Thế là Hội thảo “Khoa học xã hội thời hội nhập” đã kết thúc có thể nói là tốt đẹp. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 15/12 và 16/12. Ngày đầu là chương trình chính, ngày thứ hai là workshop và tham quan (tôi không đi tham quan, vì phải lo làm workshop). Tôi có cơ hội quen biết với nhiều bạn bè, nên muốn ghi lại đây vài dòng nhật kí.
Hội thảo được khai mạc rất hoàng tráng tạ hội trường của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến tham dự phiên khai mạc có anh Phan Thanh Bình (GĐ Đại học Quốc gia TPHCM), ba giáo sư KHXH từ Trung Quốc (trong đó có một người từ ĐH Thanh Hoa), Gs Hồ Sỹ Quí (Hà Nội), Gs Ngô Văn Lệ (nguyên hiệu trưởng trường ĐH KHXH & NV), Gs Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc gia Đài Loan), v.v.
Đây là lần đầu tiên tôi tham dự hội nghị KHXH với tư cách là khách mời, nên học được rất nhiều điều hay ho và mới lạ. Không giống như những hội nghị bên y khoa, trong hội nghị này có phiên khoáng đại và phiên chuyên đề. Phiên khoán đại có 5 bài giảng, và cứ mỗi bài giảng thì có một bài phản biện. Mỗi bài giảng là 15 phút, và bài phản biện 5 phút. Tôi được giao nhiệm vụ phản biện bài của Gs Trần Ngọc Thêm, và vì lần đầu tôi không biết làm sao, nên tôi soạn hẳn một bài bằng powerpoint slides để bình luận trong vòng 5 phút. Có lẽ cách làm của tôi khác với mọi người khác, vì người ta chỉ đứng lên và nhận xét chứ không làm slides như tôi. Tôi cũng được mời nói một bài (mà tôi đã trình bày trong một abstract). Trong bài đó tôi có nói đến một con số rằn chỉ có <2% những bài báo của VN trên các tập san quốc tế có liên quan đến KHXH, trong khi đó trên 50% những bài báo trong nước thì liên quan đến KHXH. Con số này có vẻ thu hút sự chú ý của báo chí, nên họ đăng nhiều chỗ (xem dưới đây 2 bài). Thật ra, bài của tôi đặt ra nhiều vấn đề nóng bỏng về phương pháp nhưng báo chí có vẻ không thích những vấn đề đó; họ chỉ thích có cái gì làm bản tin. Kể ra cũng là một kinh nghiệm báo chí thú vị!
Trong mỗi phiên chuyên đề, cũng có 2-3 báo cáo, nhưng không có phản biện mà chỉ có vấn đáp thông thường. Tôi được vinh dạnh điều hành một phiên cùng với chị Kim Chuyên. Trong phiên chuyên đề này, tôi gặp chị Từ Huy nói về bài giảng trong đại học rất thú vị và gây ra nhiều thảo luận nhất. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chị ấy dù đã đọc nhiều bài của chị ấy từ lâu, và lần gặp này để lại nhiều ấn tượng đẹp. Đó là một người dân Huế, ăn nói năng nhẹ nhàng nhưng hàm chứa một sự dứt khoát không khoan nhượng, có kiến thức rộng, và có nhiều ý tưởng hay.
Phiên chuyên đề này có nhiều ý tưởng và bình luận của nhiều người khác làm tôi … giật mình. Chẳng hạn như có ý kiến của một giáo sư nói thẳng rằng VN chúng ta rất khó làm nghiên cứu KHXH, bởi vì đảng viên phải nói, làm và viết theo nghị quyết của Đảng, và thế thì làm sao có tư duy hay ý tưởng độc lập được. Lại có ý kiến nói thẳng rằng VN chưa có một nền KHXH đúng nghĩa! Tôi thì chỉ biết lắng nghe và theo dõi tranh luận.
Trong hội thảo này tôi có dịp gặp các giáo sư Trung Quốc. Tôi thấy họ tham dự rất nghiêm túc, lắng nghe và ghi chép cẩn thận. Họ rất lịch sự (chứ không thô lỗ như báo chí phản ảnh trong các hội nghị khác). Họ không biết nói tiếng Anh, chẳng biết tiếng Việt, nên phải có một em nghiên cứu sinh Việt Nam làm phiên dịch. Em này tên là Thơ, rất giỏi tiếng Hoa và tiếng Anh, nói tiếng Hoa mà tôi cứ tưởng em là … người Hoa! Các giáo sư Trung Quốc tỏ ra ngạc nhiên là họ biết VN còn quá ít, vì khi qua hội thảo này họ mới biết VN có nhiều nét văn hoá khác với Tàu! Có ý kiến nói về giả thuyết Kinh Dịch khởi nguồn từ phương Nam, và một ông giáo sư TQ là giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh Dịch nói rằng ông cũng biết giả thuyết đó và rất thú vị khi học thêm những dữ liệu và lí giải từ các nước khác, kể cả Việt Nam. Họ còn nói rằng những vấn đề KHXH mà VN đang gặp phải hiện nay cũng chính là những gì Trung Quôc đã đương đầu 20 năm trước. Tôi rất ấn tượng khi thấy họ phát biểu (bằng tiếng Hoa và qua thông dịch) rất “quốc tế”, rất ngoại giao và học thuật. Thế mới biết không phải giáo sư TQ nào cũng thô lỗ như thấy trong các hội nghị về biển Đông.
Nói tóm lại, tôi đã có một buổi “sinh hoạt” học thuật thú vị với tư cách và khách mời. Điều làm tôi phấn chấn là có dịp chia sẻ những kinh nghiệm về phương pháp với các bạn nghiên cứu sinh trẻ. Hi vọng rằng hội thảo sẽ còn tiếp tục trong tương lai để trở thành một diễn đàn về KHXH có uy tín ở Việt Nam.
NVT
===
Khoa học xã hội không phát triển được vì bảo thủ
“Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam còn khép kín, chưa thật sự phát triển, mang nặng tư tưởng tự kỷ, ỷ lại.
Trước các ý tưởng, lý thuyết của KHXH phương Tây, chúng ta thường ít đặt vấn đề nghiên cứu, trao đổi, tranh luận một cách nghiêm túc và khoa học. Chính chúng ta đã dựng nên một hàng rào về nhận thức, điều đó làm KHXH khó thể phát triển như một ngành khoa học thật sự”. PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã nhận định như trên tại hội thảo khoa học quốc tế Khoa học xã hội thời hội nhập do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức hôm qua (15-12) với sự tham dự của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Úc, Trung Quốc và Đài Loan.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ ra rằng do KHXH có tính phổ biến nên rất hay bị coi thường, xem nhẹ tới mức bất công. Sự coi thường này dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là tình trạng bình dân hóa, tầm thường hóa và chính trị hóa KHXH.
Nhiều nhà khoa học cho rằng chúng ta đang thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn cao và sự hạn chế về ngoại ngữ làm cho cán bộ giảng viên thiếu tự tin trong các hoạt động hợp tác quốc tế. GS-TS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), dẫn chứng các nghiên cứu có giá trị về KHXH xuất hiện rất nhiều trên các tạp chí trong nước nhưng lại rất ít công bố trên các tạp chí quốc tế cũng là do trình độ tiếng Anh của các nhà nghiên cứu còn quá kém. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, lực cản hội nhập của KHXH là do cơ chế áp đặt, bảo thủ, rất ít đề cập và tìm ra nguyên nhân của những sai lầm, cũng như ít sử dụng công cụ điều tra xã hội học và trưng cầu ý dân.
Để góp phần vực dậy KHXH, PGS-TS Phan Thanh Bình cho hay ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ cố gắng tối đa để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ngành KHXH phát triển, khẳng định vai trò và trách nhiệm lớn lao của KHXH đối với đất nước và thế giới. Và để làm được điều này, các nhà khoa học cần nỗ lực học tập các phương pháp nghiên cứu tiên tiến của KHXH thế giới, vượt qua tính bảo thủ, sức ì của những quan điểm, thói quen cũ kỹ, thái độ giáo điều và tư tưởng ỷ lại.
Q.DŨNG
VN chỉ có 2% bài báo về khoa học xã hội trên tạp chí thế giới
16/12/2011 16:17
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Khoa học xã hội thời hội nhập” diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) ngày 15.12, GS-TS Nguyễn Văn Tuấn (Trường ĐH New South Wales, Úc) nói: “Một điều rất nghịch lý ở Việt Nam là các nghiên cứu về khoa học xã hội hiện diện trên các tạp chí trong nước rất nhiều nhưng lại xuất hiện rất ít trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ví dụ, năm 2004 có tới 8.408 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí và kỷ yếu trong nước thì có đến 4.345 bài về khoa học xã hội. Trong đó chỉ chưa tới 10 bài về khoa học xã hội được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Thống kê giai đoạn 1996 - 2005 cho thấy, trong tổng số 3.456 bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế thì chỉ có 69 bài (chiếm khoảng 2%) liên quan đến khoa học xã hội”.
Hà Ánh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét