Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Thông báo chuyển địa chỉ (nhà) + ghi thêm

Xin thông báo cùng các bạn gần xa là kể từ ngày hôm nay 16/5/2010, tôi đã có một trang nhà mới tại địa chỉ www.nguyenvantuan.net. Tất cả bài vở mới sẽ được xuất bản (nghe oai quá!) trên trang nhà mới. Mời các bạn ghé qua cho biết.

Sau 2 năm "trụ trì" ở trang blog chùa này, tôi quyết định chuyển sang nhà mới. Nhờ sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, tôi nay đã có được một trang web theo tôi là rất ngon lành. Trong tương lai, tất cả các bài vở trong trang blog này sẽ được chuyển sang "nhà" mới, nhưng hiện tại thì chỉ có một số ít những bài cần thiết và gần đây được chuyển sang trang web mới mà thôi. Có nhiều dự định trong trang web mới này, và một trong những dự định là biến nó thành một website mang tính học hành. Tôi sẽ cố gắng ghi lại những bài học cá nhân để các bạn trẻ hơn lấy đó làm kinh nghiệm. Tuy là trang web cá nhân, nhưng tôi rất vui lòng đăng bài của các bạn, miễn là tôi nghĩ những bài đó có ích và nghiêm chỉnh.

Trang blog của tôi thoạt đầu chỉ với ý định là một nhật kí cá nhân, thế nhưng dần dà nó thành một nơi công cộng. Tôi vẫn ví mình như một kẻ đi đường (qua thời gian), nhìn thấy chuyện cần nói thì dừng lại nói vài câu rồi tiêp tục đi nữa. Trong thời gian qua, tôi có rất nhiều bạn xa gần. Hàng trăm lá thư gửi về khen có, chê có, cám ơn có, hỏi han có, và ... chửi cũng có. Dù khen, chê hay chửi, tôi vẫn cám ơn các bạn đã quan tâm đến trang blog. Đến nay, mỗi ngày có khoảng 4000 lượt khách ghé thăm trang blog, và tổng số lượt ghé thăm trong 2 năm qua đã lên đến 1.6 triệu (chính xác là 1,630,822 tính đến 10 pm ngày 15/5/2010). Tôi kính mời các bạn ghé qua trang nhà mới và tiếp tục cùng tôi đi tiếp đoạn đường đời.

NVT


Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Đạo văn quan quyền và câu chuyện li kì ở Việt Nam

Hôm trước, tôi có đề cập đến hai loại đạo văn mà tôi tạm gọi là “đạo văn cạnh tranh” (competitive plagiarism) và “đạo văn quan quyền” (bureaucratic plagiarism) lấy theo ý của Gs Martin (Úc). Trong entry đó, tôi có trình bày vài trường hợp đạo văn quan quyền ở bên Úc và Mĩ, nhưng hôm nay đọc thấy trên mạng hiện tượng đạo văn quan quyền cũng có ở Việt Nam, trên giấy trắng mực đen, và liên quan đến một vị có chức vụ cao.

Đọc bài “Chuyện ly kỳ về một ông GS. TSKH” của PGs Ngô Đức Thọ, chúng ta sẽ thấy trường hợp đạo văn quan quyền này có thể hiểu theo ý của anh bạn vong viên của tôi mà tôi có đưa vào một entry về đạo văn ở đây. Bài viết của Gs Thọ có thể khó đọc đối với một số bạn đọc, cho nên tôi xin tóm tắt câu chuyện (theo cách hiểu của tôi) như sau:

1. PGs Ngô Đức Thọ (làm việc ở Viện Hán Nôm) là một trong những người chủ biên cuốn sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam, 1075-1919”.


2. Gs Ts Nguyễn Đình Hương là tác giả cuốn sách “Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại”. Cuốn sách này được chính Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm viết lời giới thiệu, với lời ca ngợi như sau:
"Cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hương biên soạn là một tác phẩm công phu, có nhiều tư liệu giá trị và nội dung phong phú." Tuy nhiên, hơn 60% nội dung của cuốn sách này là cóp nguyên văn từ cuốn sách của ông Ngô Đức Thọ. Tuy cóp nguyên văn, nhưng tác giả thay đổi thứ tự của thông tin. Cần nói thêm rằng ông Nguyễn Đình Hương là Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoá giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Điều đáng nói là Gs Hương mang sách đến tận nhà Gs Thọ để ... tặng! Khi được Gs Thọ chỉ ra rằng nhiều thông tin trong sách là cóp, thì Gs Hương trả lời rằng: “Vâng ... Việc này tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng...tôi chỉ vì muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau!" Xin nhắc lại (vì tôi sợ các bạn lầm) rằng Gs Hương là Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoá giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, và còn là thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Cách hiểu về đạo văn của một giáo sư có bằng tiến sĩ (và đóng vai trò quan trọng trong việc xét duyệt phong hàm giáo sư cho cả nước) như thế thì có phải là đáng để chúng ta lo ngại cho nền học thuật nước nhà hay không? “Hỏi tức là trả lời”, tôi nghe các bạn nói, và tôi cũng nghĩ vậy.

NVT

===

http://vn.360plus.yahoo.com/ngoducthohannom/article?mid=26

CHUYỆN LY KỲ VỀ MỘT ÔNG GS.TSKH

NGẠN XUYÊN

Tôi vừa cùng các bạn đồng nghiệp làm xong công trình Thư mục Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia, chờ họ đem in. Khoảng thời gian này coi như tạm nghỉ xả hơi, thu dọn tài liệu lặt vặt v.v...Một hôm, sau ăn tối, tôi đang dựa ghế vi tính, chợp mắt thiu thiu....Bỗng chuông điện thoại réo vang! Khổ, réo thì vang, nhưng nghe lạo xạo không rõ (vì cái máy). Lô qua lô lại một lúc, nghe ra đầu giây bên kia có một giọng nam trung, xưng tên là H, và tự gọi là "con". (Chú thích : Dân Nghệ Tĩnh khi đối thoại với người nhiều tuổi hơn bố mẹ mình, mà rất thân quý thì tự xưng là "con", còn ở Bắc thì xưng"cháu"). Câu được câu chăng, nhưng nghe tự giới thiệu anh ta nguyên là Hiệu trưởng một trường Đại học lớn là ĐHK tại Thăng Long, lại là ĐBQH khoá XI và Phó chủ nhiệm một Uỷ Ban nào đó của Quốc Hội. Như thế thì ông cháu này hẳn không phải trẻ tí nào. H nói mình có viết một cuốn về giáo dục, trong đó có nói về giai đoạn Nho học của nước ta. H hỏi cuốn Các nhà khoa bảng VN do tôi (NĐT) làm Chủ biên đã xuất bản hai lần, những chỗ có chênh về số liệu thì lấy chính từ cuốn nào?. Tôi hiểu mang máng rằng, ông này có viết lách gì đó về đoạn này, đại khái muốn hỏi lại các số liệu như tổng số Tiến sĩ, tổng số khoa thi v.v...mà ông ta lại làm ở Uỷ ban đó, muốn hỏi han thêm những chi tiết ấy thì cũng là sự tốt, nên tôi trả lời: "Số liệu thì cứ theo lần xuất bản sau (bản bìa xanh, 2006), còn cụ thể thì khi nào gặp nhau trao đổi thêm, chứ qua điện thoại không thuận tiện".

Cuộc sống vừa hưu trí vừa làm việc cứ thế trôi qua khá êm đềm (Khu tôi ở rất vắng lặng, thường nghe chiền chiện hót ngoài cửa sổ, cũng thích đáo để). Bẵng đi mấy hôm, khoảng quá trưa 07-5-2010, ông H gọi tới hỏi số nhà và hẹn muốn đến thăm tôi như bữa trước đã nói chuyện. Tôi đọc cho H ghi số nhà, rồi chuẩn bị tiếp ông đồng hương nguyên ĐBQH. Nhà tôi ở trong cái ngõ, ngoài đường lớn dễ đi, nhưng đoạn trong khó tìm, nên tôi đi bộ ra đầu ngõ đón để khách khỏi lạc.

Khoảng 14h45 thì ông H tới. Tôi đã báo cho bà xã tôi biết để chuẩn bị tiếp khách. Tôi đón ông H vào, giới thiệu ông với vợ tôi, rồi mời ông ngồi xơi nước (xem ảnh 01). Sau mấy câu thăm hỏi thường lệ, tôi chủ động hỏi H tôi có thể giúp được việc gì? Ông H đặt lên bàn cái túi màu đỏ như túi hàng tết, trong có 1hộp bánh bích quy, 1 hộp kẹo gì đựng trong hộp nhựa tròn, 1 hộp chè tròn màu đỏ. Tôi nói: "Mới sơ kiến, ông đến chơi, làm gì mà cho quà nhiều thế!" Chỉ nói phớt qua, không đun đẩy, để tỏ ý chuyện vặt, không quan tâm. Ông cũng H đáp lời tôi bằng mấy câu ngắn gọn. Do kênh liên hệ đã định vị chuẩn nên hiểu nhau ngay. Có điều, tôi nghĩ ông H muốn tư vấn để "sẽ làm", "sẽ viết" một cái gì đó, thì cái đó không phải "sẽ" mà là "đã" được làm ra, đã xuất bản ra rồi: Ông H lấy ra đưa cho tôi xem cuốn sách ông vừa xuất bản.

Người nghiên cứu tìm đến thăm nhau, tặng nhau cuốn sách mới ra ...vẫn là sự thường. Vì thế nét mặt tôi chân thành rạng rỡ đón nhận từ tay ông H cuốn sách khá dày dặn. Đọc qua cái tên sách VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI, tôi nghĩ hẳn ai cũng phải hân hoan chào đón một công trình lý luận vĩ mô, rất tầm cỡ, đóng góp không nhỏ cho nền giáo dục nước nhà. Cái tên tác giả ghi trên đầu sách lại càng đáng kính nể: GSTS Nguyễn Đình H. Tuy ông chỉ khiêm tốn đề GSTS - có lẽ để cho hoà đồng với các GSTS bảo vệ trong nước, chứ học hàm học vị chính thức của ông là GS.TSKH, nghĩa là có thêm chữ KH chứ không phải như mấy ông TS không có chữ KH, lại càng khác xa hạng Phở Gà Sứt cặm cụi khảo cứu văn bản chữ Nho, đúng là vi mô, cũng vi danh, vi tiền, ai bảo ngu cho chết !(Đó là luồng điện tự chạy trong não, nhanh vậy). Mức độ kính nể đối với đại tác của ông H càng tăng thêm vì mở bìa sách thấy ngay Lời giới thiệu có chữ ký của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm. Đúng là đại tác của một GS.TSKH thì người đề tựa cũng phải có chức tước như thế mới thật hoành tráng tầm cỡ vĩ mô!

Cuốn sách này có 3 phần: Phần III (hơn 40 tr.)nói về những tư tưởng quan điểm giáo dục theo hướng dân tộc, hiện đại và hội nhập - Mình không sở trường món lý thuyết này lắm, khỏi bàn. Phần II (khoảng 150 tr.) về nền giáo dục cách mạng: Đáng chú ý nhất và chiếm số trang nhiều nhất (100/ 150 tr.) phần này là các bảng biểu danh sách Giáo sư, số lượng GS, PGS phong tặng các đợt v.v... (có ghi rõ theo nguồn của Hội đồng chức danh GS nhà nước) Môn này thì ông H là người trong ngành, OK! Chỉ mất dăm phút để liếc qua các phần ấy là đủ làm nền để đại thể nội dung mục đích của cuốn sách để giúp tôi chú ý vào Phần I. Phần này có tên: Giáo dục và truyền thống Việt Nam. Tuy chia mục dấu *, nhưng chỉ có 1 *, nên dấu * ấy chỉ như cái ngoặc đơn nói rõ thêm đó là giáo dục thời phong kiến và Pháp thuộc (nếu coi là mục thì phần I này chỉ có 1 mục!) Liếc qua vài mục đã thấy rờn rợn:

Mục 1: Nước Văn Lang- "Cha cha! Ông GS.TSKH kinh tế này nói gì về nước Văn Lang đây? Cả mục xoẳn 20 dòng! "Quý hồ tinh" chăng? Vâng, để mời một học sinh phổ thông kiểm chứng giúp xem cái gì là phổ thông, cái gì là trên phổ thông, như thế có lẽ sẽ được khách quan hơn.

Mục 2 Tài sản trí tuệ. Cha cha! Thật tân kỳ, cũng khoảng hơn 20 dòng, nói mung lung những là "sức mạnh dân tộc bắt nguồn từ sự giáo dục trong nhà trường, từ gia đình đến xã hội...", v.v... Hấp dẫn qúa, không khéo từ thời nước Văn Lang đã có nhà trường cũng chưa biết chừng !

Mục 3: Tiếng nói và chữ viết: "Từ xa xưa tiếng Việt thuộc họ Nam Á...", có lẽ 20 dòng cũng đủ thấy người ta chẳng cần phải nghiên cứu nghiên cắm gì cho mất công, một anh trình độ phổ thông cũng có thể bàn luận ào ào về ngôn ngữ học tiếng Việt từ ngàn xưa đến nay!

Mục 4: Chữ Nôm : Giáo sư Nguyễn Tài C. xem mục này chắc phải ngất xỉu hoặc cười vỡ bụng (lâm nguy!). Cả mục nửa trang, nhưng 3/4 của nửa đó nói lảm nhảm những Lý Thái Tổ "ra chiếu dời đô ...". Ủa, vị GS.TSKH này nghĩ Chiếu dời đô viết bằng chữ Nôm chăng?! Tiếp đó nói Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư, rồi lại chính sách "ngụ binh ư nông", hay là tất cả các sách vở ấy đều viết bằng chữ Nôm? Phát hiện động trời đấy chứ?

Phải lướt nhanh: mục 5: Văn Miếu QTG -trường đại học đầu tiên: một bức ảnh+vài ba dòng. Mục 6: Nho giáo: Chui cha! Ông TS kinh tế này cũng tổng kết về Nho giáo, thì Nho giáo hay chính ông GS.TSKH ra sao không nói cũng biết rồi! Kế đến, vừa trích vừa bình lổn nhổn, tác giả cố đưa vào các bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư (coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất), Bình Ngô đại cáo (coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai). Giữa đó chêm vào mục 7: Hịch tướng sĩ -Bài ca xung trận, đại thắng quân Nguyên. Đang nói về chiến thắng quân sự, ngoằng vào giáo dục: "Đời Trần rất chăm lo chế độ chế độ thi cử quy củ....". Hết biết tư duy logic của ông GS.TSKH như thế nào?

Bên trên chỉ là nhân tiện điểm qua thôi, đến số 10 có mục Tiến sĩ nho học mới chính là mục mà tôi quan tâm.

Đối với cuốn sách của ông H, mục 10 này chiếm đến hơn 90% của phần I (350/386 tr.), và hơn 60% của cả quyển sách (350/588 tr). Không phải là sự khái quát đặc điểm quá trình hình thành hay so sánh xuyên thời đại xuyên quốc gia gì cả, mà là bản liệt kê lý lịch trích ngang của các Tiến sĩ Nho học từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Không bàn việc mục này trương phình lên như vậy có phù hợp với cuốn sách có tên như trên hay không, tôi chỉ biết mặt tôi bỗng "đỏ bừng" lên như một anh chàng nốc quá mấy vại bia! Bởi vì, chẳng khác gì một người mẹ đến một nơi xa xôi, bất ngờ thấy một người lạ đang bế ẵm đứa con của mình! Thế là người mẹ chẳng cần phải lấy mẫu xét nghiệm dấu vân tay hay ADN gì nữa, chỉ dụi mắt vài lần cho khỏi nhầm rồi khẳng định ngay. Tâm thần tôi khi ấy trở lại bình tĩnh, sắc mặt không đỏ bừng nữa mà trên môi hình như nhẹ nở một nụ cười (cái cười tự nhiên khi ta nhận ra mình đã biết rõ sự thật).

Một luồng điện chạy nhanh trong đầu, tôi đã quyết định xong. Tôi ở vào một tình thế khó xử, từ vai chủ nhà muốn cho khách đẹp ý, đến vai bà mẹ thấy con mình chẳng lẽ không dám nhận con? Ông H 65 rồi, có phải trẻ người non dạ gì nữa đâu? Ông ấy từng làm Hiệu trưởng một trường đại học đông mấy vạn SV,NCS chứ có phải ở nhà quê mới ra nên không hiểu chuyện bản quyền sách vở ra sao đâu. Hơn nữa ông là đảng viên cao tuổi Đảng (47 năm) trình độ giác ngộ hẳn phải rất cao: Sách tái bản năm 2009, chẳng lẽ ông H không biết ĐCSVN có cuộc vận động " Học tập và làm theo gương Bác Hồ" hay sao? Cuốn sách của chúng tôi bị sao chép như thế thì thị trường cũng giảm yêu cầu đi, nhưng trực diện nói ra hay không nói ra với ông H việc này, tôi tuyệt đối không phải vì tiếc mất mấy đồng nhuận bút, mà vấn đề là ở chỗ có thể chấp nhận chuyện đạo văn trắng trợn như thế hay không? Không chỉ chuyện đạo văn, đây còn là chuyện đạo đức nữa. Thật không muốn tin rằng trước cả ngàn cả vạn SV, NCS, những lời lẽ hô hào giáo dục của GS. TSKH Nguyễn Đình H là giả dối! Nghe nói nền giáo dục nước ta gần đây có giảm sút, nghĩ là yếu đi chút đỉnh, có đâu đến mức trầm kha, căn bệnh đã vào đến cao hoang như thế? !

Tôi gấp cuốn sách đặt xuống bàn, lấy lại tư thế cho thoải mái để khỏi nổi nóng, rồi hắng giọng nói với GS.TSKH Nguyễn Đình H. :

-Mời anh xơi nước đi!.... Nhưng mà..., anh H ạ, cuốn sách của anh có vấn đề...

Tôi mở sách, giở qua mấy mục đầu:nước Văn Lang, chữ Nôm, Nho học v.v..mà nói:

-Anh viết mấy cái mục ấy để làm gì nhỉ? ...Mà anh thì biết gì về chữ Nôm mà trong một đại tác như vậy cả gan dám viết cả mục về chữ Nôm?...

Ông H cười tiếp lời:

-Ấy, tôi thì làm sao biết chữ Nôm bằng các anh!

-Tất nhiên rồi, nhưng tôi không muốn nói anh có biết chữ Nôm hay không, nếu anh mưốn thì học vài tháng cũng đọc được một ít .Nhưng người ta nói: Biết 10 viết ra chưa đến 1, đằng này anh lại tự trương phình lên như thế, thiên hạ người ta cười cho!

Ngừng một lát, tôi nói tiếp:

-Còn phần trích ngang tiểu sử các Tiến sĩ (vừa nói tôi vừa nhón cả chỗ dày 350 trang lên) thì anh chép nguyên xi trong cuốn Các nhà khoa bảng VN do tôi Chủ biên và cùng biên soạn với mấy bạn đồng nghiêp. Đó là hành vi xâm phạm bản quyền rất nghiêm trọng. Anh có nhận đúng thế không?

GS.TSKH nói:

-Nhưng tôi sắp xếp theo các địa phương!

Tôi xua tay cười nhẹ :

-Anh đừng nói cái chuyện chia xếp ấy với tôi, tôi hơi bị thành thạo việc soạn thảo văn bản vi tính đấy! Mất vài tiếng đồng hồ, anh muốn chia xếp kiểu gì tôi cũng chiều anh luôn! - Đến đoạn này tôi nhẹ nhàng đứng dậy (cổ tránh để khỏi đập bàn, xô ghế) mà nói:

-Anh H ạ, soạn cuốn Các nhà khoa bảng VN này, nếu chúng tôi cứ để y nguyên như trong sách đăng khoa lục mà dịch ra, thực chất là phiên âm, thì chẳng mất mấy công mà dễ, các cháu Trung cấp Hán Nôm cũng làm được.Cái khó nhất của một cuốn sách tiểu sử các nhà khoa bảng VN là ở việc quy đổi địa danh quê quán của ngót 3000 Tiến sĩ. Ở ta, cho đến nay chưa có một cuốn từ điển địa danh nào tra cứu được địa danh xưa - nay đến đơn vị xã thôn. Chủ trương từ đầu của chúng tôi khi làm cuốn sách này là phải cố gắng tối đa để thực hiện việc quy đổi này. Không chỉ tra tìm từ nguồn thư tịch cũ mới mênh mông, chúng tôi còn phải hàng tháng trời bò toài ra sàn nhà để dò tìm trên từng tấm của kho bản đồ chất cao mấy mét quýp của Viện Hán Nôm để có thể xác định địa danh quê quán hiện nay của các Tiến sĩ. Trước chúng tôi, chưa có bản soạn, bản dịch sách đăng khoa lục nào làm được. Vì vậy, chỉ giở cuốn sách của anh, xem lứot qua vài trang đầu, mấy trang giữa và cuối là tôi biết ngay cả phần 350 trang này anh đã chép nguyên xi trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do tôi Chủ biên và biên soạn chính (*) . 350 trang ấy là mồ hôi công sức của bản thân tôi và của các bạn đồng nghiệp cộng tác với tôi trong nhóm biên soạn. Tôi xin nói thẳng với anh như thế mà không lo bị nhầm!

Im lặng một chút, ông H nói:

-" Vâng...Việc này tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng...tôi chỉ vì muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau..!."

Đó là câu nói tôi rất chờ đợi ở ông ông H vào lúc này, rất mừng là ông đã chịu tự nói ra! Còn ý đoạn sau thì tôi không quan tâm, không tranh biện nửa câu với ông H ! Dù ông nói thế cũng chả ai tin: xưa nay có anh cầm nhầm nào mà không nói là để lưu truyền đâu ? Ai làm ra thì người ta tự tìm cách lưu truyền, có đâu phải nhờ người ẵm hộ để đi lưu truyền? Hình như - không nhớ rõ - tôi có bảo qua ông H:

"... Đời sau cũng chẳng có đời nào người ta nhận cái của lưu truyền như thế đâu!"

Câu chuyện như thế đã đi vào hồi kết. Nhưng tôi hơi lúng túng: bây giờ mà ông H đứng dậy ra về, cầm luôn đại trứ tác VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI thì tôi chẳng có gì để làm minh chứng. Tự đi tìm để có cuốn sách ấy thì có thể cũng tìm được, nhưng phiền lắm, phải mất nhiều công. Vì thế, việc cầm nhầm đã xác định rồi, nhưng tôi vẫn cầm cuốn sách đến cuối góc phòng vờ giở xem qua xem lại, mục đích là để chạy lên gác lấy cái máy ảnh xuống chụp cái bìa sách và nhiều nhiều các trang bị cầm nhầm. Khốn nổi, lấy được máy ảnh thì máy chưa sạc pin nên không mở ra được! Tôi đành kiên nhẫn cắm sạc pin, một mặt bảo vợ tôi lại ngồi mời ông H uống nước để kéo dài thời gian (như kiểu thủ môn kéo dài thời gian trên sân bóng). Tôi sực nhớ có anh bạn trẻ cùng Viện có hẹn chiều nay đến làm việc với tôi, tôi bèn gọi phôn nhờ anh ta đem theo cái máy ảnh và đến nhà tôi ngay. Thủ môn kéo dài thời gian như vậy được đâu vài chục phút, cũng kịp lúc anh bạn trẻ phóng xe tới. Tôi mừng quýnh chạy ra mở cổng rồi đẩy ngay anh ta lên nhà, chỉ kịp ghé tai nói nhỏ: "Mở máy ngay, chụp liền cho tôi mấy pô cùng với ông khách!"

Anh bạn trẻ lên nhà, lịch sự chào hỏi mọi người rồi thao tác máy chụp ngay - Dẫn trong bài này chính là những bức ảnh do người bạn đó chụp giúp. Hiện trường còn y nguyên!
Bây giờ yên tâm rồi, nhưng tôi vẫn cầm quyển sách đi qua đi lại. Ông H thấy vậy, nói:

-Có cần phải ....

Tôi hiểu ông H muốn nói: có cần viết ra giấy không?. Nếu lúc ấy tôi lấy giấy bút đưa cho ông H thì có được đủ bộ cứ liệu. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ: Một ông GờSờ - TờSờKờHờ, quyền uy chức vụ kể cũng khá cao, mà phải chịu im re thừa nhận: "...Tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ", thế đã đủ bi thương, "hoàn cảnh" lắm rồi, chứng cớ như vậy hẳn ông không thể chối cãi gì được nữa, dừng lại cũng tạm đủ, có lẽ không nên buộc ông ấy phải viết ra giấy cho thêm đau lòng! Đó là tâm trạng đích thực của tôi lúc đó, không thêm mắm muối tí nào.

Tiếp đó tôi nghĩ nên hỏi muợn ông cuốn sách ít ngày, nếu ông không cho mượn thì sẽ nhờ anh bạn chụp lấy vài chục trang để "lưu truyền"!. Cũng may, chưa phải hỏi mượn thì ông H đã cầm bút "đề tặng" để biếu tôi cuốn sách, vì thế mà tôi có cuốn "đại trước tác" của ông để "lưu truyền" ngay trong bài này. Tôi thầm nghĩ: mỗi người thường có duyên nợ với một từ gì đó, ông H đích thực là có duyên nợ với hai chữ "lưu truyền"!

Tiễn ông H ra cổng, dặn ông qua dốc rẽ trái để ra đường lớn, tôi cùng ông chia tay.

Tôi khoá cổng quay vào nhà, lòng buồn rười rượi. Bởi vì, người tôi vừa tiễn đây không phải ai non dạ, mà là một vị có chức quyền, học hàm học vị không chỉ khá cao mà là rất cao. Ông lâm tình thế đáng bi thương hổ thẹn như thế trước hết là vì bệnh háo danh. Đối với trường hợp của ông H thì còn hơn thế: Buổi tối vào mạng tra Google, tôi đọc được cả bản tiểu sử của ông, lại tìm được tài liệu cho biết ông là thành viên đương nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và đương chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban...của QH! và có thể còn vài ba chức danh đương nhiệm khác nữa. Đời bây giờ đạo đức suy đồi, không ít người có chức có quyền tha hoá biến chất. Quản lý tiền thì tham ô tiền, quản lý tài nguyên thì bán chui tài nguyên, quản lý khoa học thì chiếm đoạt công trình sản phẩm của đồng nghiệp. Mấy vụ giáo trình kinh tế gì đó lình xình ở TP HCM cách nay chưa mấy ngày. Ông H nhận là đồng hương với tôi..., thế mà ông còn quờ tay ẵm thuổng mất hơn 1/3 mồ hôi công sức biên soạn cuốn CNKBVN! Hàm vị thì ông cao tột rồi, có thêm một cuốn sách ôm ấy thì cũng chẳng còn danh vị gì mà thăng tiến nữa, có chăng là để tỏ rõ cho mọi người biết một giáo sư thứ thiệt phải có nhiều đầu sách, "công trình khoa học" như ông! Nghĩ chuyện của ông vừa Bi vừa Hài, vậy thì tôi còn phải luyến tiếc gì nữa mà không phanh phui ra trước dư luận hành vi đạo văn trắng trợn của ông H? Hoạ chăng phải cố tìm cách giấu đi để mấy nơi như Chi bộ ĐCSVN phường Đồng Tâm Q.Hai Bà (nơi ông H cư trú), Đảng uỷ cơ quan Viện lập...của UBTV, và quý vị lãnh đạo ở HĐCDGSNN khỏi biết, ít ra cũng cố giữ "bí mật" cho đến hết đợt hành động "Học tập và Làm theo" doTBT Nông phát động: Lý do là vì để mấy nơi đó biết lại khiến họ đâm ra khó xử!

Về việc PTT họ Phạm cả quyết đánh giá: " Cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình H...biên soạn là một tác phẩm công phu, có nhiều tư liệu giá trị và nội dung phong phú." *(sic!!) Những phần mục nào khác thì không nói, nhưng tôi muốn trân trọng kính nhờ Phạm PTT bớt thì giờ kiểm tra chỗ 350 trang mà GS.TSKH Nguyễn Đình H..."cầm nhầm" - mà đương sự cũng đã xác nhận - ấy có thật đúng là "công phu" không? Nếu đúng là có công phu thì đó là công phu gì? Công phu trong việc đạo văn hay công phu do ông H tự có kiến thức tích luỹ mà rồng bay phượng múa ra được như thế? Vầng nhật nguyệt còn đó sáng soi, chẳng lẽ nào ngài Phạm PTT lại không thấy cho một sự thật tày đình như thế? Vả lại sự việc "sách của GS.TSKH H" nếu được coi là tấm gương để soi thì may ra sẽ bớt đi được chuyện các quan to thoải mái đánh giá đề tựa ào ào về những lĩnh vực chuyên môn mà mình không am hiểu. Không nói khoản 350 tr. "đạo" nữa, hãy lấy một câu ở tr.26 trong mục "10. Tiến sĩ nho học", ông GS.TSKH đáng kính đĩnh đạc nhả ngọc phun châu để "lưu truyền cho đời sau" như sau:

"...thi Hội để lấy bằng Cử nhân, thi Đình để lấy bằng Tiến sĩ" (Sic!)

Bảo vệ sự đúng đắn của những điều mình viết ra là vấn đề danh dự, uy tín của nhà khoa học. Tôi nghĩ GS.TSKH Nguyễn Đình H nên trưng ra các văn bản cứ liệu chứng minh để có thể lập được một Hội đồng khoa học cấp quốc gia thẩm định giúp câu văn gồm 14 chữ của ông mà tôi đã trích nguyên văn, gạch dưới và đặt trong ngoặc kép nêu trên là đúng hay sai?

Dân gian thường gọi những người giỏi giang thông tuệ là "Giỏi" hoặc "Thông", những ai hay ấm ớ, nói gì sai nấy thì bảo là...Xin thứ lỗi vì chợt quên biến mất cái chữ rất hay ấy. Nhưng không sao, đợi đến khi có câu trả lời ta sẽ xin ý kiến dân gian cũng không muộn gì.

Chân thành cám ơn quý độc giả và quý vị quan chức đã bớt thì giờ quý báu lướt qua bài viết không có tính truyện ngắn hoặc truyền kỳ tí nào, mà có tính thực lục khá cao (có 04 ảnh kèm) này của tôi.

Để bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự thật được nói đến trong bài, đến đây Ngạn Xuyên xin ký họ tên thật như sau:

PGS.TS Hán Nôm học NGÔ ĐỨC THỌ
Nguyên Trưởng phòng Văn bản học
Chuyên viên cao cấp
Viện nghiên cứu Hán Nôm
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
(đã nghỉ hưu)
Địa chỉ liên hệ: số nhà 50 Ngõ 210/41/11 Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội
ĐT: (04)38464397

TB. Tôi cũng muốn nói đôi lời với Nhà xuất bản Giáo Dục: Tôi nghĩ Nxb Giáo dục là cơ quan quan trọng của ngành đào tạo nhân tài cho đất nước. Là người thay mặt cho xã hội thẩm định OTK cho các sản phẩm, chẳng lẽ các bạn không biết chuyên đề Tiến sĩ Việt Nam đã có những sách nào hay sao? Nếu đã biết thì sao vẫn an nhiên để cho người ta rinh bê của gian của lậu vào trong ấn phẩm của Nxb mình như thế? Dư luận xã hội làm sao có thể ca ngợi các bạn là khách quan, tận tâm với chức vụ?. Trong việc biên tập các bạn có trách nhiệm cao, rất nên trong sáng đi đầu trong vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả, chứ đừng tiếp tay cho họ, có thế thì mới hết những kẻ đưa những chồng giấy cũ đến để "lưu truyền" theo kiểu như GS.TSKH H đã làm. Nhưng vì bài viết đã dài, xin sẽ quay lại sạu. (NĐT.)

(*) CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM (1075-1919). NGÔ ĐỨC THỌ chủ biện. Biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. H.,Nxb văn học, 1993.
-Tái bản có bổ sung chỉnh lý. H.,2006.


Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Lại tự quảng cáo về vitamin D

Phải xin lỗi trước các bạn: nếu thấy ngứa mắt vì cái trò tự quảng cáo này quá, thì có thể bỏ qua cái entry này. Đây chỉ là chuyện "cơm áo gạo tiền" cá nhân thôi, có thể ít liên quan đến phần lớn các bạn; chỉ liên quan đến ai quan tâm đến hormone :-).

Hôm nay có một tin vui mà tôi có thể chia sẻ với vài bạn đọc. Số là cách đây vài tuần chúng tôi có công bố một công trình nghiên cứu về vitamin D và PTH ở Việt Nam trên Osteoporosis International. Đây là công trình đầu tiên về vitamin D và PTH ở Việt Nam, và cũng là một trong những nghiên cứu qui mô nhất về chủ đề này ở Á châu.

Có lẽ do ý nghĩa của nghiên cứu, nên bài báo đó nên được sự chú ý của website y khoa như MDLinx. MDLinx là một website có uy tín trong y khoa. So với các website y khoa khác, MDLinx có lưu lượng đứng vào hàng số 1. Mỗi ngày họ tuyển chọn những công trình nghiên cứu có ý nghĩa và quan trọng để chuyển tải đến khoảng 1 triệu người đọc trên khắp thế giới. Hôm nay, họ cho biết rằng họ đã chọn bài của chúng tôi. Họ viết:

Congratulations! We are writing to inform you that your article 'Vitamin D status and parathyroid hormone in a urban population in Vietnam' in Osteoporosis International was featured on our MDLinx.com site today. MDLinx is the world's most up to date index of articles that matter in the daily lives of physicians and other healthcare professionals. Every day we send almost 1,000,000 free briefings across 35 specialty areas. Your article was assigned to the following specialties: Endocrinology, Rheumatology. Your article was selected as number 10 on our RheumatologyLinx site. You can see your article by clicking here: http://www.mdlinx.com/rheumatologylinx/news-article.cfm/3129542 The article was summarized by our physician editor as Ho–Pham LT et al. – These data show that vitamin D insufficiency is common even in tropical region, and that women had a greater risk of vitamin D insufficiency than men. These data suggest that an elevation in PTH cannot be used as a marker for vitamin D deficiency.”

Thật ra, trước MDLinx, website của hiệp hội xương của Mĩ (American Society of Bone and Mineral Research) cũng đã chọn bài của chúng tôi để giới thiệu cho đồng nghiệp trên thế giới. Bài tóm lược đó ở đây.

Còn một website nữa cũng báo cho tôi biết rằng họ đang trong giai đoạn giới thiệu bài của chúng tôi trong “Hội đồng Vitamin D” (Vitamin D Council).

Kể ra thì cũng vui, bởi vì một công trình từ Việt Nam gây sự chú ý của giới chuyên môn trên thế giới. Hi vọng nay mai công trình đó sẽ có "citation" cao. Năm ngoái công trình về ăn chay của chúng tôi được báo chí khắp thế giới đưa tin khá rầm rộ, và có một giáo sư bên Anh viết xã luận khen :-). Nhưng cũng có người hiểu lầm về một chữ viết tắt, và chúng tôi bị mắng rất nặng nề. Thật ra, bài về vitamin D và PTH đó chỉ mới là bài đầu, trong tương lai gần, chúng tôi sẽ còn một loạt công trình khác cũng về khía cạnh vitamin D. Điều này một lần nữa nói lên rằng ở Việt Nam, chúng ta có thể đóng góp vào y văn quốc tế với những công trình có giá trị, miễn là chúng ta biết hướng đi của chuyên ngành và làm đúng phương pháp.

NVT

Thói ngụy biện ở người Việt

Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong một xã hội văn minh. Ở nhiều nước, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Ở các nước phương Tây, hầu như ngày nào báo chí cũng có những bài của những cây bỉnh bút tranh luận về một vấn đề nóng nào đó. Trên tivi cũng có những cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai hay nhiều người về những chủ đề từ “đại sự” đến những vấn đề tưởng như nhỏ nhất. Trong các hội nghị khoa học, trước một vấn đề còn trong vòng nghi vấn, người ta cũng có những chuyên gia tranh luận dưới dạng những bài giảng khoa học.

Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi.


Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải tập trung vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng, phải sẵn sàng chấp nhận những quan điểm không được nhiều người ưa chuộng, và phải ý thức được định kiến và chủ quan của chính mình. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề bàn luận, luận điểm bàn luận chứ không đi lạc đề. Không công kích vào cá nhân và nhân thân của người tham gia tranh luận.

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc có ý nghĩa, và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này, nhất là đối với người Việt vốn chưa quan với văn hóa tranh luận. Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của những cuộc tranh luận giữa người Việt rất thấp. Chỉ cần xem qua những cái-gọi-là “tranh luận” trên các diễn đàn báo chí (và nhất là các “chat room” hay blog), người ta có thể thấy đó không phải là tranh luận, mà là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận, những cuộc chửi bới, chẳng có lí luận của người tranh luận. Ngoài ra, đối với một số người tham gia bình luận về một câu chuyện nào đó là một cuộc dàn xếp, một sự đóng kịch, nhằm tung hỏa mù hoặc lên lớp, hoặc a dua theo đám đông. Đó là những kịch bản ngớ ngẩn đến tội nghiệp. Ngớ ngẩn là vì người xuất hiện chẳng nói được gì cho đầy đủ, mà cũng chẳng phân tích một vấn đề gì cho đến nơi đến chốn.

Thật vậy, rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận giữa người Việt chỉ là những cuộc chửi lộn, mà trong đó người ta tha hồ vung vít, ném liệng vốn liếng chữ nghĩa qua lại một cách hỗn độn, mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là nhân thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. Thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ. Trong hầu như những tranh luận, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo cao đức trọng cả bằng cách gắn cho đối phương những danh từ và tính từ mang tính miệt thị, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc thay vì là một trao đổi khoa học.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy biện, một lỗi lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng trong tranh luận. Nói một cách đơn giản, ngụy biện là những nhầm lẫn trong lí luận và suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những qui ước quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle có lẽ là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện.” Mặc dù Aristotle là một nhà nhà logic học đầu tiên có công liệt kê và phân loại những loại ngụy biện, thầy của ông (Plato) mới xứng đáng được vinh danh như là một nhà triết học đầu tiên đã có công sưu tầm những ví dụ về ngụy biện. Kể từ khi Plato và Aristotle, đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, và Arthur Schopenhauer cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Điều đáng chú ý là những lỗi lầm về ngụy biện ở người Việt lại hay thấy trong giới có học. Chỉ cần điểm qua báo chí, websites, blog, v.v... chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều cái-gọi-là "tranh luận" thật ra chỉ là ngụy biện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết đó là những ngụy biện, mà thậm chí còn hết lời khen ngợi kẻ ngụy biện là ... uyên bác! Điều này cho thấy trong những người Việt học cũng có người rất lười biếng suy nghĩ và chẳng phân biệt được thật và giả, không có khả năng nhận dạng được ngụy biện. Phải ghi nhận một điều là internet đã rất tuyệt vời, vì qua những "tranh luận" và chửi bới của những kẻ tham gia trên internet, chúng ta biết được bộ mặt xấu xí đằng sau những người mang nhãn mác "trí thức" hay "có học". Những kẻ này tương đối nguy hiểm, vì với cái nhãn mác "có học" đó, họ có cơ hội làm lũng đoạn xã hội và trở thành những con vi khuẩn làm nhiễm trùng nền học thuật nước nhà. Do đó, cần phải giúp họ nhận ra đâu là ngụy biện và đâu là logic.

Thực ra, nhận dạng ngụy biện không phải là một việc làm khó khăn. Nói chung chỉ với một lương năng bình dân, người ta có thể phân biệt một phát biểu mang tính ngụy biện với một phát biểu logic. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng thức ngụy biện mà vẻ bề ngoài hay mới nghe qua thì rất logic, nhưng thực chất là phi logic. Những loại ngụy biện núp dưới hình thức “khoa học” này không dễ nhận dạng nếu người đối thoại thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lý lẽ. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần phải phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện, và quan trọng hơn, cần phải hiểu tại sao chúng sai. Có thể phân loại ngụy biện thành nhiều nhóm khác nhau liên quan đến việc đánh lạc vấn đề, lợi dụng cảm tính, thay đổi chủ đề, nhầm lẫn trong thuật qui nạp, lý luận nhập nhằng, phi logic, và sai phạm trù. Trong khuôn khổ giới hạn, người viết bài này không có tham vọng trình bày tất cả những loại ngụy biện một cách chi tiết (vì việc này đã được hệ thống hóa trong nhiều sách về logic học), mà chỉ muốn liệt kê ra những loại ngụy biện thường hay gặp trong báo chí và truyền thông, hầu giúp bạn đọc có thể phân biệt giữa chân và giả.

Liệt kê sau đây là một loạt những ngụy biện phổ biến hay thấy ở người Việt. Những ngụy biện này có thể phân thành 7 nhóm như sau:

• Đánh tráo chủ đề
• Lợi dụng cảm tính và đám đông
• Làm lạc hướng vấn đề
• Qui nạp sai
• Nhập nhằng đánh lận con đen
• Phi logic
• Các nhầm lẫn khác

Nhóm 1. Đánh tráo chủ đề

1. Công kích cá nhân
(ad hominem). Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất, nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận, và tìm cách trốn tránh luận điểm của cá nhân đó. Hình thức ngụy biện này thường xuất hiện dưới dạng: Ông A phát biểu về một vấn đề; ông B tấn công vào cá nhân ông A, và làm cho người ta nghi ngờ luận điểm của ông A. Tuy nhiên, có thể không có mối liên hệ nào giữa cá nhân và luận điểm của ông A.

Có hai hình thức thuộc loại ngụy biện này. Thứ nhất là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như “Ông nói là những người vô thần có đạo đức, vậy mà chính ông là người từng li dị với vợ con,” hay “Ông là người làm kinh tế, không biết gì về khoa học, mà nói chuyện khoa học”. Đây là một ngụy biện, bởi vì sự thật của phát biểu không tùy thuộc vào cá nhân của người phát biểu, mà là logic của lời phát biểu. Cũng nằm trong loại ngụy biện này là thói dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh học của Tây có vài chữ mà đã quay lại chửi bới đồng nghiệp à? Anh là con công cháu cha, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ của chúng tôi.”

2. Lợi dụng quyền lực (ad verecundiam). Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như “Isaac Newton là một thiên tài, và ông tin vào Thượng đế,” làm như ông Newton là người có thẩm quyền để chúng ta tin vào Thượng đế. Thẩm quyền không thuyết phục được ai; chỉ có sự thật, lí lẽ và logic mới quan trọng và có khả năng thuyết phục.

3. Lợi dụng nặc danh. Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Giới công an hay sử dụng ngụy biện này, ví dụ như “Một viên chức tình báo cho biết chính anh từng hoạt động cho địch.”

4. Lợi dụng tác phong. Loại ngụy biện này dùng tác phong hay cách làm việc hay một đặc tính nào đó của đối tượng để cố thuyết phục về tính hợp lí của phát biểu. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là những phát biểu như “Nixon thất cử vì ông ta thường hay ra mồ hôi trên trán,” hay “Tại sao anh không nghe theo lời khuyên của anh chàng ăn mặc bảnh bao đó?” Thực ra, “bảnh bao” và “mồ hôi trên trán” chẳng có dính dáng gì đến vấn đề đang bàn thảo.

5. Luận điệu cá trích. Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Ví dụ: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình thức không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao? Gia đình của nạn nhân sẽ nghĩ gì khi họ thấy tên sát nhân người thân của họ bị giam giữ trong nhà tù bằng đồng tiền của chính họ. Họ có nên nuôi dưỡng những tên sát nhân như thế không?”

6. Luận điệu ngược ngạo. Bằng chứng luôn luôn là gánh nặng của người phát biểu. Do đó, tìm cách chuyển gánh nặng đó cho một người khác là một thủ đoạn của những người ngụy biện. Chẳng hạn như trong câu này “Anh nói rằng ăn nhiều mỡ không liên quan đến cholesterol, nhưng anh có thể chứng minh điều đó không?” Đáng lẽ người phát biểu phải chứng minh, nhưng công việc đó lại được chuyển cho người đối thoại!

Nhóm 2. Lợi dụng cảm tính và đám đông

7. Dựa vào bạo lực
(ad baculum). Ngụy biện dựa vào bạo lực thực chất là một sự đe dọa, nhằm mục đích gây áp lực cho người đối thoại phải chấp nhận một kết luận nào đó. Loại ngụy biện này thưởng được giới chính khách dùng, và có thể tóm gọn bằng một câu “chân lí thuộc về kẻ mạnh”. Sự đe dọa không hẳn chỉ xuất phát từ người phát biểu, mà có thể từ một người khác. Ví dụ như “Những ai không tin vào chính sách của Nhà nước sẽ phải trả giá đắt”, hay “Được rồi, tôi đã biết số điện thoại của anh và biết anh đang ở đâu. À, tôi có nói cho anh biết là tôi mới mua một cây súng ngắn chưa nhỉ?”

8. Lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam). Đây là một loại ngụy biện dựa vào lòng trắc ẩn của người đối thoại để người đối thoại chấp nhận lí lẽ của mình. Ví dụ như “Anh ấy không có giết người bằng búa. Làm ơn đừng tuyên án anh ấy có tội, anh ấy đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng tinh thần,” hay “Tôi hi vọng anh sẽ chấp nhận đề nghị này, chúng ta đã tiêu ra ba tháng nay để bàn rồi đấy.”

9. Lợi dụng hậu quả (ad consequentiam). Ngụy biện loại này thường được biểu hiện qua cách phát biểu “A hàm ý B, B là sự thật, do đó A là sự thật”. Ví dụ: “Nếu vũ trụ được một đấng chí tôn thượng đế tạo nên, chúng ta có thể thấy những hiện tượng được tổ chức một cách thứ tự. Và hiện tượng chung quanh chúng ta quả rất thứ tự, vậy đấng chí tôn thượng đế chính là người tạo nên vũ trụ,” hay “Anh phải tin vào Đảng Cộng hòa, chứ nếu không cuộc đời này sẽ chẳng có ý nghĩa” (hay là nói một cách ngược lại: cuộc sống này chẳng có ý nghĩa gì nếu không có Đảng cộng hòa!)

10. Lạm dụng chữ nghĩa. Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Chẳng hạn như trong câu “Bất cứ một người có lương tri nào cũng phải đồng ý rằng về Việt Nam ăn Tết là làm lợi cho cộng sản,” chữ “lương tri” được cài vào nhằm cho người đối thoại phải nghiêng theo những người có lương tri.

11. Dựa vào quần chúng (ad numerum). Loại ngụy biện này tin rằng nếu có nhiều người ủng hộ một đề nghị nào đó, thì đề nghị đó phải đúng. Ví dụ như “Đại đa số người dân trong cộng đồng ủng hộ ông Minh, vậy phát biểu của ông Minh ắt phải đúng.”

Nhóm 3. Làm lạc hướng vấn đề

12. Lí lẽ chẻ đôi
. Loại ngụy biện này thường phân định một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, bạn và thù, có và không, v.v.. dù trong thực tế, có hơn hai lựa chọn. Chẳng hạn như “Hoặc là anh hợp tác với tôi hay là anh chống tôi, anh chọn hướng nào, yes hay là no?”

13. Lí lẽ ngờ nghệch (ad ignorantiam). Loại ngụy biện này, như tên gọi ám chỉ, xuất phát từ sự ngớ ngẩn. Một trong những cách nói thông thường nhất trong loại ngụy biện này mà giới ngụy biện hay dùng là nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó là đúng (hay thật). Ví dụ: “Bởi vì các nhà khoa học chưa chứng minh dioxin có thể gây ra dị thai, do đó dioxin không thể gây ra dị thai,” hay kiểu lí luận của “nền kinh tế phát triển và xã hội ổn định mấy năm nay, không có lý do gì phải cần đến dân chủ”.

14. Lí luận lươn trạch. Loại ngụy biện này cho rằng nếu một sự kiện xảy ra, các sự kiện có hại khác sẽ xảy ra. Chẳng hạn như “Nếu chúng ta hợp pháp hóa cần sa, công chúng sẽ bắt đầu hút cần sa, và chúng ta cũng sẽ phải hợp pháp hóa á phiện. Rồi chúng ta sẽ là một quốc gia với những người ăn bám vào xã hội. Do đó, chúng ta không thể hợp pháp hóa á marijuana”. Hay một đoạn ví dụ khác:” Tiếc thay một cuộc cải cách về kinh tế, bình bị, tài chánh, xã hội, nông nghiệp như vậy, đang trên đường thành công rực rỡ: bị tan vỡ, bị huỷ bỏ chỉ vì tham vọng đánh Đại việt của Vương An Thạch. Mà đau đớn biết bao, khi người phá vỡ chỉ là một thiếu phụ Việt ở tuổi ba mươi. Giá như Thạch không chủ trương Nam xâm, chỉ cần mười năm nữa, toàn bộ xã hội Trung quốc thay đổi; rồi với cái đà đó, thì Trung quốc sẽ là nước hùng mạnh vô song, e rằng cứ muôn đời mặt trời vẫn nở phương Đông chứ không ngả về Tây như hồi thế kỉ 18 cho đến nay bao giờ.”

15. Mệnh đề rời rạc. Đây là loại ngụy biện dùng hai (hay nhiều hơn hai) mệnh đề chẳng dính dáng gì với nhau để làm thành một phát biểu hay kết luận. Ví dụ: “Anh ủng hộ tự do dân chủ và quyền mang vũ khí hay không?” hay “Anh đã ngưng làm ăn trái phép chưa?” Câu hỏi sau thực ra hỏi hai vấn đề “Anh từng làm ăn trái phép?” và “Anh đã ngừng hoạt động hay chưa?”
16. Đơn giản hóa. Đây là một loại ngụy biện mà người phát biểu cố tình biến một quan niệm trừu tượng thành một điều cụ thể để bắt lấy thế thượng phong trong đối thoại (nhưng là ngụy biện). Ví dụ: “Tôi để ý thấy anh mô tả ông ta là một người quỉ quyệt. Vậy tôi hỏi anh cái “quỉ quyệt” đó nó nằm ở đâu trong bộ não? Anh không chỉ ra được cho tôi; do đó, tôi có thể nói cái quỉ quyệt không có thực.”

Nhóm 4. Qui nạp sai

17. Khái quát hóa vội vã
. Loại ngụy biện này cũng khá phổ biến. Nó dùng một ví dụ hay trường hợp nhỏ và từ đó khái quát hóa cho một cộng đồng. Chẳng hạn như “Ông ấy là một tay đạo đức giả. Do đó, các bạn bè của ông ấy cũng giả dối.”

18. Khái quát hóa không đúng chỗ. Đây là loại ngụy biện mà người sử dụng chúng thường áp dụng một qui luật chung cho một tình huống hay một cá nhân. Chẳng hạn như “Người cộng sản là vô thần. Anh là người theo chủ nghĩa cộng sản, vậy anh chắc chắn là một người vô thần.”

19. Kéo dài tính tương đồng. Trong loại ngụy biện này, người dùng nó đề nghị một điều lệ chung chung, rồi áp dụng nó cho mọi trường hợp và cá nhân. Ví dụ: “Tôi tin rằng chống luật pháp bằng cách phạm luật pháp là một điều sai trái”, hay “Nhưng quan điểm đó ghê tởm lắm, vì nó ám chỉ rằng anh sẽ không ủng hộ tôi,” hay “Anh muốn nói rằng luật về mật mã cũng có tầm quan trọng tương đương với phong trào giải phóng sao? Sao anh dám nói thế?”

20. Lí lẽ quanh co. Loại ngụy biện này thường luẩn quẩn trong vài giả định và kết luận. Chẳng hạn như “Những người đồng tính luyến ái nhất định không thể nắm chính quyền. Do đó, phải tống khứ những viên chức chính phủ đồng tính luyến ái. Vì thế, những người đồng tính luyến ái sẽ làm mọi cách để dấu diếm hành tung của họ, và họ có nguy cơ bị tống tiền. Do vậy, những người đồng tính luyến ái không được giữa chức vụ gì trong chính phủ.” Tức là trong một lí giải như thế, cả hai giả thuyết và kết luận đều giống nhau.

21. Đảo ngược điều kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua hình thức “Nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra, do đó, nếu B xảy ra thì A sẽ xảy ra.” Ví dụ: “Nếu tiêu chuẩn giáo dục bị hạ thấp, chất lượng tranh luận sẽ bị tồi đi. Do đó, nếu chúng ta thấy chất lượng tranh luận suy đồi trong những năm sắp đến, thì điều đó cho thấy tiêu chuẩn giáo dục của ta bị xuống cấp.”

22. Lợi dụng rủi ro. Ngụy biện này thường dùng một qui luật chung và áp dụng nó cho một trường hợp cá biệt. Ví dụ: “Luật giao thông không cho anh chạy quá 50 km/h. Cho dù cha anh sắp chết anh cũng không được chạy quá tốc độ đó.”

23. Lợi dụng trường hợp cá biệt. Ngụy biện này thường dùng một trường hợp cá biệt để đem ra ứng dụng cho một đám đông. Ví dụ: “Chúng ta cho phép bệnh nhân sắp chết dùng á phiện, chúng ta nên cho phép mọi người dùng á phiện.”

24. Kết luận lạc đề. Loại ngụy biện này thường xuất hiện khi một kết luận chẳng dính dáng gì đến lí lẽ mà người biện luận trình bày. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp ngụy biện này là: “Độ nhiễm arsenic trong nước ở Việt Nam chưa cao và còn trong mức độ cho phép. Dữ kiện của Bangladesh cho thấy tình trạng nhiễm arsenic ở Việt Nam rất trầm trọng.”

25. Ngụy biện rơm. Loại ngụy biện này cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm hay phát biểu của người khác, để làm luận điểm tấn công. Đây là một ngụy biện, vì nó không đương đầu với cái lí lẽ đang bàn. Chẳng hạn như: “Chúng ta nên ủng hộ chế độ cưỡng bách quân dịch. Người ta không thích tòng quân vì họ không muốn cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng họ cần nhận thức rằng có nhiều điều quan trọng hơn tiện nghi trong cuộc sống.”
Nhóm 5. Nguyên nhân giả tạo

26. “Post hoc”. Loại ngụy biện này phát biểu rằng hai sự kiện xảy ra, một trước và một sau, có quan hệ với nhau như nguyên nhân và hậu quả. Ví dụ: “Liên Xô sụp đổ sau khi nhà nước theo chủ nghĩa vô thần. Do đó, chúng ta phải từ bỏ chủ nghĩa vô thần để khỏi bị suy sụp.”

27. Ảnh hưởng liên đới. Một sự kiện được cho là có ảnh hưởng đến một sự kiện khác, nhưng thực chất thì cả hai sự kiện đều có cùng một nguyên nhân. Đây cũng chính là một trường hợp ngụy biện dưới dạng “post hoc”. Ví dụ: “Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng thất nghiệp rất cao, vì do thiếu nhu cầu của người tiêu thụ.” (Nhưng có thể cả hai sự kiện có nguyên nhân từ tiền lời quá cao.)

28. Ảnh hưởng không đáng kể. Đây là một loại ngụy biện mang tính phóng đại từ một ảnh hưởng rất nhỏ. Chẳng hạn như “Hút thuốc gây ra ô nhiễm môi trường ở Sydney” là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường rất khiêm tốn khi so với ảnh hưởng của khói xe và các hãng xưởng.

29. Ảnh hưởng ngược chiều. Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả bị đảo ngược chiều để tìm đến một kết luận mang tính ngụy biện. Ví dụ: “Ung thư gây ra thói quen hút thuốc lá”.
30. Nguyên nhân phức tạp. Một sự kiện xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng người ngụy biện có thể đơn giản hóa thành một liên hệ đơn giản. Chẳng hạn như “Tai nạn xe cộ là do đường xá xấu” có thể đúng, nhưng tai nạn cũng có thể do người lái xe ẩu trong một điều kiện xấu.

31. Nguyên nhân sai (Non causa pro causa). Loại ngụy biện này xảy ra khi một điều nào đó được cho là nguyên nhân của một sự kiện, nhưng nó chưa thực sự được chứng minh là nguyên nhân. Ví dụ: “Tôi uống một viên aspirin và cầu nguyện thượng đế, và tôi không còn bị nhức đầu. Như vậy thượng đế đã chữa trị tôi khỏi nhức đầu.”

Nhóm 6. Phi logic (non sequitur) và nhần lẫn trong tam đoạn luận

32. Phi logic. Ngụy biện phi logic thường xảy ra trong trường hợp một lí lẽ mà kết luận được rút ra từ những tiêu đề không dính dáng gì với nhau. Chẳng hạn như “Người Ai Cập đã từng làm nhiều khai quật để xây dựng những kim tự tháp, họ chắc chắn phải rất thạo về cổ sinh vật học.”

33. Loại bỏ tiền đề. Ngụy biện loại này thường xảy ra dưới hình thức “nếu A thì B, không phải A thì không phải B.” Ví dụ: “Nếu tôi ở Sydney thì tôi đang ở New South Wales. Tôi hiện không ở Sydney, do đó, tôi không ở New South Wales”.

34. Nhét chữ vào miệng người khác. Đây là một loại ngụy biện bằng cách dùng kĩ thuật phỏng vấn. Một trường hợp cổ điển là “Ông đã ngưng đánh vợ chưa?” Tức là một câu hỏi với một giả định rằng người được hỏi từng hành hung vợ. Đây là một mẹo mà giới luật sư thường hay dùng trong thẩm vấn. “Ông dấu tiền ăn cắp đó ở đâu?” Giới chính khách cũng thích mẹo này, đại khái như “Bao giờ thì nhóm EU này sẽ không còn xâm phạm vào công việc của chúng ta?”
35. Ngụy biện tứ ngữ. (Một tiêu chuẩn của tam đoạn luận gồm có 3 chữ). Ví dụ như trong câu phát biểu “Tất cả chó là thú vật, và tất cả mèo là loài động vật có vú, do đó tất cả chó là loài động vật có vú,” có bốn chữ: chó, mèo, động vật, và động vật có vú.

36. Đứt đoạn. Hai sự vật riêng biệt được xem là có liên hệ nhau nếu chúng có chung đặc tính. Người ngụy biện lợi dụng chữ giữa của một phát biểu để đưa đến một kết luận sai. Chẳng hạn như trong câu “Tất cả người Nga là nhà cách mạng, và tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ cũng là nhà cách mạng, do đó, tất cả những người theo chủ nghĩa vô chính phủ là người Nga,” chữ chính giữa là “nhà cách mạng”. Nhưng kết luận này sai, vì dù những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và người Nga là những người cách mạng, nhưng họ có thể là hai nhóm cách mạng khác nhau.

Nhóm 7. Các nhầm lẫn khác

37. Dẫn chứng bằng giai thoại. Một trong những ngụy biện phổ biến nhất và đơn giản nhất là dựa vào những câu chuyện có tính vụn vặt, hay giai thoại. Chẳng hạn như “Có hàng khối bằng chứng cho thấy thượng đế hiện hữu và vẫn ban phép mầu hàng ngày. Mới tuần rồi đây, tôi có đọc được một câu chuyện về một cô gái sắp chết vì ung thư, cả gia đình cô đi cầu nguyện trong nhà thờ, và chỉ vài ngày sau cô hết bệnh.” Dùng kinh nghiệm cá nhân để minh họa cho một luận điểm là một điều hoàn toàn hợp lí, nhưng dùng những giai thoại như thế sẽ chẳng chứng minh gì. Một anh bạn có thể cho rằng anh từng gặp Elvis ở một siêu thị nào đó, nhưng những người chưa gặp Elvis bao giờ thì cần nhiều bằng chứng xác thực hơn.

38. Lợi dụng cổ tích.
Đây là một loại ngụy biện cho rằng những gì đúng hay tốt chỉ đơn giản vì chúng là cổ xưa, và những người theo cách ngụy biện này thường nói “hồi nào đến giờ ai cũng vậy.” Chẳng hạn như “Hàng trăm năm nay, Úc chịu dưới sự cai trị của Hoàng gia Anh, và là một nước thịnh vượng. Một thể chế tồn tại lâu dài như thế ắt phải là một thể chế ưu việt.”

39. Dựa vào cái mới (ad novitatem). Ngược lại với loại ngụy biện dựa vào cái cũ, ngụy biện dựa vào cái mới cho rằng một điều gì đó tốt hơn và đúng hơn đơn giản chỉ vì nó mới hơn cái khác. “Windows 2000 phải tốt hơn Windows 95, Windows 2000 mới được thiết kế lại năm ngoái.”
40. Lí lẽ của đồng tiền. Loại ngụy biện này thường dựa vào một niềm tin duy nhất rằng đồng tiền là một tiêu chuẩn của sự đúng đắn. Những người có nhiều tiến có khả năng đúng hơn những người ít tiền. Chẳng hạn như “Nhu liệu của hãng Microsoft đương nhiên là tốt hơn; nếu không thì làm sao Bill Gates có thể trở nên tỉ phú như thế”.

41. Dựa vào cái nghèo. Ngược lại với ngụy biện dựa vào sự giàu có, có một loại ngụy biện khác dựa vào sự nghèo khổ. Chẳng hạn như “Các vị sư có khả năng hiểu thấu được ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì họ từ bỏ mọi xa hoa của cuộc sống.”

42. Điệp khúc (ad nauseam). Loại ngụy biện này cho rằng một lí lẽ càng được lặp đi lặp lại nhiều chừng nào thì nó sẽ được người ta chấp nhận là đúng. Do đó, người ngụy biện thường chỉ lặp đi lặp lại những phát biểu, bất kể đúng sai ra sao, cho đến khi người đối thoại mệt mỏi không còn muốn nghe nữa, như “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lí”.

43. Lạm dụng thiên nhiên. Đây là một ngụy biện rất thông thường trong giới chính trị gia, mà trong đó họ tìm cái tương đồng giữa một kết luận nào đó và một khía cạnh của thế giới tự nhiên, rồi từ đó phát biểu rằng kết luận đó là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như “Đặc điểm của thế giới tự nhiên là cạnh tranh; động vật đấu tranh chống nhau để làm chủ tài nguyên thiên nhiên. Chủ nghĩa tư bản, một hình thức cạnh tranh để làm chủ tư liệu, chỉ đơn giản là một phần của con người sống trong thế giới tự nhiên. Đó cũng là cách mà thế giới tự nhiên vận hành.”

Một hình thức khác của lạm dụng thiên nhiên là lí luận cho rằng bởi vì con người là sản phẩm của thế giới tự nhiên, chúng ta phải bắt chước hành động theo những gì chúng ta thấy trong thế giới tự nhiên, và làm khác đi là “phi tự nhiên”. Ví dụ: “Đồng tính luyến ái dĩ nhiên là không tự nhiên.”

44. Ngụy biện “anh cũng vậy”. Đây là một trong những ngụy biện rất phổ biến. Nó dựa vào lí lẽ rằng một hành động có thể chấp nhận được bởi vì người đối nghịch đã làm. Chẳng hạn như “Anh là một người lừa dối.” “Rồi sao? Anh cũng là một tay lừa dối vậy.”

45. Lạm dụng thống kê. Thống kê thường được giới ngụy biện sử dụng tối đa, vì theo họ thống kê có thể dùng để “chứng minh” bất cứ điều gì. Người ta có thể vặn vẹo hai con số 1 và 3 điểm để sản xuất những phát biểu như “khác nhau 2 điểm”, “cao gấp 3 lần”, hay “tăng 200%”; người ta có thể dựa vào ý kiến đồng tình của 4 người trong 5 người để cho là “80% người được thăm dò”, hay thậm chí “đa số cộng đồng” đồng ý với một luận điểm nào đó. Tức là những khái quát hoá một cách vội vã, hay dựa vào một mẫu số cực kỳ thấp, thấp đến độ nó không có nghĩa lí gì. Thực ra, thống kê không chứng minh điều gì cả. Thống kê chỉ là một phương tiện hay thuật toán dùng để loại bỏ những trường hợp khả dĩ hay không khả dĩ. Vì có quá nhiều ngụy biện thống kê, nên vấn đề này sẽ được bàn tiếp trong một dịp khác.

Nhận xét

Có thể nói những loại ngụy biện trên đây có những đặc điểm chung là (a) phát biểu không dựa vào lí lẽ logic; (b) các định đề không vững để đi đến một kết luận; và (c) đưa ra giả định không đúng. Ngụy biện, do đó, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười biếng suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện. Điều này có thể đúng, và không nên lấy làm ngạc nhiên, vì các nhà thông thái, và ngay cả giới có huấn luyện về logic học cũng đôi khi, vì cố ý hay vô tình, ngụy biện. Giới chính trị gia và truyền thông là những người cực kì nổi tiếng về ngụy biện.

Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí? Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật thể. Những kì kẹt xe trên đường xá mới để lộ trái tim phức tạp của một thành phố. Tương tự, một sự cố của internet sẽ nhắc nhở chúng ta về tình trạng hỗn mang và phức tạp của hệ thống thông tin điện tử. Sự hỗn mang và phức tạp là thực. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.

Bởi vì ngụy biện là những lí lẽ mà bề ngoài có vẻ logic, nên chúng có khả năng thuyết phục những người không chịu khó suy nghĩ, nhất là những người còn mang nặng cảm tính. Điều này giải thích tại sao nhiều người tiếp nhận một cách thụ động quá nhiều những điều quái gở về thế giới chung quanh, kể cả những niềm tin tôn giáo, những mê tín dị đoan, những triết lí quái đảng, những thông tin sai lạc, v.v.. Cái tác hại của việc tiếp nhận thụ động này là nó làm cho người ta trở nên nô lệ với cảm tính, và dễ dàng trở thành những tín đồ cuồng tín của những người “lãnh đạo” chính trị hay tôn giáo.

Để không trở thành những nô lệ, cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Suy nghĩ nghiêm túc là một quá trình hoạt động tri thức nhằm ý niệm hóa, ứng dụng, phân tích, tổng hợp, và đánh giá những thông tin được thu thập từ quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lí luận, hay liên lạc, như là một niềm tin cho hành động. Cần phải dựa vào những giá trị tri thức với những đặc điểm như trong sáng, chính xác, nhất quán, có liên hệ, bằng chứng tốt, lí lẽ hợp lí, có chiều sâu, và công bằng. Tức là, trước một câu phát biểu hay một đề nghị, cần phải thẩm định lại kết cấu và nguyên tố của phát biểu hay đề nghị đó. Những kết cấu và nguyên tố này là: mục đích, vấn đề, giả định, quan niệm, bối cảnh, kết luận, ngụ ý, hậu quả, phạm vi tham khảo, và quan điểm khác.

Người Việt chúng ta thường rất tự hào về những đối thoại [mà chúng ta cho là “thông minh”] giữa Trạng Quỳnh và Chúa Trịnh ngày xưa. Nhưng nói một cách công bằng và theo tiêu chuẩn của lí luận logic, thì những trao đổi của Trạng Quỳnh hay tương tự chỉ là những ngụy biện ở trình độ thô sơ nhất. Nhưng có điều đáng buồn là những đối thoại kiểu Trạng Quỳnh, mà trong đó sự hơn thua nhau từng câu nói, bắt bẽ nhau từng chữ, vặn vẹo ý nghĩa của từng câu văn, v.v… lại đi vào sử sách, như thể để làm gương cho thế hệ sau này. Mà làm gương thật. Cho đến ngày nay, có người vẫn còn cho đó là một biểu tượng của sự thâm thúy, thông minh của dân tộc, là phản ánh sự phong phú của ngôn ngữ Việt, và đem ra ứng dụng trong tranh luận.

Theo dõi báo chí, chúng ta thấy những hình thức tấn công cá nhân (thay vì tấn công vào luận điểm), xuyên tạc ý tưởng, chụp mũ, suy luận theo cảm tính, mỉa mai, đơn giản hóa vấn đề, v.v… xuất hiện hầu như hàng ngày, có khi hàng giờ. Vì những tần số của những loại ngụy biện xuất hiện quá nhiều như thế, nó thành một sự rập khuôn. Theo thời gian, rập khuôn trở thành “truyền thống”. Hậu quả của cái truyền thống này là những ai ra ngoài cái khuôn sáo của ngụy biện đều có thể bị xem là phi chính thống, dẫn đến một lối suy nghĩ và phán xét kì quặc kiểu “anh/chị không thuộc nhóm của tôi, vậy thì anh/chị thuộc nhóm bên kia,” “anh chê ‘quốc gia’, vậy anh phải là cộng sản,” “anh khen Việt Nam, vậy anh là cộng sản,” “giọng nói anh ‘Bắc kỳ 75’, vậy anh là cộng sản,” hay “Nhà nước cho anh ra ngoài này trình diễn, chắc anh là cộng sản đi tuyên truyền”… Anh ở phía này, tôi bên kia. Nói tóm lại, đó là một lối phân định theo hai giá trị: xấu và tốt, đen và trắng, hay địch và ta một cách cứng nhắc. Cách phân định này thể hiện một sự nghèo nàn về trí tuệ, hay lười biếng suy nghĩ. Chỉ cần đặt vấn đề ngược lại một chút, hay phát triển vấn đề xa hơn một chút, ai cũng có thể thấy lối phân chia có/không này không thể đem đến một đáp số cho một vấn đề nào cả.

Trong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.

BTĐ

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Nghĩ về ca khúc Sài Gòn trước năm 1975

Hôm trước tôi cũng có đọc bài của tác giả Nguyễn Thụy Kha viết về những ca khúc trước 1975 ở miền Nam, và cũng thấy tác giả có vẻ hời hợt khi nhận xét về một nền tân nhạc mà tôi nghĩ là khá phong phú. Nhưng trách như thế chắc cũng không công bằng, bởi vì làm sao nhận xét cho đến nơi đến chốn bằng một bài viết ngắn. Dù gì đi nữa, tôi vẫn thấy thú vị khi đọc ý kiến của một người “miền ngoài” nhận xét về nhạc ở miền Nam.

Hôm nay, đọc thấy bài của bác Lê Quốc Trinh phàn nàn tác giả Thụy Kha đã chính trị hóa vấn đề (tôi hiểu vậy đúng không bác Trinh?) và không công bằng với nền tân nhạc miền Nam. Tôi cũng đồng ý với nhận xét của bác Trinh về sự không công bằng, nhưng tôi không chắc là tác giả Thụy Kha chính trị hóa vấn đề.

Các nhạc sĩ miền Bắc thường nhận xét rằng nhạc miền Nam “sến” và thiếu tính hàn lâm. Hình như bác Tô Hải có lần cũng nhận xét như thế. Thì đúng là có sến thật (điều này thì chẳng ai tranh cãi), nhưng tôi nghĩ nhạc sến cũng đáp ứng nhu cầu của đa số người dân lúc đó. Thử hỏi một chị bán bún riêu bên đường hay anh đạp xích lô mà nghe “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” thì chắc chẳng “phê” bằng nghe câu “Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay.” :-)

Là người lớn lên dưới chế độ “Mĩ Ngụy” :-) và có thời ở lại sau 1975, tôi có nhận xét như thế này: nhạc thời trước 1975, tuy có yếu tố tuyên truyền, nhưng mang tính nhân bản hơn, phong phú hơn, và hấp dẫn hơn là nhạc miền Bắc. Cũng là “Tình ca”, nhưng tôi sao mê bài của Phạm Duy hơn là bài của Hoàng Việt. Nghe nhạc của Phó Đức Phương cũng thích lắm, nhưng tôi vẫn không bỏ được và thấy không mê hoặc bằng nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Cung Tiến, v.v… Cho đến bây giờ, dù nền tân nhạc đó đã bị khai tử 35 năm, nhưng những ca khúc ra đời trong thời chiến đó vẫn còn sống trong người dân. Trong khi đó, những ca khúc “hùng tráng” với màu đỏ hình như rất ít ai ca, ngoại trừ trong những lúc họp đoàn thể hay chi bộ. Nếu lấy sự sống của ca khúc làm một thước đo về giá trị “vị nhân sinh”, tôi nghĩ sự tồn tại của những ca khúc thời trước 1975 là một minh chứng cho yếu tố nhân bản.

NVT

Ghi thêm ngày 12/5/2010: một bạn đọc gửi cho một đường link đến bài viết về nhạc lính thời trước 1975 ở đây:
http://damau.org/archives/12005. Tôi chưa đọc hết, nhưng chỉ lướt qua thì thấy bài viết công phu hơn nhiều so với bài của tác giả Nguyễn Thụy Kha. Thành thật cám ơn bạn Tam Ho.

===

http://danluan.org/node/4953

Nghĩ gì về ca khúc Sài Gòn trước năm 1975

Lê Quốc Trinh

Tôi là một Việt kiều xa quê hương hơn 40 năm trời, nhưng trong tâm tư không bao giờ quên những hình ảnh quê nhà, nhất là những giai điệu tân nhạc mà tôi hằng ấp ủ say mê hồi còn ở miền Nam, trước năm 1975. Nhân đọc bài "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" của tác giả Nguyễn Thuỵ Kha đăng trên Tuần Việt Nam (21-04-2010), tôi cảm thấy tình cảm quê hương bị gián tiếp xúc phạm nặng nề, do đó cần thấy phải viết lên vài hàng góp ý với tác giả.
Trước hết xin nói rõ tôi chỉ là một kỹ sư quèn, say mê tân nhạc Việt Nam, kiến thức âm nhạc không dồi dào, nhưng cũng tạm đủ để trao đổi, tôi xin các nhạc sĩ yêu mến thời VNCH (những người quá cố và những người còn sống hiện nay trong nước và hải ngoại) cho phép tôi "múa rìu qua mắt thợ" một lần.

Đọc lướt qua bài "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" tôi có cảm tưởng tác giả Nguyễn Thuỵ Kha cố tình diễn giải vấn đề dưới một cái nhìn chính trị chủ quan một chiều rất dễ bị độc giả thuộc giới am tường người ta đánh giá là thô thiển. Mở đầu là một câu phân biệt thể chế chính trị hai miền: "Sau hiệp định Geneve 20/07/1954, ...Ở miền Bắc là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ở miền Nam là chính quyền Việt Nam Cộng Hoà". Cách phân biệt này cho thấy ngay tính chất giả dối của chính sách "hoà hợp hoà giải dân tộc" như thế nào trên một website của Nhà Nước.

Có lẽ đứng trên quan điểm một "giải phóng quân" mà tác giả đã phân định tình hình "âm nhạc chiến tranh" ở miền Nam thành ba giai đoạn trước 1975, như sau:

- Giai đoạn thứ nhất, từ 20/07/1954 đến 20/12/1960: Ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam;

- Giai đoạn thứ hai, từ 20/12/1960 đến 1965: Khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào các vùng chiến thuật;

- Giai đoạn thứ ba, từ 1965 đến 30/04/1975: Ngày thống nhất đất nước;
Hãy tiếp tục đọc để xem tình hình âm nhạc miền Nam phát triển ra sao theo nhịp độ "giải phóng đất nước".

Giai đoạn thứ nhất (20/07/1954 đến 20/12/1960):

Tác giả kể tên một số nhạc sĩ có tên tuổi ở miền Nam, sống và sáng tác dưới chính thể VNCH như: Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Chung Quân ...hay các nhạc sĩ tham gia quân đội như Lam Phương, Anh Việt, Văn Phụng, Nguyễn Văn Đông ...nhưng tuyệt nhiên không nghe tác giả nhắc gì về những nhạc sĩ "sống và chiến đấu trong bưng theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Có thể đây là một thiếu sót của tác giả hay vì sự thật là ...không có (?). Tiếp theo, tác giả đã có vài đoạn ca ngợi các nhạc sĩ miền Nam để nói lên sự thật rằng: "các nhạc sĩ miền Nam (VNCH) sáng tác nhạc ca ngợi người lính VNCH trong nhiệm vụ bảo vệ đất đai và bảo vệ cuộc sống thanh bình của thường dân". Chỉ tiếc là tác giả không giải thích vì lý do gì mà người lính VNCH lại phải gian khổ nhọc nhằn như thế? Ai đã xâm phạm đất đai miền Nam? Ai đã đe doạ cuộc sống người dân miền Nam? Tiếc thật, bài viết quá ngắn nên không biểu lộ hết ý tác giả.

Tiếp theo đó, tác giả nhận xét nhạc VN trong giai đoạn 1: "Những giai điệu không khoẻ khoắn lắm nhưng cũng đầy những cảm xúc với ca từ: "Người đi khu chiến thương người hậu phương - Thương màu áo gửi ra sa trường ..."(Chiều Mưa Biên Giới, Nguyễn Văn Đông). Đọc đến đây thì tôi cảm thấy hơi lùng bùng khó hiểu: thế nào là giai điệu khoẻ khoắn? Phải chăng ý tác giả muốn nói nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hơi uỷ mỵ, không dám đưa những ca từ "mạnh bạo, dũng cảm, sắt máu" vào giai điệu nhạc giống như nhạc miền Bắc (ví dụ: Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân, Giải Phóng Miền Nam). Thực ra thời buổi đó xuất hiện rất nhiều bản hùng ca, nhạc vui, nhạc tình cảm quê hương, mang tính chất vui tươi khoẻ mạnh động viên thanh thiếu niên yêu quê hương đất nước, ví dụ: Khoẻ Vì Nước, Quyết Tiến, Học Sinh Hành Khúc, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Hè Về, Rạng Đông, Nhạc Rừng Khuya, Khúc Ca Mùa Hè, Bức Hoạ Đồng Quê, Khúc Ca Ngày Mùa, Hương Lúa Miền Nam, Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa, Khúc Hát An Tình, Tình Quê Hương, Nắng Chiều, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiều Biên Khu, Lá Thư Người Chiến Sĩ, Thương Người Chiến Binh, Cung Đàn Muôn Điệu, Đoàn Người Lữ Thứ, vv...mà tác giả cố ý bỏ quên chăng? Tác giả không biết rằng thời đó, nhiều bản hùng ca, hay Sử Ca sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (thập niên 40-50), trong Nam được hát tự do thoải mái, nhưng ngoài Bắc thì cấm tuyệt (ví dụ: Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Trên Sông Bạch Đằng, Nước Non Lam Sơn, Đêm Mê Linh, Đêm Lam Sơn, Bóng Cờ Lau, Ải Chi Lăng, Trưng Nữ Vương).

Tác giả nhắc sơ qua vài bài ca khí thế hùng mạnh, giai điệu sục sôi trong hàng ngũ quân giải phóng, như "Hành Khúc Giải Phóng", "Bài Hát Giải Phóng Quân", "Giờ Hành Động" ...ô hay! Chí có thế thôi sao? Rồi dựa lên đó tác giả quay lại phê phán nhạc SaiGon thời đó yểu điệu, yếu ớt, than vãn, thở than qua vài ca khúc như: Tiễn Bước Sang Ngang (Hoàng Trọng), Hương Xưa (Cung Tiến), Tình Anh Lính Chiến (Lam Phương) và Bến Hàn Giang (Dương Thiệu Tước). Như vậy tác giả chắc chưa từng nghe những ca khúc mang tính chiến đấu mạnh hơn và tình cảm hơn, ví dụ "Anh Đi Chiến Dịch" của Phạm Đình Chương (Anh đi chiến dịch xa vời; Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than; Thương dân nghèo, ruộng hoang cỏ cháy; Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy ... Anh đi!). Bài này tôi đột nhiên được nghe phát thanh ầm ỹ trong một quán cà phê hồi về thăm nhà ở tp HCM (2008), đối diện là trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân Phường, vừa uống cà phê sữa đá vừa thưởng thức nhạc SG (trước 1975) trong một bối cảnh XHCN 2008. Tâm trạng vui buồn khó tả!

Thực sự, giới nghệ sĩ miền Nam thời đó sống dưới chính thể VNCH được hưởng bầu không khí tự do dân chủ thoải mái, cho nên họ sáng tác nhạc với hết cả tấm lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng loại, họ đâu có bị ép buộc gò bó trong những khuôn khổ cứng ngắc, do đó không thể nào tìm thấy những giọng điệu "khát máu, tràn đầy hận thù, máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu" giống như nhạc ngoài Bắc thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Giai đoạn thứ hai (1960-1965):

Lạ thật! Tôi chẳng tìm thấy chi tiết nào do tác giả trình bày trong giai đọan "can thiệp của quân đội Mỹ" vào miền Nam. Chẳng lẽ tác giả cố tình quên hay bị "báo chí lề phải" kiểm duyệt gắt gao mà tự nhiên để chừa một khoảng trống khá lớn trong bài viết ... thôi thì tôi đành bỏ qua "giai đoạn 2" để đọc kế tiếp "giai đoạn thứ ba".

Giai đoạn thứ ba (1965-1975):

Xin phép trích nguyên si đoạn văn này để quý vị độc giả thưởng thức:

-"Giai đoạn thứ ba, trong khi cả miền Bắc vừa chống chiến tranh phá hoại bằng không lực Mỹ, vừa dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam giành độc lập và thống nhất tổ quốc trong một không khí âm nhạc hừng hực ý chí chiến đấu và phải nhận thấy rằng đó là thứ âm nhạc cực "rock", thì tâm tư người lính Việt Nam Cộng Hoà, người dân miền Nam nhìn vào cuộc chiến tranh tàn khốc này bị phân hoá đến cực độ".

Nghe tác giả nhận xét nhạc miền Bắc thời chiến là một thứ cực "rock", tôi rất ư ngạc nhiên, chẳng hiểu "rock" ở đây có nghĩa gì? Nghĩa tốt hay nghĩa xấu? Tác giả có thể giải thích rõ ràng chăng? Còn nhận định rằng "nhạc miền Nam bị phân hoá cực độ" thì tôi có thể góp ý vài giòng. Kể từ khi quân đội Mỹ chính thức đổ bộ xuống Đà Nẵng, công khai tham gia các trận chiến cùng với sự hiện diện của các nước khác (Nam Hàn, Úc, Tân Tây Lan) thì bầu không khí tang tóc bắt đầu tràn ngập thành thị, rồi nhiều phong trào học sinh sinh viên nổi lên đòi hỏi chấm dứt chiến tranh, nhạc phản chiến xuất hiện cùng lúc với nhạc tình ca, nhạc sến (Bolero, Rumba, Slow Rock), gây nên một tình trạng không đồng nhất, không có đuờng hướng chung rõ rệt, chứ không có nghĩa là phân hoá. Tác giả đã đứng trên lập trường một "đảng viên CS" hay "giải phóng quân" nhận xét theo chiều hướng tuyên truyền cứng ngắc, nói thế thì thử hỏi hiện nay nền tân nhạc ở VN đi về đâu so với thời kỳ trước 1975? Nhạc "giải phóng quân miền Nam" ra sao sau ngày lịch sử 30-04-1975? Tình trạng âm nhạc miền Bắc ra sao sau ngày Giải Phóng 30-04-1975? Tôi sẽ có một bài khác trình bày chi tiết về chủ đề này.

Bây giờ, thử đặt một giả thuyết rằng nếu tất cả văn nghệ sĩ, nhạc sĩ và toàn thể dân chúng miền Nam nhất quyết "chiến đấu chống Cộng tới giọt máu cuối cùng", tất cả mọi bài ca đều mang tính chất "sắt thép, máu, lửa, hận thù sôi sục" thì chưa hẳn tình hình biến đổi nhanh chóng như ngày 30-04-1975. Hãy nhìn sang tình hình nước Đại Hàn hồi giữa thập niên 50, trận tử thủ ở bên bờ sông Lục Đầu, nếu không có TQ can thiệp bằng chiến thuật "biển người cuồng tín" tràn qua biên giới thì tình đã thế khác hẳn. Vậy thì đề nghị tác giả Nguyễn Thuỵ Kha đừng nên suy luận kiểu một chiều như vậy, đừng nên kiêu ngạo đứng trên tư thế kẻ chiến thắng để đè bẹp dân tộc, có hay ho gì đâu khi hai miền xung đột nội chiến, để cho mọi thế lực cường quốc hưởng lợi trên thân xác nhân dân VN. Rồi đây lịch sử sẽ vạch trần sự thật cho thấy ai là kẻ hiếu chiến, ai là kẻ phản quốc "cõng rắn cắn gà nhà", trào lưu truyền thông phổ biến trên mọi Trang Mạng Internet chính là tiếng nói chân thật nhất của mỗi người dân, sẽ chấm dứt thời kỳ tuyên truyền một chiều, bưng bít thông tin của chế độ Cộng Sản.

"Những ca khúc da vàng"

Đến đây đột nhiên tác giả chuyển hướng đề cập đến phong trào "Ca khúc da vàng" mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người chủ xướng từ đầu thập niên 60. Có một chi tiết làm cho tôi bật phì cười, không hiểu tác giả lý luận ra sao mà dám nói rằng “tình khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi của họ Trịnh, dịu dàng nhưng mới mẻ, đã tiếp sức cho học sinh, sinh viên Huế kiên cường đấu tranh chống đàn áp Phật tử năm 1963”. Tôi đề nghị tác giả phân tích bài ca "Nhìn Những Mùa Thu Đi" cho biết yếu tố nào, cụm từ nào đã động viên tinh thần tranh đấu của học sinh, sinh viên Huế chống Pháp Nạn thời đó (1963)?

Tác giả có vẻ tâng bốc họ Trịnh quá sa đà, đến độ viết như sau: "Khi dạy học ở Bảo Lộc, việc Mỹ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc đã khiến Trịnh Công Sơn có một kỳ nghỉ hè như bị cuông bức. Ông đã trốn vào rừng sâu để viết ra tập "Ca khúc da vàng" với khát vọng hoà bình chát bỏng. Năm 1967, ông đã xuất bản lậu tập ca khúc này ở SaiGon và cùng Khánh Ly đi du ca kêu gọi hoà bình. Chính góc nhìn này đã hoà nhập Trịnh Công Sơn vào phong trào "Hát cho đông bào tôi nghe" rừng rực".

Tôi đã từng nghe những ca khúc da vàng nóng bỏng đó, nhất là bài "Gia Tài Của Mẹ", "Huế SaiGon Hà Nội", hay "Người Con Gái Việt Nam Da Vàng", và rõ ràng giòng nhạc họ Trịnh được truyền bá sâu rộng trong giới trẻ thời đó, không hề bị ngăn cấm, tập nhạc này được chính quyền VNCH cho xuất bản tự do, làm gì có chuyện "in lậu". Sau cùng tác giả đưa ra nhận định rằng: "Có lẽ nhờ vậy mà sau 30/04/1975, giữa những ca khúc một thời loang ra miền Bắc, Trịnh Công Sơn vẫn là nỗi ám ảnh đáng kể nhất". Ám ảnh ai? dân chúng miền Bắc? hay chính quyền CS miền Bắc? Tại sao bị ám ảnh? Tôi biết rõ rằng giờ đây, mỗi lần giới nghệ sĩ Việt Nam trong nước mỗi lần muốn tổ chức ngày lễ "giỗ Trịnh Công Sơn" vẫn thường phải long trọng xin phép chính quyền, đệ trình một danh sách những ca khúc để cho chính quyền kiểm duyệt, và đương nhiên nhiều ca khúc TCS hãy còn bị "cấm phổ biến" ở Việt Nam hiện nay. Giờ đây, trong bối cảnh xã hội VN đang bị suy thoái, vấn nạn đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo sách lan tràn khắp nơi, lớp trẻ nhà giàu được gửi học trường ngoại ngữ đắt tiền, nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, nhưng lại không biết viết tên VN của mình ra sao, do đó khi ngồi nghe bản nhạc "Gia Tài Của Mẹ" tôi mới thấm thía nỗi đau của một dân tộc đang đánh mất dần bản sắc: "Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu; Một trăm năm nô lệ giặc Tây; Hai mươi năm nội chiến từng ngày; Gia tài của Mẹ: một bọn lai căng; Gia tài của Mẹ: một lũ bội tình".

Kết luận:

Bài viết "Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc SG trước 1975" của Nguyễn Thuy Kha trình bày quá nhiều sơ hở, ý tưởng rời rạc, mâu thuẫn mang cảm quan của một người không sống thật trong xã hội miền Nam thời kỳ chiến tranh, nhiều nhận xét quá phiếm diện, đưa đến nhiều sai lầm ngộ nhận về một nền âm nhạc cực thịnh của đất nước.

Trong khuôn khổ bài phê bình này, tôi chỉ có thể phản hồi những ý tưởng của tác giả Nguyễn Thuy Kha, hy vọng rằng trong một bài khác tôi sẽ trình bày rõ hơn quan điểm của tôi, một người sống và say mê âm nhạc miền Nam thời kỳ trước 1975.

Lê Quốc Trinh, kỹ sư Canada (Quebec, 05/05/2010)

Tim nằm bên phải là rất hiếm?

Sáng nay, đọc bản tin dưới đây, thoạt đầu tôi tưởng là chị này có trái tim nằm bên phải có vấn đề gì; hóa ra, chẳng có vấn đề gì cả. Phóng viên thấy ngạc nhiên và thế là thành một bản tin. Có lẽ đây là trường hợp cổ điển trong báo chí về định nghĩa “khi nào một thông tin trở thành tin tức (news)”. Một tổng biên tập vào văn phòng trễ vì xe điện trễ giờ thì báo của vị này rất có thể sẽ chạy một cái tít trên trang nhất “Xe điện lại trễ”, nhưng nếu ông không có mặt trên chuyến xe điện đó thì chẳng ai quan tâm hay biết đến. Ở đây cũng vậy, phóng viên thấy trường hợp lạ (trái tim nằm bên phải) và thành một bản tin. Tất cả chỉ là cảm nhận chủ quan.

Thế câu hỏi khách quan thì ra sao? Có phải trái tim nằm bên phải là hiện tượng “lạ” hay “rất hiếm”? Thế nào là rất hiếm? Thật ra, theo tôi biết thì hiện tượng tim nằm bên phải không đến nổi quá lạ và cũng không phải rất hiếm đâu. Trong thuật ngữ y khoa, "hiện tượng" này gọi là dextrocardia, nằm trong nhóm situs inversus (tiếng Latin, dịch nôm na là "nằm lộn chỗ"). Y văn nói đây là một “hiện tượng” bẩm sinh, phát hiện lần đầu vào năm 1643. Theo thống kê ở bên Mĩ thì cứ 10,000 người, có 1 người có tim nằm bên phải. Ở Sri Lanka, một báo cáo trong y văn cho thấy tỉ lệ này khoảng 2 trên 10,000 người. Xin nhắc lại rằng, “hiếm” trong y văn thường được hiểu là 1 trên 100,000 hay 1 trên 1 triệu người. Do đó, tôi nghĩ hiện tượng tim nằm bên phải tuy là ít thấy nhưng không phải rất hiếm.

Người có tim nằm bên phải có sức khỏe bình thường như mọi người. Tuổi thọ cũng không khác với quần thể dân số. Không có khác biệt giữa nam và nữ.

Tôi chợt méo mó sang chuyện di truyền. Vì đây là điều kiện bẩm sinh, cho nên chắc chắn phải do yếu tố di truyền gây ra. Vậy, câu hỏi là: gene nào? Tôi làm một cái tìm chớp nhoáng trong PubMed thì thấy chỉ có một nghiên cứu duy nhất về hiện tượng này, công bố vào năm 2001 trên tập san di truyền y học (Journal of Medical Genetics, tôi cũng từng công bố ở đây lâu lắm rồi). Cứ theo kết quả của nghiên cứu này thì có thể những gene nằm trong Chr 6 có liên quan đến hiện tượng tim nằm bên phải. Nhưng nhìn vào biểu đồ dưới đây, tôi phải nói là kết quả này thiếu tính thuyết phục, bởi vì những chỉ số LOD cao nhất cũng chỉ khoảng 3. Có lẽ chính vì thế mà các tác giả viết là chỉ “suggestive” thôi, tức là chỉ mang tính gợi ý. Điều này có nghĩa là cơ hội cho các bác bên nhà, nếu muốn nhân cơ hội này làm một nghiên cứu để khám phá xem gene nào dính dáng đến hiện tượng tim nằm sai chỗ. Chủ nhân blog này sẵn sàng làm cố vấn.

Nguồn: Vitale E, et al.J Med Genet. 2001 Mar;38(3):182-5.

NVT

===
http://vietnamnet.vn/khoahoc/201005/Chuyen-la-co-that-Trai-tim-nam-ben-trai-909034/

Chuyện lạ có thật ở Việt Nam: Trái tim nằm bên phải!

Cập nhật lúc 16:59, Thứ Hai, 10/05/2010 (GMT+7)

(TinnhanhVietnamnet)- Cô gái trẻ vẫn đùa rằng: “Từ khi biết trong người mình lạ như vậy, nhiều lúc cứ nghĩ vẩn vơ mình giống như người ngoài hành tinh”.

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Yến Mỹ, cô gái 27 tuổi, hiện đang sống tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Năm 2005, sau khi có thai được sáu tháng, Mỹ đã đi khám thai ở phòng mạch tư của bác sĩ Trần Quang Dũng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai – Hội An. Trong quá trình khám, bác sĩ Dũng áp ống nghe vào ngực trái thì không nghe thấy nhịp đập, nhưng khi đưa ống nghe qua ngực phải thì thấy tim đập mạnh.

Nghi ngờ có điều bất thường, bác sĩ Dũng đã cho siêu âm và kết quả khiến bác sĩ cũng phải kinh ngạc, phủ tạng của Mỹ đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường.

Được biết, thời học sinh, Mỹ từng là một vận động viên điền kinh thuộc đội tuyển Đại Lộc và cũng tham gia nhiều môn thể thao khác nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì về tim mạch.

Đến nay, Mỹ đã sinh 2 con và sức khỏe của cô hoàn toàn bình thường. Theo các bác sĩ cho biết thì đây là một trong số những trường hợp rất hiếm gặp ở cả Việt Nam và trên Thế Giới.

Tâm tư của ông Nguyễn Văn Thiệu

Một trong những nhân vật trong chính quyền VNCH trước 1975 “kín miệng” nhất là cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. (Hai người kín miệng khác là tướng Ngô Quang Trưởng và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm). Từ ngày ông đi tị nạn cho đến ngày ông qua đời năm 2001, ông không hề trả lời phỏng vấn báo chí Việt ngữ (nếu tôi nhớ không lầm), và không thấy xuất bản cuốn hồi kí nào cả. Nhưng ai cũng biết ông không ưa Mĩ, dù mấy năm sau này ông chuyển từ Anh sang Mĩ sống với mấy người con, và qua đời tại Mĩ. Ông cho rằng Mĩ phản bội VNCH. Bây giờ, ông Nguyễn Tiến Hưng sẽ cho chúng ta biết về tâm tình của ông cựu tổng thống. Hi vọng nay mai tôi sẽ có dịp đọc cuốn sách của Ts Nguyễn Tiến Hưng.

Ông Thiệu có nhiều câu nói nổi tiếng. Có lẽ câu nổi tiếng của ông ta là "Đừng tin những gì ... hãy nhìn kĩ những gì ..." :-) Nhưng sau 1975 ông còn nổi tiếng với câu nói bị đồng hương ghét. Nhưng đọc bài phỏng vấn sau đây tôi mới biết câu nói nổi tiếng của ông Thiệu sau 1975 là … bị trích dẫn sai. Hồi đó, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại lưu truyền rằng ông Thiệu không ưa người tị nạn, vì ông ta phát biểu với báo chí ngoại quốc rẳng ông chẳng có liên can gì đến người tị nạn vốn lên cao trào lúc đó. Hóa ra, ông không có ý đó; có thể phóng viên viết sai. Theo ông Hưng thì khi được phóng viên hỏi: “Thưa tổng thống, tổng thống có còn làm được gì đối với đồng bào của ông không, đối với vấn đề thuyền nhân không?” thì ông trả lời bằng tiếng Anh rằng: “I have nothing to do for them.” (Tôi ngạc nhiên là sao ông không nói: "I can not do anything for them"?) Nhưng phóng viên in trên báo là “I have nothing to do with them.” Ôi, mấy ông phóng viên!

Trong tiếng Anh, cụm từ “nothing to do with” có thể hiểu là “chẳng liên can gì với”. Chẳng hạn như “I have nothing to do with this problem” có nghĩa là tôi chẳng có can dự gì với vấn đề, hay tôi không có trách nhiệm gì, hay hàm ý nói không phải lỗi lầm của tôi, đừng có cáo buộc tôi. Còn “I have nothing to do for them” thì có nghĩa là tôi không có gì để làm cho (giúp) họ, hay tôi không làm được gì cho họ. Do đó, chỉ có khác nhau giới từ “with” và “for” mà ý nghĩa câu nói rất khác nhau. Ôi, tiếng Anh, tiếng U!

Bây giờ, qua Nguyễn Tiến Hưng, ông đã được giải oan, nhưng phải chờ đến 30 năm. Muộn còn hơn không.

NVT
===


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112401

Cuốn sách sắp ra mắt của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng

Đinh Quang Anh Thái/Người Việt (Thực hiện)


Ngày Chủ Nhật, 16 tháng 5 sắp tới lúc 1 giờ trưa tại Westminster Civic Center, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sẽ cho ra mắt sách “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.” Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng là tổng trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai tác phẩm của ông đã được dư luận chú ý rất nhiều là “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy.” Là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử đầy uẩn khúc và có điều kiện đặc biệt để tiếp cận với những diễn tiến nơi hậu trường, qua tác phẩm “Tâm tư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,” Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng sẽ trình bày nhiều sự thật và đưa ra một số bí mật chưa ai hiểu về những suy nghĩ, tính toán và hành xử của nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam ở giai đoạn cuối cùng trước khi rơi vào tay cộng sản.

Tin tưởng là cuốn sách có tầm giá trị đặc biệt, ký giả Ðinh Quang Anh Thái đã đề nghị Tiến Sĩ Nguyễn Tiên Hưng dành cho nhật báo Người Việt một cuộc phỏng vấn tại tòa soạn, được ghi lại như sau đây.

***
ÐQAThái: Cuốn “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” sẽ được ra mắt vào Chủ Nhật, 16 tháng 5 sắp tới tại Westminster Civic Center so với hai cuốn trước kia là “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy” có những điểm nào đặc sắc và khác biệt?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh Thái, khác hẳn hai cuốn trước của tôi, “Hồ sơ mật dinh Ðộc Lập” và “Khi Ðồng Minh tháo chạy” viết về người Mỹ, hướng vào việc đồng minh đã đối xử với lãnh đạo và nhân dân miền Nam vào lúc bỏ chạy. Cuốn mới “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” là một chủ đề khác hẳn, tập trung vào người lãnh đạo miền Nam đã suy nghĩ gì về người đồng minh và đặc biệt là lúc đồng minh tháo chạy tâm tư của ông ấy như thế nào, tức là hai khía cạnh của một vấn đề, thưa anh. Cuốn mới cũng có rất nhiều tài liệu được giải mật trong 5 năm vừa qua. Chúng tôi cũng sưu tầm qua hệ thống liên lạc riêng tư có được thêm những tài liệu mới khác nữa, thí dụ như những hồ sơ mật của Ðại Sứ Martin trước khi ông qua đời.

Chúng tôi cũng viết rất nhiều về khía cạnh con người của ông Thiệu vì ông là con người rất khép kín. Chúng tôi vì tình cờ lịch sử, có may mắn làm việc gần ông tổng thống trong gần 3 năm, sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và tại Boston nên được biết một số khía cạnh nào đó về con người của ông.

ÐQAThái: Trong thời điểm thuyền nhân Việt Nam vượt biên lên tới cao điểm, dường như ông Thiệu có nói với một nhà báo người Mỹ hay người Anh là ông không mắc mớ gì tới những người thuyền nhân đó cả. Theo ông nếu quả tình đó là lời của ông Thiệu, tại sao ông Thiệu lại nói ra một câu gây ra sự căm phẫn trong dư luận của đồng bào hải ngoại như thế?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Tôi còn nhớ vào mùa Thu năm 1979 khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1979 báo Việt Nam (tại Hoa Kỳ) lúc đó có chỉ trích ông Thiệu rất nặng nề vì câu mà anh Thái vừa kể. Tôi cũng giật mình cho rằng không hiểu sao một người như ông Tổng Thống Thiệu lại nói câu đó. Tôi định nhấc phone lên hỏi ông, nhưng cũng ngại vì telephone lúc đó đắt lắm, gọi sang bên Anh rất tốn tiền. May mắn là ngay 2, 3 hôm sau chúng tôi nhận được thư của tổng thống cho biết ông rất đau buồn vì đã bị hiểu lầm. Tổng thống có kể lại rằng chuyện đó từ đầu chí cuối do một ông nhà báo tên là Michael của báo “Now,” một tờ báo lớn ở bên London, đã năn nỉ ông để được phỏng vấn mấy câu thôi, rồi xuyên tạc ra nói câu đó.

Câu chuyện đó là như thế này, “Thưa tổng thống, tổng thống có còn làm được gì đối với đồng bào của ông không, đối với vấn đề thuyền nhân không?” Khi trả lời, ý ông Thiệu muốn diễn tả là “hiện nay tôi chẳng còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được gì đối với vấn đề thuyền nhân”. Kẹt là tiếng Anh, ông Tổng Thống Thiệu thích nói tiếng Anh lắm, tiếng Anh ông nói rất lưu loát nhưng có những sắc ý nhiều khi cũng khó, chữ kẹt là “for” and “with” đáng nhẽ phải nói rằng “I have nothing to do for them,” tôi không còn gì để mà làm cho họ, theo nhà báo nói thì ông lại nói rằng, “I have nothing to do with them” tiếng Việt dịch ra là tôi không còn làm gì mắc mớ đối với họ nữa. Ông Thiệu rất đau đớn, ông nói chính thằng này, ông gọi thằng... này đã phịa ra, ông bảo rằng ông đã nói for mà nó phịa ra with, báo dịch ra là đối với, cái đó làm cho ông đau đớn lắm. Ông Thiệu yêu cầu chúng tôi tìm dịp hay báo chí nào để cải chính, ông dùng chữ “clear up giùm tôi.” Ðó là chuyện làm cho ông Thiệu đau đớn nhất vì bị hiểu lầm trong lúc phong trào thuyền nhân đang lên cao mà ông tổng thống nói như vậy thì thật là ê chề.

ÐQAThái: Thưa tiến sĩ nhưng có bằng chứng nào thật cụ thể cho thấy rằng Tổng Thống Thiệu đã nói như vậy mà báo chí viết sai đi không?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”, ngay lời mở đầu tôi có xin phép tổng thống ở thế giới bên kia cho chúng tôi được in lại bức thư này. Tôi nói rằng xin ông cho tôi được in lại ít nhất một thư này và tự tay chụp hình in lại chính văn thư nguyên bản để đồng bào thấy được sự thật của vấn đề.

ÐQAThái: Thưa Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, theo nhận định của tiến sĩ, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có phải là người được xem có trách nhiệm tối hậu với quyết định bỏ rơi cao nguyên và Quân Ðoàn II dẫn tới hậu quả 30 tháng 4 năm 1975 không?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh, chúng tôi nghĩ ông Thiệu là Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, chắc chắn trách nhiệm cuối cùng là phải về ông Thiệu. Chúng tôi không biết được hết để phê phán về nghi vấn này, tuy nhiên trong cuốn sách mới chúng tôi đã ghi lại rất kỹ những cuộc họp cuối cùng ở dinh Ðộc Lập và những mệnh lệnh lúc đó.

Về vụ rút cao nguyên, ông Thiệu phàn nàn với chúng tôi rất nhiều lần rằng buổi họp về rút cao nguyên là ở Cam Ranh, vào độ khoảng mùng 4 tháng 3 gì đó, Tổng thống nói rằng ông ấy ra hai lệnh chứ không phải một lệnh.

Lệnh đầu tiên không phải rút khỏi cao nguyên. Theo lời ông Thiệu, “Tôi không ra lệnh rút cao nguyên mà tôi ra lệnh rút khỏi Pleiku, Rút khỏi Pleiku để hy vọng đánh bọc lấy lại Ban Mê Thuột vì đứng về phương diện quân sự Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku nhiều”. Ông bảo nếu rút được hai sư đoàn ra khỏi Pleiku mà thấy rằng tình hình khó khăn quá không lấy lại Ban Mê Thuột được thì sẽ dồn hai sư đoàn đó ra yểm trợ cho ông Tướng Trưởng. Ðấy là lệnh thứ nhất, ông Thiệu nói đi nói lại là không ra lệnh rút khỏi cao nguyên.

Tôi thấy chưa ai nói về lệnh ông Tổng Thống Thiệu gọi là lệnh thứ hai. Ông nói đã ra lệnh Tổng Tham Mưu, theo dõi và giám sát. Ðáng nhẽ là ông Viên phải gọi ông Phú về để bàn bạc chương trình rút, thế mà không hiểu vì sao tối hôm ấy Tướng Phú đã rút ngay.

Ông bảo chuyện hai lệnh đó rất rõ ràng. Chúng tôi có hỏi ông rằng tại sao tổng thống không tuyên bố hay cắt nghĩa cho lịch sử hiểu điều đó. Ông bảo, “Tôi nói ra thì người ta bảo mình chạy tội, tôi hy vọng rằng một ngày nào một trong quý vị họp với tôi ngày hôm đó có đủ can đảm đứng lên nói hết sự thật.”

ÐQAThái: Thưa tiến sĩ, những người nào là nhân chứng sống có mặt trong buổi họp tại Cam Ranh mà còn sống?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Có 5 người ở buổi họp ấy, Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm, Trung Tướng Quang, Ðại Tướng Viên và Thiếu Tướng Phú. Trong đó ba người đã chết rồi, Thủ Tướng Khiêm, Trung Tướng Quang là hai nhân chứng trong buổi họp ở Cam Ranh còn sống.

ÐQAThái: Có một dư luận thắc mắc mà hầu như ai cũng đề cập đến. Tại sao cho tới ngày vĩnh viễn lìa đời, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không để lại bất kỳ một cuốn sách hay một dấu tích nào để cho sau này hậu thế có thể biết được về giai đoạn lịch sử đó, thưa tiến sĩ?

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Thưa anh, tôi cũng có một chương viết về chủ đề tại sao Tổng Thống Thiệu không viết hồi ký. Ngay cả chính chúng tôi cũng thôi thúc ông rất nhiều lần, có lúc ông cũng suy nghĩ rằng ông có thể viết, ông hỏi tôi rằng viết bố cục như thế nào, ai sẽ in ấn v.v... Sau cùng nghĩ đi nghĩ lại ông không viết nữa. ông ấy bảo tôi, “Tôi nói thật với anh, Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng có vạch áo cho người xem lưng, đừng có bêu xấu nhau nữa người ta cười thêm cho.”
Ngoài ra ông có để lại một di tích lịch sử đó là chương XVIII mà chúng tôi viết rất dài, đó là một cuộc phỏng vấn duy nhất mà chúng tôi thôi thúc ông ấy, ông ấy đã cho một bài phỏng vấn khá chi tiết để phản ánh tâm tình của ông ấy. Tờ báo ấy ở bên Ðức, ông ấy nghĩ rằng tờ báo Ðức thế nào ông Kissinger cũng đọc, bài báo đó được dịch sang tiếng Anh do chính ông Thiệu đưa cho chúng tôi với những bút tích của ổng, chúng tôi có đăng lại bài đó.

ÐQAThái: Tiến sĩ có điều gì muốn nói thêm nhân dịp tiến sĩ cho ra mắt độc giả tác phẩm mới nhất đó là cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.”

T.S Nguyễn Tiến Hưng: Nguyện vọng của chúng tôi là cố gắng ghi lại trung thực cho hết vì chúng tôi cũng đã viết những cuốn kia nhưng còn những điều chúng tôi chưa viết hết ra được nhất là những điều phải dựa trên những bằng chứng mới giải mật soi sáng rất nhiều cho lịch sử, cho những điều chúng tôi đã viết trước đây. Chúng ta sẽ thấy hoàn cảnh của chúng ta vô cùng khó khăn mà sự thất bại không thể tránh được, hy vọng rằng độc giả sẽ tìm hiểu và đọc tất cả những dữ kiện chúng tôi mang ra để có thể đi tới kết luận riêng của mình. Vì thế chúng tôi rất mong chia sẻ những điều này với độc giả.

ÐQAThái: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng.

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Linh tinh cuối tuần

Hôm nay tóm lược vài suy nghĩ chung quanh vấn đề trích dẫn có liên quan đến chuyện đạo văn, và bàn về phân ngành khoa học nhân một bạn hỏi kinh tế học là khoa học xã hội?


Tự quảng cáo

Hôm nay, BMC báo cho biết công trình về nạc, mỡ và xương đã chính thức công bố ở đây:

http://www.biomedcentral.com/1471-2474/11/59

Đây là bài thứ 2 tiếp theo sau bài về béo phì. Có lẽ chúng tôi là nhóm đầu tiên công bố dữ liệu về lean mass và fat mass ở phụ nữ người Việt. Theo số liệu này, phụ nữ Việt Nam (chính xác là TPHCM) có trọng lượng khoảng 53 kg, trong số này lượng nạc chiếm 32 kg và mỡ 19 kg. Sắp tới, chúng tôi sẽ công bố giá trị tham chiếu cho cả nam và nữ VN.

Tập san này thuộc loại "Open Access", có nghĩa là hoàn toàn miễn phí, nên ai cũng có thể tải về miễn phí. Mấy năm nay, trong khoa học có phong trào Open Access để cho các nước nghèo có thể truy cập thông tin khoa học. Tuy phong trào này bị phản đối, nhưng dần dần họ đang trở nên rất phổ biến. Tôi mới làm quen với mấy tập san này vài năm nay, nhưng rất thích cách làm việc và rất thích lí tưởng của họ.

Chuyện trích dẫn

Mãi đến hôm nay tôi mới đọc hết những trao đổi giữa phóng viên báo Thanh Niên và Gs Trần Ngọc Thơ, và giữa báo Pháp Luật TPHCM và Gs Nguyễn Thanh Tuyền. Có vài điều cần phải bàn thêm chung quanh vấn đề dịch sách và đạo văn. Theo tôi thấy thì Gs Thơ chưa trả lời những câu hỏi chính của phóng viên, còn Gs Tuyền thì có phần nhầm lẫn giữa khoa học và đạo đức khoa học (nếu người khó tính sẽ nói ông ngụy biện). Ở đây, tôi chỉ bàn qua những vấn đề nổi cộm, đáng chú ý như sau:

Vấn đề là đem cảm tính để khỏa lấp lỗi lầm về học thuật. Trả lời phóng viên báo Pháp Luật TPHCM, Gs Nguyễn Thanh Tuyền đề cập đến những khó khăn trong giai đoạn kinh tế đang chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trư, nhiều khái niệm mới chưa ai nắm vững. Thêm vào đó là Hải quan Việt Nam ra tay nhũng nhiễu không cho đem sách ngoại quốc về Việt Nam (chưa thấy nơi nào lạ lùng như thế, nhưng ở VN thì quả là có thật!) Hình như hai ý này cả Gs Tuyền và Gs Thơ đem ra làm tiền đề để biện minh cho những thiếu sót của Gs Thơ.

Cách lí giải của Gs Tuyền, thú thật, thoạt đầu mới nghe qua thì cũng động lòng. Nhưng nếu xem xét kĩ thì đó là một … ngụy biện: ngụy biện dựa vào cảm tính (appeal to emotion fallacy). Do đó, có cụm từ “thông cảm”. Chúng ta vẫn thường nghe những lí giải kiểu như “Tôi nghèo quá, nên phài đi ăn cắp, xin được tha thứ”, tức là giả định rằng (a) lỗi lầm là do nghèo đói mà ra, (b) nghèo đói đáng được thương và tha thứ, do đó (c) nếu tôi phạm lỗi lầm tôi đáng được tha thứ. Nhưng giả định (a) sai vì lỗi lầm không phải do nghèo đói mà ra, mà do lòng tham hay thiếu hiểu biết về qui ước xã hội. Khi giả định (a) sai thì hệ quả là (b) và (c) cũng không còn có giá trị nữa.

Quay lại với câu chuyện đạo sách nước ngoài mà không ghi nguồn và tác giả, ai cũng thấy đó là một lỗi lầm mang tính học thuật, chứ Hải quan Việt Nam chẳng phải là nguyên nhân gây nên lỗi lầm học thuật.

Không ai ngăn cản các giáo sư dịch sách và giới thiệu các khái niệm mới, ý tưởng mới vào Việt Nam. Ngược lại, tôi nghĩ người Việt Nam nào cũng muốn học cái mới, muốn tiếp thu cái hay của người ngoại quốc. Vì thế dịch sách chuyên khảo là điều cần khuyến khích. Nhưng không ai khuyến khích dịch sách người ta rồi xem bản dịch là tác phẩm của mình.

Tại sao phạm phải lỗi lầm về học thuật? Tôi nghĩ câu trả lời nằm ở câu phát biểu của Gs Thơ: “Qua vụ này, chúng tôi có thêm bài học rằng danh mục tài liệu tham khảo là rất quan trọng.” Trích dẫn thông tin là một cách truyền bá kiến thức trong khoa học, mà khoa học tồn tại là do truyền bá kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trích dẫn cũng là một cách tri ân và ghi nhận đóng góp của người khác. Do đó, trích dẫn vừa mang tính học thuật mà cũng có tính chất đạo đức khoa học. Thật khó tưởng tượng được một giảng viên lên đến chức giáo sư đại học mà không biết tầm quan trọng của trích dẫn và tài liệu tham khảo!

Nói tóm lại, Gs Nguyễn Thanh Tuyền và Gs Trần Ngọc Thơ phải lí giải thêm nữa thì mới thuyết phục được công chúng tại sao có sự trùng hợp lạ lùng giữa sách của Gs Thơ và sách của Gs Jeff Madura.

Khi nào cần trích dẫn ?

Tôi đoán có bạn sẽ hỏi về qui ước trích dẫn trong khoa học. Hầu hết những cẩm nang về “phương pháp khoa học” đều giải thích qui nước khi nào cần liệt kê tài liệu tham khảo và khi nào không cần.

Những tình huống sau đây cần phải liệt kê tài liệu tham khảo:

1. Khi trích dẫn nguyên văn của một tác giả hay của chính mình đã từng công bố trước đây (tiếng Anh là quotation).

2. Khi đề cập đến một phát biểu, hay tóm lược ý kiến của người khác làm nền tảng cho công trình của mình. Thường thường những phát biểu này mang tính ngoại lệ, có thể gây ngạc nhiên, hay đi ngược lại hiểu biết thông thường;

3. Nhưng phát biểu có kèm theo con số, đề cập đến dữ liệu hay phát hiện của người khác, v.v..

Cũng có trường hợp không cần liệt kê tài liệu tham khảo. Những kiến thức thông thường (common knowledge) thì không cần trích dẫn. câu hỏi đặt ra là “thế nào là common knowledge?” Hai tiêu chí để xác định common knowledge là: thông tin đó tìm thấy trong nhiều nơi, và nhiều người biết đến. Thế nào là nhiều nơi? Có người cho rằng 3, nhưng cũng có người cho rằng phải 5 nơi.

Lần trước tôi có nói rằng ngay cả sử dụng một biểu đồ hay bảng số liệu của bài báo khác cũng cần phải xin phép và trích dẫn đầy đủ. Có lần chúng tôi viết một chương sách, muốn lấy biểu đồ của mình đã công bố trước đây ra làm minh họa, nhưng nhà xuất bản cuốn sách đòi hỏi phải xin phép nhà xuất bản đã xuất bản biểu đồ đó (dù đó là tác phẩm của chúng tôi!)

Chẳng hạn như 2 biểu đồ sau đây minh chứng cho cách làm việc đó. Biểu đồ số 1 tôi trích trong một bài báo viết về sự khác biệt trong đáp ứng thuốc giữa các sắc dân. Phía dưới biểu đồ họ ghi rõ là đã xin phép tập san, dù tác giả của biểu đồ là Dang chứ không phải tập san. Điều này dễ hiểu, vì khi công bố bài báo, tác giả phải nhượng quyền copyright cho tập san hay nhà xuất bản.



Biểu đồ thứ 2 dưới đây thì lấy từ công trình của tác giả Sehgal nhưng xin phép từ nhà xuất bản Lippincott, Williams & Wilkins. Do đó, khi Gs Tuyền và Gs Thơ nói rằng không biết tầm quan trọng của trích dẫn thì thật là đáng ngại.




Kinh tế học là khoa học xã hội?

Có một bạn trong nhóm “GS PGS dỏm” gửi email hỏi tôi nghĩ gì khi có người cho rằng kinh tế học là một bộ môn khoa học xã hội (social science). Tôi thì thú thật không mấy quan tâm đến việc xếp loại một lĩnh vực học thuật nào, vì cách xếp loại mù mờ và có khi còn tùy thuộc vào người phân loại. Chẳng hạn như có người xem y học là một bộ môn của khoa học xã hội, vì đặc tính của chuyên ngành này nằm trong định nghĩa của social science. Thậm chí một ngành “khoa học định lượng” như khoa học thống kê mà cũng có khi xem là là một bộ môn khoa học xã hội, nhưng nhiều người khác thì xem thống kê là một bộ môn toán học. Nhìn như vậy thì thấy việc phân định kinh tế là khoa học xã hội cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nói như vậy cũng để thấy rằng việc phân định khoa học gì cũng không phải dễ dàng và dễ gây ra tranh cãi.

Đối với kinh tế, tôi nghĩ phân biệt nghiên cứu định tính và định lượng thì có lẽ tốt hơn. Tôi không rành bên kinh tế, nhưng nhìn qua trang web vneconomist.net thì thấy bên kinh tế có nghiên cứu định lượng (quantitative research) và định tính (qualitative research). Về định lượng tôi thấy họ sử dụng các phương pháp thống kê rất nhiều. (Thật ra, ngành khoa học nào cũng dùng thống kê). Bên kinh tế học, có ít nhất là 3 tập san chuyên về toán thống kê, đó là Econometrika, Journal of Econometrics, Journal of Applied Econometrics. Như vậy kinh tế học không thể là khoa học xã hội? Chưa chắc, vì về định tính, tôi thấy có nhiều chuyên gia xã hội học, tâm lí học cũng đóng góp hình thành nên cái mà chúng ta tấy là kinh tế học ngày nay. Thật ra, tôi thấy bên kinh tế có vẻ … vui hơn bên y khoa! “Vui” vì có nhiều chuyên gia từ nhiều ngành.

Tôi nghĩ vấn đề mà các bác bên “GS, PGS dỏm” quan tâm là tiêu chuẩn chức danh giáo sư giả. Tiêu chuẩn này các bác ấy chọn là công bố quốc tế, mà cụ thể là ISI, SSCI, gì gì đó. Tôi nghĩ các bác chọn tiêu chuẩn này cũng đúng, nhưng vẫn còn khiêm tốn. Thôi thì mình “liệu cơm gắp mắm”, và tôi có cảm tình với các bác. Tôi thấy các bác nói rằng các bác chưa quan tâm đến khoa học xã hội. Nhưng như tôi trình bày trên kia, khó mà phân biệt lĩnh vực nào là khoa học xã hội hay không khoa học xã hội. Khoa học nói cho cùng là phương pháp. Cho dù bác có làm nghiên cứu tâm lí học hay kinh tế học thì phương pháp vẫn là định tính hay định lượng. Phương pháp thì ít (ít chứ không phải là không) chịu sự chi phối của chủ nghĩa chính trị. Do đó, tôi nghĩ tiêu chuẩn của các bác vẫn phải áp dụng cho các chuyên gia nghiên cứu định tính và định lượng.

Nghiên cứu định lượng hay định tính thì vẫn có thể công bố trên các tập san quốc tế. Tôi từng có một nghiên cứu sinh người Iran, cô ta làm nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi của bệnh nhân liên quan đến bệnh loãng xương. Lí thuyết đằng sau công trình này mang tính triết lí và xã hội học. Thiết kế nghiên cứu thì mang tính dịch tễ kinh tế học. Phân tích thì thống kê học. Cô ấy công bố được 3 bài báo khoa học làm nền tảng cho luận án tiến sĩ của mình. Ở VN, tôi từng thấy nghiên cứu sinh làm nghiên cứu định tính trong lĩnh vực loãng xương, HIV, và da liễu. Chỉ có khác cái là ở VN người ta làm xong nghiên cứu, viết luận văn, rồi đóng sổ, chẳng có công bố quốc tế gì cả. Ý tôi muốn nói rằng dù là nghiên cứu định tính thì vẫn có thể công bố quốc tế như thường, còn VN không công bố là do […] :-)

Nói tóm lại, tôi nghĩ việc phân định kinh tế học là khoa học xã hội hay không chỉ là qui ước tương đối, vấn đề quan trọng hơn là phương pháp khoa học. Sự có mặt khiêm tốn của giới kinh tế học VN trên trường quốc tế (qua số bài báo khoa học) không thể biện minh rằng vì đó là khoa học xã hội. Phải thú nhận rằng mình thật sự còn kém để mà vươn lên.

NVT