Bàn về “cúm danh”
Cho đến hôm thứ Tư tuần vừa qua, thế giới vẫn còn gọi là “cúm heo” (swine flu). Một quan chức của WHO là bác sĩ Fukuda hùng hồn tuyên bố rằng virút mới là virút cúm heo, và WHO không có ý định gọi một tên nào khác cả. Ấy thế mà đến hôm thứ Năm, WHO âm thầm sửa tên cúm thành “influenza A(H1N1)”, hay “cúm A(H1N1)”. Không ai tắm ở một dòng sông 2 lần.
Trong vấn đề cúm danh này, tôi thấy phía Mĩ rất nhất quán. Các quan chức của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mĩ) thì nhất quyết không chịu gọi là cúm heo ngay từ đầu. Ngay cả khi một phóng viên đã vô tình dùng chữ “cúm heo” liền bị các chuyên gia của CDC lên lớp một cách thê lương!
Tuy nhiên, cho dù tên của dịch có thay đổi đi nữa, nhưng virút thì không. Giới khoa học đã xét nghiệm các đặc tính di truyền của virút H1N1 cho biết phần lớn xuất phát từ virút từng được biết là nhiễm heo. Dù sự thật là thế, nhưng còn một sự thật khác: chưa có bằng chứng nào cho thấy heo lây truyền H1N1 sang người trong đợt dịch này. Nhưng vì nhiều lí do, chẳng ai muốn đề cập đến chuyện này!
Vấn đề gọi tên cúm và dịch không chỉ đơn thuần là vấn đề khoa học, mà còn chịu sự chi phối của văn hóa. Ở Mĩ, gọi “cúm heo” có thể gây tác hại đến kĩ nghệ nuôi và xuất khẩu heo. Người phát ngôn của WHO, Fiona Fleck, cho biết sở dĩ lúc đầu WHO gọi là “cúm heo” bởi vì một phần lớn của virút này thật sự là virút cúm heo. Nhưng như nói trên, virút không ảnh hưởng đến heo, chưa được phát hiện ở heo, và heo cũng chưa lây truyền. Do đó, giải thích của bà Fleck xem ra không thuyết phục và thiếu tính khoa học.
Vấn đề là gọi “cúm heo” làm cho một số người hiểu lầm rằng là cúm xuất phát từ heo, và người ta không dám tiêu thụ thịt heo, và làm ảnh hưởng đến kinh tế. Ở Việt Nam đã có người quan tâm đến vấn đề này, đã có quan chức từ Bộ công thương nói rằng sẽ cấm nhập thịt heo khi cần thiết! Không biết khi tuyên bố như thế này, ông quan chức đó có biết rằng 50% heo đều có virút H1N1 không? Thế còn heo nuôi ở Việt Nam thì sao? Chúng ta có đủ tự tin để nói rằng heo nuôi ở Việt Nam sạch hơn heo nuôi ở Mĩ ?
Qui mô cúm H1N1
Cúm A(H1N1) xem ra không lớn như giới truyền thông đưa tin vào tuần qua. Trước đây, Mexico báo cáo có trên 2500 ca mắc bệnh “cúm heo” nay gọi là cúm A(H1N1), nhưng con số thực sự thì chỉ phân nửa con số vừa đề cập. Trong số 906 ca nghi ngờ bị cúm ở Mexico được xét nghiệm, chỉ có 397 ca (hay 44%) nhiễm virút H1N1. Trong số 397 ca bị nhiễm H1N1, 16 người chết. Như vậy, tỉ lệ tử vong vì nhiễm H1N1 là 4% (chứ không phải 26,5% như ông Cục trưởng Cục trưởng Cục y tế dự phòng nói hồi tuần qua).
Một số ca bệnh được phát hiện ở Đan Mạch, Pháp, Nga, Hồng Kông và Hàn Quốc vào hôm thứ Sáu, nhưng các ca bệnh này chưa được xác định bởi WHO. Mĩ báo cáo 141 ca ở 19 bang.
Không ai biết những con số trên có ý nghĩa gì, nhưng các chuyên gia y tế cho biết con số phơi nhiễm có thể sẽ tiếp tục gia tăng, nhưng số ca tử vong thì giảm dần dần. Dịch cúm có thể giảm trong tương lai gần, vì các virút cúm không có cơ hội phát triển trong điều kiện nóng và ẩm vào mùa hè, nhưng có thể quay lại vào mùa đông.
Phân tích virút H1N1 lần này cho thấy virút không mang những dấu ấn nguy hiểm như virút phát hiện trong đại dịch 1918, nhưng các chuyên gia của CDC cho biết họ vẫn không hiểu nhiều về virút thủ phạm của đại dịch 1918 cũng như các virút khác đã từng gây ra nhiều trận dịch trong quá khứ.
Tổ chức y tế thế giới cho biết các vắcxin sử dụng chống cúm vào mùa đông thường không có hiệu quả phòng chống virút A(H1N1), nhưng họ đang thảo luận với các công ti dược để sản xuất một vắcxin mới, và khoảng 4-6 tháng sẽ có.
Tác động
Ảnh hưởng của cúm H1N1 đã bắt đầu thấy rõ. Hôm thứ Sáu, một chuyến bay của hãng hàng không United với 245 hành khách từ Munich đáng lẽ đáp xuống phi trường Dulles Airport (Washington) nhưng lại phải đáp ở Boston vì một hành khách bị cúm mà phi hành đoàn nghi là cúm heo! Ở New York, một trường học bị đóng cửa suốt một tuần vì một số học trò ở đây bị cúm.
Xét nghiệm
Hôm nay đọc báo thấy Viện vệ sinh dịch tễ trung ương tuyên bố rằng “Việt Nam tự xét nghiệm được cúm A (H1N1)”. Cũng là một tin đáng chú ý, bởi vì ngay cả Mexico cũng phải gửi mẫu sang CDC ở Atlanta bên Mĩ để xét nghiệm, thế mà Việt Nam ta tự làm được thì tuyệt vời quá. Tôi vội vào trang nhà của Viện này xem phương pháp của họ làm ra sao, nhưng hoàn toàn chẳng có thông tin nào cả. Thật ra, ngay cả thông tin về H1N1 cũng không có!
Tôi vào trang nhà của CDC để tìm hiểu xem phương pháp xét nghiệm H1N1 là gì, thì thấy họ nói rằng các phương pháp xét nghiệm nhanh ứng dụng trong việc xét nghiệm bệnh cúm thông thường có thể sử dụng để xét nghiệm H1N1, nhưng (quan trọng: nhưng) các phương pháp này có thể phát hiện virút loại A và B. Virút mà chúng ta quan tâm là virút loại A, và ngay cả CDC cũng chưa có dữ liệu để sử dụng kết quả xét nghiệm liên quan đến A(H1N1) như thế nào. Nói cách khác, có thể sử dụng các phương pháp xét nghiệm thông thường, nhưng còn việc diễn giải kết quả liên quan đến H1N1 thì … chưa biết. CDC còn cho biết các phương pháp xét nghiệm nhanh thường có độ sensitivity (nhạy) rất thấp (chỉ khoảng 50-70%), nhưng đối với virút H1N1 thì chưa ai biết độ nhạy là bao nhiêu.
Nhưng đó cũng mới là xét nghiệm bước đầu. Một khi kết quả dương tính, vẫn còn phải xét nghiệm bằng RT-PCR (tức là reverse-transcription polymerase chain reaction) hay nuôi cấy (viral culture) để biết chắc chắn virút là H1N1. Nhưng để làm chuyện này, chúng ta phải biết cấu trúc của virút H1N1 đang hoành hành. Không hiểu làm sao các chuyên gia ở Việt Nam biết được trong khi CDC còn chưa biết?
Quay lại trang web của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tôi thấy trang đầu có những thông tin linh tinh chẳng liên hệ gì với khoa học và y học cả. Lại có những đường dẫn đến WHO, UCLA, Viện Pasteur Paris, tập san y học NEJM, v.v… Chẳng hiểu mấy tổ chức này có trả tiền để Viện đưa lên trang đầu không? Chắc là không. Thế thì đặt mấy đường dẫn này để làm gì? Quảng cáo không công? Thậm chí họ còn dịch sai tên của tập san “New England Journal of Medicine” là “Tạp chí Y học Anh”. Trời đất ơi! Một Viện vệ sinh dịch tễ trung ương mà còn không hiểu tập san này là của Mĩ. Thất là hết ý!
Nói tóm lại, dịch cúm H1N1 lần này tuy có qui mô đa quốc gia, nhưng có lẽ nguy cơ đại dịch không cao như những dữ liệu ban đầu cho thấy. Ngoài ra, cần phải cẩn thận với những tuyên bố của phía Việt Nam về việc có thể xét nghiệm virút H1N1, vì nói thì dễ nhưng phương pháp làm có lẽ không đơn giản như các quan chức tuyên bố.
NVT
Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2009
Bàn thêm về cúm H1N1: tên gọi, qui mô, xét nghiệm
16:49
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét