Hôm qua đọc báo thấy ngành du lịch Việt Nam đã chọn một biểu tượng mới, kèm theo tiêu đề tiếng Anh A Different Orient và tiếng Việt Việt Nam – Sự khác biệt Á Đông. Tôi thích cái biểu tượng, nhưng hình như tiêu đề tiếng Anh và tiếng Việt … đá nhau!
Đây là biểu tượng mới của du lịch Việt Nam:
Thứ nhất là chữ Orient, chúng ta biết rằng chữ này có gốc Latin là Oriens, có nghĩa là Phương Đông, chứ không hẳn là Á châu. Ngày xưa, Orient dùng để chỉ các nước Trung Đông như Ai Cập, Ba Tư (tức là Iran ngày nay), nhưng sau này thì danh từ này cũng dùng cho các nước Nam Á, Đông Á, và Đông Nam Á. Nếu ai chịu khó chú ý sẽ thấy người Iran quảng cáo những tấm thảm của họ là Orient Rugs hay Oriental Carpets. Nếu chúng ta muốn khác biệt thì chắc chắn phải chỉ ra rằng Việt Nam khác với Iran! Xin ghi thêm rằng, còn có danh từ Far East chỉ vùng Viễn Đông. Người Pháp ngày xưa lập trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient). Tóm lại, Orient không có nghĩa đơn giản là Á châu. Á châu là Asia.
Thứ hai, Orient có biến thể tính từ là Oriental và tính từ này hàm ý xấu. Ở Úc hay Mĩ, theo tôi biết, nói ai đó là Oriental là một sự xúc phạm, không chấp nhận được, vì cách nói đó chẳng khác gì nói An Nam (chỉ người Việt Nam), Miên (người Khmer), Tàu (Trung Hoa), hay Jap (Nhật). Cần nói thêm rằng, Orient và Oriental là hai từ tương đối cổ, ít được dùng trong văn bản ngày nay.
Thứ ba, tôi không thích chữ Sự trong tiêu đề trên. Người không thạo tiếng Việt và tiếng Anh, khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thường dùng sự, và cách dùng phổ biến đến nổi có thể xem là một căn bệnh: bệnh dịch. Thật khó nghe khi dịch communication là sự liên lạc, hay protocol là sự làm việc! Có lẽ ai cũng biết trong cụm từ A Different Orient,chữ Different là tính từ, chứ đâu phải danh từ. Và, vì tính từ, nên không thể nói là sự khác biệt được. Do đó, câu Sự Khác Biệt Á Đông hoàn toàn chẳng ăn nhằm gì với A Different Orient cả. Đáng lí ra, cụm từ A Different Orient phải là Một Phương Đông khác biệt chứ (chú ý có mạo từ a phía trước đề cập đến Orient). Còn nếu Sự Khác Biêt Á Đông thì đáng lẽ phải là An Asian Difference hay An Oriental Difference (nhưng nghe buồn cười quá!)
Thứ tư, theo tôi, cách viết hoa có vấn đề. Tại sao Different được viết hoa? Tại sao Sự Khác Biệt Á Đông tất cả đều viết hoa? Khác biệt là danh từ (hay tính từ) chung, chẳng có gì đặc biệt về chữ này cả, và do đó, chẳng có lí do gì để viết hoa cả.
Tóm lại, tôi nghĩ nếu bản gốc là A Different Orient và bản dịch là Sự Khác Biệt Á Đông, thì cách dịch sai. Nếu bản gốc là Sự Khác Biệt Á Đông, và bản dịch là A Different Orient thì cách dịch cũng sai và không chuẩn. Cần nói thêm rằng các vị trong Tổng cục du lịch từng có một biểu tượng buồn cười như dưới đây (vào năm 2004). Nay họ lại cho ra một biểu tượng tuy tốt, nhưng tiêu đề thì (nói lịch sự) là chưa đạt. Chẳng hiểu những tiến sĩ tiến siếc trong đó ăn học như thế nào mà một chuyện đơn giản như thế mà cũng làm chưa đạt.
Còn nhớ biểu tượng sexy được đề xướng cho ngành du lịch Việt Nam năm 2004?
Tôi để cho các bạn suy nghĩ và đề nghị tiếp. Tuy nhiên, viết cho vui thế thôi, chứ người ta đã quyết định hết rồi. Cái khổ của hệ thống trung ương hóa là ở đây: người ta nghĩ rằng người ta ngồi ở trung ương, là những người tài giỏi nhất, thông minh nhất, biết hết mọi chuyện. Nhưng có nhiều khác biệt giữa they think they know và they know.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét