Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

Phòng chống H1N1 bằng rửa tay và khẩu trang: cái nào hiệu quả hơn?

Hôm nay có một nghiên cứu rất quan trọng từ Hồng Kông (công bố trên tập san Annals of Internal Medicine) mà tôi nghĩ các quan y tế trong nước nên tìm đọc để biết rằng những gì tôi viết về khẩu trang trong các bài trước đây là đúng và có cơ sở khoa học.

Ở đây, vì thiếu thì giờ, nên tôi chỉ tóm lược vài nét chính của nghiên cứu này, và hẹn sẽ quay lại bình luận chi tiết hơn.

Ý tưởng của họ rất đơn giản. Họ tìm những bệnh nhân bị nhiễm virus H1N1, rồi sau đó phân nhóm theo hộ gia đình. Họ tìm được 407 bệnh nhân. Sau đó họ tìm đến nhà của bệnh nhân (tức 407 hộ gia đình). Bước kế tiếp họ chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm:

Nhóm A là nhóm chứng, gia đình được tuyên truyền về bệnh cúm A/H1N1 và vài chỉ dẫn về ăn uống và lối sống.

Nhóm B là nhóm được chỉ dẫn cách rửa tay thường xuyên.

Nhóm C là nhóm được chỉ dẫn cách rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Kết quả ra sao? Chỉ số mà họ lấy làm thước đo hiệu quả là tỉ lệ tấn công (attack rate), tức là tỉ lệ người bị nhiễm virus H1N1 trong thời gian theo dõi. Tính chung, tỉ lệ tấn công của 3 nhóm gộp lại là 8% (tức chỉ có 60 người bị nhiễm trên số 759 cá nhân). Tỉ lệ tấn công tính trên số hộ là 20% (nói cách khác, trong số 407 hộ, có 20% hộ có người bị nhiễm mới). Cả hai tỉ lệ này cũng tương đương với các nghiên cứu trước.

Khi phân tích theo nhóm, các nhà nghiên cứu thấy tỉ lệ tấn công trong nhóm A (nhóm chứng) là 24%, nhóm B (rửa tay) là 14%, và nhóm C (rửa tay + khẩu trang) là 18%. Kết quả này cho thấy nhóm rửa tay có tỉ lệ thấp nhất (và khác biệt với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê). Còn nhóm rửa tay + khẩu trang không có hiệu quả so với nhóm rửa tay và nhóm chứng. Họ còn làm nhiều phân tích khác nữa, nhưng kết quả không thay đổi bao nhiêu so với những kết quả tôi vừa trình bày.

Nói cách khác, nghiên cứu này một lần nữa, cho thấy đeo khẩu trang không có hiệu quả phòng chống virus cúm H1N1 trong cộng đồng. Tuy nhiên, rửa tay thường xuyên có thể giảm nguy cơ lây nhiễm từ 24% xuống còn 14% (tức giảm 42%). Kết quả này có ý nghĩa đối với Việt Nam, nơi mà cơn sốt khẩu trang đang làm hao tổn ngân sách gia đình của nhiều người.

Nếu khoa học là một kim chỉ nam, tôi nghĩ những ai khuyên bà con đi mua và đeo khẩu trang nên xem lại khuyến cáo của mình, và những bà con nào đang tính mua khẩu trang cũng nên tiết kiệm số tiền đó cho những chuyện cần thiết hơn.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét