Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Những ngày tị nạn đầu tiên

Hôm nay, nhân dịp 35 năm kỉ niệm ngày 30/4 và ngày cuối tuần, tôi nhớ lại những ngày tị nạn đầu tiên trên xứ người. Xin ghi chép vài hàng để các bạn, nhất là những bạn chưa từng biết cuộc sống tị nạn ra sao, biết được một thời đau khổ …

Sau 3 ngày đêm lên đênh trên biển, ghe chúng tôi gồm 23 người cập bến Budi. Budi, sau này tôi mới biết là một làng chài ở phía nam Thái Lan, giáp biên giới Mã Lai. Budi không phải là lựa chọn của chúng tôi. Thật ra, lúc ra đi, đâu ai biết ghe mình sẽ đến đâu. Chỉ mong rằng nếu may mắn thì sẽ đến một vùng đất nào đó thuộc các nước Đông Nam Á có trại tị nạn của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) hay được một tàu hàng ngoại quốc thương tình cứu vớt; còn nếu không may mắn thì sẽ bỏ mạng trên biển. Chúng tôi sẵn sàng chết. Nhưng ghe chúng tôi may mắn. Khi nhìn thấy đất liền từ xa, tài công quyết định mở hết ga hai cái máy dầu trực chỉ thẳng đến đó. Chưa đến nơi thì gặp thuyền đánh cá của người địa phương, họ lấy hết dầu, hết gạo, và dĩ nhiên là luôn tài sản trên ghe, rồi chỉ đường cho chúng tôi vào bờ. Gần đến bờ thì ghe hết dầu, và chúng tôi phải lội (nếu ai biết lội) và giúp nhau bồng bế vào đất liền.

Lên bờ. Mừng hết lớn. Sau 3 ngày đêm trên chiếc ghe vốn được đóng để đi sông (chứ không đi biển) mà sống sót như thế thì quả là quá may mắn. Đói. Khát. Nhọc nhằn. Chúng tôi mệt nhừ. Có vài chị khi lên bờ chỉ biết nằm lăn ra vì đói quá. Nhìn toàn cảnh thật là thảm thương, vì ai cũng mặt mũi đen sậm (sau mấy ngày phơi nắng biển), quần áo lếch thếch, chẳng có giầy dép gì cả. Riêng tôi thì chỉ còn cái quần đùi và cái áo sơmi đã biến thành màu đen sau mấy ngày gần buồng máy.

Lên đến bờ chúng tôi chẳng biết làm gì. Đây là chiếc ghe tị nạn đầu tiên từ Việt Nam ghé đến làng này, cho nên người dân trong làng chài cũng chẳng biết làm gì. Thế là họ chạy đi kêu cảnh sát đến giải quyết. Cảnh sát địa phương đến, và việc đầu tiên là họ tìm một chỗ cho chúng tôi tá túc. Ở xã đâu có nhà tù nào chứa đến 23 người, cho nên cuối cùng thì họ sắp xếp cho chúng tôi tạm trú ngoài trời, trong một vườn dừa tại một bờ biển cách chỗ chúng tôi đổ bộ chỉ chừng vài trăm mét. Vì chúng tôi là nhóm người Việt đầu tiên đã lạc đến làng chài này, dân làng địa phương tò mò kéo đến vây quanh kín mít để ... nhìn mặt. Khác với những con người hung bạo mà chúng tôi gặp trên biển cả, họ là những người dân chài hiền lành, chất phác, luôn có nụ cười trên môi. Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ và trở ngại trong trao đổi bằng tiếng Anh, dân chúng ở làng này, nói chung, đã đối xử với chúng tôi trong tình người trong lúc hoạn nạn: khi mới lên bờ, họ mang quần áo, gạo và thức ăn cho chúng tôi sống qua ngày. Chúng tôi có được 3 cái mùng để ngủ ban đêm.

Tuy nhiên, những ngày đầu cũng xảy ra vài chuyện cười ra nước mắt. Khi đêm đến, hàng đoàn đàn ông con trai trong làng vận xà-rông kéo nhau tới ngồi xổm, hai tay chống lên cầm, phì phèo thuốc lá và … trố mắt nhìn chúng tôi như nhìn những sinh vật xa lạ! Có người còn bạo dạn giở trò sàm sở [hay thân mật] lại gần sờ tay chân đàn bà con gái, gây ra náo loạn trong nhóm. Đám đàn ông và thanh niên nhận thấy tình thế không mấy an toàn, nên chúng tôi quyết định phải bảo vệ phái yếu. Ban ngày, một nhóm người đi làm kiếm gạo, cá và nước mắm, còn một nhóm đàn ông thì ở lại để bảo vệ. Ban đêm, chúng tôi ngủ vòng ngoài, phụ nữ ngủ vòng trong. Ấy vậy mà đêm thứ hai có một tên nào đó lại gần đưa tay sờ mó gặp nhằm anh thanh niên kia, anh ta “dằn” cho một trận và tên đó chạy mất trong đêm tối.

Chúng tôi ở đó gần 1 tuần mà chẳng có ai đến lấy lời khai. Sau này tôi mới biết là họ chờ nhân viên UNHCR xuống để làm thủ tục, còn cảnh sát địa phương chỉ quản lí chúng tôi ở đó. Trong khi chờ đợi, chúng tôi mỗi người đi kiếm việc làm. Mà, trong làng này thì có nhiều việc làm lắm. Người thì đi gở lưới cá cho dân làng, người đi chặt lá dừa (làng này có rất nhiều dừa), người thì đi đổ bêtông ở làng bên, v.v… Riêng tôi thì có một gia đình dân chài mướn làm thuê cho họ. Công việc của tôi là đi theo ghe câu ban đêm, và sáng về thì phụ giúp đem cá mực lên nhà, rồi từ đó họ đem đi bán ở chợ. Nhớ đêm đầu khi được biết mình sẽ đi chung với người chủ tôi rất lo lắng và thủ sẵn. Chiếc ghe chỉ có tôi và ông chủ. Hai người không nói được gì với nhau, ngoài ra dấu tay. Tôi nghe đến mấy vụ hải tặc giết người, nên cũng nghĩ linh tinh rằng biết đâu ông này muốn thủ tiêu mình. Tôi bày tỏ quan ngại này với anh em trong tàu, thì mấy người có kinh nghiệm đi biển chỉ cho tôi vài “mẹo” để sống sót. Họ chỉ cho tôi rằng khi đi biển với ông chủ, trong khi ông chủ giữ tay máy, tôi lúc nào cũng tìm cách ngồi gần nơi có “vũ khí”, để phòng ngừa nếu ông ấy ra tay thì tôi sẽ ra tay trước. Có gì thì cả hai cùng chết, chứ dứt khoát không chết một cách vô duyên được. Nhưng tôi và các bạn tôi quá lo xa, nghĩ xấu cho người ta, chứ trong thực tế ông chủ rất tốt với tôi. Những buổi chiều lên ghe ra biển, lúc nào cũng nhìn tôi với ánh mắt trìu mến. Cho đến nay tôi vẫn nhớ ánh mắt đó. Đi được hai ba đêm, tôi không còn nghi ngờ gì ông ta nữa. Sau này chúng tôi trở thành thân quen. Thấy tôi không có quần áo, ông ta cho mấy bộ đồ cũ; có bộ tôi còn giữ cho đến ngày nay, tức 30 năm rồi. Mỗi ngày, ông ta cho tôi một chai nước mắm, vài gói mì tôm, và vài lít gạo. Tôi đem những “chiến lợi phẩm” đó về để đóng góp với mấy anh em khác trong cuộc sống tập thể.

Cũng có khi chúng tôi bị lạm dụng. Thấy đám tị nạn chúng tôi chẳng có đồng xu dính túi, nên dân làng tìm đến chúng tôi như là một nguồn lao động rẻ. Có hôm tôi đi với mấy anh bạn khác đi chặt lá dừa. Chao ôi, vào đến vườn dừa mênh mông của họ, tôi choáng ngộp qui mô trồng dừa ở đây, và nhìn lại mấy cây dừa trong làng quê mình chẳng có ý nghĩa gì cả. Những cây dừa rất cao và thẳng thấp, được trồng một cách rất thứ tự, và nhìn toàn cảnh rất đẹp mắt. Ở đây, họ cho khỉ leo dừa, chứ người khó mà leo những cây dừa cao như thế. Nhiệm vụ chúng tôi là chặt lá dừa của những cây dừa còn tấp ngang cổ người. Ui chao, chặt xong một liếp dừa thì bị đàn kiến lửa vàng ở đâu chúng bu quanh tấn công một trận, ai cũng đau quá cỡ. Nhưng đã nhận việc thì phải làm cho hết việc. Ấy thế mà một ngày làm việc mỗi người chỉ được có 5 baht và một chai nước mắm con mực! Biết mình bị lợi dụng dã man, nên không ai trong chúng tôi đi làm chặt lá dừa nữa.

Trong nhóm chúng tôi có một người mà chúng tôi quen gọi anh là “Anh Ba Hà Nội”, là một người đặc biệt. Anh Ba người cao ráo, đẹp trai, ăn nói có duyên, mà rất thân thiện. Tôi không thấy anh ấy có cái “chất” của người cộng sản mà tôi từng thấy ở miền Nam sau 1975 chút nào cả. Anh em trong nhóm nói đùa rằng vì anh ấy là “cộng sản Hà Nội”, khác với “cộng sản Hà Lam Linh”! Anh từng là phóng viên báo chí ở Hà Nội, vào Nam khoảng 1976. Anh gặp “duyên mới” trong Nam, và hai anh chị quyết định đi vượt biên. Anh Ba Hà Nội là phóng viên, nên ăn nói rất hay. Ở anh, không bao giờ hết chuyện, anh kể biết bao nhiêu chuyện anh từng chứng kiến trong đời làm báo của mình. Toàn những chuyện mà thời đó có thể xem là “phản động” mà anh thề là có thật. Sau này, đọc báo trong nước tôi mới biết những gì anh nói về cuộc sống cơ cực thời bao cấp ở miền Bắc là hoàn toàn thật. Là người lớn lên ở trong Nam, tôi không ngờ người ta có thể sống khổ cực như thế.

Trong thời gian ở bờ biển Budi này, chúng tôi có "hân hạnh" đón tiếp hai chiếc tàu đồng hương khác cập bến. Nhóm đầu chỉ có 10 người, toàn trai tráng, nguyên là thủy thủ của một công ti hải sản ở một tỉnh miền Nam lấy tàu đi vượt biên. Nhóm thứ hai đông hơn, có khoảng 50 người, bị cướp ngoài khơi đến 3 lần và trôi dạt vào đây. Hoàn cảnh xa quê hương và vì mục tiêu sống sót trước một vùng đất xa lạ đã làm cho chúng tôi trở thành gần gũi và thân nhau rất nhanh chóng, chẳng khác gì những người cùng đi chung tàu.

Trong 2 tàu mới, có một người rất đặc biệt, mà chúng tôi cho đến nay vẫn không biết tên, chỉ hay gọi là “Chú Ba Trung tá”. Sở dĩ chú có nickname đó là vì chú từng là trung tá không quân trong quân đội VNCH. Chú cũng là người gốc Bình Định, chẳng biết lúc đó bao nhiêu tuổi, nhưng tóc bạc gần hết, đi một mình và nghèo "rớt mồng tơi" như tôi, nên chúng tôi dễ dàng thông cảm nhau. Suốt ngày, chú chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn và ở trần hùi hụi, rong chơi, tán gẫu, kể chuyện tiếu lâm. Chú Ba Trung tá từng học ở Mĩ 3 năm, nên chú nói tiếng Anh giỏi. Giọng tiếng Anh của chú rất … Mĩ. Nghe và nhìn cách chú nói chuyện với các viên chức người Thái mà tôi, với một trình độ lôm côm về tiếng Anh, phục sát đất, và nghĩ không biết bao giờ mình mới nói được như chú ấy. Có lần, một người Thái khen chú nói tiếng Anh giỏi, nhưng chú quay lại cười nói với chúng tôi [trước mặt người khen đó]: "Tao nói tiếng Anh giọng nước mắm thì nhằm nhò gì, thằng mọi này nó dốt mới khen tao vậy chớ ..." Tôi nhớ chính xác chú dùng chữ “thằng mọi này”. Tôi thích cái thái độ tự tin đến nổi trịch thượng của chú đối với người Thái. Nhưng tôi cũng lo lắng là biết bao giờ tôi mới có khả năng nói tiếng Anh như chú ấy!

Nhờ Chú Ba Trung tá, tất cả 3 nhóm tàu tị nạn làm thủ tục UNHCR một cách êm xuôi. Sau gần 2 tháng ở Budi, cả 3 nhóm người chúng tôi được chuyển lên một trại tị nạn qui mô ở tỉnh Songkhla. Tạm biệt Budi, và nhất là tạm biệt ông chủ của tôi, tôi cảm thấy buồn ơi là buồn. Dù biết rằng mình không ở đó lâu dài, nhưng khi rời cái làng chài êm ả đã cho tôi tạm trú những ngày đầu tị nạn vẫn làm tôi thấy buồn. Lúc lên xe rời làng, tôi tự nguyện trong lòng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại, sẽ cám ơn chân thành người chủ ghe chài đã cho tôi công việc đầu tiên trên xứ Thái để kiếm tiền, tôi sẽ cám ơn những người dân làng đã cưu mang chúng tôi một thời gian. Ấy thế mà đến hôm nay, 30 năm sau, tôi vẫn chưa có dịp về thăm lại cái làng chài đó. Không biết bây giờ ông chủ tôi còn sống hay đã qua đời, cái nhà sàn của ông bây giờ ra sao, và nhất là làng chài đó vẫn như thế hay đã thành một resort cho khách du lịch …

Songkhla là một tỉnh thuộc miền nam Thái Lan (Songkhla là tên của một hoàng tử Thái). Trại tị nạn Songkhla nằm ngay bên cạnh bờ biển khá đẹp, được bao bọc bởi một dãy núi phía sau và dĩ nhiên là xung quanh được rào bằng kẻm gai. Nhà, hay nói đúng hơn là chòi, mọc lên san sát. Nếu tôi nhớ không lầm, chiều ngang của trại chỉ khoảng 50 thước, chiều dài thì đi bộ chỉ 15 phút là hết. Ấy thế mà trại này lại là nhà cho trung bình khoảng 5,000 dân tỵ nạn hàng ngày; nghe nói lúc cao điểm, dân số trong trại lên đến cả 10,000 người!

Ngày đầu tiên nhập trại Songkhla, tôi tưởng mình lạc vào một thành phố ở Việt Nam! Hai bên đường chật hẹp là hàng quán bán cơm, phở, hủ tiếu, cà phê, mọc lên đầy rẫy. Phần đông khách hàng là những chàng trai mặt mũi rất "ngầu", tóc dài chấm vai (nom y như những người đóng vai du côn trong các phim xã hội đen) phì phèo những điếu thuốc lá "Samit" hay "555" bên li cà phê đen. Họ cũng là dân tị nạn như tôi thôi. Phía trong quán thì ồn ào đài loa với những bản nhạc vàng ảo não, nhạc rock xập xình, nhạc nhà binh hùng tráng, nhạc chống cộng, v.v... được phát thanh với một âm lượng tối đa, làm đinh tai nhức óc những ai không may mắn phải đứng trước những cặp loa này. Trên đường lộ dập dìu tài tử giai nhân son phấn lòe loẹt, vàng đeo lóng lánh, trong những bộ quần áo thời trang Âu Mĩ đắc tiền đi "dạo phố" như trẫy hội. Tôi ngạc nhiên và tự hỏi không biết tiền đâu ra mà họ lại có cuộc sống khá sung túc như vậy ở một trại tạm dung. Nhìn lại mình chỉ có cái quần đùi và cái áo của ông chủ cho trên người. Vốn được chuyển lên đây từ một làmg quê, tôi cảm thấy mình vừa quê mùa vừa bơ vơ lạc lõng như một thành phần "outcast" trong "xã hội" tị nạn này. Nhiều khi đi qua các hàng quán, thỉnh thoảng nghe một đoạn nhạc do chính Nguyệt Ánh sáng tác và ca:

Ôi me yêu ơi,
con lang thang giữa phố đông người;
Tuy phố đông người,
Nhưng con lạc loài một bóng đơn côi ...

hay

Nắng nơi đây vẫn là nắng ấm
Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương

mà buồn vời vợi ...

Nhưng, qua tìm hiểu tôi mới thấy những phồn vinh, náo nhiệt kia chẳng khác gì những lớp phấn son được sơn trét lên mặt những cô gái một cách vội vã để cố tình xóa lấp đi những nỗi ám ảnh của một quá khứ quá khủng khiếp. Thực vậy, lên đến Songkhla và có dịp nghe những câu chuyện thương tâm khác của đồng hương, tôi mới thấy chuyến đi của mình còn may mắn chán. Tôi nghe nhiều câu chuyện về cướp biển vô cùng khủng khiếp, mà chữ nghĩa có khi không tả hết được những tang thương người Việt Nam mình đã gánh chịu. Có nhiều trường hợp cả tàu bị thảm sát trên biển cả. Có trường hợp bọn cướp biển làm nhục phụ nữ ngay trước mặt người thân. Nhiều người bị bệnh tâm thần khi lên đến trại này. Tôi không nghĩ là mình có thể quên được những câu chuyện thương tâm của nạn nhân bọn cướp biển Thái Lan. Nếu tôi phải dùng một từ ngữ mạnh, đó là: không bao giờ quên và cũng không bao giờ tha thứ. Có thể nói tội ác của người Thái đối với người tỵ nạn Việt Nam sánh tương đương với bọn Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, với bọn Pol Pot với dân Campuchea. Thế giới đã nghe nhiều về “holocaust”, "killing field" (cánh đồng chết chóc) nhưng thế giới chưa nghe hay biết nhiều về "killing sea" (sát hải). Vùng biển Thái Lan là nơi đã từng chôn vùi biết bao thân xác của đồng hương ta. Sau này, tôi có viết một bài trên báo Sydney Morning Herald để nhắc thế giới về những thảm cảnh của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan trong thập niên 1980s mà tôi gọi là “killing sea”. Bài viết được trao giải thưởng gì đó (tôi quên) và tôi được tặng 500 đôla Úc!

Bị người ngoại bang sát hại đã là một sự nhục nhã, nhưng bị chính người tị nạn hành hạ lại còn nhục nhã và đau lòng hơn. Songkhla là nơi mà tôi đã chứng kiến những hành động xấu xa và dã man của những người Việt đối với người Việt. Ngày đầu vào trại, ngoài nhóm của chúng tôi đến từ Budi, còn có nhiều nhóm tị nạn từ các nơi xa xôi khác được chuyển về bằng xe bus. Từ ngoài cổng, chúng tôi đi vào vào trại chầm chậm theo hàng hai. Hai bên đường có đầy đồng hương đứng xem và ồn ào như một cái chợ. Người thì dán mắt tìm xem có thân nhân, bà con của mình mới sang không; người thì dò xét, nhận diện xem có kẻ thù năm xửa năm xưa nào đến trại hay không. Người có thân nhân thì nước mắt dàn dụa tay bắt mặt mừng. Người tìm được kẻ thù thì trở thành một kẻ hung bạo, tàn ác. Hôm tôi nhập trại, có một anh thanh niên nọ bị tố cáo là "cộng sản", anh ta bị lôi kéo ra khỏi hàng, và bị đánh ngay trên đường vào trại, trước sự mục kích của người đứng hai bên đường. Thấy không ai can ngăn và vì không chịu được cảnh tượng như thế, tôi bước ra hàng định cản, nhưng một trong ba người đang hành hung dí ngón tay vào trán tôi gằn từng tiếng (mà tôi nhớ y như ngày hôm qua): "Đ M, muốn gì? Mày cũng là cộng sản hả?". Anh tôi lôi ra ngoài, chứ không thì chắc tôi cũng bị đánh tơi bời ngày hôm đó. Anh thanh niên đó bị đánh đến nổi không còn đi được, chở vào nhà thương điều trị, và nghe nói sau này anh bị tật. Đó là lần đầu tiên tôi mục kích cảnh người đánh người tàn bạo, không thương tiếc như thế. Ngày xưa, chính tôi cũng từng bị cảnh sát đánh vài dùi cui cảnh cáo, chứ không đến nổi quá tàn nhẫn như vậy.

Sau cú sốc đó, tôi lại bị một cú sốc khác lớn hơn. Sau khi nhập trại, chúng tôi được dẫn độ vào một hội trường có nhân viên của Ban Trật Tự người Việt canh giữ chung quanh. Họ đóng cửa chính lại, nhưng phía ngoài cửa sổ thì có đầy người đứng xem. Mục đích của buổi họp này là nhằm phổ biến về nội qui sinh hoạt trong trại, nhưng thực tế thì lại là một cuộc thăm dò tìm kẻ thù, một trò khủng bố tinh thần. Người trên bục giảng là một ông chức sắc trong ban quản trị của trại và cũng là cựu quân nhân; bằng một giọng nói Bắc kì nghiêm trọng và vẻ mặt đằng đằng sát khí, ông ta yêu cầu chúng tôi phải khai báo thành khẩn là đã làm việc gì với chế độ cộng sản. Ông ta nói thêm rằng nếu không khai thì tình báo của ông ta cũng biết thôi, nhưng khai thì sẽ được khoan hồng. Tôi rất ngạc nhiên về thủ tục này, vì nghĩ là tất cả lời khai của mình đều đã được nhân viên Cao ủy Tị nạn LHQ ghi chép ở Budi; thế thì cuộc khai báo này là khai với ai? Tuy nhiên, tôi nghĩ vì từng làm với chế độ mới một thời gian, nên cũng định khai báo cho rõ ràng. Nhưng hôm đó, may mắn cho tôi: một người em họ nhập trại trước tôi vài tháng đang đứng bên cạnh cửa sổ và đưa tay làm kí hiệu cho tôi biết là đừng khai. Anh Ba Hà Nội ngồi cạnh tôi và có lẽ có kinh nghiệm hơn tôi về những trò này, cũng khuyên tôi là cứ lờ đi cái "lí lịch cộng sản" đó. Tôi và anh Ba Hà Nội thoát nạn. Nhưng không may mắn cho những người khác, trong đó có hai anh bạn của tôi, T và S trong tàu "Hải sản" từ Budi lên, những người đã thành thật khai báo là có làm việc sau 1975 như là tài công và thủy thủ. Hai anh bạn tôi, liền sau đó được "mời" lên Ban Trật Tự "làm việc". Cả hai bị đánh nhừ tử. Mặt mũi hai anh này bị sưng húp lên, mắt thì bầm, nhưng ánh mắt đầy vẻ hận thù. Tối hôm đó, tôi nằm ngủ bên cạnh hai anh phía ngoài căn chòi bên cái giếng nước, nghe anh T thề rằng sẽ có ngày trả thù bọn người mà anh ta cho là "lũ chó đẻ". Tôi ngao ngán cho số phận tị nạn. Hết bị người Thái hành hạ, giờ đến bị nhóm người đồng hương tự nhận là "yêu chuộng tự do" đánh đập. Sau lần T và S bị đánh, có một anh cựu sĩ quan đi chung thuyền với tôi, lân la tìm chỗ tôi trú ngụ và nói bâng quơ "Tao mà nói ra thì có thằng còn bị đánh nữa!" Ý anh ta muốn nói tôi và anh Ba Hà Nội. Tôi kinh tởm cho anh chàng sĩ quan này, vì anh ta là người "đi ké", và bị chê là hèn khi đi trên ghe và lười lao động khi ở Budi mà giờ này trở mặt mau như thế!

Có thể nói trại tị nạn Songkhla là một VNCH thu nhỏ. Nếu ngày xưa VNCH có tổng thống thì trại Songkhla có trưởng trại; ngày xưa có Bộ Nội vụ thì ngày nay có "Ban Trật tự"; Bộ Thông tin Văn hóa nay được được "đổi tên" thành "Ban Thông tin Văn hóa"; các anh quân nhân, sĩ quan VNCH ngày xưa nay trở thành "cựu quân nhân", có người còn tự cho mình lên chức (xưa là trung úy nay thành đại úy!) Ngày xưa VNCH có hối lộ và tham nhũng, thì ngày nay ngay trong trại tị nạn, cũng có tham ô và hối lộ. Có khi cường độ tham nhũng còn trắng trợn và tàn bạo hơn. Theo qui chế của UNHCR lúc đó, chúng tôi, những người mới nhập trại, đáng lẽ được cấp cho một cái áo thun, một cái quần, và vài lít gạo để sống. Nhưng nhóm Budi của chúng tôi chẳng được một món nào. Biết được người em họ nhập trại trước tôi đang làm trong ban phân phát hàng hóa, tôi hỏi nó tại sao tôi không được phát gì cả. Thằng em tôi ôm bụng cười ha hả như chưa bao giờ vui hơn, và nói đại ý là "Ở đây, bọn nó bán hết rồi, anh làm gì có được mấy thứ đó! Anh có tiền thì mới mua được." Tôi càng ngao ngán hơn và nghĩ chả lẽ mình phải chết đói ở đây. Nhưng thằng em tôi chạy đi đâu một lúc và mang về ba lít gạo cho anh em tôi đủ sống ít ngày. Ở trại tị nạn, Ban Bưu Tín cũng là một trung tâm khét tiếng ăn chận, ăn cắp hay nói đúng hơn là ăn cướp, tiền bạc của người tị nạn. Có nhiều thư từ và tiền bạc từ nước ngoài chẳng bao giờ tới tay thân nhân trong trại. Tôi cũng là một nạn nhân của ban Bưu Tín này. Và nếu có tới người thân thì cũng bị cắt xén, ăn chận. Trong khi các Ban có cơ hội ăn hối lộ, ăn chận đồng hương thì cũng có ban chuyên hành hạ đồng hương. Ban Trật Tự ở trại có lẽ là một nhóm người có thể nói là hung thần ác quỉ, là những người tay sai lưu manh cho bọn người Thái, chuyên khủng bố đồng hương. Họ đánh người một cách chuyên nghiệp, không nương tay, và vô cùng tàn nhẫn. Có tên còn lập công với cảnh sát Thái bằng những phương pháp tra tấn "hiện đại", hay thậm chí dẫn gái cho bọn chủ Thái của chúng hành lạc. Không biết bao nhiêu người tị nạn vô tội đã là nạn nhân của nhóm người ác độc này. Thù oàn nối tiếp thù oán. Những người đánh đập đồng hương cũng đi tị nạn ở nước thứ ba, nên một số họ không may mắn trốn thoát nạn nhân của mình thì bị đánh đập dã man ngay tại Úc, tại Mĩ; còn số khác thì xa lánh cộng đồng, vì sợ gặp nạn nhân cũ sẽ trả thù.

Nhưng tất cả đã là dĩ vãng. Hôm nay, nhớ lại những ngày cũ nên viết ra như là một vài “chứng từ” của một thời đau khổ, chứ chẳng phải trách móc ai. Không thể trả thù bằng sự thù hận. Nói như một hiền nhân nào đó: nếu mắt trả mắt thì thế giới này chỉ còn lại nhưng kẻ mù. Những thù hận trong trại tị nạn bây giờ cũng đã qua đi với thời gian và với cuộc sống ổn định. Nhưng vẫn còn khoảng cách giữa những người Việt trong nước và ngoài nước. Hi vọng rằng trong tương lai gần, khoảng cách này không còn nữa nếu tất cả chúng ta đều đặt dân tộc và quyền lợi dân tộc trên và trước những chủ nghĩa giáo điều phi dân tộc.

NVT

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Ngày 30/4 và chuyện "hòa hợp, hòa giải"

Sáng nay nhìn lên tờ lịch mới biết là ngày 30/4! Thế là lại thất hẹn với anh H. Đã hứa với anh H là sẽ viết ra vài cảm nghĩ trong ngày lịch sử này, nhưng vẫn chưa thực hiện được, cũng chỉ tại chuyện cơm áo gạo tiền. Một nghiên cứu sinh của tôi đang nộp luận án, một công trình về tiểu đường đang níu kéo, một dự án về béo phì trên bàn, một dự án về gãy xương và tử vong, v.v… Đó là chưa kể việc thường ngày. Và, những việc không tên nữa. Nhưng vẫn phải viết ra đôi dòng gọi là ... suy nghĩ.


Hình lấy từ blog của bác Trương Duy Nhất

Kí ức về ngày 30/4 của tôi vào thời điểm 35 năm trước đây không có gì sâu sắc lắm. Vì sau những biến động ở miền Trung, thiên hạ đoán rằng chế độ VNCH sẽ sụp đổ, nên tôi về quê. Lúc đó anh Hai tôi chưa về nhà vì còn nấn ná trên Sài Gòn. Tôi về quê đâu chỉ 1 tuần sau là đến ngày 30/4. Tôi còn nhớ cái tin chế độ VNCH sụp đổ chẳng làm ai ngạc nhiên. Người dân vẫn nhóm chợ như mọi buổi sáng nhưng câu chuyện chắc rơm rả hơn. Mấy người hàng xóm vẫn ra đồng như mọi hôm.

Hừng sáng hôm 30/4, bác Ba Tể chèo xuồng từ kênh Thầy Cò xuống nhà tôi báo tin “lật đổ”. Bác Ba Tể là người gốc Thái Bình, vào Nam cùng thời với Ba tôi, cùng đi kháng chiến và hình như cùng đơn vị, nên hai người rất thân nhau. Sự thật là tụi tôi xem các anh chị con bác Ba như người trong gia đình. Bác Ba có đến 8 người con. Chị Quyết chết lúc còn nhỏ vì bệnh, anh Chiến đi lính bị thương cụt chân, về làm thợ may. Anh Sinh đi bộ đội và sau này hi sinh. Còn mấy người khác thì chỉ làm thường dân. Lúc đó (1975) bác đã có 6 người con, mà bác đặt tên là “Quyết (gái), Chiến (trai), Sinh (trai), Bình (gái), Tồn (trai), Tiến (trai)”. Sau 1975 bác còn có thêm 2 người con nữa, và chắc hơi bí câu chữ, nên bác đặt là: “Yên (trai), Lành (gái)”. Quyết Chiến Sinh Bình Tồn Tiến Yên Lành. Chỉ với cách đặt tên của con của bác Ba tôi cũng nói lên ý chí kháng chiến và mong ước hòa bình như thế nào.

Sáng hôm đó, Ba tôi, bác Ba Tể, và tôi ngồi chung quanh bàn dưới ánh đèn dầu bàn chuyện thế sự. Ai cũng vui mừng. Từ nay sẽ không còn đánh nhau nữa, sẽ không còn những cuộc hành quân với xe tăng thiết giáp mà bà con chạy trối chết, không còn những đợt bồng bế nhau đi tản cư, không còn thù hận. Tôi thấy một tương lai xán lạng ...

Hồi đó còn trẻ, hăng lắm. Đi công tác ở đâu cũng ghi chép, viết lách, thậm chí ... làm thơ. Báo Nhân Dân có đăng mấy bài bút kí của tôi, Đài phát thanh cũng đọc bài tôi viết về Phú Quốc, về Hà Nội. Nhưng thời đó chưa có chuyện trả tiền nhuận bút, mà tôi cũng chưa bao giờ cần tiền nhuận bút. Lần ra Bắc và Hà Nội tập huấn để lại trong tôi nhiều ấn tượng mà có lẽ sẽ không bao giờ xóa được. Miền Bắc nghèo quá. Tôi còn nhớ chiếc xe Ford Falcon (thu dụng từ thời trước, nay dùng làm xe cho sếp đi) khi đến Thái Bình, trẻ con trong làng cứ chạy theo sờ xe và ... ngửi xăng! Trước đó qua Thanh Hóa thấy Thành phố Vinh tan hoang, bưu điện là một cái nhà lá còn nhỏ hơn nhà tôi dưới quê. Đến Hà Nội thì ôi thôi tiêu điều làm sao. Lúc đó, tôi chưa biết rằng chính XHCN làm cho kinh tế như vậy, mà chỉ nghĩ là do chiến tranh gây ra. Tôi nghĩ rằng mấy chuyện nghèo nàn mình thấy là chuyện nhỏ, và tin rằng mai mốt mình sẽ xây dựng tốt hơn.

Thế nhưng những gì xảy ra sau đó cho thấy mình quá lạc quan ... tếu. Đúng là thanh niên ngây thơ. Khởi đâu là đổi tiền. Rồi hợp tác xã. Gia đình mất đất. Nhìn chung quanh thấy trong đại gia đình mình có người đi cải tạo mút mùa. Ở cơ quan thì có chính sách gọi là “kiểm điểm”. Rất lạ với chúng tôi lúc đó. Có một chiếc xe Honda do anh Hai để lại cũng bị hỏi “từ đâu”. Điều này làm tôi rất bực. Bạn bè tụ tập có năm ba mạng trong quán cà phê nói chuyện là bị “hỏi thăm” ai đứng đầu nhóm. Người tra tranh nhau để mua từng mét vải, từng kílô đường. Rồi bo bo, ăn độn. Rồi vượt biên. Bây giờ nhìn lại thấy chỉ có 5 năm sau khi chiến tranh chấm dứt là biết bao dao động xã hội và lịch sử. Tôi cũng bị sự dao động lịch sử và trở thành “boat people”.

Ba mươi năm trước, ghe chở tôi và 22 người khác, sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, tấp bến Budi, một làng chài ở phía Nam Thái Lan, giáp ranh Mã Lai. Ở đó vài tuần, lên trại tị nạn Songkhla. Ở Songkhla vài tháng mới thấy thảm cảnh của dân mình. Nếu 100 người may mắn đến trại thì chắc có 20 người đã bỏ mạng trên biển cả. Bỏ mạng vì chìm ghe, vì hải tặc sát hại, vì hải quân Thái Lan hay Mã Lai tàn sát, v.v… Phải tận cảnh chứng kiến những khuôn mặt hớt hãi nhập trại mới cảm nhận được sự kinh hoàng của những “thuyền nhân”. Có biết bao em bé lên bờ thành mồ côi vì cha mẹ và anh chị đều chết. Có nhiều chiếc ghe mà chỉ có một người duy nhất đến bờ. Có vài phụ nữ cứ lẩm bẩm chẳng biết nói gì, như bị ám ảnh bởi thảm cảnh vừa trải qua. Có người
lấm lét nhìn đàn ông như sợ hung thần sát nhân. Tôi đọc đâu đó ước tính rằng có gần 300 ngàn người Việt bỏ mạng trong thập niên 1980s và đầu 1990s. Có lẽ chưa bao giờ mà lịch sử VN ghi nhận một sự mất mát to lớn như thế. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử chúng ta có một làn sóng người bỏ quê ra đi đông đảo như thế. Lúc đó tôi ghét Thái Lan lắm; tôi thậm chí thề có ngày sẽ ... ăn thua đủ với cái nước này để đền bù lại những gì dân VN mất vào tay nước này. Nhưng ông bà mình nói đúng: "ghét của nào, trời trao của đó". Sau này chính tôi lại là người giúp Thái Lan nhiều hơn là giúp VN! Điều này dạy tôi một bài học: không nên thù oán ai. Tôi thành đệ tử không chính thức của Phật.

Điều đáng mừng là chỉ khoảng chục năm sau định cư, người Việt đã lấy lại “thăng bằng” và tiến bước trong xã hội mới. Cho đến nay, có thể nói rằng người Việt ở nước ngoài là một cộng đồng lớn, và cũng có vài thành công nhất định, nhất là khoa bảng. Sự hiếu học và thành công trong học đường của người Việt được người bản xứ nể trọng. Người Việt có mặt trong hầu hết những lĩnh vực “mũi nhọn” trên thế giới. Người Việt kinh doanh cũng khá, chúng ta đã có khá nhiều triệu phú. Một anh bạn người Úc là kí giả, từng quan sát sự trưởng thành của cộng đồng người Việt ở đây, nói với tôi rằng: Người Việt có sức sống và thích nghi với môi trường mới tuyệt vời.

Nhưng tôi nghĩ anh ta chỉ khen cho có thôi, chứ trong thực tế thì tôi thấy mình vẫn thua kém nhiều người khác. Thật vậy, nếu chịu khó nhìn vào những kết quả census (điều tra dân số) và nghiên cứu xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng so với các cộng đồng khác như người Nhật, Tàu, Hàn, Phi, v.v… thì cộng đồng người Việt vẫn còn thấp kém: ít học nhất, nghèo nhất, tỉ lệ phạm tội chắc cũng thuộc hàng nhất nhì, và khả năng hội nhập thấp nhất. Do đó, tôi nghĩ đừng tự ru ngủ rằng chúng ta tài giỏi hơn ai. Chúng ta chỉ “khôn nhà dại chợ” mà thôi. Ở bình diện quốc tế thì chỉ thành công một chút, nhưng về nhà thì la hét cứ như là thánh. Tôi đã từng thất vọng khi biết một số “thần tượng” khoa học của mình rất xoàng, không như báo chí bên nhà ca ngợi. Tôi vẫn nghĩ chúng ta còn quá kém, và cần phải bỏ cái thói “khôn nhà dại chợ” thì mới khá lên chút được.

Đất nước thống nhất nhưng lòng người không thống nhất. Ở ngoài vẫn có và còn những người không quên những xáo trộn và mất mát của gia đình họ sau 1975. Ở trong nước, vẫn có và còn những người không thể quên những đau khổ trong thời VNCH. Hai bên đều có lí do để thù oán nhau. Có lẽ bạn sẽ hỏi còn tôi thì sao. Tôi có thể trả lời ngay rằng tôi chẳng thù oán hay trách ai. Tôi, nói như anh Cao Huy Thuần, trước hay sau 1975 vẫn là người Việt Nam.

Nhưng tôi không trách những người vẫn còn giận. Họ có lí do để giận. Lần đầu tiên, cách đây một hay hai năm khi tôi đọc câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đại khái ông nói rằng sau cuộc chiến thì có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn), tôi nghĩ phải chi các lãnh đạo trong nhóm “thắng trận” ai cũng nghĩ như vậy thì VN đâu đến nổi như bây giờ. Mới đây, nghe câu này của ông Nguyễn Dy Niên (cựu Bộ trưởng Ngoại giao – ông này từng kí bằng khen cho tôi thì phải): “Ngày ấy (năm 1975) chúng ta đã thực hiện những chính sách mà… đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, được một phần của Đổi Mới sau này thôi, thì Việt Nam bây giờ đã mạnh lắm, cường thịnh lắm... Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được, người dân thì hoang mang”. Ôi, nếu lúc đó mà ông làm thủ tướng hay tổng bí thư thì chắc đâu có “boat people”. Nhưng những người có suy nghĩ như ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Dy Niên không nhiều.

Năm nay, hình như các chính khách Việt Nam nói nhiều về hòa giải và hòa hợp. Nhưng thật ra, họ đi sau một số người Việt ở hải ngoại, những người đã nói đến cụm từ này từ 10 năm trước. Chính khách Việt Nam hơi chậm. Chẳng giới chính khách chậm, mà còn nói một đường làm một nẻo. Chẳng hạn như một đằng thì nói toàn những ý tưởng nặng tình dân tộc, nhưng một mặt khác thì vẫn quen thói sỉ nhục và xỉ vả người thất trận. Chẳng nói đâu xa, ông đại sứ Võ Văn Sung, miệng thì nói hòa hợp, nhưng miệng khác thì nói: "Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền …”. Khó tin đó là ngôn ngữ của nhà ngoại giao. Ông Thiệu là tổng thống; tại sao không gọi như thế mà gọi tên người ta trỗng không hàm ý khinh thị như thế. Lại còn những bài báo đây đó dùng những từ như “ngụy”, “bọn”, “bè lũ”, "tay sai" (ai là tay sai?), v.v… Mộ của thân phụ và thân mẫu của ông Thiệu bị bỏ hoang, trong khi thời trước 1975 mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ ông cụ Hồ) ở Cao Lãnh thì được bảo vệ và chăm sóc rất tốt, rất tình người.

Tôi có một anh bạn là giáo sư có tiếng về xã hội học, thường được mời về giảng ở trong nước. Trong khi đồng nghiệp của anh chào đón thân tình, thì giới an ninh theo dõi anh một cách công khai cứ như anh là … tội phạm. Mà, anh này chẳng chống đối gì chính quyền; ngược lại, anh từng là người hô hào chống VNCH và ủng hộ Mặt trận Miền Nam trước đây. Anh nói có lẽ vì anh dạy về xã hội học, một môn học khá “tế nhị” và “nhạy cảm” với Nhà nước hiện nay, nên anh nằm trong tầm nhắm của giới an ninh. Khổ thế!

Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ để thấy rằng ý tưởng thể hiện những mĩ từ “hòa hợp hòa giải” còn cách khá xa với cách hành xử trong thực tế.

Một dân tộc không đồng lòng hay thiếu đồng thuận là một dân tộc yếu. Nhìn sang Hàn Quốc mà thấy ngậm ngùi cho mình. Trước đây, miền Nam Việt Nam cũng gần hay tương đương với họ, mà nay thì ta đang nhìn họ như đứa trẻ mơ ước làm người lớn. Tổng thống người ta biết tha thứ cho cựu tổng thống đã lầm lỡ, còn bên ta thì kẻ té ngựa bị đày đọa cho chết, và nếu chưa chết thì thành thân tàn ma dại. Dã man. Như vậy thì làm sao mà kêu gọi người ta quên quá khứ (thật ra, không ai có thể quên quá khứ). Trong khi kêu người ta quên quá khứ, còn mình thì khư khư ôm lấy thù hận, mà còn tỏ ra miệt thị người ta!

Tôi nghĩ người Việt đã mệt mỏi với khẩu hiệu lắm rồi. Xin đừng hô hào khẩu hiệu nữa! Nên thể hiện thiện chí bằng hành động thực tế và có ý nghĩa thì mới thuyết phục được người dân, và may ra đóng góp một phần nhỏ trong quá trình thống nhất lòng người. Tôi nghĩ không nên thể hiện theo kiểu "ăn mừng", vì ý nghĩa ăn mừng của 1 triệu người bên này là ngày buồn của 1 triệu người bên kia (nói theo ý của cựu TT Võ Văn Kiệt). Nên chăng biến ngày này thành ngày hội thống nhất đất nước, và bỏ đi những thước phim [tự] ca ngợi một chiều, bỏ đi những từ ngữ mang tính xúc phạm người đang buồn.

NVT

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Lại bàn về hai loại đạo văn

Hôm nay đọc trên mạng thấy có bài của Ngô Tự Lập bàn về đạo văn, với một cái tựa đề rất … hấp dẫn: “Lợi ích của đạo văn”. Trong bài phỏng vấn, có đoạn nói “Ở các trường đại học Pháp, Mỹ mà tôi từng biết, sinh viên đạo văn sẽ bị đuổi học. Giáo sư đạo văn sẽ bị đuổi việc. Đó là cách xử lý thông thường ở mọi nơi, trừ ở Việt Nam . Có lẽ bởi vì ở các nước khác, chuyện đạo văn rất hiếm khi xảy ra. Quả thật, mặc dù đã học và dạy học ở nhiều nước khác nhau, tôi chưa gặp một trường hợp đạo văn nào”.

Không hẳn vậy đâu bác Lập ơi! Đạo văn ở ngoài này cũng phổ biến (tuy không phổ biến như ở VN), và có nhiều trường hợp đạo văn mà người phạm tội chẳng hề hấn gì. Mấy năm trước, tập san y khoa Canada có đăng một điều tra cho thấy 68% sinh viên y khoa từng đạo văn. Ở Úc này, có vài giáo sư phạm tội đạo văn, nhưng trong số đó chỉ có khoảng 50% là từ chức, còn phân nửa thì vẫn ok.

Đạo văn là do văn hóa? Tôi có đọc một bài rất thú vị nói về mối tương quan giữa văn hóa và đạo văn. “Văn hóa” ở đây họ đo lường bằng những chỉ số như khoảng cách quyền lực, phủ nhận tính bất định, cá nhân và tập thể, giá trị xã hội, v.v… Cách họ “đo” cũng công phu. Họ tính ra rằng những chỉ số này có liên quan với đạo văn, và những sinh viên Á châu là người có nguy cơ cao! Do đó, như bác Lập nói, văn hóa có lẽ liên quan đến đạo văn, nhưng nó phức tạp hơn những gì bác ấy nói. Thật ra, có người chỉ ra rằng ở VN đâu có ai chấp nhận đạo văn đâu? (xem phản hồi và bình luận của Phan Lệ Hà trên ELT Journal số tháng 1 năm 2006).

Trong entry trước tôi có bàn về hai loại đạo văn mà tôi tạm dịch là đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền. Một bạn đọc ở Đài Loan có vài góp ý thật thú vị và hay. Tuy anh không tự nói về anh, nhưng tôi biết anh là giáo sư nổi tiếng ở một Đại học lớn bên Đài Loan. Tôi có xin phép anh bạn giáo sư đó để đăng lại góp ý của anh dưới đây để các bạn theo dõi.

NVT

===

Góp ý của Gs TVĐ:

“Anh hỏi độc giả có đóng góp gì về hai chữ "competitive plagiarism" và "bureaucratic / institutionalized plagiariam" mà anh dịch là “Đạo văn cạnh tranh và “Đại văn quan quyền”. Cách dịch của anh khá chính xác, nếu nhìn theo phương thế đạo văn, và đúng nghĩa của competitive và bureaucratic, nhưng có lẽ chưa lột hết bản chất của hai từ này, cũng như đối tượng (nạn nhân) bị đạo văn. Tôi nghĩ:

1. "Competitive plagiarism" thuộc phạm trù ăn trộm. Đạo văn cũng có nghĩa là ăn trộm văn người khác. Ăn trộm, nên giấu kín, không cho nạn nhân biết. Vậy thì có lẽ nên dùng chữ đạo văn hay ăn trộm văn. Đạo văn, hai chữ này đã đủ ý nghĩa cho competitive plagiarism.

2. Riêng "bureacratic plagiarism" hay "institutionalized plagiarism" có thể được phân làm 2 loại:

Loại dùng uy quyền bắt người khác phải viết cho mình. Cái này phải được gọi là cướp văn. Bởi vì kẻ cướp văn một cách ngang nhiên, nạn nhân biết nhưng phải nghe theo, và không dám nói. Chỉ có quan quyền mới dám làm kẻ cướp ban ngày. "Con ơi! nhớ lấy lời này / Cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan.” Câu ca dao này quá hay!

Loại thứ hai mà anh lấy ý từ 2 giáo sư người Mỹ thì không phải là kẻ cướp, nhưng là người thuê mướn người khác viết cho mình. Người viết bài cho các ông lớn không phải là nạn nhân. Họ chủ động vì hoặc có tiền, hoặc có bổng lộc, hoặc dựa vào quan quyền để thăng quan tiến chức. Họ không phải là những tác giả ma, mà là những người có học thức làm việc cho bọn quan quyền. Nếu anh cho phép, tôi tạm dùng từ thuê văn, hay mượn văn (giống như thuê osin, hay thuê công nhân vậy). Và, người viết cho họ là bọn nô văn (nô dịch). Loại này ở Trung Quốc, Đài Loan khá nhiều, và bọn nó còn hãnh diện, thị oai với giới trí thức. Tôi từng quen 2 người chuyên viết thuê cho tổng thống Đài Loan. Một viết cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch, một cho Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Tôi nghi ngờ những bài kí tên Mao đều do những ông quan nô văn viết.

TVĐ”

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Tự quảng cáo: công trình mới về vitamin D

Hôm nay, tập san Osteoporosis International báo tin vui: công trình nghiên cứu về vitamin D và PTH của chúng tôi đã được công bố vào ngày hôm 23/4/2010 (vậy mà mãi đến hôm nay họ mới báo!) Đây là công trình nghiên cứu về vitamin D và PTH đầu tiên ở Việt Nam, và một trong những nghiên cứu lớn nhất ở châu Á. Ý tưởng về công trình này thật đơn giản, vì chỉ nhằm trả lời một câu hỏi: có bao nhiêu người thiếu vitamin D ở nước ta? Chúng tôi, gồm các bạn bên Bệnh viện 115 và nhóm của tôi, thiết kế công trình này. Chúng tôi tốn gần 9 tháng mới thu thập xong dữ liệu. Lại phải tốn thêm 6 tháng phân tích, viết bài, và bình duyệt qua lại của mấy chuyên gia để được chấp nhận công bố. Lúc đầu chúng tôi đặt tựa đề bài báo là "Hypovitaminosis D in a urban population in Vietnam" nhưng một chuyên gia bình duyệt phàn nàn rằng chữ Hypovitaminosis quá Latin-Hy Lạp và khó hiểu, nên chúng tôi sửa lại là "Vitamin D status and parathyroid hormone in a urban population in Vietnam". Chúng tôi cố ý để "Vietnam" trên tiêu đề để quảng cáo Việt Nam vậy mà. Nay thì mọi việc đã xong, và có thể … ăn mừng rồi. :-)

Kết quả của công trình đóng góp cho y văn vài thông tin quan trọng về chủ đề vitamin D và PTH. Mấy năm gần đây, giới nội tiết, đặc biệt là loãng xương, rất quan tâm đến vitamin D. Nhóm của tôi quan tâm đến vitamin D từ thập niên 1990s, với một bài trên Nature, nhưng sau đó thì chạy theo những đề tài khác về gien nên … bỏ quên. Nay có dịp quay lại, và học được nhiều điều rất thú vị. Ngày nay thì người ta biết rằng vitamin D ảnh hưởng đến nhiều bệnh, bởi vì thụ thể vitamin D có mặt ở hầu hết các mô trong cơ thể. Người thiếu vitamin D thường có nguy cơ cao mắc các bệnh như loãng xương, tiểu đường, tim mạch, khớp, nhiễm, v.v… (Tôi có chia sẻ những thông tin mới về vitamin D với bạn đọc qua 1 hay 2 bài gì đó trên Tuổi Trẻ.) Nghiên cứu này cho thấy khoảng phân nửa phụ nữ và 1 phần 5 nam ở TPHCM thiếu vitamin D. Đó là tần số tương đối cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiệt đới như ở nước ta.

Ở các nước như Mã Lai, Nhật, Hàn Quốc, thậm chí Singapore thì tần số thiếu vitamin D trong dân số có khi lên đến 90%! Gs Michael Holick (một guru về vitamin D) nói rằng tình trạng thiếu vitamin D toàn cầu như hiện nay là một “đại dịch”. (Ông này rất đặc biệt: bị đại học Boston yêu cầu nghỉ việc vì ông kêu gọi dân Mĩ phơi nắng, đi ngược lại khuyến cáo của bộ môn da liễu mà ông lúc đó là thành viên. Sau khi tự nguyện rời bộ môn, ông viết sách về vitamin D và còn nổi tiếng hơn nữa. Tôi từng dự những buổi giảng của ông ấy -- ổng giảng cực kì hay và hào hứng -- và có dịp nhờ ổng góp ý cũng như học rất nhiều từ ông guru này). Có thể ông ấy nói đúng. Phân tích mới nhất cho thấy trong đại dịch 1918, những vùng thiếu vitamin D nhiều cũng chính là những vùng có tỉ lệ tử vong cao do virus H1N1 gây nên. Nhưng đây mới là “ecologic association”, nên vẫn còn phải tìm hiểu thêm mới xác định được vitamin D và nguy cơ bệnh cúm. Có giả thuyết cho rằng H5N1 hoành hành một phần cũng do thiếu vitamin D, nhưng hình như giả thuyết này chẳng được ai để ý. :-)

Tuy nhiên, đây mới là công trình khởi đầu, vì trong tương lai chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về vai trò và cơ chế gien của vitamin D với một số bệnh thông thường ở VN. Thật ra, chúng tôi đã hoàn tất một công trình cũng về vitamin D và một bệnh khác, nhưng vì đang được một tập san bình duyệt nên chưa dám nói gì ở đây.

Có hai câu hỏi mà chúng tôi vẫn chưa trả lời được trong nghiên cứu này là (a) mối liên hệ giữa vitamin D và PTH, và (b) ngưỡng PTH nào để xác định thiếu hay đủ vitamin D. Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngõ, và chắc chắn sẽ là đề tài thú vị cho những ai muốn theo đuổi đề tài này.

Trong “thể kỉ vitamin D” (có người nói như thế), tôi nghĩ công trình này từ Việt Nam và của người Việt Nam là một đóng góp có ý nghĩa cho y văn thế giới. Ở một khía cạnh khác, công trình này cũng nói lên rằng ở Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những nghiên cứu có giá trị cao mà không cần đến bạc triệu đô-la như nhiều người nói.

NVT

Tin vui: Gs Nguyễn Đăng Hưng được Vương quốc Bỉ tặng huân chương

Anh Nguyễn Đăng Hưng vừa báo một tin vui: anh mới được Bộ trưởng Ngoại giao của Vương quốc Bỉ trao tặng huân chương "Grand Officier de L'Ordre de la Couronne". Anh Hưng là một trong 33 người được tặng huân chương vì đã có công phục vụ cho cộng đồng và cho Vương quốc Bỉ. (Tôi viết vậy có đúng không, anh Hưng?) Thành thật chúc mừng anh.

NVT




Về sách giáo khoa sử và dạy sử

Hôm trước tôi có một entry bàn về sách giáo khoa sử hiện nay. Một bạn đọc có vài ý muốn nói thêm dưới đây. Tôi thấy đây là tiếng nói của “người trong cuộc” nên xin mạn phép bạn đọc đăng để các bạn cùng tham khảo. Bạn đọc xin ẩn danh, nên tôi tôn trọng yêu cầu của bạn ấy.

NVT
====

“Chào thầy,

Về chuyện dạy và học môn Sử, đọc bài viết này của thầy, thật lòng em rất tâm đắc. Bản thân em lúc còn đi học em rất yêu thích môn học này. Lúc còn bé em thường xin ba mẹ cho mua sách “Lịch sủ Việt Nam bằng tranh” để đọc, rồi sau này cũng đã mượn và đọc qua “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên trong thư viện trường cấp 2. Ngày học cấp 2, cấp 3, cứ mỗi lúc đang nghỉ hè, vừa mới mua SGK mới là em lại tìm quyển sách sử ra đọc trước, và đọc SGK Sử từ cấp 2 lên cấp 3, thật lòng em thấy sách viết … càng gần về lịch sử hiện đại thì càng chán. Chán nhiều lắm thầy ạ. Về chiến tranh thế giới thứ II chẳng hạn, người ta có thể ngợi ca sự hy sinh của những người lính Xô viết, nhưng cũng khó có thể phủ nhận vai trò của những người lính Đồng minh ở mặt trận phía tây. Người ta chỉ trích Anh, Pháp là dung túng cho Hitler, rồi sau này tìm hiểu qua sách báo, ta lại thấy rằng trong việc nhượng bộ cho Hitler thôn tính một vài nước châu Âu có cả bàn tay của Stalin. Rồi chưa kể là một kẻ khát máu và giết hại đồng chí, đồng đội như Stalin thì xuyên suốt từ môn Sử sang môn Văn cũng thấy cái câu “Tiếng đầu lòng con nói Stalin”.

Về Sử quốc tế có thể cảm nhận đó của em hơi cảm tính, nhưng còn về Sử trong nước thì thật sự em rất bất bình với cách học hiện nay. Nếu như ta quan niệm thi cử là thước đo cho việc học hành, thì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay, các cô tú, cậu tú của chúng ta đi thi Sử Việt Nam chỉ có tụng đi tụng lại số xe tăng, số máy bay, số Mỹ, số ngụy bị ta hạ gục, tụng đi tụng lại giai đoạn 1930-1975. Trong khi đó cả một giai đoạn dài 1000 năm Bắc thuộc, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa, bao nhiêu vị anh hùng đã hy sinh, rồi 1000 năm phong kiến của nước ta cũng không thiếu những thắng lợi, vinh quang, và cả thất bại, v.v… chưa hề được hỏi lấy dù chỉ một câu trong đề thi Sử tốt nghiệp THPT. Nhớ số liệu thương vong cho chính xác, chi tiết để làm gì thiếu một cái nhìn tổng quan xuyên suốt chiều dài lịch sử nước nhà.

Có những lúc nói chuyện với một số bạn bè đồng trang lứa, em cảm thấy buồn vì một số bạn bè dễ dàng nói những câu như “ghét môn Sử”,”học Sử để làm gì”, và thậm chí nói rằng mình “mù Lịch Sử” mà cảm thấy như đó là một chuyện hết sức bình thường. Với cách dạy Sử hiện nay thì Lịch Sử nước nhà chỉ e là ngày càng mai một.

Em xin chào thầy.”

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Chạy theo bài báo khoa học?

Bác Văn Như Cương lại lên tiếng. Và, không thể bỏ qua ý kiến của bác ấy, nhất là những ý kiến liên quan đến giáo dục đại học và làm khoa học. Tôi có cảm giác những gì bác viết trong bài là bác muốn nói với bác Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, anh Phạm Đức Chính, và tôi. Chẳng hạn như bác nói “Có người nói rằng GS của ta chỉ có một số ít người xứng tầm thế giới” là nói đến bác Tụy rồi. Hay câu “Một số nhà khoa học đưa ra những con số thống kê để chứng tỏ tình hình nghiên cứu khoa học của ta là thấp kém, nào là số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, bằng 1/6 so với Singapore, trung bình mỗi GS mỗi năm chưa có đến một bài báo, số phát minh được cấp bằng sáng chế rất ít” là rõ ràng bác chỉ tay đến anh Hiển, anh Chính và tôi. Còn câu này “Ngay cả việc xem xét chức danh GS, PGS cũng phải phân biệt hai ngạch: ngạch nghiên cứu và ngạch giảng dạy” thì rõ ràng bác lấy đề nghị của tôi đó nhé. :-)

Bác VNC trích lời của “một số sinh viên” rằng “Chúng em chỉ được nghe các GS không xứng tầm giảng bài, còn chưa bao giờ được nghe các GS xứng tầm”. Tôi nghĩ bác chỉ nói cho ... vui thôi, hay nói mỉa mai những ai kêu gọi nghiên cứu khoa học trong đại học. Nhưng xin hỏi bác, “một số sinh viên” là bao nhiêu người, ở đâu, và câu đó nói trong bối cảnh nào? Không có những thông tin đó thì lí giải của bác không thuyết phục được ai.

Nhưng thú thật, đọc qua ý kiến của bác, tôi phải nói là khó mà đồng ý được những gì bác viết. Bác nói rằng giáo sư chỉ cần giảng dạy tốt, chứ chẳng cần nghiên cứu. Nhưng tôi nghĩ để giảng dạy tốt, người giáo sư phải am hiểu môn mình giảng, mà để am hiểu thì phải làm nghiên cứu khoa học. Làm nghiên cứu cũng là cơ hội để cập nhật hóa kiến thức. Do đó, rất khó mà nói giảng dạy tốt mà không cần nghiên cứu. Nếu chỉ giảng dạy hết ngày này sang ngày khác một môn học thì có khác gì là “thợ giảng”. Giáo sư không phải là thợ giảng.

Trong đại học, hai lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học đi song song nhau, nhưng cái nào quan trọng hơn thì là tùy thuộc vào cá nhân và trường. Có cá nhân đặt giảng dạy làm nhiệm vụ chính, và nghiên cứu là phụ, nhưng cũng có cá nhân lấy nghiên cứu làm lĩnh vực hoạt động chính và giảng dạy chỉ là phụ. Trường nhỏ và mới thành lập thì có lẽ nhiệm vụ giảng dạy quan trọng hơn là nghiên cứu. Nhưng một trường mang tầm vóc quốc gia mà không nghiên cứu thì thật là … khó nhìn.

Còn những thống kê về số bài báo khoa học mà tôi, anh Hiển, và anh Chính công bố là sự thật. Tùy theo cách diễn giải, nhưng chúng tôi xem đó là bằng chứng cho thấy năng suất khoa học của ta còn thấp so với các nước trong vùng. Năng suất khoa học thấp là do các đại học chưa đặt nặng vấn đề công bố quốc tế, chưa xem đó là tiêu chuẩn chính để đề bạt giáo sư, hay thậm chí không xem đó là điều cần thiết để cấp bằng tiến sĩ. Thành ra, một trong những cải cách về giáo dục và khoa học là phải đưa vấn đề công bố quốc tế thành một chuẩn mực cho hoạt động khoa học.

NVT

===
http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nld.com.vn/Chay-theo-bai-bao-khoa-hoc/4179339.epi

Chạy theo bài báo khoa học?

Nhiệm vụ chủ yếu của các trường ĐH là đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu khoa học là hoạt động cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo nhưng không thể đặt lên hàng đầu.

Nếu các giảng viên tập trung vào việc nghiên cứu khoa học, cố viết nhiều công trình có thể đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín, đi dự các hội nghị khoa học quốc tế... để được điểm tốt trong các đợt xét công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) thì tôi e rằng hiệu quả đào tạo sẽ gặp vấn đề. Có người nói rằng GS của ta chỉ có một số ít người xứng tầm thế giới.

Điều đó có thể đúng và có một số sinh viên nói rằng: “Chúng em chỉ được nghe các GS không xứng tầm giảng bài, còn chưa bao giờ được nghe các GS xứng tầm”. Tôi trả lời rằng các GS xứng tầm thường giảng bài ở nước ngoài hoặc đi dự hội nghị, hội thảo nên... đành vậy. Thật là may, nếu tất cả các GS ta đều có tầm cỡ thế giới thì không biết lấy ai giảng bài cho sinh viên ta?

Lực lượng giảng viên trẻ hiện nay khá đông đảo, phần lớn có bằng thạc sĩ và thường đang cố gắng lấy bằng tiến sĩ (TS). Và đó cũng là lực lượng đứng lớp giảng bài. Khuyến khích họ làm TS, PGS, GS, nâng cao thành tích nghiên cứu khoa học là đúng nhưng cũng cần khuyến khích họ nâng cao thành tích giảng dạy, mang lại hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo. Một số nhà khoa học đưa ra những con số thống kê để chứng tỏ tình hình nghiên cứu khoa học của ta là thấp kém, nào là số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, bằng 1/6 so với Singapore, trung bình mỗi GS mỗi năm chưa có đến một bài báo, số phát minh được cấp bằng sáng chế rất ít...

Điều đó là đúng để chúng ta thấy mình đang đứng ở vị trí nào về nghiên cứu khoa học. Nhưng từ đó không nên đi đến kết luận là các giảng viên ĐH cần phải tập trung cao độ nghiên cứu khoa học để có thể nâng số bài báo nhiều lần. Không nên khuyến khích việc có bài đăng trên tạp chí quốc tế bằng cách thưởng cho mỗi bài báo số tiền tính bằng USD, như quyết định của Bộ GD-ĐT. Chúng ta đã có một hệ thống viện nghiên cứu, mà nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu khoa học và cũng khuyến khích họ tham gia giảng dạy ĐH.

Trong tình hình hiện nay, trường ĐH cần tập trung cao độ về đào tạo, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học để đưa vào bài giảng những kiến thức hiện đại, cập nhật kết quả mới nhất... Ngay cả việc xem xét chức danh GS, PGS cũng phải phân biệt hai ngạch: ngạch nghiên cứu và ngạch giảng dạy. Trong ngạch giảng dạy cần xét đến những thành tích về đào tạo như: số lượng sinh viên được đào tạo, số các sách tham khảo, chuyên đề đã công bố, số luận văn cao học, luận văn TS đã hướng dẫn...

GS Văn Như Cương

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Sách giáo khoa sử và văn hóa dân tộc

Entry bàn về vị “tiền tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích của tôi bị nhiều người phản đối. Trong entry đó tôi ám chỉ rằng vì cách dạy sử và môi trường giáo dục ưu việt XHCN hiện nay sản sinh ra những người thiếu tầm văn hóa như cô Bích. Thế là nhiều bạn đọc lớn lên trong nền giáo dục ưu việt đó phản đối tôi là mượn chuyện này để “nói xấu” họ. Thật ra thì không phải nói xấu đâu, tôi chỉ nói sự thật thôi. Nhiều người cũng đồng tình với tôi, nhưng họ không nói ra. Chẳng hạn như entry của bác DrNikonian dưới đây nói là “phản đối” (bác này có chiêu tiếp thị hay!) nhưng thực ra thì bác ấy đồng tình với nhận xét của tôi, nhưng bác ấy còn đi xa hơn một bước là nói kĩ hơn về một khía cạnh đau lòng khác (như khía cạnh hồng và chuyên, hay chủ nghĩa lí lịch) của nền giáo dục đó. Tôi mượn entry này để nói leo và giải thích những nhận xét trước của tôi.


Hôm còn ở trong nước, nhân vài giờ rảnh rổi, tôi lang thang trong tiệm sách Fahasa (vì Xuân Thu đã đóng cửa) tìm sách giáo khoa về sử ở bậc tiểu học và trung học, trước là tìm hiểu xem nhà trường bây giờ dạy sử ra sao, sau là gửi về quê làm quà cho mấy đứa cháu đang học. Đang lựa sách thì gặp một anh bên trường Đại học Y dược cũng lang thang lựa sách. Anh này từng theo học mấy khóa học bên bộ môn Nội tiết tổ chức nên cũng biết tôi, và chúng tôi có vài phút trao đổi rất vui về cách dạy sử trong trường học thời nay. Tôi có vài nhận xét chớp nhoáng khi xem qua những cuốn sách dạy sử này như sau:

Đặc điểm tôi để ý nhất về sách sử là nó rất mỏng. Cuốn nào cũng chỉ cao lắm là 200 trang, nhưng cũng có cuốn chỉ trên dưới 100 trang. Chữ in thì to lớn, nên dung lượng thông tin càng ít. Chất lượng giấy theo tôi là không tốt so với những cuốn sách dạy thêm. Hình như (vì tôi không dám khẳng định) mỗi bậc học chỉ có một cuốn sách giáo khoa về sử, và như thế thì ít quá.

Về nội dung thì đặc điểm nổi bật nhất là bộ sách sử tiểu và trung học tập trung quá nhiều vào những đề tài mang tính quân sự và chính trị, nhưng rất ít (thậm chí không có) những trình bày về lịch sử dân tộc, về truyền thống, về văn hóa, về xã hội và kinh tế. Tôi thử tính nhanh thì thấy hàm lượng thông tin về lịch sử cổ (tức thời Hai Bà Trưng, Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn) chỉ chiếm khoảng 20% nội dung bộ sách, phần còn lại là những thông tin về cách mạng. Điều này bất bình thường, bởi vì hàm lượng thông tin theo tỉ lệ nghịch về quá trình dựng nước và giữ nước: cách mạng chỉ có vài chục năm, mà lịch sử dân tộc thì dài cả 2000 năm. Ngay cả những đề tài về quân sự và chính trị, sách cũng viết theo kiểu của người chiến thắng, như ai đó từng nói “Sử là sử của người thắng trận”.

Một đặc điểm về sách giáo khoa sử mà tôi thấy là trong khi những thông tin về văn hóa dân tộc thì ít, nhưng thông tin về những trận đánh thời cách mạng thì chi tiết đến con số địch bị tiêu diệt! Người soạn có vẻ hăng say đếm xác tử thi và xem đó là bằng chứng oai hùng của “phe ta”.

Vài năm trước, khi báo chí nêu vấn đề dạy sử ở trường học, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, được xưng tụng là một trong “tứ trụ” về sử học thời nay, thú nhận rằng chính sách giáo khoa về sử do ông biên soạn ít đề cập đến văn hóa dân tộc, và than rằng với kiểu dạy như vậy thì làm sao mà gieo vào các em học sinh tinh thần yêu mến văn hóa dân tộc.

Thêm vào đó là những hoài nghi về sự chính xác của sách giáo khoa sử. Mới đây, Giáo sư Phan Huy Lê, cũng là một trong những tứ trụ “sử gia của triều đình”, cũng nói rằng nhân vật Lê Văn Tám là không có thật. Cứ theo như Gs Lê thì huyền thoại Lê Văn Tám được tạo ra để phục vụ cho tuyên truyền tinh thần chiến đấu thời đó, nhưng nay sứ mệnh đó đã xong thì nên trả lại sự thật cho sử liệu. Ấy thế mà nhân vật này được dạy trong trường học, và có những con đường, công viên mang tên nhân vật. Còn biết bao nhân vật khác như vậy nữa? Như vậy là sách giáo khoa về sử hiện nay nhầm lẫn giữa sử và tuyên truyền.

Do đó, không trách học trò chẳng biết gì về văn hóa dân tộc, không rành cổ sử, và lẫn lộn giữa hư cấu và sự thật. Cô Đỗ Ngọc Bích và nhiều người khác là sản phẩm của nền giáo dục như thế, thì xác suất mà cô không rành sử nước nhà và thiếu bản lĩnh văn hóa cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đâu phải ai cũng vậy, trong thực tế vẫn có những đóa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, nên dù lớn lên trong môi trường sách giáo khoa lịch sử phiến diện như hiện nay mà vẫn là người Việt Nam đàng hoàng (dù con số này hình như càng ngày càng giảm).

Các nhà sử học đã và đang kêu gọi viết lại sách giáo khoa về sử. Tôi nghĩ “sự kiện Đỗ Ngọc Bích” làm cho lời kêu gọi này cấp bách hơn bao giờ hết. Cấp bách là vì chúng ta đang giai đoạn bảo vệ chủ quyền đất nước từ những âm mưu đen tối của “nước lạ”.

NVT

===

http://drnikonian.wordpress.com/2010/04/25/fake_doctors/#comments

Phản đối bác Tuấn!


25/04/2010

Bị mắc kẹt ở sân bay vì núi lửa Iceland trong mấy ngày qua, tôi chỉ đủ thời gian đọc loáng thoáng những trang mạng đang sôi lên sùng sục sau bài viết ngạo mạn về lập luận và kém cỏi về học thuật của một vị sắp là tiến sĩ họ Đỗ tên Bích. Quả tình, với cách khoe mẽ để nổi danh theo kiểu Erostrate đốt đền, bài viết của thiếm họ Đỗ chẳng đáng quan tâm, cũng như cuốn Sợi Xích gây ồn ào của thiếm Như cách đây không lâu vậy. Chỉ có điều, nó xuất hiện trên BBC, kèm theo một số học vị chức danh rổn rảng. Do đó, nó đáng để nhiều bậc cao nhân, dành thời gian để vạch mặt chỉ tên sự ngu xuẩn của một vị sắp là tiến sĩ (?), mà còn giúp mở mắt cho khá nhiều bạn trẻ, khỏi dễ dàng “bị xuyên tạc và lung lay trước các luận điệu phản quốc và thù địch”. (Ấy là tôi nói theo văn phong đương đại, cho nó hợp thời).

Đọc CV của thiếm Đỗ, lại thấy khá nhiều điểm quen quen. Không khó khăn lắm, người ta dễ dàng tìm được một công thức chung, na ná như nhau trong hành trình hồng, lót nhung của khá nhiều người thuộc tầng lớp của thiếm ấy: Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội; là con cháu dâu rể của một ông to bà lớn nào đó; vào Đại học bằng nhiều phương cách ưu tiên và rất kém công bằng; được giữ lại trường giảng dạy; dễ dàng kiếm được một suất du học “xịn”. Chẳng bao lâu, họ có được một số học vị ngất ngưỡng. Xuất hiện trên truyền thông đại chúng thường xuyên, được công chúng thán phục và tin tưởng đến sái cổ.

Ngành y cũng không là ngoại lệ với những vị như tiến sĩ Đỗ (ta hãy gọi trước như thế, cho thiếm ấy mát ruột). Những năm 70-80, khi chủ nghĩa lý lịch còn nặng nề, cánh cửa thi tuyển gắt gao vào trường Y chỉ mở rất hẹp cho một số rất ít những học sinh trung học ưu tú nhưng lý lịch không thuộc nhóm “cây đa Tân Trào”. Hết sức vất vả, họ phải chiến thắng những bạn cùng trang lứa, kém cỏi hơn nhiều nhưng dễ dàng vượt lên trên, bằng chế độ ưu tiên có khi chêch lệch đến hơn 10 điểm, cho 3 môn thi Toán, Hóa, Sinh vật. Vậy mà vẫn chưa đủ, với những hạt giống ưu tiên đó, người ta còn bày ra một trường Dự bị Đại học, cho các bạn ấy tà tà nghỉ mát một năm, “đến hẹn lại lên” ở sân trường Đại Học. Còn các bạn lỡ bị cấm cửa vì lý lịch xấu ư? Chịu khó ra đường sửa xe, đi kinh tế mới, hay vượt biên vậy!

Phàm là Đại học của ta, vào được là ra được. Sau dăm năm, các “hạt giống” ấy cũng ra trường, mặc dù khá vất vả với dăm lần lưu ban và vô số lần thi lại. Cũng như hành trình vào Đại học, họ dễ dàng kiếm được dăm suất du học bằng tiền Nhà nước, mà chẳng phải qua bất cứ kỳ thi tuyển gắt gao nào. Với lộ trình êm như nhung như vậy, ta chẳng ngạc nhiên nếu một mai kia, họ xuất hiện trên báo chí, truyền thông với khá nhiều học vị: giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú…, kèm theo với nhiều chức vị lãnh đạo chủ chốt.

Ta nên mừng cho họ, nếu như nền học vấn họ thủ đắc được (một cách không mấy công bằng) là một nền y thuật cao minh, hơn người. Khốn nỗi, trong y khoa không có chỗ cho cụm từ “đi tắt đón đầu”. Không như âm nhạc, toán học…, y học không có thiên tài. Vì y khoa là một quá trình xuyên suốt và nối tiếp nhau. Kiến thức y khoa thì lại phát triển như vũ bão, nó tăng gấp đôi về số lượng mỗi 50 năm. Nó khổng lồ và xuyên suốt. Nên chỉ có những đầu óc mẫn tiệp và không bị mất căn bản từ bậc trung học mới có thể theo kịp giáo dục y khoa, ngay cả khi trong sân trường đại học. Đó là chưa tính đến khả năng tiếp cận khối kiến thức này bằng ngoại ngữ (đọc hiểu, nói, viết), kỹ năng tối quan trọng mà bất cứ bậc hàn lâm nào cũng phải có, trước khi lên đến đỉnh cao nghề nghiệp. Nhưng đã bảo, Đại học của ta nó thế, vào được là ra được!

Ngày ấy, các thầy, các giáo sư đã dạy dỗ chúng tôi rất khác với họ bây giờ. Dù là một giảng viên “lưu dung” của đại học Y khoa Sài gòn cũ, hay một vị trong ban quân quản vào tiếp nhận trường Y, có một điểm chung giữa họ. Ít nhất, họ thuộc về một nền giáo dục và gia đình nghiêm cẩn, danh giá, có truyền thống ăn học nhiều đời. Được giáo dục tốt từ tấm bé về nhiều mặt (kể cả ngoại ngữ), các giáo sư này đã là niềm ngưỡng mộ (xứng đáng) của thế hệ chúng tôi thời ấy. Họ được kính trọng, về kiến thức và tư cách.

Thời ấy tuy đói khó, nhưng rau nhiều hơn sâu!

Đến thời thiếm Đỗ, khi nồi canh rau học hàm học vị đã lúc nhúc sâu, ta chẳng ngạc nhiên về cơn mưa tiến sĩ giáo sư y học trong thời gian gần đây. Cũng như thiếm Đỗ, họ cũng rao giảng khá nhiều ngụy-lý-thuyết y học trên truyền thông (thịt chó mắm tôm dịch tả, vú lép lái xe… là dăm ví dụ điển hình). Chẳng khác “sấm động Nam bang”, công chúng dễ dàng lè lưỡi kính phục những trước tác, cũng như đời sống cá nhân rất hàn lâm và chuẩn mực mà họ tự khắc họa trên báo chí. Chỉ có y giới là lắc đầu cười khì khì bên bàn nhậu, cùng ngâm câu “thế sự du du nại lão hà” của Đặng Dung cho vui vậy!

Thế thôi, họ là sản phẩm của một thời. Cây khế chua, mặc dù được ưu tiên trồng trên đất tốt, cũng không thể cho quả mít ngọt. Chỉ có điều, như thiếm Đỗ nhà ta, các cây khế chua bị chứng tự kỷ ám thị khá nặng. Họ nhanh chóng quên đi chặng đường nhiều đãi ngộ bất công mà họ đã được ưu tiên để có ngày hôm nay. Họ thành thật tin vào học thuật cao minh của mình. Và ra sức quảng bá cho mình và cho sở học đó bằng những lời lẽ lộng ngôn và ngu-ngốc-một-cách-tự-tin!

Thế mới biết, chứng vĩ cuồng là hay lây, cũng như bệnh tả vậy!

Dông dài để thấy, những vị như thiếm Đỗ là sản phẩm nhan nhản của một lỗi hệ thống rất nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục. Tôi không ngạc nhiên, khi thiếm ấy thiếu những lý tính và cảm tính tối thiểu, để dễ dàng xúc phạm lòng ái quốc thiêng liêng và chính đáng của dân tộc mình.
Giá mà, các bác phú lít vào cuộc, bắt bỏ bót thiếm ấy dăm hôm về tội phát ngôn phản quốc, như đã làm với mấy em cháu vì “lỡ dại” yêu nước mà mặc áo thun “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam”. Hoặc nọc ra trước Văn Miếu đét cho vài trượng, như người ta đã làm với các trí thức phản quốc thời phong kiến. Giúp cho thiếm ấy “vừa hồng vừa chuyên”, há chẳng tốt sao?

GS Nguyễn văn Tuấn dùng chữ “quái thai”để mắng thiếm ấy. Xin phản đối! Thiếm ấy là một trong những sản phẩm hàng loạt của thời buổi này, có phải đột biến đâu mà gọi là “quái thai”, bác Tuấn thân mến ơi!

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Cây cầu nối liền lòng người

Toàn cảnh Cầu Cần Thơ, nhìn từ Vĩnh Long
(Ảnh của báo Thanh Niên)

Hôm qua (24/4/2010) là ngày Cầu Cần Thơ chính thức khánh thành và thông xe. Tôi nghĩ đó là một ngày lịch sử của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy là ước mơ bao đời của người dân trong vùng nay đã một phần thành hiện thực. Từ nay, sẽ không còn cái cảnh cả trăm, có khi cả ngàn, xe phải nối hàng nhau qua bắc Cần Thơ nữa. Riêng với tôi và những người quê vùng Kiên Giang hay An Giang, từ nay con đường về quê cũng nhanh hơn, vì có thể đi một mạch từ Sài Gòn về thẳng Kiên Giang mà chẳng phải qua bắc nào cả. Từ nay, con đường về nhà cũng rút ngắn lại ít nhất là 1 tiếng đồng hồ. Tôi nhẫm tính nếu không có Cầu Cần Thơ thì tôi phải mất 5 hay 6 tiếng đồng hồ đi từ Sài Gòn về Rạch Giá, một con đường vốn chỉ có 267 km; nhưng từ nay, tôi chỉ cần 4 đến 5 tiếng đồng hồ là về đến nhà. Vẫn còn quá lâu. Nếu ở ngoài này, với đường cao tốc thì tôi chỉ cần 3 tiếng đồng hồ mà thôi. Nhưng đâu thể “được voi đòi tiên” hoài! Như vậy cũng là tốt rồi. Phải từng bước thôi. Đâu thể nghèo mà chơi sang, hay “đi tắt đón đầu” hoài được. Nói tóm lại, ở từ một nơi rất xa quê, tôi cảm thấy thật vui khi nhìn những hình ảnh Cầu Cần Thơ thông xe sáng hôm qua.


Ở trên tôi nói “một phần thành hiện thực”, là vì vùng ĐBSCL vẫn còn phải có 2 cây cầu nữa thì mới nối liền tất cả các tỉnh trong vùng: đó là cầu sông Vàm Cống (nối liền An Giang và Kiên Giang) và sông Cái Lớn (nối liền Kiên Giang và Minh Hải, U Minh). Nhưng cầu vẫn chưa đủ, mà phải có cả đường xá tốt. Hiện nay, đường về miền Tây vẫn còn lắm gập ghềnh. Chỉ có con đường từ Sài Gòn đi Trung Lương là “coi được”, phần còn lại thì rất xấu. Thật ra, hai cây cầu Vàm Cống và Cái Lớn cũng như đường cao tốc Sài Gòn đi miền Tây đang nằm trong kế hoạch của Nhà nước. Hi vọng vài năm nữa, thì ước mơ của người dân vùng ĐBSCL sẽ trọn vẹn.

Cầu Cần Thơ là một cây cầu hoành tráng (hoành tráng thật sự, chứ không phải mĩ từ thời thượng) và đẹp. Theo các thông số công bố thì cầu Cần Thơ có tổng chiều dài 15.75 km, với chiều dài chính là 2.75 km, rộng 26 m, cao 171 m. Những cây cầu nổi tiếng khác trong vùng như Cầu Penang (Mã Lai, nhịp chính dài 225 m, tổng chiều dài 13.5 km); Cầu Suramadu (Nam Dương, tổng chiều dài 5.4 km); Cầu Rama IX (Thái Lan, tổng chiều dài chỉ 781 m và nhịp chính dài 450 m). Với chiều dài chính như thế, Cầu Cần Thơ là cây cầu giây lớn nhất Đông Nam Á.

Cần Cần Thơ đẹp là vì thiết kế cũng có ý nghĩa của nó. Nếu Cầu Mỹ Thuận có trục chính thiết kế theo hình chữ H, với ý nghĩa cây dừa rất phù hợp với vùng ĐBSCL, thì Cầu Cần Thơ có trục chính hình chữ A đứng. Nhà thầu Nhật phụ trách phần thiết kế giải thích rằng trụ tháp chữ A phản ảnh văn hóa Phật giáo, vốn là tôn giáo số 1 ở nước ta. Chữ A có nghĩa là A-di-đà-Phật. Nếu để ý chúng ta thấy phần trên của chữ A là hình giống như hai tay chắp lại, vàp phía dưới chữ A là hình như hai chân khép lại, thể hiện hình người đang đứng nhún mình chắp tay lạy Phật. Thiết kế Cầu Cần Thơ như nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Việt Nam là một nước theo đạo Phật, và yếu tố tôn giáo (kể cả các tôn giáo khác) cực kì cần thiết cho xã hội ngày nay đang có tín hiệu loạn chuẩn mực đạo đức. Mỗi lần đi ngang Cầu Cần Thơ, nhìn hình người đứng chắp tay niệm Phật người dân mong ước sự bình an, tịnh tâm theo nghĩa Nhà Phật. Cái ý nghĩa này còn liên quan đến sự cố 26/9/2007 gãy sập nhịp cầu làm cho 55 công nhân tử nạn. Nhìn hình niệm Phật để nhắc nhở chúng ta về sự hi sinh của những người đã góp phần làm nên cây Cầu Cần Thơ lịch sử.

Ý nghĩa chữ A là chắp tay niệm "A Di Đà Phật"
(ảnh của Vietnamnet)

Người ta là người nước ngoài, thiết kế Cầu Cần Thơ còn nghĩ đến văn hóa của Việt Nam, là điều quá đáng khen. Nhưng điều đáng nói, hay đáng trách, là người mình thiết kế cầu thì chẳng để ý gì đến văn hóa Việt Nam. Cây Cầu Rạch Miễu chỉ bắt chước cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế nhưng cột chính hình chữ A, mà chữ A ... đơn thuần. Còn mấy cây cầu khác do "phe ta" thiết kế và thi công thì khỏi nói, vì nó quá thô mà cũng chẳng có mĩ quang gì. Hình như nhiều cây cầu thiết kế sau này chỉ làm cho có, thiết kế theo kiểu Liên Xô, toàn là một khối bê tông và khối sắt cộc kệch, thể hiện hình thức đe dọa, chứ chẳng có gì mang tính văn hóa cả. Nhìn cây cầu Qui Nhơn thì biết. Ước gì mai kia mốt nọ người ta thiết kế các công trình giao thông để ý đến khía cạnh văn hóa dân tộc.

Cầu Cần Thơ bắt ngang hai bờ sông Hậu đã nối liền một nửa vùng đất trù phú ruộng với một nửa vùng đất trù phú vườn trái cây. Cầu Cần Thơ chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển vùng đất mệnh danh là vựa lúa của cả nước, và cũng là một trong những dựa lúa nuôi cả thế giới. Tôi chợt nghĩ đến mấy đứa em họ và mấy đứa cháu của tôi trước đây khi tốt nghiệp đại học ở “thành” chúng nó ít khi nào chịu về quê vì nói “xa ánh sáng kinh kì” quá! Thật ra, chỉ có 200 km thì có gì là xa đâu, nhưng thời đó chưa có chưa có Cầu Mỹ Thuận, chưa có Cầu Cần Thơ, và cũng chưa có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, thì 200 km quả là xa xôi. Thời tôi còn đi học mấy chục năm về truớc thì Sài Gòn vẫn còn là nơi kinh kì xa xôi diệu vợi hơn nữa. Nhiều người dân ở làng tôi chưa bao giờ biết Sài Gòn là gì và ở đâu. Nhớ lần đầu về thăm nhà, đêm đầu tiên, bà con chòm xóm bu quanh tôi trong ánh đèn măn-xông hỏi: “mày có thường ghé qua nhà thăm thằng Đ, thằng P, thằng C không?” Thằng Đ, thằng P, thằng C là những người em của tôi ở bên Mĩ. Tôi giải thích rằng tụi nó ở xa lắm, cả chục ngàn cây số, đâu thể ghé thăm thường xuyên được, nhưng bà con cứ ngớ ra, không tưởng tượng nổi “mười mấy ngàn cây số” là xa cỡ nào. Tôi bèn nghĩ ra cách giải thích là “xa gấp 100 lần đường đi từ xã mình lên Sài Gòn”, và thế là ai cũng ồ lên: xa dữ vậy hả. Kể ra chuyện cũ để cảm thấy thương người dân mình ở những vùng “xa kinh kì sáng chói”, chẳng bao giờ biết đến Sài Gòn là gì. Đối với vài người, Sài Gòn là đâu đó xa lắm, thậm chí không phải ở Việt Nam. Nhưng từ nay, Sài Gòn, thậm chí Hà Nội, không còn xa nữa. Từ nay, sinh viên đi học và tốt nghiệp ở “kinh thành” Sài Gòn có thể yên tâm về quê làm việc, vì quê đâu có xa xôi gì nữa đâu. Từ nay, người dân trong quê tôi sẽ không xem Sài Gòn như là ngoại quốc. Nhìn như vậy để thấy rằng cây Cầu Cần Thơ không chỉ nối liền hai bờ sông Hậu, hay nối liền giang sơn Việt Nam, mà còn giao lưu và nối kết người Việt với nhau.

NVT

TB: Cây cầu này là do Nhật tài trợ dưới hình thức cho vay nhẹ lời, chẳng biết còn có "màn" người dân qua đó phải trả phí như Cầu Mỹ Thuận không? Ở VN có điều ngộ nghĩnh là ở những nơi như phi trường, trục lộ chính, cầu cống ... đâu đâu người ta cũng thu phí, chẳng biết để làm gì và tiền thu đi đâu mà chất lượng công trình thì cứ ... đi xuống.


Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền

Thế là vụ một giảng viên “đạo sách” của đồng nghiệp đã đi đến một kết cục buồn. Theo một bản tin mới nhất thì người giảng viên bị tố cáo đạo sách đó đã tự nguyện xin nghỉ việc. Nhưng có lẽ đây không phải là trường hợp đầu, càng không phải là trường hợp cuối cùng về nạn đạo văn ở nước ta. Có khác chăng là nhiều trường hợp khác dù đã được phát hiện, nhưng thủ phạm vẫn ung dung tại chức. Cần phải phân biệt 2 loại đạo văn, đạo văn cạnh tranh và đạo văn quan quyền, thì có thể giải thích tại sao một số người đạo văn bị tiêu tan sự nghiệp còn một số khác thì ok.

Thật ra, nhìn sang Trung Quốc chúng ta cũng thấy nạn đạo văn cũng tràn lan trong giới học thuật. Cái gì ở VN sao mà giống TQ quá! Giáo sư toán nổi tiếng của Đại học Harvard Yau Shing-tung cho biết một nghiên cứu sinh người Trung Quốc từng học dưới sự hướng dẫn của ông bị phát giác đạo văn của đồng nghiệp thuộc Đại học Harvard, nhưng khi về nước thì được trọng vọng và trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Một giáo sư xã hội học rất nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh viết một cuốn sách mà trong đó 100,000 chữ được cóp từ 100,000 chữ trong một cuốn sách của một giáo sư xã hội học bên Mĩ. Một khoa trưởng khoa công nghệ của Đại học Shangdong phạm tội đạo văn, nhưng vẫn được phong chức viện sĩ Viện hàn lâm công nghệ Trung Quốc! Còn nhiều nhiều trường hợp như thế, những trường hợp mà thủ phạm đạo văn chẳng những không bị phạt mà còn thăng tiến trong sự nghiệp khoa bảng.

Trong khi đó, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, và giáo sư phạm tội đạo văn thì bị phạt rất nặng, có người tiêu tan cả sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là có gì khác biệt giữa trường hợp với kết cục buồn, và những trường hợp nghiêm trọng khác mà thủ phạm không hề chịu hình phạt nào. Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu thêm về bản chất của đạo văn, và phân biệt hai dạng đạo văn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

Đạo văn và hiện tượng “tác giả ma”

Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.

“Tác giả ma” là một thuật ngữ mới xuất hiện trong nghiên cứu y khoa (nhưng nay đã phổ biến trong các lĩnh vực học thuật khác) dùng để chỉ những người chuyên nghề viết mướn cho các công ti dược. Các tác giả ma phần lớn là những người viết văn chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là những nhà khoa học với trình độ tiến sĩ không còn hành nghề chuyên môn. Sở dĩ gọi là “tác giả ma” vì họ không đứng tên tác giả của các tác phẩm do chính họ tạo ra; thay vào đó, đứng tên tác giả là những nhà khoa bảng với chức danh giáo sư từ các đại học danh tiếng.

Ở Việt Nam, hiện tượng tác giả ma còn hiện hữu trong giới học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, và giáo sư. Học sinh nhờ người khác làm bài tập; sinh viên hay nghiên cứu sinh mướn người khác viết luận án; hay các giáo sư nhờ (hay lợi dụng) nghiên cứu sinh của mình viết giáo trình và sách, tất cả đều là hiện tượng tác giả ma, tác phẩm ma.

Đối chiếu với định nghĩa đạo văn mà tôi trình bày trên, thì tác giả ma cũng là một hình thức đạo văn. Nói cách khác, những người đứng tên tác giả bài viết hay công trình nghiên cứu [do người khác viết] cũng phạm “tội” đạo văn.

Đạo văn cạnh tranhđạo văn quan quyền

Đạo văn là một vi phạm rất nặng trong học thuật và khoa bảng. Người phạm tội thường chịu hình phạt nặng nề. Một tiến sĩ phạm tội đạo văn có thể bị tước học vị, và trong thực tế đã có nhiều trường hợp như thế trên thế giới. Ngay cả giáo sư phạm tội đạo văn cũng chịu hình phạt nặng nề, như bị tước chức danh giáo sư, thậm chí bị đuổi việc. Những hình phạt nặng nề dành cho người đạo văn là một biện pháp nhằm giữ gìn sự trong sạch của khoa bảng, và cũng là một cách phát biểu rằng trong học thuật không có nơi nào dành cho người đạo văn.

Năm 2002, Giáo sư David Robinson, hiệu trưởng trường đại học Monash (một trong những đại học hàng đầu của Úc) bị tố cáo đạo văn. Một số đoạn văn (chỉ một số đoạn văn) trong những sách ông xuất bản vào thập niên 1970s và 1980s mà ông trích dẫn từ các công trình trước nhưng ông không ghi nguồn. Để giữ danh dự cho trường và danh dự cho giới khoa bảng Úc, ông quyết định từ chức.

Tháng 3/2010 vừa qua, Giáo sư Li Lian-sheng thuộc Đại học Giao thông (Thượng Hải) bị tố cáo đạo văn để có được công trình nghiên cứu, và được thăng chức giáo sư. Khi sự việc được phơi bày ra ánh sáng, đại học quyết định cho ông nghỉ việc và rút lại chức danh giáo sư.

Năm 2008, bà Julie Bishop là cựu Bộ trưởng bộ Giáo dục của Úc đóng góp một chương trong cuốn sách Liberals and Power. Khi sách in ra, độc giả phát hiện một số đoạn trong chương sách được lấy (mà không ghi nguồn) từ một bài diễn văn của Roger Kerr, một thương gia người Tân Tây Lan. Khi sự việc bị báo chí phanh phui, thì tùy viên và cũng là người viết diễn văn cho bà là Murray Hansen đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Ông Hansen thú nhận là đã đạo văn. Bà Bishop vẫn làm bộ trưởng giáo dục, thậm chí sau này còn thăng chức phó lãnh tụ đảng đối lập. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Hansen viết mà bà Bishop lại đứng tên tác giả. Trong trường hợp này, ông Hansen là một “tác giả ma”, và bà Bishop phạm tội đạo văn.

Các chuyên gia về đạo văn (như Giáo sư Brian Martin hay Gavin Moodie) phân biệt 2 loại đạo văn, mà họ gọi là “competitive plagiarism” (tôi tạm dịch là đạo văn cạnh tranh), và “bureaucratic plagiarism” hay “institutionalized plagiarism” (đạo văn quan quyền). Bạn đọc nào có cao kiến để để dịch 2 cụm từ này hay hơn, xin ơn email cho tôi, tôi cám ơn trước.

Với đạo văn cạnh tranh, đương sự đạo văn có mục tiêu lấy ý tưởng người khác nhằm vào mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp. Những trường hợp sinh viên đạo văn để có một luận án tốt nghiệp là một ví dụ tiêu biểu. Cũng có trường hợp những người đạo văn cạnh tranh cần một công trình học thuật, hoặc một công trình nghiên cứu để làm cơ sở cho việc thăng chức. Tuy nhiên, nói chung những thủ phạm đạo văn cạnh tranh thường là những người không có quyền cao chức trọng, hay nói theo ngôn ngữ dân dã là “thấp cổ bé họng”.

Với đạo văn quan quyền, như tên gọi, là loại đạo văn tồn tại trong hệ thống công quyền, mà đương sự là người đứng tên tác giả cho những gì mình không sáng tạo ra. Những thủ phạm đạo văn quan quyền thường là người có quyền cao chức trọng, như trường hợp của bà bộ trưởng Bishop.

Đạo văn quan quyền hay hiện tượng tác giả ma rất phổ biến trong chính trị và quan chức cao cấp. Đại đa số các chính trị gia, quan chức cao cấp, tổng giám đốc các đại công ti, v.v… đều có những chuyên gia hay cố vấn chuyên viết diễn văn cho họ. Cũng như trường hợp bà Bishop vừa đề cập, các thủ tướng và bộ trưởng Úc đều có tùy viên viết diễn văn cho họ. Ở Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ. Rất nhiều những câu phát biểu trứ danh của cố tổng thống Mĩ như D. D. Eisenhower, J. F. Kennedy, L. J. Johnson, v.v… không phải là ý tưởng của họ mà là của người viết diễn văn cho họ; họ chỉ … lấy công người khác. Tôi đoán rằng hình thức đạo văn quan quyền này rất phổ biến ở Việt Nam.

Một vài câu hỏi không mấy thoải mái cần phải đặt ra là: tại sao không gọi những người có quyền cao chức trọng như tổng thống Eisenhower, Kennedy, Johnson, hay bà Bishop là những người đạo văn? Tại sao xã hội quyết tâm phạt những học sinh, sinh viên, và giáo sư (hay giới học thuật nói chung) đạo văn, mà xã hội lại chấp nhận việc những người có quyền thế đạo văn? Tại sao giới học thuật đạo văn thì bị phạt nặng nề, còn những quan đạo văn thì không hề bị phạt gì cả?

Có lẽ câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm ở quyền lực. Những người đạo văn quan quyền thường ở vị trí có đặc quyền, và được sự yểm trợ của hệ thống chính trị, còn những người đạo văn cạnh tranh thường không có quyền thế và cũng không có cơ chế chính trị bảo trợ. Nhưng nếu xã hội dân chủ và bình đẳng, thì hình phạt dành cho người đạo văn cạnh tranh cũng phải áp dụng cả những thủ phạm đạo văn quan quyền.

NVT

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Bàn về tiêu chuẩn GS ở Việt Nam và vài đề nghị

Một bạn đọc viết email dài hỏi tôi về tiêu chuẩn giáo sư đại học ngoài này ra sao. Đây là vấn đề tôi từng có vài góp ý trước đây trên các diễn đàn như Tia Sáng, Tuổi Trẻ TuanVietNam. Nay tôi gom góp lại thành một entry và gửi lên đây như là một giải đáp thắc mắc của bạn đọc. Còn những câu hỏi khác thì khi nào rảnh sẽ trả lời.

NVT


====

Số giáo sư ở Việt Nam

Ngày 18/11/2009, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) của nước ta vừa công bố danh sách các nhà khoa bảng Việt Nam mới được phong chức danh giáo sư (65 người) và phó giáo sư (641 người). Đây là đợt xét phong cho cả 2 năm 2008 và 2009. Như vậy, tính đến nay, VN đã có hơn 8000 GS/PGS.

So sánh với kết quả của những năm trước do tôi thu thập qua báo chí và các phương tiện khác, tôi thấy có một vài xu hướng đáng chú ý.

Một là số lượng GS, PGS được phong tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Nhìn qua Bảng 1 dưới đây, chúng ta thấy so với năm 2005, số GS được xét phong tăng nhanh trong 2 năm 2007 (tăng 32%) và 2008-2009 (tăng 58%). Số PGS được xét phong vào năm cũng tăng vọt và nhanh hơn tỉ lệ trong nhóm GS. Chẳng hạn như số người được phong chức danh GS/PGS tăng hơn 2 lần so với năm 2005.

Hai là số GS, PGS ngành y chiếm đa số. Trong số 706 GS và PGS được phong năm 2008-2009, có đến 21% (n = 148) là những người làm việc ngành y sinh học. Cần ghi nhận thêm rằng trong tổng số ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san quốc tế, ngành y sinh học có số lượng cao nhất (chiếm gần 25% tổng số) so với các ngành khác như toán, vật lí, hóa học, hay nông nghiệp mỗi ngành chỉ chiếm khoảng 10-12%.

Những ngành khác cũng có nhiều GS và PGS được xét phong là: kinh tế (n=87 người, 12%), khoa học tự nhiên (n=81, 11%), hóa học (n=35, 5%), nông học (n=27, 4%), vật lí (n=24, 3.4%), thủy lợi (n=21, 3%), triết học (n=20, 2.8%), và chính trị học (n=14, 2%).

Có lẽ điều hơi ngạc nhiên là ngành thủy lợi có khá nhiều GS. Trong số 21 người được phong GS và PGS ngành thủy lợi, có gần 1/3 là GS. Tỉ lệ GS trong ngành thủy lợi được ghi nhận là cao nhất trong các ngành. Đối với các ngành khác như y sinh học, toán, vật lí, kinh tế, v.v… tỉ lệ GS (trên tổng số GS/PGS) chỉ dao động trong khoảng 15-20%. Qua những tai tiếng về những đập thủy lợi “chết người” gần đây, điều này cũng làm tôi ngạc nhiên, nhưng không loại trừ khả năng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ba là độ tuổi trung bình tương đối cao so với các nước khác. Tuổi trung bình của GS Việt Nam (trong đợt phong năm 2008-2009) là 57 (thấp nhất là 45 và cao nhất là 69). Các PGS có độ tuổi tương đối trẻ hơn: trung bình 50 (thấp nhất 32 và cao nhất 71). Ở Mĩ theo thống kê thì tuổi trung bình của GS (full professor) là 55; rất ít ai được đề bạt chức danh này trước độ tuổi 40. Một thống kê ở Australia cho thấy năm 1982, tuổi trung bình của GS là 52, PGS và “reader” (thấp hơn chức danh “associate professor” hay “phó giáo sư” một bậc) là 48, senior lecturer 43, và lecturer 37 [1]. Như vậy, so với các đồng nghiệp tại các nước tiên tiến, tuổi trung bình của GS và PGS Việt Nam tương đối cao hơn.

Bốn là chức danh GS/PGS ở Việt Nam vẫn là một loại phẩm hàm. Ở các nước trong vùng hay phương Tây, chức danh GS/PGS thường gắn liền với một trường ĐH. Chẳng hạn như ở các viện nghiên cứu y khoa của Australia, có nhiều người với chức danh GS hay PGS nhưng đó là những chức danh do trường đại học cấp vì họ có đóng góp về nghiên cứu và giảng dạy cho trường. Thật ra, hầu hết những viện nghiên cứu y khoa lởn ở Australia đều có kết hợp đào tạo với một trường đại học.

Còn ở Việt Nam, có nhiều người mang chức danh GS/PGS, nhưng không có liên quan đến một trường nào, vì chức danh này là một phẩm hàm. Cũng như những năm trước đây, một số lớn những người được tiến phong chức danh GS/PGS năm nay là những người làm việc trong các cơ quan hành chính, quản lí, không liên quan gì đến giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như năm nay, trong số 148 người được phong hàm GS, PGS thuộc ngành y sinh học, có ít nhất 3 người là cán bộ cao cấp của Bộ Y tế.

Vấn đề GS/PGS như là một phẩm hàm (thay vì là một chức danh / chức vụ gắn liền với một đại học) đã được đề cập đến nhiều lần trong quá khứ như là một điểm "không giống ai" nhằm cải cách hệ thống đề bạt chức danh GS, nhưng hình như cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Hệ quả là trong khi chúng ta có 376 trường đại học và cao đẳng (con số có thể vẫn còn tăng), nhưng chỉ có 330 GS và PGS (tức chỉ 4.7% tổng số GS/PGS trên cả nước) đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Có trường thậm chí chẳng có một ai có chức danh GS/PGS! Đó là một điều bất bình thường!

Năm là cách tính điểm còn bất cập, chưa hợp lí. Một trong những tiêu chuẩn để được phong chức danh (hay hàm) GS/PGS là có thành tích trong nghiên cứu khoa học, thể hiện qua số lượng ấn phẩm khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học. Nhưng vì có quá nhiều tạp chí và chất lượng các tạp chí rất khác nhau, nên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chỉ công nhận một số tạp chí cho từng ngành.

Điểm qua danh sách các tạp chí trong ngành y mà HĐCDGSNN công nhận và tính điểm tôi thấy tương đối bất hợp lí. Trong số 56 tạp chí y sinh học trong nước được tính điểm, HĐCDGSNN chia thành 3 nhóm: nhóm I gồm những tạp chí có điểm từ 0 đến 0,5; nhóm II có điểm từ 0 đên,75; và nhóm III từ 0 đến 1. Nói cách khác một bài báo trên các tạp chí này có thể có điểm từ 0 đến 1. Không rõ cách xác định điểm như thế nào mà lại dao động từ 0 (tức là có bài báo không có điểm gì cả).

Điều bất cập lớn nhất là cách tính điểm các tạp chí khoa học nước ngoài. HĐCDGSNN chia các tạp chí khoa học nước ngoài (trong ngành y học) thành 2 nhóm: nhóm có hệ số ảnh hưởng 2 hay thấp hơn có điểm từ 0 đến 1; nhóm có hệ số ảnh hưởng (impact factor) trên 2 có điểm từ 0 đến 2.

Với cách tính điểm đó, một bài báo trên tập san như Science, Nature, New England Journal of Medicine, JAMA, hay Lancet (những tạp chí khoa học đứng vào hàng số 1 trên thế giới) chỉ cao hơn 1 điểm so với một bài báo trên Nghiên cứu Y học hay Y học TP. Hồ Chí Minh! Cần nói thêm rằng, các công trình trên các tạp chí như Science, Nature, Cell là những công trình đẳng cấp giải Nobel. Những tạp chí y sinh học trong nước như Nghiên cứu Y học hay Y học TP. Hồ Chí Minh không thể nào so sánh chất lượng với một tạp chí chuyên ngành của Mĩ hay Âu châu, chứ chưa nói so sánh với Science, nature , New England Journal of Medicine, hay JAMA. Thật ra, không có một tạp chí khoa học nào của Việt Nam được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Do đó, tôi e rằng chẳng những cách tính điểm như thế thật là vô lí và không công bằng, mà còn làm nản lòng những ai phấn đấu công bố quốc tế.

Chúng ta đang ở đâu trên thế giới?

Với cách tính điểm như trên, nhiều người vẫn lo ngại về “chất lượng” của GS Việt Nam, bởi vì làm GS/PGS mà thiếu những công trình công bố quốc tế (hay có nhưng quá "mỏng") thì không mấy hợp lí. Tưởng cần nhắc lại rằng một thước đo mà các đại học trên thế giới thường sử dụng để đánh giá và xét đề bạt chức danh giáo sư là chỉ số H [2]. Thông thường một GS ở trường đại học có uy tín cao thường có chỉ số H khoảng 20, và PGS khoảng 10. Ở Việt Nam, rất hiếm có GS hay PGS nào có chỉ số H trên 12, vì công bố quốc tế chưa được khuyến khích tốt và chưa được xem là tiêu chuẩn quan trọng số 1 trong việc công nhận chức danh khoa bảng.

Theo thống kê, tính từ năm 1980 (lần đầu tiên phong hàm GS/PGS) đến nay, nước ta đã công nhận 1336 GS và 7062 PGS. Với tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS còn bất cập như trên, câu hỏi đặt ra là trong số này có bao nhiêu xứng đáng với chức danh đó. Cách đây không lâu, GS Hoàng Tụy có phát biểu rằng chỉ có 20% GS/PGS ở Việt Nam là xứng đáng với chức danh GS/PGS theo chuẩn mực quốc tế (VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế? ).

Cần cải cách!

Nói tóm lại, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS/PGS ở Việt Nam đã có cải tiến đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều chuẩn còn bất hợp lí và chưa theo kịp xu hướng phát triển khoa học trên thế giới.

Tôi nghĩ trong quá trình đưa giáo dục đại học nước ta hội nhập thế giới, chúng ta cần nên xem xét và tham khảo các chuẩn mực về chức danh GS/PGS trên thế giới để đi đến một hệ thống đề bạt hoàn chỉnh hơn. Cần phải đặt tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học qua công bố quốc tế (như chỉ số H) là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc xét phong hay đề bạt chức danh khoa bảng. Ở nước ngoài, các hội đồng khoa bảng thường yêu cầu ứng viên chỉ ra cụ thể là họ tương đương với ai trên thế giới và người đó có chỉ số H bao nhiêu. Đó cũng là một hình thức khách quan để nâng cao tính quốc tế của các GS/PGS.

Có lẽ việc đầu tiên cần làm là nên xem chức danh GS/PGS là một chức vụ khoa bảng dành cho những người giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, và do đó, chức danh này phải gắn liền với một đại học. Cũng có thể tạo ra một chức danh mới, như giáo sư danh dự (honorary professor) chẳng hạn, dành cho các cán bộ và quan chức có nhiều đóng góp cho khoa học về mặt hành chính hay quản lí, hay một chức danh như “giáo sư kiêm nhiệm” (“conjoint professor”) cho các bác sĩ và nhà khoa học hội đủ điều kiện nhưng không trực tiếp giảng dạy đại học. Nhưng cần phải phân biệt rõ ràng những chức danh giáo sư thực thụ với giáo sư danh dự hay giáo sư kiêm nhiệm.

Xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh GS/PGS, bởi vì họ là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam. Người dân muốn thấy những người mang hàm GS/PGS phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế. Chúng ta có không ít những GS/PGS như thế, nhưng rất tiếc là cơ chế hiện nay chưa phát hiện họ. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần phải tạo ra một cơ chế khách quan hơn, bình đẳng hơn, và khoa học hơn để ghi nhận sự đóng góp của những nhà khoa học đang âm thầm làm rạng danh nước nhà.

Bất bình thường …

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS). Trong quyết định này, có một số tiêu chuẩn cụ thể và một số không cụ thể. Những tiêu chuẩn cụ thể như một giáo sư phải có bằng tiến sĩ trên 3 năm, và đã hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Một trong những tiêu chuẩn thiếu tính cụ thể là “có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.” Thiếu tính cụ thể vì ở đây, Quyết định không đề cập đến “công trình khoa học” là gì và cách qui đổi điểm ra sao.

Trong một ý kiến trước đây, tôi có nhận xét rằng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) hình như chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học (NCKH) khi xét phong hay đề bạt chức danh GS/PGS, và điều này là một điều bất bình thường. Bất bình thường vì hầu như khắp nơi trên thế giới, các đại học đều dựa vào thành tựu NCKH và thành tích giảng dạy làm 2 tiêu chuẩn chính để đề bạt chức danh khoa bảng. Thành tựu NCKH được phản ảnh qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học mà ứng viên đã công bố trên các tập san quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”).

Về công bố quốc tế, cần phải nhấn mạnh sự khác biệt giữa (a) các bài báo đăng trong các hội nghị (gọi là conference proceedings hay tương tự), và (b) những bài báo công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-reviewed journal). Khi nói đến “công bố quốc tế”, người ta chỉ nói đến những bài báo ở dạng (b). Cũng có ngành khoa học xem những bài báo ở dạng (a) là “công bố quốc tế” nhưng phải là các hội nghị lớn có uy tín, có bình duyệt hẳn hoi, và được cộng đồng của ngành đó công nhận. Trong ngành y, tất cả các bài báo trong các hội nghị -- dù lớn hay nhỏ -- đều không bao giờ được xem là “công bố quốc tế”.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy ở Việt Nam, có không ít trường hợp mà ứng viên được phong hàm GS/PGS chỉ có công bố ở dạng (b) và chưa bao giờ công bố một bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế. Theo tôi, chỉ dựa vào những bài báo trong các hội nghị, dù là hội nghị quốc tế mà không có bình duyệt, để làm cơ sở cho việc phong hàm khoa bảng là một điều bất bình thường.

Vậy câu hỏi đặt ra là ở các nước Âu Mĩ người ta làm như thế nào? Ở các nước như Mĩ hay Úc, muốn đề bạt vào các chức vụ khoa bảng như GS/PGS, ứng viên phải hội đủ một số điều kiện và tiêu chuẩn. Những điều kiện và tiêu chuẩn này thường không cố định hay cụ thể, mà còn tùy thuộc vào từng địa phương, đẳng cấp của trường đại học, và bộ môn khoa học. Chẳng hạn như mặc dù điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có văn bằng tiến sĩ, nhưng trong các bộ môn như luật khoa, kinh tế hay y khoa, có khi ứng viên chỉ có bằng thạc sĩ (thậm chí cử nhân) cũng có thể xin đề bạt vào các chức vụ GS/PGS.

Điều kiện thứ hai là thời gian. Thông thường, ứng viên thường phải trải qua ít nhất hai năm nghiên cứu sau khi xong học vị tiến sĩ để có thể xin đề bạt lên chức vụ giảng sư (hay “assistant professor”). Thời gian cần thiết để một assistant professor được đề bạt lên PGS thường là ít nhất 3 năm và cao nhất là 6 năm. Từ PGS lên GS, thời gian cần thiết ít nhất là 5 năm. Những con số trên đây chỉ là những qui định rất chung chung, bởi vì trong thực tế, nó còn tùy thuộc vào từng cá nhân ứng viên và nhu cầu của bộ môn khoa học. Trong các bộ môn như công nghệ thông tin, y học, kinh tế, v.v… thời gian tối thiểu có thể ngắn hơn những qui định chung trên đây.

...và bình thường

Chức danh giáo sư như đề cập trong bài trước dành cho những người làm công việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Do đó, các đại học có chính sách công nhận cống hiến của nhiều thành phần khác nhau, và họ đề ra 3 ngạch để đề bạt chức danh giáo sư: ngạch nghiên cứu (research track), ngạch giảng dạy (teaching track), và ngạch hỗn hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Việc phân ngạch quan trọng, vì có liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn đề bạt. Chẳng hạn như những người xin đề bạt qua ngạch giảng dạy thì tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học sẽ khác (thấp hơn) với tiêu chuẩn dành cho những người chuyên làm nghiên cứu khoa học và ít giảng dạy.

Về tiêu chuẩn chung, để được đề bạt vào các chức vụ khoa bảng GS/PGS, ứng viên phải tự chứng minh và được đánh giá là những nhà khoa học hay nhà giáo xuất sắc:

• Để trở thành một assistant professor (hay lecturer bên Úc và Anh), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong NCKH, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi trường đại học và quốc gia ;

• Để được đề bạt vào chức associate professor (tức PGS), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong NCKH, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi quốc gia và quốc tế, có đóng góp cho việc phát triển chuyên môn, có công trong việc đào tạo sinh viên cấp tiến sĩ ;

• Để được đề bạt từ PGS lên GS (professor), ngoài thành tích xuất sắc trong NCKH được đồng nghiệp quốc tế công nhận, ứng viên còn phải chứng minh cho thấy mình có khả năng lãnh đạo chuyên ngành trên trường quốc tế.

Về tiêu chuẩn "cụ thể", đề bạt GS/PGS và giảng sư, các đại học thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chính: Thành tích hoạt động khoa học, giảng dạy và quản lí bộ môn, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng.

Thành tích hoạt động khoa học được đánh giá bằng các tiêu chí như số lượng và chất lượng bài báo khoa học đã công bố trên các tập san khoa học quốc tế, số lượng bằng phát minh (patents of invention), uy danh và sự công nhận của giới chuyên môn trong ngành.

Không có trường nào có qui định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được đề bạt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là assistant professor phải có từ 5 bài báo trở lên, PGS ít nhất là 20, và GS thì ít nhất là 50.

Chất lượng bài báo thường được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà bài báo khoa học được công bố. Hệ số ảnh hưởng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học (chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số ảnh hưởng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học). Cho nên một cách đánh giá chất lượng khác là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo (citations). Số lần trích dẫn nhiều cũng có nghĩa là công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Nếu ứng viên công bố toàn những bài báo mà không ai trích dẫn thì giá trị của chúng cũng chẳng cao hơn con số 0 (vô dụng) bao nhiêu !

Trong bài trước, tôi đã nói qua chỉ số H (H index), vốn hiện được sử dụng để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học của một cá nhân. Chỉ số H còn được sử dụng rộng rãi trong việc xét đề bạt và cung cấp tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Theo các chuyên gia, một PGS phải có chỉ số H khoảng 12, và một GS nên có chỉ số H từ 18 trở lên.

Khả năng lãnh đạo ngành cũng quan trọng. Một giáo sư phải là một nhà lãnh đạo khoa học về một lĩnh vực hẹp nào đó được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Công nhận ở đây có nghĩa là được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế mà do ban tổ chức chi trả, hay được mời làm chủ tọa trong các hội nghị quốc tế.

Tiêu chuẩn về giảng dạy thì khó đánh giá hơn, bởi vì người đánh giá chính là sinh viên, và rất ít khi các trường đại học tổ chức những cuộc bình bầu thầy cô qua hỏi ý kiến sinh viên một cách có hệ thống! Nhưng cũng có thể đánh giá qua việc ứng viên khuyến khích sinh viên đào sâu suy nghĩ, hay đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển khóa học trong phạm vi trường đại học hay quốc gia. Tôi đã thấy nhiều ứng viên đem cả các thước phim DVD mà họ giảng dạy để làm bằng chứng về khả năng giảng dạy cho hội đồng khoa bảng xét duyệt.

Tiêu chuẩn giảng dạy còn liên quan đến thành tựu đào tạo nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng không chỉ đơn thuần là con số, mà cần phải trình bày dữ liệu về thành tựu của những nghiên cứu sinh này hiện giờ ở đâu, làm gì, thành đạt gì trong sự nghiệp. Ngoài ra, ứng viên còn phải trình bày số nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) đến “đầu quân” làm việc cho nhóm của mình, và sự nghiệp của các postdoc này hiện nay như thế nào.

Thu hút tài trợ cho nghiên cứu có liên quan mật thiết với thành tích hoạt động khoa học: Nhà khoa học có thành tích khoa học cao dễ xin tài trợ và có khả năng thu hút tài trợ nhiều hơn nhà khoa học mới ở bước đầu sự nghiệp. Thông thường một PGS thường chủ trì những công trình nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn đô-la, và một GS thường chủ trì những công trình hàng triệu đô-la. Tuy nhiên, số tiền thu hút được còn tùy thuộc vào ngành khoa học. Đối với những ngành khoa học lí thuyết thì số tiền tài trợ không thể “dồi dào” như các ngành khoa học thực nghiệm.

Giáo sư đại học không nên chỉ ngồi trong tháp ngà, mà còn phải đóng góp vào các hoạt động cộng đồng. "Cống hiến cộng đồng" ở đây có nghĩa là GS phải tích cực đóng góp vào những hoạt động nhằm phát triển mối liên hệ giữa đại học và cộng đồng, tham gia vào việc phát triển các hiệp hội chuyên ngành, và đóng góp vào những bàn luận về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị ở bình diện quốc gia và quốc tế. Cống hiến cho chuyên ngành cũng là một nhiệm vụ của giáo sư. Do đó, ứng viên GS/PGS cần phải trình bày bằng chứng về những đóng góp của mình cho chuyên ngành qua những việc làm như bình duyệt bài báo khoa học cho các tập san và phục vụ trong ban biên tập tập san.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tiêu chuẩn này tương đối chủ quan vì không thể cân đo đong đếm được ; do đó, dù được xem là một tiêu chuẩn, trọng lượng của tiêu chuẩn này trong việc đề bạt chức vụ khoa bảng không mấy cao.

Nói tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn số 1, còn các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét nhưng trọng lượng không cao. Một số trường đòi hỏi ứng viên phải đạt được mức độ xuất sắc (excellence) ít nhất là hai tiêu chuẩn để được xét duyệt tiến phong chức danh GS. Ứng viên chỉ xuất sắc một tiêu chuẩn thì không được xét đơn đề bạt. Một số tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp bậc GS có thể tóm lược như sau:

Để được đề bạt lên chức “assistant professor”, ứng viên phải có công bố ít nhất là 5 bài báo khoa học mà ứng viên là tác giả số một của bài báo. Tất nhiên, khi nói đến "bài báo khoa học" ở đây là đề cập đến những bài báo trên các tập san có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-review system), chứ không phải những bài báo trên các báo chí trong nước hay của trường, càng không phải là những tạp chí phổ thông dành cho công chúng. Ngoài ra, ứng viên còn phải chứng minh mình có khả năng giảng dạy, có khả năng phát triển course học hữu hiệu cho khoa. Các tiêu chuẩn về thu hút tài trợ và hoạt động cộng đồng cũng được xem xét, nhưng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu, bởi vì ứng viên còn trong giai đoạn "tập sự".

Để được đề bạt lên chức danh PGS, ứng viên cần phải có ít nhất 20 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (có bình duyệt), và ít nhất là 30% trong số này phải trên các tập san số một trong ngành. Về giảng dạy, ứng viên phải chứng tỏ mình có khả năng giảng dạy, và đã đào tạo thành công sinh viên thạc sĩ và ít nhất là đào tạo thành công một tiến sĩ. Ngoài các tiêu chuẩn về nghiên cứu và giảng dạy, ứng viên còn phải chứng minh mình có uy tín trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tức là được mời giảng dạy tại các đại học hay viện nghiên cứu khác (ngoài trường đại học). Ứng viên cũng phải chứng minh mình đã có cống hiến góp phần nâng cao tri thức cho quần chúng qua các hoạt động cộng đồng hay ngoài đại học, như làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ, công ty kĩ nghệ, hay viết báo cho các báo phổ thông nhằm phổ biến kiến thức. Ứng viên còn phải chứng tỏ mình có cống hiến cho chuyên ngành như tham gia bình duyệt báo khoa học cho các tập san quốc tế, tham gia trong ban chấp hành các hiệp hội chuyên môn, và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, v.v…

Từ PGS lên GS là một bước nhảy vọt tương đối lớn, cho nên tiêu chuẩn cũng càng cao. Tuổi đời trung bình của một GS là 55 ; rất ít ai được đề bạt chức danh GS trước độ tuổi 40. Về tiêu chuẩn nghiên cứu bất thành văn, thông thường các ứng viên phải có ít nhất là 50 bài báo khoa học, và trong số này ít nhất là 50% phải trên các tập san số một trong ngành. Chỉ số H trung bình của một GS các trường đại học lớn bên Mĩ thường là 20 trở lên. Số lượng bài báo phải đều hàng năm, chứ không phải bất thường (điều này chứng tỏ ứng viên có khả năng hoạt động khoa học về lâu về dài)!

Về đào tạo, ứng viên GS phải đào tạo thành công ít nhất là 3 tiến sĩ trong thời gian giữ chức PGS. Ứng viên phải chứng minh đã từng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn. Ngoài các hoạt động cộng đồng và cố vấn cho chính phủ, quan trọng hơn hết ứng viên phải chứng minh mình có uy danh trên trường quốc tế. Nói cách khác, ứng viên phải từng được mời giảng dạy tại các đại học khác, được mời làm chủ tọa (chair) các hội nghị chuyên môn hay được mời làm phát biểu viên chính (keynote speaker) trong các hội nghị chuyên ngành, được bổ nhiệm vào ban biên tập của các tập san khoa học quốc tế, và được mời bình duyệt các dự án nghiên cứu khoa học.

Tiêu chuẩn GS ở VN: Có nhiều khác biệt

Đối chiếu các điều kiện và tiêu chuẩn trên đây với các tiêu chuẩn đề bạt GS ở nước ta, ai cũng thấy có nhiều khác biệt, nhất các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động NCKH. Chẳng hạn như trong một bài phỏng vấn đăng trên VietNamNet, GS Đỗ Trần Cát cho biết : “Mỗi ứng viên cho chức danh GS phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín”, và mỗi ngành chỉ có hai “tạp chí uy tín” ở trong nước, hiểu theo nghĩa “nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi”. Tôi nghĩ tiêu chuẩn này quá … thấp cho một GS. Ngay cả tiêu chuẩn "ít nhất 12 điểm công trình" cho một GS cũng còn quá thấp.

Đành rằng chúng ta không thể áp dụng các tiêu chuẩn của các trường đại học lớn ở các nước tiên tiến vào hệ thống bình duyệt chức danh khoa bảng ở Việt Nam, nhưng chúng ta cần phải có một hệ thống đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học và giảng dạy khách quan hơn và theo chuẩn mực quốc tế.

Qui trình đề bạt

Qui trình đề bạt chức danh GS/PGS ở nước ta còn nhiều điều cần bàn. Khởi đầu, ứng viên nộp hồ sơ phải qua hội đồng cơ sở, và sau đó mới được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNH) xét duyệt. Chẳng hạn như năm nay có 164 hồ sơ xin xét duyệt chức dang GS và 1003 hồ sơ xin xét phong chức danh PGS. Đến các hội đồng cơ sở, thì có 116 (hay 71%) hồ sơ GS và 762 (76%) hồ sơ PGS được tín nhiệm và thông qua. Đến khi ra HĐCDGSNN thì tỉ lệ thành công giảm xuống còn 40% (n=65) đối với chức danh GS, và 60% (n=604) đối với chức danh PGS.

Đây là một qui trình có thể chưa khách quan. Ở cấp cơ sở, rất khó mà có được một xét duyệt khách quan, bởi vì những người ngồi trong hội đồng xét duyệt chắc chắn, không ít thì nhiều, cũng có liên hệ với ứng viên. Cũng không loại trừ khả năng mâu thuẫn với ứng viên, mà người ta bỏ phiếu không công nhận. Trong thực tế, đã có một số ứng viên hội đủ các tiêu chuẩn khoa học nhưng chỉ vì có mâu thuẫn với hội đồng cơ sở nên không được thông qua. Có người thậm chí không muốn tiếp tục nộp đơn xin xét duyệt!

Ở nước như Mĩ, Anh, Canada, và Úc, ứng viên chỉ phải qua một hội đồng của trường đại học. Bình duyệt đơn được thực hiện qua 2 phía: cá nhân và đại học. Về phía cá nhân, ứng viên có quyền chọn 4 người bình duyệt (referee) cho đơn mình, và trường đại học có trách nhiệm phải gửi hồ sơ đến 4 người bình duyệt này. Bốn người này có thể là đồng nghiệp của ứng viên, và cũng có thể là người nước ngoài hay ngoài trường đại học. Về phía đại học, ứng viên phải đề cử 4-6 người bình duyệt cho trường đại học chọn. Dựa vào danh sách này, hội đồng khoa bảng sẽ chọn 2 hoặc 3 người bình duyệt hồ sơ. Ứng viên không biết hội đồng sẽ chọn ai trong danh sách. Phần lớn trường hợp, hội đồng chỉ chọn các nhà khoa học nước ngoài, chứ ít khi nào chọn người trong nước.

Ở Úc và Mĩ, mỗi người bình duyệt sẽ viết một báo cáo đánh giá ứng viên dựa vào các tiêu chí (nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lãnh đạo, phục vụ) và đánh giá thứ hạng (như trung bình, giỏi, xuất sắc, nổi trội) mà trường đại học đưa ra. Một trong những điểm mà trường yêu cầu người bình duyệt phải chỉ ra cho được là ứng viên tương đương với ai (cụ thể là những giáo sư nào, tên tuổi, ở đâu, địa chỉ) trong ngành trên thế giới. Đây cũng là cách trường muốn kiểm tra và so sánh thêm về thành tích khoa học của ứng viên. Đến phần cuối của báo cáo bình duyệt, hội đồng khoa bảng yêu cầu người bình duyệt phải xếp hạng ứng viên vào hạng mấy trên thế giới (chuyên ngành): top 1%, 5% 10%, hay 20%.

Sau khi nhận được các báo cáo này, hội đồng khoa bảng trường đại học sẽ tổ chức một buổi phỏng vấn ứng viên. Sau khi phỏng vấn, họ sẽ viết một đề nghị lên hiệu trưởng đại học để chính thức công bố kết quả. Nếu thất bại (không được đề bạt), ứng viên có quyền khiếu nại và yêu cầu đánh giá lại. Trong trường hợp này (hiếm xảy ra), hội đồng khoa bảng sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên đến một hội đồng khác mà trong thực tế là một hội đồng khoa bảng mới để xem xét hồ sơ.

Những kinh nghiệm

Qua qui trình xét duyệt chức danh GS/PGS mà tôi cho là gọn nhẹ trên, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là không có những tiêu chuẩn cứng nhắc theo kiểu cân đo đong đếm. Trái với các tiêu chuẩn đề bạt trong nước về đề bạt chức danh khoa bảng bằng cách tính điểm bài báo, ở nước ngoài người ta không có những điểm cụ thể, mà chỉ đánh giá mang tính nửa lượng nửa chất. Về lượng, họ xem xét đến hệ số ảnh hưởng của tập san, chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học đã công bố, và nhất là chỉ số H của ứng viên. Họ không đề ra những con số bài báo cụ thể phải là bao nhiêu để được đề bạt. Những chỉ số chỉ mang tính tham khảo, vì họ còn phải đánh giá số lượng bài báo được mời đóng góp hay những lần giảng tại hội nghị quốc tế được ban tổ chức mời và chi trả.

Hai là vận dụng tối đa hệ thống bình duyệt. Không như ở một số nước việc bình duyệt chức danh khoa bảng được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín, ở nhiều trường bên Mĩ, người ta sử dụng hệ thống bình duyệt do chính các đồng nghiệp của ứng viên làm. Triết lí đằng sau cách làm này là chỉ có đồng nghiệp cùng chuyên môn với ứng viên là những người đánh giá chính xác nhất về thành tựu và uy tín của ứng viên. Ngoài ra, để cho đồng nghiệp trong và ngoài đánh giá còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình đề bạt.

Ba là tính minh bạch. Tất cả các chi tiết về thủ tục và tiêu chuẩn đề bạt cho từng chức vụ đều được phổ biến trên internet. Họ còn cho biết tiêu chí cho từng cấp bậc để ứng viên chuẩn bị. Ngoài ra, danh sách những người trong hội đồng phỏng vấn và lĩnh vực nghiên cứu của họ cũng được công bố cho ứng viên biết trước. Điều đáng nói là thành phần hội đồng phỏng vấn được tuyển chọn sao cho đảm bảo bình đẳng giới tính, khoa học và ngoài khoa học, trong và ngoài đại học, v.v… Tính minh bạch còn thể hiện qua qui định ứng viên có quyền được xem các báo cáo bình duyệt của đồng nghiệp. Nhưng trong thực tế, rất ít ứng viên muốn đọc những báo cáo này, bởi vì thường thường họ đều được đồng nghiệp cho biết trước!

Trên đây là những kinh nghiệm và bài học mà tôi đã rút ra được từ qui trình xin đề bạt các chức danh khoa bảng ở Úc. Ở trong nước, thời gian gần đây, có nhiều phàn nàn về thủ tục tiến phong các chức danh GS/PGS. Người ta cho rằng thủ tục quá rườm rà mà lại thiếu minh bạch. Lại có người cho rằng tiêu chuẩn tiến phong không hợp lí (như tính số điểm bài báo nước ngoài bằng điểm bài báo trong nước), và do đó, vô hình chung làm cho chức danh giáo sư bị hạ thấp hay xem thường. Gs Hoàng Tụy nói nếu làm đúng thì sẽ có rất nhiều giáo sư hay phó giáo sư bị bãi nhiệm.

Nhìn qua thủ tục đề bạt bên này và bên VN tôi thấy cũng có vài khác biệt đáng kể. Khác biệt thứ nhất là ở bên này không có “đăng kí” tại cơ sở (tức trường) để được đề bạt, có lẽ vì chức danh khoa bảng ở bên này là do trường tiến phong, còn ở Việt Nam thì do một hội đồng quốc gia xét. Ở ngoài này không có bỏ phiếu kín, mà chủ yếu là qua bình duyệt của đồng nghiệp.

Còn về tiêu chuẩn cũng có khác nhau khá nhiều giữa Việt Nam và ngoài này. Chẳng hạn như ở VN người ta tính toán điểm chi li cho từng bài báo, còn ở ngoài này thì chỉ dựa vào các chỉ số như H hay chỉ số trích dẫn như là tham khảo chứ không phải để định đoạt được hay không được tiến phong.

Hi vọng rằng những kinh nghiệm trên đây cung cấp vài thông tin cần thiết cho các nhà quản lí giáo dục trong nước trong quá trình hoàn thiện qui trình tiến phong các chức danh khoa bảng và giúp nước ta từng bước hội nhập với quốc tế.

Chúng ta đang có ước vọng nâng cao một số đại học thành “đẳng cấp quốc tế.” Yếu tố chính để một đại học được công nhận là “world class” (đẳng cấp quốc tế) là nghiên cứu khoa học phải có chất lượng tốt, và nhất là đội ngũ giáo sư phải có đẳng cấp quốc tế. Yếu tố để khẳng định đẳng cấp của một giáo sư chính là nghiên cứu khoa học qua công bố quốc tế. Đó cũng chính là lí do tại sao các đại học ở nước ngoài đặt nặng tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học khi tiến phong chức danh GS/PGS.

Ở nước ta, tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học chưa được xem xét là quan trọng khi xét phong GS/PGS. Hiện nay, chúng ta có hơn 8000 GS/PGS. Nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài (mỗi GS/PGS phải công bố ít nhất 1 bài báo khoa học) thì chúng ta phải có hơn 8000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nhưng trong thực tế, số ấn phẩm khoa học xuất phát từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế năm nay (2009) chỉ 1165 bài (năm ngoái có 1178 bài)! Con số này chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/6 Singapore.

Dẫn chứng trên dẫn đến một đề nghị mà tôi muốn lặp lại ở đây: cần phải xem công bố quốc tế là tiêu chuẩn số 1 để đề bạt chức danh GS/PGS. Đành rằng cũng cần phải xem xét đến các điều kiện mang tính địa phương trong khi đề bạt, nhưng các hoạt động khoa học lại mang tính quốc tế, và không có lí do gì các thước đo khách quan mà đa số nước trên thế giới đang sử dụng không áp dụng cho nước ta.

Tham khảo:

[1] Over R. Career prospects for academics in Australian universities. Higher Education 1985;14: 497-512.

[2] Chỉ số H được định nghĩa như sau: Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Được trích dẫn nhiều cũng có thể có nghĩa là công trình đó có giá trị. Tuy chỉ số này chưa hoàn hảo, nhưng nó là thước đo tốt nhất mà các đại học trên thế giới sử dụng để đề bạt các chức danh khoa bảng và cung cấp tài trợ cho nghiên cứu.