Nhìn qua đồng hồ đếm lượt khách ghé thăm trang nhà tôi mới biết đã có 2 triệu lượt khách ghé thăm. Trước đây, nhân cái mốc 1 triệu tôi có lời cám ơn, và nay cái mốc mới này, tôi muốn có vài lời cảm tạ bạn đọc xa gần đã ghé thăm “tệ xá”.
Thế là trang nhà nguyenvantuan.net đã có 2 triệu lượt ghé thăm. Trong thực tế thì con số có lẽ nhiều hơn, bởi vì có một thời gian ngắn website bị đánh sập và tôi có lúc không còn muốn dựng lại, cũng chẳng còn hứng thú cập nhật hóa, định bỏ cuộc chơi. Nhưng nhờ sự động viên (nghe sao cách mạng quá!) của bạn đọc xa gần nên tôi lại tham dự cuộc chơi. Tính từ hôm 16/5/2010 đến nay là 345 ngày (tức chưa đầy 1 năm). Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 5800 lượt khách ghé thăm. Cố nhiên, cách tính trung bình như thế có tính … ăn gian. Bởi vì trong thực tế, lượng ghé thăm tăng và giảm (nói chung là tăng) theo thời gian, nên tính trung bình như thế không hẳn hợp lí. Tuy nhiên, trong thời gian khoảng 6 tháng gần đây thì số lượt khách ghé thăm trang nhà dao động từ 5000 đến 6000 khách, còn số lượt ghé thăm thì từ 7000 đến 10000. Mấy con số đó thọat đầu nghe qua có vẻ cao, nhưng thật ra chẳng là gì so với các trang web và blog nổi tiếng khác như quechoa của bác Nguyễn Quang Lập, hay trang blog của bác Nguyễn Xuân Diện. Nhưng tệ xá nhỏ bé như thế này mà được nhiều bạn bè khắp năm châu bốn biển chiếu cố như thế thì tôi thấy hạnh phúc rồi. Thành thật cám ơn các bạn!
Qua trong web này tôi đã quen biết bao nhiêu bạn ngoài đời. Nó cũng là phương tiện giúp tôi nối kết với bạn cũ mà còn quen biết thêm nhiều bạn mới trong và ngoài nước. Năm ngoái tôi gặp lại anh bạn cũ đã vắng bóng cả 30 năm cũng nhờ qua trang web cá nhân này. Ngày xưa tôi từng giúp nhiều nghiên cứu sinh bên Nhật mà không hề biết mặt, nhưng đến khi về nước làm việc thì mới gặp lại họ và đều là quan chức cao cấp trong bệnh viện. Gần đây, có một kỉ niệm đáng nhớ và cảm động là một anh nghiên cứu sinh tiến sĩ bên Trung Quốc, chỉ qua trang web, anh liên lạc tôi về một chuyện học hành, và chúng tôi (tôi và Nguyên) giúp anh ấy làm xong một công trình về meta-analysis như là một phần trong chương trình học, và bảo vệ luận án xuất sắc. Đến khi tôi về giảng ở Đại học Y Hà Nội hồi đầu năm nay, tôi gặp anh, tay bắt mặt mừng như đã biết nhau từ thuở nào. Tôi vẫn còn giữ cái caravat anh tặng cho như là một kỉ niệm đẹp.
Một kỉ niệm đẹp khác là tôi quen với vài người trên … đường phố! Có không ít người biết tôi chỉ qua trang web, và sau này tình cờ gặp nhau ngoài đời. Mấy tuần trước, tôi lang thang bên Hồ Hoàn Kiếm một buổi chiều, và thấy một anh chạy bộ (chắc đang tập thể dục) cứ nhìn tôi và anh đã đi xa rồi nhưng vẫn ngoái cổ nhìn tôi. Tôi đoán chắc anh ta là bạn đọc trang nhà này. Năm ngoái, tôi tình cờ gặp một anh ở khu Tràng Tiền (Hà Nội) và bàn chuyện nghiên cứu chất độc da cam. Hay như hôm về Mỹ Tho và Bến Tre chơi, đi vào quán cà phê thì cũng có mấy người đang uống cà phê nhận ra tôi. Kể ra mấy kỉ niệm đó tôi không có ý nói mình là “người của công chúng” gì đâu (vì tôi không hề và không bao giờ muốn), mà chỉ để nói rằng thế giới mạng làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn.
Gần gũi không chỉ ngoài xã hội mà còn trong học thuật. Tôi biết có nhiều người ghé thăm trang web vì muốn có thông tin chuyên môn, hay các thông tin về các kĩ năng "bếp núc" như tiếng Anh, cách viết bài báo khoa học. Đã có ít nhất 5 em nghiên cứu sinh(tôi không thể nào nhớ hết) tìm được đề tài nghiên cứu qua những gì tôi và đồng nghiệp làm và công bố trên trang web này. Có đề tài rất thiết thực như tiên lượng bệnh tiểu đường, leptin, vitamin D. Chỉ có điều hơi buồn là sau khi các em ấy có đề tài, có ý tưởng rồi, họ "biến" mất. Không hề có một lời cám ơn, cũng chẳng có cập nhật hóa gì cả. Hình như người ta chỉ cần mình và xong việc thì biến mất luôn. Tôi đoán chắc các em ấy bận quá. Nhưng không phải ai cũng "quên" như vậy. Hai tuần trước, có em nghiên cứu sinh bên Âu châu viết một cách cảm động (suýt làm tôi rơi nước mắt), cám ơn tôi. Điều trớ trêu là tôi chẳng có giúp gì cho em cả. Tất cả chỉ vì em ấy download mấy bài chỉ dẫn viết bài báo khoa học mà em đã hoàn tất 2 bài báo và có thể bảo vệ luận án. Đây cũng chính là một trong những động cơ để người viết entry này tiếp tục "cuộc chơi", và trong tương lai sẽ dành một phần không nhỏ cho các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh.
Trang web này chẳng biết cơ duyên nào mà trở thành nơi phản biện một số vấn đề thời sự. Từ chuyện giáo dục, y tế, đường sắt cao tốc, sông Mekong, đến chuyện vật lí (chẳng liên quan gì đến tôi). Bạn đọc tin tưởng và gửi bài để tôi công bố. Tôi hi vọng trong tương lai các bạn sẽ ủng hộ bằng cách gửi bài cho tôi đăng và chia sẻ cùng bạn đọc xa gần. Tuy không giảng dạy thường xuyên, nhưng tôi rất quan tâm đến giáo dục. Tuy không ở trong nước, nhưng tôi lúc nào cũng đau đáu nhìn về quê nhà với những bài viết và góp ý chân tình. Rất có thể cách tôi diễn đạt trong những bài phản biện và góp ý đó chưa theo phong cách ở trong nước (tức nói bóng gió, nói gián tiếp), nhưng tôi có thể nói là không có ý gì xúc phạm ai cả. Quen với văn phong khoa học (nói cái gì là phải cụ thể và có chứng cứ) nên khi viết bài phản biện tôi cũng rất cụ thể (như nêu tên sự việc và đương sự) và đã gây ra không ít phản đối ngầm trong những người có chức có quyền. Sau này tôi được biết đó là việc nêu sự việc và đương sự cụ thể là một điều cấm kị ở trong nước! Như thế là có mâu thuẫn giữa văn phong khoa học và những gì được/không được chấp nhận ở Việt Nam!
Tôi có may mắn nho nhỏ là nhiều bạn đọc ghé qua và góp ý, trao đổi. Có người cung cấp thông tin, và yêu cầu bình luận. Có người chỉ đơn giản ghé qua và ghi cảm nhận. Cảm nhận tích cực thì có nhiều. Nhưng cảm nhận tiêu cực cũng có, tuy hơi ít. Có người viết cho tôi chửi bới rất thậm tệ, chê rằng tôi dốt tiếng Việt, tồi tiếng Anh, mà tài khôn lên lớp người khác. Nhưng nói chung, tôi nhận được nhiều bình luận tích cực. Có người rất chân tình, chỉ ra những lỗi chính tả, dấu hỏi ngã, này nọ để tôi chỉnh sửa ngay. Thật không biết nói gì hơn là nhân dịp này tôi một lần nữa cám ơn các bạn đọc đó đã giúp cho những bài trên trang web tốt hơn.
Qua những thư từ thăm hỏi và trao đổi tôi thấy có 3 dạng giao tiếp chính. Cách giao tiếp thứ nhất là lịch sự, có qui củ. Những người này xưng tên họ và có khi là nơi công tác đàng hoàng, và họ cũng rất lịch sự hỏi han hay phê phán. Nhóm thứ hai là những người không hề xưng tên và viết rất … khó đọc. Tôi đoán họ là những thanh niên, hay sinh viên chưa quen biết với cách thức giao tiếp bằng thư từ và văn bản, nên cũng bỏ qua. Tuy nhiên, khi thấy nhiều quá thì tôi lờ đi, vì nghĩ là … hết thuốc chữa rồi. Nhóm thứ ba là những người phá. Họ dĩ nhiên là chẳng xưng tên họ, ghi địa chỉ email bậy bạ. Nhóm này thì không cần bàn đến. Lại có một vài email mà đọc lên tôi cứ cười hoài. Đó là những email viết cho tôi với cách xưng tên như “Ông Tuấn”, “Ông Nguyễn Văn Tuấn” (chữ ông được viết hoa) làm ra vẻ rất trịnh trọng nhưng mang tính “hình sự”, làm tôi cười ngất vì tôi thấy có cái gì không thật trong cách xưng hô như thế. Tôi ghét danh xưng. Tôi nhận ra một điều là hình như người mình, nhất là thế hệ trẻ bây giờ, thiếu kĩ năng giao tiếp. Tôi tự hỏi nếu họ làm đơn xin đi học, xin học bổng, mà không biết viết cho lịch sự thì khả năng thành công sẽ rất thấp. Có lẽ cần phải huấn luyện kĩ năng này cho giới trẻ.
Hai triệu lượt ghé thăm tuy không phải là con số cao, nhưng nó nói lên một phần mối quan tâm của bạn đọc về các vấn đề khoa học và giáo dục. Thật vậy, khi phân tích số lượt truy cập các bài viết thì hơn 60% là liên quan đến giáo dục và khoa học. Đó cũng là những chuyện "gần trái tim" tôi. Cũng xin "khoe" trước là một số bài viết của tôi liên quan đến giáo dục đại học sẽ được tập hợp thành một cuốn sách và sẽ xuất bản hi vọng là trong năm nay. Vậy, nhân dịp 2 triệu lượt khách ghé thăm, tôi muốn trước là nói lời cám ơn sự quan tâm của các bạn, sau là nhớ ủng hộ mua sách để giúp cho nhà xuất bản. :-).
NVT
PS. Bạn đọc gửi thư về thì nhiều, nhưng chỉ xin trích vài thư mà tôi cho là "tình cảm":
Cháu là […] sống ở Hà Nội. Là sinh viên (sắp tốt nghiệp) cháu thấy may mắn khi biết đến blog rồi trang web của bác vì nó cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết cho cháu. Là một độc giả thường xuyên của bác hơn một năm nay, cháu luôn theo dõi các bài viết mới và đã chịu khó đọc hết các bài viết cũ trước khi cháu biết đến trang blog cũ. Đọc các bài viết của bác, cháu đã tập cho mình thói quen phê phán và cảnh giác với các bài viết khoa học (chủ yếu là từ Việt Nam) và cháu thấy quả thật tinh thần khoa học của những người viết không chuyên như nhà báo hay thậm chí là một số giảng viên cháu đang theo học thật đáng báo động. […] Cháu còn ngổn ngang những thắc mắc về cách viết nhưng xin bác chỉ giùm cháu những thắc mắc cơ bản trên. Có thể cháu sẽ vỡ ra nhiều điều khác qua phản hồi của bác. Cháu cũng thử tìm những thắc mắc này trên internet (bằng tiếng Việt) nhưng chưa thấy bài nào có ích cả. Có lẽ người Việt Nam chưa có thói quen này và nếu vậy thì cháu nghĩ có nhiều người khác cũng cần được đả thông về vấn đề này. TT |
Dear chú Tuấn, […] Cháu được biết chú từ khá lâu rồi. Tình cờ thôi khi mà cháu đang tiềm kiếm trên internet một số thông tin về y học để chuẩn bị viết đề cương tốt nghiệp. Thời đại ngày nay, ở VN ta ngày càng có nhiều "học giả" về rất nhiều lĩnh vực kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật, sư phạm, y tế ... Những học giả này đều "thành danh" và đi lên từ con đường "học giả" của mình. Đó là mốt trong thời đại ngày nay chú ạ (ở VN thôi), nếu không như vậy, không theo phong trào thì mình sẽ mau chóng bị lạc hậu, tụt lại đằng sau trước sự " phát triển" như vũ bão của thời đại. Điều đáng nói ở đây là cháu cũng là một "học giả" như vậy. Một thực tế không thể phủ nhận chú ạ. Chú đừng có nhắm mắt lại và thở một hơi dài sau đó thốt lên rằng "thật đáng báo động, thật đáng buồn" chú nhé. Làm như vậy chú sẽ nhanh "già đi" và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sáng tạo của chú vì chú sẽ phải làm thế rất rất nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm, khi ấy sức khỏe của chú sẽ giảm, sự sáng tạo và đóng góp của chú ngày một ít đi ( biết đâu) lúc ấy cháu lại thêm một lỗi nữa với bản thân,gia đình và với cả một thế hệ nữa ... Hôm nay, viết những lời này tâm sự với chú với hy vọng cho lòng khuây khỏa, để vơi bớt đi những nỗi niềm cứ dằn vặt bản thân cháu bấy lâu nay. Có lòng nhưng bất lực vừa là do khả năng có hạn ( tri thức và tài chính), vừa là do dòng đời xô đẩy, xã hội cuốn theo. Cánh bèo yếu ớt làm gì để vượt qua phong ba, vượt qua bản thân đây? Mong ở chú một lời khuyên, một định hướng để con thuyền trở lại, vượt lên và vượt qua...Mong sớm nhận hồi âm từ nơi chú nhé. Chúc chú và gia đình mãi khỏe, mãi sáng tạo, mãi thành công và mãi quan tâm đến quê hương, dìu dắt đến thế hệ đằng sau chú ! PVT |
Thân gởi anh Tuấn, Tui tới Songkhla mùa hè năm 80 sau hơn nửa tháng trốn chui nhủi vòng vòng khu chợ Cà Mau chờ ngày ra Sông Đốc. 3 tháng SongKhla thật khó quên tuy khổ nhưng không có CA khu vực hỏi thăm. Lúc đó Nhật Tiến còn ở đó một thời gian ngắn trước khi rời trại và Trưởng ban Báo chí là GS Lý Hóa Lý Khánh Hồng mà tui nhớ hồi TH có học sách Giáo khoa Lý Hóa của nhóm ông ấy soạn. (Tui là dân trường Tỉnh). Đọc những ghi nhớ của TS Tuấn về thăm VN cùng bài của GS Nguyễn Đăng Hưng thấy ở đâu cũng vậy. Tui về Tây Ninh vài lần, cảnh cũ mất nhiều,đời sống dân nghèo(quê) không thấy khác,ngoại trừ thanh phố thì nhà cửa xây vô trật tự.Nhiều lặt vặt khó khăn, thôi thì"nín thở qua sông" đợi ngày về Mỹ lại. Lần nào tui về thăm ông già đau nên đi vô, đi ra chỉ 7-8 ngày, không biết VN nhiều nên không dám bình luận. Nhiều khi thấy mình như đám lục bình trôi nổi xa, không biết lúc nào vướng vào đâu. Một lần nữa,cám ơn TS Tuấn (Tui cũng nhớ ơn Talawas, Da Màu, Gió O, Diễn đàn) đã cho nhiều tin tức đề tài mà chỉ 5 năm trước dể gì biết được mọi thứ về VN. Sẽ vào trang luôn và mong bài mới (càng linh tinh và càng miệt vườn càng tốt). LTĐ. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét