Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Chuyện phản biện

Ngày 24/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Theo Quyết định này, có 7 lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học kĩ thuật và công nghệ, khoa học y, dược và sức khỏe, khoa học nông nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ.

Là người hay “phản biện” những vấn đề y tế, khoa học, và giáo dục nên tôi đọc bản tin đó như là một tin vui. Nhưng đọc kĩ thì quả là “nói dzậy mà không phải dzậy” nhé! Điều thứ 2 trong Quyết định viết rõ như thế này: “[…] Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gởi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Tôi tự hỏi nếu gọi là “phản biện” mà không được công bố công khai thì đâu thể gọi là phản biện được.

Cách đây hơn 1 năm, tôi có tham gia nhóm nghiên cứu của thời báo kinh tế Sài Gòn dưới sự bảo trợ của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng chỉ vài tháng hoạt động chưa đâu đến đâu thì đột nhiên đóng cửa một cách không kèn không trống.

Mới đây, một nhóm phản biện độc lập về giáo dục đã có giấy phép đàng hoàng, có ban bệ chuyên môn, và người chủ trương đã báo cho Bộ Giáo dục Đào tạo biết đề tài phản biện, nhưng gần nửa năm sau, Bộ vẫn im hơi lặng tiếng, không trả lời.

Do đó, tôi nghĩ thà nói thẳng ra là không cho phép các cá nhân thành lập các nhóm phản biện thì còn hay hơn là nói là cho phép, nhưng không được nói. Tôi đang thắc mắc không biết cái mô hình “cho mà không cho” này xuất phát từ đâu. Phần lớn những gì Việt Nam làm đều bắt chước từ [hay làm giống như] Trung Quốc. Chẳng hạn như việc có những biện pháp mạnh tay trong việc chống dịch cúm A/H1N1, cách Việt Nam làm y chang như Trung Quốc. Có phải cái mô hình “cho mà không cho” này là từ … Trung Quốc không?

NVT

http://www.most.gov.vn/tintuc_sukien/mlnews.2009-07-31.3735056942/view

===

Xin giới thiệu vài bình luận trong blog của Nguyễn Vạn Phú:

http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/08/mo-ra-e-khep-lai.html

Mở ra… để khép lại

Nếu đọc lướt qua Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/7/2009, người ta có thể nghĩ cánh cửa đã mở ra cho những cá nhân muốn thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học, kể cả cung cấp dịch vụ khoa học. Danh mục ban hành kèm theo Quyết định liệt kê đầy đủ hầu như mọi ngành nghề khoa học tự nhiên và xã hội, kể cả nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, giáo dục, xã hội học, lịch sử, triết học…

Thế nhưng cánh cửa này đã đóng sập ở ngay điều 2 khi quy định: “… Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gởi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.

Hiện nay trên thực tế đã có nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học của cá nhân thành lập, thường dưới tên gọi viện nghiên cứu khoa học – công nghệ, phần lớn do các nhà khoa học thành lập để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, đào tạo… Có thể đa phần công việc của các tổ chức nghiên cứu khoa học này là thực hiện hợp đồng ký trực tiếp với khách hàng, không liên quan gì đến đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nhưng sự đời không bao giờ đơn giản như vậy. Ví dụ một viện thực hiện một nghiên cứu cho một doanh nghiệp cách thức tiết kiệm năng lượng; trong kết quả báo cáo dày cộp ắt sẽ có những đoạn nêu thực trạng chính sách của Nhà nước về năng lượng và những phân tích đúng sai của chính sách này. Thế là không được công bố công khai.

Giám đốc một viện nghiên cứu tư nhân khác, giả dụ được báo chí phỏng vấn về một chính sách mới ban hành thuộc thẩm quyền chuyên môn của ông, sẽ vi phạm luật pháp nếu trả lời mang tính phản biện dưới danh nghĩa giám đốc viện. Một tổ chức nghiên cứu nông nghiệp cũng không thể nào công khai những kết quả nghiên cứu của họ về chính sách nông nghiệp của Nhà nước nếu không muốn bị đóng cửa vì dù có khen mười điều thì ắt cũng có vài điều “phản biện”. Hàng loạt hoạt động mang tính xã hội của các viện nghiên cứu (tức là những nghiên cứu không do doanh nghiệp đặt hàng mà là để đóng góp vào “sự nghiệp phát triển đất nước” như cách nói thường thấy) sẽ bị thui chột vì không ai muốn dây vào chuyện luật pháp đã cấm. Thiệt không hiểu nổi tư duy của người soạn quyết định này trong khi chủ trương thường được nhắc tới lâu nay là khuyến khích sự phản biện của người dân, đặc biệt là của các nhà khoa học.

Nên nhớ bộ máy công quyền lớn lắm, không ai quản cho hết. Cơ chế kiểm soát hữu hiệu nhất là thông qua công luận để giám sát, để soát xét, để lên tiếng mỗi khi một bộ phận trong bộ máy làm sai. Lẽ ra người đứng đầu Nhà nước phải mừng khi có tiếng nói phản biện được công khai về đường lối, chủ trương, chính sách của mình, nhờ thế mà biết được ý nguyện của người dân, biết bộ máy ở dưới có làm đúng hay không. Nay với một quyết định như thế, có thể giải quyết được một vấn đề gai góc nào đó trước mắt, nhưng lại có hại lâu dài cho cơ chế kiểm soát nói trên. Lẽ nào người ta không hiểu được, gởi cho cơ quan có thẩm quyền đồng nghĩa với dìm lấp mọi ý kiến, không ý kiến nào đến được tai người muốn nghe thực tế xã hội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét