Thế là phiên tòa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã qua 11 ngày. Tính từ ngày 4/11/2010 đến nay, ông đã ngồi tù đúng 162 ngày. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Hiểu theo nghĩa đó, một trăm sáu mươi hai ngày trong tù là 162 ngàn năm ở ngoài.
Nói ra chắc cũng thừa, nhưng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thật sự là – nói theo tiếng Anh – một “controversial man”, một nhân vật gây ra nhiều tranh luận. Thật vậy, chẳng những quan điểm của ông gây ra nhiều tranh cãi, cách thể hiện quan điểm cũng có kẻ khen người chê, mà đặc biệt là phiên tòa xử ông mới tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi. Có thể nói ông được nhiều người đồng tình và ủng hộ hơn là chỉ trích. Người ta mến mộ ông là người mà hành động và suy nghĩ nhất quán nhau. Và, ông sẵn sàng chấp nhận hình phạt vì sự nhất quán đó.
Có người không “mặn mà” với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vì họ nói ông ngông. Tôi không quan tâm đến việc Tiến sĩ Hà Vũ ngông hay không, vì gọi tên cho một thái độ còn tùy thuộc vào cảm nhận cá nhân. Cái quan trọng là phải phân biệt được cá nhân và luận điểm. Có những bộ trưởng Úc là đồng tính luyến ái, đàn ông mà đeo bông tai, ăn nói “bạt mạng”, nhưng chẳng ai quan tâm đến những cá tính đó; người ta quan tâm đến phát biểu và chính sách của họ. Không phân biệt được cá nhân và quan điểm là dễ bị thuyết phục bởi ngụy biện, và sa đà vào những vấn đề làm lạc hướng luận điểm của cá nhân đó. Thật ra, người có tài thường có … tật. Cái tật của người tài, nhất là người có nghệ sĩ tính, chính là cái ngông và gàn. Thử nhìn các nghệ sĩ khi lên sân khấu: họ coi trời bằng vung. Nhiều người Việt có lẽ do ảnh hưởng văn hóa Khổng tử và truyền thống. không thích thái độ ngông và gàn, nhưng ở phương Tây thì chẳng ai quan tâm đến những chuyện như thế. Ở Úc này, luật sư và thường dân đâm đơn kiện thủ tướng, bộ trưởng là chuyện ... thường ngày. Nhớ lại hôm biểu tình chống chính sách cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu y khoa, một ông giáo sư ở bệnh viện Wesmead gọi thủ tướng Julia Gillard là "cô" và cảnh báo: "cô mà làm bậy là coi chừng năm tới sẽ không còn ngồi cái ghế đó nhé". Tất nhiên, bà Gillard nghe thì cũng cười thôi. Ông ấy có quyền nói, và bà thủ tướng có quyền ... nghe (còn làm hay không là chuyện khác!) Nhưng cái ngông, cái gàn của họ là những đặc điểm làm nên họ, chúng ta không có quyền gì đòi hỏi họ phải như chúng ta. Nếu trên thế giới này, ai cũng giống ai, ai cũng nói như nhau thì ... chán biết mấy. Cá nhân và cá tính tập hợp lại cấu tạo nên một xã hội sinh động và thú vị. Tôi từng nghe một nhà báo nói: Người nghệ sĩ mà không có cá tính là đáng vứt đi.
Lại có người nhận xét chung chung rằng quan điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thiếu tính thuyết phục, nhưng họ không nói quan điểm nào. Tôi đoán trong hàng trăm ý kiến của Tiến sĩ Hà Vũ chắc chắn có nhiều ý kiến không thuyết phục, thậm chí sai nếu nhìn dưới góc cạnh nào đó. Cũng là nhân vô thập toàn cả thôi. Một người thông thái nói trăm điều chắc chắn có 1 điều sai; ngược lại, một người điên nói trăm điều chắc cũng có 1 điều hay. Sai chỗ nào thì không biết, nhưng đối với những vấn đề mà tôi quan tâm thì quan điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn có lí và thuyết phục. Chẳng hạn như ông kêu gọi ghi công những người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa vì họ có công đánh trả quyết liệt và hi sinh một cách anh dũng chống lại bọn xâm lăng Trung Quốc trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Họ đáng được ghi công quá đi chứ. Nhưng nếu là người lớn lên sau 1975 bị nhồi nhét bằng những thông tin rằng ngụy quân ngụy quyền là xấu xa, ác ôn, tàn bạo, thì quả thật quan điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không thuyết phục.
Tiến sĩ Hà Vũ kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc. Ở hải ngoại trong 20 năm qua cũng đã có không ít người nghĩ đến chuyện này, nhưng có lẽ chưa ai nói một cách rành mạch và chân tình như Cù Huy Hà Vũ. Tôi đọc đi đọc lại hai ba lần bài trả lời phỏng vấn trên đài VOA (trích dưới đây), và lần nào cũng thấy dễ đồng cảm với tác giả. Nhưng tôi cũng thông cảm nếu một người chưa có kinh nghiệm phải liều mình bỏ quê hương ra đi trong nước mắt, chưa biết đến hàng trăm ngàn người vùi thân dưới đáy biển vĩnh viễn, chưa biết đến hàng ngàn ngôi mô hoang lạnh ở các đảo trong vùng Đông Nam Á, những người không có thân nhân bị tù đày và chết trong các trại tập trung, thì quan điểm hòa hợp hòa giải dân tộc của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chẳng những thiếu tính thuyết phục mà còn không cần thiết. Nhưng trong thực tế, những dao động lịch sử lại tạo nên một bộ phận trong cộng đồng dân tộc mà những phát biểu của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã chẳng những nói lên được nguyện vọng, mà còn phản ảnh một phần tình cảm của họ. Một số điểm quan trọng mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói trong bài phỏng vấn trên đài VOA có lí có tình, và cũng chính là những gì cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đề cập trước đây bằng một cách nói khác. Còn nhớ cố thủ tướng Kiệt nói chí lí rằng sau cuộc chiến có hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Một đất nước mà phân nửa dân số vui và phân nửa buồn thì không thể nào mạnh được. Nhưng chúng ta cần phải mạnh. Do đó, tôi thấy quan điểm của ông liên quan đến chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc, những quan tâm đến các vấn đề vĩ mô của đất nước rất thuyết phục; chẳng những thuyết phục, mà còn rất cần thiết.
Tôi mến mộ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Mến mộ một nhân vật đa tài và cương trực. Đồng cảm với những quan điểm của ông về các vấn đề xã hội và đất nước. Bây giờ thì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị tòa phạt tù vì một tội danh mà ông và rất nhiều người không đồng tình, không đồng ý. Ngay cả phiên tòa cũng còn tồn đong nhiều câu hỏi về tính công minh. Nhưng sự mến mộ của tôi dành cho ông vẫn không thay đổi. Tôi nghĩ ông xứng đáng được đối xử tốt hơn và công bằng hơn. Có lần nói chuyện với một anh bạn là đảng viên lâu năm và cựu sĩ quan trong quân đội, anh nhận xét rằng những người đi tù gần đây đều là trí thức và thành đạt. Anh còn nói hay là cần phải xem xét lại cách Nhà nước đã hành xử như thế nào mà những người ưu tú trong xã hội lần lược đều bị phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Tức là, họ bị phạt chỉ vì họ nói lên quan điểm cá nhân. Tôi chợt nhớ đến một tác gia người Mĩ là Evelyn Hall từng viết đại khái rằng tôi không ưa những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền anh được nói (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it). Có thể ai đó không thích, thậm chí ghét, những gì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phát biểu, nhưng cũng nên tỏ ra văn minh để bảo vệ quyền ông được phát biểu. Bởi thế, khi các thầy Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, và Nguyễn Thế Hùng kêu gọi trả tự do cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tôi sẵn sàng kí tên vào bản kiến nghị. Dù đoán trước rằng có lẽ bản kiến nghị cũng sẽ chẳng có ai trong Chính phủ quan tâm trả lời, nhưng tôi thấy vẫn cần thiết phải để lại một “chứng từ” trước sự kiện quan trọng này.
Ngày xưa ở miền Nam có phong trào Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism), tức ứng dụng các nguyên lí của Phật giáo để giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói rằng qua những việc làm và phát biểu của ông, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một trí thức dấn thân, một engaged intellect. Để dấn thân và giữ được tố chất trí thức cá nhân trong một môi trường có định hướng đồng hóa mọi người trong xã hội, tôi nghĩ đó là một thành công lớn nhất của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày kỉ niệm 30/4, chắc chắn sẽ có nhiều bài viết và ý kiến nhân dịp ngày lịch sử này, nhưng tôi thấy ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vẫn còn tính thời sự và đáng suy ngẫm.
NVT
===
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-war-a-perspective-from-hanoi-4-29-10-92469969.html
Huy Phương Thứ Năm, 29 tháng 4 2010
Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ
Hình: Cù Huy Hà Vũ
(trích)Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Việt Nam là một nước đa sắc tộc và người Việt chiếm tới 90% dân số, do đó cái tên Việt được các triều đại phong kiến Việt Nam dùng để chỉ cư dân và làm cơ sở để đặt tên nước như Đại Cù Việt, Đại Việt rồi Việt Nam.
Người Việt hiện nay còn được gọi là người Kinh. Còn tại sao có cái tên này thì chưa có nghiên cứu nào, từ điển nào đề cập. Nhưng theo tôi, cái tên “Kinh” là đặt theo tên của Kinh Dương Vương, thủy tổ của người Việt theo huyền sử và điều này chứng tỏ người Việt rất có ý thức về nguồn cội của mình.
Như vậy, có thể nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc thuần Việt suốt chiều dài lịch sử và chính đặc điểm “thuần Việt” này đã hình thành cho người Việt tư tưởng Một dân tộc, Một quốc gia hay Dân tộc đồng nhất với Quốc gia, để từ đó đi đến nguyên lý bất di bất dịch: không thể có độc lập dân tộc thực sự với một quốc gia bị chia cắt về lãnh thổ, hay độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất lãnh thổ quốc gia, thống nhất đất nước.
Cũng phải nói rõ rằng sự hình thành của người Việt miền Nam Việt Nam là do di dân từ Bắc Việt Nam xuống. Thực vậy, năm 1611, Chúa Nguyễn Hoàng là bề tôi Nhà Hậu Lê, đã từ Thuận Hoá, tức là Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế ngày nay, là nơi ông trấn thủ, thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên để mở rộng bờ cõi Đại Việt xuống phía Nam. Do đó, cái gốc Bắc của người Việt Miền Nam bản thân nó đã là một sự kháng cự khủng khiếp chống lại mọi toan tính hay hành vi chia cắt miền Nam khỏi miền Bắc. Nhà thơ Xuân Diệu, bác ruột và là cha nuôi tôi, trong cuộc diễn thuyết đầu tháng 12/1945 tại Hà Nội với tiêu đề không gì rõ hơn: “Miền Nam nước Việt và người Việt Miền Nam” kêu gọi thanh niên Miền Bắc gia nhập các đội quân Nam tiến để cùng “đồng bào” Nam bộ chống Pháp tái chiếm, đã nhắc tới cái đau đáu nguồn cội của những người Việt theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam bằng những câu thơ bất tử của Huỳnh Văn Nghệ: “Ai về Bắc ta theo với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Tóm lại, hệ tư tưởng của người Việt là Việt Nam là một thể thống nhất và vì vậy là sự phủ nhận chủ nghĩa ly khai. Tôi gọi hệ tư tưởng ấy của người Việt là chủ nghĩa Nhất thể Việt, tạm dịch là Vietnamunism, tương tự như chủ nghĩa Bài Ly Khai vậy.
Tôi cũng khẳng định rằng một dân tộc có hệ tư tưởng của riêng mình là bất diệt.
VOA: Lịch sử Việt Nam là sự đan xen của các cuộc chiến tranh vói nước ngoài và các cuộc nội chiến. Vậy liệu chủ nghĩa Nhất thể Việt hay chủ nghĩa Bài Ly Khai của người Việt mà ông vừa nói tới liệu có mâu thuẫn với các cuộc nội chiến không, thưa ông?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đúng là lịch sử Việt Nam không chỉ gồm các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và vệ quốc. Thế nhưng có một điều vô cùng đặc biệt và tưởng chừng mâu thuẫn là các cuộc nội chiến lại không dẫn đến sự chia cắt lãnh thổ mà ngược lại, củng cố sự thống nhất của quốc gia.
Thực vậy, các cuộc nội chiến đều nổ ra vào giai đoạn thoái trào của triều đình đương thời như một sự tất yếu để bầu chọn người lãnh đạo mới của quốc gia. Điều này là cốt tử đối với người Việt vì nếu không kịp thời thay thế triều đình suy vi thì Việt Nam sẽ là miếng mồi ngon cho phong kiến Trung Hoa. Nghĩa là “Nội chiến hay là Chết” trong bối cảnh Việt Nam luôn bị nước lớn phương Bắc này rình rập thôn tính.
Tóm lại, cần xem nội chiến như chất kháng thể có sẵn trong cơ thể quốc gia Việt Nam có chức năng can thiệp kịp thời để lành mạnh hoá cơ thể.
Cũng bởi đều nhằm tới sứ mạng quốc gia ấy nên không bên tham chiến nào có ý đồ cát cứ, ly khai dẫn tới chia cắt lãnh thổ quốc gia. Nghĩa là “được ăn cả, ngã về không” như cách nói dân gian và thỏa hiệp nếu có thì chỉ là tạm thời.
Điển hình cho quyết tâm nội chiến để duy trì và củng cố sự thống nhất quốc gia Việt Nam là Chúa Nguyễn Ánh. Sau khi đánh bại Chúa Trịnh rồi Triều Tây Sơn trong cuộc nội chiến nổ ra khi Triều Lê mạt vận, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế và để chứng tỏ thống nhất đất nước là mục tiêu tối thượng của cuộc chiến do ông tiến hành, đã ghép chữ đầu của Gia Định là thủ phủ Miền Nam với chữ cuối của Thăng Long là kinh đô Nhà Lê ở Miền Bắc để làm niên hiệu Gia Long.
Để nói thống nhất Bắc-Nam, thống nhất đất nước Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, là yêu cầu tối thượng của hệ tư tưởng của người Việt hay chủ nghĩa Nhất thể Việt và vì vậy là bất khả kháng. Do không hiểu được người Việt như thế nên Hoa Kỳ đã can thiệp quân sự nhằm duy trì Vĩ tuyến 17 chia đôi Việt Nam và thất bại là cái giá phải trả.
VOA: Vậy theo Tiến sĩ, chiến tranh Việt Nam kết thúc vào ngày 30/4/1975 là cuộc chiến của Hoa Kỳ hay là nội chiến giữa người Việt với người Việt?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Theo tôi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ được bắt đầu từ cuối cuộc chiến tranh của Pháp tại Đông Dương khi Hoa Kỳ quyết định tài trợ 80% chi phí cho cuộc chiến tranh này như đã đề cập. Tuy nhiên cuộc chiến tranh này của Hoa Kỳ lại dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người Việt. Vì vậy nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến là không sai nhưng đó chỉ là một cuộc chiến trong một cuộc chiến khác, cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ tiến hành.
Trên thực tế, giai đoạn sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973 theo Hiệp định Paris được các chuyên gia quốc tế gọi là giai đoạn “Việt nam hoá” chiến tranh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy tôi cho rằng ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời cũng là ngày kết thúc cuộc nội chiến giữa những người Việt.
VOA: Ông nghĩ sao về cách diễn đạt của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và nguyên cả bộ máy tuyên truyền cho rằng ngày 30/4/1975 là “Ngày giải phóng Miền Nam” ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Khi nói “giải phóng Miền Nam” thì không thể không xác định giải phóng Miền Nam khỏi ai, khỏi cái gì.
Trước hết, chắc chắn không phải “giải phóng Miền Nam” khỏi sự chiếm đóng của Hoa Kỳ vì ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản nhận sự đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh, đó chưa kể Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Miền Nam từ năm 1973 theo Hiệp định Paris.
Vậy chỉ còn khả năng “giải phóng Miền Nam” khỏi chế độ tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác – Lê nin. Tại thời điểm năm 1975 thì đúng là như vậy do có sự ngộ nhận của một bộ phận những người cộng sản Việt Nam, mà bằng chứng là các chiến dịch “cải tạo công thương nghiệp tư doanh” và “tập thể hoá nông nghiệp” trên cơ sở quốc hữu hoá cơ sở sản xuất, đất đai thuộc sở hữu tư nhân do chính quyền mới tiến hành ngay sau đó.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay thì quan niệm đó chắc chắn không chỉ là lỗi thời mà còn là phản động theo đúng nghĩa đen của từ này vì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
VOA: Ông có thể chứng minh điều này được không vì cho đến thời gian gần đây, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố kiên định với chủ nghĩa Xã hội?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê Nin là kinh tế Nhà nước chỉ huy hay kinh tế tập trung, kinh tế tư nhân được coi là “bóc lột người” bị loại trừ. Thế nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã phá sản tuyệt đối vào năm 1985 khi chính sách giá-lương-tiền của Chính phủ Việt Nam gây lạm phát tới 900%, dẫn đến kinh tế tư nhân hay kinh tế thị trường được Đảng cộng sản Việt Nam phục hồi tại Đại hội 6 của Đảng vào năm sau, 1986.
Nhưng phải đến năm 1990 thì chủ nghĩa tư bản mới được chính danh bằng Luật Công ty và doanh nghiệp tư nhân. Và Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra cách đây 4 năm đã hoàn tất công cuộc phá bỏ chủ nghĩa xã hội bằng cách chính thức cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, hai giai cấp được đảng Cộng sản Việt Nam coi là nòng cốt xây dựng chủ nghĩa xã hội và là đối tượng được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của chế độ này là công nhân và nông dân, Búa và Liềm ấy, hiện nay trên thực tế lại thuộc những người cùng khổ của xã hội, tựa những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã mô tả cách đây 90 năm trong báo Le Paria - Người cùng khổ.
Thực vậy, ở nhiều địa phương công nhân bị bóc lột và bị xúc phạm nhân phẩm thậm tệ, không có quyền đình công trên thực tế, còn nông dân thì bị chính quyền công nhiên chiếm đoạt đất đai, nguồn sống có thể nói là duy nhất của họ.
VOA: Nếu vậy tại sao ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố kiên định chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lê nin, thưa ông?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Sở dĩ có chuyện ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam nói một đằng, làm một nẻo là vì họ sợ mất quyền lợi của bản thân. Thực vậy, nếu chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa xã hội thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mất độc quyền lãnh đạo đất nước trong khi quyền lực lại là phương tiện làm giàu của đại đa số đảng viên có chức vụ.
Tóm lại, việc duy trì cho Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước không gì khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp của một nhóm nhỏ trong Đảng cộng sản Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa!
Do đó, để tránh cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam một sự sụp đổ như đã diễn ra với các chính thể cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều vì hành xử của tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân đáng tiếc là vẫn đậm chất nông dân theo đó cách mạng đồng nghĩa với trả thù, phục hận, cách duy nhất là mau chóng thực hiện chế độ đa đảng, điều mà Hiến pháp Việt Nam chưa bao giờ cấm và bản thân Hồ Chí Minh người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam đã chủ trương và thực hiện.
VOA: Nghĩa là Tiến sĩ cho rằng cách diễn đạt “Ngày giải phóng Miền Nam” theo ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và bộ máy tuyên truyền bây giờ là không đúng?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đúng như vậy và vì thế cần phải bỏ. Đó là chưa kể cách diễn đạt này dễ bị diễn giải thành “Miền Bắc thôn tính Miền Nam” và trong trường hợp đó lại trở thành mầm mống gây chia rẽ Bắc – Nam không chỉ trong nhân dân mà trước hết và ngay trong chính nội bộ những người cộng sản.
Mặt khác, không thể nào thực hiện được hoà hợp, hoà giải với những người Việt bên kia chiến tuyến như Nhà nước cộng sản Việt Nam chủ trương nếu Nhà nước này vẫn duy trì cách diễn đạt mang đậm chất “thắng – thua” như trên.
Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận tính lịch sử của ngày 30/4/1975 vì đó là ngày đất nước Việt Nam thống nhất sau 30 năm chiến tranh, độc lập dân tộc được Chính phủ Hồ Chí Minh mà phụ thân tôi, Cù Huy Cận là bộ trưởng thành viên, tuyên ngày 2/9/1945 đến lúc đó mới thực sự trọn vẹn.
So với những nước khác cũng bị Chiến tranh lạnh chia cắt thì đó dứt khoát là một kỳ tích của người Việt Nam. Thực vậy, mãi 14 năm sau bức tường Berlin mới sụp đổ còn bán đảo Triều Tiên thì chưa biết khi nào mới có thể chứng kiến Bàn Môn Điếm được tháo dỡ. Hoàn cảnh Trung Quốc và Đài Loan tuy có khác đôi chút, nhưng cũng vậy, chưa biết bao giờ mới chung một màu cờ.
Do đó “Ngày thống nhất đất nước” theo tôi là thích hợp nhất để diễn đạt ngày 30/4/1975 và cũng là trung thành với nguyên lý “Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước” của chủ nghĩa Nhất thể Việt hay hệ tư tưởng của người Việt.
VOA: Chúng tôi được biết vào tháng 3 vừa qua, Tiến sĩ có gửi lãnh đạo Nhà nước Việt Nam kiến nghị xây Đài tưởng niệm chung cho các chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Hoàng sa và Trường Sa, trong đó ông đề nghị tôn vinh các quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh bằng cách công nhận họ là liệt sĩ. Xin ông cho biết mục đích khi ông đã đưa ra sáng kiến này?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Thực lòng khi đưa ra Kiến nghị tôi không nhằm bất cứ mục đích chính trị nào mà chỉ đơn giản nghĩ rằng tất cả những ai đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đều có quyền được Nhà nước thay mặt nhân dân Việt Nam tri ân và tri ân một cách xứng đáng.
Trừ những kẻ phản bội Tổ quốc Việt Nam, không ai có quyền tước đoạt cái quyền thiêng liêng ấy của những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng sa, lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Tất nhiên khi Kiến nghị này được Nhà nước Việt Nam nghiêm túc thực hiện thì đó sẽ là sự khởi đầu quan trọng cho hòa hợp, hoà giải giữa những người Việt từng ở hai bờ chiến tuyến.
Nhưng để có được hoà hợp, hoà giải dân tộc thực sự và bền vững thì Nhà nước Việt Nam phải thay đổi căn bản tư duy về vấn đề này.
VOA: Ông có thể nói rõ hơn về chuyện thay đổi căn bản tư duy này, chẳng hạn thay đổi như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hoà hợp, hoà giải dân tộc là xuất phát từ lợi ích chung, lợi ích quốc gia nên dứt khoát không phải là sự ban phát của nhà cầm quyền mà phía bên kia là kẻ chịu ơn, không phải là sự tha thứ, khoan dung dành cho những đứa con hư biết hối lỗi như cách Nhà nước Việt Nam thể hiện bấy lâu nay.
Hoà hợp, hoà giải dân tộc là biết tôn trọng và tốt hơn nữa, biết nhân nhượng những quan điểm chính trị khác biệt, kể cả đối lập để phụng sự Tổ quốc Việt Nam một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Nói cách khác, hoà hợp, hoà giải dân tộc là chấp nhận chung sống của các quan điểm chính trị khác biệt
Cần lưu ý rằng chính sách đoàn kết toàn dân tộc mà Nhà nước Việt Nam luôn đề cao trước hết phải là đoàn kết chính trị, tức đoàn kết các quan điểm chính trị khác biệt bởi nếu cùng chính kiến thì cần gì phải đoàn kết.
Tổ quốc Việt Nam không của riêng ai và vì vậy sẽ là có tội nếu Nhà nước Việt Nam chần chừ hoặc tồi tệ hơn, không thực tâm thực hiện hoà hợp, hoà giải dân tộc để mọi người Việt bất luận chính kiến đều có cơ hội cứu nước trước nguy cơ Trung Quốc xâm lược Trường Sa nói riêng, lãnh thổ Việt Nam nói chung, rõ ràng hơn bao giờ hết!
Nhân đây một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, Hoà hợp, hoà giải dân tộc sẽ lại trở thành Lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy trước.
VOA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về sự chân thành và thẳng thắn cũng như thời gian mà ông đã dành cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét