Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Một buổi xuống đường: nghĩ về phép giao tiếp của quan chức VN

http://twibbon.s3.amazonaws.com/2011/68/b4ea9ea8-94e2-43dd-a74b-c9d46cc615cf.png
Hôm qua là ngày hơi đặc biệt với tôi.  Lần đầu tiên sau 30 năm định cư ở đây, tôi xuống đường tham gia biểu tình chống lại việc cắt ngân sách cho nghiên cứu y khoa.  Ngoài ra, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi viết thư phản đối hành động của chính phủ.  Qua việc làm này, tôi thấy giới chính khách ở đây có vẻ khá lịch sự …


Chẳng hiểu vì nguyên nhân nào mà năm nay chính phủ của bà Julia Gillard quyết định giảm ngân sách cho nghiên cứu y khoa.  Số tiền giảm lên đến 400 triệu AUD (1 AUD = 1.05 USD) trong vòng 4 năm.  Ngân sách quốc gia dành cho nghiên cứu y khoa ở Úc là khoảng 700 triệu AUD, và con số này “bị” đông lạnh từ nhiều năm qua.  Chỉ riêng sự “đông lạnh” này đã làm nhiều người trong y giới … bực mình.  Nay, cái chính phủ của Đảng Lao động này lên, họ đòi cắt 100 triệu AUD mỗi năm trong vòng 4 năm tới.  Điều này chẳng khác gì bọn chính trị gia lấy muối chà xát vào vết thương vẫn chưa lành lặn còn đang rỉ máu.  Thế là chỉ trong vòng 3 ngày chuẩn bị, giới nghiên cứu y khoa Úc vận động viết thư phản đối chính phủ và tổ chức xuống đường rầm rộ để nói lên quan điểm.

Tôi cũng theo đồng nghiệp phản đối chính sách của chính phủ.  Tôi phản đối không phải vì chính sách này ảnh hưởng đến cá nhân, mà ảnh hưởng đến rất nhiều người và đồng nghiệp khác.  Úc hiện có một “lực lượng” nghiên cứu y khoa lên đến 35,000 người, kể cả nghiên cứu sinh.  Trong số này, có đến 15,000 người hay 43% có bằng tiến sĩ.  Đó là một lực lượng tương đối hùng hậu trong một đất nước chỉ có khoảng 22 triệu dân.  Úc có 10 người chiếm giải Nobel, trong số này 9 cho y sinh học và chỉ 1 cho văn học.  Một quốc gia nhỏ mà có thành tích khoa học như thế cũng khá đáng khen.  Thành tựu này có được là do chính phủ Úc rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học, nhất là trong thời thập niên 1950 đến 1980.  Thời gian sau này, hết chính phủ này đến chính phủ khác (của hai đảng Lao động và Tự do) cắt ngân sách cho khoa học, nên rất nhiều nhà khoa học Úc bỏ nước ra đi.  Đa số họ “đầu quân” cho Mĩ và Âu châu, nhưng một số ít đầu quân cho Nhật.  Mới đây vài năm, chính phủ Úc bắt đầu tỉnh ngộ và khôn hơn một chút (hồi đó họ có vẻ ngu xuẩn) nên ra chính sách mới nhằm khuyến khích các nhà khoa học Úc ở nước ngoài về Úc làm việc.  Chính sách này bắt đầu có hiệu quả, với Peter Doherty (giải Nobel y học 1996) quay về Úc từ Mĩ. Nay, đảng Lao động lên cầm quyền, và dưới thời bà Julia Gillard, chính phủ muốn cắt ngân sách cho nghiên cứu y khoa, tức là họ muốn xóa bỏ thành tựu của những nỗ lực trong những năm vừa qua.  Phải phản đối chính sách ngu xuẩn này!

Nếu chính phủ thành công cắt bỏ 100 triệu AUD, thì điều này có nghĩa là hơn 100 công trình nghiên cứu sẽ không được tài trợ.  100 công trình có nghĩa là làm mất công ăn việc làm cho cả ngàn người.  Hàng ngàn nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ không có cơ hội theo học.  Và, hệ quả còn nhiều hơn thế nữa, nếu chúng ta tính đến kĩ nghệ cung cấp sinh phẩm và bệnh nhân.  Tài trợ cho nghiên cứu y khoa ở Úc cạnh tranh cực kì cao.  Chỉ có khoảng 15 đến 20% đơn được tài trợ và phải qua 3 vòng bình duyệt.  Nếu họ cắt 100 triệu AUD thì điều này cũng có nghĩa là xác suất thành công (được tài trợ) sẽ thấp hơn 20%, và sẽ có khối người rời bỏ cái xứ Úc này.  Úc sẽ trở thành một nước nghèo, làm đầy tớ cho Mĩ, cho Âu châu.  Đó là viễn ảnh chẳng người Úc nào muốn thấy.

Để phản đối việc cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu y khoa, chúng tôi quyết định cùng đồng nghiệp đi .. biểu tình.  Trưa hôm qua, tranh thủ giờ nghỉ trưa, chúng tôi kéo nhau đi đến Hyde Park để nói lên ý kiến của mình.  Đây là lần đầu tiên tôi xuống đường sau 30 năm ở đất nước này.  Lần đi này cũng để lại vài kỉ niệm vui vui.  Đến nơi tập kết, đã thấy hàng trăm, và vài phút sau thì hàng ngàn người từ các đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu đến nơi tham gia.  Ai cũng hoặc mặc áo màu cam, hoặc mặc lab coat.  Người nào cũng có sẵn một khẩu hiệu để dơ lên khi cần thiết.  Cuộc biểu tình còn có sự tham gia của bệnh nhân.  Diễn giải của buổi biểu tình là một số viên trưởng viện nghiên cứu, bệnh nhân được cứu sống nhờ vào nghiên cứu y khoa, và người ủng hộ y khoa.  Mỗi người nói khoảng 3-5 phút, và họ thường có những câu chuyện cá nhân rất thuyết phục.  Cảm động nhất là một bệnh nhân tiểu đường dạng I được cứu sống từ những năm trong thập niên 1970 nhờ một liệu pháp điều trị mới phát triển.  Có những khám phá nổi bật được đề cập như vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung, H pylori, lỗ tai bionic, siêu âm, v.v. đều xuất phát từ Úc.

Qua những câu chuyện của họ, tôi mới có vài dữ liệu đáng chú ý.  Họ tính toán rằng cứ mỗi dollar chi cho nghiên cứu y khoa thì Nhà nước thu được 6 dollars.  Nói cách khác, đầu tư cho nghiên cứu y khoa không chỉ là một cách giữ vị trí tiền phong của khoa học Úc, mà còn là một đầu tư có hiệu quả kinh tế cao.  Tôi nghĩ ngay đến đầu tư cho nghiên cứu khoa học Việt Nam ta.  Mỗi năm, chính phủ Việt Nam đầu tư hơn 420 triệu USD cho nghiên cứu khoa học, câu hỏi đặt ra là hiệu quả kinh tế từ đầu tư này là bao nhiêu?  Cho đến nay, chưa thấy ai phân tích và trả lời được câu hỏi này.

Tôi rất ấn tượng với cách ứng xử của chính khách Úc.  Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, tôi viết thư phản đối (xem thư dưới đây), và thư được gửi cho thủ tướng Julia Gillard, bộ trưởng y tế, bộ trưởng khoa học, bộ trưởng kinh tế, lãnh đạo đảng đối lập, v.v.  Tôi chỉ có một lá thư, và chỉ thay tên mấy ông bà chính khách mà gửi.  Tôi nghĩ chắc cũng như các bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam, chẳng ai trả lời thư của mình đâu.  Tôi là là công dân thường của Úc với họ “Nguyễn” thì chắc gì mấy ông bà quan to này trả lời, nhất là họ rất bận với trăm công ngàn việc và hàng ngày nhận hàng trăm lá thư từ dân chúng.  Thế nhưng tôi sai.  Họ trả lời đàng hoàng.  Trước hết là thư trả lời của bà thủ tướng (thật ra là thư kí của bà trả lời qua email).  Các bộ trưởng thì chỉ có bà bộ trưởng y tế là trả lời cá nhân, còn mấy người khác thì phụ tá trả lời.  Mặc dù họ trả lời chung chung (không loại trừ khả năng đây là thư viết sẵn!) nhưng vẫn là trả lời.

Trông người lại nghĩ đến ta.  Hình như các chính khách VN không có thói quen trả lời thư của dân.  Bao nhiêu kiến nghị, phàn nàn, thư từ, v..v. đều rơi vào "khoảng không đáng sợ". Năm ngoái, ngay cả cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư phản đối vụ bauxite mà người ta còn chẳng thèm trả lời! Kiến nghị 12/4/2009 về việc khai thác bauxite do nhóm của GS Nguyễn Huệ Chi khởi xướng gửi đi thì nhận được một lá thư viết nguệch ngoạc thông báo đã chuyển thư kiến nghị đi đến nơi khác, nhưng địa chỉ người nhận là "Bà GS Nguyễn Thị Huệ"! Và cũng chỉ có thế mà không có hồi đáp gì khác. Mới đây, thân nhân của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ khiếu nại cũng chẳng có trả lời.

Tôi tưởng một lá thư đơn giản rằng đã nhận được thư/đơn cũng đủ để người dân biết rằng những gì mình gửi đi đã đến đúng nơi, đúng đối tượng.  Trả lời như thế cũng là hình thức tôn trọng người dân.  Như thư của bà Gillard trả lời tôi thật ra chẳng có nội dung gì cụ thể ngoài việc bà báo là đã nhận thư của tôi, có gì muốn hỏi thì liên lạc tiếp.  Chỉ một lá thư ngắn như thế cũng làm mình ấm lòng, và cảm thấy mình được quan tâm.  Tôi nghĩ cách làm việc như thế cũng là một cách thể hiện tính lịch sự và văn minh, nhưng trên hết đó là trách nhiệm và nghĩa vụ. Lãnh đạo là do dân bầu ra, ăn công bộc của dân thì phải phục vụ cho dân. Khi dân có nguyện vọng, ý kiến thì trách nhiệm lãnh đạo phải hồi đáp, đó là chuyện gần như bắt buộc. Hi vọng rằng nay mai giới chính khách nước ta nghĩ lại và cũng làm như thế với thần dân của mình.

NVT

Một số hình ảnh hôm biểu tình tại Hyde Park 12/4/2011


Hàng ngàn nhà nghiên cứu ở Sydney (từ các đại học, bệnh viện và viện nghiên cứu) tham gia biểu tình. Nghiên cứu sinh trẻ tiếp tay tổ chức. Họ làm rất chuyên nghiệp, có xe bus đưa đón, đâu ra đó. Không có la ó om xòm, chỉ có diễn văn chống chính phủ và ... vỗ tay.


Khám phá cần tiền!  Họ mặc áo màu cam, tượng trưng cho hi vọng. Một anh giáo sư ( mặc lab coat và đeo kính đen) bên Viện tim mạch trông rất "ngầu"


Đồng nghiệp bên bộ môn neurobiology và Nguyên. "Survivors, Not Surplus" có nghĩa là quan tâm đến mạng sống con người chứ không phải đồng tiền. Mấy ông bà trong chính phủ sợ ngân sách thâm thụt nên lo chuyện surplus mà không lo tính mạng bệnh nhân.  Khổ thế!


Lần đầu tiên sau 30 năm tôi tham gia biểu tình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét