Thứ Hai, 11 tháng 5, 2009

Bàn về cách "chấm điểm" giáo sư

Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) lại vừa ra qui định và tiêu chuẩn mới cho chức danh giáo sư và phó giáo sư. Qui định mới có phần hợp lí hơn so với các qui định trước, nhưng vẫn còn rất khác và phức tạp hơn so với các chuẩn mực ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tôi nghĩ cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn mới sao cho phù hợp với đa số các nước trên thế giới. Bài viết này sẽ chỉ ra những khác biệt và bất cập chính về tiêu chuẩn cho chức danh GS/PGS.

Tính điểm bài báo khoa học

Một trong những điểm quan trọng trong việc xét phong GS/PGS lần này là cách tính điểm bài báo khoa học. Theo qui định mới, "bài báo khoa học đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí hàng đầu quốc tế và Việt Nam được nhiều người trích dẫn" có điểm tôi đa là 2.

Ở đây có hai vấn đề. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tập san khoa học (trên 100.000 tập san) với chất lượng thượng vàng hạ cám. Vì thế, giới khoa học phát triển một chỉ số để đánh giá chất lượng của một tập san, và chỉ số đó có tên là "hệ số ảnh hưởng" (impact factor, IF). Chỉ số IF dao động từ 0 đến 80 giữa các tập san. Tập san có IF cao có nghĩa là có uy tín cao và ảnh hưởng lớn hơn các tập san có IF thấp. Nhưng IF còn tùy thuộc vào bộ môn khoa học, với những bộ môn thực nghiệm thường có IF cao hơn các bộ môn như xã hội học và toán học. Chưa có một tập san khoa học nào của Việt Nam có chỉ số IF.

Những vấn đề thực tế trên cho thấy không thể đánh giá một công trình đăng trên tập san Việt Nam bằng một công trình đăng trên một tập san quốc tế với IF trên 10. Tương tự, cũng không thể xem một bài báo trên một tập san ở Úc, hay Nhật, hay Hàn Quốc, hay Trung Quốc với chỉ số IF = 1 bằng một bài báo trên một tập san ở Mĩ với IF = 20, dù cả hai đều là "tập san quốc tế". Ngoài ra, cũng không thể đánh giá IF của tập san toán với một tập san ngành y học. Do đó, không nên cho điểm một bài báo khoa học một cách máy móc mà không xem đến tập san bài báo đó được công bố.

Nhưng IF chỉ phản ảnh uy tín và chất lượng của một tập san, chứ không phản ảnh chất lượng của bài báo trên tập san đó. Một công trình nghiên cứu có thể công bố trên một tập san có IF cao nhưng không được ai trích dẫn không có giá trị bằng một công trình công bố trên một tập san có IF thấp nhưng được nhiều người trích dẫn. Trong thực tế, có hơn 50% các bài báo trên các tập san quốc tế chẳng bao giờ được ai trích dẫn! Do đó, khi xem xét cho điểm bài báo, cũng cần phải xem chỉ số trích dẫn, chứ không chỉ IF của tập san.

Như nói trên, IF của tập san tùy thuộc vào từng ngành chuyên môn. Độ dao động IF cũng rất khác nhau giữa các ngành chuyên môn. Do đó, tôi nghĩ có một cách để “chuẩn hóa” bằng cách tính chỉ số Z cho một tập san. Nói cách khác, lấy IF của một tập san mà ứng viên công bố trừ cho cho chỉ số IF trung bình của ngành và chia kết quả tính toán cho độ lệch chuẩn trong ngành. Với chỉ số Z, chúng ta có thể so sánh tương đối (chỉ “tương đối” thôi) khách quan giữa các ngành chuyên môn.

Số lần trích dẫn bao nhiêu là phản ảnh chất lượng? Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Vì chỉ số trích dẫn còn tùy thuộc theo “văn hóa ngành” (tức một số ngành như toán có chỉ số trích dẫn thấp hơn các ngành khác như vật lí hay sinh học), do đó cần phải điều chỉnh cho từng tập san. Theo đó, nếu số lần trích dẫn của bài báo cao hơn chỉ số trích dẫn trung bình của tập san thì có thể được xem là có chất lượng cao. Chẳng hạn như tập san A có chỉ số trích dẫn trong 10 năm là 35 lần / bài báo, và nếu một bài báo của ứng viên trên tập san đó có số lần trích dẫn trên 35 lần thì được xem là có chất lượng cao.

Cũng như chỉ số IF, chỉ số trích dẫn cũng rất phụ thuộc vào “văn hóa ngành”, và so sánh chỉ số trích dẫn giữa các ngành cũng không công bằng. Bởi vì mỗi ngành đều có những số liệu như chỉ số trích dẫn trung bình và độ dao động, tôi đề nghị tính chỉ số Z cho số lần trích dẫn tương tự như chỉ số Z cho IF.

Vấn đề tác giả

Nhiều công trình khoa học ngày nay thường có nhiều tác giả. Phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thường là hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài, và tác giả Việt Nam thường không đứng tên đầu (xem bài “Khoa học Việt Nam đang ở đâu?” của tôi), tức không phải là người chủ trì công trình nghiên cứu. Do đó, nếu một ứng viên có nhiều bài báo khoa học dù trên các tập san có IF cao, nhưng nếu chỉ đóng vai trò “tác giả phụ”, thậm chí “tác giả làm quà” (gift author) thì không thể đánh đồng với một tác giả chính được.

Cần nói thêm rằng, hiện tượng gift author là trong đó các nhà khoa học cho tên của đồng nghiệp hay cấp trên của mình vào danh sách tác giả dù người này chẳng biết hay chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu. Hiện tượng gift author khá phổ biến trong khoa học, nhất là ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong các qui định của Hội đồng chức danh, không thấy nói đến vấn đề tế nhị như tôi vừa đề cập.

Vấn đề nhiều tác giả có liên quan đến văn hóa ngành, và nếu không là người trong ngành rất khó đánh giá công trạng một cách công bằng. Năm 1985, Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors – ICMJE, còn gọi là Vancouver Group) đề ra 3 tiêu chuẩn cho một tác giả bài báo khoa học. Năm 2000, 3 tiêu chuẩn này được hiệu đính lại, và được giới khoa học quốc tế công nhận là những tiêu chuẩn vàng để qui quyền tác giả. Theo định nghĩa của ICMJE, một thành viên nghiên cứu có tư cách đứng tên tác giả phải hội đủ tất cả 3 tiêu chuẩn sau đây: (1) đã có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng và phương pháp nghiên cứu, hay thu thập dữ kiện, hay phân tích và diễn dịch dữ kiện; (2) đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung tri thức của bài báo một cách nghiêm túc; và (3) phê chuẩn bản thảo sau cùng để gửi cho tập san.

Trong thực tế, rất ít nhóm nghiên cứu tuân thủ theo các tiêu chuẩn trên đây, nhưng thứ tự tác giả thường được hoạch định theo một "văn hóa" của trung tâm nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu ngầm chấp nhận. Các "qui chế" bất thành văn trong các văn hóa này có thể tóm lược như sau:

Văn hóa thứ tự (sequence-determined credit). Theo văn hóa này, tác giả có công nhiều nhất (ý tưởng nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu, viết bản thảo) sẽ đứng tên tác giả số 1, người có công thứ hai đứng tên tác giả 2, và người có công ít nhất đứng tên tác giả sau cùng.

Văn hóa tương đương (equal contribution norm). Theo văn hóa này, tất cả các tác giả có mức độ đóng góp như nhau, và thứ tự tác giả sẽ được quyết định bằng chữ cái của họ. Nói cách khác, tác giả nào có chữ cái là A sẽ đứng tên tác giả đầu, và cứ theo thứ tụ đến tác giả sau cùng có chữ cái của họ là Z.

Văn hóa "đầu chót" (first-last emphasis). Theo văn hóa này, tác giả thứ nhất và tác giả sau cùng là hai người có đóng góp nhiều nhất và chịu trách nhiệm về dữ liệu trong bài báo. Thông thường, tác giả thứ nhất là nghiên cứu sinh tiến sĩ hay hậu tiến sĩ, tác giả sau cùng là trưởng nhóm nghiên cứu của lab hay cơ sở nghiên cứu, và các tác giả theo sau tác giả đầu được xếp theo mức độ đóng góp.

Văn hóa định lượng (percent contribution indicated). Trong văn hóa này, chi tiết về đóng góp của từng tác giả được liệt kê một cách vắn tắt, và định lượng trong nội bộ với nhau. Chẳng hạn như hai hay ba tác giả có đóng góp tương đương nhau, và thứ tự tác giả được sắp xếp theo chữ cái của họ hay theo một phương pháp khá khoa học : đó là ngẫu nhiên hóa !

Do đó, khi xem xét lí lịch của một nhà khoa học, hay đơn đề bạt, hay đơn xin tài trợ của một ứng viên, nếu không biết được văn hóa mà ứng viên xuất thân thì rất khó mà đánh giá khách quan và chính xác cho ứng viên.

Giả dụ rằng sau khi tìm hiểu, chúng ta biết được văn hóa khoa học mà ứng viên xuất thân, vấn đề thứ hai là làm sao để định lượng đóng góp của ứng viên trong những bài báo gồm nhiều tác giả. Gần đây, có một đề nghị rất thú vị và khá hợp lí để giải quyết vấn đề này. Theo đề nghị này, cách tính điểm có thể dựa vào hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san. Nếu hệ số ảnh hưởng của tập san trong năm là k, cách phân chia điểm theo từng văn hóa có thể tiến hành như sau:

Đối với văn hóa thứ tự (sequence-determined credit), tác giả đầu tiên có k điểm, tác giả hai có k/2 điểm, tác giả 3 có k/3 điểm, v.v...

Đối với văn hóa tương đương, việc tính điểm dễ hơn, vì chỉ cần lấy k chia cho số tác giả trong bài báo.

Đối với văn hóa trước đầu chót, tác giả đầu có k điểm, tác giả chót k/2 điểm, các tác giả còn lại có k/n điểm, trong đó n là tổng số tác giả.

Đối với văn hóa định lượng, mỗi tác giả i có số phần trăm đóng góp (kí hiệu là pi), và điểm cho từng tác giả chỉ đơn giản là kpi.

Vấn đề lạm dụng đứng tên tác giả bài báo ở nước ta chưa được thảo luận chính thức trên mặt báo, nhưng qua phản ảnh không chính thức của nghiên cứu sinh và sinh viên vấn đề tồn tại khá phổ biến ở các trường đại học và trung tâm nghiên cứu. Những "hiện tượng" phổ biến mà người viết bài này từng biết hay được biết qua đồng nghiệp là : vấn đề "sếp" của một nhóm nghiên cứu tiếm công của đồng nghiệp trẻ ; vấn đề các "sếp" chẳng liên quan gì đến công trình nghiên cứu, nhưng là giám đốc bệnh viện hay giám đốc trung tâm nghiên cứu, nên được các tác giả dưới quyền ghi tên tác giả bài báo ; vấn đề được các công ti dược mướn đứng tên tác giả bài báo dù chẳng dính dáng gì đến công trình nghiên cứu.

Cũng có không ít trường hợp có nhiều bài báo, thậm chí sách, mà tác giả chỉ là người dịch từ các bài báo hay sách từ nước ngoài, nhưng lại "vô tư" đứng tên tác giả bản tiếng Việt ! Ngoài ra, một số nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ta có khuynh hướng coi thường học thuật, xem việc học tiến sĩ hay thạc sĩ của họ là một sự mua bán.

Thậm chí có khi vấn đề đứng tên tác giả vẫn chưa được thể hiện nghiêm chỉnh trong các bài báo khoa học ở trong nước. Chẳng hạn như có bài báo mà tác giả chỉ đề tên họ một tác giả và kèm theo dòng chữ "và cộng sự" hay thậm chí "và cs"! Người ta phải hỏi ai là "cộng sự", và chắc chắn họ phải có tên có họ, tại sao không ghi tên họ rõ ràng. Đây là một việc làm (hay thói quen) không thể chấp nhận (chứ không phải "khó chấp nhận") được trong hoạt động khoa học.

Bài báo khoa học là một "đơn vị tiền tệ" cho sự nghiệp của nhà khoa học. Vì thế, đứng tên tác giả một công trình khoa học có nhiều lợi ích rất thiết thực và quan trọng cho nhà khoa học. Những lợi ích này có thể tóm lược trong 5 khía cạnh sau đây : (a) đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học ; (b) thành tựu cá nhân ; (c) bằng chứng về khả năng tri thức ; (d) đóng góp vào sự phát triển của chuyên ngành và danh tiếng ; và (e) thước đo để được đề bạt trong thang bậc khoa bảng, xin tài trợ, và thu nhập vào các hội đoàn nhóm nhà khoa học ưu tú. Do đó, việc xác định công trạng một cách khách quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định đóng góp của một nhà khoa học. Hi vọng phương pháp trình bày trong bài này góp một phần nhỏ vào chiều hướng đó.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét