thế là Bích theo học trong trường St Vincent's Clinical School của chúng tôi. Là nghiên cứu sinh ham học, chịu khó làm việc, Bích phân tích cả chục gen trên hàng ngàn bệnh nhân, rồi còn phải học thêm về bone density, gene sequence và bioinformatics. Chúng tôi rất hài lòng với những thành tựu của Bích.

Nay thì Trần Hoàng Ngọc Bích đã chính thức được gọi là “Doctor”. Tôi viết những dòng này một mặt là chúc mừng học trò mà có khi tôi xem như con cháu (vì cỡ tuổi cháu gái tôi), mặt khác cũng là một vài chia sẻ vài thông tin về cách học PhD bên này mà các bạn đang có ý định theo học trong nhóm của tôi tại Garvan chắc cũng cần biết.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét