Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Suy nghĩ lan man chung quanh một bản án

Hai tuần qua, tôi đi công tác và cũng nhân chuyến đi về quê thăm nhà, rồi bận túi bụi hết ngày này sang ngày khác, nên không có dịp cập nhật trong blog. Xin chân thành cảm ơn các bạn xa gần, đã quen và chưa quen, đã có thư thăm hỏi tôi trong thời gian trang blog không được cập nhật. Đọc nhiều thư của các bạn làm tôi cảm động, vì thấy có nhiều người quan tâm.

Cũng nhân đây xin nói luôn với các bạn nào không tham dự được lớp học về y học thực chứng (evidence based medicine) ở Bv 115 hôm 18/1-20/1 là không phải do tôi mà là do ban tổ chức quyết định ngăn cản không cho các bạn vào tham dự vì hội trường nhỏ quá (chỉ có khả năng chứa khoảng 150 người). Ban tổ chức nói rằng họ dành ưu tiên cho người của Bv 115 hơn là cho các bác sĩ ngoài bệnh viện. Đó là một quyết định “tough” nhưng họ phải làm thôi, và tôi chẳng hay biết gì cả. Chứ riêng tôi thì có nhiều bạn tham dự là tốt vì có dịp trao đổi nhiều hơn. Tôi nghĩ lần sau chúng ta sẽ có một khóa học hoàn chỉnh hơn với nhiều thời gian hơn, và nhất định sẽ không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” xảy ra.

Trong thời gian ở Việt Nam, có dịp theo dõi báo chí tôi mới biết là Tòa án TPHCM đem 4 người hoạt động dân chủ ra xử vào hôm thứ Tư 20/1. Phiên tòa này thu hút dư luận công chúng. Đi taxi nào tôi cũng đều nghe giới tài xế bàn tán râm ran. Do đó tôi cũng tìm hiểu sự việc ra sao …

Đọc kĩ thì mới biết 4 người đó là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, và Trần Huỳnh Duy Thức. Báo chí cũng chẳng nói gì đến nhân thân của các nhân vật này. Nhưng qua tìm hiểu trên mạng thì tôi mới biết họ đều là những người trí thức thành đạt trong xã hội, những người có học hành nghiêm chỉnh và có thực tài. Hóa ra Lê Công Định chính là người luật sư thường viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Nguyễn Tiến Trung là cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TPHCM và từng du học ở Pháp, Lê Thăng Long cũng là kĩ sư, còn Duy Thức cũng từng là cựu sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM và tổng giám đốc một công ti truyền thông internet. Hóa ra, Trần Huỳnh Duy Thức chính là ông chủ của blog “Change We Need” mà tôi từng đọc nhiều bài và cũng rất ngưỡng mộ. Lúc đó, tôi chẳng biết ông chủ trang blog là ai (thế giới internet mà) nhưng qua những bài viết sâu sắc và đanh thép, tôi nghĩ tác giả phải là người có kinh nghiệm cọ xát thực tế với thương trường ở VN mới có thể hiểu và viết ra những nhũng nhiễu trong xã hội VN. Tôi nghĩ họ đều là những đứa con ưu tú của Việt Nam.

Phiên tòa được xem là quan trọng, vì nghe nói công an phải chận đường không cho xe cộ chạy ngang tòa, và những người hiếu kì hay quan tâm cũng bị cách li, chỉ có thể theo dõi phiên tòa qua màn hình. Điều đáng chú ý là hệ thống âm thanh bị rè khi luật sư của bị can lí giải, và thậm chí không nghe được khi bị can tranh luận với tòa. Theo đài BBC phỏng vấn mẹ của Nguyễn Tiến Trung thì “Có những lời phát biểu tương đối đanh thép của anh Thức và anh Thăng Long thì hầu như ở ngoài này chúng tôi không được nghe. Và cái lời bào chữa của luật sư Mạnh cho bị can Trần Huỳnh Duy Thức cũng không được nghe. Trong khi đó những lời phát biểu của tòa án thì nghe rất là trong, âm thanh rất là trong.”

Điều đáng ngạc nhiên là một phiên tòa quan trọng như vậy, nhưng báo chí chỉ đưa tin có 2 ngày. Tôi đoán nếu ở ngoài này thì chắc chắn phiên tòa cũng kéo dài lâu (có khi cả tháng trời), và giới báo chí sẽ tha hồ khai thác thông tin. Nhưng ở Việt Nam thì hầu hết các phiên tòa đều được diễn ra nhanh chóng, ngắn gọn, không có tranh luận hay biện luận gì nhiều. Chỉ sau vài giờ xử, Tòa án tuyên bố phạt tù giam đối với Lê Công Định (5 năm), Nguyễn Tiến Trung (7 năm), Lê Thăng Long (5 năm) và Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm) với tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” (trước đây tội danh của những người này là “tuyên truyền chống phá Nhà nước”). Tội danh này cũng giống như tội danh mà Tòa án Trung Quốc phạt Lê Hiểu Ba 17 năm tù vì tội “Lật độ chính quyền nhân dân” mà báo chí Tây phương nói đến trong thời gian gần đây. Việt Nam mình làm cái gì cũng giống Trung Quốc quá! Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng nổi những người trói gà không chặt này có khả năng lật đổ một chính quyền có hệ thống tổ chức chặt chẽ và vững như bàn thạch.

Điều tôi ngạc nhiên là sự chênh lệch của bản án. Án phạt dành cho ông Trần Huỳnh Duy Thức quá nặng, so với 3 người còn lại cũng có cùng tội danh. Chẳng hiểu dựa vào đâu mà Tòa án phạt nặng như thế. Báo chí chỉ nói Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung nhận tội, còn Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức thì không nhận tội. Theo Luật sư Nguyễn Hữu Liêm tường thuật thì “Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức thì tranh luận sôi nổi với Hội đồng xét xử và Viện Kiểm Sát về các chi tiết ‘yếu tố cấu thành tội phạm’ trong tội ‘lật đổ chính quyền nhân dân’.” Người Việt mình không quen tranh luận, nhất là tranh luận với các vị quan chức. Có phải vì tranh luận này mà ông Duy Thức đã lãnh một án phạt quá nặng? Mười sáu năm tù giam và 5 năm quản chế ở địa phương là 21 năm, gần nửa đời người của ông ấy rồi. Nhìn qua hình, tôi đoán ông ta cũng cỡ độ tuổi 45, vậy thì sau khi mãn hạn tù, ông cũng ở độ “tuổi xế chiều”, sẽ chẳng có cơ hội để đóng góp gì cho đất nước. Thật ra, với một bản án nặng nề như thế, ngay cả 3 người kia sau khi mãn hạn tù đã chắc gì có cơ hội đóng góp. Mấy con số 5, 7 hay 16 chỉ là những con số vô hồn, nhưng đằng sau nó là những mảnh đời rồi đây sẽ tan nát, sự nghiệp tiêu tan, và có lẽ nhiều người trong gia đình của họ chịu ảnh hưởng trong một thời gian dài, có khi rất dài. Nhìn như vậy để thấy rằng bản án dành cho những người này nặng quá.

Có thể một vài người trong nhóm của họ quá ngây thơ và mang tính bồng bột của tuổi trẻ. Có thể một vài người quá tin vào những nhóm hành nghề chống cộng ồn ào hay những thế lực ảo ở ngoài Việt Nam. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận lòng yêu nước của họ, không ai có thể bác bỏ sự quan tâm của họ đối với đất nước. Trong cái môi trường đa số giới trẻ ham làm tiền bằng mọi giá kể cả tham nhũng và hối lộ, hay ham khoe xe cộ đắt tiền, mà chẳng màn gì đến lợi ích và tiền đồ quốc gia, họ là những người yêu nước rất hiếm hoi.

Những người trí thức mang nặng lí tưởng này đã phạm luật của Việt Nam. Điều đó chắc không ai tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ một Việt Nam hiện đại và có đạo lí nên bao dung và rộng lượng cho những ý tưởng khác biệt. Nói như một văn hào Pháp là “tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi bảo vệ đến cùng quyền anh được nói”. Mong ước một ngày nào đó một Việt Nam hiện đại được xây dựng trên nền tảng đó để cho những người con ưu tú của Việt Nam không còn phải đi tù vì những khác biệt về tư tưởng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét