Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Phẩm cách của người trí thức

Thấy có bài phỏng vấn này cũng có vài ý hay hay. Tôi nghĩ những gì anh Nguyễn Huệ Chi nói có lẽ thích hợp cho những người mà ở các nước Tây phương người ta gọi là “Public intellectual”, tức là những người trí thức công chúng. Public intellectual là những người phản biện các vấn đề xã hội (chứ không hẳn chỉ là những vấn đề chuyên môn) trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Public intellectual có thể là nhà khoa bảng, nhưng nhà khoa bảng có thể không phải là public intellectual. Do đó, đúng như anh Huệ Chi nói, có bằng cấp hay mấy cái danh xưng giáo sư chưa hẳn là public intellectual.

NVT

===

http://www.svvn.vn/vn/news/nhanvat/1895.svvn

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ với SVVN về tư cách của trí thức, và sứ mệnh của trí thức trong sự nghiệp đưa đất nước ngày một cường thịnh.

GỌI TÊN TRÍ THỨC

Thưa GS, trong hình dung của GS, thế nào là một trí thức?

GS Nguyễn Huệ Chi: Theo tôi nghĩ, trí thức được hiểu theo hai phương diện: Một là học vấn tổng quát để hiểu về mọi phương diện của cuộc sống, chứ không chỉ bó hẹp trong chuyên môn thuần tuý. Nếu như chỉ là nhà chuyên môn sâu thuần tuý, suốt đời chỉ nhìn vào cái “khe hẹp” ấy thì không được coi là trí thức.

Mà anh có học vấn chung để nhìn cuộc đời trên tư thế của một người độc lập. Thứ hai, anh phải có một nhân cách làm chỗ tựa cho học vấn ấy phát huy, để giúp ích cho đời. Đó chính là hai phương diện quan trọng để nhận diện một trí thức.

Nhưng chưa phải ai cũng biết được rành rọt những đóng góp và vai trò của anh trí thức trong một xã hội?

GS Nguyễn Huệ Chi: Vốn trong thiên bẩm – người được gọi là trí thức đã có chức năng là phản biện xã hội. Cho nên ở cơ chế của một xã hội dân chủ, giới trí thức có thể làm được nhiều việc. Nguyên lý của xã hội là tạo cho người dân được quyền phát ngôn, được tự do suy nghĩ, góp phần làm cho xã hội năng động...

Anh trí thức phải là người đầu đàn để làm những việc đó một cách tốt nhất. Nhưng trong những xã hội độc tài xưa kia, thì người trí thức đứng ở một cự ly nhất định với trung tâm quyền lực. Khoảng cách ấy đủ để cho anh có được cái nhìn tương đối tỉnh táo, nhìn vào thế giới quyền lực, dõi mắt theo thế giới ấy, và lên tiếng khi nó “có vấn đề” ảnh hưởng đến xã hội, đến sự dân chủ.

Và với sự hiểu biết sau khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, GS thấy tiếng nói của giới trí thức trong những xã hội xưa thế nào?

GS Nguyễn Huệ Chi: Ở xã hội phong kiến ngày xưa, giới trí thức Nho học được răn dạy rằng: Khi mình không làm được những thứ theo ý mình với mục đích làm xã hội tốt đẹp hơn, thì mình phải làm một việc để thể hiện khí phách và phẩm tiết của người trí thức là rút lui.

Mặc dù vẫn được trọng dụng, nhưng đề xuất chém lộng thần không được nghe, thì Chu Văn An cáo quan, treo mũ, từ biệt kinh thành về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) ở ẩn.

Xin nhắc lại, đấy là người trí thức trong những cơ chế xã hội xưa kia. Đó là một xã hội độc tài, độc tôn, lấy ông vua làm trung tâm. Hễ ông vua tốt thì xã hội thịnh, ông vua xấu thì xã hội suy. Còn trí thức ngày nay, khi xã hội chúng ta đã phát triển theo mô hình mới rồi, không phải là xã hội cũ nữa, thì rõ ràng vai trò của giới trí thức hiện nay phải tích cực hơn so với những trí thức trong xã hội cũ.

KHÔNG "MŨ NI CHE TAI"

Hiểu thế nào về sự “tích cực hơn”, thưa GS?

GS Nguyễn Huệ Chi: Tích cực hơn có nghĩa là anh không được làm những điều nhũng thoái. Anh đóng vai trò phản biện xã hội, lên tiếng khi có những vấn đề khẩn bách ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả dân tộc, của cả đất nước, hoặc là của cả một bộ phận nào đấy ở trong dân tộc này.
Hoặc có nguy cơ làm cho con đường đi của đất nước có thể rơi vào một khó khăn nào đấy. Người trí thức phải biết hy sinh lợi ích của bản thân mình, kiên trì với những chính kiến của mình để đóng góp những điều có ích cho đất nước, cho dân tộc.

Người trí thức chân chính phải vì lợi ích lớn của dân tộc, của đất nước, hay của một bộ phận dân chúng nào đấy. Trong một thời đại được gọi là dân chủ, một bộ phận dân chúng nào đấy mà đang có nguy cơ mất sự sống an ổn thì người trí thức cũng không được thờ ơ.

Là một nhà nghiên cứu, theo GS, trí thức ngày xưa và trí thức ngày nay, có gì khác nhau?

GS Nguyễn Huệ Chi: Trí thức ngày xưa có thể lui về vườn để trở thành một người sống ẩn dật, hái củi, làm thơ. Nhưng người trí thức ngày nay, với trách nhiệm xã hội giao phó, không cho phép như thế. Vấn đề yếu kém của nền giáo dục hiện nay chẳng hạn, đó là một vấn đề, theo tôi, đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc với dân tộc ta.

Nếu người trí thức không lên tiếng thì đã vô tình trùm “mũ ni che tai”, và đó là thái độ không phải của một trí thức. Anh phải biết kiên trì theo đuổi chính kiến hy sinh lợi ích cá nhân. Đó là điểm khác biệt giữa trí thức ngày xưa và trí thức ngày nay.

Trí thức là tầng lớp tinh hoa của một dân tộc, vậy đóng góp của họ phải thể hiện như thê nào?

GS Nguyễn Huệ Chi: Đương nhiên, anh giỏi về chuyên môn, cắm cúi trong chuyên môn thì đó là một đóng góp rất tốt về mặt tri thức trong một ngành nào đấy. Nhưng những người đó không được hiểu theo kiểu những trí thức có trách nhiệm dẫn đạo xã hội, hay là bộ phận tinh hoa của xã hội.
Nhóm tinh hoa ấy bao giờ cũng tạo ra những định hướng có tầm để xã hội phát triển. Xã hội mà thiếu những định hướng tầm xa như thế thì sẽ khó có hướng để phát triển. Xã hội chỉ được tạo nên bởi những nhóm quyền lực, hoặc nhóm lợi ích thì luôn luôn bị chi phối bởi những lợi ích và quyền lợi khác nhau.

Phải là người đứng ở cự ly phía ngoài để nhìn vào quyền lực, nhìn vào các nhóm lợi ích và tìm ra hướng đi cho xã hội, thì lúc đó xã hội mới phát triển đúng hướng được. Vai trò, sự đóng góp của người trí thức thể hiện ở chỗ đó.

PHẨM CÁCH QUAN TRỌNG CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC

Trong các phẩm cách của người trí thức, theo GS, phẩm cách nào là quan trọng nhất?

GS Nguyễn Huệ Chi: Người trí thức bao giờ cũng có mấy phẩm cách sau:
Thứ nhất , phải có sự tự do trong tư tưởng – đó là một phẩm cách hàng đầu. Bởi vì nếu anh để tư tưởng bị khuất phục bởi một thứ giáo điều nào đấy, thì không bao giờ anh có sự sáng tạo được, và cách nghĩ của anh sẽ méo mó, thiên lệch, thậm chí là thấp hèn.

Thứ hai, là sự độc lập đối với quyền lực. Quyền lực đương nhiên là chúng ta phải tôn trọng, vì quyền lực là đại diện cho chỗ đứng cao nhất của một bộ phận đang điều khiển đất nước. Nhưng phải luôn luôn có một sự độc lập để tỉnh táo nhận biết đâu là chỗ đúng, chỗ sai, để nhận thấy những khiếm khuyết, chỗ nào không khiếm khuyết của xã hội.

Một xã hội không bao giờ có những con người tuyệt đối tốt, tuyệt đối hoàn hảo, mà họ dù ở cương vị nào cũng chỉ là những con người thôi. Mà đã là người thì bao giờ cũng có những mặt được, mặt hạn chế, nhất là trong xã hội hôm nay người ta luôn bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, sau mỗi con người là những nhóm lợi ích khác nhau.

Do vậy, con người thường không hoàn hảo, do đó càng đòi hỏi người trí thức phải có sự độc lập suy nghĩ để tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu... Và việc tìm ra cái hay, cái đúng, cái sai, cái xấu... này để phục vụ lợi ích tối thượng của đất nước, chứ không phải là của những nhóm quyền lực khác. Tóm lại, người trí thức phải đứng ở chỗ đứng khách quan nhất.

Như tinh thần trao đổi trên đây của GS, thì chưa hẳn người có học hàm học vị đã được gọi là Trí Thức?

GS Nguyễn Huệ Chi: (Cười lớn) Theo tôi, xã hội ngày nay nhất thiết phải có những chức danh, học vị cho người trí thức. Chẳng biết có phải vì lý do đó mà có nhiều GS, TS, thậm chí có cả những ông đi mua bằng ở nước ngoài về để trở thành Viện sĩ, mà thực chất đó cái bằng Viện sĩ đó chỉ có mấy trăm USD thôi (Cười buồn).

Nhưng không phải cứ gắn vào một cái mác là GS, TS, hay Viện sĩ thì đã được gọi là trí thức, mà trí thức là phải xét ở phương diện anh có thực hiện được chức năng và phẩm cách của một trí thức hay không. Và trong những bước ngoặt, bước gấp khúc của đất nước thì anh đứng ở chỗ nào, anh bỏ quên lợi ích của cá nhân anh vì đất nước hay chỉ là vì “vinh thân phì gia” của bản thân.

Tôi không bao giờ xét trí thức ở mấy chữ phía ngoài. Tôi thấy những người không gắn học vị gì cả nhưng tư cách trí thức hết sức đàng hoàng, như nhà văn Nguyên Ngọc chẳng hạn, anh ấy không có học vị học hàm nào cả, nhưng anh ấy là trí thức 100%, xứng đáng là trí thức ưu tú; hay như nhà văn Phạm Toàn có học vấn cực kỳ cao, nhưng anh ấy không gắn với bất cứ cái danh vị nào cả.

GS thấy thế nào khi mà hiện nay, có những người có chức danh GS, học vị tiến sĩ... nhưng lại mang danh đó để đi quảng bá các sản phẩm như đồ uống, dược phẩm..., và xem đó như là một việc mưu sinh? Như thế họ đã thể hiện đúng vai trò của một trí thức chưa?

GS Nguyễn Huệ Chi: Xã hội hiện nay đang theo hướng kinh tế thị trường, phải bán sản phẩm, phải kinh doanh để sống... Do vậy, anh trí thức cố nhiên cũng phải bị chi phối bởi quy luật ấy. Cho nên có những người mang danh là GS, TS nhưng đi quảng cáo cho những món hàng nào đó.
Tôi nghĩ, chúng ta nên thông cảm cho họ, vì thực chất họ cũng đang đi mưu sinh, việc này cũng chẳng khác là mấy so với mấy cô gái xinh đẹp đứng ra làm PG(promotion girl) vậy thôi. Những người ấy đáng thông cảm hơn là đáng chê bai, nhưng tuy nhiên, đấy không phải là hành vi của người thuộc tầng lớp trí thức, mà đó chỉ là hành vi của người đang mưu sinh mà thôi.
Xin cảm ơn GS!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

“Có những người rất trẻ nhưng đã có tư cách vững vàng của một trí thức, nhờ được đào tạo, dạy dỗ trong truyền thống của gia đình, có học vấn rất cao. Còn những người đã già, nhưng đầu óc vẫn sáng láng, vẫn giữ được phẩm cách và phát huy được học vấn của mình thì vẫn xứng đáng là một trí thức sáng láng. Trí thức không phụ thuộc vào tuổi tác. Chỉ khi nào người ta đánh mất các phẩm cách của người trí thức thì lúc đấy mới không còn được gọi là trí thức nữa”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét