Tuyến đường kênh N9 nối liền các xã Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị và Thạch Hội được chọn làm đường công vụ của Dự án đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng. Thế nhưng, hơn 1 tháng nay, chính quyền xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lại ngang nhiên lập trạm barie để thu phí đối với các phương tiện qua lại, gây bức xúc cho các đơn vị thi công và nhân dân.
Theo cam kết của BQL DA xây dựng và phát triển giao thông Hà Tĩnh, sau khi công trình đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng hoàn thành, các đơn vị thi công sẽ hoàn trả lại bằng bê tông nhựa (dù trước khi lấy làm đường công vụ thì tuyến đường này chỉ là đường đất).
Trong quá trình sử dụng tuyến đường này để vận chuyển nguyên vật liệu, các đơn vị thi công có trách nhiệm đảm bảo môi sinh, môi trường cho nhân dân sống 2 bên tuyến và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia trên tuyến đường này.
Theo đó, Công ty Xây dựng 185 - Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ tưới nước trên tuyến nhằm hạn chế bụi trong mùa khô, liên doanh Công ty Sông Đà 25 và 27 đảm nhận việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên như san lấp ổ gà, dắm vá, bù lề khi bị sụt lún.
Việc lập trạm barie để thu phí của xã Thạch Khê (Thạch Hà) đang gây bất bình cho các đơn vị thi công và người dân |
Đại diện Công ty Xây dựng 185 - ông Dương Trọng Quân cho biết: Từ khi triển khai thi công đường ven biển, chúng tôi thực hiện đúng cam kết với BQL DA cũng như chính quyền địa phương, nhưng không hiểu vì lý do gì xã Thạch Khê lại lập barie và giao cho lực lượng Công an xã thu phí mỗi xe của đơn vị thi công 10.000đồng/lượt và 5.000đồng/lượt đối với tất cả các xe vận tải nhỏ của người dân khi đi qua tuyến đường này mà không hề có bất cứ loại giất tờ nào như biên lai, phiếu thu... Không hiểu số tiền này xã thu để sử dụng vào mục đích gì? Nếu như thu phí từ đường thì theo nguyên tắc là phải tái đầu tư lại cho tuyến đường chẳng hạn như dắm vá ổ gà, tưới nước giảm bụi... nhưng đằng này xã lại không hề thực hiện những việc này.
Cũng theo ông Quân, do những tháng cuối năm 2010 và quý I/2011 thời tiết mưa nhiều, hầu hết đơn vị thi công đường ven biển không triển khai được nên việc duy tu bảo dưỡng tuyến đường công vụ này không được chú trọng. Vì thế, xã Thạch Khê mới bức xúc và cho lập barie ngăn xe và thu phí như vậy.
Được biết, trung bình mỗi ngày có từ 60-70 lượt xe của các đơn vị thi công chạy trên tuyến và hàng chục lượt xe vận tải nhỏ của các xã lân cận qua lại, đồng nghĩa với việc xã Thạch Khê thu khoảng 1,5 triệu đồng trong khi không hề triển khai tưới nước giảm bụi và duy tu bảo dưỡng trên tuyến đường này. Vậy số tiền thu được xã Thạch Khê sử dụng vào mục đích gì?
Các công an viên trực gác tại đây cho biết: Số tiền thu được, chúng tôi mang về nộp cho xã. Xã đã cho đấu thầu trạm barie này và người trúng thầu là anh Tam (nhà gần trạm). Theo đó, mỗi tháng anh Tam nộp lại cho xã 8.002.000 đồng, còn dư bao nhiêu thì anh Tam được hưởng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê phân bua: Chúng tôi làm như vậy là dựa trên văn bản chỉ đạo của huyện về việc ngăn xe quá tải chạy trên các tuyến đường dân. Hơn nữa, do người dân phản ánh lên xã và sắp đến thời điểm bầu cử nên chúng tôi mới giao cho lực lượng Công an xã lập trạm barie mục đích là để ngăn xe quá tải làm hư đường chứ thực ra không phải để thu phí. Việc thu phí là do anh em Công an tự thu để trả công cho người gác trạm và chi trả tiền điện cho việc tưới nước ở khu vực ngã ba đông dân cư.
Chỉ để trả tiền gác trạm barie và tưới nước đoạn ngã ba khu vực đông dân cư khoảng 50m mà mỗi ngày hết gần 1,5 triệu đồng tiền thu từ các xe qua trạm thì hết sức vô lý nhưng đó là cách lý giải của ông Chủ tịch xã Thạch Khê.
Được biết, tuyến đường kênh N9 không nằm trong đường liên xã mà UBND huyện Thạch Hà đưa vào diện cấm xe quá tải. Hơn nữa, các đơn vị thi công đã thực hiện đúng các cam kết về đảm bảo môi sinh, môi trường, tu sửa thường xuyên đảm bảo ATGT.
Việc xã Thạch Khê cố tình lập barie để thu phí là trái pháp luật và ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng.
Theo HaTinhOnline
0 nhận xét:
Đăng nhận xét