Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Vần đề thông tin và "Mong người trẻ giữ lấy mình"

Sao tôi vẫn cảm thấy có cái gì ghê ghê mỗi khi biết ai đó nói đến quản lí con người. Trong bài này (Mong người Việt trẻ ở nước ngoài... 'giữ được mình') người ta còn bàn cả chuyện quản lí nghiên cứu sinh! Còn nhớ trước đây tôi có một nghiên cứu sinh PhD từ một nước trong vùng Trung Đông đi học theo học bổng của Nhà nước. Họ chịu sự quản lí của tòa đại sứ. Cứ mỗi 6 tháng, tòa đại sứ nước đó đến đại học họp và tìm hiểu về tiến độ của nghiên cứu sinh. Trong mỗi lần như vậy họ cũng nói chuyện thân mật với người hướng dẫn luận án (tức là tôi và một giáo sư khác). Có lần ông tham tán sứ quán, râu ria xồm xoàng, hỏi hai chúng tôi nhận xét về xu hướng chính trị của cô nghiên cứu sinh. Cả hai chúng tôi đều nổi nóng, nhưng bà giáo sư người Úc thì thẳng thừng hơn, bà đứng dậy và giận dữ nói (đại khái): Xin lỗi ông, xin nói cho ông biết ngay rằng chúng tôi là giáo sư hướng dẫn khoa học cho nghiên cứu sinh, chúng tôi không ngạo mạn làm cái chuyện quản lí tư tưởng con người, chúng tôi không bao giờ quan tâm đến xu hướng chính trị của nghiên cứu sinh vì họ có quyền tự do của họ; xin ông đừng làm mất thì giờ chúng tôi; nếu ông còn hỏi câu này một lần nữa, từ nay chúng ta sẽ không có chuyện để nói và chúng tôi sẽ không gặp ông một lần nữa. Bà nói với giọng rất gay gắt, và tôi hiểu tại sao, vì đụng chạm đến tự do cá nhân – một quyền thuộc vào loại thiêng liêng của người Âu Mĩ -- thì chẳng khác gì đụng đến bàn thờ tổ tiên của ta vậy.

Ở các đại học phương Tây, nghiên cứu sinh được khuyến khích tự do tìm hiểu mọi thứ, chứ chẳng giới hạn trong lĩnh vực nào. Tôi còn nhớ thời đi học, có vị giáo sư già người Mĩ hay nhắc nhở chúng tôi rằng “các anh chị có quyền tự do tìm hiểu, tự do phát biểu, kể cả phát biểu những gì tôi không thích nghe”. Sau này tôi mới biết ông mượn ý của Nhà văn George Orwell khi ông này định nghĩa tự do như sau: “Freedom is the right to tell people what they do not want to hear”.

Đã là sinh viên, là nghiên cứu sinh, thì phải biết một nguyên lí khoa học là thông tin phải đa chiều. Nếu chỉ dựa vào một nguồn thông tin thì chẳng khác nào chúi đầu vào đống cát. Ấy vậy mà có người “băn khoăn trước tình trạng khi ra nước ngoài, du học sinh đứng trước nhiều thông tin trái chiều, trong khi ít thông tin chính thống từ quê nhà”. Vấn đề không phải thông tin “chính thống” hay “không chính thống”, mà là thông tin trung thực hay không trung thực. Chẳng hạn như chuyện lễ hội hoa ở Hà Nội, trong khi thông tin địa phương cho biết đó là một cuộc hỗn loạn đến nỗi người nước ngoài gọi là “crazy”, thì một quan chức văn hóa Hà Nội tuyên bố chính thức “Lễ hội Hoa Hà Nội : Như thế là thành công”! Thông tin chính thống mà thiếu trung thực thì chẳng khác gì nói dóc. Thông tin chính thống mà mang tính cách tuyên truyền thì không còn là thông tin nữa.

Tôi thì thấy ngoài này không thiếu thông tin, nhưng chính trong nước mới thiếu thông tin. Có nhiều chuyện liên quan đến đại cuộc thì ở ngoài này có vẻ phong phú và đa chiều, trong khi đó ở trong nước thì người dân mù tịt. Có một điều tôi hay gặp là mỗi khi bàn về chuyện thời sự, người ta thường hay (ngụy biện) nói “chuyện anh nói người trong nước chẳng quan tâm”. Điều này có lẽ đúng, nhưng quan tâm hay không quan tâm còn tùy thuộc vào việc có thông tin hay không. Nếu họ chẳng nghe gì đến chuyện bauxite và cả ngàn người Tàu đang có mặt ở Tây Nguyên thì chắc họ chẳng quan tâm, nhưng nếu họ biết được những thông tin đó thì chắc chắn họ phải quan tâm.

Vậy thì xin ai đó đừng nói đến chuyện quản lí tư tưởng của người khác, và cũng không nên biện minh bằng giả định rằng ở ngoài này thiếu thông tin (giả định này sai) và sử dụng thông tin chọn lọc (selective information) như là một phương tiện để uốn nắn tư tưởng người khác.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét