Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Không thể thành Phù Đổng trong 9 năm!

http://www.topnews.in/healthcare/sites/default/files/human-height.jpg
Đọc báo thấy thủ tướng mới phê duyệt chiến lược phát triển chiều cao người Việt đến năm 2020.  Đây là vấn đề y tế công cộng, khá chuyên môn, nhưng chẳng hiểu sao phải cần đến thủ tướng.  Nhưng quan trọng hơn, tôi thấy lấn cấn về cơ sở khoa học của chiến lược này, và tính khả thi của dự án rất thấp. Tôi có lí do để nói rằng mục tiêu khó khả thi.


Cách đây 5 năm, Tổng cục Thể thao có một dự án nâng chiều cao người Việt tốn đến 444 tỉ đồng. Nhưng trong đề án đó có rất nhiều vấn đề về cơ sở khoa học và mục tiêu quá lãng mạn.  Mới đây, theo chiến lược do thủ tướng phê chuẩn, “Đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên sẽ từ 1,65m; tăng thêm 4 cm so với hiện nay, tuổi thọ trung bình là 75 (hiện nay: 73).Có ba vấn đề cần phải bàn trong chiến lược này: đó là tuổi thọ trung bình, chiều cao, và tính khả thi của chiến lược nâng cao chiều cao trong vòng 9 năm.

Trước hết, chúng ta thử bàn về tuổi thọ trung bình. Từ số liệu trên, chúng ta có thể suy luận rằng tuổi thọ trung bình hiện nay là 73.  Con số này hợp lí không? 
 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thì tuổi thọ trung bình năm 2009 là 72.8 (nam 70.2 và nữ 75.6).  Như vậy, cũng có thể kì vọng năm nay, tuổi thọ trung bình là 73. 


Nhưng năm 2009, tính toán của các chuyên gia UNDP cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt đã là 74.3 năm, đứng hàng 54 trên thế giới (xem nguồn ở đây).  Còn World Bank thì cho rằng tuổi thọ trung bình năm 2009 là 74.6. 


So sánh hai nguồn thông tin trên cho thấy số liệu của Việt Nam thấp hơn ước tính của các chuyên gia quốc tế.  Chẳng biết phía nào tính toán đúng, nhưng tôi nghĩ các chuyên gia UNDP và World Bank có kinh nghiệm hơn.  Nếu tuổi thọ trung bình hiện nay là 74.6 thì chúng ta đã xấp xỉ tuổi 75 rồi!  Do đó, dự án có thể đã sai ngay từ giả định!  Đặt ra mục tiêu 75 tuổi cho 9 năm tới để làm gì?  Tại sao không đặt mục tiêu 78 tuổi ? 


Vấn đề quan trọng hơn là giả định về chiều cao hiện nay. Cứ theo số liệu của dự án thì chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay là 161 cm (chẳng biết cho nam hay nữ, nhưng hãy giả định là trung bình cho 2 giới).  Nhưng tôi nghĩ con số này không hợp lí.  Tôi kiểm tra lại số liệu chúng tôi (tức là tôi và đồng nghiệp trong nước) làm nghiên cứu ở Việt Nam tuổi từ 18 đến 30, chọn ngẫu nhiên từ các quận huyện, thì thấy như sau: Chiều cao trung bình ở nam giới: 170 cm (độ lệch chuẩn: 6.3 cm), nữ giới 156 cm (độ lệch chuẩn: 5.8 cm), và trung bình cho nam và nữ là 162 cm (độ lệch chuẩn: 9.2 cm).  Tức là, số liệu thực tế cho thấy chiều cao hiện nay đã cao hơn giả định của dự án! 


Vấn đề kế tiếp là tính khả thi của việc tăng chiều cao. Từ nay đến năm 2020 chỉ 9 năm.  Trong vòng 9 năm, chúng ta có khả năng tăng chiều cao đến 4 cm không?  Dựa vào bằng chứng khoa học nào để đề ra chỉ tiêu như thế?  Chưa thấy văn bản dự án nên không thể bình luận được, nhưng dựa vào y văn từ Việt Nam và trên thế giới, tôi nghĩ rất khó hoàn thành mục tiêu tăng chiều cao.  Tôi nghĩ khó hoàn thành mục tiêu bởi vì y văn trong và ngoài nước cho thấy khó có thể tăng 4 cm trong vòng 10 năm.  Một số bằng chứng như sau: 


  • Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng [1] trên những người 16-60 tuổi cho thấy trong 30 năm 1976-2006, chiều cao ở nam tuổi từ 16-25 tăng 2.7 cm trên 10 năm.  Nói cách khác, cứ 10 năm thì chiều cao thanh niên Việt tăng 2.7 cm.  Thật ra, con số tăng này cũng đáng nghi ngờ, bởi vì tác giả chưa làm nghiên cứu prospective.
  • Trong thực tế, tỉ lệ tăng trưởng chắc còn thấp hơn.  Thật vậy, một nghiên cứu prospective ở Trung Quốc [2] cho thấy trong 3 thập niên, chiều cao thiếu niên Trung Quốc chỉ tăng 5.3 cm (thành thị) và 5 cm (nông thôn), tức khoảng 1.7 cm trên 10 năm.
  • Mới đây, một tổng quan khác của TJ Cole, người chuyên nghiên cứu chiều cao và cũng là chỗ quen biết của tôi, cho biết trong vòng 40 năm (1950 – 1990), chiều cao thanh niên Nhật chỉ tăng 4 cm.
  • Ở Mĩ, một nghiên cứu công phu có tên là Fels Study cho thấy sau 50 năm, chiều cao người Mĩ chỉ tăng 4.8 cm.  Do đó, với những dữ liệu trong y văn, tôi có lí do để đặt dấu hỏi về tính khả thi của chiến lược mà thủ tướng đã phê chuẩn.

Tóm lại những phân tích trên cho thấy mục tiêu tăng chiều cao trong 9 năm tới có lẽ rất khó khả thi, còn mục tiêu tăng tuổi thọ có cần thiết không khi mà chúng ta đang xấp xỉ mục tiêu đó.  Những thảo luận này làm tôi nhớ đến cách đây 5 năm, người ta có kế hoạch “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam” với kinh phí 444 tỉ đồng, và tôi có vài dòng bình luận.  Nay đọc bản tin này làm tôi nhớ chuyện xưa và phải nói một lần nữa, chúng ta không thể thành Phù đổng trong 9-10 năm được.  Không biết dự án mới này tốn bao nhiêu tiền của dân?   


Tham khảo:
[1] Nguyen Cong Khan, Ha Huy Tue, Le Bach Mai, Le Gia Vinh, Ha Huy Khoi. Secular trends in growth and nutritional status of Vietnamese adults in rural Red river delta after 30 years (1976-2006).  Asia Pac J Clin Nutr 2010;19:412-416.

[2] Xin-Nan Zong, Hui Li, Zong-Han Zhu. Secular trends in height and weight for healthy Han children aged 0–7 years in China, 1975–2005. Am  J Hum  Biol 2011 (in press).
[3] Tim J Cole. The secular trend in human physical growth: a biological view. Economics & Human Biology 2003; 1: 161-168.

Xem thêm: Không thể thành Phù Đổng trong 20 năm!

Ghi thêm:  Một bản tin chi tiết trên một trang web địa phương cung cấp thông tin cụ thể hơn.  Theo thông tin này thì đến năm 2020, chiều cao của nam đạt 167 cm và nữ 157 cm, nhưng không cho biết ở độ tuổi nào. Nếu là độ tuổi thanh niên thì chúng ta đã đạt rồi, cần gì đề ra mục tiêu?!  Nếu là toàn dân thì tính từ tuổi nào (chẳng lẽ tính từ lúc mới sinh ra?)  Kế đến là giả định nữ thấp hơn nam 10 cm là hoàn toàn sai. Không có cộng đồng dân số nào mà nữ thấp hơn nam đến 10 cm cả; trong thực tế mức độ khác biệt là 5 đến 7 cm mà thôi.  Chỉ những thông tin đơn giản này cũng cho thấy một dự án tốn nhiều tiền mà được xây dựng trên những cơ sở khoa học hết sức mong manh (nếu thật sự có cơ sở khoa học). Đó là chưa nói đến chiến lược và phương pháp can thiệp gì để nâng chiều cao của cả một dân số. Chẳng hiểu sao những dự án lớn của Nhà nước lúc nào cũng quá phiêu lưu và lãng mạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét