Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Chạy theo bài báo khoa học?

Bác Văn Như Cương lại lên tiếng. Và, không thể bỏ qua ý kiến của bác ấy, nhất là những ý kiến liên quan đến giáo dục đại học và làm khoa học. Tôi có cảm giác những gì bác viết trong bài là bác muốn nói với bác Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, anh Phạm Đức Chính, và tôi. Chẳng hạn như bác nói “Có người nói rằng GS của ta chỉ có một số ít người xứng tầm thế giới” là nói đến bác Tụy rồi. Hay câu “Một số nhà khoa học đưa ra những con số thống kê để chứng tỏ tình hình nghiên cứu khoa học của ta là thấp kém, nào là số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, bằng 1/6 so với Singapore, trung bình mỗi GS mỗi năm chưa có đến một bài báo, số phát minh được cấp bằng sáng chế rất ít” là rõ ràng bác chỉ tay đến anh Hiển, anh Chính và tôi. Còn câu này “Ngay cả việc xem xét chức danh GS, PGS cũng phải phân biệt hai ngạch: ngạch nghiên cứu và ngạch giảng dạy” thì rõ ràng bác lấy đề nghị của tôi đó nhé. :-)

Bác VNC trích lời của “một số sinh viên” rằng “Chúng em chỉ được nghe các GS không xứng tầm giảng bài, còn chưa bao giờ được nghe các GS xứng tầm”. Tôi nghĩ bác chỉ nói cho ... vui thôi, hay nói mỉa mai những ai kêu gọi nghiên cứu khoa học trong đại học. Nhưng xin hỏi bác, “một số sinh viên” là bao nhiêu người, ở đâu, và câu đó nói trong bối cảnh nào? Không có những thông tin đó thì lí giải của bác không thuyết phục được ai.

Nhưng thú thật, đọc qua ý kiến của bác, tôi phải nói là khó mà đồng ý được những gì bác viết. Bác nói rằng giáo sư chỉ cần giảng dạy tốt, chứ chẳng cần nghiên cứu. Nhưng tôi nghĩ để giảng dạy tốt, người giáo sư phải am hiểu môn mình giảng, mà để am hiểu thì phải làm nghiên cứu khoa học. Làm nghiên cứu cũng là cơ hội để cập nhật hóa kiến thức. Do đó, rất khó mà nói giảng dạy tốt mà không cần nghiên cứu. Nếu chỉ giảng dạy hết ngày này sang ngày khác một môn học thì có khác gì là “thợ giảng”. Giáo sư không phải là thợ giảng.

Trong đại học, hai lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học đi song song nhau, nhưng cái nào quan trọng hơn thì là tùy thuộc vào cá nhân và trường. Có cá nhân đặt giảng dạy làm nhiệm vụ chính, và nghiên cứu là phụ, nhưng cũng có cá nhân lấy nghiên cứu làm lĩnh vực hoạt động chính và giảng dạy chỉ là phụ. Trường nhỏ và mới thành lập thì có lẽ nhiệm vụ giảng dạy quan trọng hơn là nghiên cứu. Nhưng một trường mang tầm vóc quốc gia mà không nghiên cứu thì thật là … khó nhìn.

Còn những thống kê về số bài báo khoa học mà tôi, anh Hiển, và anh Chính công bố là sự thật. Tùy theo cách diễn giải, nhưng chúng tôi xem đó là bằng chứng cho thấy năng suất khoa học của ta còn thấp so với các nước trong vùng. Năng suất khoa học thấp là do các đại học chưa đặt nặng vấn đề công bố quốc tế, chưa xem đó là tiêu chuẩn chính để đề bạt giáo sư, hay thậm chí không xem đó là điều cần thiết để cấp bằng tiến sĩ. Thành ra, một trong những cải cách về giáo dục và khoa học là phải đưa vấn đề công bố quốc tế thành một chuẩn mực cho hoạt động khoa học.

NVT

===
http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nld.com.vn/Chay-theo-bai-bao-khoa-hoc/4179339.epi

Chạy theo bài báo khoa học?

Nhiệm vụ chủ yếu của các trường ĐH là đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu khoa học là hoạt động cần thiết để nâng cao hiệu quả đào tạo nhưng không thể đặt lên hàng đầu.

Nếu các giảng viên tập trung vào việc nghiên cứu khoa học, cố viết nhiều công trình có thể đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín, đi dự các hội nghị khoa học quốc tế... để được điểm tốt trong các đợt xét công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) thì tôi e rằng hiệu quả đào tạo sẽ gặp vấn đề. Có người nói rằng GS của ta chỉ có một số ít người xứng tầm thế giới.

Điều đó có thể đúng và có một số sinh viên nói rằng: “Chúng em chỉ được nghe các GS không xứng tầm giảng bài, còn chưa bao giờ được nghe các GS xứng tầm”. Tôi trả lời rằng các GS xứng tầm thường giảng bài ở nước ngoài hoặc đi dự hội nghị, hội thảo nên... đành vậy. Thật là may, nếu tất cả các GS ta đều có tầm cỡ thế giới thì không biết lấy ai giảng bài cho sinh viên ta?

Lực lượng giảng viên trẻ hiện nay khá đông đảo, phần lớn có bằng thạc sĩ và thường đang cố gắng lấy bằng tiến sĩ (TS). Và đó cũng là lực lượng đứng lớp giảng bài. Khuyến khích họ làm TS, PGS, GS, nâng cao thành tích nghiên cứu khoa học là đúng nhưng cũng cần khuyến khích họ nâng cao thành tích giảng dạy, mang lại hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo. Một số nhà khoa học đưa ra những con số thống kê để chứng tỏ tình hình nghiên cứu khoa học của ta là thấp kém, nào là số bài báo đăng trên tạp chí quốc tế chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, bằng 1/6 so với Singapore, trung bình mỗi GS mỗi năm chưa có đến một bài báo, số phát minh được cấp bằng sáng chế rất ít...

Điều đó là đúng để chúng ta thấy mình đang đứng ở vị trí nào về nghiên cứu khoa học. Nhưng từ đó không nên đi đến kết luận là các giảng viên ĐH cần phải tập trung cao độ nghiên cứu khoa học để có thể nâng số bài báo nhiều lần. Không nên khuyến khích việc có bài đăng trên tạp chí quốc tế bằng cách thưởng cho mỗi bài báo số tiền tính bằng USD, như quyết định của Bộ GD-ĐT. Chúng ta đã có một hệ thống viện nghiên cứu, mà nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu khoa học và cũng khuyến khích họ tham gia giảng dạy ĐH.

Trong tình hình hiện nay, trường ĐH cần tập trung cao độ về đào tạo, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học để đưa vào bài giảng những kiến thức hiện đại, cập nhật kết quả mới nhất... Ngay cả việc xem xét chức danh GS, PGS cũng phải phân biệt hai ngạch: ngạch nghiên cứu và ngạch giảng dạy. Trong ngạch giảng dạy cần xét đến những thành tích về đào tạo như: số lượng sinh viên được đào tạo, số các sách tham khảo, chuyên đề đã công bố, số luận văn cao học, luận văn TS đã hướng dẫn...

GS Văn Như Cương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét