Hôm qua thấy có bài “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” trên ANTG số tháng 4-2009, nhưng không thấy trên báo mạng. Có lẽ nội dung hơi tế nhị nên người ta không đăng báo mạng chăng? Bài viết ghi lại ý kiến của các quan chức âm nhạc của Việt Nam về Phạm Duy.
Ngay cả câu giới thiệu cũng đã mang tính áp đặt: “Tuy nhiên, không ít điều xuất hiện trên một số phương tiện thông tin đại chúng xung quanh đêm nhạc Phạm Duy đã gây nên những bức xúc cho người chính trực.” Ai là “những người bức xúc”, và ai là “người chính trực”. Nếu mấy ông quan nhạc sĩ này có vấn đề với Phạm Duy thì nói huỵch tẹt ra đi, cần gì phải úp mở ngụy biện như thế nhỉ?
Cả ba ý kiến của các vị quan chức này đều bày tỏ sự khó chịu (hay hằn học?) của họ trước dư luận quá ái mộ Phạm Duy được biểu hiện qua những show nhạc “hoành tráng” từ Nam chí Bắc. Ngay cả một công ti văn hóa bỏ tiền ra mua toàn bộ tác phẩm của ông cũng bị đem ra bàn tán với lời lẽ không mấy tử tế. tuy nhiên họ không tự hỏi tại sao công ti đó không mua tác phẩm của họ mà mua tác phẩm của Phạm Duy.
Cả ba ý kiến không có tính học thuật gì cả, mà tập trung vào tấn công cá nhân, hay nói theo tiếng Anh là smear hay personal vendetta. Họ răn đe Phạm Duy. Họ nhắc nhở Phạm Duy nhớ về quá khứ của mình (cái này thì nên để lịch sử đánh giá). Họ trịch thượng lên lớp Phạm Duy rằng đừng tưởng mình tài giỏi (cái này thì Phạm Duy đâu cần nói, để công chúng đánh giá). Đọc hết bài này tôi thấy phảng phất một hoạt cảnh một nhóm tam nhân mặt mũi hầm hầm, cầm roi lăm le chờ người diễn viên đang được khán giả ái mộ ra khỏi sân khấu để ăn thua đủ: tại sao mày dám nổi tiếng, muốn yên thân thì câm miệng lại, đừng có diễn hát ồn ào, nghe chưa. Một không khí đe dọa, khủng bố tinh thần. Một kiểu trâu buộc ghét trâu ăn? Hay là hội chứng người đứng cao (tall poppy syndrome). Hay một cách bày tỏ sự thiếu tự tin vào tài năng của chính mình?
Định viết vài hàng bình luận tiếp, nhưng tôi thấy có một người kí tên là “thầy giáo làng” có bài phản hồi quá đầy đủ mà còn rất hay nữa. Xin giới thiệu các bạn bài phản hồi của thầy giáo làng (còn bài lên lớp và cảnh cáo Phạm Duy thì tôi nghĩ không đáng copy lại ở đây. Ai muốn đọc thì ở đây).
NVT
http://blog.360.yahoo.com/blog-l6d9Jzs5equCOax5sHxEkZQ5hw--?cq=1
Phản hồi về bài:
Nhạc Phạm-Duy và những điều cần nói
(Bài đăng trên báo:An ninh cuối tháng số 93,tháng 4-2009)
Tôi vừa được đọc bài báo nói trên sáng nay và nhận thấy có đôi điều cần được "lạm bàn "mặc dầu, như nickname của tôi vẫn dùng trong các entries viết trước đây,tôi chỉ là một "Thầy giáo làng", có nghĩa là một người "ngoại đạo" với âm nhạc.Tuy nhiên theo thiển nghĩ của tôi,cứ gì phải là một nhạc sĩ có chân trong Hội Nhạc sĩ mới có quyền phát biểu đôi điều về âm nhạc, quyền thưởng thức âm nhạc là của tất cả mọi người, và ai cũng đều có thể đánh giá, bài hát nào hay, bài nào dở.
Điều cần nói trước tiên là những người viết bài báo nói trên là ba vị quan chức cao cấp của ngành Âm nhạc nước ta: NS Trọng Bằng, nguyên Tổng thư ký Hội Âm nhạc VN, NS Hồng Đăng, nguyên phó tổng thư ký Hội Âm nhạcVN, Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tổng thư ký phân hội NSVN Hà Nội.
Người đời thường nói: "miệng kẻ sang có gang có thép", vì vậy bài báo đó có thể coi như tiếng nói của toàn thể giới nhạc sĩ VN chăng?
Mỗi tác giả đều có nhận định riêng của mình, nhưng có vẻ như họ đã hội ý với nhau trước về cái ý thống nhất của bài báo, đó là: Hãm phanh dư luận của giới Báo chí gần đây đã, theo lời ba vị là "Tâng bốc quá mức về thành công của những đêm nhạc Phạm-Duy tổ chức ở những thành phố lớn, cùng với tên gọi "Ngày trở về".
Cả ba vị đều có "Nhã ý trích ngang lý lịch "của nhạc sĩ PD mà tôi xin phép được tóm tắt như sau: PD là một NS có tham gia những năm đầu KC chống Pháp <1946-1950>, và ông đã có một số tác phẩm được nhiều ngừoi biết đến như: Nương chiều, Nhạc tuổi xanh... Ông đã có công trong việc đưa dân ca áp dụng vào các ca khúc như Dân ca Thương binh, dân ca Sông Lô... nhất là những bài Bà mẹ Do linh, Về miền Trung ... sáng tác sau chuyến đi thực tế vào Bình Trị Thiên năm 1949.
Hầu như cả ba vị NS khả kính trên đều áp dụng chiêu "xoa trước,đánh sau", mà cái phần thứ hai này được viết với văn phong mà trong âm nhạc gọi là fortissimo. Họ nói ông đã "dinh tê" năm 1950, sau đó đã đổi lời một số bài hát đã làm trong KC cho hợp với hoàn cảnh mới như: bài Bao giờ anh lấy được đồn Tây thành ra bài Quê nghèo ...
Rồi sau khi vào Nam năm 1954, ông lại có một số bài có nội dung chống lại CM … và Sau nhiều lần "ngoái đầu về cố quốc"
Theo hiểu biết của tôi,việc trở về quê hương của nhạc sĩ PD mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là "sau khi ngoái đầu về nhiều lần, thấy việc trở về có thể làm mình nổi tiếng hơn ở nước ngoài thì PD mới về." Mà cái sự nổi tiếng của Phạm Duy thì các anh cũng thừa biết, anh ấy đã quá nổi tiếng trước khi về nước từ lâu rồi.
Tôi nghĩ việc các nghệ sĩ Đức Huy, Elvís Phương ...và sau đó là PD về nước, là một biểu hiện tuyệt đẹp của chính sách Hòa hợp Dân tộc mà chúng ta đã chủ trương ngay từ sau ngày Thống nhất đất nước, nó chẳng hề mang tính chất cơ hội như một số người lầm tưởng.
Cần gì mà ông Trọng Bằng phải viết: "PD phải tỉnh táo,vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ củaPD là một tội lỗi!!!! Thiết nghĩ việc đánh giá công hay tội của một con người là một việc của lịch sử,không cá nhân nào được phép nhân danh lịch sử để lên án, bôi nhọ người khác. Trong lịch sử có những người như Hồ quí Ly chẳng hạn, đã có một thời gian dài, người ta coi ông như một kẻ tiếm ngôi nhà Trần, một nhân vật phản diện. Nay sử sách đã phải có một cách nhìn khác về ông mà coi ông như một nhà cải cách lớn. Rồi nhà Nguyễn Gia Long nữa, trước đây chúng ta coi như họ là một lũ "Cõng rắn cắn gà nhà..." Nay thì họ đã được đánh giá là có công mở rộng bờ cõi về phía Nam .... Lịch sử bao giờ cũng công bằng, và việc đánh giá đó nhiều khi đòi hỏi một thời gian hằng thế kỷ hay lâu hơn nữa. Chúng ta phải biết kiên nhẫn đợi chờ.
Mà có nhiều trường hợp, chúng ta đâu có cần gì phải chờ đợi quá lâu, mới có được những đánh giá đúng đắn về một cá nhân nào đó. Như trường hợp của Staline chẳng hạn. Trước khi ông chết, một caí chết đã làm cho nhà thơ Tố Hữu phải làm cả một bài thơ dài để khóc ông thì cả Thế giới đã coi ông như một người hùng của Thế chiến thứ 2, người đã chiến thắng trùm Phát xít Hitler. Vậy mà khi ông nằm xuống chưa bao lâu,các nhà lãnh đạo mới của Liên sô
Tôi còn nhớ cả chuyện Nhạc sĩ Trọng Bằng, khi ấy còn là một SV trường Dự bị Đại học, <1953> đã kịp làm bài "Ca ngợi Malencốp" khi ông này lên thay Staline, trong đó câu kết của bài là: "Hát lên Malencốp muôn đời". Rủi cho anh là Malencốp lên chưa nóng chỗ đã bị thay bởi một nhà lãnh đạo khác. Nếu không có sự kiện đó thì bên cạnh những: "Em bé Triều tiên, Bão nổi lên rồi ... anh đã có thêm một tác phẩm "để đời khác".
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: Nếu có người nước ngoài nào muốn nghiên cứu về nền Âm nhạc của VN giai đoạn 1954-1975 mà chỉ thấy toàn là những: Anh vẫn hành quân, Sẵn sàng bắn, Không cho chúng nó thoát, Bão nổi lên rồi ... thì họ có thể cho rằng: "Quái sao trong từng ấy năm mà con trai, con gái nước này, họ không yêu nhau, không nhớ nhau thì làm sao họ tồn tại được nhỉ?
May mà trong kho tàng âm nhạc của chúng ta, sau ngày đất nước Thống nhất còn có những tình ca của Trịnh công Sơn, và sau chính sách "Đổi mới ta lại có thêm những tác phẩm của Ngô thụy Miên, Đức Huy ... và sau khi ông PD về định cư ở quê hương ta lại "phục hồi nhân phẩm" cho những: "Ngàn trùng xa cách, Nha trang ngày về, Ngày xưa Hoàng thị … Nếu không thì chúng ta ăn nói thế nào về tình trạng "trong một cái vườn hoa đẹp như nền âm nhac của chúng ta, một nền âm nhạc mà ta luôn tự hào là "đậm đà bản sắc Dân tộc, là vô cùng phong phú, lại thiếu đi hẳn một mảng lớn những bông hoa mà nước nào cũng có,đó là những bản tình ca, những bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa ... Tìm đến mỏi cả mắt, mãi mới thấy có "Gửi nắng cho em, Hoa sữa, Em ơi Hà nội phố ...
Mà ở miền Bắc nước ta,đâu có thiếu người viết tình ca hay. Lừng lững như một Văn Cao, người mà cả ba tác giả khả kính nói trên đều hết lời ca ngợi, người có thể coi là ông vua tình ca, một người có những bài nhạc sang trọng như một ông Hoàng
Ngoài Văn Cao ra, chúng ta còn có Đoàn Chuẩn,người được coi nhu một nhạc sĩ của Mùa Thu Hà nội, ông cũng còn kịp viết ra được hơn mười tình khúc bất hủ trước khi tự nguyện treo bút vĩnh viễn sau bài "Gửi người em gái miền Nam". Còn những nhạc sĩ tài danh khác thì sao? Mỗi người trong đám họ cũng đánh bạo mỗi ngừời có được một hay hai tình ca mà mỗi lần trình diễn, ban tổ chức cứ phải nói chệch ra là "nhạc Tiền chiến" tức là loại nhạc họ viết ra từ trước CM. Tôi có đem chuyện này ra hỏi Nhạc sĩ Tô Hải xem ông viết Nụ cười sơn cước khi nào thì ông cười mà nói: ngày trước cậu cũng có đóng quân ở Kim Bôi không nhỉ. Năm 1948 mình đã trú quân ở đó ít lâu, trong Bản có một cô gái người Mường tên là cô Phẩm, cô ấy rất xinh, đúng như hình ảnh mình đã viết: Hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn mầu trắng trắng, một chiếc vòng sáng long lanh với nụ cười em quá xinh ... Mình lúc đó mới 20 tuổi, cũng chỉ là thấy thinh thích thôi, chứ đã nước non gì đâu. Thế là sau khi rời Kim bôi, trong một buổi chiều mà tớ viết "trong lòng, mưa hơn cả ngoài trời" tớ đã sáng tác bài đó rất nhanh. Mà thực ra hôm đó có mưa gió gì đâu, lại còn nắng như đổ lửa ấy chứ. Nhưng,cái câu đó, cậu còn nhớ tớ học được ở đâu cậu biết không? Ở câu:"il pleut sur la route, il pleut dans mon coeur...." trích từ một bài thơ Pháp do cụ Phương giảng từ hồi học Primaire Sup ở Thái bình ấy mà. Thế sao gọi là "Tiền chiến" được? Tôi hỏi. Anh cười nói: có nói thế mới lách được. Đoạn anh cười nói thêm: thì cũng như Dư âm của Nguyễn văn Tý, hắn làm năm 1950 ở khu 4, Tạ từ của Tô Vũ làm ở Đống năm Thái binh năm 1949 ... Toàn là tiền chiến giả hiệu cả thôi. Phải nói thế để chứng tỏ rằng những bài nhạc lãng mạn, ủy mị đó chúng tớ viết từ khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng. Thực sự gọi là "Tiền chiến" thì chỉ có Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Biệt ly của Doãn Mẫn, Bẽ bàng của Lê Yên cùng toàn bộ các tình khúc của Văn Cao như Buồn tàn Thu, Thiên thai, Bến Xuân … ngay cả Trương chi, ông cũng chỉ hoàn thành năm 1946, nghĩa là sau CM tháng 8.
Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên thì viết về hiện tượng báo chí ở Thành phố HCM rùm beng quá nhiều về live show "Ngày trở về" của PD. Thậm chí còn có một công ty in ấn, xuất bản bỏ hàng mấy trăm triệu ra mua toàn bộ các tác phẩm của PD đã được phép trình diễn trở lại. Rồi trong đêm "Duyên dáng VN 15 hay 16 gì đó chỉ một ca từ: "Tôi yêu tiếng nước tôi" trong bài Tình ca của PD cũng đem bán đấu giá được mấy chục triệu, như thê là quá bất công với các nhạc sĩ trong nước khác". Cũng xin nói thêm, cùng thời gian này cũng có công ty đã bỏ ra hàng trăm triệu chỉ để mua một bài thơ "Mầu tím hoa sim"của Hữu Loan.
Có lẽ mấy vị nhạc sĩ này quên mất một điều là nền Kinh tế nước ta hiện nay là một nền KT thị trường, cho dù nó còn mang thêm một cái đuôi "có định hướng XHCN" thì điều mà những người làm KT hiện nay nghĩ đến trước tiên phải là lợi nhuận. Họ mua các tác phẩm đã được phép phổ biến của PD là một hình thức kinh doanh. Không lẽ họ mua: "Anh vẫn hành quân, Bão nổi lên rồi ... để mà lỗ chỏng gọng ra à.
Còn phần viết của tác giả ca khúc "Hoa sữa" nổi tiếng thì ông Hồng Đăng có phàn nàn về chuyện năm 1994, ở Hà nội có tổ chức 4 đêm "Nửa thế kỷ âm nhạc VN" ở Hà nội rất thành công, mà sau đó không tổ chức được ở Thành phố HCM vì lý do thiếu kinh phí. Tôi tự hỏi: Sao lúc đó ông không kêu gọi các nhà làm KT đứng ra tài trợ? Hỏi vậy nhưng câu trả lời cũng đến ngay. Sở dĩ họ không dám tài trợ là vì thói thường, con người làm KT thường "Trông dỏ, bỏ thóc" Họ bỏ tiền ra cũng phải nghĩ đến sự thành công của đêm nhạc. Lỗi không phải ở họ, anh Hồng đăng ạ, họ đã được Đảng ta cho phép "làm giầu đúng luật". Thời nay, đâu phải là thời gian ông "Vua lốp Chẩn" bị tịch thu tài sản chỉ vì có nhiều tiền một cách "bất minh"
Anh Hồng Đăng có nói một ý là: "những anh em nhạc sĩ bây giờ, tác phẩm cứ "ngồn ngộn" ra đấy mà không có đủ kinh phí để tổ chức một đêm nhạc cho riêng mình! Đọc chữ "ngồn ngộn" của anh viết khiến tôi cứ hình dung ra một miếng thịt quay ngon lành, được các Bà xã của chúng ta mua từ một tiệm danh tiếng ở Chợ Lớn
Đúng là đội ngũ nhạc sĩ các anh hiện nay quá đông đúc, với số tác phẩm "ngồn ngộn" ra thật, nhưng xin phép anh được nói thật: Các cụ ngày xưa nói: "Quí hồ tinh, bất quí hồ đa". Trong ngành Giáo dục của chúng tôi, các vị có trách nhiệm cũng đề ra tiêu chí: "ít mà tinh" trong việc dậy học, dậy ít kiến thức thôi, nhưng là những gì thật cần thiết, không dậy lan man những kiến thức vô bổ. Điều này tôi nói có hơi lạc đề với vấn đề âm nhạc của các anh, nhưng xin thú thực với anh là: một nền Giáo dục mà để cho các con, các cháu chúng ta phải đi học "Luyện thi vào lớp 1", phải đeo chiếc cặp to đùng đến vẹo cả sống lưng khi đi học thì đó là một điều kinh tởm, đáng xấu hổ.
Trở về với vấn đề Âm nhạc của các anh, số tác phẩm của các anh có "ngồn ngộn" thực nhưng là những bài như: "đàn ông là như thế", "Giữa anh và người ấy, em chọn ai", "kiếp đỏ đen" ... Những cái tựa đề như thế, chỉ mới đọc thấy thôi đã thấy "chết khiếp" đi rồi, nếu nghe xong cả giai điệu lẫn ca từ của chúng, kèm theo những động tác múa minh họa với các cô, các cậu người mẫu giật đùng đùng cứ như người bị cơn động kinh ấy, thì..."chết thật".
Những đêm nhạc mang những tựa đề mỹ miều như "Bài hát Việt tháng x, y, z ..."chỉ có tác dụng làm cho các bà nội trợ của chúng ta mừng rơn vì: "Tháng này lại đỡ được ít tiền điện đây" vì cứ đến giờ phát sóng, các bà cứ việc tắt TV đi mà không gặp sự phản ứng của các đức ông chồng. Nói thêm là các bà chỉ sợ đêm nào mà AC milan gặp MU hay Real Madrid gặp Liverpool thôi, tiền điện cứ là tăng vùn vụt.
Anh Hồng Đăng còn viết: "các nhạc sĩ bây giờ khai thác dân ca giỏi hơn anh nhiều lắm anh Duy ạ. Sau đó anh kể một lô một lốc những Thái cơ, Phó đức Phương, Nguyễn Cường,Trần Tiến, Văn thành Nho, Nguyễn đình Bảng, Lê Mây ...
Ý kiến này, theo ý tôi, anh viết hơi vội vàng đấy. Ai giỏi hơn ai là một vấn đề không dễ thẩm định như vậy đâu. Nó chẳng rõ ràng như Barcelona thắng Real Madrid 2-0 thì Barca giỏi hơn RM. Mà thắng hôm nay nhưng lần sau có thể lại thua chứ.
Trở lại với câu anh viết ở trên tôi thấy anh hơi "bất công"
Thời của các anh đó mà viết được những ca khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ như Dân ca Thương binh, Dặn dò, những bài mang âm hưởng Bình trị Thiên như Bà mẹ do Linh,Về miền Trung, Quê nghèo ... Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa ... theo tôi là giỏi vì các anh đó là những người đi tiên phong trong vấn đề đưa dân ca vào ca khúc, ngày ấy vấn đề này mối manh nha, chưa có chủ trương rõ ràng như bây giờ. Đòi hỏi PD phải viết được chùm ca khúc mang âm hưởng Tây nguyên như Nguyễn Cường
Theo tôi nghĩ nếu anh muốn dẫn chứng những gương mặt vận dụng tài tình dân ca vào ca khúc thì anh nên nhắc tới anh Nguyễn văn Tý với "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ gỗ, với âm hưởng của hát Ví dặm Nghệ Tĩnh và sau này là "Dáng đứng Bến Tre" với âm hưởng dân ca miền Tây Nam bộ.
Tôi xin phép cả ba Nhạc sĩ nói trên được nói lên một điều mà trách nhiệm, theo tôi nghĩ, không hoàn toàn thuộc về các anh, nhưng vì các anh là những người đã từng lãnh đạo giới nhạc sĩ cả nước. Không nói với các anh, tôi biết bầy tỏ cùng ai.
Trong bài báo đã nêu trên, tôi thấy tuy mỗi người có một ý riêng, nhưng có một điều mà cả ba anh đều thống nhất: đó là khi nói về anh Văn Cao, cả ba anh đều đánh giá rất cao về tài năng và nhân cách của con người này. It khi có được một sự nhất trí cao trong việc đánh giá về một con người như vậy, nhất là trong giới Văn nghệ của các anh. Vậy có khi nào, các anh nghĩ rằng, kể từ sau vụ án "Nhân văn giai phẩm", xẩy ra từ hơn 50 năm trước, một tài năng lớn như Văn Cao đã phải "ngồi chơi sơi nước" trong suốt mấy chục năm trời, không được viết lách gì cả. Anh chỉ được đến cơ quan để trình bầy mấy cái bìa sách cho bạn bè, hay là đến vẽ poster cho mấy vở kịch. Mốt sự "lãng phí chất xám" đến mức không thể nào tưởng tượng nổi.
Hồi đó, có kẻ độc miệng đã thốt lên: "cái ông Văn Cao này cạn nguồn cảm hứng rồi, viết lách gì được nữa".
Thật không ngờ, sau ngày đất nước Thống nhất, Tết năm 1976, anh Văn Cao cho ra đời bài "Mùa Xuân đầu tiên" với phong cách rất "Văn cao" từ giai điệu cho đến ca từ. Người lại tìm thấy trong cái thân hình già yếu của ông
Thậm chí, người ta
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi cũng xin phép các anh để nói một điều là khi đất nước ta còn bị chia cắt làm hai miền, thì ở trong Nam cái gọi là "Việt nam Cộng hòa" vẫn dùng bài "Tiếng gọi Thanh niên" của anh Lưu hữu Phước làm "Quốc thiều" của họ. Họ không biết Lưu hữu phước là ai chăng? Tôi tin rằng có thể họ còn biết rõ hơn chúng ta nữa vì anh Phước là người miền Nam mà. Và họ cũng chẳng lạ gì chuyện cái ông Huỳnh minh Siêng đang kêu gọi "Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng..." để lật đổ họ cũng vẫn chỉ là Lưu hữu Phước mà thôi.
Vậy giữa chúng ta và họ, ai là người "Bao dung" hơn ai?
Còn một ý này nữa, nhân đây cũng xin phép cả ba anh nói ra cho hết nhẽ. Trong cả ba phần viết của các anh, các anh đều răn đe anh Phạm Duy không được so sánh mình với bất cứ nhạc sĩ kháng chiến nào khác, đặc biệt là so mình với Văn cao.
Tôi có được đọc cuốn "Nhớ", hồi ký của Phạm Duy do nhà Xuất bản Trẻ xuất bản. Trong cuốn đó, tôi có thấy anh Phạm Duy so sánh mình với một ai đâu. Còn trong những phần , anh ấy nói về Văn Cao, về con người và tác phẩm của Văn Cao, anh ấy không hề có ý gì muốn được so mình với Văn Cao, mà chỉ thấy anh ấy hết lời ca ngợi về những gì mà Văn Cao đã viết từ trước đến khi anh được "ngồi chơi sơi nước"
Xin phép được dẫn ra đôi dòng PD đã viết về VC để có dẫn chứng
Trong trang 99 của cuốn"Nhớ" nói trên,PD đã viết:
"... Nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì những bài Suối mơ, Bến xuân là cực điểm của lãng mạn tình trong ca nhạc VN. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa! Sẽ có nhạc tình cảm, nhạc não tình ... nhưng không thể có thêm những bài nhạc lãng mạn nào hay hơn nhạc Văn-Cao ..."
Không cần phải dẫn chứng thêm những gì mà PD viết về VC nữa. Chừng ấy đã quá đủ để chứng tỏ là PD đã đánh giá về VC chắc chắn là cao hơn, kính trọng hơn những người đã tổ chức ra cái cuộc thi "Quốc ca", một sự kiện mà theo tôi, là một "Quái thai" lớn nhất của hậu bán thế kỷ thứ 20, nó chỉ có thể xẩy ra duy nhất trong nền Tân nhạc nước ta. Cũng xin phép được nói thêm một sự kiện nữa, tuy không sẩy ra ở ta, nhưng nó cũng là một sự kiện liên quan đến vấn đề Quốc ca một nước. Đó là việc tuy ở Liên bang Nga, thể chế chính trị đã thay đổi hẳn, nhưng họ vẫn lấy bài Quốc ca thời Liên sô làm Quốc thiều của mình. Chỉ riêng một sự kiện này cũng đủ thấy, vừa qua, chúng ta đã làm một việc "Không giống ai"!!!
Một kẻ ngoại đạo về nhạc như tôi mà đã dám bàn hơi dài về một bài báo không dài lắm, kể cũng hơi "bạo phổi", phải không thưa ba anh.
Những ý kiến của tôi có thể đúng hay sai,đó là lẽ thường tình. Nếu có gì quá sai lầm, mong các anh cứ chỉ bảo, nếu xác đáng tôi xin lĩnh ý. Động cơ chính của tôi trong bài viết này là chỉ mong giới nhạc sĩ chúng ta nên có một cái nhìn rộng lượng và bao dung hơn về anh Phạm Duy, một con người mà khi bắt đầu KC, đã có những đóng góp nhất định cho nền âm nhạc của chúng ta. Sau đó anh đã từ bỏ chúng ta để đi về phía bên kia. Nhân vô thập toàn mà, ai mà chẳng có những sai lầm trong cuộc đời.
Nay anh ấy đã ngấp nghé tuổi 90, nghĩa là đã đến rất gần với những ngày cuối của đời mình. Anh trở về Tổ quốc có lẽ cũng là một sự chuẩn bị cho ngày "Lá rụng về cội".
Theo tôi nghĩ, ở tuổi anh ấy, còn tìm vinh quang, tìm nổi tiếng làm gì nữa. Nếu Báo chí có hơi rùm beng về những đêm nhạc của anh thì đó là việc của họ. Anh ấy đâu còn có động cơ nào để mua chuộc họ nữa, mà để làm gì nữa khi con người đã ý thức được ngày về với cát bụi chẳng còn xa nữa.
Hãy rộng lượng vơi mọi người hơn nữa các anh ạ, bởi vì cả chúng ta nữa,trước sau chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau cả thôi. Khi đó mọi giận hờn, yêu ghét phỏng còn có ý nghĩa gì nữa. Một lần nữa, xin lỗi các anh về sự mạo muội này của tôi.
Saigon, đầu hạ 2009
Thầy giáo làng
Tôi đã viết xong entry này từ hôm 29-4, nhưng ngày hôm qua, nhân ngày lễ lớn 30-4, tôi có đến thăm một người bạn già, đó là nhạc sĩ Tô Hải, một người đã từng rất nổi tiếng trước đây, với những tình khúc như: Nụ cười Sơn cước, Qua sông lại nhớ con đò ... và trên hết là Cantate; "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy", một bản Hợp xướng mang tính chất của nhạc bác học của nền Tân nhạc nước ta.
Ông cho biết là ông có đọc bài viết của tôi, và ông muốn bổ xung một số điễm mà theo ông, tôi viết chưa được rõ ràng. Dưới đây là những điểm mà ông đã bổ xung cho những gì tôi viết còn chưa đầy đủ:
Ông nói cuộc thi quốc ca năm đó là do ông Tố Hữu, khi đó còn sống và đang giữ một chức vụ rất cao trong chính phủ, đã chỉ thị cho ông Đỗ Nhuận, khi ấy cũng còn sống và là Chủ tịch Hội Nhạc sĩViệt Nam phải vận động toàn thể các nhạc sĩ hội viên, ai cũng phải tham gia. Làm xong sẽ có một Hội đồng thẩm định để chọn ra 10 bài hay nhất để biểu diễn trước Quốc hội và có một ban giám khảo gồm các nhạc sĩ có uy tín đứng ra chấm giải. Bài nào hay nhất sẽ có giải thưởng rất cao, và nếu Quốc hội cũng nhất trí thì bài đó sẽ được chọn làm Quốc ca mới thay cho bài "Tiến quân ca" của Văn Cao.
Có một chi tiết khá thú vị mà ông bạn Nhạc sĩ của tôi , vừa tủm tỉm cười vùa nói là: ai có bài thi thì lúc nộp bài, sẽ được tạm ứng một số tiền tương đương với 500.000 đồng bây giờ, gọi là tiền bồi dưỡng.
Ông nói thêm, vì lý do cơm áo và cũng vì khoản bồi dưỡng quá hấp dẫn này mà hầu hết các nhạc sĩ hội viên, ai cũng có bài dự thi, mà toàn là những tác phẩm đồ sộ như đại hợp xướng, trường ca, phối âm phối khí rất chuyên nghiệp, với phần nhạc đệm do Giàn nhạc Giao hưởng phụ họa. Có điều lạ là có người chỉ gửi phần ca từ đến dự thi, kèm theo lời đề nghị là có ai nhất trí thì làm ơn "phổ nhạc" dùm
Đoạn, không chờ tôi hỏi, ông đã nói ngay: cả tớ nữa. Tuy chả hào hứng gì với một cuộc thi không giống ai, tớ cũng phải cho ra một bài hát mà cho tới giờ, tớ chẳng nhớ nổi tí gì. Ngày đó tiền khó kiếm lắm, không dễ như bây giờ đâu. Tự nhiên có được 500.000 đồng đễ ăn phở, thằng nào chả làm.
Thế sau đó tổng kết ra làm sao, tôi hỏi.
Ông cười trả lời: "Tất cả những bài dự thi đó, sau khi chọn ra được 10 bài hay nhất đã được đem ra biểu diễn trước Quốc hội rất rầm rộ, chỉ thương cho mấy cụ già đại biểu Quốc hội, tự nhiên phải ngồi nghe 10 bài hát trong mấy tiếng đồng hồ, mệt chết người đi được, mà ai mà nghe được đến cả chục bài hát như vậy được, kể cả cánh nhạc sĩ chúng tớ. Rồi lại còn phaỉ đánh giá xem bài nào hay nhất nữa chứ.
Đến đây tôi ngắt lời ông để hỏi: trong số 10 tác giả được chọn đó có những tên tuổi nào? có anh không?
Anh cười trả lời: làm sao tớ lọt vào số đó được, chỉ có những "tai to mặt lớn" như Đỗ Nhuận, Trọng Bằng, Huy Du ... hình như có cả La Thăng nữa thì phải.
Sau cùng, cả Quốc hội nhất trí vẫn dùng bài "Tiến quân ca" làm quốc thiều, chỉ yêu cầu đổi mấy ca từ nghe có vẻ không được nhân bản lắm như:
Thề phanh thây, uống máu quân thù ... hay "tiến lên cùng thét lên, nghe có vẻ hiếu chiến quá.
Đoạn ông bạn tôi nói tiếp: "Đây có lẽ là lần duy nhất mà ở nước ta có sự "không nhất trí giữa hai cơ quan Hành pháp và Lập pháp, mọi lần khác thì mấy ông nghị của chúng ta chỉ có việc mà "gật đầu" mỗi khi "chính phủ" hỏi các vị có OK với một vấn nào đó không.
Đoạn ông cười mà hỏi tôi thêm: Mà cậu có biết ai là người thất vọng nhất trong vụ "Đảo chính hụt" này không? Tôi lắc đầu ra vẻ không biết, thì ông vừa cười, vừa nói: Dĩ nhiên, người thất vọng nhất là ông Tố Hữu, người bầy ra cái trò "Thi Quốc ca" này để hạ bệ Văn Cao, còn trong đám nhạc sĩ thì Đỗ Nhuận là người buồn nhất, vì ngày đó, ông ta đang là chủ tịch Hội NSVN, nếu có người trúng giải thì sao lọt khỏi tay ông ta được.
Đầu đuôi câu chuyện"Thi Quốc ca" là như thế, thế mà bây giờ tôi mới được biết. Không biết tôi nên cười hay nên khóc đây?
Tôi xin phép được khép lại bài viết này ở đây. Xin thành thật cáo lỗi những ai đã quan tâm, vì lý do đã lấy của các vị quá nhiều thời gian để đọc nó.
Thầy-Giáo-Làng
Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009
Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói
15:55
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét