Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Những vấn đề của tập san khoa học Việt Nam

http://sciencenotes.files.wordpress.com/2008/02/cov-journal-science-prev2-med.gif
Bài dưới đây nêu một vấn đề mà tôi cũng từng nhắc đến vài lần: đó là vấn đề chấn chỉnh và “quốc tế hóa” các tập san khoa học Việt Nam.  Theo tôi, các tập san khoa học Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nổi cộm: không có cơ chế bình duyệt và không có những bài nghiên cứu có chất lượng.



Việt Nam có trên 500 tập san khoa học của các hiệp hội chuyên môn, đại học, và bộ.  Nhưng không có tập san nào được liệt kê trong thư mục của Thomson ISI.  Được liệt kê trong thư mục tập san của ISI là một hình thức “công nhận”.  Do đó, có thể nói rằng ngoại trừ một số rất ít tập san lâu đời và có chút uy tín, 99% các tập san Việt Nam đều không được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận.

Để được giới khoa học quốc tế công nhận, tập san phải hội đủ một số điều kiện.  Hai trong những điều kiện này là bài báo có chất lượng và có cơ chế bình duyệt (peer review). Hiện nay, các tập san khoa học Việt Nam là những phương tiện để những nghiên cứu sinh có bài cho việc bảo vệ luận án, và thầy cô có bài cho việc đề bạt chức danh giáo sư.  Nhưng bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng đều biết những bài đăng trên các tập san Việt Nam là những bài không có chất lượng cao.  Có người còn cho biết chỉ khi nào bài báo bị các tập san quốc tế từ chối hết chỗ này đến chỗ khác, họ mới nộp cho các tập san Việt Nam.  Người “ác miệng” hơn thì nói các tập san Việt Nam chỉ là những thùng rác khoa học.  Tôi thì nghĩ nhận xét như thế thiếu công bằng, bởi vì tôi từng thấy bên cạnh những bài làng nhàng, cũng có một số bài có nhiều thông tin thú vị (dù được trình bày rất kém).

Đại đa số các tập san khoa học không có cơ chế bình duyệt.  Tất cả các tập san khoa học trong ISI có một hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh, mà theo đó một bài báo phải qua bình duyệt và tái bình duyệt vài lần trước khi được chấp nhận hay từ chối công bố.  Phần lớn là bị từ chối.  Ngược lại, rất nhiều tập san khoa học Việt Nam sẵn sàng đăng những bài của người quen (như bài báo dưới đây phản ảnh), thậm chí còn trả nhuận bút cho tác giả!  Trong khi đó, đối với các tập san nước ngoài, được chấp nhận cho công bố là một tin mừng, nhưng tác giả vẫn phải trả ấn phí (khoảng 500 đến 1000 USD một bài, tùy theo số trang).  Xin nói thêm rằng một số tập san có chính sách miễn ấn phí cho các nhà nghiên cứu từ các nước “nghèo” như Việt Nam.  Nhưng nay thì Việt Nam được xếp hạng các nước có thu nhập trung bình, nên nhiều tập san đang xét lại chính sách miễn ấn phí này.

Một điều đáng nói nữa là các tập san khoa học Việt Nam có cố gắng viết abstract bằng tiếng Anh.  Tuy nhiên, những tập san y học mà tôi xem qua chưa có tập san nào viết tiếng Anh đúng cả.  Các tập san phía Nam đỡ hơn các tập san phía Bắc, nhưng vẫn có rất nhiều sai sót trong cách diễn giải kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh.  Với một tình trạng như thế, không mong gì chúng ta có thể đưa các tập san khoa học Việt Nam lên trường quốc tế.

Ở Việt Nam còn có một vấn đề khác: không có cơ sở dữ liệu cho các tập san khoa học.  Ở nước ngoài, mỗi khi một tập san trong thư mục ISI công bố một bài báo thì chi tiết bài báo đó (như tên tác giả, tựa đề, abstract, keywords, tên tập san, số trang, v.v…) đều được đưa vào cơ sở dữ liệu của Pubmed (của Mĩ).  Bất cứ ai trên thế giới có truy cập internet đều có thể đọc phần tóm tắt bài báo, hay trong vài trường hợp đọc nguyên văn bài báo.  Pubmed lưu trữ hàng triệu bài báo khoa học tính từ thập niên 1960s đến nay.  Còn ở Việt Nam, tập san cứ xuất bản, cứ công bố bài báo, nhưng không có một cơ quan nào hệ thống hóa các bài báo đó.  Do đó, khi một nghiên cứu sinh muốn theo đuổi một đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh đó rất khó tìm được những công trình trước ở VN, nhưng có thể tìm các công trình trong Pubmed.  Có lần một nghiên cứu sinh tôi từng giúp kể rằng khi em trình đề cương nghiên cứu thì một số thầy cô phàn nàn là sao không thấy trích dẫn những nghiên cứu trong nước.  Giả định rằng những nghiên cứu đó có liên quan đến đề tài, câu hỏi đặt ra là làm sao em nghiên cứu sinh có thể tìm được những bài báo đó?  Mà, dù có tìm được, những bài đó có xứng đáng được trích dẫn hay không khi chưa có ai bình duyệt?  Theo qui ước khoa học, câu trả lời là không.  Nói tóm lại, có rất nhiều vấn đề liên quan đến các tập san khoa học Việt Nam, và những vấn đề này đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ và có hệ thống để giải quyết.  Tôi sẽ quay lại một số đề nghị quốc tế hóa tập san khoa học Việt Nam trong một bài sau.

NVT
===
http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/Tap-chi-khoa-hoc-In-ra-cho-minh-doc/20113/134094.datviet

Tạp chí khoa học: In ra cho... mình đọc

Nhiều tạp chí khoa học hiện chỉ để lưu hành nội bộ hoặc biếu, tặng.

Bán 1 tặng 9

Đơn cử như Tạp chí kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), một tạp chí tương đối có uy tín cũng chỉ bán được ra ngoài từ 400-500 bản tiếng Việt/1000 bản in ấn/kỳ phát hành. Đối với bản tiếng Anh số lượng bán ra còn khiêm tốn hơn nhiều, chỉ 60 bản/ 500 bản in ấn/kỳ phát hành. Số còn lại chủ yếu là gửi biếu tặng các cơ quan nhà nước, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các trường đại học đối tác…

Tuy nhiên, không phải viện, trường nào cũng ra được Tạp chí khoa học 1 kỳ/tháng với số lượng phát hành tương đối lớn như tạp chí Nghiên cứu kinh tế  - Viện Khoa học xã hội Việt Nam với số lượng phát hành trên 1000 cuốn/kỳ hay tạp chí Phát triển kinh tế của đại học Kinh tế TP. HCM với số lượng phát hành trung bình 2.200 cuốn/kỳ.

Một số tạp chí khoa học trong nước xuất bản. Ảnh minh họa. (Ảnh: Tư liệu)

Đa số các tạp chí khoa học của các viện nghiên cứu, trường ĐH khác, 2 - 3 tháng mới ra được 1 với số lượng trên dưới 1000 cuốn/kỳ. Có trường mỗi năm chỉ ra đúng 2 số do lượng bài vở quá ít và số lượng phát hành cũng chỉ ở mức 200 - 300 cuốn/kỳ mà chủ yếu là lưu hành nội bộ.

Chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm (2000-2010), tạp chí Kinh tế và phát triển chỉ có 20 bài viết từ nước ngoài (chiếm tỷ lệ 6,25%) và 30 tác giả viết bài trên tổng số 389 tác giả là nhà khoa học nước ngoài (chiếm tỷ lệ 7,7%), thấp hơn rất nhiều so với các tạp chí cùng loại trong khu vực và trên thế giới.

So sánh với tạp chí khoa học nước ngoài, TS Trần Vân Anh, Viện Công nghệ ứng dụng (Bộ KH - CN), người đã có nhiều công trình được đăng trên tạp chí khoa học tại Hàn quốc cho biết, để được đăng bài trên các tạp chí của họ thì đề tài phải thật sự mới mẻ, chưa ai làm. Bài phải được sự kiểm tra, phản biện và đồng ý của hội đồng biên tập là những giáo sư đầu ngành rất giỏi và làm việc cực kỳ nghiêm túc. Có nhiều nhà nghiên cứu gửi hàng trăm bài báo mới được đăng 1, 2 bài.
Mang ơn vì đã... đăng bài

TS Lê Quốc Hội, phó tổng biên tập tạp chí Kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng chất lượng các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học ở ta còn thấp.

Việc phản biện, thẩm định bài viết còn dễ dãi; không có hoặc có rất ít các nhà khoa học nước ngoài có uy tín tham gia thành viên hội đồng biên tập; số tác giả nước ngoài và bài viết từ nước ngoài chiếm rất ít. Số tạp chí bằng tiếng Anh còn khiêm tốn, chủ yếu là lưu hành nội bộ…

NCS. Lê Nguyễn Minh Tấn, trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) cho biết có nhiều bài báo kém chất lượng nhưng vẫn được đăng vì có một thực tế là nhiều người chỉ cần quen biết thành viên trong hội đồng biên tập thì cứ gửi bài tới là được đăng. Ngoài ra, đôi khi các tạp chí buộc phải cho đăng  vì không có nhiều bài viết để lựa chọn.

Hơn nữa, việc trả nhuận bút cho bài báo không đáng kể, chỉ mang tính chất tượng trưng, không tương xứng với công sức nhà khoa học bỏ ra. Nhiều người vì cần bài báo đăng để được bảo vệ luận án nên không những không được tiền nhuận bút mà còn phải “mang ơn” tạp chí đó.
Minh Cường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét