Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Đánh giá nguy cơ dịch cúm heo

Diễn biến dịch cúm heo càng ngày càng phức tạp. Bài này bàn về nguy cơ của một đại dịch dựa vào số liệu hiện hành và quan điểm dịch tễ học ...

Ít ai ngờ rằng con heo hiền lành lại làm cho cả thế giới hoang mang vì virút nó mang trong cơ thể. Đầu tháng 3/2009 các quan chức y tế Mexico phát hiện một số trường hợp bị nhiễm virút H1N1 và tử vong. Địa điểm là một lò mổ heo. Tính từ ngày 13/4/2009 đến nay, đã có hơn 1600 người bị nhiễm virút và 149 người chết. Những con số này liên tiếp gia tăng từng ngày. Ở Mĩ, có ít nhất là 20 người ở các bang miền Tây gần Mexico như California và Texas, kể cả Kansas, New York, và Ohio, cũng bị nhiễm virút H1N1. Báo cáo mới nhất cho thấy các nước như Canada, Úc, và một số nước Âu châu cũng có một số ca bị nhiễm H1N1.

Ngày 17/4/2009, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mĩ (CDC) cho biết có 2 trẻ em ở một ngoại ô thuộc thành phố San Diego, giáp biên giới Mexico, có kết quả xét nghiệm dương tính cho viru1t H1N1. Virút H1N1 có khả năng kháng thuốc amantadine và rimantadine. Phân tích thêm cho thấy virút được phát hiện có một mảng DNA không giống như các virút trước tìm thấy ở con người và heo. Cả hai em bé đều không có tiếp xúc với heo, và cho đến nay chưa ai biết nguồn nhiễm xuất phát từ đâu. Các nhà khoa học cho biết mặc dù đây là một chủng mới của virút H1N1 ở con người, họ rất quan tâm rằng có thể virút sẽ có khả năng lây truyền từ người sang người, và các vắcxin hiện hành không có hiệu quả chống lại sự lan tuyền đó.

Virút H1N1 là một trong những virút trong gia đình virút cúm loại A. Mẫu tự "H" đề cập đến protein Hemagglutinin, và "N" là protein Neuraminidase. Virút H1N1 là nguyên nhân gây ra nạn đại dịch ở Tây Ban Nha vào năm 1918, giết chết khoảng 50 triệu người trên thế giới chỉ trong vòng 1 năm. Do đó, phát hiện H1N1 ở người lập tức làm cho các giới chức y tế trên thế giới phải đặc biệt quan tâm. Thật vậy, trước tình hình nhiễm virút H1N1 ở Mexico, ngày 25/4/2009, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn và nhận định rằng vấn đề có qui mô quốc tế.

Lan truyền từ heo sang người

Virút thuộc chủng A như H1N1 và H3N2 không phải là những virút mới, vì chúng có mặt trong heo từ rất lâu trên khắp thế giới. Hai virút này cũng từng là thủ phạm gây ra nhiều bệnh đường hô hấp cho heo. Nghiên cứu ở Anh cho thấy hơn 50% heo ở Anh bị nhiễm virút ít nhất là một lần trong quãng đời sống của heo. Do đó, có thể nói heo là một vật chủ, một nguồn dự trữ lớn của các virút H1N1 và H3N2.

Virút từ heo có thể lây lan sang người hay không? Có nhiều giả thuyết cho rằng trận đại dịch năm 1918 là hệ quả của sự lây truyền virút từ heo sang người. Đến năm 1976, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy một sự lan truyền từ heo sang người là hoàn toàn có cơ sở sinh học. Heo cũng được xem chính là thủ phạm, là nguồn lây lan virút H1N1 đến nhiều người lính Mĩ trong nạn dịch xảy ra trong trại lính ở Mĩ vào năm 1976 và 1977.

Một đại dịch có thể xảy ra?

Trước những sự thật khoa học về virút H1N1 và tình hình khẩn ở Mexico, câu hỏi đặt ra là có thể xảy ra một đại dịch như năm 1918? Một số nhà khoa học (chuyên nghiệp và tài tử) lí giải rằng lịch sử cận đại cho thấy cứ trung bình 30 năm thì có một nạn cúm lớn trên thế giới (lần sau cùng một đại dịch xảy ra là vào năm 1968), và từ đó đến nay đã hơn 30 năm rồi mà một đại dịch vẫn chưa xảy ra. Có người, còn khẳng định rằng một đại dịch sẽ xảy ra nay mai, vấn đề là khi nào mà thôi. Nhưng cách lí giải này xem ra có vẻ... dị đoan. Một đại dịch có khả năng xảy ra phải có nguyên nhân và điều kiện, chứ không phải cứ theo một chu kì huyền bí nào đó.

Đứng trên mặt y tế công cộng mà phát biểu, có 3 điều kiện để một virút có thể gây ra một đại dịch toàn cầu: một là vi-rút đó phải có khả năng đột biến thành một virút mới; hai là virút đó phải có khả năng tái tạo hay đột biến một khi xâm nhập vào cơ thể con người; và ba là virút phải có khả năng truyền nhiễm giữa người và người.

Điều kiện thứ nhất: Một nghiên cứu mới công bố trên tập san y học JAMA (thuộc Hiệp hội y khoa Mĩ) vào đầu tháng 3 năm nay cho biết virút H1N1 đang trở nên kháng các thuốc như Tamiflu (oseltamivir), một thuốc hàng đầu trong việc phòng chống cúm gia cầm. Tỉ lệ kháng thuốc được ghi nhận là 12% ở Mĩ và 16% trên thế giới. Nhưng điều đáng quan ngại là xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh của Mĩ mới cho biết 321 trong số 325 (tức 98%) có dấu hiệu kháng thuốc. Điều này cho thấy virút H1N1 quả thật có khả năng đột biến thành một chủng mới, và đặt ra nhu cầu cho một thuốc chống cúm gia cầm mới.

Điều kiện thứ hai: Hiện nay chúng ta đã có bằng chứng sơ khởi cho thấy virút H1N1 gây tử vong cho con người. Như đề cập trong phần đầu của bài viết, tỉ lệ tử vong vì nhiễm H1N1 lên đến 6% (trong số những người bị nhiễm), và đây là một tỉ lệ khá cao. Tuy số liệu trên cho thấy nguy cơ tử vong từ virút H1N1 khá cao, nhưng trong thực tế nguy cơ có lẽ thấp hơn, bởi vì có thể có nhiều trường hợp tử vong vì vi khuẩn và thiếu thuốc kháng sinh, và cũng không thể loại trừ khả năng có nhiều trường hợp bị nhiễm nhẹ nhưng không được báo cáo.

Điều kiện thứ ba: Khác với virút H5N1 chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng có bằng chứng cho thấy virút H1N1 có khả năng lan truyền từ người sang người. Một nghiên cứu ở Hà Lan vào tháng 2/2008 cung cấp một bài học quí báu về khả năng lây lan của virút H1N1. Bốn bệnh nhân trong một bệnh viện ở Hà Lan mắc bệnh khi phơi nhiễm H1N1, và phân tích di truyền cho thấy các virút y chang nhau, và đây là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy virút H1N1 có thể lây từ người sang người.

Số liệu ở Mĩ thu thập vào ngày 22/4/2009 cho thấy chủng virút H1N1 lần này rất khác so với chủng thấy ở heo, và đó là một báo động. Điều thứ hai đáng chú ý nữa là cả 2 trường hợp bị nhiễm H1N1 cách nhau cả trăm cây số. Cả hai trường hợp đề cập trong phần đầu bài viết đều không có tiếp xúc với heo. Thêm vào đó, các thành viên trong gia đình của 2 bệnh nhân từng có những triệu chứng trước khi bệnh xảy ra. Những thông tin này cho thấy H1N1 có thể lan truyền từ người sang người một cách “hữu hiệu”.

Nói tóm lại, trong 3 điều kiện cho một đại dịch, virút H1N1 đã hội đủ cả 3 điều kiện. Do đó, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề toàn cầu, với tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với dịch cúm do H5N1 gây ra trong thời gian gần đây.

Ngừa bệnh hơn chữa bệnh

Tuy khả năng về một cơn đại dịch xảy ra, nhưng trong thực tế, không ai có thể tiên đoán chính xác được tương lai. Có thể nghĩ đến ba tình huống trong tương lai: một là H1N1 sẽ đột biến để có khả năng lan truyền từ người sang người qua hòa nhập với các virút khác trong con người; hai là qua đường truyền nhiễm (khi con người bị bệnh truyền nhiễm, virút H1N1 có thể đột biến để thích nghi với cơ thể con người); và ba là H1N1 có thể trở nên trung hòa với cơ thể con người. Trong ba tình huống, virút H1N1 đều có thể trở nên một tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Đứng trên quan điểm y tế công cộng, phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh.

Bản chất của cúm gia cầm là truyền nhiễm. Do đó, vắcxin là một biện pháp hàng đầu và hữu hiệu nhất ở mức độ cộng đồng. Trong quá khứ, chính vì thiếu vắc-xin, cho nên con số tử vong vì các nạn dịch lên đến hàng triệu. Chúng ta không để một tình trạng như thể xảy ra trong tương lai.

Vì H1N1 có thể lan truyền từ người sang người, và trong thời đại di chuyển bằng máy bay ngày nay, khả năng H1N1 đi từ Mexico hay các nước gần Mexico như Mĩ và Canada đến Việt Nam không phải là ngày mà là giờ. Ở một số nước, các quan chức y tế đã thiết lập những trạm y tế để phát hiện hành khách phơi nhiễm H1N1 ngay từ các trạm hải quan biên giới và phi trường. Nếu phòng bệnh hơn chữa bệnh, có lẽ nước ta cũng cần một trạm như thế ở phi trường, với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Mĩ và Tổ chức Y tế Thế giới.


Tìm hiểu về cúm gia cầm

Các virút cúm thành 3 nhóm: A, B và C. Các virút thuộc nhóm B và C thường tìm thấy trong con người nhưng chúng không có tác hại lớn, ngoại trừ gây ra vài rối loạn cấp tính đường hô hấp, chúng không có khả năng gây tử vong cho bệnh nhân. Nhưng các virút thuộc nhóm A là đáng quan tâm hơn hết, bởi vì chúng có thể đột biến một cách nhanh chóng thành những virút có khả năng kháng nguyên (antigenic), có nghĩa là chúng có thể tiến hóa thành những virút mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được (và không có khả năng phòng chống chúng).

Virút cúm thuộc nhóm A có cấu trúc gồm hai nhóm protein: hemagglutinin (HA) và neuraminidase (NA). HA có 15 chi với mã danh H1 đến H15. NA có 9 chi với mã danh N1 đến N9. Virút H1N1 và H5N1 là một trong những chi virút này. Virút thuộc chi H1, H2 và H3 đã được biết có lan truyền trong con người từ 100 năm qua. Nhưng virút H5 thì vẫn còn là một “kẻ thù” xa lạ đối với hệ thống miễn nhiễm của con người.

Cúm gia cầm được phát hiện từ Italia khoảng 100 năm trước đây. Trong suốt 100 năm qua, không ai nghĩ virút có thể lan truyền sang con người. Nhưng đến năm 1976, các nhà khoa học làm thí nghiệm cho thấy H1N1 có thể lây truyền từ người sang người.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét