Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Về sách giáo khoa sử và dạy sử

Hôm trước tôi có một entry bàn về sách giáo khoa sử hiện nay. Một bạn đọc có vài ý muốn nói thêm dưới đây. Tôi thấy đây là tiếng nói của “người trong cuộc” nên xin mạn phép bạn đọc đăng để các bạn cùng tham khảo. Bạn đọc xin ẩn danh, nên tôi tôn trọng yêu cầu của bạn ấy.

NVT
====

“Chào thầy,

Về chuyện dạy và học môn Sử, đọc bài viết này của thầy, thật lòng em rất tâm đắc. Bản thân em lúc còn đi học em rất yêu thích môn học này. Lúc còn bé em thường xin ba mẹ cho mua sách “Lịch sủ Việt Nam bằng tranh” để đọc, rồi sau này cũng đã mượn và đọc qua “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên trong thư viện trường cấp 2. Ngày học cấp 2, cấp 3, cứ mỗi lúc đang nghỉ hè, vừa mới mua SGK mới là em lại tìm quyển sách sử ra đọc trước, và đọc SGK Sử từ cấp 2 lên cấp 3, thật lòng em thấy sách viết … càng gần về lịch sử hiện đại thì càng chán. Chán nhiều lắm thầy ạ. Về chiến tranh thế giới thứ II chẳng hạn, người ta có thể ngợi ca sự hy sinh của những người lính Xô viết, nhưng cũng khó có thể phủ nhận vai trò của những người lính Đồng minh ở mặt trận phía tây. Người ta chỉ trích Anh, Pháp là dung túng cho Hitler, rồi sau này tìm hiểu qua sách báo, ta lại thấy rằng trong việc nhượng bộ cho Hitler thôn tính một vài nước châu Âu có cả bàn tay của Stalin. Rồi chưa kể là một kẻ khát máu và giết hại đồng chí, đồng đội như Stalin thì xuyên suốt từ môn Sử sang môn Văn cũng thấy cái câu “Tiếng đầu lòng con nói Stalin”.

Về Sử quốc tế có thể cảm nhận đó của em hơi cảm tính, nhưng còn về Sử trong nước thì thật sự em rất bất bình với cách học hiện nay. Nếu như ta quan niệm thi cử là thước đo cho việc học hành, thì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay, các cô tú, cậu tú của chúng ta đi thi Sử Việt Nam chỉ có tụng đi tụng lại số xe tăng, số máy bay, số Mỹ, số ngụy bị ta hạ gục, tụng đi tụng lại giai đoạn 1930-1975. Trong khi đó cả một giai đoạn dài 1000 năm Bắc thuộc, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa, bao nhiêu vị anh hùng đã hy sinh, rồi 1000 năm phong kiến của nước ta cũng không thiếu những thắng lợi, vinh quang, và cả thất bại, v.v… chưa hề được hỏi lấy dù chỉ một câu trong đề thi Sử tốt nghiệp THPT. Nhớ số liệu thương vong cho chính xác, chi tiết để làm gì thiếu một cái nhìn tổng quan xuyên suốt chiều dài lịch sử nước nhà.

Có những lúc nói chuyện với một số bạn bè đồng trang lứa, em cảm thấy buồn vì một số bạn bè dễ dàng nói những câu như “ghét môn Sử”,”học Sử để làm gì”, và thậm chí nói rằng mình “mù Lịch Sử” mà cảm thấy như đó là một chuyện hết sức bình thường. Với cách dạy Sử hiện nay thì Lịch Sử nước nhà chỉ e là ngày càng mai một.

Em xin chào thầy.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét