Bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ 17/4/09 dưới tựa đề hay hơn “Không cho xem bệnh án vì... sợ!”
Liên quan đến quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án, Việt Nam có lẽ là một trong một số ít nước trên thế giới còn hạn chế quyền này của bệnh nhân. Trước đây, hồ sơ bệnh án thường được bệnh viện hay bác sĩ giữ kín trong mối quan hệ kín giữa bệnh nhân và bác sĩ, nhưng ngày nay, mối quan hệ đó chịu sự chi phối của nhiều đối tác mà hệ quả là thông tin của bệnh nhân có thể bị tiết lộ ra ngoài gây tác hại cho bệnh nhân. Vì thế, luật pháp hiện đại cho bệnh nhân quyền được tiếp cận và chỉnh sửa (nếu cần) những thông tin trong hồ sơ bệnh án.
Năm 2001, Sandee Pingatore quyết tâm tìm hiểu tại sao người con trai 29 tuổi của bà chết trong khi điều trị tại một bệnh viện ở California, nhưng bệnh viện không tiết lộ hồ sơ. Sau khi ra tòa, tòa án ra lệnh bệnh viện phải cunng cấp hồ sơ bệnh án cho bà, và qua hồ sơ, bà mới biết con trai bà đã ở trong tình trạng nguy kịch trước đó mấy giờ liền mà bác sĩ và y tá không hề chăm sóc.
Năm 2006, Beth Stover cũng muốn xem hồ sơ bệnh án của mình để biết tại sao thai nhi trong bụng bà bị chết một cách đột ngột, nhưng cũng gặp trở ngại từ phía bệnh viện. Mặc dù luật của bang California cho quyền bệnh nhân được tiếp cận hồ sơ bệnh án, nhưng bệnh viện không chịu cung cấp hồ sơ. Cũng như trường hợp của Sandee Pingatore, bà phải nhờ đến tòa án, và khi xem qua hồ sơ, Beth Stover chú ý sự thất thoát một số trang và số liệu quan trọng trong hồ sơ trong lần xét nghiệm sau cùng. Bệnh viện chối là không có làm gì sai, và hứa sẽ cho bà xem lại những trang số liệu đó, nhưng bà không tin đó là kết quả xét nghiệm của mình.
Hai trường hợp trên đây cho thấy tầm quan trọng của hồ sơ bệnh án, và “văn hóa y khoa” vẫn còn tồn tại ngay ở các nước có luật pháp chặt chẽ như Mĩ. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là ngày nay vẫn tồn tại một “văn hóa y khoa” cố tình dấu diếm thông tin từ bệnh nhân, nhất là trong những trường hợp sai sót xảy ra trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Sai sót y khoa là một điều xảy ra khá phổ biến trong bệnh viện. Theo ước tính từ các nghiên cứu trước đây, cứ 100 bệnh nhân nằm viện thì có khoảng 7 đến 15 ca có sai sót về chăm sóc và điều trị. Bệnh viện càng lớn, sai sót càng nhiều. Những sai sót y khoa thường tập trung vào 3 nhóm chính là chẩn đoán sai, xét nghiệm quá mức, điều trị chậm, và nhiễm trùng. Sai sót y khoa là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mĩ. Mỗi năm, có khoảng 100.000 đến 120.000 người Mĩ chết vì sai sót y khoa (trong khi tai nạn ôtô giết chết 43.000 người, và tai nạn máy bay gây tử vong cho khoảng 250 người mỗi năm).
Do đó, khi bệnh nhân muốn truy cập hồ sơ bệnh án, bệnh viện nhiều khi ở vào thế “lúng túng” và nghi ngờ. Nghi ngờ bệnh nhân sẽ nhờ luật pháp can thiệp và rắc rối với vấn đề bồi thường. Điều này dẫn đến thái độ bất hợp tác của một số bệnh viện. Giáo sư Lucian Leape, một chuyên gia người Mĩ bỏ ra cả đời chỉ nghiên cứu về sai sót y khoa, nhận xét rằng văn hóa y khoa làm cho bệnh viện thiếu thành thật với bệnh nhân.
Một số bệnh viện và bác sĩ lí giải rằng hồ sơ bệnh án là của bác sĩ (hay bệnh viện), vì trong đó có những kết luận, phán xét, và “suy nghĩ mơ màng” mang tính riêng tư của bác sĩ mà trong tình huống khác (như biết được bệnh nhân có quyền truy cập) thì có thể họ sẽ viết khác. Ngoài ra, nếu bệnh nhân được tiếp cận các thông tin này mà không được giải thích cặn kẽ thì có thể gây ưu phiền cho bệnh nhân. Một số bác sĩ và bệnh viện đồng ý cho bệnh nhân truy cập hồ sơ bệnh án, nhưng chỉ những thông tin đã qua “biên tập” dưới danh nghĩa giúp cho bệnh nhân “dễ hiểu.”
Nhưng bệnh nhân lí giải rằng những thông tin trong hồ sơ bệnh án là của bệnh nhân, chứ không phải của bệnh viện hay bác sĩ, bởi vì bệnh nhân là người cung cấp thông tin qua trực tiếp (như khám sức khỏe) hay gián tiếp (chẳng hạn như xét nghiệm máu và nước tiểu). Nói cách khác, bệnh nhân chính là người chủ của thông tin trong hồ sơ bệnh án. Ngày nay, những thông tin trong hồ sợ bệnh án càng ngày càng phong phú (với những kết quả xét nghiệm và chẩn đoán, hội chẩn, v.v…), bệnh nhân có quyền được biết những thông tin được ghi chép trong hồ sơ có chính xác hay không, có quyền biết những thông tin đó được phân phối cho ai, ở đâu, và lúc nào. Bệnh nhân cũng cần tham vấn nhiều bác sĩ hay bệnh viện khác nhau, vì thế hồ sơ bệnh án rất quan trọng cho việc trao đổi thông tin, nhất là trong thời đại điện tử và liên mạng như hiện nay.
Trong thời đại điện tử, hồ sơ bệnh án có thể được bảo mật bằng mã số mà chỉ có bệnh nhân biết được. Khi bệnh nhân có quyền truy cập hồ sơ bệnh án của mình cũng có nghĩa là bệnh nhân làm chủ thông tin của mình, có thể kiểm tra và sửa đổi (nếu thông tin không đúng). Do đó, bệnh nhân có trong tay một “vũ khí” lợi hại để bảo vệ quyền riêng tư của mình từ những xâm soi của người khác.
Chính vì lí giải này mà nhiều nước trên thế giới có hẳn luật pháp cho bệnh nhân quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án. Ở Liên bang Âu châu (EU), Quốc hội có chỉ thị cho 12 nước thành viên phải ban hành luật cho quyền bệnh nhân được tiếp cận hồ sợ bệnh án của họ. Ở Anh, luật này được thông qua từ năm 1990. Ở Mĩ (phần lớn các bang), Canada, New Zealand, v.v… luật pháp cho quyền bệnh nhân được tiếp cận hồ sơ bệnh án của mình. Bệnh nhân còn có quyền chỉnh sửa thông tin trong hồ sơ nếu thông tin không chính xác.
Nói tóm lại, qui ước truyền thống để bệnh viện và bác sĩ giữ thông tin bệnh án của bệnh nhân không còn thích hợp trong thời đại mà hệ thống chăm sóc sức khỏe đa ngành như hiện nay. Việc để cho cơ sở y tế độc quyền trong việc tiếp cận hồ sơ bệnh án không còn phù hợp với thực tế trong mối liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Trong mối liên hệ mới này, bệnh nhân đóng vai trò hợp tác một cách chủ động với bác sĩ, chứ không phải ở mối quan hệ xin-cho. Trong vai trò hợp tác, bệnh nhân có quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án của mình.
Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009
Quyền được tiếp cận hồ sơ bệnh án
16:39
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét