Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Về cách phong chức danh giáo sư ở VN

Một bạn đọc sau khi đọc entry về hội đồng chức danh giáo sư của tôi, có gửi email và đề nghị tôi đăng để làm chứng từ. Lá thư của bạn đọc đó viết trích kèm theo đây.

Tôi không có ý kiến gì về lá thư của bạn đọc vì không phải là người trong cuộc và không biết câu chuyện, nhưng đọc 2 bài báo trên tờ Lao Động và Giáo dục Việt Nam, tôi thấy cũng … vui vui. Bài báo trên tờ LĐ cáo buộc một trường hợp một bác sĩ được đề bạt (hay nói đúng hơn là “phong”) PGS, dựa vào những thành tích khoa học có thể nói là “dubious” như xuất bản 6 cuốn sách trong một năm, bài báo khoa học “trùng tên” hay của tác giả khác, giảng dạy gần 1000 tiết học, v.v… Nhưng bài báo biện minh trên Giáo dục Việt Nam hoàn toàn né tránh các cáo buộc trên, và thay vào đó là những nhận xét cảm tính cá nhân của các vị chức sắc. Trong các vị đó, có vài người nay phục vụ trong hội đồng chức danh GS!

NVT

===

“Anh Tuấn,

Nhìn vào Hội đồng Y khoa thấy mà rầu!!!

Bà TKT là Viện trưởng Viện Mắt TU, là người có “nhiều vấn đề” với nhân viên, trong đó có một vụ ức hiếp một BS nhân viên giỏi. Do Viện Mắt tránh trách nhiệm về một tai nạn nghề nghiệp đối với bệnh nhân, bệnh nhân này tử vong khi bà KT vừa lên Giám đốc, bà đổ vấy tội hết lên bác sĩ này, nhưng thực ra anh ta không có tội, do sai sót trong quá trình bàn giao ca trực. Anh ta uất ức và bức xúc đến độ phải treo cổ tự tử vào cuối năm 1996 để lại vợ mang thai 4 tháng!!! Em suýt nữa bị đình chỉ công tác vì dám đứng ra can thiệp muốn cho xe tang của anh BS này dừng lại 5 phút trước cổng trường Y, để sinh viên Y ra tiễn đưa, trong khi đó trường sợ làm to chuyện. Em bị công an đến dắt tay vào trong, và sau đó bị trường gọi lên, nhưng may quá, không có bằng chứng nên họ không buộc tội gì cả. Qua vụ này em có cái nhìn rất thấp về tư cách đạo đức của bà TKT.

Trong này thấy hai phe Bắc/Nam:

Bắc: Phạm Gia Khánh (Học viện Quân Y), Lê Bách Quang, Vũ Minh Thuc, Trương Việt Dũng, Nguyễn Lân Việt, Hà Văn Quyết, Nguyễn Bá Đức, Phùng Đắc Cam, Tôn Kim Thanh, Lê Năm (Viện Bỏng Quốc gia)

Nam: Đặng Vạn Phước, Lê Quang Nghĩa (BV Bình dân), Hoàng Trọng Kim, Hoàng Tử Hùng, Trần Văn Sáng

Không có miền Trung (Đại học Y Huế) và dĩ nhiên không có miền Tây!!!

Để anh thấy chuyện phong giáo sư ở trong nước nó bệ rạc và dỏm như thế nào, em cho anh đọc một trường hợp sau đây sự sa đoạ đến báo động. Có lẽ chính vì những trường hợp này mà đại đa số GS/PGS của Việt Nam chẳng bao giờ được ai kính trọng cả. Cả một đội quân bất tài mà còn đại giả dối.

Đ"

http://www.laodong.com.vn/Home/Nhung-khuat-tat-can-lam-ro/20074/31174.laodong

Việc phong học hàm của một phó giáo sư Viện Tai mũi họng Trung ương:
Những khuất tất cần làm rõ

Lao Động số 80 Ngày 09/04/2007 Cập nhật: 10:42 PM, 08/04/2007

Nạn "đạo" công trình khoa học của người khác để làm luận án tiến sĩ báo chí đã không ít lần đề cập. Thế nhưng, "đạo" công trình của người khác để được phong hàm phó giáo sư (PGS) là "xưa nay hiếm".

Mới đây, Báo Lao Động đã nhận được đơn tố cáo những khuất tất trong việc phong hàm của một PGS tại Viện Tai mũi họng Trung ương.

Không khuất tất sao làm chui?

Tháng 11.2006, Viện Tai mũi họng Trung ương (Viện TMH) nhận thông báo: TS Nguyễn Thị Hoài An (sinh năm 1962) được công nhận là PGS. Thông tin này như một quả "bom" làm nóng dư luận trong ngành TMH cả nước. Đơn thư khiếu nại tố cáo bắt đầu được gửi đi. Ban lãnh đạo Viện TMH vào cuộc. Và điều bắt ngờ là, việc TS An làm hồ sơ, thủ tục để được phong hàm, lãnh đạo viện... không ai biết. Vì sao lại có chuyện làm "chui" như vậy?

Theo biên bản cuộc họp tại Viện TMH ngày 23.11.2006, TS An giải trình: Tôi xin đi làm học hàm khi giám đốc đi công tác nước ngoài. Tôi có nhờ phó giám đốc xác nhận lý lịch. Thế nhưng, PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Giám đốc Bệnh viện lại cho rằng: "Chị An nói sai, tôi đi công tác thời gian ngắn, không phải vào thời điểm chị đi nộp hồ sơ học hàm, và BS Cành có ký lý lịch cho chị An đi làm việc khác chứ không phải là xác nhận để đi làm học hàm". Quy định bắt buộc tại Nghị định số 20/CP ngày 17.5.2005 là phải báo cáo và được sự đồng ý của tổ chức nơi người xin xét học hàm PGS công tác.

Một điểm lưu ý khác, theo quy định người làm hồ sơ để phong học hàm phải hướng dẫn một người học cao học và tham gia giảng dạy đại học, sau đại học. Thế nhưng cũng theo PGS Dinh: "TS An hướng dẫn cao học, giảng lúc nào tôi không biết vì không báo cáo lãnh đạo bệnh viện".

Vi phạm vẫn được xét

Theo quy định của Chính phủ thì một trong những tiêu chuẩn mà người được công nhận chức danh GS, PGS phải có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên. Tháng 5.2004, TS Nguyễn Thị Hoài An nhận bằng tiến sĩ. Như vậy, thời điểm mà TS An nộp hồ sơ xin xét tặng danh hiệu PGS năm 2006, TS An vẫn thiếu một năm so với quy định.

Theo tiến sĩ Hoàng Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Đại học Y Thái Bình, nơi "chấm điểm" hồ sơ của TS An thì để "bù" lại phần thiếu hụt, TS An phải đạt được số điểm gấp đôi so với những trường hợp thông thường khác. Vì thế, hồ sơ đăng ký xét học hàm của TS An có đến 7 tên sách chuyên ngành đã được xuất bản.

Thế nhưng 6/7 đầu sách TS An ghi trong hồ sơ, là nộp lưu chiểu sau 31.5.2006. Tức là quá hạn theo quy định. Một điểm khác biệt nữa là ngay trong năm 2006, năm TS An làm học hàm PGS, TS An đã viết tới 7 cuốn sách. Một sức viết quá "kinh khủng". Nhưng nếu không có 7 cuốn thì làm sao được chấm điểm cao để bù số điểm TS An chưa đạt 3 năm tiến sĩ?

Trong danh mục các công trình nghiên cứu được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành mà TS Nguyễn Thị Hoài An đã nộp trong hồ sơ xin xét học hàm PGS tháng 5 năm 2006 có trùng tên 3 bài đăng trong tập "Kỷ yếu hội nghị chuyên ngành TMH chào mừng 100 năm thành lập ĐH Y Hà Nội (2002) ". Nhưng cả 3 bài này đều mang tên tác giả khác.

Như vậy có phải là TS An "mượn" 3 bài của tác giả khác lấy tên mình để đưa vào hồ sơ xin xét chức danh PGS? Giải thích về vấn đề nêu trên, PGS Nguyễn Hoàng Sơn (tác giả của 3 bài trên) đã giải trình "hộ" đồng nghiệp của mình bằng một bức thư gửi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, xin trích: "...Thực chất đây là ba luận văn thạc sĩ, nội trú, chuyên khoa II làm tại Viện TMH, tôi là người hướng dẫn chính... Tôi cho TS An 3 bài báo là để có thêm thành tích trong nghiên cứu, không phải để có thêm điểm" (!?). Tuy nhiên, trên thực tế, cả 3 bài báo này đều được người thẩm định cho điểm.

Theo lãnh đạo Viện TMH, những năm qua, ngày công làm việc tại BV của TS An khá đầy đủ. Vậy thời gian đâu mà TS An tham gia giảng dạy gần 1.000 tiết học tại Đại học Y Thái Bình - theo hồ sơ? Ngày 4.4, ông Vũ Trung Kiên, Phó trưởng bộ môn TMH - Đại học Y Thái Bình cho PV Lao Động biết, TS An có giảng dạy tại Đại học Y Thái Bình từ năm 2000 đến 2006. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp số liệu cụ thể về thời gian giảng dạy của từng khoá học, ông Kiên cho biết "không còn lưu giữ" (?!). Mặc dù, theo quy định của trường này, tất cả các nhật ký dạy và học đều phải được Phòng đạo tạo quản lý, phải nộp lại ngay sau giờ học.

PGS, GS là một học hàm cao quý khẳng định trình độ cao. Nhưng nó còn có giá trị thực tế hơn khi trong ngành y, cứ khám PGS, GS là người bệnh phải trả thêm tiền. Với một PGS có nhiều khuất tất như vậy, phải chăng người bệnh đang bị lừa?

Anh Minh

http://www.giaoducvietnam.vn/Web/Content.aspx?distid=11251&lang=vi-VN

Tiếp tục vụ TS.Hoài An bị phê phán oan "Xung quanh việc được phong phó giáo sư"

Cập nhật lúc 14h9', ngày 19/06/2007

Hàng loạt bài trên một số báo phê phán việc phong hàm Phó giáo sư cho TS. Nguyễn Thị Hoài An đã làm xôn xao dư luận cho bạn đọc. Bài báo: “Vấn đề phong học hàm, học vị bà Hoài An bị phê phán oan” in trên Tạp chí Trí tuệ số trước, đã giải thích phần nào những tai tiếng mà bác sỹ An bị hiểu nhầm. Tuy vậy qua tìm hiểu dư luận, vẫn còn nhiều những ý kiến bức xúc, lo lắng của các đồng nghiệp trong bệnh viện về việc này. Chúng tôi tiếp tục gặp gỡ, phỏng vấn những người trong Hội đồng cơ sở và Hội đồng liên ngành, những người trực tiếp cho điểm, thẩm định những quyển sách, những bài báo của bà Hoài An để làm sáng tỏ hơn sự việc.

Không có tiêu cực trong Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

GS.TS Nguyễn Văn Nguyên nguyên là chủ tịch Hội đồng cơ sở, kiêm uỷ viên hội đồng liên ngành
Tôi có một vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận và bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng cơ sở hai khoá liền của Đại học y Thái Bình. Vì thế tôi luôn luôn quan tâm đến chất lượng, độ chính xác và cũng quán triệt đến các uỷ viên trong hội đồng về trách nhiệm trong việc xem xét từng trường hợp cụ thể thông qua chức danh này. năm vừa rồi có 10 ứng viên, trong đó có 2 ứng viên bị loại, còn 8 người còn lại đưa lên Hội đồng ngành cũng đạt cả. 12 vị trong Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đều hài lòng về kết quả bình xét của chúng tôi.

Trường hợp của bà Hoài An, vòng thẩm định cơ sở là PGS Kham (hiện nay là phó hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình), PGS Quế (Nguyên là Phó chủ nhiệm khoa), Hội đồng ngành là tôi và giáo sư Thụ (nguyên là hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội- người đã nhiều năm tham gia hội đồng này có đủ kinh nghiệm để thẩm định) về cơ bản qua hai vòng thẩm định đều thống nhất. Chúng tôi đã bàn kỹ từng điểm một không thể lọt những điều lớn như báo chí đã nêu trên.

Tôi thấy rằng: Bác sỹ An là một cán bộ nữ, trẻ có năng lực, được đào tạo cơ bản, đã giảng dạy nhiều năm ở 2 trường đại học lớn: Đại học Y Hà Nội và đại học Y Thái Bình. Về hoạt động khoa học: Có tới 4 lần chủ nhiệm đề tài cấp bộ, và tham gia đáng kể đề tài cấp nhà nước. Về viết sách báo: Có đến 7 đầu sách trong đó có 2 Sách giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 3 sách tham khảo. Đối với nghề giáo thì sách giáo trình rất quan trọng, giáo trình này đã được giảng dạy ở 2 trường đại học và được Hội đồng khoa học và đào tạo thẩm định đạt chất lượng. Có 31 bài báo trong đó ở hội đồng cơ sở có 14 bài được tính điểm, lên đến hội đồng ngành thì nâng lên là 17 bài. Như vậy những thành tích mà bác sỹ An đã đạt được là không nhỏ, đánh dấu một sự nỗ lực không ngừng và liên tục. Về tư cách đạo đạo đức, Hội đồng thấy bác sỹ An được nhiều người khen, không chỉ ở Viện Tai Mũi Họng mà các đồng nghiệp ở hai trường đại học cũng yêu mến”.

Vậy tại sao vẫn có chuyện kiện tụng, hay kiến nghị từ phía lãnh đạo?

Chúng tôi đến gặp TS.BSCKIII Trần Công Hoà, hiện là Tổng thư ký Hội Tai-Mũi-Họng Việt Nam, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Tai Mũi Họng-TW, một thầy thuốc ưu tú đã gắn bó với viện mấy chục năm qua ông tâm sự: “Thú thực tuy là Trưởng phòng tổ chức cán bộ nhưng tôi không biết xuất phát từ vấn đề gì mà có chuyện lãnh đạo kiến nghị lên báo chí về nhân viên của mình. Không thể lấy danh nghĩa một tập thể đưa lên chính kiến của cá nhân mình trước công luận. Tôi cảm thấy rất buồn vì có chuyện lục đục nội bộ, chỉ mong sao được ổn định để làm việc. Nếu nhân viên trong cơ quan có vấn đề, giám đốc có thể tổ chức 1 cuộc họp Đảng uỷ, BGĐ để làm sáng tỏ sự việc. Trong khi đó Đại hội công nhân viên chức ở cơ quan, chị Dinh (Nguyên là giám đốc bệnh viện) chỉ nêu ra những vấn đề nghi hoặc về bác sỹ An, khi bác sỹ An xin phép được giải trình thì không được giải trình với lý do là thời gian không còn nữa”.

“ Là một đồng nghiệp tôi rất mừng khi bác sỹ An được phong hàm PGS, bệnh viện lại có thêm một PGS đây sẽ là động lực phấn đấu cho những bác sỹ trẻ khác. Việc phong PGS là việc rất khó bởi bản thân tôi được đào tạo cơ bản ở nước ngoài về, vừa làm công tác chuyên môn, cũng như công tác quản lý của bệnh viện tôi luôn ý thức phấn đấu để lên PGS nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được. Một phần là do mình, một phần là do không được tạo điều kiện. Bởi vì: Muốn làm hồ sơ để xét phong học hàm PGS thì một trong số những tiêu chí là phải đạt được số giờ giảng ở trường ĐH trong năm. Trong khi đó Bệnh viện Tai-Mũi-Họng là cơ sở thực hành của trường Đại học Y Hà Nội, vậy mà có tới 3 lần tôi làm đơn xin làm giảng viên kiêm nghiệm mà vẫn không được chấp nhận. Hàng năm viện hướng dẫn biết bao nhiêu sinh viên về thực hành, như vậy chúng tôi không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng cũng đang là những người giảng dậy thực tế nhất. Nhưng từ trước đến nay, chưa một ai được tính điểm.

GS.TSKH.Vũ Minh Thục –Nguyên là uỷ viên hội đồng cơ sở Giáo sư.

TSKH Vũ Minh Thục Bức xúc: “Đây là một vấn đề tạo ra sự bức xúc trong cơ quan chúng tôi mấy tháng nay. Với tư cách là uỷ viên hội đồng cơ sở Thái Bình tôi thấy rằng: Vấn đề phong học hàm cho TS Hoài An không giống như báo Nông nghiệp đưa:Thứ nhất, bác sỹ An xin được phong PGS là hoàn toàn đúng thủ tục. Khi Chị Dinh (giám đốc) đi vắng, thì phó giám đốc là anh Lê Xuân Cành (vừa là Bí thư Đảng uỷ) đã ký và giới thiệu lên bộ Y tế, như vậy không có gì sai cả. Chưa kể việc anh Cành là một cán bộ đã gắn bó với Viện mấy chục năm nay, hơn ai hết là người hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân viên mình. Chắc chắn ở đây có một vấn đề tế nhị nào đó… khó nói ra. Bởi một giám đốc phải vui khi có nhân viên của mình tham dự và đạt được thành công, Viện càng có nhiều PGS, có người tài để đem sức mình phục vụ bệnh nhân, phục vụ đất nước.

Vấn đề thứ hai về 3 bài báo in ở Tai-mũi-họng không nằm trong danh sách hội đồng học hàm chấm điểm, vì thế không thể nói là “mượn công trình” hoặc “gian trá được”. Bản thân bác sỹ An biết rất rõ là báo đó không được chấm điểm. Và bản thân chị An cũng đã giải trình với Hội dồng chức danh Giáo sư Nhà nước về việc tại sao đưa vào hồ sơ. Hơn nữa GS Nguyễn Hoàng sơn- Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội là người chủ nhiệm ba đề tài đó, đã lên Bộ Y tế xin bổ sung thêm TS An là người đồng hướng dẫn. Sau này, thầy Sơn cũng đã bổ sung tên bác sỹ An vào khi đưa lên báo. Vì thế có gì để bàn luận nữa.

Về 7 đầu sách, Hội đồng khoa học của trường Đại học Y Thái Bình đã thẩm định những sách này là sách đã được sử dụng vào đào tạo đại học và sau đại học thì sách của BS An mới được cho vào bộ hồ sơ để tham dự. Hội đồng cơ sở gồm có 9 người, và 9 nhà khoa học đều nhìn thấy 7 quyển sách để trên mặt bàn thẩm định. Còn việc nộp lưu chiểu muộn là lỗi của nhà xuất bản.

Với cơ quan đồng nghiệp, đến các giáo sư đầu ngành Tai-Mũi-Họng đều vui mừng khi BS An được phong hàm PSG, như giáo sư Hoà, PGS Phong, TS…

Ngay từ khi còn trẻ bác sỹ An đã là một bác sỹ nội trú. Với ngành y bác sỹ nội trú phải có một trình độ nào đó, phải là người yêu khoa học, yêu nghiên cứu. Suốt mấy chục năm, BS An liên tục tham gia các đề tài cấp bộ và cấp nhà nước, cố gắng không mệt mỏi, say mê và làm việc rất nghiêm túc. Cho nên, việc BS An được phong học hàm PGS, các đồng nghiệp, các giáo sư đầu ngành không ngạc nhiên cả. Sinh mạng chính trị của con người nó còn quý hơn sự sống. Nên khi nói về một người nào đó chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Có thể BS An có những thiếu sót nhưng chỉ là thiếu sót về mặt thủ tục hành chính.

Trong cơ quan còn rất nhiều những tiến sỹ trẻ và giỏi: Như TS Hoa, TS Châu, TS Kỳ…Việc BS An là TS đầu tiên được phong hàm PGS có tác dụng động viên để khuyến khích rất lớn cho mọi người phân đấu theo. Đó là mục đích cao đẹp, là lý tưởng sống của những người thầy thuốc mong muốn phục vụ tốt công tác chữa trị cho bệnh nhân khi họ là chuyên gia. Vì vậy những người đi trước, phải khuyến khích động viên và ủng hộ các bạn trẻ.

Chúng tôi ra về GS Vũ Minh Thục còn nói với theo: “Các nhà báo phải cứu lấy danh dự cho bác sỹ An. Bởi còn bao nhiêu các bác sỹ trẻ là tiễn sỹ giỏi họ cần có niềm tin để phấn đấu.

YT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét