Phi trường Nội Bài. Chiều ngày 13/1. Có lẽ là vào buổi xế chiều tối nên ít khách, và quang cảnh tương đối vắng vẻ. Lấy hành lí xong, tôi đi lang thang trong phi trường tìm xe về trung tâm thành phố. Tìm hoài chẳng thấy taxi, nên đành phải ghé qua một quầy dịch vụ “travel”. Hỏi giá xe đi Hà Nội thì được biết có 3 hạng giá: 350.000đ nếu đi xe Matiz (Hàn Quốc), 450.000đ dành cho xe Toyota, và 600.000đ dành cho xe loại “4-wheel” Hyundai. Tôi mua vé 450.00 đồng. Vé có tên người liên lạc (Ms. Huyen 0986-989-418) và có hẳn hóa đơn để tôi thanh toán với cơ quan bảo trợ cho chuyến đi.
Mua vé xong vẫn chưa đi, vì hình như họ phải điều phối xe. (Sau này thì tôi biết là họ kêu xe ngoài – hay còn gọi là xe dù – vào). Trong khi đứng chờ, người bán vé hỏi một câu làm tôi ngạc nhiên. Cô ấy hỏi: có phải đảng viên đảng cộng sản không được vào Mĩ? Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe đến qui định này (tôi chỉ nghe nói thỉnh thoảng nhân viên hải quan Mĩ hỏi khách vào có phải là đảng viên đảng cộng sản, chứ không nghe đến chuyện cấm đoán. Tôi nói rằng tôi không biết ở bên Mĩ thì sao, nhưng ở bên Úc thì không ai hỏi khách vào theo đảng phái gì, và cũng không cấm đảng viên đảng cộng sản vào Úc. Có thể họ không có cảm tình với đảng viên đảng cộng sản, nhưng Úc không cấm người cộng sản sang đây học hành hay du lịch.
Cuối cùng thì anh tài xế taxi cũng đến. Xe anh hiệu Toyota loại VIOS, màu xám. Bên trong xe rất sạch sẽ, vì xe gần như là mới. Nhìn sang đồng hồ cây số, xe mới chạy chưa đầy 7000 km. Anh tài xế là một trung niên, với giọng Bắc rất “Hà Lam Linh”, nhưng rất dễ mến. Đường từ Nội Bài vào trung tâm thành phố hình như là 35 km, tốn gần 40 phút, nên chúng tôi có một buổi trò chuyện vui vẻ, thoải mái. Vẫn là những chuyện thời sự làm bức xúc người dân: nào là cán bộ tham nhũng, đảng viên sa đọa, đạo đức xã hội ngày càng tồi tệ hơn, các tập đoàn kinh tế nhà nước độc quyền lộng hành gây khổ cho dân, giá cả tăng cao, đời sống càng ngày càng khó khăn, v.v… được anh tài xế có dịp tuông ra. Tôi chẳng biết nói gì ngoài vài câu khuyên lơn vô thưởng vô phạt.
Bận bịu với công việc, tôi quên không còn nhớ cái giá 450.000 đồng, vì cứ tưởng đó là giá chuẩn. Đến một hôm tôi đi thăm bạn bè, nên có dịp đi xe hãng Mai Linh. Trên đường đi, tôi hỏi giá xe từ Hà Nội ra phi trường Nội Bài (hay ngược lại) là bao nhiêu, thì anh tài xế nói là 180.000 đồng. Tôi tưởng mình nghe lầm nên hỏi lại là 180.000 hay 280.000 đồng. Anh ta nói chắc: “180.000 đồng, bác ạ”. Anh ta còn nói thêm: “Tối đa là 200.000 đồng”. Tôi im lặng. Thấy tôi không nói gì, anh ta tưởng là giá quá đắt nên gióng tiếng tiếp thị: “xe chúng em đi chắc giá, bác không sợ lầm đâu, nếu bác đi xe taxi dù thì coi chừng bị gạt”. Đến đây thì tôi đành thố lộ với anh là tôi đã trả 450.000 đồng cho chuyến đi từ Nội Bài về Hà Nội. Anh taxi trẻ cười ngất nói: “Đấy, em đã bảo mà!”
Thế là tôi bị ăn cướp lần thứ nhất trong chuyến đi này. Điều làm tôi chú ý là họ ăn cướp có bài bản, có hóa đơn và có giấy chứng nhận đàng hoàng. Có thể gọi đây là hình thức ăn cướp có hệ thống?
Khác với loại ăn cướp có hệ thống là loại ăn cướp … cơ hội, phi hệ thống. Tưởng rằng mình đã bị một lần ăn cướp như vậy cũng đủ, nhưng tôi thật chẳng may mắn phải trải qua một lần nữa. Sáng 14/1, tôi có hẹn với vài bạn ở Đại học Quốc gia Hà Nội, cách khách sạn Fortuna tôi ở khoảng 4-5 cây số, và theo bảo vệ khách sạn nói thì giá taxi chỉ khoảng 50.000-60.000 ngàn đồng. Tôi lên chiếc xe taxi nhỏ do nhân viên bảo vệ khách sạn bố trí.
Lên xe, nói chuyện đời vui vẻ, tôi thấy anh tài xế cũng có vẻ đáng tin cậy và biết điều, nhưng tôi lầm to. Anh ta hỏi tôi tình hình kinh tế miền Nam ra sao, và tỏ ý muốn vào Nam một chuyến cho biết. Anh này, khoảng 50 tuổi, tuy sống và lớn lên ở Hà Nội nhưng hình như không thuộc sử mấy. Tôi giả bộ hỏi anh rằng những tên đường như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Hồng Phong, v.v… là những nhân vật nào, thì anh ta trả lời trớt quớt hết! Anh nói Lê Duẩn là ông chủ tịch nước có công rất lớn với giai đoạn hiện đại hóa Việt Nam, còn ông Trường Chinh là chủ tịch Đảng, cực kì giỏi vì nghe nói có hai bộ não, nên có thể tiếp thu và trao đổi với 2 người cùng một lúc! Đương nhiên, tôi đâu biết hư thực ra sao, nhưng tôi nghi những chức vụ mà anh này nói là sai.
Quay trở lại chuyến đi của tôi, khi gần đến nơi tôi thấy anh ta bấm nút tắt đồng hồ nhưng tôi vẫn thấy cái giá lúc đó là khoảng 54.000 hay 74.000 đồng. Khi xe ngừng hẳn trước cổng trường, tôi hỏi anh giá bao nhiêu, anh ta “hét” giá 150.000 đồng. Tôi hỏi anh làm sao biết giá bao nhiêu khi chẳng có chỉ định của đồng hồ cây số. Anh ta nói rằng đồng hồ hỏng, nhưng anh ta chắc giá là 150.000 đồng, rồi nói tôi thông cảm! Tôi nói rằng tôi sẽ cho anh 100.000 đồng, chứ không phải trả tiền, và anh chỉ có thể chụp giựt tôi một lần thôi. Tôi cố tình nói giọng bình thản, nhỏ nhẹ, nhưng nhấn mạnh chữ “chụp giựt”, vì tôi thật sự nghĩ anh ta là một tên lưu manh, có lẽ quen với nghề chụp giựt người miền Nam hay khách ngoại quốc. Anh ta không nói gì, chụp lấy tờ giấy 100.000 đồng và phóng xe chạy, nhưng tôi kịp nhận ra xe anh mang biển số 30L-4866 (tôi quên tên hãng taxi). Lúc đó là khoảng 9:00 sáng (ngày 14/1/2010). Tôi viết ra chi tiết để nếu hãng taxi có đọc trang blog này có thể kiểm chứng và kiểm tra anh tài xế ăn cướp này. Tôi thật sự nghĩ anh chàng này quả đúng là một tên ăn cướp đội lốt tài xế taxi.
Mặc dù đã nghe qua nhiều về cách làm ăn chặt chém khách của một số người trong giới taxi Hà Nội, nhưng tôi không ngờ mình lại chính là nạn nhân của thói làm ăn này. Chẳng những bị ăn cướp một lần, mà lại bị đến 2 lần. Lần thứ nhất, người ăn cướp có hẳn văn phòng và biểu giá; lần thứ hai, kẻ ăn cướp thuộc thành phần “lao động vinh quang” và hình như có chút máu lưu manh. Mà, bị ăn cướp ngay tại cái nơi gọi là “thủ đô” với những mĩ từ như “ngàn năm văn vật” hay “thủ đô văn hóa”, tôi thấy nó mỉa mai làm sao! Nghĩ đến hai chữ “văn hóa” tôi đôi khi mỉm cười một mình, và không biết phải gọi cái thói làm ăn chụp giựt, con người đóng kịch hai mặt, trơ tráo, thói cướp hoa giữa ban ngày đó là văn hóa gì. Chắc chắn cái văn hóa đó không phải là văn hóa Việt Nam, nhưng khổ nỗi những cái đó nó xảy ra nhiều lần, và có thể nói là gần như thành hệ thống. Vì sao chỉ qua vài mươi năm mà những người Tràng An thanh lịch trong sách của Thạch Lam lại có thể trở nên những kẻ ăn cướp như thế?
Tìm hiểu trên báo thì tôi mới biết giới taxi Hà Nội có trăm phương ngàn cách để ăn cướp và chụp giựt hành khách. Nào là sửa đồng hồ để tăng cây số và tăng tiền, chạy lòng vòng để kéo dài cây số, toàn là những “chiêu” làm ăn bất lương. Một điều đáng chú ý là nạn nhân của mấy vụ ăn cướp này thường là người du khách ngoại quốc và người miền Nam. Lần trước, khi ra Hà Nội và khi đến hàng quán ăn uống, nghe giọng miền Nam của tôi, bà chủ quán liền “hét” giá. Hình như mấy người này nghĩ dân miền Nam hái tiền từ trên cây, và họ tự cho mình cái quyền lấy tiền đó.
Ngày nay, sau vài lần với những kinh nghiệm buồn ở Hà Nội, tôi thấy hơi sợ cái thành phố này. Tôi thấy mình như mất tin tưởng vào những con người mà Nhà nước liệt kê vào giao cấp “lao động” cao quí ở Hà Nội. Nói như vậy cũng không công bằng vì chắc chắn chỉ có vài “con sâu” mà thôi, nhưng những con sâu này nó có khả năng phá nát văn hóa Hà Nội, nó có tiềm năng làm cho kĩ nghệ du lịch phía Bắc bị lụn bại, nó chính là yếu tố chính làm cho du khách “một đi không trở lại”. Những con sâu này cũng chính là yếu tố làm nên một nền du lịch hỗn hào. Hà Nội sắp kỉ niệm 1000 năm, nhưng với những tài xế taxi chụp giựt như tôi vừa mô tả và một nền du lịch hỗn hào, thì còn ai dám đến Hà Nội để chia vui.
NVT
Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010
Hai lần bị ăn cướp ngay tại thủ đô!
14:20
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét