Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

G-spot: có hay không?

Sáng nay đọc một bản tin trên báo phổ thông thấy đồng nghiệp tôi bên Anh (Gs Tim Spector) tuyên bố trên BBC rằng “The G-spot 'doesn't appear to exist'” (không có G-spot). Cơ sở khoa học cho phát biểu này là nghiên cứu mà anh ta và nghiên cứu sinh thực hiện và mới công bố trên tập san Journal of Sexual Medicine có tựa đề là “Genetic and Environmental Influences on self-reported G-Spots in Women: A Twin Study”.

Tôi hơi ngạc nhiên, vì Tim là chuyên gia về xương khớp (nghề chính là bác sĩ rheumatology), chứ không phải chuyên gia về … sex. Nói vậy thôi, chứ anh ta có nhiều tài lắm, kể cả tài làm nghiên cứu những người sinh đôi, và có hàng trăm công trình trong lĩnh vực này. Ngày xưa, tôi là một trong những người hướng dẫn Tim làm nghiên cứu về những người sinh đôi (twin study) và di truyền, khi anh ta tiêu ra gần 6 tháng trời trong lab chúng tôi ở Sydney.

G-spot, chắc không cần giải thích vì ai cũng biết, là một vùng nằm ở phía trong âm đạo được cho là nhạy với kích dục. Người ta cho rằng có điểm G đó, nhưng hình như khoa học chưa tìm thấy. Lần này, Tim Spector và đồng nghiệp tìm cách trả lời câu hỏi: có hay không có g-spot?

Anh ta tiếp cận câu hỏi bằng nghiên cứu ở người sinh đôi. Tại sao nghiên cứu trên người sinh đôi? Có hai dạng sinh đôi: cùng hợp tử (monozygotic twin, hay MZ) và hai hợp tử (dizygotic twin, DZ). Cặp sinh đôi MZ coi như là 1 vì hai người có 100% gen hoàn toàn giống nhau. Còn sinh đôi dạng DZ thì chỉ như anh chị em với nhau (nhưng ra đời cùng một lúc) và gen của hai người sinh đôi dạng này chỉ giống 50% với nhau. Trong một cặp sinh đôi, khi một người có g-spot và người kia không có g-spot, chúng ta gọi là discordance. Nếu tần số discordance này nằm trong tần số kì vọng từ luật di truyền của MZ và DZ, thì chúng ta có bằng chứng để nói rằng g-spot là một đặc tính di truyền.

Tim nghiên cứu trên 1804 phụ nữ sinh đôi người Anh tuổi từ 23 đến 83, và những người này trả lời một bộ câu hỏi. Trong số này, có 56% phụ nữ trả lời rằng họ có cái g-spot. Những người trả lời có g-spot thường là những người trẻ tuổi và “sexually active” (chưa biết dịch sang tiếng Việt như thế nào).

Nếu trong một cặp sinh đôi MZ, và nếu g-spot là do di truyền, một người trả lời có g-spot, thì người kia cũng sẽ có g-spot. Nói cách khác, độ nhất quán phải khoảng 100%. Nếu trong một cặp sinh đôi DZ, và nếu g-spot là do di truyền, một người trả lời có g-spot, thì xác suất mà người kia cũng sẽ có g-spot chỉ 50%. Khi so sánh tỉ lệ thực tế với tỉ lệ kì vọng đó, các nhà nghiên cứu có thể ước tính sự khác biệt về có hay không có g-spot bao nhiêu phần trăm là do di truyền và bao nhiêu phần là không do di truyền. Kết quả phân tích cho thấy gần 90% không do di truyền, mà chỉ là những khác biệt ngẫu nhiên (random error).

Dựa vào kết quả đó, họ nhận xét rằng “the self-reported G-spot is to be a secondary pseudo-phenomenon” (tạm dịch: những báo cáo tự nhận có g-spot là một hiện tượng giả tạo).

Riêng tôi khi đọc xong nghiên cứu này thì tôi không nghĩ có bằng chứng gì để nói có hay không có g-spot cả. Kết quả của nghiên cứu chỉ cho phép họ kết luận rằng những khác biệt về báo cáo g-spot là do yếu tố ngẫu nhiên gây ra, chứ không phải do yếu tố di truyền. Không có cách nào để đánh giá rằng 56% người báo cáo có g-spot là sai hay đúng cả. Đây là vấn đề sinh lí (physiology), mà tiếp cận qua di truyền thì tôi e rằng Tim đã sử dụng sai phương pháp. Nhưng kết quả vẫn rất thú vị.

NVT

Ref: Burri AV, Cherkas L, and Spector TD. Genetic and environmental influences on self-reported G-spots in women: A twin study. J Sex Med 2010.
Web: www3.interscience.wiley.com/journal/123232355/abstract

0 nhận xét:

Đăng nhận xét