Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Zu Guttenberg trả lại sự liêm chính cho học thuật

German Defence Minister Karl-Theodor zu Guttenberg in Bundestag, 21 Jan 2011
Thế là ngài Bộ trưởng Quốc phòng của Đức phải từ bỏ danh xưng “doctor” sau khi thú nhận đã đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông. Nhìn sự việc một cách tích cực, hành động và quyết định của ông thật ra là một dấu son cho học thuật. Ông zu Guttenberg là một quân tử. 
Karl-Theodor zu Guttenberg là một ngôi sao trong chính trường Đức. Ông có tất cả những “attributes” của một chính trị gia có tài.  Tuổi trẻ (mới 40 tuổi) và tài cao. Học hành giỏi và học cao. Nói chuyện hay. Duyên dáng. Xuất thân từ một dòng họ danh tiếng. Được dân Đức tin yêu. Được đồng nghiệp chính trị cao nhất như bà thủ tướng Đức (bản thân bà cũng có bằng tiến sĩ ngành hóa học) ủng hộ.  Ngay cả khi báo chí làm ồn ào về sự việc ông đạo văn, mà người dân Đức và thủ tướng Đức vẫn tin tưởng vào ông. Với những đức tính và tư cách chính trị như thế, ai dám nghĩ ông sẽ phải từ chức.  Ấy thế mà chỉ vì gian lận trong học thuật, ông phải trả cái giá rất đắt cho hành động điên rồ đó.
Luận án tiến sĩ của ông (về đề tài luật) được đánh giá cao, nhưng lại là luận án có vấn đề.  Hội đồng khoa bảng của Trường Đại học Bayreuth “cho điểm” summa cum laude (giống như hạng tối danh dự) cho luận án của ông.  Thế nhưng mới tháng qua, một giáo sư người Đức phát hiện nhiều dữ liệu trong luận án không phải của ông, mà chỉ lấy từ nguồn khác (kể cả báo chí) nhưng không đề nguồn.  Ngay sau đó, cư dân mạng làm một dự án “nghiên cứu” luận án của ông, bằng cách so sánh trực tuyến.  Qua dự án này, cư dân mạng trong luận án 475 trang, có đến 300 trang là đạo văn hay có dấu hiệu đạo văn. Thật khó tưởng tượng nổi qui mô đạo văn lớn như thế mà hội đồng khoa bảng không phát hiện!
Một đọan văn từ luận án (phần trên) trích từ một bài báo (phần dưới) nhưng không ghi nguồn.
Trò làm bậy thì thầy cũng lãnh đủ. Người hướng dẫn luận án của ông zu Guttenberg là Giáo sư Peter Häberle (nay đã nghỉ hưu), thoạt đầu khi nghe tin đạo văn, ông bác bỏ. Ông thậm chí nghĩ là do một giáo sư đồng nghiệp “ganh tị”. Nhưng sau khi xem qua so sánh trực tuyến của cư dân mạng, ông cũng phải thú nhận là có đạo văn, và ông còn nói thêm qui mô đạo văn nằm ngoài sự tưởng tượng của ông và sai sót đó không thể chấp nhận được. Trường đại học Bayreuth và Giáo sư Häberle bị giới khoa bảng Đức phê bình nặng nề. Tại sao một đại học có tên có tuổi như thế và một giáo sư lâu năm như thế lại không phát hiện đạo văn trong luận án? Điều này chứng tỏ rằng hệ thống kiểm tra của trường đại học không có hiệu quả.
Hàng ngàn giáo sư trên khắp nước Đức kí tên kêu gọi thủ tướng Đức phải “trừng phạt” ông zu Guttenberg. Họ lí giải rằng một người mang danh xưng “doctor” làm chức Bộ trưởng Quốc phòng mà đạo văn thì đó là một vết nhơ của nền học thuật Đức, và ông zu Guttenberg sẽ không còn uy tín để điều hành quốc sự được. Trước áp lực của công chúng và giới khoa bản Đức, trường đại học rút lại luận án và văn bằng tiến sĩ.  Trước những bằng chứng như trắng với đen, ông zu Guttenberg thú nhận có đạo văn, vì ông nói là do bận việc quá nên đã sơ suất trong việc không ghi nguồn dữ liệu. Ông tự trừng phạt mình bằng cách từ chức Bộ trưởng Quốc phòng và dĩ nhiên là không dùng danh xưng “doctor” nữa. Ông xin lỗi mọi người về những “sai sót” không thể tha thứ đó.

German Defence Minister Karl-Theodor zu Guttenberg arrives to announce his resignation from all political offices in Berlin, March 1, 2011
Ngôi sao đang lên nay đang đi xuống. Hình này của BBC thật có ý nghĩa!

Nhìn một cách tích cực, quyết định từ chức của ông zu Guttenberg lại là một dấu hiệu tích cực cho học thuật. Liêm chính trong học thuật là nền tảng của khoa học. Không có liêm chính thì khó có khoa học. Liêm chính ở đây bao gồm thành thật tri thức, hành động theo văn hóa khoa học, kể cả ghi nhận đóng góp của người đi trước. Đạo văn hay dùng dữ liệu và ý tưởng của người khác mà không ghi nguồn là một trọng tội trong học thuật là một vi phạm học thuật nghiêm trọng. Đạo văn được ví như ăn trộm.  Mà, ăn trộm trong học thuật là hành vi không thể chấp nhận được. Nếu những người quyền cao chức trọng như ông zu Guttenberg bị phát hiện đạo văn mà vẫn còn tại chức thì đó quả là một sỉ nhục cho nền học thuật Đức và quốc tế.  Do đó, quyết định của ông cựu bộ trưởng là một cách trả lại sự liêm chính cho khoa học, và hành vi đó tự nó làm sạch nền học thuật của Đức.

Ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc? Theo tôi, cao nhất là trường đại học phải chịu trách nhiệm. Bởi vì cơ chế đại học (như hội đồng khoa bảng) đã không làm việc tốt, để cho một luận án có quá nhiều sai sót như thế “lọt lưới”.  Điều khá khôi hài ở đây là một luận án như thế lại được đánh giá vào hạng “tối ưu”!  Giáo sư hướng dẫn cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, bởi vì ông đã không đọc kĩ và phát hiện đạo văn. Nếu là người trong ngành, đáng lẽ ông phải phát hiện những chỗ “mượn” dữ liệu của người khác, chứ không thể nào nói rằng không thể kiểm tra tất cả. Kế đến là những chuyên gia bình duyệt luận án cũng phải nhận lãnh trách nhiệm. Thật ra, chính những người này còn đáng trách hơn cả ứng viên và giáo sư hướng dẫn, bởi vì một trong những chức năng của họ là kiểm tra sự chính xác của luận án. Rõ ràng là họ đã tắc trách. Người sau cùng chịu trách nhiệm, dĩ nhiên, là ông zu Guttenberg. Đã học đại học, mà lại đại học Đức, và nhất là học tiến sĩ thì chắc chắn ông phải biết đạo văn là một trọng tội. Có thể vì bận rộn ông lơ là trong việc trích dẫn, nhưng lí do đó không thể biện minh được sai sót quá lớn đó.

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Cách xứ lí vấn đề đạo văn ở Đức qua vụ ông zu Guttenberg cung cấp cho Việt Nam một kinh nghiệm tốt. Trước hết, hội đồng khoa bảng duyệt luận án phải bao gồm những chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn. Không có gì vô lí và vô duyên hơn là những người không có chuyên môn và tư cách khoa học mà ngồi trong hội đồng xét duyệt luận án về đề tài mà họ không am hiểu. Thứ hai là giáo sư hướng dẫn phải tỏ ra có trách nhiệm. Không thể nhận nghiên cứu sinh vào và để cho họ “tự bơi”, vì làm như thế là vô trách nhiệm và vi phạm qui định khoa học. Thứ ba là luận án tiến sĩ cần phải công bố trên mạng. Luận án tiến sĩ ở Việt Nam thường chẳng có bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế, mà chỉ nằm trong thư viện như là những sản phẩm e ấp, mắc cỡ, không dám cho người ngoài xem. Còn ở ngoài, trong thời đại internet người ta công bố luận án trên internet để mọi người có thể xem (nếu cần). Chính qua công bố như thế mà người ta mới phát hiện vấn đề trong luận án của Guttenberg. Tôi nghĩ những kinh nghiệm như thế rất quí báu trong việc đào tạo và quản lí nghiên cứu sinh tiến sĩ đối với Việt Nam. 


Đạo văn xảy ra ở bất cứ nước nào, và chắc chắn ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp đạo văn. Thật vậy, mấy năm gần đây, báo chí liên tiếp nêu lên nhiều vụ đạo văn, đạo sách, đạo dịch liên quan đến các giáo sư, tiến sĩ, quan chức cao cấp. Nhưng khác với Đức, nơi mà người ta giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn, quân tử và minh bạch, còn ở Việt Nam thì sự việc cứ theo nhau … đi vào quên lãng theo thời gian.  Người phạm tội đạo văn vẫn là giáo sư, vẫn dùng danh xưng “tiến sĩ”, và quan chức vẫn là thăng quan tiến chức như chẳng có chuyện gì xảy ra. Với tình trạng như thế thì còn dám tin tưởng vào nền học thuật và khoa học Việt Nam. 

Tôi thấy một điều mà Việt Nam cần học từ ông zu Guttenberg là tính quân tử của ông: sai thì nhận sai và sẵn sàng từ chức, chứ không biện minh vòng vo. Hình như Đức không có khái niệm "quân tử" như Việt Nam, nhưng cách hành xử của họ thì rất quân tử hơn Việt Nam. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét