Câu chuyện về một nhóm giáo sư và tiến sĩ đánh bài (tôi quen cách nói miền Nam) được giới báo chí rầm rộ đưa tin (như bài dưới đây). Có lẽ ý định báo chí (hay có chỉ đạo từ “trên”) là nêu vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp và lấy mấy ông sư và sĩ này ra làm ví dụ minh họa.
Ai cũng biết đạo đức xã hội xuống cấp từ lâu rồi, chứ đâu phải mới đây. Thầy giáo gạ tình học trò. Giáo sư y khoa gạ tình sinh viên trong phòng mạch, nham nhở và sàm sở với cấp dưới một cách dơ bẩn, v.v… Về đạo đức, tất cả những chuyện này còn động trời hơn vụ đánh bài.
Đánh bài nói trên lí thuyết là tiền của họ, họ có quyền làm gì thì làm với tiền của họ, miễn là họ không tham nhũng và ăn cắp ngân quĩ Nhà nước. Mà, tham nhũng và ăn cắp của công hiện nay lại đang là một quốc nạn. Thành ra, nếu nhìn tổng thể thì những chuyện đánh bài của mấy ông sĩ sư đó có đáng gì so với vụ đánh bài của mấy người trong vụ PMU18.
Nhà giáo, nhà khoa học, bác sĩ, luật sư, kĩ sư, v.v… cũng chỉ là những thành viên trong xã hội, và cũng chịu sự chi phối của môi trường và bối cảnh xã hội. Do đó, tôi nghĩ nếu có một nhóm giáo sư tiến sĩ đánh bài thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Tôi nghĩ thay vì than thở về đạo đức của mấy vị sĩ sư này, sao ta không chịu khó nghiên cứu tìm hiểu cặn kẽ tại sao người Việt Nam chúng ta mê đánh bài. Vâng, phải nói rằng bài bạc đỏ đen là một đặc tính hình như có trong văn hóa của người Việt (và vài sắc dân Á châu khác như Tàu, Nhật, Hàn, v.v…) Ở nước ngoài, người Việt nổi tiếng mê đánh bài. Đi vào bất cứ casino lớn nào là nghe tiếng Việt ở đó. Ở bất cứ vùng nào có người Việt định cư là các sòng bài chính thức (như trong club) cũng như chui phát triển rất hoành tráng. Thay vào đó là hàng ngàn, hay thậm chí hàng chục ngàn, gia đình người Việt tiêu tan vì hệ quả thu bài.
Theo quan điểm y khoa, mê đánh bài là một bệnh: bệnh tâm lí (có khi là bệnh tâm thần nữa). Vì thế, giới y khoa đã tốn khá nhiều giấy mực để nghiên cứu. Ở Mĩ, người Việt mê đánh bài nổi tiếng đến độ chính phủ địa phương phải bỏ nhiều tiền ra để nghiên cứu. Một nghiên cứu trên 96 người tị nạn từ Việt Nam (phần lớn), Lào và Campuchea vào năm 2003 cho thấy vài thông tin thú vị (1):
(a) Xác suất (nguy cơ) đánh bài ở mức độ “pathological gambling” ở người Việt Nam (tức là mê bài bạc một cách bệnh hoạn) là 59%. Nói cách khác, cứ 100 người Việt sống đến 80 tuổi thì có 59 người mang bệnh đánh bài.
(b) Yếu tố nguy cơ dẫn đến hay có liên quan với bệnh đánh bài là: nam giới, li dị hay li thân, trẻ tuổi.
Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng tỉ lệ bệnh đánh bài ở người Việt là “extraordinary” (tức là quá cao), bởi vì so với các cộng đồng khác thì tỉ lệ này chỉ dao động từ 1% đến 6%. Ở người phương Tây, tỉ lệ đánh bài ở mức độ bệnh hoạn là 4-5%. Nhưng ở người Việt, tỉ lệ này 59%! Dù tôi nghĩ nghiên cứu này có vấn đề về phương pháp và con số 59% là không thực tế, nhưng nó cũng là tín hiệu cho thấy nạn đánh bài ở người Việt có lẽ thuộc vào hàng cao nhất thế giới.
Một nghiên cứu khác ở Úc cho thấy vài thông tin khác cũng thú vị không kém. Họ làm một cuộc điều tra trong cộng đồng Việt Nam ở bang Nam Úc (South Australia), và kết quả như sau:
(a) 60% đánh bài bingo (loại cạo mã số) mỗi tuần;
(b) 50% đánh lottory mỗi tuần;
(c) 20% hay đi đánh bài trong casino; và
(d) 20% hay chơi bày bằng máy điện tử (gọi là “đánh máy”) trong club.
Trong công trình nghiên cứu trên, khi được hỏi tại sao những người trẻ ham đánh bài thì họ trả lời là “thích làm giàu nhanh”. Họ cho rằng làm công nhân mỗi tuần lương rất khiêm tốn, trong khi đó đánh bài nếu trúng thì có thể bằng cả tháng lương. Có người biện minh rằng vì họ có bổn phận phải lo cho gia đình bên Việt Nam, nên chỉ có cách là họ phải kiếm nhiều tiền (ngoài tiền lương) để đáp ứng nhu cầu đó. Mỗi khi họ đặt niềm tin vào xác suất thắng cao hơn xác suất thua, họ có “lí do nội tại” để đánh bài.
Khi được hỏi tại sao họ biết đánh bài là hành động xấu mà vẫn tiếp tục đánh bài, không chịu đi chữa trị, thì họ cho biết lí do là:
(a) 80% sợ làm xấu và gây tai tiếng cho gia đình;
(b) 70% do hạn chế ngôn ngữ;
(c) 70% cảm thấy tội lỗi với người thân nhưng không dám thú nhận;
(d) 50% không biết tìm đâu để chữa trị;
(e) 40% tin rằng “dám làm dám chịu” chứ không cần ai giúp đỡ;
(f) 30% sợ “miệng thế gian” đồn đại linh tinh; và
(g) 10% không tin rằng điều trị sẽ giúp được gì.
Như tôi đề cập trên, đánh bài hình như là một nét văn hóa của người Việt. Trong các dịp lễ hội, như Tết chẳng hạn, là chắc chắn có đánh bài, tổ tôm, bầu cua cá cọp, v.v… Có thể nói cả nước đánh bài vào dịp Tết! Hồi còn nhỏ, tôi nghe người lớn nói ăn bài trong 3 ngày Tết là một tín hiệu tốt lành cho năm! Nhưng nếu bây giờ mà đánh giá niềm tin đó bằng nghiên cứu đàng hoàng thì chắc chắn đó chỉ là … niềm tin.
Nếu những kết quả trên đây là những bài học, tôi nghĩ Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để tìm hiểu về tệ nạn bài bạc mà tôi nghĩ cực kì phổ biến ở Việt Nam. Như nói trên, bài bạc và tham nhũng có thể song hành với nhau, cho nên giảm tệ nạn bài bạc cũng là một cách giảm tham nhũng. Chỉ “giảm” thôi, chứ chắc chẳng ai dám nói là “ngăn ngừa” bởi vì ngăn ngừa là vấn đề của … cơ chế.
NVT
(1) NM Petry, et al. Gambling Participation and Problems Among South East Asian Refugees to the United States. Psychiatr Serv 54:1142-1148, August 2003
=====
http://www.baodatviet.vn/Home/Nha-giao-dau-xot-bat-binh-khi-co-dong-nghiep-danh-bac/20096/45184.datviet
Nhà giáo đau xót, bất bình khi có đồng nghiệp đánh bạc
Cập nhật lúc : 7:13 PM, 12/06/2009
Phó giám đốc Học viện Tài chính hôm nay công khai danh tính 8 cán bộ, nhân viên tham gia đánh bạc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và nhiều nhà giáo bày tỏ sự đau xót trước hiện tượng tiêu cực này.
>> 6 giảng viên Học viện Tài chính đánh bạc trong nhà xe
Phó giáo sư, Tiến sĩ Quách Đức Pháp, Phó giám đốc Học viện Tài chính cho biết, vừa báo cáo vụ việc cán bộ, nhân viên của học viện bị bắt quả tang đánh bạc lên Bộ Tài Chính và Bộ Giáo dục đào tạo. Những người này gồm: Tiến sĩ Chu Văn Tuấn, Trưởng khoa Thông tin kinh tế; Tiến sĩ Nguyễn Văn Sanh, Giảng viên khoa Lý luận Chính trị, Tiến sĩ Thái Bá Công, Giảng viên khoa Kế toán; ông Đoàn Văn Mạc, Phó giám đốc Trung tâm thông tin thư viện; ông Nguyễn Mạnh Thường, Phó văn phòng Học viện; ông Phạm Quang Thịnh, Chuyên viên Ban Khảo thí và hai lái xe của học viện là ông Phạm Sỹ Điều và Nguyễn Văn Viện.
Theo ông Pháp, những người đánh bài bạc trong môi trường sư phạm là giảng viên, tiến sĩ đã khiến cán bộ, giảng viên của Học viện tài chính bàng hoàng. “Sự việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Học viện Tài Chính”, ông Pháp nói. Ông Pháp cũng cho biết, đã yêu cầu các cá nhân tham gia đánh bạc làm bản tường trình. Việc xem xét kỷ luật sẽ tiến hành trong vài ngày tới vì Hiệu trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thế Chi đang đi công tác nước ngoài.
Một lãnh đạo Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội, cho biết, về tính chất, những người trên đánh tá lả với mục đích giải trí ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, hành vi đánh bạc là rất rõ và và số tiền thu được tương đối lớn (gần 30 triệu đồng) nên cơ quan điều tra đang xem xét hai khả năng: phạt hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự.Trước hiện tượng cán bộ, nhân viên Học viện Tài chính đánh bạc, đại biểu QH và nhiều nhà giáo bày tỏ:
Trong phiên chất vấn trong kỳ họp QH, chiều nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhận định, một số cán bộ, nhân viên Học viện Tài chính đánh bạc là việc rất đau xót với ngành giáo dục. "Đây là lần đầu chúng tôi nghe thấy trong tổng số 52.000 giáo viên cả nước có hiện tượng này. Ngành chúng tôi sẽ kiểm tra lại, có hướng để chỉ đạo khắc phục", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đại biểu QH Trần Hoàng Thám, TP HCM: Hiện tượng tiêu cực ở Học viện Tài chính vừa qua là nỗi lo không phải riêng tôi, mà của người dân nói chung. Vì mấy vị đánh bạc bị phát hiện là tiến sĩ, nghĩa là nhà khoa học; là giảng viên, nghĩa là thầy giáo, phải làm gương cho người khác mà lại tham gia bài bạc. Tôi cũng muốn nêu câu hỏi với Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi tiêu cực này xuất hiện trong đội ngũ trí thức, thầy giáo và Bộ trưởng có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra hiện tượng tương tự.
Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Dân lập Lương Thế Vinh: Tôi không biết phải bày tỏ cảm xúc như thế nào. Tôi quá ngạc nhiên và buồn. Là người thầy đứng trên bục giảng, giáo dục đạo đức, giảng bài cho sinh viên mà lại tham gia trò đỏ đen thì làm sao mà dạy được nữa. Theo tôi, cần phải xử lý những trường hợp này theo đúng pháp luật, chứ không nhân nhượng để làm gương cho người khác.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội: Đọc thông tin trên báo chí, cảm giác đầu tiên của tôi là buồn. Là giảng viên phải dành thời gian, sức lực để nghiên cứu chuyên môn, nâng cao kiến thức rồi truyền đạt lại cho sinh viên của mình, đằng này họ lại chơi trò đỏ đen. Hành vi của các giảng viên, nhất là trí thức lớn là không thể chấp nhận được. Không nên để những người này làm công tác giảng dạy nữa.
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên THPT Dân lập Phan Huy Chú, Hà Nội: Những giảng viên tham gia đánh bạc đã làm tổn thương đến hình ảnh của người thầy, là một đồng nghiệp tôi rất bất bình trước hành vi của họ. Chắc chắn phụ huynh của các em sinh viên khi biết được sự thật này sẽ hoang mang, lo lắng và nghi ngờ ngành giáo dục của chúng ta. Học viện Tài chính cần phải đình chỉ không cho các giảng viên này đứng lớp, nên thuyên chuyển họ sang công việc khác, họ không đủ tư cách, đạo đức để đứng trên bục giảng.
Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009
Giáo sư, tiến sĩ đánh bạc
17:27
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét