Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Tim nằm bên phải là rất hiếm?

Sáng nay, đọc bản tin dưới đây, thoạt đầu tôi tưởng là chị này có trái tim nằm bên phải có vấn đề gì; hóa ra, chẳng có vấn đề gì cả. Phóng viên thấy ngạc nhiên và thế là thành một bản tin. Có lẽ đây là trường hợp cổ điển trong báo chí về định nghĩa “khi nào một thông tin trở thành tin tức (news)”. Một tổng biên tập vào văn phòng trễ vì xe điện trễ giờ thì báo của vị này rất có thể sẽ chạy một cái tít trên trang nhất “Xe điện lại trễ”, nhưng nếu ông không có mặt trên chuyến xe điện đó thì chẳng ai quan tâm hay biết đến. Ở đây cũng vậy, phóng viên thấy trường hợp lạ (trái tim nằm bên phải) và thành một bản tin. Tất cả chỉ là cảm nhận chủ quan.

Thế câu hỏi khách quan thì ra sao? Có phải trái tim nằm bên phải là hiện tượng “lạ” hay “rất hiếm”? Thế nào là rất hiếm? Thật ra, theo tôi biết thì hiện tượng tim nằm bên phải không đến nổi quá lạ và cũng không phải rất hiếm đâu. Trong thuật ngữ y khoa, "hiện tượng" này gọi là dextrocardia, nằm trong nhóm situs inversus (tiếng Latin, dịch nôm na là "nằm lộn chỗ"). Y văn nói đây là một “hiện tượng” bẩm sinh, phát hiện lần đầu vào năm 1643. Theo thống kê ở bên Mĩ thì cứ 10,000 người, có 1 người có tim nằm bên phải. Ở Sri Lanka, một báo cáo trong y văn cho thấy tỉ lệ này khoảng 2 trên 10,000 người. Xin nhắc lại rằng, “hiếm” trong y văn thường được hiểu là 1 trên 100,000 hay 1 trên 1 triệu người. Do đó, tôi nghĩ hiện tượng tim nằm bên phải tuy là ít thấy nhưng không phải rất hiếm.

Người có tim nằm bên phải có sức khỏe bình thường như mọi người. Tuổi thọ cũng không khác với quần thể dân số. Không có khác biệt giữa nam và nữ.

Tôi chợt méo mó sang chuyện di truyền. Vì đây là điều kiện bẩm sinh, cho nên chắc chắn phải do yếu tố di truyền gây ra. Vậy, câu hỏi là: gene nào? Tôi làm một cái tìm chớp nhoáng trong PubMed thì thấy chỉ có một nghiên cứu duy nhất về hiện tượng này, công bố vào năm 2001 trên tập san di truyền y học (Journal of Medical Genetics, tôi cũng từng công bố ở đây lâu lắm rồi). Cứ theo kết quả của nghiên cứu này thì có thể những gene nằm trong Chr 6 có liên quan đến hiện tượng tim nằm bên phải. Nhưng nhìn vào biểu đồ dưới đây, tôi phải nói là kết quả này thiếu tính thuyết phục, bởi vì những chỉ số LOD cao nhất cũng chỉ khoảng 3. Có lẽ chính vì thế mà các tác giả viết là chỉ “suggestive” thôi, tức là chỉ mang tính gợi ý. Điều này có nghĩa là cơ hội cho các bác bên nhà, nếu muốn nhân cơ hội này làm một nghiên cứu để khám phá xem gene nào dính dáng đến hiện tượng tim nằm sai chỗ. Chủ nhân blog này sẵn sàng làm cố vấn.

Nguồn: Vitale E, et al.J Med Genet. 2001 Mar;38(3):182-5.

NVT

===
http://vietnamnet.vn/khoahoc/201005/Chuyen-la-co-that-Trai-tim-nam-ben-trai-909034/

Chuyện lạ có thật ở Việt Nam: Trái tim nằm bên phải!

Cập nhật lúc 16:59, Thứ Hai, 10/05/2010 (GMT+7)

(TinnhanhVietnamnet)- Cô gái trẻ vẫn đùa rằng: “Từ khi biết trong người mình lạ như vậy, nhiều lúc cứ nghĩ vẩn vơ mình giống như người ngoài hành tinh”.

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Yến Mỹ, cô gái 27 tuổi, hiện đang sống tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Năm 2005, sau khi có thai được sáu tháng, Mỹ đã đi khám thai ở phòng mạch tư của bác sĩ Trần Quang Dũng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai – Hội An. Trong quá trình khám, bác sĩ Dũng áp ống nghe vào ngực trái thì không nghe thấy nhịp đập, nhưng khi đưa ống nghe qua ngực phải thì thấy tim đập mạnh.

Nghi ngờ có điều bất thường, bác sĩ Dũng đã cho siêu âm và kết quả khiến bác sĩ cũng phải kinh ngạc, phủ tạng của Mỹ đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường.

Được biết, thời học sinh, Mỹ từng là một vận động viên điền kinh thuộc đội tuyển Đại Lộc và cũng tham gia nhiều môn thể thao khác nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì về tim mạch.

Đến nay, Mỹ đã sinh 2 con và sức khỏe của cô hoàn toàn bình thường. Theo các bác sĩ cho biết thì đây là một trong số những trường hợp rất hiếm gặp ở cả Việt Nam và trên Thế Giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét