Hôm nay thấy có tin này về qui định mới để phong chức danh giáo sư ở Việt Nam. Tưởng câu chuyện đã xong, không ngờ lại có qui định mới. Mà, tôi thấy hình như càng đưa ra qui định thì càng làm cho vấn đề rối rắm hơn. Không biết tại sao những người trong Hội đồng chức danh không tham khảo các qui định và tiêu chuẩn ở nước ngoài, hay đơn giản hỏi một giáo sư ở nước ngoài để hoàn thiện qui định và tiêu chuẩn cho Việt Nam?
Theo qui định mới thì “Điểm tối đa là 2 chỉ dành cho những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu của quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn. Hội đồng sẽ phân loại các tạp chí khoa học chuyên ngành này.”
Tôi nghĩ qui định cho điểm như thế là quá đơn giản, vì nó đánh đồng các công trình có chất lượng tốt với các công trình xoàng. Một bài báo trên Nature hay New England Journal of Medicine thì không thể có cùng điểm với một bài trên tập san chuyên ngành được, dù cả hai là tập san quốc tế có trong danh sách của ISI. Còn tập san ở Việt Nam thì khỏi bàn. Tôi có cảm tưởng những người ra qui định này không hiểu hết về hoạt động khoa học. Có lẽ cuối tuần này (chỉ hi vọng thôi) tôi sẽ viết một bài bình luận về chuyện này.
Chuyện bên lề: Điều đáng nói trong bài báo sau đây là tác giả sử dụng số liệu của tôi (bảng số 1) nhưng lại không đề nguồn! Tác giả còn thậm chí không “turn off” mấy cái dấu đỏ trong Word nữa! Điều này làm tôi buồn 1 phút, và đặt câu hỏi về đạo đức báo chí.
NVT
===
Mỗi bài báo khoa học sẽ được tính điểm cao nhất là 2 thay vì 1 như trước. Điểm chấm cho một số loại sách sẽ giảm từ 0,5 - 1. Đây là những sửa đổi để "chấm điểm" các ứng viên khi xét công nhận GS, PGS mà Hội đồng chức danh GS Nhà nước vừa thông báo ngày 23/4.
Các ứng viên sẽ được công nhận chức danh GS, PGS nếu đạt "điểm sàn" được tổng hợp từ các điểm thành phần: bài báo khoa học, sách phục vụ đào tạo đại học, đề tài nghiên cứu khoa học và hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh.
Cụ thể, "điểm sàn" với ứng viên chức danh GS là giảng viên 12 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 20 điểm; với ứng viên chức danh PGS là giảng viên 6 điểm, giảng viên kiêm nhiệm 10 điểm.
Tăng điểm bài báo, giảm điểm viết sách
Điểm tối đa là 2 chỉ dành cho những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu của quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn. Hội đồng sẽ phân loại các tạp chí khoa học chuyên ngành này.
Mức điểm tối đa đối với sách chuyên khảo là 3, sách giáo trình là 2 (giảm 1 điểm), sách tham khảo là 1,5 (giảm 0,5 điểm) và giữ nguyên mức điểm đối với sách hướng dẫn (1 điểm).
GS Hoàng Tuỵ cho rằng điểm viết sách là tiêu chuẩn thừa. Lý do là vì nhiều sách sử dụng trong đào tạo ĐH hoặc chỉ là sách dịch, hay copy, nhất là giáo trình cơ sở, không đặt nặng yêu cầu về chất lượng khoa học. Mặt khác, có nhiều nhà nghiên cứu thừa điểm khoa học nhưng chưa viết sách cho đào tạo ĐH sẽ thuộc diện bị loại bởi tiêu chí này.
Tuy nhiên, GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký HĐCDGSNN lý giải, thực tế là ở Việt Nam chưa có GS nghiên cứu. Còn, tham gia giảng dạy ở ĐH, thì phải viết được sách. Bởi viết sách là một biểu hiện khả năng sư phạm.
2 tiêu chuẩn "nợ"
Ngoài ra, để được công nhận, ứng viên chức danh GS phải hướng dẫn chính 2 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; PGS phải hướng dẫn ít nhất 2 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn (chính hoặc phụ) 1 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Tiêu chuẩn này đến năm 2011 mới áp dụng.
Tiêu chuẩn này đến năm 2011 mới áp dụng.
Tại phiên họp thứ nhất của HĐCDGSNN diễn ra ngày 21/4, một số ý kiến cho rằng tiêu chuẩn hướng dẫn thành công này sẽ hạn chế các trường hợp ứng viên trẻ.
Lý do là đội ngũ này có năng lực khoa học tốt đã được thể hiện qua các bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài nhưng chưa đủ thời gian để hướng dẫn NCS, nhất là "đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ".
Ngoài ra, ở tiêu chuẩn đề tài nghiên cứu khoa học, ứng viên chức danh PGS phải chủ trì ít nhất 2 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp Bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên. Chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở được tính từ 0 đến 0,25 điểm, nếu đề tài có giá trị khoa học cao và có ý nghĩa thực tiễn.
Tiêu chuẩn này cũng được lùi đến 2011.
Có thể mời giáo sư nước ngoài thẩm định hồ sơ
Theo GS Trần Văn Nhung, hồ sơ của mỗi ứng viên được 3 người thẩm định thay vì 2 như trước. Hội đồng giáo sư các cấp có thể mời các GS, PGS người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài để thẩm định.
Ngoài ra, yêu cầu về tỷ lệ phiếu bầu cũng thay đổi: Đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSCS, đạt từ 3/4 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSN và đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên HĐCDGSNN.
3 năm 1 lần, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học sẽ rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS, PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp.
GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, so sánh với nước ngoài, việc công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam phức tạp hơn, nên thay đổi theo hướng chính xác, đơn giản hoá.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là giai đoạn quá độ thực hiện đưa quyền tự chủ về các trường ĐH. Việc thay đổi sẽ tính tới theo thực tế làm việc hàng năm của Hội đồng.
Hạ Anh
Hạ Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét