Tiền cho nghiên cứu khoa học
Đọc bài phỏng vấn sau đây không biết nên cười hay nên khóc. Có lẽ cả hai. Cười vì những chuyện cứ như là khôi hài mà có thật. Tỉ dụ như đoạn này “Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được.”
Còn chuyện đáng khóc có lẽ là câu này: “Nhiều người không hiểu biết chuyên môn vẫn đứng tên chủ nhiệm đề tài. […] nhiều người ngộ nhận ngân quỹ dành cho KH&CN là công cụ để… ‘xóa đói giảm nghèo’, bù cho lương.”
Theo Gs Chu Hảo, mỗi năm Nhà nước chỉ khoảng 2% ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Con số này tương đương với 8.000 tỉ đồng (hay ~400 triệu USD). Nhưng thật ra, con số thật sự dành cho các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học chỉ có 17%, tức chỉ có 68 triệu USD. Nếu 40% số tiền này bị thất thoát vì tham nhũng (xem bài “Tham nhũng trong khoa học biến hóa khôn lường”) con số thật sự chi tiêu cho nghiên cứu khoa học ở nước ta chỉ khoảng 41 triệu USD mà thôi.
Nhưng thật ra, 41 triệu USD đây dành cho các đề tài “cấp nhà nước”. Do đó, nếu các nhà khoa học địa phương, nhất là ở các tỉnh phía Nam, muốn làm nghiên cứu thì chắc số tiền này không bao giờ đến tay họ. Không ngạc nhiên chút nào khi thấy năng suất khoa học ở nước ta cứ lẹt đẹt theo sau mấy nước láng giềng.
Thêm một viện toán cho Việt Nam!
Nếu thông tin trên làm cho chúng ta sốc, thì thông tin dùng “500 tỷ đồng để lập viện nghiên cứu toán có 5 biên chế?” có lẽ sẽ làm cho chúng ta sốc hơn. Nước ta đúng là khoái làm toán. Chả trách một nhà báo nước ngoài trước đây nhận xét rằng hình như học sinh Việt Nam thích làm thể dục về toán, chứ không quan tâm đến phát triển kĩ thuật.
Nếu nói về mức độ đóng góp cho khoa học Việt Nam thì ngành toán cũng không khá hơn các ngành khác. Trong thời gian 1996 đến 2005, Việt Nam công bố 3456 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế; trong số này chỉ có 11% là liên quan đến toán. Riêng ngành y sinh học đóng góp gần 1/4 tổng số bài báo khoa học của Việt Nam.
Ngành toán học ở Việt Nam đã từng đào tạo ra những nhân tài xuất chúng, nhưng tôi nghĩ trên bình diện quần thể thì hình như ngành toán học chúng ta cũng chẳng hơn ai. Phân tích các ấn phẩm nghiên cứu về toán học của Việt Nam trong vòng 10 năm qua, tôi thấy tính trung bình một bài báo về toán được 1 trích dẫn trong vòng 2 năm. Có đến 44% chẳng có ai trích dẫn. Tuy trong “văn hóa” ngành toán ít trích dẫn (so với ngành y khoa), nhưng con số 44% không ai trích dẫn khá cao so với trung bình trên thế giới. Con số 44% bài báo không ai trích dẫn cũng có nghĩa là 44% công trình toán học của Việt Nam rơi vào khoảng trống im lặng, chẳng ai thèm để ý.
Không ai có thể chối cãi là khoa học cần toán, vì toán được xem là hoàng tử của khoa học. Nhưng toán chỉ có thể là “hoàng tử” nếu toán học có thể giúp đỡ cho phát triển khoa học thực nghiệm. Tôi e rằng ở Việt Nam, ngành toán học chưa bao giờ là hoàng tử, vì chưa có bằng chứng gì cho thấy ngành này giúp cho các nghiên cứu khoa học thực nghiệm cả. Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, chúng ta có cần đến 2 viện toán học? Tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các ngành khoa học liên quan đến đời sống, công nghệ sinh học, tin học, và xã hội học. Thế nhưng trong thực tế, Việt Nam có xu hướng “chạy” các ngành này, mà chỉ theo đuổi những ngành thiếu ứng dụng.
Cả trăm năm về trước, các nhà văn hóa nhận xét rằng người Việt Nam có xu hướng thích văn thơ phù phiếm, nhưng thiếu sáng tạo trong kĩ thuật và khoa học. Còn ngày nay, có thể nói người Việt Nam thích làm toán, chứ không thích theo đuổi những ngành khoa học đem lại phúc lợi cho cuộc sống con người. Nhưng thành tựu là gì? Nhìn lại, tôi thấy chúng ta có vẻ rất khá trong việc chiếm những giải toán dành cho học sinh trung học mang danh olympics, nhưng chiếm những giải lớn hơn thì chỉ đếm đầu ngón tay.
Ở nước ta, ngành toán đã “ngốn” biết bao học sinh ưu tú của Việt Nam trong thời gian qua. Những học sinh giỏi được tuyển chọn để đào tạo đi “đá gà”, chiếm những giải thưởng toán cấp trung học. Lớn lên lại theo đuổi ngành toán. Điều này rất khác với các nước tiên tiến, nơi mà ngành toán khó thu hút sinh viên. Ở những nước này, chỉ có học sinh có điểm tốt nghiệp trung học thấp mới theo học toán, còn những học sinh có điểm cao đều theo đuổi các ngành khoa học thực dụng hơn.
Trong khi dịch bệnh hoành hành khắp nước, và các bệnh nan y càng ngày càng phổ biến, mà cả nước không có đến một viện nghiên cứu y khoa cho nghiêm chỉnh. Ấy thế mà Nhà nước ta chơi sang, chi gần 30 triệu USD để thành lập viện nghiên cứu toán. Tôi thử hỏi tại sao không sử dụng số tiền đó để thành lập một viện nghiên cứu y khoa tầm cỡ ở phía Nam?
NVT
===
http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/1790.svvn
Phải là những người làm khoa học thực sự
(SVVN) Nhiều năm nghiên cứu khoa học, rồi trải qua cương vị Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), sau khi về hưu ông là một nghiên cứu viên độc lập, GS Chu Hảo khá am tường về thực trạng của việc nghiên cứu KHCN hiện nay, và đường đi của những đồng tiền dành cho lĩnh vực này...
"QUỸ PHÁT TRIỂN KHCN KHÁC QUỸ… XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO"
Thưa GS, theo ông, ngân sách dành cho KHCN đang được sử dụng như thế nào?
Tôi theo dõi nhiều năm thì thấy rằng việc sử dụng nguồn kinh phí dành cho các hoạt động khoa học - công nghệ mấy chục năm nay có nhiều điều chưa hợp lý, nếu không muốn nói là chưa có hiệu quả.
Theo tôi được biết, từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước đầu tư khoảng 2% chi ngân sách (hiện nay là khoảng 8.000 tỷ đồng) cho KHCN. Nhưng số tiền thực sự dành cho các nghiên cứu KHCN có vẻ như không được nhiều lắm. 8000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD) được phân bổ đại loại như sau:
Khoảng 43% là đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản do Bộ KHĐT trực tiếp quản lý; gần 20% đưa về các Bộ, ngành; gần 20% đưa về các địa phương; gần 20% còn lại do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý, trong đó khoảng 17% dành cho các chương trình, dự án, đề tài cấp Nhà nước.
Các chương trình, đề tài cấp Nhà nước chưa được tổ chức và quản lý một cách có hiệu quả; các chương trình, đề tài cấp Bộ, ngành và địa phương quản lý còn kém hiệu quả hơn nhiều!
Ấy vậy còn có khi … tiêu không kịp, cuối năm phải trả lại Bộ Tài chính. Tiêu không kịp cũng một phần bởi hệ thống công bố, tuyển chọn, đấu thầu các đề tài đó vẫn còn cồng kềnh, nặng nề, và lại theo năm kế hoạch.
Nếu là kế hoạch 5 năm, thì đã mất gần 1 năm đầu và gần 1 năm cuối cho việc xây dựng kế hoạch và tổng kết kế hoạch. Như vậy thời gian thực sự cho nghiên cứu khoa học còn không được là bao.
Cách tổ chức chương trình, đề tài, cách lựa chọn đơn vị thực hiện... cho đến nay tuy đã cải tiến, nhưng vẫn chưa có được sự thay đổi thực chất. Nếu cứ tiếp tục làm như hiện nay, thì chắc là KHCN của VN vẫn chưa thể có sức bật.
Hiện nay đã có một bước tiến khá tốt cho nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển KHCN. Thế nhưng ngoài đề tài về nghiên cứu cơ bản, thì còn có những đề tài khác mang tính chất ứng dụng, dự án.v.v... vẫn tổ chức theo chương trình, đề tài như ngày xưa.
Quan điểm của ông trong vấn đề này là như thế nào?
Theo tôi nghĩ, đáng lẽ ra chúng ta cần bỏ cách nghiên cứu theo chương trình, đề tài như hiện nay. Mà tập trung vào một quỹ có tên là Phát triển khoa học, và tập trung vào Trung ương, theo mô hình Quỹ Nghiên cứu khoa học của Mỹ.
Và quỹ này có hội đồng khoa học "chất lượng cao" để lựa chọn những đơn xin tài trợ nghiên cứu một cách liên tục, thường xuyên, không theo kiểu năm kế hoạch. Cấp trực tiếp cho đơn vị làm nghiên cứu, không qua bất cứ một cơ quan quản lý trung gian nào cả.
Đương nhiên là khi cấp, thì cơ quan quản lý đơn vị nghiên cứu khoa học đó có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng để cùng theo dõi. Theo tôi, không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản như hiện nay, mà cả các lĩnh vực nghiên cứu khác, nếu được tổ chức theo mô hình trên thì sẽ hiệu quả hơn nhiều….
Theo GS, đâu là sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học hiện nay?
Tôi cho rằng sự lãng phí ở chỗ những kết quả nghiên cứu chưa được đăng thành các bài báo nghiêm chỉnh, và chưa được ứng dụng nhiều. Theo dõi nhiều thì thấy rằng, một số công trình khoa học đã cho kết quả, nhưng nhiều công trình chẳng "kết trái, ra hoa" mà chỉ là những tập tài liệu báo cáo nghiệm thu mà thôi.
Không ít công trình chỉ làm cho có, nhiều đề tài làm theo kiểu "trời ơi đất hỡi", nghe tên đã thấy là không ổn. Tôi thấy một thực tế: có nhiều vấn đề là nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên của các cơ quan chuyên ngành lại được "vẽ ra" thành đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều quan chức và cán bộ lãnh đạo làm chủ nhiệm các chương trình, đề tài nghiên cứu ở cấp địa phương cũng như ở Trung ương. Có lẽ đấy là những biểu hiện bất thường. Nhưng tiếc thay lại ngày càng phát triển.
Có ý kiến cho rằng, có nhiều người có chức danh và học vị xem ngân sách dành cho KHCN là một bầu sữa, hoặc là quỹ... xóa đói giảm nghèo. Nên không ít người cũng cố gắng "thâm canh, tăng vụ"...?!
(Cười) Đó là một thực tế lâu nay. Nhiều người không hiểu biết chuyên môn vẫn đứng tên chủ nhiệm đề tài. Với chuẩn mực khoa học không nghiêm túc, nhiều người ngộ nhận ngân quỹ dành cho KH&CN là công cụ để… "xóa đói giảm nghèo", bù cho lương.
Bên cạnh đó, trong khoa học, ít nhiều đang còn tình trạng học phiệt. Có những người làm khoa học theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Có người có bằng cấp rồi, nhưng 20 năm nay không nghiên cứu gì cả, không có một công trình nghiên cứu nào cả, vậy mà vẫn được coi là "nhà khoa học đầu đàn", vẫn tham gia các Hội đồng Khoa học để xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu…Phải phân biệt được rằng, việc quan chức làm khoa học có thể có 3 trường hợp xảy ra:
Một là, các anh em trẻ làm khoa học không có mối quan hệ để xin được đề tài, nên phải dựng một vị quan chức lên đứng tên cho dễ xin, và càng dễ xin hơn khi vị này đã có học vị nào đó. Đây là tình trạng khá phổ biến.
Thứ hai, chính bản thân các quan chức không nghiêm túc, tự muốn làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu để tư lợi cho mình. Đây là một kiểu tham nhũng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, là có những vị quan chức muốn làm khoa học thực sự nghiêm chỉnh, cần được khuyến khích, nhưng phải có cơ chế hợp lý.
THẦY KHÔNG NGHIÊM TÚC, THÌ KHÓ ĐÒI HỎI Ở TRÒ
GS đánh giá thế nào về tình hình nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay?
Theo tôi, việc tổ chức nghiên cứu khoa học cho sinh viên ở các trường đại học đang có nhiều bất cập. Bất cập thứ nhất là thầy giáo không đủ thì giờ, và nguy hại hơn nữa là không có nhu cầu nhiều lắm cho việc nghiên cứu khoa học.
Chuẩn mực nghiên cứu khoa học chưa được đồng thuận trong giới nghiên cứu. Mỗi người hiểu nghiên cứu khoa học theo một cách khác nhau, một phách khác nhau. Đáng lẽ ra công tác nghiên cứu được tổ chức ở những nơi có thầy giáo hướng dẫn, dù em sinh viên có giỏi đến mấy đi nữa mà chưa qua bậc đại học, chưa bao giờ làm công tác nghiên cứu thực sự, thì vẫn cần có sự hướng dẫn để đi cho đúng hướng.
Và người hướng dẫn phải là những người làm nghiên cứu thực sự. Thế mà bây giờ thầy không làm nghiên cứu thì làm sao hướng dẫn được trò làm nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh. Có thể có những vấn đề mà thầy giáo không nghiên cứu, nhưng sinh viên vẫn có thể tự mày mò, vì ở một chừng mực nào đó sinh viên có thể tìm các dữ liệu trên mạng Internet để làm.
Nhưng đi vào nghiên cứu một cách thực thụ, nếu không có thầy hướng dẫn nghiên cứu nghiêm chỉnh thì e là sinh viên khó lòng tiến xa. Tôi không phủ nhận rằng có nhiều sinh viên rất thông minh, có thiên hướng và điều kiện để làm nghiên cứu. Nhưng xin nhắc lại, vấn đề quan trọng là sinh viên cần được tổ chức và hướng dẫn của thầy giáo và của nhà trường.
Tình trạng nghiên cứu khoa học èo uột như ông phân tích ở trên, vậy GS giải thích thế nào khi vẫn có nhiều tiến sĩ trong nước được "ra lò" ào ạt?
Bạn thử đi tìm mấy cuốn luận án tiến sĩ, rồi đối sánh chúng với nhau, sẽ thấy không ít chuyện cười ra nước mắt. Nhiều công trình giống nhau giống như cừu Doly được nhân bản, hoặc nhiều công trình chất lượng kém đến mức không thể chấp nhận được. Nhìn vào đó thì mới biết thực trạng chất lượng của các công trình nghiên cứu của ta hiện nay ra sao. Nghĩ đến chuyện phải có 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm nữa thì quả là vấn đề nan giải.
Xin cảm ơn GS!
BÀI: Lê Ngọc Sơn
Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009
Làm toán và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
16:23
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét