Thấy trên mạng có bài viết giới thiệu cuốn sách của Henri Oger, với những phác họa về sinh hoạt của người Việt trong những năm đầu thế kỉ 20. Theo bài báo Oger nhận xét về người Việt như sau:
“Bắc Kỳ những năm đầu thế kỷ 20 trong con mắt Henri Oger là nơi đất chật người đông, cuộc đấu tranh sinh tồn rất dữ dội.
Chính vì người dân nghèo, chỉ quen mua hàng rẻ, ít đòi hỏi cao, nên hàng làm ra bán cho họ thường bị làm nhanh, làm ẩu. Thợ thủ công An Nam cũng bị nhận xét là kỹ thuật sơ sài, không được giảng dạy đầy đủ về nghề nghiệp, thiếu sáng tạo, không có những phẩm chất đã khiến cho người thợ ở châu Âu trở thành nghệ sĩ.
Tuy nhiên, theo hai tác giả chủ biên cuốn sách, những nhận xét này không hề mang sắc thái khinh thường thái quá mà chỉ đơn giản là vì Oger sống trong thời đại của mình, tin vào tính ưu việt của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với các xã hội xa lạ và tin vào sứ mệnh khai hoá văn minh của nước Pháp.”
Tuy người viết bài báo cho rằng nhận xét đó mang tính “thời đại của mình, tin vào tính ưu việt của mô hình văn minh tư sản phương Tây so với các xã hội xa lạ và tin vào sứ mệnh khai hoá văn minh của nước Pháp,” nhưng tôi vẫn nghĩ ông ấy quá chính xác trong nhận xét về tính cách người Việt, mà cho đến ngày nay vẫn còn phù hợp.
Làm ẩu. Kĩ thuật sơ sài. Thiếu huấn luyện. Thiếu sáng tạo. Tất cả những nhận xét đó đều đúng. Không khó khăn gì để có thể đi tìm những bằng chứng thực tế làm cơ sở cho những nhận xét đó. Tôi đi qua cây cầu NHơn Hội nhìn từ xa rất hoành tráng ở Qui Nhơn, nhưng đi trên cầu mới thấy họ làm rất ẩu, thô, và có khi nguy hiểm. Ngay cả cây cầu Rạch Miễu mới rầm rộ khánh thành cũng có nhiều vấn đề kĩ thuật, và cũng rất thô. Nhìn gần những tấm hình kí giả chụp trên cầu Rạch Miễu mới thấy cách làm của ta rất ... hỡi ôi. Hình như người mình không có thói quen xem xét đến chi tiết, mà chỉ làm chung chung hay làm cho có mà thôi. Nhiều công trình của Việt Nam chỉ làm hình như nhằm mục tiêu khoe là “ta làm được”, rồi dừng ở đó, chứ không đi xa hơn. Thật ra, ngay cả “ta làm được” cũng không hẳn là làm được. Điều này rất tương phản với người Tây phương, những người mà khi làm cái gì họ cũng tính toán cẩn thận, xem xét từng chi tiết nhỏ, đánh giá lợi và hại một cách khách quan, v.v… cho nên khi công trình hoàn tất nó thường có chất lượng cao và lâu bền.
Việt Nam ta nổi tiếng làm gia công quần áo cho các công ti Tây phương. Quần áo họ gia công đẹp, và khi ra ngoài này, thường bán với giá rất cao. Nhưng còn hàng trong nước cũng do những công ti gia công đó làm với nhãn hiệu “chất lượng cao” thì sao? Nói ngắn gọn là chất lượng thấp thì đúng hơn. Họ cũng bắt chước may những cái cáo sơ mi hiệu Polo, Nautica, Tommy Hilfiger, v.v… nhưng nhìn kĩ thì họ bắt chước rất kém. Chỉ nhìn qua đường chỉ là thấy họ làm ẩu. Nhìn qua cách họ làm logo cũng dễ dàng thấy đây là đồ dỏm, bắt chước. Người Tàu cũng làm hàng nhái, nhưng họ nhái giỏi hơn người Việt chắc cỡ 10 lần. Hàng nhái của Tàu lợi hại đến nổi chúng ta khó nhận ra thật và giả. Còn hàng nhái của Việt Nam thì còn quá kém. Làm hàng nhái mà còn làm không xong thì chúng ta khó mà nói đến chuyện lớn được.
Thế còn hàng do Việt Nam thiết kế thì sao? Tôi tò mò xem qua những chiếc quần tây và áo sơ mi của hãng VT làm, và thấy tất cả đều có một motif giống y chang nhau, không có gì là sáng tạo cả. Họ chỉ thay đổi màu và vải (mà vải thì cũng chất lượng thấp). Ngay cả các thiết kế của hãng nổi tiếng như AP cũng thế, không có gì thay đổi đáng kể và không mới. Giày sản xuất ở Việt Nam không rẻ chút nào, nhưng về mẫu mã thì còn thua xa so với ngoại quốc (thua luôn Trung Quốc và Ấn Độ), bởi vì các loại giầy này đều na ná giống nhau về thiết kế. Tôi có cảm giác hình như các hãng bắt chước kiểu nhau. Không thể biện minh rằng họ làm cho người địa phương nên chất lượng như thế là đủ, vì nói như thế là xem thường đồng hương Việt Nam. Cũng không thể biện minh theo kiểu "tiền nào của nấy", vì đây là hàng "chất lượng cao", và người Việt sẵn sàng trả cả 100 USD cho những cái áo có chất lượng cao. Chỉ có thể giải thích là làm ẩu, thiếu sáng tạo, và bắt chước quá tồi.
Trong văn nghệ cũng thế. Khi một vở tuồng Đời cô Lựu ra đời, thì hàng loạt (có thể hàng 20) vở tuồng cải lương cũng có motif na ná giống như Đời cô Lựu. Cho đến bây giờ, những vở tuồng cải lương được sáng tác hay soạn thảo vẫn chưa thoát được cái motif của Đời cô Lựu, Ông cò Quận Chín, hay chưa đi xa va cao hơn những sáng tác của Viễn Châu. Tân nhạc cũng thế: một bài ca ca ngợi cái nghèo làm cho hàng loạt “sáng tác” khác cũng ca ngợi cái nghèo một cách vụng về, tũn mũn, và … sến. Trịnh Công Sơn có bài Cát bụi thì phía nhạc sến cũng cho ra đời "trở về cát bụi" gì đó mà ý tưởng thì y chang như ý của TCS nhưng nhạc điệu và lời thì quá nghèo nàn và thiếu chất thơ, thiếu triết lí. Khi trung tâm Paris By Night ra đời, thì hàng loạt trung tâm khác cũng lấy “by Night” làm tên gọi (Saigon by Night, Cali by Night, Hollywood Night, v.v…). Thật khó tưởng tượng được một sự bắt chước và nhái thô thiển như thế!
Không chỉ đúng trong giới thợ thuyền và công nhân, trong giới nghệ sĩ, mà ngay cả trong giới khoa học nữa. Những ai thử đọc qua các abstracts trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam sẽ dễ dàng bắt gặp những cụm từ quen quen như “Bước đầu nghiên cứu”, “Đánh giá”, “Xác định”, v.v… Phần lớn (chắc cũng 99%) là những nghiên cứu lặp lại những gì người nước ngoài đã làm nhưng không có phương pháp gì mới hay dữ liệu gì mới. Và, đương nhiên là không có phát kiến gì mới.
Mà, thật ra, nhìn lại về những thành tự khoa học, chúng ta phải ngậm ngùi mà nói là: không có gì. Chúng ta không có những phát kiến gì đáng kể. Ngay cả nghề nông là nghề truyền thống, mà chúng ta cũng chẳng có gì để chỉ dạy thế giới. Chúng ta không có những nhân tài xuất sắc trên trường quốc tế (nhưng có nhiều người nghĩ như thế).
Bắt chước và thiếu sáng tạo có lẽ là dấu hiệu của một sự lười suy nghĩ. Nếu giả thuyết này đúng thì người Việt chúng ta lười suy nghĩ quá.
Cách đây hơn 70 năm, cụ Ðào Duy Anh đã viết như sau khi nhận xét về tính cách của người Việt: "Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Tôi thấy, cho đến nay, những nhận xét này vẫn còn chính xác, nhất là trong giới trí thức Việt Nam.
Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao ta lại quá kém trong hoạt động khoa học như thế? Có thể nói từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Ðọc lịch sử Việt Nam từ các triều đại Ðinh, Lý, Lê, Trần và Nguyễn, ai cũng thấy nước ta có nhiều anh hùng quân sự, nhà thơ, nhà sử học, nhưng rất ít nhà khoa học, kĩ sư hay nhà kinh tế. Hệ thống giáo dục của nước ta ngày xưa được bắt chước theo mô hình giáo dục của Trung Quốc, đòi hỏi người học sinh phải tuân thủ sách vở một cách máy móc và không khuyến khích sự tự do tìm tòi, thử nghiệm, hay chất vấn. Cái truyền thống này ca ngợi, tuyên dương những người thuộc làu những điều răn dạy của Khổng Tử, và coi thường những ai làm nghề tay chân (kĩ sư, khoa học gia, công nhân, nông dân, v.v...) hay làm thương mại.
Khi người Pháp vào Việt Nam, hệ thống giáo dục Trung Quốc được thay thế bằng hệ thống giáo dục Pháp, một hệ thống có mục tiêu là đào tạo ra những thầy thông, thầy phán, hay quan chức để thực thi đường lối, chính sách của kẻ cai trị. Hệ quả là nó làm cho học sinh tiêm nhiễm cái tâm lí hám danh và sính bằng cấp, học ra để làm quan, làm ông nghè hay nhằm giật được một mảnh bằng để làm rạng danh gia đình hay khoe cùng người hàng xóm, chứ không nhằm đóng góp kiến thức hay mang lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Với hệ thống giáo dục này, học sinh phải học thuộc lòng sách giáo khoa nhằm cố thi đỗ trong các kì thi rất gắt gao. Lối giáo dục này vẫn còn kéo dài tới những năm trong thập niên 60 và 70 mà tôi (và nhiều người cùng thế hệ) từng là những "nạn nhân" của nó. Chúng tôi không được khuyến khích tìm hiểu những sự việc, hiện tượng chung quanh chúng tôi xảy ra như thế nào và tại sao? Kết quả cuối cùng là nhiều thế hệ học sinh không có cơ hội nghiên cứu khoa học. Và quan trọng hơn nữa, phần lớn những kiến thức về Việt Nam, về dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại nằm trong tay các nhà khoa học ngoại quốc, thay vì trong tay các nhà khoa học Việt Nam. Rất tiếc là xu hướng này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, với những show khoa học theo kiểu nhảy dù.
Tôi nghĩ tác dụng của cuốn sách của Oger là nó “đánh” thẳng vào tâm thức của người Việt, làm cho chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: đó là chúng ta có thói quen làm ẩu, kĩ thuật sơ sài, thiếu huấn luyện, thiếu sáng tạo, và lười biếng suy nghĩ. Nhận thức được như thế là một bước đầu để mỗi chúng ta phải làm gì. Tôi cũng phải suy nghĩ lại mình có những thói quen đó hay không và phải tự khắc phục mình. :-)
NVT
Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009
Nhận xét về người Việt của một người Pháp
16:50
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét