Entry này thật ra là thư của một bạn đọc chỉ kí tên là BTĐ bên Canada. Tôi hỏi anh để đăng trên trang blog cho các bạn đọc khác thấy ở bên ấy người ta xử lí đạo văn ra sao.
Điều tôi thấy thú vị trong thư của anh BTĐ là đạo văn lại có liên quan đến luật pháp. Trường đại học phát hiện nghiên cứu sinh đạo văn, và phạt anh ta; nhưng anh ta kiện ngược lại trường đại học đã không dạy anh ta thế nào là đạo văn! Chà, cái twist này coi bộ hấp dẫn. Với trường hợp này, giới luật sư ở VN chắc sẽ có nhiều thân chủ. :-)
Thành thật cám ơn anh BTĐ đã chia sẻ những cảm nghĩ của anh qua bài này.
NVT
===
Câu chuyện đạo văn ở xứ người
Gần đây tôi thấy báo chí trong nước cũng như trên nhiều blogs nói đến vấn đề đạo văn trong giới đại học ở Việt Nam. Tôi xin kể một câu chuyện đạo văn của một sinh viên Tiến sĩ trong trường đại học của tôi để các bạn xuy ngẫm. Tôi biết rất rõ trường hợp này vì tôi là một hội viên trong hội đồng chống án cao nhất của đại học (Appeal Board of the Board of Governors). Anh X, tôi gọi tạm là X, là một sinh viên Tiến sĩ trong ngành kỹ thuật điện tử. Anh ta đã có bằng Cao học (Master) năm 2004 cũng do đại học này cấp. Đầu năm 2009 anh nộp luận án Tiến sĩ. Không may cho anh, một trong những hội viên của hội đồng giám khảo tìm ra là anh đã đạo văn từ một luận án Tiến sĩ ở một đại học khác. Chuyện này xảy ra bởi vì khi X đang làm luận án thì giáo sư hướng dẫn của anh bỏ đi sang một đại học khác. X được giao cho một giáo sư trong cùng phân khoa nhưng không cùng ngành nghiên cứu với anh. Có lẽ vì thế việc hướng dẫn X có nhiều phần lỏng lẻo. Kết qủa là hội đồng giám khảo đã đánh rớt X và truy tố anh về tội đạo văn. Không những bị đánh rớt, X còn bị đưa ra hội đồng kỷ luật (ethics committee) và bị đuổi ra khỏi trường.
Xin nói thêm là nếu không bị đuổi X có thể viết lại một luận án mới. X thuê luật sư để chống án và đưa ra những lý do sau đây: Thứ nhất, trường đại học chưa bao giờ dạy anh thế nào là đạo văn và cũng không có lớp học nào dạy về vấn đề này. Thứ hai, ở nước của anh việc chép lại từ một tài liệu khác mà không để trong ngoặc kép và ghi xuất xứ là chuyện bình thường, ai cũng làm như vậy! Ngoài ra anh còn cãi là anh chỉ chép lại trong luận án những gì thuộc về định nghĩa hoặc đã là kiến thức chung (common knowledge) nhưng phần phương pháp (methodology) và giải tích (analysis) là của anh. Về điểm sau cùng này vấn đề rất phức tạp bởi vì càng lên những hội đồng chống án cao, hội viên những hội đồng này càng biết ít về chuyên môn. Thực ra ngay trong giới khoa học với nhau, nếu không cùng ngành nghề cũng khó chứng minh được chuyện đạo phương pháp và đạo đường lối giải tích, nhất là ở cấp Tiến sĩ và hậu Tiến sĩ.
Thật là xui cho X: chính vì chuyện anh chống án mà hội đồng xét xử tìm ra là anh cũng đã đạo văn trong luận án Cao học (Master’s thesis) 4-5 năm về trước. Chuyện đạo văn luận án Cao học cũng giống như chuyện đạo văn luận án Tiến sĩ: X đã chép nguyên văn nhiều trang và đã “ăn cắp” phương pháp từ một luận án khác. Trường hợp này trở nên rất phức tạp vì văn bằng Cao học đã cấp cho X từ năm 2004. Sau nhiều buổi họp, ủy ban chống án tối cao của đại học trong đó có tôi đã quyết định giữ nguyên những hình phạt liên can đến luận án Tiến sĩ như đã nói trên. Hơn thế nữa, ủy ban cũng quyết định rút lại bằng Cao học của X. Quyết định rút lại bằng Cao học được gửi đến thư viện quốc gia (National Library) và công báo của chính phủ. Tôi nghe nói là X có thể kiện trường đại học của tôi ra tòa nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Hiện tôi cũng không biết là X đã về lại nước của anh hay vẫn còn ở lại đây.
Người viết chỉ xin ký tên là: BTĐ
Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010
Câu chuyện đạo văn ở xứ người
16:22
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét