Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Chuyện lớn: nhà vệ sinh

Báo Tuổi Trẻ vừa đi hai bài liên quan đến nhà vệ sinh ở bệnh viện:

Nhà vệ sinh bệnh viện: Eo ơi, ghê quá!

Chuyện nhỏ nhưng khó làm!

Đây là chuyện nghịch lí (?) ở Việt Nam ta. Một mặt, các quan chức y tế và một số chuyên gia rất tự hào về thành tích chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, nhưng mặt khác thì ngay tại các cơ sở y tế vẫn là những cái ổ truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Chỉ vài hôm trước đây, một anh bạn tự hào cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm “chinh chiến” với bệnh truyền nhiễm, thế nhưng một thực tế là các bệnh truyền nhiễm ở nước ta vẫn là bệnh giết người nhiều nhất. Viêm phổi, viêm họng và viêm Amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, cúm gia cầm, cúm chim sốt rét, v.v… cứ “đến hẹn lại lên”.

Thật vậy, một đồng nghiệp tôi vừa đi Hà Nội 4 tuần về, và nhận xét rằng hình như ở các bệnh viện ngoài đó người ta không có khái niệm infectious control (kiểm soát truyền nhiễm) là gì! Cô ấy dùng chữ “khái niệm” = concept. Thế mới đau. Tôi cũng muốn nói một câu phản đối lắm chứ, nhưng làm sao tôi nói được khi thực tế đúng như cô ấy nói. Ngay cả nhà vệ sinh mà còn không làm được chỉnh chu, thì công chúng còn hi vọng gì đến việc lớn hơn? Hay là cổ phần hóa nhà vệ sinh bệnh viện đi, chắc chắn có lời đấy. (Tôi chỉ nói đùa thôi).

Đọc hai bài trên Tuổi Trẻ không làm tôi ngạc nhiên chút nào, bởi vì qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy bài viết hoàn toàn đúng với tình trạng vệ sinh rất tồi tệ ở các bệnh viện hiện nay. Trong ít nhất là 3 bài bút kí trước đây về những chuyến đi Việt Nam tôi cũng có nhắc đến chuyện này, thậm chí còn chụp hình để làm … hồ sơ. Không chỉ là nhà vệ sinh dành cho bệnh nhân và công chúng, ngay cả nhà vệ sinh dành cho nhân viên y tế -- kể cả bác sĩ và y tá – cũng tồi tệ, cùng nhơ nhuốc, cũng kinh hoàng như thế. Tôi nghĩ ngày nào Việt Nam chưa giải quyết được chuyện nhà xí thì ngày đó Việt Nam vẫn còn là một nước lạc hậu.

Thử tưởng tượng một du khách đến Việt Nam, bị nhân viên hải quan khám xét xem có mang trong người virút gây bệnh truyền nhiễm như H1N1, vị du khách đó nghĩ gì khi nhìn thấy những nhà xí tồi tệ và cực kì dơ bẩn ngay tại phi trường? Nhà anh còn chưa sạch mà anh đòi khám xét xem tôi có sạch hay không? Đây là vấn đề tư cách. Nhưng nói như thế không có nghĩa là Việt Nam không có quyền khám xét; Việt Nam hoàn toàn có quyền khám xét tuy tìm virút gây bệnh, nhưng động thái của Việt Nam sẽ mạnh hơn và thuyết phục hơn nếu Việt Nam sạch, có cầu xí sạch, có hệ thống nhà vệ sinh tốt ... Nhưng rất tiếc là hiện nay nhà chúng ta vẫn còn dơ bẩn.

Người ta đặt câu hỏi tại sao các nước Tây phương hay Singapore thành công diệt dịch? Câu trả lời là vì họ có hệ thống vệ sinh công cộng tốt, hay nói trắng ra là họ có cầu xí đàng hoàng. Tại sao tuổi thọ của người phương Tây tăng trong vòng 100 năm qua? Câu trả lời không phải do tiến bộ y khoa gì cả, mà chính là họ cải tiến vệ sinh công cộng. Vâng, không phải tiến bộ khoa học hay y khoa làm cho người dân sống lâu hơn, mà chính là do hệ thống y tế công cộng được cải tiến trong vòng 100 năm qua.

Nói như thế để thấy phòng bệnh ở qui mô cộng đồng chẳng nằm đâu xa, mà nó nằm ngay trong tầm tay chúng ta. Không cần đến những ca mổ hoành tráng, không cần đến những máy móc tốn bạc triệu đôla, cũng không cần đến những thuốc với giá trên trời, mà chỉ cần đến nhà vệ sinh, cần đến hệ thống y tế công cộng tốt.

Nhưng cải tiến tình trạng vệ sinh đòi hỏi ý thức của người dân. Phải thú nhận một thực tế (mà bài báo trên TT cũng phản ảnh) là người dân ta còn quá thờ ơ với chuyện vệ sinh. Không hiểu có phải đây là một nét văn hóa của ta hay không. Tôi thấy thật khó hiểu khi có người làm thơ ca ngợi cho việc đi tiêu ngoài đồng! Người ta xây nhà hoành tráng, nhưng rất ít khi nào quan tâm đến nhà xí. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần tiếp thị vệ sinh như là một hàng hóa, một loại hàng hóa đắt giá chứ không phải xoàng. Tôi đã nói qua về ý tưởng này trên ykhoanet.com hồi năm ngoái. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào vệ sinh và nhà xí được “giải quyết” thì nước ta mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu và thoát khỏi những cặp mắt khinh khi của người ngoại quốc.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét